LỊCH SỬ CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC – KỲ 5

căn cứ lõm

PHẦN THỨ HAI

QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, PHÁT TRIỂN VÀ PHONG TRÀO CÁCH MẠNG TẠI CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC

I. QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG CĂN CỨ LÕM CÁCH MẠNG B1 HỒNG PHƯỚC VÀ PHONG TRÀO CÁCH MẠNG Ở HỒNG PHƯỚC TỪ SAU HIỆP ĐỊNH GIƠNEVƠ ĐƯỢC KÝ KẾT ĐẾN TRƯỚC KHI QUÂN MỸ ĐỔ BỘ VÀO ĐÀ NẴNG (1954- 1965)

1. Mỹ – Diệm thực hiện chính sách “tố cộng”, “diệt cộng” và yêu cầu cấp thiết về sự xây dựng căn cứ lõm cách mạng B1 Hồng Phước dưới ánh sáng Nghị quyết 15 của Đảng

Ngày 20 tháng 7 năm 1954, Hiệp định Giơnevơ về chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Đông Dương được ký kết. Theo tinh thần của Hiệp định, đất nước ta phải tạm thời chia cắt làm hai miền. Miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân miền Bắc tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Bắc trở thành hậu phương lớn của cách mạng cả nước. Trong lúc đó, miền Nam còn phải nằm trong vòng kìm kẹp của đối phương. Nhân dân miền Nam còn phải tiếp tục tiến hành cuộc cách mạng dân chủ nhân dân.

Trước tình hình đó, ngày 22 tháng 7 năm 1954, trong Lời kêu gọi sau khi Hội nghị Giơnevơ thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trung, Nam, Bắc đều là bờ cõi của ta, nước ta nhất định sẽ thống nhất, đồng bào cả nước nhất định sẽ được giải phóng”[1]. Trong bối cảnh đó, dưới ánh sáng đường lối sáng suốt của Đảng và Bác Hồ, được sự chỉ đạo trực tiếp của các cấp ủy địa phương, nhân dân thôn Hồng Phước đã cùng nhân dân huyện Hòa Vang và thành phố Đà Nẵng, toàn miền Nam và cả  nước anh dũng bước vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Bước vào thời kỳ mới, theo quy định của Hiệp định Giơnevơ, Hồng Phước nằm trong vùng địch kiểm soát. Tình hình tư tưởng trong nhân dân diễn biến rất phức tạp, vừa vui mừng vì chấm dứt chiến tranh, hòa bình lặp lại, nhưng buồn vì đất nước phải tạm thời chia cắt, quê hương vừa trải qua những ngày sục sôi cách mạng và vui mừng trước thắng lợi oanh liệt của quân dân ta ở Điện Biên Phủ và khắp nơi trong cả nước, nay lại phải sống trong sự kìm kẹp của đối phương và liệu hai năm sau, tức vào khoảng tháng 7 năm 1956, có tổ chức được Tổng tuyển cử để thống nhất đất nước hay không, hay là Mỹ – Diệm sẽ lật lọng, không tham gia tổ chức Tổng tuyển cử nhằm chia cắt lâu dài đất nước ta. Nhiều nỗi lo lắng khác, như nhân dân miền Nam sẽ sống ra sao, kẻ địch có trả thù những người tham gia kháng chiến hay không, nhưng nhờ ta làm tốt công tác tuyên truyền vận động nên đa phần nhân dân ổn định về tư tưởng, yên tâm làm ăn sinh sống và tích cực tham gia vào các phong trào đấu tranh đòi địch thi hành Hiệp định Giơnevơ, thực thi các chính sách về dân sinh, dân chủ.

Tháng 8 năm 1954, Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng đã quyết định thành lập Huyện ủy Hòa Vang bí mật, do đồng chí Mai Đăng Chơn làm Bí thư, nhằm tiếp tục lãnh đạo phong trào cách mạng trong huyện trong giai đoạn mới. Sau khi thành lập, Huyện ủy bí mật Hòa Vang liền triệu tập một cuộc Hội nghị cán bộ toàn huyện tại thôn Phước Nhơn nhằm quán triệt chủ trương mới của Đảng về chuyển hướng hoạt động của cách mạng miền Nam trong tình hình mới. Đến tháng 10 năm 1954, Huyện ủy bí mật Hòa Vang tổ chức Hội nghị Huyện ủy mớ rộng tại thôn Thạch Bồ quyết định thực hiện sự chỉ đạo của Tỉnh ủy Quảng Nam – Đà Nẵng về việc chuyển toàn bộ hoạt động và tổ chức Đảng vào hoạt động bí mật. Đồng thời, tại Hội nghị quan trọng này, Huyện ủy cũng quyết định kiện toàn tổ chức từ huyện đến cơ sở và các hình thức hoạt động cho phù hợp với tình hình. Huyện ủy đồng thời quyết định thành lập các Đoàn công tác để trực tiếp chỉ đạo các Chi bộ Đảng ở các xã, thôn. Mỗi đoàn công tác, tùy theo tình hình, có từ 3 đến 9 đồng chí.

Trong thời gian đầu sau Hiệp định Giơnevơ, trên địa bàn Hòa Vang, Huyện ủy bí mật Hòa Vang vẫn chỉ đạo phong trào theo đơn vị xã như thời kỳ cuối cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Theo đó, Đoàn Công tác của xã Hòa Liên (lúc này Hồng Phước là thôn thuộc xã Hòa Liên) do đồng chí Đào Ngọc Chua làm Trưởng đoàn, phụ trách chung. Nhưng địa bàn xã Hòa Liên lúc bấy giờ khá rộng, nên được chia ra từng vùng nhỏ, mỗi vùng có một đoàn công tác, do một đồng chí cán bộ phụ trách, chỉ đạo. Theo đó, vùng Đa Phước – Hồng Phước do đồng chí Lê Trung Nghĩa chỉ đạo, vùng Kim Liên – Xuân Thiều do đồng chí Trần Đắc Dậu chỉ đạo…

Nghiêm chỉnh chấp hành Hiệp định Giơnevơ về chuyển quân tập kết, Huyện ủy bí mật Hòa Vang đã quyết định tổ chức cho hầu hết cán bộ, đảng viên, bộ đội tại địa phương tập kết ra Bắc. Một số đồng chí đã đi vào Bình Định, xuống thuyền ra Bắc. Một số đồng chí khác đã lên miền núi Quảng Nam và được Ban cán sự miền Tây Quảng Nam xoi mở đường dọc Trường Sơn đưa ra Bắc, một số đồng chí đã ở lại hoạt động tại căn cứ địa miền núi Quảng Nam, sau đó về hoạt động tại huyện nhà. Các đồng chí được phân công ở lại, bám trụ địa bàn, được chuyển vào hoạt động bí mật. Các Chi bộ được tổ chức theo hình thức Chi bộ thôn hoặc liên thôn. Một số đảng viên được chỉ định hoạt động đơn tuyến. Các tổ chức Đảng và đảng viên phải tuyệt đối giữ gìn bí mật, tránh bị lộ, nếu bị lộ và phải lên căn cứ miền núi hoặc chuyển vùng hoạt động để tránh bị địch bắt bớ, tránh bị lộ lọt tổ chức và cơ sở cách mạng. Lúc này, việc móc nối, xây dựng cơ sở cách mạng có ý nghĩa hết sức quan trọng, sống còn đối với ta, trước hết, nhằm tránh nguy cơ mất cơ sở, mất phong trào, mất địa bàn đứng chân trong vùng địch kiểm soát mà ta đã dày công xây dựng trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trong một tình thế ta bất lợi hơn địch. Vì vậy, Huyện ủy bí mật Hòa Vang đã quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng cơ sở quần chúng cách mạng, mà trước hết là bắt đầu từ những cơ sở trung kiên, gia đình trung kiên được xây dựng từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp đến nay vẫn giữ được bí mật, chưa bị địch phát hiện. Ở Hồng Phước, Huyện ủy bí mật và Đoàn công tác xã Hòa Liên, mà trực tiếp là Đoàn cán bộ vùng Đa Phước – Hồng Phước do các đồng chí Lê Trung Nghĩa, Tăng Ngọc Phương, Nguyễn Nồng phụ trách đã bí mật về Hồng Phước gặp các gia đình cơ sở ở đây, cụ thể là: gia đình ông Dương Chương và bà Phạm Thị Dĩ,  gia đình ông Lê Văn Mùi và bà Nguyễn Thị Liên, gia đình ông Đinh Viết Lãng và bà Lê Thị Cảnh (bà Hoài), gia đình ông Lê Văn Sanh và bà Hà Thị Mau,… Các gia đình cơ sở này được móc nối lại, trở thành những cơ sở bí mật, làm nòng cốt cho việc móc nối xây dựng và phát triển cơ sở, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phong trào đấu tranh đòi dân sinh, dân chủ; đòi địch thi hành Hiệp định Giơnevơ, hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà…

Lúc bấy giờ, những bài thơ cách mạng của Nhà thơ Tố Hữu, nhất là bài “Ta đi tới” (sáng tác vào tháng 8 năm 1954, ở miền Bắc) rất được phổ biến, lưu truyền rộng rải, như những câu thơ lục bát sau đây trong bài thơ:

      Dù ai nói ngả nói nghiêng

Lòng ta vẫn vững như kiềng ba chân

Dù ai rào giậu ngăn sân

Lòng ta vẫn giữ là dân Cụ Hồ.

Về phía địch, ngay sau khi hiệp định Giơnevơ vừa được ký kết, ở các xã cánh Bắc Hòa Vang, Mỹ – Diệm và các tổ chức đảng phái phản động ở khắp nơi đã nhanh chóng thực hiện ý đồ và dã tâm của chúng.Với bản chất phản động phục thù giai cấp, một số phần tử thuộc giai cấp địa chủ phong kiến trước kia bị ta đánh đổ, nay cấu kết với các đảng phái phản  động, lập danh sách những đảng viên  cốt cán, những cơ sở trung kiên của ta ở từng thôn, từng xóm để tiến hành bắt bớ tra tấn, tù đày  hoặc thủ tiêu nhằm làm cho nhân dân phải kinh sợ khủng khiếp đi đến chổ xa rời cách mạng, xa rời Đảng. Chúng xóa bỏ tất cả các quyền tự do dân chủ, cấm đoán không cho quần chúng không được “quần tam, tụ ngũ”, tụ tập đông người…

Về xây dựng chính quyền, ngay sau Hiệp định Giơnevơ, chúng đã chú ý xây dựng bộ máy tề điệp ở từ cấp huyện đến xã, thôn để nắm bắt tình hình và kìm kẹp nhân dân ta. Ngày 22 tháng 10 năm 1956, Ngô Đình Diệm ra sắc lệnh thay đổi địa lý hành chính trên toàn miền Nam, theo đó, huyện Hòa Vang đổi thành quận Hòa Vang. Chúng thành lập xã Hòa Khánh (danh xưng xã Hòa Khánh có từ đây). Xã Hòa Khánh gồm có 4 ấp là Đa Phước, Hồng Phước, Đà Sơn và Khánh Sơn. Dưới mỗi ấp, chúng chia ra làm nhiều liên gia, mỗi liên gia gồm 5 gia đình, do một tên liên gia trưởng đứng đầu. Mười “liên gia” hợp thành “ngũ gia liên bão”. Bọn ấp trưởng, liên gia kìm kẹp nhân dân trong ấp rất chặt, chúng theo dõi ngày đêm, để mắt đến từng gia đình, nhằm phát hiện cán bộ của ta về “nằm vùng” trong dân. Chúng lập danh sách các gia đình có người tham gia kháng chiến, những gia đình cơ sở của ta thời kháng chiến chống Pháp. Chúng tiến hành phân loại nhân dân, dán bảng “Gia đình tình nghi can cứu” trước các nhà có người tập kết ra miền Bắc hoặc thoát ly hoạt động cách mạng.

Cùng với việc xây dựng chính quyền, Mỹ – Diệm đã tiến hành các cuộc vây ráp, bắt bớ, giết hại những người kháng chiến cũ; bắt bớ, giam cầm những người tham gia đấu tranh đòi hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước và những người không ủng hộ chế độ độc tài, gia đình trị của anh em Ngô Đình Diệm. Đặc biệt, từ tháng 2 năm 1955, chúng bắt đầu mở chiến dịch “tố cộng”, “diệt cộng” với tên gọi là chiến dịch Phan Châu Trinh, mở đầu thời kỳ Mỹ – Diệm “tiêu diệt vi trùng cộng sản”. Tài liệu “tố cộng” của chúng nêu rõ: “ Mục đích tố cộng là đánh trên diện rộng lúc đầu, sau đó đánh vào chiều sâu, đánh cả nông thôn và thành thị, tập trung nơi có phong trào cách mạng. Đánh vào Đảng Cộng sản và đánh cả vào dân, đánh vào Đảng cộng sản là mục tiêu quyết định nhất, vừa tiêu diệt con người, vừa tiêu diệt tinh thần tư tưởng. Tất cả đều nhằm mục đích tối hậu là làm cho người cộng sản hoặc bị tiêu diệt, hoặc chịu khuất phục quốc gia, làm cho quần chúng hoặc chết, hoặc trở thành người dân quốc gia”.

Chúng gây ra hàng loạt vụ thảm sát như ở Chợ Được, Cây Cốc, Vĩnh Trinh… với những thủ đoạn giết người cực kỳ man rợ, như đóng đinh vào đầu hay bắt người, bỏ vào bao tời sọc xanh rồi thả trôi sông… Mục đích của chúng là nhằm tấn công cách mạng miền Nam, làm nhụt ý chí kháng chiến của nhân dân miền Nam. Hồng Phước là một thôn của ta (là một ấp của địch), nằm trong tình hình chung đó, nhưng do vị trí của thôn: không nằm áp sát núi như thôn Thanh Vinh cũng không nằm dọc đường Quốc lộ I như Đa Phước, Kim Liên, Xuân Thiều, kẻ địch ít để ý hơn và bộ máy kìm kẹp của chúng ở đây tương đối lỏng lẻo; ở đây cơ sở của ta mạnh, lực lượng quần chúng thuần khiết cách mạng, có nhiều yếu tố thuận lợi trong việc xây dựng trở thành căn cứ lõm cách mạng. Mặt khác, do vị thế của thôn, Hồng Phước được các thôn Thanh Vinh, Đa Phước, Xuân Thiều, Kim Liên, Thủy Tú, Trung Sơn, Xóm Trại, Phái Sáu (đều có cơ sở cách mạng vững mạnh) che chắn nên an toàn hơn, mỗi khi có địch truy lùng, được các thôn bạn báo động, cán bộ ta ở đây kịp thời lui vào bí mật, nhân dân trong thôn trở lại với các sinh hoạt bình thường của một vùng quê. Điển hình như nhà của bà Võ Thị Nhự (Mẹ Chinh) [2] ở xóm Phái Sáu (thôn Quan Nam, xã Hòa Liên) là địa điểm trung chuyển mọi thông tin liên lạc từ Hồng Phước lên Phái Sáu, qua nhà Mẹ Chinh để chuyển lên căn cứ và ngược lại. Đây chính là điểm hỗ trợ huyết mạch cho B1 Hồng Phước trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Cho nên, thuận lợi hay khó khăn, mạnh hay yếu của phong trào cách mạng ở Hồng Phước đều gắn với phong trào cách mạng của các thôn bạn xung quanh. Khi phong trào các xã cánh Bắc Hòa Vang lên mạnh, thế địch yếu, thì sự an toàn của Hồng Phước tăng lên, ngược lại, khi phong trào ở các xã cánh Bắc Hòa Vang gặp khó khăn thì sự an toàn của Hồng Phước đứng trước những nguy cơ tiềm ẩn. Nhưng dù trong hoàn cảnh nào, do lợi thế cả về mặt thiên thời, địa lợi và nhân hòa, phong trào cách mạng ở Hồng Phước vẫn phát triển, cơ sở cách mạng luôn được móc nối, liên lạc, xây dựng và củng cố. Hồng Phước vẫn giữ được thế hợp pháp trong tình hình Mỹ – Diệm thực hiện đàn áp, khủng bố dữ dội. Ngay từ những ngày đầu tiên Hiệp định Giơnevơ có hiệu lực, nhân dân Hồng Phước đã tích cực tham gia vào phong trào đấu tranh chống Mỹ – Diệm của nhân dân trong vùng. Trong các cuộc mít tinh chào mừng Hiệp định Giơnevơ, nhân dân Hồng Phước đã cùng nhân dân các xã cánh Bắc Hòa Vang nêu các yêu sách đòi chế độ Ngô Đình Diệm phải nghiêm chỉnh chấp hành các điều khoản ghi trong Hiệp định Giơnevơ, thực hiện hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất nước nhà. Đông đảo quần chúng đã hưởng ứng phong trào vận động thành lập các Ban đấu tranh đòi thống nhất nước. Ban này hoạt động dưới hình thức viết đơn lấy chữ ký để gửi cho chính quyền Ngô Đình Diệm.

Song song với phong trào đấu tranh đòi địch nghiêm chỉnh thực hiện Hiệp định Giơnevơ, lúc bấy giờ, ở Hồng Phước và các xã cánh Bắc Hòa Vang nổi lên  phong trào đấu tranh chống chính sách “cải cách điền địa” của địch, đòi giữ nguyên canh ruộng đất đã được chia trước đây; đồng thời đòi địch không được cấm dân lên núi hái củi, không được cấm dân đánh bắt cá vào ban đêm… Phong trào này tuy diễn ra có chừng mực nhưng tập dượt cho quần chúng đấu tranh công khai, lý lẽ với địch.

Ngày 21 tháng 7 năm 1955, hưởng ứng phong trào “Vì hòa bình” và nhân kỷ niệm một năm ngày ký kết Hiệp định Giơnevơ, một lần nữa, nhân dân Hồng Phước tham gia cuộc xuống đường lớn của nhân dân Hòa Vang và Đà Nẵng, diễn ra ngay tại trung tâm thành phố Đà Nẵng, với các khẩu hiệu đòi địch thi hành Hiệp định Giơnevơ, đòi hiệp thương tổng tuyển cử và đòi các quyền lợi về dân sinh, dân chủ.

Nhằm phá hoại Hiệp định Giơnevơ và tạo cơ sở pháp lý cho chế độ tay sai của Mỹ ở miền Nam, Ngô Đình Diệm tổ chức riêng lẻ một cuộc “trưng cầu dân ý” để truất phế Bảo Đại- tay sai của thực dân Pháp, và đưa mình lên làm tổng thống. Mỹ – Diệm tổ chức míttinh, tuyên truyền về  “Tuyển cử tự do”, về công đức của Ngô Chí sĩ…

Sáng sớm ngày 23 tháng 10 năm 1955, binh lính, cảnh sát, nhân viên hành chính toả của chúng về các ngã đường bắt nhân dân đi bỏ phiếu. Để ủng hộ Diệm, bộ máy tay sai địch công khai tuyên truyền “Xanh bỏ giỏ, đỏ bỏ thùng” (phiếu xanh của Bảo Đại bỏ vào giỏ rác, phiếu đỏ của Ngô Đình Diệm bỏ vào thùng phiếu).

Thực hiện chủ trương của Huyện uỷ Hòa Vang, được sự chỉ đạo Đoàn công tác Đa Phước – Hồng Phước do các đồng chí Lê Trung Nghĩa, Tăng Ngọc Phương, Nguyễn Nồng phụ trách, nhân dân thôn Hồng Phước đã tham gia phong trào đấu tranh phá cuộc bầu cử lừa bịp của Mỹ Diệm, vạch mặt tên bán nước Ngô Đình Diệm. Những người đi “bầu cử” được ta vận động “Xanh bỏ giỏ, đỏ bỏ (túi ) quần”, có nghĩa là phiếu xanh của Bảo Đại thì bỏ vào giở rác, còn phiếu đỏ của Diệm thì bỏ vào túi áo quần, không bỏ cho Bảo Đại cũng không bỏ cho Ngô Đình Diệm. Nhiều người dân trong thôn viện lý do như đi làm ăn xa hay bận công việc đồng áng… để lánh trớ và kéo dài thời gian bỏ phiếu, gây cho địch nhiều khó khăn.

Ngày 4 tháng 3 năm 1956, Mỹ – Diệm tổ chức bầu cử “Quốc hội”, thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy Hòa Vang và Đoàn công tác xã Hòa Liên,  Đoàn công tác  Đa Phước – Hồng Phước đã tổ chức rãi truyền đơn để phản đối, tẩy chay cuộc bầu cử. Cán bộ ta đã đặt vè để phản đối cuộc bầu cử Quốc hội của địch:

“Quốc hội” hành tội dân ta

                            Tan cửa nát nhà cũng vì “Quốc hội”.

Tuy nhiên lúc bấy giờ, nhìn chung phong trào cách mạng của nhân dân trên địa bàn các xã cánh Bắc Hòa Vang nói chung và thôn Hồng Phước nói riêng gặp nhiều khó khăn, địch tung tề điệp vào nhiều thôn xóm để dò la nắm bắt tình hình, lập danh sách những người chúng tình nghi là chống đối chúng.

Cùng với phong trào đấu tranh chống “trưng cầu dân ý” và bầu của Quốc hội của Diệm, nhân dân Hồng Phước còn tích cực tham gia đấu tranh bảo vệ những thành quả giành được trong kháng chiến và đấu tranh đòi các quyền lợi về dân sinh, dân chủ, nhất là đấu tranh chống lại các lệnh cấm gây cản trở công việc làm ăn thường ngày của nhân dân như cấm vào núi Thanh Vinh hái củi, cấm đánh cá trên trên các ao hồ vào ban đêm…

Từ tháng 7 năm 1956, Mỹ – Diệm mở chiến dịch “tố cộng” mang tên chiến dịch Hoàng Diệu. Từ đó đến năm 1959, chúng lấy “tố cộng”, “diệt cộng” làm quốc sách, mà đỉnh cao là việc ban hành Luật số 10/59 “đặt cộng sản ra ngoài vòng pháp luật”.

Đây là giai đoạn Mỹ – Diệm lê máy chém đi khắp miền Nam nước ta.

Từ đây cho đến trước khi Nghị quyết 15 của Đảng ra đời, địch đánh phá phong trào cách mạng ở các xã cánh Bắc Hòa Vang, trong đó có thôn Hồng Phước, xã Hòa Khánh, huyện Hòa Vang quyết liệt hơn.

Trong các trại “Cải huấn” (thực chất là trại “Tố cộng”), ngoài các thủ đoạn man rợ như “sám hối”, “tống tà” cộng sản, Mỹ – Diệm còn dùng đinh mười đóng vào 10 đầu ngón tay, ngón chân của cán bộ ta; hoặc đổ nước ớt, xà phòng vào mũi, vào miệng, hoặc cho đi “tàu thuỷ” (hình thức bỏ nạn nhân vào thùng phuy đầy nước và dùng cây gậy đánh vào thùng phuy, nạn nhân có thể bị tức ngực đến hộc máu miệng)… Nhưng ở mặt khác, cùng với khủng bố, dọa dẫm, chúng lại dùng nhiều hình thức nhằm mua chuộc cán bộ, đảng viên và cơ sở của ta, qua đó dụ dỗ những người non gan, nhẹ dạ, đầu hàng để rồi bị chúng bắt lên diễn đàn nói xấu Đảng, xé cờ Đảng và tuyên bố ly khai Đảng. Có thể nói đây là những thủ đoạn hết sức thâm độc của kẻ thù nhằm hạ uy thế của Đảng và cách mạng miền Nam. Nhưng ngược lại với âm mưu đen tối của kẻ thù, phần lớn các cán bộ, đảng viên, cơ sở cách mạng và nhân dân ta vẫn kiên định lập trường cách mạng, một lòng một dạ với Đảng, kiên cường đấu tranh và không bị địch khuất phục.

Các gia đình cách mạng ở Hồng Phước vẫn một lòng trung thành với cách mạng, vẫn tiếp tục nuôi giấu, che chở, đùm bọc các đồng chí cán bộ, đảng viên, cơ sở cách mạng như trong thời kỳ chống thực dân Pháp xâm lược, và mong đợi đón nhận được chủ trương mới của Đảng.

[1] Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb Sự Thật, Hà Nội, 1987, trang 3.

[2] Mẹ Chinh là cơ sở cách mạng nòng cốt ở Phái Sáu (Hòa Liên, Hòa Vang), là mẹ của đồng chí Hồ Văn Chinh, nguyên Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Liên Chiểu.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây