100 năm chữ Quốc ngữ đi vào cuộc sống
Một trong những đóng góp to lớn của các thừa sai Dòng Tên ở Việt Nam là sáng tạo ra một hệ thống chữ viết dựa trên mẫu tự Latin mà ngày nay gọi là chữ Quốc ngữ.
Lớp tuổi 60-70 như tôi, hầu hết đều nghe hoặc trực tiếp ê a học bài: Sách Quốc ngữ/ Chữ nước ta/ Con cái nhà/ Đều phải học/ Miệng thì đọc/ Tai thì nghe/ Chớ ngủ nhè/ Chớ láu táu/ Con lên sáu/ Đang vỡ lòng/ Học cho thông/ Thầy khỏi mắng… Và ai cũng cho đó là điều hiển nhiên, chẳng có gì phải bận tâm. Với tôi, khi bước vào những cấp học cao hơn thì óc hiếu tri nổi dậy, mới biết đó là mấy câu đầu của bài thơ Lên sáu được Tản Đà sáng tác năm 1919 và thầm nghĩ mấy cụ nhà Nho của ta giỏi thật, từ chữ vuông tượng hình “chi, hồ, dã, giả” không dễ hiểu, với “thập niên đăng hỏa” chưa chắc đã lửng bụng, ấy mà chuyển cái rụp qua chữ Latin hóa tiếng Việt dễ học, dễ viết và khẳng định đây là “Chữ nước ta/ Con cái nhà/ Đều phải học”.
Khi chuẩn bị thi tú tài 1, phần lớn lớp trẻ học đường chúng tôi rất thích thơ Tú Xương (1870-1907), bởi khá giống với tâm trạng mình, nếu không khéo sẽ nhận lãnh “Đệ nhất buồn là cái hỏng thi” (Buồn thi hỏng). Lúc ấy, chỉ còn biết tự động viên mình: “Thế mới biết học tài thi phận, miệng đàn bà con trẻ nói thế mà thiêng” (Phú hỏng thi). Nhưng thời Tú Xương, tại sao có chuyện: “Nghe nói khoa này sắp đổi thi/ Các thầy đồ cổ đỗ mau đi!/ Dẫu không bia đá còn bia miệng/ Vứt bút lông đi, giắt bút chì!” (Đổi thi)? Thầy giáo chỉ nói sơ qua là triều đình nhà Nguyễn bỏ khoa thi chữ Hán, nên việc “Vứt bút lông đi, giắt bút chì” là bỏ chữ Hán có từ mấy đời qua chuyển sang chữ Quốc ngữ.
Sau này, đọc Đồng Khánh – Khải Định chính yếu (Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn, Nguyễn Văn Nguyên dịch, NXB Thời đại, 2009), tôi mới biết: “Mùa hạ, tháng 4 năm 1918, mở khoa chính kỳ thi Hương. Cho trường Bình Định thi chung tại Thừa Thiên, trường Thanh Hóa thi chung tại Nghệ An”.
Sau khoa thi Hương này, ngày 28/12/1918, vua Khải Định ra chỉ dụ bãi bỏ khoa cử ở Việt Nam. Số cử nhân đỗ ở kỳ thi Hương sẽ được thi Hội, thi Đình vào năm 1919. Với khoa thi này (gọi là Ngự tứ ân khoa), nền khoa cử Nho học Việt Nam kéo dài 844 năm (mở đầu từ khoa thi Minh kinh bác học diễn ra năm 1075 dưới triều Lý Nhân Tông mà Lê Văn Thịnh là Thủ khoa) hoàn toàn kết thúc, đến nay tròn 100 năm.
Chữ Quốc ngữ được đưa vào các khoa thi Hương
Tại sao khi “Đèn Sài Gòn ngọn xanh, ngọn đỏ/ Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu”, tức là lúc ánh sáng văn minh phương Tây đã chiếu rọi khắp Nam kỳ lục tỉnh, mà các cô gái vẫn động viên: “Anh về anh học chữ nhu (chữ nho)/ Chín trăng em đợi, mười thu em chờ”; trong lúc đó, Tú Xương ở “gần trường ốc vùng Nam Định”, lại than: “Cái học nhà Nho đã hỏng rồi/ Mười người đi học, chín người thôi” (Than đạo học)? Tại sao Tú Xương biết đánh vần chữ Quốc ngữ: “Bốn kỳ trọn vẹn thêm kỳ nữa/ Á, ớ, u, âu, ngọn bút chì” (Đi thi tự vịnh)? Việc các cụ nhà nho của ta biết đánh vần chữ Quốc ngữ, biết viết chữ Quốc ngữ có phải nỗ lực tự thân, hay do triều đình nhà Nguyễn chuẩn bị kỹ trước khi quyết định bãi bỏ khoa thi chữ Hán?
Theo những tài liệu công bố gần đây, thì lớp nhà Nho xuất thân từ cửa Khổng sân Trình vào thập niên cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 cho đến khoa thi chữ Hán cuối cùng của triều Nguyễn (1919) biết chữ Quốc ngữ chẳng phải nỗ lực tự thân để khỏi lạc hậu, mà “trường quy” buộc như thế. Ngày xưa, người thi Hương vượt qua “tứ trường” mới đạt học vị cử nhân, cũng là điều kiện ắt có và đủ để nhà nước phong kiến bổ dụng làm quan. Dưới thời Pháp thuộc, việc thi Hương ở nước ta có phần thay đổi. Kể từ khoa Kỷ Dậu (1909), thi Hương ở nước ta bắt có phần chữ Quốc ngữ. Theo Hà Ngại, Tiếng tiêu đồng, hồi ký một vị quan triều Nguyễn (NXB Trẻ, 2014, trang 46), về cơ bản:
- Trường nhất: 5 đạo văn sách.
- Trường nhì: thi, phú.
- Trường ba: 2 bài luận chữ Quốc ngữ.
Đây là năm đầu tiên chữ Quốc ngữ được dùng trong khoa cử. Khoa Nhâm Tý (1912) thì bỏ phần thi, phú, đưa thêm phần chữ Quốc ngữ vào, cho thấy vị trí chữ Quốc ngữ ngày càng quan trọng. Cụ thể:
- Trường nhất: 5 đạo văn sách.
- Trường nhì: 2 bài luận chữ Hán.
- Trường ba: 2 bài luận chữ Quốc ngữ.
- Trường tư (phúc hạch): 1 bài văn sách, 1 bài luận Hán văn, và 1 bài luận Quốc ngữ.
Tú Xương qua đời 2 năm, nhà Nguyễn mới đưa chữ quốc ngữ vào kỳ thi Hương (1909). Điều này cho thấy triều đình nhà Nguyễn chuẩn bị khá kỹ cho việc đưa chữ Quốc ngữ – thứ chữ mà trong thời cấm đạo, họ cho là “chữ của người nước ngoài” – vào kỳ thi Hương, chứ không phải suy nghĩ nhất thời của vua Khải Định, cũng chưa hẳn “Tiếng đồn Khải Định nịnh Tây/ Nghề này thì lấy ông này tiên sư” như dân gian truyền lưu. Và việc chuẩn bị này, tôi tin ít nhất có từ thời Thành Thái (lên ngôi 1889-1907), chứ nếu chuẩn bị từ thời Duy Tân (lên ngôi 1907-1916), thì không kịp để sĩ tử đủ khả năng viết chạy 2 bài luận chữ Quốc ngữ khi vào được trường ba.
Người Việt giúp các giáo sĩ hoàn thiện tiếng Việt
Tại Hội thảo “400 năm hình thành & phát triển chữ Quốc ngữ trong lịch sử loan báo tin mừng tại Việt Nam” do Ủy ban Văn hóa trực thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam tổ chức ở TPHCM, ngày 25-26.10.2019, LM-TS Nguyễn Đức Thông tổng hợp nhiều tài liệu trong và ngoài nước, cho biết ngày 18.1.1615, linh mục Francesco Buzomi (Ý), Diego Carvalro (Bồ Đào Nha) và tu sĩ Antonio Dias (Bồ Đào Nha), cả ba đều thuộc Dòng Tên và đều biết tiếng Tàu, tiếng Nhật, tới cửa Hàn, sau đó đến Hội An với mục đích đầu tiên là giúp các kiều bào Nhật Bản về tôn giáo và sau đó tiếp xúc với người Việt. Các thừa sai (người truyền giáo) này đều học tiếng Việt để tự mình có thể tiếp xúc với người Việt. Một trong những đóng góp to lớn của các thừa sai Dòng Tên ở Việt Nam là sáng tạo ra một hệ thống chữ viết dựa trên mẫu tự Latin mà ngày nay gọi là chữ Quốc ngữ. Lối chữ viết này, lúc đầu chỉ được dùng trong nội bộ cộng đồng Công giáo. Và theo thời gian, người Việt qua cách viết này mà tiếp cận với các ngôn ngữ phương Tây làm giàu nền văn hóa, văn chương nước nhà.
Theo PGS-TS Trần Quốc Anh, ở thời kỳ phôi thai (1618-1626), công cuộc Latin hóa tiếng Việt bắt đầu với Francisco de Pina (1558-1625) – người tiên phong trong việc học hỏi, nghiên cứu tiếng Việt. Ông là người thầy dạy vỡ lòng cho các giáo sĩ Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ) và Maiorica. Các bản báo cáo về tình hình truyền giáo ở Đàng Trong vào những năm 1618, 1620, 1624, bằng tiếng Latin hoặc tiếng Bồ đều thừa nhận Pina “rất thạo tiếng Đàng Trong và nói năng rất tự nhiên”, hoặc “cha thông thạo tiếng bản xứ đã dạy giáo lý và rửa tội cho một bà quý tộc và ông giải thích cặn kẽ các lẽ đạo cho một “unghe” (ông nghè)”. A. de Rhodes cũng viết khi đến xứ Đàng Trong (1624): “Chúng tôi (Rhodes và Fontes) thấy các cha Fernandez và Buzomi, bao giờ thuyết giảng cũng phải có thông ngôn, chỉ trừ cha Pina thì khỏi cần thông ngôn vì ngài đã nói rất thạo… Tôi liền để tâm huyết học tập: mỗi ngày ngài cho bài tôi phải học và tôi đã chuyên chú học hỏi như xưa kia học thần học ở Roma vậy”…
Để nói thạo tiếng Việt, Francisco de Pina học từ người Việt bản xứ, cụ thể là ở Kẻ Chăm/ Dinh trấn Thanh Chiêm, Quảng Nam. Trong lá thư viết từ Đàng Trong năm 1623, Pina nói rõ điều này. Theo Pina, các cộng sự viên người Việt không những giúp cho các giáo sĩ phát âm chính xác, mà còn giúp họ đọc và giải thích các văn bản chữ Nôm. Trong hồi ký của mình, Rhodes cũng nhắc đến một cậu bé người Việt người Đàng Trong trạc 12-13 tuổi đã giúp ông phát âm tiếng Việt: “Chỉ trong vòng ba tuần lễ, chú bé đã dạy tôi học biết tất cả các cung giọng khác nhau của tiếng Việt và cách thức phát âm của từng chữ”. Và nhờ đó, Từ điển Việt-Bồ-La ra đời. Cụ thể, ngày 5.2.1651, linh mục F. Piccolomineus, Bề Trên Cả Dòng Tên cho phép xuất bản cuốn Từ điển Việt-Bồ-La. Sau đó mấy tháng, sách giáo lý song ngữ Latin-Việt: Phép Giảng Tám Ngày cũng nhận được phép ấn hành do linh mục Gossus Nickel, quyền Bề Trên Cả Dòng Tên ký ngày 8.7.1651. Việc in 2 cuốn sách này khá phức tạp, vì nhà in phải đúc riêng các phông (font) chữ Việt, và A. de Rhodes phải theo dõi kỹ từng công đoạn in, bởi tầm quan trọng của sách giáo lý và từ điển.
Công lớn trong chiến dịch diệt “giặc dốt”
Linh mục Đào Trung Hiệu cho rằng từ thế kỷ 17, qua những thừa sai như Pina, Rhodes… cùng những cộng sự người Việt đã giúp tiếng Việt thể hiện qua chữ viết theo mẫu tự Latin ngày càng sáng rõ hơn. Và “mùa xuân chữ Quốc ngữ” bắt đầu từ Trương Vĩnh Ký thành lập tờ báo quốc ngữ đầu tiên mang tên Gia Định báo (1865) cùng những tác phẩm chữ Nôm phiên âm ra chữ quốc ngữ đầu tiên, như: Kim Vân Kiều, Lục Vân Tiên, và hơn 100 tác phẩm khác; Nguyễn Trọng Quản với Truyện Thầy Lazaro Phiền (in 1887); Huình Tịnh Của với Đại Nam quấc âm tự vị (in 1895)… Nhưng khi nói tới thời kỳ hoàn thiện chữ quốc ngữ, không thể không nói đến các từ điển của Pignaeux de Béhaine (Bá Đa Lộc) và Jean Louis Taberd, đặc biệt là cuốn từ điển song ngữ Việt-Latin: Nam Việt Dương Hiệp Tự vị (Dictionarium Annamitico-Latinum) của đức cha Taberd Từ cùng với chủng sinh Phan Văn Minh. Theo sử liệu, khi hai chú Thìn và Hiền phải rời Ấn Độ về nước, đức cha Từ đã “xin Trường Pénang gửi chú Minh qua giúp Người cho rồi việc tự vị”. Từ điển của Taberd thiên về các từ ngữ miền Nam, phản ánh dấu ấn của chủng sinh Philipphê Phan Văn Minh (người Vĩnh Long), như: đàng (đường), đặng (được), nhơn (nhân), nhứt (nhất), vô (vào)…
Cuốn từ điển này được Dương Quảng Hàm đánh giá cao trong Việt Nam Văn học sử yếu (Trung tâm Học liệu tái bản, S, 1968): “Cố Cadière trong một bài đọc ở Hội đồng Khảo cổ Đông Pháp ở Paris năm 1912 thì các hình thức hiện thời của chữ Quốc ngữ chính là do đức cha Bá Đa Lộc đã sửa đổi lại mà thành nhất định. Đức cha có soạn cuốn Tự điển An nam La tinh, tuy chưa xong hẳn, nhưng cố Taberd đã kế tiếp công cuộc ấy mà soạn ra cuốn Dictionarium Annamitico-Latinum (Nam Việt Dương Hiệp Tự vựng), in năm 1838. Trong cuốn này, cách viết chữ Quốc ngữ giống hệt bây giờ: mỗi tiếng Nam đều có chua kèm chữ Nôm; cuốn sách ấy sẽ là một cuốn sách làm gốc cho các tự điển tiếng Nam sau này” (trang 337-338).
Ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Ngày 3.9.1945, trong phiên họp đầu tiên của chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị mở chiến dịch “Chống nạn mù chữ”, vì “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”, và Bình dân học vụ ra đời, dùng chữ Quốc ngữ xóa nạn mù chữ chứ không dùng chữ Hán, chữ Nôm. Chữ Quốc ngữ thời này dễ thuộc, dễ hiểu qua những câu văn vần miêu tả, như: “i, t (tờ), có móc cả hai/ i ngắn có chấm, t (tờ) dài có ngang; e, ê, l (lờ) cũng một loài/ ê đội nón chóp, l (lờ) dài thân hơn; o tròn như quả trứng gà/ ô thì đội mũ, ơ là thêm râu; o, a hai chữ khác nhau/ vì a có cái móc câu bên mình”… Tiếp theo việc diệt “giặc dốt”, là việc bổ túc văn hóa củng cố sự đọc thông viết thạo cho những người đã thoát nạn mù chữ, nâng dần trình độ của cán bộ và nhân dân ta. Nhờ vào việc bổ túc văn hóa này, chúng ta đã có nhiều chuyên gia đầu ngành trong nhiều lĩnh vực, góp phần to lớn trong việc xây dựng và thống nhất đất nước.
Qua những tài liệu được dẫn ở trên, chúng ta có thể thấy sau khi chiếm Nam kỳ làm thuộc địa (chiếm 3 tỉnh miền Đông gồm Gia Định, Định Tường, Biên Hòa vào năm 1862 và chiếm 3 tỉnh miền Tây gồm Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên vào năm 1867), người Pháp mau chóng nhận ra giá trị của loại chữ viết này và bắt đầu áp dụng nó trong giáo dục phổ thông và báo chí, chứ không phải người Pháp đã sáng chế ra chữ Quốc ngữ để dễ bề cai trị, “khai hóa”… như một số ý kiến trước đây./