Giới thiệu khái quát tỉnh Tiền Giang

Tiền Giang

Giới thiệu khái quát tỉnh Tiền Giang

1.Vị trí địa lý:
Tiền Giang thuộc đồng bằng sông Cửu Long có diện tích tự nhiên là 2.484,2 km2, nằm trong tọa độ 105050’ – 106045’ độ kinh Đông và 10035’ – 10012’ độ vĩ Bắc. Phía Bắc và Đông Bắc giáp Long An và TP. Hồ Chí Minh, phía Tây giáp Đồng Tháp, phía Nam giáp Bến TreVĩnh Long, phía Đông giáp biển Đông. Tiền Giang nằm trải dọc trên bờ Bắc sông Tiền (một nhánh của sông Mê Kông) với chiều dài 120km.
2.Khí hậu:
Khí hậu Tiền Giang mang tính chất nội chí tuyến – cận xích đạo và khí hậu nhiệt đới gió mùa nên nhiệt độ bình quân cao và nóng quanh năm. Nhiệt độ bình quân trong năm là 27 – 27,90C; tổng tích ôn cả năm 10.1830C/năm.
Có 2 mùa : Mùa khô từ tháng 12 năm trước đến tháng 4 năm sau ; mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11 (thường có hạn Bà chằng vào tháng 7, tháng 8).
Tiền Giang nằm trong dãy ít mưa, lượng mưa trung bình 1.210 – 1.424mm/năm và phân bố ít dần từ bắc xuống nam, từ tây sang đông; Độ ẩm trung bình 80 – 85%.
Gió : có 2 hướng chính là Đông bắc (mùa khô) và Tây nam (mùa mưa); tốc độ trung bình 2,5 – 6m/s.
3.Đặc điểm địa hình:
Tỉnh Tiền Giang có địa hình bằng phẳng, với độ dốc nhỏ hơn 1% và cao trình biến thiên từ 0m đến 1,6m so với mặt nước biển, phổ biến từ 0,8m đến 1,1m. Nhìn chung, toàn vùng không có hướng dốc rõ ràng, tuy nhiên có những khu vực có tiểu địa hình thấp trũng hay gò cao hơn so với địa hình chung như sau :
Khu vực đất cao ven sông Tiền (đê sông tự nhiên) phân bố dọc theo sông Tiền và kéo dài từ xã Tân Hưng (Cái Bè) đến xã Xuân Đông (Chợ Gạo). Cao trình phổ biến từ 0,9 – 1,3m, đặc biệt trên dãy đất cao ven sông Nam quốc lộ 1 từ Hoà Hưng đến thị trấn Cái Bè do hầu hết đã lên vườn nên có cao trình lên đến 1.6 – 1.8 m.
Khu vực thuộc địa bàn huyện Cai Lậy, Cái Bè, giới hạn giữa kinh Nguyễn Văn Tiếp và dãy đất cao ven sông Tiền có cao trình phổ biến từ 0,7 – 1,0m và có khuynh hướng thấp dần về kinh Nguyễn Văn Tiếp. Trên địa bàn có hai khu vực giồng cát và vùng lân cận giồng cát có cao trình lớn hơn 1.0m là giồng Cai Lậy (bao gồm Bình Phú, Thanh Hoà, Long Khánh, thị trấn Cai Lậy, Tân Bình, Nhị Mỹ) và giồng Nhị Quý (kéo dài từ Nhị Quý đến gần Lonh Định). Do đó, khu vực nằm giữa hai giồng này là dãy đất cao ven sông Tiền (bao gồm khu vực Long Tiên, Mỹ Long, Bàn Long, Bình Trung) có cao trình thấp hơn nên khó tiêu thoát nước.
Khu vực trũng phía Bắc Đồng Tháp Mười (bao gồm hầu hết huyện Tân Phước) có cao trình phổ biến từ 0,60 – 0,75m, cá biệt tại xã Tân Lập 1 và Tân Lập 2 có cao trình thấp đến 0,4 – 0,5m. Do lũ hàng năm của sông Cửu Long tràn về Đồng Tháp Mười cộng với cao trình mặt đất thấp nên đây là khu bị ngập nặng nhất của tỉnh .
Khu vực giữa Quốc lộ 1 và kinh Chợ Gạo có cao trình từ 0,7 – 1,0m bao gồm vùng đồng bằng bằng phẳng 0,7 – 0,8m nằm kẹp giữa giồng Phú Mỹ, Tân Hương, Tân Hiệp (Châu Thành) phía Tây và giồng Bình Phục Nhất, Bình Phan (Chợ Gạo) phía Đông .
Khu vực Gò Công giới hạn từ phía Đông kinh Chợ Gạo đến biển Đông, có cao trình phổ biến từ 0,8 và thấp dần theo hướng Đông Nam, ra đến biển Đông chỉ còn 0,4 – 0,6m Có hai vùng trũng cục bộ tại xã Thạnh Trị, Yên Luông, Bình Tân (Gò Công Tây) và Tân Điền, Tân Thành (Gò Công Đông). Do tác động bồi lắng phù sa từ cửa Xoài Rạp đưa ra, khu vực ven biển phía Bắc (Tân Trung, Tân Phước, Gia Thuận, Vàm Láng) có cao trình hơn hẳn khu vực phía Nam .
Trên địa bàn còn có rất nhiều giồng cát biển hình cánh cung có cao trình phổ biến từ 0,9 – 1,1m nổi hẳn lên trên các đồng bằng chung quanh.
4.Dân số:
Dân số trung bình năm 2008 là 1.742,1 ngàn người với mật độ 701 người/km2. Mật độ dân số ở thành thị khá cao nhưng chiếm cao nhất vẫn là trung tâm thành phố Mỹ Tho, thị xã Gò Công và thị trấn Cai Lậy.
5.Tài nguyên thiên nhiên:
a. Tài nguyên đất
Tiền Giang có 236.663 ha đất tự nhiên, trong đó có các nhóm đất chính như sau:
+ Nhóm đất phù sa : Chiếm 53% tổng diện tích tự nhiên 125.431 ha, chiếm phần lớn diện tích các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, thành phố Mỹ Tho và một phần huyện Gò Công Tây thuộc khu vực có nguồn nước ngọt. Đây là nhóm đất thuận lợi nhất cho nông nghiệp đã sử dụng toàn diện tích. Trong nhóm đất này có loại đất phù sa bồi ven sông có thành phần cơ giới tương đối nhẹ hơn cả nên thích hợp cho trồng cây ăn trái.
+ Nhóm đất mặn : Chiếm 14,6% tổng diện tích tự nhiên 34.552ha, chiếm phần lớn diện tích huyện Gò Công Đông, thị xã Gò Công, Gò Công Tây và một phần huyện Chợ Gạo. Về bản chất đất đai thuận lợi như nhóm đất phù sa, nhưng bị nhiễm mặn từng thời kỳ hoặc thường xuyên. Nếu được rửa mặn loại đất này sẽ rất thích hợp cho việc sản xuất nông nghiệp với chủng loại cây trồng tương đối đa dạng.
+ Nhóm đất phèn : Chiếm diện tích 19,4% diện tích tự nhiên 45.912ha, phân bố chủ yếu ở khu vực trũng thấp Đồng Tháp Mười thuộc phía Bắc 3 huyện Cái bè, Cai Lậy, Tân Phước. Đây là loại đất hình thành trên trầm tích đầm lầy mặn ven biển thành tạo trong quá trình biển thoái, nên loại đất này giàu hữu cơ và phèn. Đất phèn tiềm tàng và hoạt động sâu (phèn ít) có diện tích ít hơn so với đất phèn tiềm tàng và hoạt động nông (phèn nhiều) với tỷ lệ 6,82% so với 12,19%.
Hiện nay, ngoài tràm và bàng là hai loại cây cố hữu trên đất phèn nông, đã tiến hành trồng khóm và mía có hiệu quả ổn định trên diện tích đáng kể. Ngoài ra, một số diện tích khác cũng đã bước đầu được canh tác có hiệu quả với một số mô hình như trồng khoai mỡ và các loại rau màu, trồng hai vụ lúa và cả trồng cây ăn quả trên những diện tích có đủ nguồn nước ngọt và có khả năng chống lũ.
Đất phèn nặm chiếm diện tích nhỏ phân bổ dọc bờ đất thấp (đất biền) bị ngập triều ven các lạch triều bưng trũng.
+ Nhóm đất cát giồng : Chiếm 3,1% diện tích tự nhiên với 7.336ha, phân bổ rải rác ở các huyện Cai Lậy, Châu Thành, Gò Công Tây và tập trung nhiều nhất ở huyện Gò Công Đông do đất cát giồng có địa hình cao, thành phần cơ giới nhẹ, nên chủ yếu làm đất thổ cư và canh tác cây ăn trái, rau màu.
Nhìn chung, đất đai của tỉnh phần lớn là nhóm đất phù sa (chiếm 53%), thuận lợi nguồn nước ngọt, từ lâu đã được đưa vào khai thác sử dụng, hình thành vùng lúa năng suất cao và vườn cây ăn trái chuyên canh của tỉnh; còn lại 19,4% (45.912ha) là nhóm đất phèn và 14,6% (34.552ha) là nhóm đất phù sa nhiễm mặn … trong thời gian qua được tập trung khai hoang, mở rộng diện tích, cải tạo và tăng vụ thông qua các chương trình khai thác phát triển vùng Đồng Tháp Mừơi, chương trình ngọt hoá Gò Công, đã từng bước mở rộng vùng trồng lúa năng suất cao, vườn cây ăn trái sang các huyện phía Đông và vùng chuyên canh cây công nghiệp thuộc huyện Tân Phước.
b. Tài nguyên khoáng sản
Than bùn: tìm thấy ở Phú Cường, Tân Hoà Tây – Cai Lậy (mỏ Tân Hoà) và tân Hoà Đông – Tân Phứơc (mỏ Tràm Sập).
Sét: tìm thấy ở Tân Lập – Tân Phước. Mỏ sét Tân Lập có chất lượng tốt, có khả năng làm nguyên liệu để sản xuất ra các mặt hàng gốm xây dựng như gạch, ngói …
Cát sông: Phân bố chủ yếu trên lòng sông Tiền. Các mỏ cát được xác định, phân lớp tập trung tại địa bàn các huyện Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành với 9 thân cát có trữ lượng lớn với chiều dài 2 – 17km, rộng 300 – 800m, dày 2,5-6,9m, có chất lượng đáp ứng nhu cầu vật liệu san lấp
Nước dưới đất: trên phạm vi tỉnh có 3 tầng chứa nước có triển vọng, có độ giàu nước từ lớn đến trung bình, có chất lượng tốt, đủ điều kiện khai thác với qui mô lớn và vừa gồm các phân vị Pliocen trên, Pliocen dưới và Miocen. Các phân vị này phân bố tập trung ở Mỹ Tho, Cai Lậy; tại các nơi khác, khả năng khai thác hạn chế. Tại Mỹ Tho, lưu luợng đang khai thác hơn 40.000m3/ngày đêm.
c. Tài nguyên nước
Tiền Giang có mạng lưới sông, rạch chằng chịt, bờ biển dài thuận lợi cho việc giao lưu trao đổi hàng hoá với các khu vực lân cận đồng thời là môi trường cho việc nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Các con sông chảy qua tỉnh Tiền Giang gồm có: Sông Tiền là nguồn cung cấp nước ngọt chính, chảy 115km qua lãnh thổ Tiền Giang, sông Vàm Cỏ Tây: là một sông không có nguồn, lượng dòng chảy trên sông chủ yếu là từ sông Tiền chuyển qua. Sông Vàm Cỏ Tây là nơi nhận nước tiêu lũ từ Đồng Tháp Mười thoát ra và là 1 tuyến xâm nhập mặn chính. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh còn có một số sông, rạch nhỏ thuộc lưu vực sông Tiền và sông Vàm Cỏ Tây góp phần rất quan trọng trong việc lưu thông, vận chuyển hàng hoá và phục vụ sản xuất như : Cái Cối, Cái Bè, Ba Rài, Trà Tân, Phú Phong, Rạch Rầm, Bảo Định, Kỳ Hôn, Vàm Giồng, Long Uông, Gò Công, sông Trà v.v…
d. Tài nguyên biển
Tiền Giang có khu vực giáp biển Đông thuộc huyện Gò Công Đông với bờ biển dài 32km nằm kẹp giữa các cửa sông lớn là Xoài Rạp (sông Vàm Cỏ) và cửa Tiểu, cửa Đại (sông Tiền).Vùng ven biển, thuộc hệ thống các cửa sông giáp biển nên từ lâu đã thiết lập được hệ thống rừng trồng ngập mặn với diện tích 2.028ha gồm các loại bần, đước, mắm, dừa nước, phi lao. Thực vật dưới tán lá rừng ngập mặn rất phong phú gồm 75 loài thuộc 35 họ.
Với điều kiện nằm giữa các cửa sông nên rất thuận lợi cho nuôi trồng và đánh bắt thủy hải sản. Thủy sản nước lợ: gồm con giống và con non sinh sản và di chuyển vào sâu trong bờ, trữ lượng hàng năm ước tính về tôm, cua, cá, sò, nghêu … tại các vùng cửa sông là 156.000 tấn. Hải sản, tiềm năng hải sản khá dồi dào với trữ lượng hàng năm về sinh vật nổi lên đến 12.000 triệu tấn thực vật phiêu sinh, 5,96 triệu tấn động vật phiêu sinh, 4,7 triệu tấn sinh vật đáy và hơn 1 triệu tấn cá.
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây