Tác giả Trần Hồ Thúy Hằng

Nhà thơ Trần Hồ Thúy Hằng

TRẦN HỒ THÚY HẰNG 

Trần Hồ Thúy Hằng sinh năm 1975. Bắt đầu viết từ năm 2005; thơ đã đăng rải rác trên Văn Nghệ Tp.HCM, Tạp chí Sông Hương, Non Nước, Nhà văn & tác phẩm và một vài trang văn chương mạng. Sống và làm việc ở Sài Gòn.
Trần Hồ Thúy Hằng

 

Painflute (*)
(tặng cảnh đẹp Sơn Trà qua đôi mắt của tôi)

Ôi… flute
là tiếng sáo trên cao
hay thanh âm của núi rừng
có tiếng nước chảy trên non
cá lội dưới suối
tiếng chim rừng véo von
như hơi thở gió
một làn nước man mác
áp trên khuôn mặt thời gian
*
màu xanh của lá
màu đỏ trái chín
trắng của mây
những lá vàng cuối thu
rơi vội
xa hơn tầm mắt
màu của biển
biếc xanh
từng lọn sóng
bạc màu đất mẹ
*
tôi nghe âm thanh của flute
khúc nhạc trầm
tiếng hát tiền nhân
đang quay về
là bản nhạc thời gian
trên nền hồn dân tộc
mỗi chặng đường đi qua
từng bước đắng cay
với đôi chân trần
và hai bàn tay trắng
khí giới là gậy gộc
nhưng không cúi đầu

T.H.T.H
Đà Nẵng.15/12/2017
(*): Tiếng sáo Trầm- viết nhân nghe khúc nhạc của người dân tộc.

 

XÁC CHỮ
Không còn là chữ bay lên
chỉ thấy những con chữ nằm phơi ra
chết trắng
bốc mùi
chữ chết trên giấy
chết nơi nghĩa địa
chết đầy nhà thương
tràn vào thức ăn

I.
Không còn chỗ chôn
xác chữ
dù là hố chôn tập thể
hay bia mộ
con chữ nhe nanh cười diễu
nó đập vào mặt
vào đầu vào mắt
ngay cả trong giấc ngủ

II.
Những con chữ chưa kịp chết
nó hành hung người qua đường
nó cưỡng đoạt nhà cửa đất đai
phá hoại văn bản
câu kết quyền lực
mua bán phi pháp
phá huỷ đạo đức
nó như dòi bọ
tràn lan trong không khí
nó như gương mặt
to ra nhỏ lại
nó phun nọc độc
giết hại người.

III.
bắt lên bàn mổ
phẫu thuật từng con chữ
đứa thì ung thư
đứa thì trong máu có mỡ
còn đứa bị gan nhiễm chì
không đứa nào ra hồn
trước sau rồi cũng chết

IV.
mặt nó trắng bệch
kêu la khóc lóc
lạy trời lạy phật
chỉ muốn nôn ra
cái đã nuốt vào

V.
giãy dụa…
chết trắng.

28/9/2017

 

Chợ du già
tặng Padma Dharma

tinh sương tôi bày ra
những giấc mơ
bán những bước chân người đi đến
mời chào những điều không có trước
bán nụ cười và bán ánh mắt đang bay
*
những người mua không thấy bóng
hân hoan trả tôi
đôi cánh ngày.
10/10/2017

Trần Hồ Thúy Hằng

Four season (*)
The Spring
…ô cơn gió mát tràn màu xanh cỏ ươn ướt ngậm sương ngày xuân sớm. từng cánh lá cong ngọn trong gió mang theo mùi trinh nguyên nỏn xanh. nụ hoa từ từ mở mắt là các nàng kiêu sa lys loa kèn hồng đài các hay cô gái thôn giả mimosa thạch thảo và kênh kiệu như ả cẩm chướng. các hoàng tử ong bướm tha hồ gạ tình.
làn gió cùng hòa chung tiết xuân ấm áp. cái se se mát ngày mới chút lã lơi. tia nắng phớt đứng bóng mang mùi hương thoang thoáng trong gió ngã. chú chim non cũng cất tiếng se sẻ nơi hừng đông rạng đỏ. các chú côn trùng cũng thay áo mới ngày xuân. tiếng nước rơi rơi khoát lên mầm sống.
nàng xuân rực rỡ áo bào hạnh phúc có đôi mắt tình tự và cặp môi mĩm cười. giai điệu du dương của cây sáo trúc từng bước êm. thanh âm nhẹ mỏng ngân xa. dang cánh tay mở lớn cả một trời xuân. ta ta ta ta ta ta ta ta ta…

 

Summer
…gió thổi nhẹ mang theo cái hanh hanh vào hạ. nắng cũng gắt dần từng cung bậc. tia chiếu sáng hoa chói mắt mảng xanh kia bị dúm lại từng cụm vàng đom đóm. côn trùng dáo dát tìm chổ trú. hạt cát dưới chân nóng hổi. lá cũng lay nhẹ trong gió đứng.
có tiếng kêu… ngày oi bức lan lan lan một không gian rộng. hồ nước hụt thêm. những chú cá ngột ngạt bơi lên đớp bong bóng. cây lúa chuyển vàng bông say hạt. tiếng hót cũng chui vào bụi cây tránh nắng. đất đổ mồ hôi da sạm căng mình chịu đựng. hỏa châu trên cao rực lửa. âm thanh dây đàn căng nhịp. tiếng thở gấp hòa trong không khí một summer kiệt sức.
hối hả…trốn chạy…

 

Autumn (*)
…sợi gió giao mùa chiếc lá trên cành ửng đỏ những chấm li ti xuyên qua kẻ nắng. sự thay đổi bước vào thu. tiếng hót mỗi lúc nhiều hơn sau thời gian mệt mỏi. cánh hoa cũng héo tàn trên bước đường nắng gió. không khí dìu dịu sau tháng ngày giận dữ.
cỏ dưới chân bắt đầu xanh những mầm sống. thân trúc uốn cong đầu ngọn gió. chiếc lá phong nay nhuộm đỏ -vàng tươi sắc thắm. âm thanh rơi rơi từng chiếc xoắn khô khẻ chạm.
ôi một màu vàng-đỏ rực dày qua từng ngày. hàng cây như khung nhạc sâu hút mắt. màu đỏ phản chiếu màu mây nét ráng chiều. côn trùng giao phối ẩn sau lớp lá. giọt sương bay bay áp vào thân cây nứt. những tiết tấu nhẹ lướt trong khoảng khắc chia ly. thở cạn cánh tay buông lơi…
hơi thơ trổi dậy ca từ nhảy múa. tiết tấu yêu thương. sự ra đi để sống lại mầm mới.
hành khúc bất tuyệt…

 

winter
…gió chở không khí nặng hơn sự di chuyển dày trong độ ẩm ngày đông nước trên cao hay một khối bông tuyết. cuộn mây bắt đầu nứt rạn sau những ngày ngủ quên. chỉ có gió lay thức từng khối trắng.
rơi rơi rơi mãi những hạt tròn bông trắng. cái lạnh của hoa co quắp từng cánh run run bần bật. cành cây khô gắn vương miện màu bông bưởi. dưới chân không còn màu đất lớp đá dày thêm một ngày mới. ký sinh trùng ngủ đông trên áo.
ánh sáng hiếm như lời sám hối. ôi ẩm ướt hơi thở ngạt bàn tay cứng vô giác. không gian lặng ngắt chỉ có tiếng rơi ngoài cửa. chung quanh là tuyết đứng- nằm- ngồi- đi- ngủ cũng là tuyết. hụt hơi thơ chỉ còn níu giữ cái thở.
ôi núi tuyết người tuyết thông tuyết vẻ đẹp lạnh lùng của nàng làm tim tôi băng giá. cuộn tròn trong ý nghĩ ngày tuyết
lời thơ đông cứng…

ngày 22-01-2017
………………………………..
(*) tên bản nhạc của nhà soạn nhạc Vivaldi (4-3-1678 – 28-7-1741)

Trần Hồ Thúy Hằng

Bay
( cho tôi và gió)
Một ngày kia, tôi sẽ bay. Chắp đôi cánh trong suốt nhẹ hơn không khí nhiều lần và nhanh hơn hẳn gió.
Những thanh âm nhỏ chỉ còn phía sau tôi, cụm mây rồi cũng lui lại trong quá khứ. Năng lượng đẩy tôi đi là tốc độ triệu triệu lần ánh sáng.
Sức mạnh đâm xuyên qua nhiều lớp vỏ sù sì nham nhám, cái thường ngày tôi phải ăn, ngủ và sống là không khí. Nhưng hôm nay tôi muốn bay vọt ra khỏi trái cam này. Không còn bất cứ thứ nào tồn tại nơi đây, tôi cũng không. Chỉ là một ánh sáng trong triệu triệu thái dương.
Ngày 16/8/2015
T.H.T.H

 

HẺM PHỐ TRỊNH

Rẽ về nam
chậm lướt
những bước chân lăn
chồi lá non vụt sững đứng
đọt nắng chưa đâm tới
tiếng kêu khan
không gian trầm uất
cánh môi quấn chặt

Chỉ có những chuyển động mặt phẳng
nằm ở ngón chân
cúi xuống
nhụy hoa
khép mở
nhểu dòng vàng ấm
trên da thời gian

Cung bậc
bật
nghiền nát
mùi ngọc lan xanh
khản đục đêm
hoang dã cắn
những bước trưa mọc cạn
chỗ ngồi
góc tường loang vàng ố

khúc xạ chiều nghiêng
47 đường hẻm khuất.

T.H.T.H

 

Nhà mới
(tặng nhà và những tôi)

Tường thơm mùi mộng
Ngã sơn màu ước
Cửa run cơn gió đẩy
Long lanh mắt gạch chờ.

Chiếc ghế ấm nồng hơi anh
Ly café rừng rựng bên môi
Bờ vai gẩy đêm cùng tận
Ôm em trong hơi thở ngày mới

15.02.2015

 

Café
Bình minh mắt đỏ
Gà gáy xô tiếng côn trùng vào ngỏ hẹp
Màn sương rịn mồ hôi ẩm
Gió mơn dịu êm

Chiếc bàn lạnh ban mai
Tách café ấm nồng
Mùi mê thoang thoảng tinh sương
Làn khói mỏng chào ngày khác

16.02.2015

 

Tĩnh vật

Buổi sáng đơn
Ánh mắt chạm tĩnh vật
Tách trà úp một góc riêng
Mùi khói ám trốn tìm

Bao thuốc trống không
Em ngồi lặng nghe hơi thở nhịp
Âm sắc anh là nỗi dịu êm
Tiếng gõ từng đêm không gian mịt

Ngày 9.3.2015
T.H.T.H

 

Tờ lịch
(ngày của tôi)

Con số 7 lạc lỏng của từ đơn
Bước ra khuôn mặt tình yêu
Chạm nơi da thịt sự sống
Khắc thời gian đậm ngày

Bàn tay vuốt chiêm bao
Lời thì thầm trong mộng
Xiết chặt hơi thở rối lời
Ngày 7 bay lên niềm ước

Ngày 9.3.2015
T.H.T.H

Bài ca giã từ

Tôi bước ra từ câu chuyện không có thật, như một giấc ngủ mộng mị. Lời ca đứt khúc trong ý nghĩ; đúng rồi mình đang mơ chỉ có thể là mê. Tôi không muốn ngủ nữa ngay cả giấc mộng đẹp xấu. Vẻ đẹp ư? Hạnh phúc ư? Và tình yêu? Những thứ đó chỉ là mạng nhện; nó siết cổ tôi sắp chết. Bằng một sức mạnh tĩnh thức, tôi vùng dậy xé nát cái ảo ảnh ma mị này.
Ánh sáng. Đó là sự huyền nhiệm. Một sức mạnh vô hình gột sạch mọi rác rưởi đã bám vào tôi sâu dầy. Mặt trời phương tây hút tôi như cơn lốc xoáy; tôi tan vào mây không màu.
Xin từ giã màu của nước, hơi của gió và những thanh âm lạ-quen của nơi đến và đi. Như một khách trọ.

T.H.T.H
26.10.2015

Symphone No 9 (*)
… thanh âm rượt đuổi thanh âm to dần mạnh hơn hụt hơi nghiêng ngã từ từ chậm cuối…
giai điệu du dương của bàn chân nhón gót xoay xoay dang đôi cánh của thiên thần khép mắt thả hồn trong ve vuốt gió. sự xuất hiện của đôi cánh mới nâng nhẹ dáng xoay tròn bờ môi chín. thanh âm tắt nghẹn chỉ còn hơi thở gió hôn đôi mi lướt sóng.
tiết tấu của tình yêu nghẹt thở nhịp ba nhịp ba nhịp ba nhỏ dần nhỏ nữa thật mảnh, xoắn vào nhau ghì sát thầm thì chỉ là ánh nến trong thời gian bất tận. mơn trận bão dồn dập hơi thơ đuối sức.
vỡ òa không gian tiếng kêu trống tuột giấc mơ dang dỡ, gục đầu nghẹn từng nốt nhạc rơi hồn tắt. tiếng thét gầm đục thính giác không còn nhận biết cái thanh âm rời rạc trốn tìm. cái gì đây? tôi sao thế? không không không… tôi không.
bàn tay vuốt nhẹ nơi cuối cùng sự sống, đứng lên hãy đứng lên và mĩm cười. vô thanh cũng là nốt nhạc âm thanh cũng mọc ra từ ý. Cái thanh âm tuyệt vời không đến từ tiếng động hay ngôn ngữ nó đến từ sự rung động trái tim và sóng không hình
bật dậy nhanh như một tia chớp tôi thấy thanh âm rồi cái không còn thuộc về tôi như trước nhưng tôi biết nó vẫn tồn tại chung quanh tôi. âm điệu không lời… giả dối.
………………………………..
(*) : tên một bản giao hưởng của Beethoven
Ngày 16/1/2017

Trần Hồ Thúy Hằng

 

Đôi mắt
(tặng họa sĩ Phan Ngọc Minh)
*
bên ngoài khung cửa
tiếng động cơ lăn lăn
lao nhanh thiêu thân tìm ánh sáng
âm thanh to nhỏ khoáy động giọt café rơi
tia nắng ấm sau nhiều ngày đứng đợi
chiếc bàn vuông
có đôi mắt
ẩn khuất
*
tôi ngắm bóng mình trong khung bố
dấu tích màu vàng rực rỡ kia
tôi đi tìm mình ngàn năm cũ
nơi có điệu múa của thần shiva
thanh âm cung bậc màu đất
chiếc bình tròn khắc chạm
trong tôi quá lâu
cặp mắt kia làm tôi nhớ
mới đây thôi ngay chỗ này
những cánh tay dang tròn cánh quạt
bước chân nhón gót vũ điệu chim công
tôi thấy mình là chàng nghệ sĩ
đang chiêm ngưỡng vẻ đẹp thiên thần
tôi hòa cùng tiếng hát
tôi múa theo nhịp gõ
tôi vẽ đường cong
khắc trong trí nhớ
*
tôi ngó sững màu vàng úa
trong từng sự đuổi bắt
tôi thấy tim mình ngộp thở
như chiếc lá thu xưa
rơi trên cát
sự bắt chụp thời gian
nhanh hơn cái chớp mắt
tôi đang ngồi trên mặt phẳng
của không gian thụt lùi
mọi thứ bày ra
từng thước phim chiếu chậm
tôi thấy mình đã lạc
trên từng bước chân quen
tôi vén thời gian qua
như lật từng trang sách cũ
tôi đọc
đọc mãi ký tự
trên dấu xưa…

T.H.T.H
ngày 23/02/2017

 

Côn Lôn hành !
Trần Hồ Thúy Hằng

tặng TS Nguyễn Đình Thống

I.
Ánh sáng treo lửng bên sườn
thuyền trôi ký ức đi trên sóng
hàng dừa xa tầm đợi chiều buông
cụm núi mọc từ nước tiếng nói hoang
len lỏi vào thiên nhiên huyền diệu
đông dương tuyệt tác côn lôn
vĩ độ bắc hành sơn
rặng vông đỏ rực đầm trầu
khí ngút sau lằn ranh giới
bầy víc lổm ngổm bãi cát hòn cau
thủy triều lặn ngụp trốn tìm
bọt trắng lao mình sập cửa đầm tre mùa gió chướng
bè vải chuyến đi không về
thập lục sơn hàng rào canh giử

II.
hàng triệu khối đá ngổn ngang kè dọc
giọt máu thấm đường gân xới thịt
kiệt quệ thân tù xeo đá
lằn roi xé vào da cơn thịnh nộ
thân người đan theo mắt xích
con số khắc trong trí nhớ cầu tàu
hầm phân bò nhấn chìm tri thức
xử bắn không tuyên án hành quyết
mẩu xương khô có đúng người đã chết
nghĩa trang hàng dương tắm máu vạn linh hồn
chuồng cọp trơ khung sắt
xiềng xích lăn lóc góc phòng
ngôi trường tư tưởng định hình trên vũng máu
bức tường xé rách hạt muối chui qua khẻ
con chữ gồng mình đòi được sống
nhát dao đâm vào tử huyệt
cánh tay chào giã biệt ở đây
hàng vạn bước chân trở về từ kiếp lưu đày

III.
biển lặng cánh hải âu kéo dài vệt trắng
đôi chân lữ hành dừng bước mông lung
dựa vào quá khứ mỏi mệt
vùng mây quyện thành khói
sắc màu huyền ảo ngã dần trên núi chúa
ngôi nhà khách gọi tên công quán
dựng lên vở kịch giãy chết
quằn quại khổ sai trộn giữa nắng trời
giai điệu tuyệt của lời ủy thác
tiếng sóng ru hồn mê
sẫm màu khí quẫn
gõ lương tri sống khoác
lật căm thù nghiền ngẫm trên da
giải thể thi hành sắc luật

IV.
hàng keo mô đất đắp vội cái tên chưa biết
ngã xuống nhấp nhô bậc thang cấp
mộng viễn sẽ về đâu
hàng vạn mẩu xương không địa chỉ
gửi gió lời trăn trối hận
côn lôn hầm đá xà lim chuồng bò chuồng cọp
gối đầu lời ám muội
mắt rực lửa rã rời
hồn loạn kêu gọi
còn bãi tắm thần tiên cát mịn
trải thảm bước chân lơ láo
tướng ngông chỉ vào ám thị
khóa lời biện chứng
xanh đại ngàn ru sắc của trời
cầu vòng nghiêng ngửa trào phúng
cái tên mê hoặc mũi lò vôi mũi cá mập
lòng giục giã tham tàn
trói tri giác lắp trò
mái ngói tường vôi sắc biển
màu nung bơm lên não
căng cứng lời quyết chiến
bằng lăng tím biếc điệp vàng xuân
cánh hoa nhuộm máu chưa khô
thân đục khoét tận tủy
đọt bàng non cầm kiết lị
hơi thở ngập ngừng không cả quyết
núp sau lằn ranh sống còn

gốc cây khe đá đợi tin chuyền
đổ lên đầu tang chứng
thắt cổ thế gian ca thán
lon cá vụn kho mặn ẩn nấp kỳ thú
chử ngờ là khúc dạo khuất
gục trên thanh bằng tỉnh thức
cỏ óng thung lũng nguyên sơ
cày nát ngây thơ tình đất
lửng lơ điều luật ban hành
đan vào tương lai dự án ngộp thở
phá đá chôn lời kêu cứu
khai khoáng miền đất hứa
khối sắt trân mình đứng đợi
bãi đầm trầu dải lụa vắt ngang trời
trắng cái nhìn mỏi mắt
vòng xoắn ngộp thở
tan hạnh phúc tuyên thệ
vách đá dựng đứng uy nghi
bám vào rong rêu tìm nguồn sống
vấp hôn mê trượt cả đời
triền đá thoai thoải rũ xuống mép hờ
viên sỏi lẫn vào trong rướm máu
vết cắt đoạn tuyệt không đầu hàng
máu bất tận
khát vọng quản chế
côn lôn hành

7/4/2011

 

Trần Hồ Thúy Hằng
ĐỒNG VĂN
Nơi địa đầu cực bắc
Đồng Văn treo trên sườn rẻo
nhọc nhằn phiên chợ
ngỏ mốc Mông, Hán, Dao, Giấy, Tày
nép mình sương nhã
phố cổ Đồn Cao ma trận nhà trình tường
lơ lửng bao đời
chiếc lồng đèn đỏ đuổi cơn gió lạnh

II
gùi xanh
củi khô và vai nhỏ
hoa văn của núi
đôi tay rừng mải mê âm sắc khèn miền cao thủy
vọng từ nguồn đá xám
chó, gà cắp nách rao hàng
bếp ríu rít ửng hồng đỏ rực
bốc làn hơi ngầy ngật con mắt ngơ ngác bầy trẻ
mâm xôi khói mờ mặt khung cận ảnh
quán rượu lò thắng cổ rừng rực mời nhau vài chén
khấu tha tục gọi ngũ tạng gia súc tứ chi kết thành
cắt tiết đánh đông hình vuông đão

phiên chợ tan bắt gặp dáng nằm cong queo trên vệ đường
bất kỳ góc khuất nụ cười vắt ngang cao nguyên đá núi
chiếc áo khoát lên vá víu cuộc đời há mũi
bỏ lại sau lưng đoạn dài trên núi
để lại dòng nước ngọt cạn khô hiên nhà
thửa ruộng nhỏ xíu chèn vào hốc đá
nơi mà ngô lúa phải tìm chỗ cạn
gạn từng giọt nước nẩy mầm

III
chiếc lồng chim quàng khăn đỏ
kẻ đứng người xem lố nhố ngẩn ngơ
ríu rít sơn ca rừng hát gọi
góc chợ đồn biên thịt sống
gùi bắp, răng ngựa vai sơn nữ
vuông khăn tròn xanh đỏ
những hàng ngang rượu lá đợi chờ

sớm mai lá bước hốc núi mờ
tôi đợi gặp mặt trời vào phiên chợ ngày nắng
và nép mình vào âm u đông giá
ngày men qua phố cổ

vắt khe núi
những dải lụa đào cánh Đồng Văn khói mỏng
đăm chiêu giấy bản

14.5.2011
……………….

Tạp chí Non Nước, số 220 (tháng 3/2016)

 

Từ góc nhìn của triết lý Phật giáo:
Qua thơ, thử nghĩ về tánh Không

*

Trong việc cảm thụ thơ ca hiện nay, có một thực tế là tình trạng thiếu vắng sự đồng cảm giữa người đọc và người viết. Lý do là, không ít độc giả vẫn còn quen theo cái khung tiếp nhận cũ, nên khó cảm thụ cái lạ và mới; còn về phía các tác giả, thì họ không muốn lập lại cái cũ. Đó là một thực tế không vui trong đời sống văn nghệ. Nhân đề cập vấn đề này, xin đơn cử một trường hợp qua ba bài thơ của nhà thơ Nguyễn Đông Nhật và thử “giải mã” qua vài cảm nghĩ dưới góc nhìn của triết lý Phật giáo, như một ví dụ về việc tiếp nhận văn học đối với những dạng thơ tương tự.
Đầu tiên là bài Quà tặng
Khi tôi khép mắt tập trung, trên cái nền đất hình vuông dưới chân cội bồ đề ngài Anan không một ngọn lá; khi tôi mở mắt, một chiếc lá xanh phớt vàng đang run rẩy trong bàn tay vô hình của gió.

*

Chiếc lá sẽ tan vào đất cho những lá khác xanh trên cành.
Bài thơ không có các “chữ hay”, trong cảm thụ thẩm mỹ quen thuộc. Không có “chữ hay”, nhưng những chữ bình thường vẫn gợi lên điều gì không bình thường, và thậm chí… vô lý, bởi vì đã khép mắt tập trung thì không thể thấy ngọn lá nào, nghĩa là ở trạng thái vô hình thì không thể xuất hiện cái hữu hình. Rồi khi mở mắt, một chiếc lá xanh phớt vàng. Màu xanh khởi đầu cho cái mới. Màu vàng là cái tàn úa, là cái chết, cũng là sự kết thúc. Nhưng xanh phớt vàng thì đó là cái sống trong cái chết. Sự “pha màu” này tự nói về lẽ vô thường của cuộc đời: có sanh thì có diệt. Chiếc lá ấy đang run rẩy trong bàn tay vô hình của gió, nghĩa là ở trạng thái vô hình (không có) mà lại còn ở trong gió (là cái không nắm bắt được). Cả hai, đều chỉ để nói lên điều không có thực.

Rồi: Chiếc lá sẽ tan vào đất cho những lá khác xanh trên cành. Đó là lời giải bày về sự tuần tự trong tiến trình sanh-diệt để mọi sự vật vận động theo qui luật vũ trụ. Đồng thời, cũng nói lên tình yêu và sự trao gửi từ đời sống này qua đời sống kế tiếp. Đó là cái nghĩa diệu lý của tánh Không, là nơi bắt đầu và kết thúc, kết thúc để bắt đầu.

Một bài thơ khác:

Nhẩm đếm
đôi khi mơ giấc mơ của đá
giữa không tên lặng suối ngàn.

đôi khi hát bài ca buồn
lời nôn nao bỗng nghẹn

đôi khi quên ngày vui
tình em đã tắt

đôi khi không còn
mơ giấc quên

Ở đoạn mở đầu, chữ “” được lặp lại trong cùng một câu: mơ giấc mơ của đá. Đã mơ thì không có thật, mà lại giấc mơ của đá nữa; là cái không có thật trong cái không-không có thật. Câu thứ 2: giữa không tên lặng suối ngàn. Không tên, có thể hiểu là không có; mà còn thêm chữ lặng, cũng là không có gì cả. Trong cả hai câu, những chữ là chỉ để nói về cái lý không. Không cái gì được gọi là cả.

Đoạn thứ 2: Đôi khi hát bài ca buồn / lời nôn nao bỗng nghẹn. Nghẹn, là không hát được. Cũng có nghĩa, không có bài ca buồn nào, không có lời nào được nói ra.

Đoạn thứ 3: Đôi khi quên ngày vui / tình em đã tắt. Tình đã tắt, nghĩa là không còn tồn tại; vì vậy cái-gọi-là ngày vui cũng không có thực mà chỉ là sản phẩm của trạng thái nhớ-quên trong vận hành của dòng tâm thức .

Đoạn kết: Đôi khi không còn / mơ giấc quên. Câu này có 7 từ; trong đó 3 từ không, , quên đều có một nghĩa: không.

Quan sát toàn bài, sẽ gặp những chữ-chìa-khóa (từ để giải mã), là 3 từ nằm ở  câu đầu và câu kết (, đá, quên). Về nghĩa, đá là vật vô tri vô giác, có mà như không có. Chữ quên là không nhớ không biết. Chữ , là không có thực. Tất cả 3 từ đều có  một nghĩa: không. Ba từ kết thúc: mơ giấc quên, là mơ cái “không có”? Đến đây, thì rõ thêm cái ý: lý Bát Nhã vốn là Không, cái không của không-không có.

Về hình thức, bài thơ được tổ chức theo kiểu bố cục tròn, vẽ điểm xuất phát và kết thúc bằng 3 từ , đá, quên.  Bài thơ gồm 4 đoạn 2 câu, với số lượng chữ giảm dần ở mỗi đoạn. Nhịp thơ cũng chậm dần theo mỗi đoạn. Đoạn một: 7 từ-6 từ, đoạn hai: 6 từ-5 từ, đoạn ba: 5 từ-4 từ, đoạn kết: 4 từ-3 từ.

Và thêm một chút “quan sát” nữa: các chữ trong toàn bài được bố trí theo kiểu hình khối, với một tam giác ngược. Có thể tác giả muốn “vẽ” bài thơ để nói lên điều gì trong tư tưởng Phật giáo?

*

Hai bài thơ trên, tạm gọi là thơ thiền và thơ suy tưởng; được viết theo thể thơ văn xuôi (Quà tặng) và thơ hợp thể (Nhẩm đếm). Bài thứ ba (thơ hiện thực, thể tự do): Bài ca của gió, là tự sự về cuộc đời của một người (cũng là của nhiều người). Xin trích đoạn kết, để xem những lời của gió sẽ dẫn người đọc đến đâu?

Tôi sẽ chia tay anh, từ cái quán ăn ồn ào này.

Không tiễn đưa.

Dù đôi khi tôi cũng thích sự đưa tiễn.

                 Nó làm cho người ta trẻ hơn.

Cả tôi và anh sẽ chìm vào sự vô danh của thành phố.

Thành phố không ngừng sống. Biết và không biết

                                              từng lớp người đến và đi.

Hãy mặc cho nỗi êm dịu không tên kia trùm xuống chúng ta

xuống cuộc đời. Như cái bóng. Anh có thấy như thế không ?

Những cái bóng, dài ra hay ngắn lại

và tan đi giữa bao quầng sáng quay cuồng .

Nhưng đôi mắt chúng ta, trước khi đời đời yên tĩnh

đã lặng lẽ trả lời.

*

Cái bóng ly nước trên bàn và cái ánh trăng kia

là MỘT.

Anh có thấy không ?

Sự việc được mô tả là một cuộc chia tay, nói lên cái chấm dứt, cái không còn. Chia tay, mà không tiễn đưa. Nghĩa là cả hai điều này đều không xảy ra. Rồi: Cả tôi và anh sẽ chìm vào sự vô danh của thành phố. Đã chìm là hết, thế mà còn thêm sự vô danh của thành phố. Vậy là, ngay cả cái thành phố ấy cũng không có thật. Nhưng trong cái không có, vẫn có cái không ngừng sống. Biết và không biết… Câu thơ này diễn tả tính nhị nguyên của vạn vật: cái này có thì cái kia cũng có. Câu tiếp: Hãy mặc cho nỗi êm dịu không tên kia trùm xuống chúng ta / xuống cuộc đời. Như cái bóng. Đã không tên nghĩa là không có danh, mà còn Như cái bóng. Tức là, cái không có Danh bao trùm cái không có Sắc, mà cái sắc đó cũng không phải là sắc. Rồi Những cái bóng, dài ra hay ngắn lại. Rõ ràng là, ngay cả cái dài-ngắn của cái bóng cũng tan đi, nghĩa là không có cái bóng nào hiện diện để có thể tan đi. Và đôi mắt chúng ta, trước khi đời đời yên tĩnh. Yên tĩnh, ở đây là đôi mắt đã không còn nữa. Nhưng đôi mắt ấy lại lặng lẽ trả lời. Thật là nghịch lý, vì đã không có đôi mắt thì làm gì có sự trả lời của đôi mắt ấy? Mà lại lặng lẽ nữa. Tóm lại, tất cả đều không có, không có thành phố, không có những đôi mắt, không có sự trả lời nào cả.

Đoạn kết: Cái bóng ly nước trên bàn và cái ánh trăng kia / là MỘT.

Để giải thích câu này,có hai cách hiểu. Nhờ ánh trăng kia mới thấy được cái bóng ly nước. Có nghĩa, cả hai cái ánh và cái bóng này, cũng chỉ là một. Cách hiểu thứ hai: Chỉ có cái bóng của ly nước, chứ không có ly nước nào trên bàn cả. Nghĩa là, cái ánh trăng kiacái bóng chỉ MỘT mà thôi. Cái Một ở đây không phải là  ký tự số học hay Một của sự việc cụ thể đã định hình và bất biến. Chúng (ánh trăng, ly nước, cái bóng…) đều là đối tượng của dòng tư duy đang vận động liên tục. Cũng có nghĩa là, trong mỗi tích tắc thời gian, đối tượng của tư duy chỉ có Một. Và nó xuất hiện liên tục…

*

Đến đây, tưởng như bài thơ đã kết thúc. Nhưng không phải, bởi vì ở đoạn đầu:

Tôi sẽ ngồi trước tấm khăn bàn trắng. Trăng sáng ư? Tôi không biết.
Nhưng cái bóng của ly nước làm tôi tưởng là ánh trăng / chẳng soi vào khoảng không nào cả.

Ngay khi hỏi trăng sáng ư? và tự trả lời tôi không biết, có thể thấy cả câu hỏi và câu trả lời chỉ diễn ra trong tâm trí tác giả, vì thực tế không có ánh trăng. Vì sao nói không có ánh trăng? Chính tác giả đã trả lời: nhưng cái bóng của ly nước làm tôi tưởng là ánh trăng. Đã không có ánh trăng thì không thể soi vào cái gì cả. Kết thúc:  Cái bóng ly nước trên bàn và cái ánh trăng kia / là MỘT. Nhưng không có ly nước hay ánh trăng thì làm sao có Một? Thì ra cái Một ở đây chưa phải là cái Một của chân lý tối hậu mà chỉ mới là cái Một tưởng tượng và giả định, chỉ là sản phẩm của mạt-na thức chứ không phải là cái Một của a-lại-da thức.

Câu cuối: Anh có thấy không? Câu hỏi này không cần thiết, vậy tác giả hỏi để làm gì? Có phải sau khi dẫn chúng ta đi qua sự hoang mang dằng dặc, tác giả muốn xô đẩy người đọc đến trước một bờ vực để nơi ấy, lời giải đáp có thể hiện ra? Có vẻ như đây là một công án thiền? Có thể gợi nhớ “âm thanh của một bàn tay vỗ” (!?)…

*

Khi đọc hết ba bài thơ, dường như không còn thấy chữ. Và không bám vào nghĩa của chữ. Rồi chợt hiểu, chỉ khi ấy và chỉ bằng cách ấy, mới có thể nắm bắt được cái điều ẩn chứa đằng sau những chữ.

Thời điểm viết ba bài thơ này là: Bài ca của gió (năm 2000), Nhẩm đếm (2002), Quà tặng (2013). Dường như cả ba đều ra đời trong những cơn xuất thần, khi ý thức tạm lui bước để nhường chỗ cho tàng thức. Điều này có nghĩa: bài thơ tốt nhất là bài xuất hiện trong lúc “điên” nhất! Và ở cả ba, không kể đến hình thức hay thể loại, có thể nghiệm ra rằng, tác giả muốn chuyển tải nội dung về triết lý tánh Không trong Phật giáo, mà mấu chốt nằm ở chỗ “vạn pháp quy Tâm”?

T.H.T.H

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây