A Khuê – Giữa đồi trăng uống rượu – Tiến sĩ Huỳnh Văn Hoa

A Khuê - Giữa đồi trăng uống rượu - Tiến sĩ Huỳnh Văn Hoa
Nhà thơ A Khuê (1948 - 2009)

A KHUÊ  – GIỮA ĐỒI TRĂNG UỐNG RƯỢU

A Khuê tên thật là Hoàng Văn Phúc, sinh năm 1948 tại xã Quang Phúc, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, theo gia đình vào Nam năm 1954. Giữa thập niên 60, đầu 70 của thế kỷ XX, A Khuê sống và sáng tác tại Đà Nẵng. Ông mất lúc 20g30 ngày 13-8-2009 tại Bệnh viện tỉnh Bình Phước, hưởng thọ 61 tuổi.

A Khuê sinh trưởng trong một gia đình Công giáo, có truyền thống nghệ thuật. Bố là Hoàng Liên, nghệ sĩ violon, tham gia dàn kèn một nhà thờ tại Quảng Ngãi. Anh trai là nhạc sĩ Hoàng Lương. Thuở nhỏ, A Khuê được gia đình cho học vĩ cầm nên rành về âm nhạc. Âm nhạc có ảnh hưởng trong cuộc đời và sáng tác của A Khuê.

A Khuê có tuổi thiếu thời bên dòng sông Trà Khúc thơ mộng và bắt đầu có những cảm xúc đầu đời với một cô gái tên Khuê. Còn A là do thích như người Tây Nguyên mang chữ A ở đầu tên.

Trước 1975, A Khuê là bạn của Vũ Hữu Định và Phạm Phú Hải, làm thành nhóm “Tam nhân lãng tử đất sông Hàn” (Theo Đông Kha)

Với âm nhạc, A Khuê có gần 300 ca như Tình thiên thu, Nhánh hoa xưa (thơ Trương Đình Tuấn), album Mặt trời đã lên (in chung với nhạc sĩ Bạch Cung Thạnh).

Đặc biệt, bài thơ Về đây nghe em, do Trần Quang Lộc phổ nhạc, rất quen thuộc với công chúng Việt Nam, nhất là qua tiếng hát của những ca sĩ nổi tiếng như Khánh Ly, Hồng Nhung, Trần Thu Hà, Mỹ Lệ, Quang Linh, Quang Dũng, Thu Phương, Tuấn Ngọc, Elvis Phương, …

Tác phẩm:

– Vàng bay, Nhà xuất bản Da Vàng, Đà Nẵng, 1970
Lùa bò trong sương, Nhà xuất bản Trẻ, TPHCM, 1999

*

A Khuê là tiếng thơ lạ của xứ Quảng, vừa có chất Bắc, vừa có chất Trung, lại đậm âm hưởng của Kinh thánh, lãng đãng của thiền tịnh và lâng lâng chút gì của gã lang bạt, đặc biệt, trong đó, có những ảnh hưởng nhất định của dòng triết học hiện sinh, một dòng triết học đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn chương học thuật tại miền Nam trước 1975. Thi sĩ đã “lùa bò” đi “trong sương”, qua những vùng “vàng bay” của sương khói hư huyền, gửi lại cho đời nhiều vần điệu hay và thu hút người đọc.

Cuộc đời A Khuê trừ những năm tháng tuổi trẻ sống cùng gia đình tại Quảng Ngãi, Đà Nẵng, còn lại, những ngày sống ở Đồng Nai, Sóc Trăng, Bình Phước đều gian khổ. Con đông, kinh tế khó khăn, bệnh tật hiểm nghèo, những nỗi đời cơ cực … đã trói buộc người nghệ sĩ tài hoa vào nhiều nỗi khốn cùng.

Trước 1975, A Khuê đã tạo được một con đường thơ ca của mình. Thế giới nghệ thuật đó vừa mang dấu ấn siêu hình của tôn giáo lại vừa thấm đẫm những suối nguồn tình tự của ca dao, dân ca. Nhiều bài lục bát nằm ở hệ quy chiếu này.

Trong bài Chắp tay quỳ, 12 câu thơ viết ở tuổi hai mươi, ẩn sau các dòng thơ là tâm thức Lão giáo, là thánh kinh Ky Tô giáo. Các thành viên trong gia đình và A Khuê đều là tín đồ Thiên Chúa giáo. Sáu lần “chắp tay quỳ lạy” là sáu lần của khoảnh khắc tử sinh của đời người, một cuộc đời cô liêu trong tiếng kinh ban chiều, trong cuối đường nhân sinh với cõi người tử sinh, tiêu điều, đơn lạnh với những mồ chôn, di hài, thân ma. Bài thơ ngậm ngùi thân phận. Suốt một đời, trong nhiều bài thơ, A Khuê ám ảnh bởi cái chết, sự cô đơn của kiếp người, dấu hỏi về cõi người, vì sao ta đến với cuộc đời này, rồi ta sẽ đi về đâu. Cuối cùng, câu hỏi chỉ là câu hỏi, cho nên, đành Chắp tay quỳ lạy cuộc đời, xa hơn:

Chắp tay quỳ lạy mồ chôn
Hãy chôn ta với chập chùng vàng bay

Gõ quan tài làm vui là bài thơ vừa mang tính ma mỵ, vừa là lời cầu xin. Ta biết, quan tài hoặc áo quan là vật dụng thường làm bằng gỗ để dựng xác người chết, sau đó, sẽ được mai táng hoặc hỏa táng. Nhà thơ đã 13 lần “xin” (cho tôi): Cho tôi chạy giữa phố phường / Cho tôi chẻ tóc ơ hờ / Cho tôi miệng hót ba hoa / Cho tôi đời sống vô hồn / Cho tôi ngủ dưới sương hiên / Cho tôi cười lớn, khóc òa / Cho tôi khăn đỏ máu mình / Cho tôi như gã thiền sư / Cho tôi nhớ phố nhớ phường / Cho tôi mắt khổ đăm đăm / Cho tôi tuyết trắng hồn tôi / Cho tôi tự tử trên bờ thu phai / Cho tôi oán khúc một bài. 

Mỗi lần “xin” là một lần chạm vào một góc khuất của thân phận làm người, như một gã cuồng sĩ, lang thang qua “phố phường”, qua “cơn mộng”, qua “đồi vắng”, qua “chiều tà”, qua “ngọn lửa buồn trái tim”, có khi “cười lớn, khóc òa”, đi qua “cõi chập chùng âm u“, rồi “ Nửa đêm tóc thả buông xòa đọc kinh”, có lúc “như gã thiền sư / Bỗng nhiên nhảy cỡn giữa mù mù sương”, có lúc  “ Nhớ cha, nhớ mẹ, nhớ nường tình nhân”, có lúc xin “ tự tử trên bờ thu phai”, để rồi, cuối cùng, thành thật với lời cầu xin:

Cho tôi oán khúc một bài
Tang tang tôi gõ quan tài làm vui

Ôi chao, ở đời, sao có thú vui kỳ lạ vậy, gõ quan tài làm vui ? Bài thơ tạo được ấn tượng.

A Khuê thường viết về trăng. Đồi trăng uống rượu là bài thơ lục bát có hai nhân vật. Đồi trăng và thi nhân. Đồi trăng toàn là trăng. Giữa mênh mông, rộng lớn của đồi trăng, con người nhỏ bé và cô đơn, cô đơn giữa bạt ngàn ánh sáng.

Đọc Đồi trăng uống rượu, dễ thường liên hệ với Nguyệt hạ độc chước của thi tiên Lý Bạch (701-762). Với Lý Bach, dưới trăng uống rượu, có ba nhân vật: trăng, thi nhân và bóng, Lý Bạch đã giãi bày tâm sự của mình. Hai nhân vật: trăng-bóng thì không nói năng gì, chỉ thi sĩ, chỉ Lý Bạch độc thoại. Say mà tỉnh. Tỉnh mà say.

A Khuê với Đồi trăng uống rượu vẫn nằm trong mạch nguồn phương Đông: Lên đồi khăn áo lê thê / Áo trăng quá lạnh tôi về giết trăng / Giết trăng tôi lại lên đồi / Ngơ ngơ ngác ngác tôi ngồi nhớ trăng / Đồi trăng đỏ tôi mê man / Ôi tôi biết cõi phai tàn sau lưng / Đồi trăng uống rượu vô cùng / Xin thưa trời đất tôi mừng tôi say… Bài thơ này là sự pha lẫn cái chất u uẩn của thơ ca ngày trước và nỗi niềm nhân thế của hôm nay, như một lần Huy Cận đã viết: Chàng Huy Cận khi xưa hay sầu lắm, / Gió trăng ơi! nay còn nhớ người chăng?/ Hơn một lần chàng đã gửi cho trăng / Nỗi hiu quạnh của hồn buồn không có (Mai sau). Đặc biệt, bài Đồi trăng uống rượu rất gần với thơ Hàn Mặc Tử, thi sĩ đồng đạo với nhà thơ. Với A Khuê, có những hình ảnh sáng tạo, lấp lánh.

Ở miền Nam, lục bát của Bùi Giáng, Cung Trầm Tưởng, Trần Tuấn Kiệt, Viên Linh, Phạm Thiên Thư, Hoài Khanh, Nguyễn Đình Toàn, Trần Dạ Từ, …… mỗi người là một thế giới, một chuỗi nhịp điệu, một chuỗi hình ảnh, sáng tạo và tân kỳ. Và, cũng có thể nói, các bài lục bát của A Khuê đã tạo nên một nẻo riêng. Nẻo đi đó, không giống với các nhà thơ đương thời cùng lứa tuổi. Nhiều câu thơ lục bát đạt đến trình độ tuyệt mỹ, làm người đọc khó quên khi tiếp xúc:

Chắp tay quỳ lạy cuộc đời
Đã mang ta tới cõi người tử sinh
(Chắp tay quỳ)

Cho tôi ngủ dưới sương hiên
Đợi em nho nhỏ đi tìm bao la
Cho tôi cười lớn, khóc òa
Nửa đêm tóc thả buông xòa đọc kinh
(Gõ quan tài làm vui)

Lên đồi khăn áo lê thê
Áo trăng quá lạnh tôi về giết trăng
Giết trăng tôi lại lên đồi
Ngơ ngơ ngác ngác tôi ngồi nhớ trăng
(Đồi trăng uống rượu)

Đẹp chưa cố lý mây ngàn
Trăng thiên cổ chiếu bóng vàng đá phai
(Gửi người ở lại)

Ngoài lục bát, A Khuê còn làm thơ theo lối tự do, kiểu thơ-văn xuôi (poeme en propose). Trên tập san Nhận Diện, số 1&2, ra ngày 30-5-1971, A Khuê có bài thơ viết theo thể tự do, dài 617 chữ, có tên Cho những người tình không mặt.

Bài thơ sử dụng hình ảnh, ngôn ngữ, nhịp điệu, cấu trúc lạ và sáng tạo, kết hợp với một chuỗi từ “xin: Xin gửi bài thơ này …. Tôi xin gọi hoài … Xin trả lại hết… Xin cho tôi được nói… Xin tưởng tượng cho đó… Xin nguyền rủa phỉ nhổ và mỉa mai

Mở đầu bài thơ bằng dòng thơ: Xin gửi bài thơ này cho những và mỗi một người tình đã đi qua trong đời.

Và, kết thúc bài thơ: Xin gửi bài thơ này đến cho em cùng với hương say của rượu, của môi phấn và của những ngày lênh đênh trong phố – Những ngày tôi tìm lại em  – Những và mỗi một người tình đã đi qua đời.

Bài thơ là một khúc vừa hoan ca vừa bi ca, vừa tràn ngập yêu thương, hứa hẹn và  ước ao về hạnh phúc, nhưng cũng vừa đớn đau, vụn vỡ, chán chường. Người đọc nhận ra, vẫn còn đó đóa hoa không héo tàn, vẫn còn hương say của rượu, của môi phấn, vẫn còn một ngọn lửa của nhớ thương ánh lên trong mỗi cuộc tình đi qua đời người trên con tàu hạnh phúc.

Lời kinh nguyện đêm cho những người tình không mặt của A Khuê như mang vác những niềm tin, những khao khát cho em – một người tình đi qua cuộc đời – với ánh lửa của nhớ thương, với một chút lương tri làm vợi đi bao hiu hắt của tâm hồn.

A Khuê có Về đây nghe em, một bài thơ được Trần Quang Lộc phổ nhạc, nhiều người yêu thích. Giai điệu ngọt ngào, sâu lắng, trữ tình, mang nhiều dấu vết của thánh ca.

Giữa lời thơ và lời ca khúc không khác nhau là bao ! Đó là một bài thơ trong trẻo, dịu dàng, thanh sạch, đầy chất nhân bản, tựa như khúc ca dao, vừa mộc mạc, vừa duyên dáng, nhẹ nhàng đi vào đời. Những hình ảnh dân dã, gần gũi với đời thường như nồi ngô khoai, hạt lúa mới, mặc áo the, đi guốc mộc khiến người nghe cảm nhận gần với tình tự dân tộc, lắng đọng trong tâm hồn: Kể chuyện tình bằng lời ca dao / Kể chuyện tình bằng nồi ngô khoai  / Kể chuyện tình bằng hạt lúa mới…

Như gã hát rong, kêu gọi người về, tiếng gọi trìu mến, thiết tha, đầy da diết: Về đây nghe em, về đây nghe em / Về đây mặc áo the, đi guốc mộc… Về đây nghe em ! Về đây thả ước mơ đi hát dạo / Để chào đời bằng hạt sương mai / Về đây nghe em! Cùng khóc trên sông nước buồn / Chở lòng người trở về quê hương / Chở hồn mình về dòng suối mát Chở thật thà vào lòng dối trá …

Về đây nghe em dễ làm người đọc nhớ đến Đi giữa đường thơm của Huy Cận hay Mai em về của Nguyễn Đình Toàn.

*

A Khuê có tình bạn thân thiết với Vũ Hữu Định. Trong bài thơ Chẳng hay, đăng trên tạp chí Văn, số 199, 1-4-1972, số đặc biệt về hội họa, Vũ Hữu Định dành bài thơ của mình tặng A Khuê. Chất giọng Vũ Hữu Định trong Chẳng hay đầy bi tráng. Kết thúc bài thơ bằng bốn câu thơ, như ngày trước Thâm Tâm viết trong Tống biệt hành. Bốn câu đầy chất u uẩn, tê tái:

Chiều dựng mùa xưa bên vách núi
Chiều neo sương khói buổi ta về
Mẹ, chị đàn em không có mộ
Thăm ai ? thăm ai ? ta về quê.

Những câu hỏi xoáy lên, không có câu trả lời. Chiến tranh hoang tàn. Những ngôi mộ người thân không có. Không có mộ, nơi nào để về thắp nén nhang cho người thân yêu ?. Cuối cùng, thôi thì “ta về quê” để gọi là có một chỗ trở về.

Giọng thơ A Khuê khác với Vũ Hữu Định. Qua những ô-cửa-thơ-A Khuê, nhìn vào thời gian, ta thấy vầng trăng thiên cổ chiếu qua bóng đá vàng phai (Gửi người ở lại), thấy ngọn lửa buồn đi qua trái tim (Gõ quan tài làm vui), thấy một người “nằm nghe sương hát dưới hiên thu vàng” (Nhớ con chim nhỏ), thấy “Trăm con hạc trắng, bỏ về lối xưa” (Nón cỏ theo người), chao ôi Trinh trắng xa lòng người / Buồn ôi! Bay lất phất (Sầu riêng), …

Thơ A Khuê, một nỗi buồn diễm lệ, lan tỏa trên những cung đàn ngôn ngữ. Bên lưu vực của nỗi buồn, như một câu thơ của tác giả: Hồn như vĩ cầm lệ / Kêu réo qua từng ngày (Không ngờ – Bụi cát ra hương).

Xin được nói thêm, trong quá trình tìm hiểu thơ A Khuê, một khuôn mặt thơ xứ Quảng, chúng tôi đã nhiều lần tìm cách liên lạc bằng thư, email, điện thoại với gia đình, kể cả Hội Liên hiệp văn học nghệ thuật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu và tỉnh Bình Phước, song, đều không có hồi âm. Vì thế, phần trích dẫn các bài thơ, chủ yếu dựa vào trang phongdiep.net do Hoàng Quý chọn và giới thiệu. Chúng tôi mong muốn, sau nay, khi có dịp, sẽ nhận được những bổ sung, điều chỉnh của bạn bè, gia đình và người thân của nhà thơ A Khuê. Được như vậy, chúng ta sẽ có những tác phẩm hoàn chỉnh, đúng diện mạo vốn có, như sinh thời tác giả đã công bố. Mong thay !

HUỲNH VĂN HOA

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây