Bàn thêm về thần Tam vị Uy Minh Thành Hoàng và Thiên Hạ Đô Đại Thành Hoàng ở Đà Nẵng – TS. Lê Xuân Thông

Bàn thêm về thần Tam vị Uy Minh Thành Hoàng và Thiên Hạ Đô Đại Thành Hoàng ở Đà Nẵng - Tiến sĩ Lê Xuân Thông

Bàn thêm về thần Tam vị Uy Minh Thành Hoàng và Thiên Hạ Đô Đại Thành Hoàng ở Đà Nẵng 

TS. LÊ XUÂN THÔNG

Thờ cúng Thành Hoàng là một tín ngưỡng cổ truyền phổ biến của người Việt kéo dài từ Bắc xuống Nam, theo đà mở cõi của dân tộc. Ở Đà Nẵng, ngoài thần Thành Hoàng bổn xứ/bổn cảnh được phụng thờ phổ biến thì còn có thần tam vị Uy Minh Thành Hoàng và Thiên Hạ Đô Đại Thành Hoàng mà nguồn gốc và hành trạng không phải đã được nhận thức rõ ràng. Bài viết này sẽ tìm hiểu về các vị thần Thành Hoàng nói trên.

 Tam vị Uy Minh Thành Hoàng

Nếu dựa vào sắc phong do triều Nguyễn ban tặng thì ở Đà Nẵng, thờ tam vị Uy Minh làm thần Thành Hoàng chỉ xuất hiện rải rác ở một số làng xã, như Nam Thọ (quận Sơn Trà), Phú Hòa (huyện Hòa Vang) và Hóa Khuê Đông (quận Ngũ Hành Sơn). Tuy nhiên, trong thực tế, ngoài các làng Nam Thọ, Phú Hòa, Hóa Khuê Đông thì rất nhiều làng xã khác ở Đà Nẵng có thờ thần tam vị Uy Minh. Hiện nay vẫn còn nhiều miếu thờ gọi là miếu Tam Vị, phần nhiều có niên đại từ thời Nguyễn.

SAM 4407 1 - Bàn thêm về thần Tam vị Uy Minh Thành Hoàng và Thiên Hạ Đô Đại Thành Hoàng ở Đà Nẵng - TS. Lê Xuân Thông

Cổng Miếu Tam Vị làng Hòa Phú (Phường Hòa Minh, Quận Liên Chiểu, Thành phố Đà Nẵng) – Ảnh: Lê Xuân Thông – 2013

Vậy tam vị Uy Minh là ai?

Các tác giả Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường cho rằng đó chính là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang đã được ghi chép trong Đại nam nhất thống chí của Quốc sử quán triều Nguyễn (1).

Đại Nam nhất thống chí cho biết ở các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Bình Định có miếu thờ Uy Minh Vương; lai lịch thần cơ bản thống nhất, trong đó, phần trình bày ở tỉnh Bình Định bao quát hơn cả. Cụ thể như sau: “Đền Uy Minh Vương: có tên nữa là đền thần núi Tam Tòa, ở cửa biển Thi Nại. Thần họ Lý, húy là Nhật Quang, là con thứ tám của Lý Thái Tông (2), được phong Uy Minh Vương, coi phủ Nghệ An, có chính tích tốt, nhân dân mến phục. Bấy giờ có bộ lạc ở Chiêm Thành làm phản, vua Chiêm Thành cầu viện, quân của vương đóng ở dưới núi Tam Tòa, vua Chiêm Thành đón rước. Bộ lạc Chiêm Thành được tin, đều đến cửa quân sụp lạy và cam đoan xin theo lệnh vua Chiêm, không dám hai lòng. Vương đem quân về, người Chiêm Thành nhớ công đức, bèn lập đền thờ ở dưới núi Tam Tòa. Lúc vua Lê Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, đóng quân ở cửa biển Thi Nại, cầu đảo thường được ứng nghiệm. Sau khi hạ được thành Chà Bàn, phong cho vương làm thần núi Tam Tòa” (3).

Dưới đây, chúng tôi xin trích dẫn thêm một số tài liệu thư tịch cổ nói về ông, trước Đại Nam nhất thống chí của triều Nguyễn.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư cho biết sau khi phạt Chiêm thắng lợi, tháng 8 năm Giáp Thân (1044), vua Lý Thái Tông đem quân về. “Đến hành dinh Nghệ An, gọi Uy Minh hầu là Nhật Quang đến để yên ủi và trao tiết việt cho trấn thủ châu ấy, gia phong tước vương. Trước đây vua ủy cho Uy Minh thu thuế châu Nghệ An và sai đặt trại Bà Hòa cho trấn được bền vững; lại đặt điếm canh ở các nơi, chứa lương thực đầy đủ, cái gì cũng vừa ý vua, cho nên được tước phong như thế” (4).

Trong Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, viết về thần Uy Minh Dũng Liệt Hiền Trung Tá Thánh Phu Hiền Đại Vương với một bản lí lịch chi tiết: Vương họ Lý, tên Hoàng, con thứ tám của Lý Thái Tông, mẹ là Trinh Linh hoàng hậu Lê thị. Càn Phù Hữu Đạo năm thứ nhất (1039), được giao phụ trách việc tô thuế ở Nghệ An. Hành sự liêm chính, được vua ban hiệu Uy Minh thái tử, ở lại coi giữ đất Nghệ An.

Vua Lý Thái Tông trước khi chinh phạt Chiêm Thành sai Vương làm trại hành doanh gọi là trại Bà Hòa kiên cố, hiểm yếu, đất rộng chứa được hàng vạn quân, kho lương đủ dùng trong ba năm. Sau chiến thắng quân Chiêm trở về, vua dừng nghỉ ở hành doanh Nghệ An, thấy Vương lo việc cẩn trọng, nhân dân tin yêu, gia phong lên tước vương.

Dưới quyền cai trị của vương, các tù trưởng đều thần phục, thu được năm châu, hai mươi hai trại, năm mươi sáu sách; cương giới xác định rõ ràng. Vương còn dẹp yên các đám giặc Ông Yết, Lý Bĩ. Nhân dân địa phương rất tin yêu.

Sau khi ông mất, dân trong châu lập đền thờ, cầu tạnh cầu mưa đều linh nghiệm, là một vị đại phúc thần của cả châu. Nhiều nơi ở trong châu đều có đền riêng để thờ. Mỗi khi nhà vua đem quân đi đánh giặc, đều rước kiệu của Vương đi trước, bao giờ cũng thu được toàn thắng. Trong khoảng niên hiệu Trần Nguyên Phong (1251 – 1258), vua Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, thuyền chở kiệu của Vương đi nhanh như gió, quả nhiên thắng trận. Lúc khải hoàn, quân đội kéo đến thành điện của bản châu, nhà vua có sắc phong là Uy Minh Dũng Liệt Đại Vương.

Năm Trùng Hưng thứ nhất (1285), ban hai chữ Hiển Trung. Năm Trùng Hưng thứ tư (1288) ban thêm hai chữ Tá Thánh. Năm Hưng Long thứ 21 (1313), gia phong hai chữ Phu Hựu (5).

Ngoài việc khẳng định tam vị Uy Minh là hoàng tử nhà Lý Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, tác giả sách Đình Nam Bộ xưa và nay còn nói thêm tam vị Oai (Uy) Minh Thành Hoàng được thờ nhiều nơi từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa, đồng thời những lưu dân từ Trung Bộ đã mang vị thần này vào Nam (6).

Tuy nhiên, chúng tôi thấy có những mâu thuẫn sau: (1) Nếu cho rằng đó là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang thì không giải thích được hai chữ “tam vị” đứng trước tước hiệu của thần trong sắc phong (tam vị Uy Minh Thành Hoàng). Rõ ràng, trong sắc phong nói có ba vị chứ không chỉ có một vị thần như những tác giả trên đã hiểu.

Khảo sát các miếu Tam Vị tại Đà Nẵng cho thấy, kiến trúc phổ biến là ba đơn nguyên kiến trúc nằm liền nhau theo trục ngang, mỗi đơn nguyên kiến trúc là một khối hình hộp chữ nhật đứng, có quy mô nhỏ. Trong đó phần chính giữa lớn hơn hai phần bên. Điều này càng cho thấy “tam vị” đúng như tên gọi gồm ba vị thần chứ không phải một. Mặt khác, điều đó cũng gợi lên một khả năng rằng, trong ba vị thần đó, có một vị  là cao cấp hơn hai vị khác.

Khảo sát tại Nghệ – Tĩnh – vùng đất cội nguồn của tín ngưỡng thờ Uy Minh Vương Lý Nhật Quang sẽ cung cấp những thông tin khác hẳn, đủ để chứng minh những điều chúng tôi vừa trình bày là có căn cứ. Ở đó có rất nhiều đền miếu thờ ông nhưng không có nơi nào gọi là miếu “tam vị” cả, ngoại trừ ở xã Xuân Giang (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) có đền Tam Vị Đại Vương (dân gian gọi là đền Thượng) thờ đúng “tam vị” là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương – cả ba đều là hoàng tử nhà Lý; còn ở xã Ích Hậu (Lộc Hà, Hà Tĩnh) có đền Tam Tòa Đại Vương (dân gian gọi là đền Cả hoặc đền Lớn) cũng thờ ba vị thần: Lý Nhật Quang và hai vị vương hầu triều Lý là Lý Đạo Thành và Lý Thế Giai.

 (2) Nếu cho rằng tam vị Uy Minh Thành Hoàng là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, hẳn sẽ xuất hiện mâu thuẫn giữa hành trạng, công lao của thần với phẩm trật, mỹ tự được phong. Chúng ta thấy các sắc phong thần tam vị Uy Minh Thành Hoàng ở Đà Nẵng được tặng mỹ tự là Đôn Ngưng hạ đẳng thần, Tĩnh Hậu trung đẳng thần. Chiếu theo quy định của triều đình trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, chứng tỏ tam vị Uy Minh Thành Hoàng được coi là một dạng Thổ thần (7). Trong khi Uy Minh Vương Lý Nhật Quang là một nhân vật lịch sử hành trạng và công tích được sử sách lưu truyền thì lẽ ra phải được phong cấp là thần thượng đẳng hoặc chí ít phải là trung đẳng; và phải xếp vào dương thần với các mỹ tự ban tặng sẽ là: Trác Vĩ (nếu ở bậc thượng đẳng) hoặc Quang Ý (nếu là bậc trung đẳng).

Trở lại với mảnh đất Nghệ An, những sắc phong của triều Nguyễn ban cho Uy Minh Vương Lý Nhật Quang tại Nghệ An sẽ chứng minh cho lập luận trên. Ở đây, thần có phẩm trật, mỹ tự khác, cho thấy đây là một dương thần có công lao lớn, đúng như điều mà chúng tôi đã nói. Xin dẫn một đạo sắc làm ví dụ:

Sắc phong cho Uy Minh Vương Tam Tòa tôn thần, trước đã phong tặng là Vệ Chính Phù Chân Hữu Thiện Quang Ý Dực Bảo Trung Hưng trung đẳng thần, có công hộ nước giúp dân, linh ứng sáng rõ. Nay ta vâng mệnh nối ngôi, chạnh nghĩ đến công lao của thần, nên gia phong Trác Vĩ thượng đẳng thần, chuẩn cho hai xã Hải Đô – Nguyệt Tỉnh, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An phụng thờ như cũ. Thần hãy phò trì bảo vệ cho đám dân đen của ta. Hãy kính cẩn vâng mệnh!

Ngày 21 tháng 2 năm Thành Thái thứ 2 (8).

Như vậy, việc khẳng định thần tam vị Uy Minh Thành Hoàng được triều Nguyễn sắc phong, là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, hẳn chưa thuyết phục.

Tổng hợp những gì chúng tôi đã trình bày, chúng tôi cho rằng thần cần phân biệt thần tam vị Uy Minh Thành Hoàng được sắc phong với thần tam vị Uy Minh được thờ tự phổ biến (có thể cũng là thần Thành Hoàng của làng) nhưng không được ban sắc phong.

Thần tam vị Uy Minh Thành Hoàng được sắc phong là một dạng thờ Thổ thần, với bộ ba Thổ Công, Thổ Địa và Thổ Kỳ xuất phát từ sự tích của thần, với 2 ông chồng và 1 và vợ. Nhưng đây là lớp tín ngưỡng có sau, hay nói đúng hơn, đây chỉ là tín ngưỡng trá hình mang tính che đậy cho một lớp tín ngưỡng thờ thần khác cốt lõi bên trong. Và xin lưu ý thêm, trường hợp này cũng chỉ diễn ra với những làng nhận được sắc phong của triều Nguyễn ban cho thần tam vị Uy Minh mà thôi. Sự thật, tam vị Uy Minh là một bộ ba vị thần lấy Uy Minh Vương làm trung tâm, như trường hợp đền Thượng hay đền Cả ở Hà Tĩnh, trong đó bộ ba Uy Minh Vương, Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương là hợp lí hơn cả.

Sở dĩ có tình trạng như vậy là do điển lệ của triều đình phong kiến ngăn cấm. Bởi lẽ, Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương là hai trong ba hoàng tử nhà Lý (người còn lại là Vũ Đức Vương) gây ra loạn tam vương năm Mậu Thìn (1028). Dưới con mắt quan phương, họ là những người bất trung, bất nghĩa, không được dự vào ân điển. Chính vua Tự Đức đã nói Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương là “hai vị thần không có đạo lí” (9). Điều này đã cắt nghĩa tại sao tam vị thần mà nhân dân Đà Nẵng phụng thờ hầu như không được nhận sắc phong. Việc các làng Nam Thọ, Phú Hòa, Hóa Khuê Đông được ban sắc hẳn đã phải kê lai lí lịch của thần khác đi, tức là thần Thổ Công như chúng tôi đã nói.

Tóm lại, không thể nói thần tam vị Uy Minh Thành Hoàng được ban sắc (LXT nhấn mạnh) chính là Uy Minh Vương Lý Nhật Quang, mà là một dạng thờ thổ thần. Nhưng, đó không phải là sự thật. Thần tam vị Uy Minh (có thể là thần Thành Hoàng hoặc không, tùy theo làng) đích thực là bộ ba Uy Minh Vương, Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương.

Thiên Hạ Đô Đại Thành Hoàng

Ở Đà nẵng, duy chỉ tìm thấy một sắc phong năm Duy Tân thứ 3 ban cho làng Mân Quan (Mân Quang) thờ Thiên Hạ Đô đại Thành Hoàng.

Dựa vào mỹ hiệu của thần thì có thể xác định đây là thần Thành Hoàng kinh đô, mà trước hết là kinh đô Thăng Long, đó là thần Tô Lịch, hoặc Long Đỗ Vượng Khí. Qua các thư tịch cũ (như Việt điện linh, Lĩnh Nam chính quái) có thể khái quát sự tích thần như sau: Xưa vào đời Tần có vị quan hiếu liêm tên là Tô Lịch rất được lòng dân, nên dân làng lấy tên Tô Lịch đặt làm tên làng. Năm Trùng Khánh thứ 3 đời Đường Mục Tông, có vị quan đô hộ là Lý Nguyên Gia dời phủ lị đến đóng ở nền đất cũ của nhà Tô Lịch, đã bàn với kỳ lão địa phương xây dựng đền thờ và tôn Tô Lịch làm thần Thành Hoàng. Đến khi Cao Biền đắp thành Đại La thấy có linh dị nên tôn phong là Đô phủ Thành Hoàng thần quân.

SAM 4409 - Bàn thêm về thần Tam vị Uy Minh Thành Hoàng và Thiên Hạ Đô Đại Thành Hoàng ở Đà Nẵng - TS. Lê Xuân Thông

Miếu Tam Vị làng Hòa Phú (Phường Hòa Minh, Quận Liên Chiểu, Thành phố Đà Nẵng) – Ảnh: Lê Xuân Thông – 2013

Khi Lý Thái Tổ dời đô từ Hoa Lư ra Thăng Long, thường mộng thấy ông già đầu bạc cúi mừng “vạn tuế”. Hỏi sự tích biết là thần Tô Lịch. Vua sai tế lễ, phong thần làm Quốc đô Thăng Long Thành Hoàng đại vương. Đời Trần phong Bảo Quốc Hiển Linh Định Bang Quốc Đô Thành Hoàng Đại Vương.

Theo một thuyết khác thì Đô Thành Hoàng Thăng Long là thần Long Đỗ Vượng Khí, cũng tức là thần Bạch Mã. Vào thời thuộc Đường, khi Cao Biền đắp thành Đại La, bỗng thấy một dị nhân trang phục sặc sỡ, cưỡi con rồng vàng theo đám mây ngũ sắc tụ lại rồi biến mất. Biền cho là điềm lạ, muốn lập đàn cầu đảo trấn áp. Thần báo mông cho Cao Biền nói rằng thần chính là Long Đỗ Vượng Khí, chỉ muốn xuất hiện để xem thành mà thôi. Hôm sau tỉnh dậy, Cao Biền lập đàn, làm bùa trấn áp. Nhưng đêm đến, trời nổi gió mưa dữ dội, đánh tan bùa yểm. Biền sợ quá bỏ về nước. Người đời cho là linh dị bèn lập đền thờ thần.

Sau này vua Lý Thái Tổ dựng đô đắp thành, mộng thấy thần đến bái lạy, chúc mừng. Vua tỉnh giấc, sai sắm lễ tế thần và phong thần là Thăng Long Thành Hoàng Đại Vương. Cũng có thuyết khác nói vua Lý Thái Tổ đắp thành nhiều lần bị lỡ, sai người cầu đảo, thấy con ngựa trắng xuất hiện từ đền đi ra, quanh một vòng. Vua cho đắp thành theo dấu chân ngựa, quả nhiên thành công. Từ đó vua phong thần là Thành Hoàng Thăng Long. Các triều sau phong là Quảng Hội Bạch Mã tối linh thượng đẳng thần. Nơi thờ thần gọi là đền Bạch Mã, nay vẫn còn (ở phố Hàng Buồm, Hà Nội).

Danh hiệu Đô Đại Thành Hoàng ở góc độ quan phương, lần đầu tiên được chính thức thừa nhận là vào năm 1449 đời vua Lê Nhân Tông (1442-1459). Đại Việt sử kí toàn thư viết: “Lần đầu tiên lập đàn thờ Đô Đại Thành Hoàng và đàn thờ thần Gió, Mây, Sấm, Mưa, đàn thờ Quỷ không được tế tự để theo thờ cúng tế”.

Khi nhà Nguyễn thành lập, Gia Long cũng cho xây miếu Đô Thành Hoàng ở góc tây nam trong kinh thành, phường Vệ Quốc, là nơi thờ Thành Hoàng kinh đô, đồng thời lúc bấy giờ còn phối thờ tất cả Thành Hoàng trong cả nước.

Như vậy, Đô Đại Thành Hoàng (hay Đô Thành Hoàng) là Thành Hoàng của kinh đô, được triều đình thừa nhận và tế tự. Dưới triều đình trung ương, chỉ được thờ thần Thành Hoàng của địa phương.

Tuy nhiên, việc thờ thần Thành Hoàng với các danh hiệu Đô Đại/ Đại Đô vẫn diễn ra trong thực tế ở không ít các địa phương vùng Bắc và Nam Bộ. Qua tài liệu của Nguyễn Duy Hinh cho thấy rất nhiều làng ở Bắc Bộ thờ thần Thành Hoàng với danh hiệu Đại Đô/ Đô Đại Thành Hoàng (10). Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Trường cũng cho biết hiện tượng tương tự ở vùng đất Nam Bộ. Như đình Phú Long – Cai Lậy; đình Điều Hòa – Mỹ Tho; Đình Quới Sơn – Bến Tre; đình Trà Tân – Cai Lậy; đình Mỹ Quý Tây (Cai Lậy) (11).

Song, điều cần lưu ý là, việc nhiều địa phương thờ Thiên Hạ Đô Đại Thành Hoàng cũng chỉ dừng lại ở tâm thức dân gian, thuộc suy nghĩ và thừa nhận của dân gian, chứ hoàn toàn không được thừa nhận của triều đình phong kiến. Đối với vùng Bắc Bộ, ông Nguyễn Duy Hinh sau khi dẫn ra 14 trường hợp thờ Đô Đại/ Đại Đô Thành Hoàng của 14 xã/ thôn thuộc các tỉnh Hà Đông (Hà Nội ngày nay), Hải Dương, Hưng Yên và Phú Thọ đã phân tích và đi đến khẳng định: “Như vậy vốn không có thần hiệu Đô Đại thành hoàng trong sắc phong thần thành hoàng làng. Từ “Đô” trong Đô phủ thành hoàng và Đô quốc thành hoàng dùng cho trường hợp thần Tô Lịch, để chỉ thần cai quản thủ phủ của An Nam Đô Hộ phủ hay thủ đô Thăng Long. Các nho sĩ ở làng muốn đề cao làng xã của mình đã dùng hai chữ “đại đô”, “đô đại”. Và ông kết luận: “Tóm lại không có cấp bậc Đại Đô Thành Hoàng cho các xã thôn mà chỉ có một trường hợp duy nhất là trường hợp Đô phủ thành hoàng rồi Đô Quốc thành hoàng của Tô Lịch, và nếu có thì là một Đô Quốc thành hoàng nào đó của nhà Lê ở Thăng Long hay của nhà Nguyễn ở Phú Xuân với tư cách thành hoàng cả nước” (12).

Nhưng ở Đà Nẵng, như chúng ta thấy làng Mân Quan lại thờ Đô Đại Thành Hoàng, chính xác hơn là Thiên Hạ Đô Đại Thành Hoàng, tức là thần Thành Hoàng lớn nhất thiên hạ, và được triều đình chứng thực bằng bản sắc phong ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3 (1909)! Thật kì lạ!.

TS. LÊ XUÂN THÔNG

Chú thích:

(1). Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường (1999), Đình Nam bộ xưa và nay, Nxb Đồng Nai, tr.83-84

(2). Các sử gia triều Nguyễn đã không thống nhất khi ở phần này, viết Lý Nhật Quang là con thứ 8 của Lý Thái Tông (1028 – 1054), nhưng ở các phần khác (tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An) lại viết Lý Nhật Quang là con thứ 8 của vua Lý Thái Tổ (1010 – 1028). Nhiều tài liệu hiện nay cũng viết không thống nhất như trên.

(3).  Quốc sử quán triều Nguyễn (2006), Đại Nam nhất thống chí, Tập 3, Nxb Thuận Hóa, Huế, tr.55-56.

(4).  Nhiều tác giả (2004), Đại Việt sử ký toàn thư, Nxb Văn hóa Thông tin, tr.309.

(5). Lý Tế Xuyên (2012), Việt điện u linh, Nxb Hồng Bàng, Gia Lai, tr.61-64.

(6). Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Sđd, tr.84.

(7). Vào năm Tự Đức thứ 3 (1850) vua chuẩn lời nghị gia tăng mỹ tự cho các thần như sau: “Vị nào liệt ở thượng đẳng, thì thiên thần gia tặng chức Túy mục, thổ thần gia tặng chữ Hàm quang, sơn thần gia tặng chữ Tuấn tĩnh, thủy thần gia tặng chữ Hoành hợp, dương thần gia tặng chữ Trác vĩ, âm thần gia tặng chữ Trang huy; vị nào liệt ở trung đẳng, thì thiên thần gia tặng chữ Linh thủy, thổ thần gia tặng chữ Tĩnh hậu, sơn thần gia tặng chữ Củng bạt, thủy thần gia tặng chữ Nông nhuận, dương thần gia tặng chữ Quang ý, âm thần gia tặng chữ Trai thục; vị nào liệt ở hạ đẳng, thì thiên thần gia tặng chữ Thuần chính, thổ thần gia tặng chữ Đôn ngưng, sơn thần gia tặng chứ Tứ ngực, thủy thần gia tặng chữ Trừng trạm, dương thần gia tặng chữ Đoan túc, âm thần gia tặng chữ Nhan uyển, mỗi thần hiệu đều gia tặng hai chữ, các thần hiệu dự ở phong tặng đều xét từng hạng viết điền vào nhưng trong khi viết sắc, đem cả những chữ tích phong trước kia và mỹ tự gia tặng lần này, viết liền đi, để cho hợp với việc làm trước”. Nội các triều Nguyễn (1993), Khâm định Đại Nam hội điển sự hệ, Nxb Thuận Hóa, Huế, Tập 8, tr.187.

(8). Nguồn: Đào Tam Tỉnh (2010), “Phát hiện bốn sắc phong của Uy Minh Vương Lý Nhật Quang”, WWW.khoahocphothong.vn. Trong bài viết trên, tác giả cung cấp bốn đạo sắc phong, ngoài đạo sắc được dẫn, còn có sắc năm Tự Đức thứ 33, Đồng Khánh thứ 2 và sắc năm Duy Tân thứ 3; bao gồm phần phiên âm và dịch nghĩa, tuy nhiên chưa được tốt lắm, nhất là phần dịch nghĩa. Vì vậy, Đinh Thị Toan đã dịch lại đạo sắc này. Chúng tôi in đậm những chữ cần nhấn mạnh.

(9). Quốc sử quán triều Nguyễn (2007), Đại Nam thực lục, Tập 7, Nxb Giáo dục, Hà Nội, tr.330.

(10). Nguyễn Duy Hinh (1996), Tín ngưỡng Thành Hoàng Việt Nam, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, tr.66-67.

(11). Huỳnh Ngọc Trảng, Trương Ngọc Tường, Sđd, tr.57.

(12). Nguyễn Duy Hinh, Sđd.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây