Trầm tích Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm – Nhà văn Bùi Xuân

Nhà thơ Hoàng Cầm

Trầm tích Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm

Trong một bài viết về Nguyễn Bính và Hoàng Cầm đăng trên Tạp chí Sông Hương, Đỗ Lai Thúy có một nhận xét gây ấn tượng với tôi: “Thơ Hoàng Cầm, nhìn một cách tổng thể, lại trở về với tính chất không gian, nhưng không phải là thứ không gian tĩnh của một bức tranh phong tục, lịch sử, mà không gian của sự  vĩnh cửu, nằm ngoài mọi thời gian lịch sử. Hoàng Cầm không tả thực một vùng quê Kinh Bắc trong thực tế, mà thể hiện một Kinh Bắc bất tử trong tâm tưởng ông (và cũng sẽ bất tử trong thơ ông)”.

Hoàng Cầm yêu quê hương và đầy đặn kiến thức về vùng văn hóa Kinh Bắc. Trong nét nhòe của không gian và thời gian, ông nghĩ về những nỗi buồn khôi nguyên, những tiếng ca ưu phiền chìm sâu vào lẳng lặng, và:

… Và dai dẳng em ơi

Là cơn say khát lá

Cứ thon mềm xanh lả

Trong men quê bồi hồi.

(Lá )

Chất men quê bồi hồi mà Hoàng Cầm  nói ở đây, tôi nghĩ, là bản sắc văn hóa Kinh Bắc. Cái bản sắc đó đã thấm chảy đến ngóc ngách sâu nhất của tâm hồn ông và từ những ngóc ngách ấy ngôn ngữ thi ca bùng vỡ, những bài thơ bung ra một cách tự nhiên vô thức. Hoàng Cầm kể lại rằng những bài thơ được độc giả ưa thích của ông “bao giờ cũng bắt đầu một cách vi diệu là từ ngoài tôi, vẳng lên đôi ba câu nghe rất rành rẽ, giọng nữ lảnh lót mà rất xa, như hát mà như đọc”.

3 - Trầm tích Kinh Bắc trong thơ Hoàng Cầm - Nhà văn Bùi Xuân
Thi sĩ Hoàng Cầm

Đây là một trạng thái thuộc lĩnh vực phân tâm học. Nhưng theo tôi, nó không lạ. Các trạng huống ấy đều bắt nguồn từ đời sống thực của nhà thơ; từ tri thức Đông – Tây mà ông tích lũy; là trầm tích văn hóa Kinh Bắc lắng đọng làm bật sợi tơ của cây đàn vàng, là những khoảnh khắc thăng hoa của tâm hồn, là hạt nảy mầm trên cánh đồng thơ ông:

– Bên kia sông Đuống

Quê hương ta lúa nếp thơm nồng

Tranh Đông Hồ gà lợn nét

tươi trong

Màu dân tộc sáng bừng trên

giấy điệp…

– Ai về bên kia sông Đuống

Có nhớ từng khuôn mặt búp sen

Những cô hàng xén răng đen

Cười như mùa thu tỏa nắng…

– Em đi trẩy hội non sông

Cười mê ánh sáng muôn lòng

xuân xanh

(Bên kia sông Đuống)

Hoàng Cầm viết Bên kia sông Đuống và Lá diêu bông đều ở trong trạng thái tâm thần như trên, viết liền một mạch, như có ai đó vô hình đọc cho ông chép. Tôi nghĩ việc đó là có thật và phải chăng những điều kỳ diệu như thế đã dắt ông rẽ vào con đường thơ siêu thực mà vẫn giữ được những gì là cốt cách, tinh túy của văn hóa Kinh Bắc. Vì thế, trước hết với Hoàng Cầm là cái hồn Kinh Bắc. Tính nhân văn và cái đẹp nấp bên trong tranh Đông Hồ, hội vật, đánh đu, hội chen Nga Hoàng và dân ca quan họ là kho báu giúp cho chàng trai Bùi Tằng Việt, quê ở thôn Lạc Thổ, xã Song Hồ, H. Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh trở thành nhà thơ tài năng Hoàng Cầm.

Lùi một chút về với Thơ mới để làm phép đối chiếu với thơ Hoàng Cầm. Ta tìm thấy trong thơ của Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân, Anh Thơ, Nguyễn Bính, Hằng Phương… những cảnh sinh hoạt thôn quê với những chi tiết gần như tả chân của nó, tìm được cái chân quê, cái tình quê, cái hồn quê và ta cảm thấy nuối tiếc khi những  nếp sống, phong tục hay và đẹp của văn hóa làng xã Việt đang dần bị mai một trong quá trình giao lưu, tiếp biến với văn hóa phương Tây. Trái lại, đọc Hoàng Cầm, qua những nét khắc của ông, ta lại thấy tự thân văn hóa dân tộc có một sức sống bền bỉ, như một lời khẳng định vĩnh cửu, trường tồn cùng với thời gian.

Tôi đọc nhiều lần bài thơ ngắn Thi đánh đu của Hoàng Cầm:

Luồn tay ôm say

giấc bay lay đỉnh núi

Tuột hàng khuy lơi yếm, tóc buông mành

Đùi chảy búp dài thon nhún vội

Bàng hoàng tia chớp liệng nghiêng xanh.

(Thi đánh đu)

“Luồn tay ôm say/ giấc bay lay đỉnh núi” và “Bàng hoàng tia chớp liệng nghiêng xanh” là gì, tôi lúng túng trong việc cắt nghĩa nó nhưng bằng trực cảm tôi hiểu rằng đó là những câu thơ hay, thật và đẹp. Và tôi lạnh người khi đọc bài thơ Bơ vơ – cũng lại là một bài thơ ngắn – của ông:

Đêm giao thừa ai đợi mưa qua

Từ Thức tìm đâu một mái nhà

Có phải chính em cầm gió bấc

Quất ngang sông Đuống buốt

phù sa.

(Bơ vơ)

Em là ai? Tại sao em cầm ngọn gió bấc lạnh lẽo nghiệt ngã quất ngang dòng sông quê anh? Ta chỉ cần biết em là tác nhân gây ra khổ đau và sông Đuống đầy phù sa phải gồng gánh lấy nỗi khổ đau ấy. Có lẽ vì thế mà thơ Hoàng Cầm chú trọng đến thân phận con người, chủ yếu là  con người Kinh Bắc quê ông với những sướng khổ, buồn vui, hạnh phúc, lo toan, khắc khoải; với “màu dân tộc” và những nét văn hóa đặc  sắc, phong phú của quê hương mình. Đó là hình ảnh mẹ ông – cô gái làng Xin hát quan họ nổi tiếng khắp vùng, để ông lớn lên “Mang giọng mẹ tròn/ Trong đôi mắt sáng”. Đó là Em và Chị, trong đó Em là tác giả và Chị là những người con gái – thường là lớn tuổi hơn nhà thơ – mà nhà thơ đã yêu say đắm từ thời thơ  ấu:

– Em đừng lớn nữa Chị đừng đi

– Em đứng nhìn theo Em gọi đôi

(Cây tam cúc)

Tôi nghĩ, chính văn hóa Kinh Bắc nhập vào Hoàng Cầm đã cho nền thi ca Việt một nhà thơ tài hoa, có giọng điệu rất riêng. Hay nói như Nguyễn Đăng Hiệp trong bài Hoàng Cầm: Người dệt thơ từ những giấc mơ… đăng trên Văn học và tuổi trẻ số 6-2002 thì: “Chính hồn vía Kinh Bắc, chính niềm khát khao cháy bỏng về một tình yêu lớn dành cho quê hương, cho cái đẹp một khi sâu sắc đến tràn bờ liền cất thành thơ. Đó là tiếng vọng của cõi mơ, là sự siêu thăng của vô thức. Có lẽ đây mới là nguyên nhân chính yếu làm nên thứ “siêu thơ” mà có lúc Hoàng Cầm đã chạm gặp”. Nghiệp thơ của Hoàng Cầm  gắn  liền với vùng văn hóa Kinh Bắc quê ông.

Bùi Xuân

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây