Bi kịch đời người – Truyện ngắn của Nhà văn Vu Gia

Bi kịch đời người - Truyện ngắn của Nhà văn Vu Gia
Nhà văn Vu Gia

Bi kịch đời người

Truyện ngắn của VU GIA

Từ nhỏ, Thế đã biết người ở thành phố giàu sang không biết bao nhiêu lần so với người trong làng. Họ đến làng mua những rắn, rùa, chim muông,… Ai nấy đều ăn mặc đẹp không thể nào nói hết được. Họ đến làng bằng xe máy, xe hộp đủ màu bóng lộn đẹp hơn hình vẽ trong sách mà mấy chú bộ đội biên phòng dạy cho bọn trẻ học chữ. Độ bóng của những chiếc xe hộp ấy soi thấy mặt người rõ hơn soi xuống nước. Thế không hiểu sao thứ gì mà dân làng ăn được là họ đều mua. Những nông cụ thường dùng cũng có người hỏi mua. Ngay cả con chó vện của Thế cũng có người gạ mua, nhưng Thế cương quyết không bán vì nó lớn lên cùng Thế, cứu Thế thoát chết mấy lần. Theo thời gian, Thế nghe râm ran đây đó những thanh niên, thanh nữ trong làng bàn chuyện về xuôi, bởi nơi ấy tiền rụng đầy đường như cây đang mùa thay lá.

Xóm làng không còn trầm lặng như ngày xưa. Ai cũng nô nức săn chồn, bẫy chim, hái măng,… chờ người thành phố lên mua hoặc đổi hàng. Nhiều nhà nhờ bán đồ cho người thành phố mà đã có máy hát. Thanh niên, thanh nữ hầu như ai cũng có áo quần đẹp hơn. Thế cũng tham gia giúp gia đình bằng cách dẫn con vện đi tìm những hang thỏ, hang chuột, kể cả những chú ếch mập cui, đem về cho mẹ làm sạch, ướp muối với gia vị, treo lên giàn bếp chờ người đến mua.

Một hôm, có chiếc xe hộp sang trọng đỗ xịch trước nhà. Một cặp vợ chồng ăn mặc bảnh bao vào mua tất cả những gì gia đình Thế muốn bán. Họ không hề trả giá, làm cho mặt mày cha mẹ Thế sáng trưng. Khi mua bán xong xuôi, vợ chồng người nhà giàu nhìn Thế một lúc, hỏi qua chuyện học hành của Thế. Gia đình cũng thật thà cho biết Thế cũng như nhiều đứa trẻ trong làng chỉ mới biết đọc biết viết là nhờ các chú bộ đội biên phòng dạy cho. Họ muốn đưa Thế về phố và trả tiền trước mười năm, xem như thuê Thế về giúp việc việc vặt trong nhà. Nghe và nhìn số tiền trên bàn, cha mẹ Thế đồng ý, bởi với họ, Thế có đi ở đợ cho nhà giàu dưới xuôi cả đời cũng không được số tiền như vậy.

Ai cũng vui vẻ vì Thế về phố là đổi đời. Giàu nhà quê không bằng ngồi lê ở phố. Nhiều thanh niên, thanh nữ bỏ làng ra đi, lâu lâu có người về không chỉ đã đỏ da thắm thịt mà còn mua sắm áo quần đẹp cho anh chị em, cha mẹ. Con vện dường như không bằng lòng, cứ nhụi đầu vào Thế rên ư ử. Thế cũng ứa nước mắt, vuốt nhè nhẹ lên đầu nó và nói là sẽ đi thăm dò trước như thăm dò hang chuột, hang thỏ rồi về dẫn nó theo. Nghe vậy, nó gác đầu lên đùi Thế và lim dim đôi mắt.

Mọi chuyện đâu vào đó, Thế từ giã gia đình, ôm bọc áo quần đi theo vợ chồng người giàu có. Con vện sủa lên mấy tiếng như nói lời đưa tiễn. Thế chẳng buồn chẳng vui, vì chuyện đến phải đến. Anh chị của Thế cũng như một số đứa trẻ trong làng tới tuổi phải đi giúp việc cho người ta kiếm miếng ăn, có chút của để dành rồi về làng kiếm vợ kiếm chồng tạo dựng gia đình riêng giống như mọi động vật khác mà Thế đã chứng kiến.

Đến nơi, đường phố đã lên đèn, Thế nhìn choáng mắt. Vào đến nhà, Thế càng như lạc vào cảnh thần tiên được nghe trong những câu chuyện kể. Thế được người giúp việc trong nhà hướng dẫn tắm rửa, thay đồ mới. Gói áo quần được Thế mang theo chỉ còn biết bỏ vào góc tủ.

Thức ăn trên bàn cùng với chén bát, kể cả đôi đũa, cũng làm Thế ngạc nhiên, bởi thứ nào cũng sang cũng đẹp. Người trong làng hay khen “ăn sướng như đám giỗ”, nhưng với thức ăn bày trên bàn, Thế thấy thức ăn ở những đám giỗ nơi quê nhà chẳng thể so sánh được. Những người phụ nữ trong làng mỗi khi giận chồng, giận con thường hay khóc lóc than mình chỉ hơn con chó cái chén đôi đũa, nhưng nhìn thức ăn và đồ đựng thức ăn của chó nhà giàu, Thế càng tủi cho thân phận làm người.

Tu trai qua GS TS Huynh Nhu Phuong PGS TS Nguyen Thi Thanh Xuan PGS TS Dang Ngoc Le Nha van Vu Gia PGS TS Hoang Dung Nha van Tran Thuy Mai min - Bi kịch đời người - Truyện ngắn của Nhà văn Vu GiaTừ trái qua: GS-TS Huỳnh Như Phương, PGS-TS Nguyễn Thị Thanh Xuân, PGS-TS Đặng Ngọc Lệ, Nhà văn Vu Gia, PGS-TS Hoàng Dũng, Nhà văn Trần Thùy Mai.

Sau một tháng làm quen với cuộc sống phố thị, Thế được dạy cách đi, cách đứng, cách cười bằng ánh mắt, bằng đôi môi,… Và qua những thiếu gia được phân công tới chơi với Thế, thì Thế mới biết được tại sao vợ chồng nhà giàu này đến tìm mình mà không tìm những đứa trẻ khác. Chẳng là qua một bài báo, người ta phát hiện Thế có khuôn mặt rất giống với thiên tài bóng đá người Argentina Diego Armando Maradona. Theo bài báo, nếu như Maradona có đến Việt Nam chừng vài ba giờ, thì ai cũng có thể nghi ngờ Thế là giọt máu rơi của cầu thủ vĩ đại nhất thế giới của thế kỷ 20, nhưng rất tiếc Maradona chưa bao giờ đến Việt Nam, thậm chí không biết Việt Nam nằm ở đâu trên bản đồ thế giới. Nhìn hai khuôn mặt được in cạnh nhau trên tờ báo, Thế cũng thấy giống như hai giọt nước, và Thế được tác giả bài báo đặt cho cái tên rất thú vị: “Tiểu Maradona”.

Từng bước, Thế được dạy cách nhảy nhót quay cuồng, được các thiếu gia dẫn tới những nơi sặc sụa khói thuốc cùng với đèn màu chớp nháy liên tục, những tiếng nhạc inh tai nhức óc, rồi bắt đầu đóng những vai với lời thoại đã học thuộc lòng. Thế phải làm đi làm lại toát mồ hôi cục cho người ta quay phim, chụp ảnh. Về sau, Thế mới biết đó là loại phim quảng cáo.

Lần đầu, nhìn thấy hình ảnh được chiếu lên tường, Thế rùng mình, nghĩ đó không phải là mình, bởi mình làm sao mà đi đứng, nói cười trên tường như vậy được. Chẳng lẽ mình hóa ma? Thế lấy mấy đầu ngón tay cấu vào da thịt biết đau, mới có chút mừng rỡ vì mình vẫn còn là mình. Bóng ma trên kia là mình nhưng không phải là mình.

Thời gian đi qua, Thế trở thành một loại thiếu gia mới, biết cách ăn chơi đúng điệu mà lứa tuổi như Thế ở thành phố hoa lệ này vượt không quá những ngón tay trong đôi bàn tay. Đã vậy, lâu lâu, Thế cũng được báo chí nhắc tới có in hình minh họa mà nhìn tới nhìn lui, Thế vẫn không nghĩ đó là mình.

Theo ngày tháng, thân thể phát triển, Thế không còn là cậu bé ở làng quê nghèo khó, không còn là “đồ nhà quê”, là “negro” (đồ mọi rợ) trước mặt mọi người, nhất là các thiếu gia vung tiền như rác. Thế đã có tiền, đã biết ăn diện, đã biết thỏa mãn trước những lời nịnh hót, nói chung đã biết cảm nhận khoái hoạt nhân sinh. Nhưng niềm hưng phấn không kéo dài được bao lâu, Thế bị bắt vì tham gia cuộc vui thác loạn và được đưa đi cải tạo bởi trong máu có chất gây nghiện. Những người mà Thế cho là bằng hữu thân tình đều đổ sấp đổ ngửa cho Thế tội bày ra cuộc vui thác loạn này, kể cả việc cung cấp chất gây nghiện.

Những ngày trong trại cải tạo, Thế nhớ lại lời của người lớn tuổi trong làng hay nói gần mực thì đen, gần đèn thì sáng. Xưa nay, không có gì khác. Và những ngày trưởng thành trong môi trường khá kỳ lạ ở phố, Thế gần đèn thì ít mà gần mực thì nhiều.

Ra trại cải tạo, Thế quyết tâm làm lại cuộc đời, nhưng mới bước vào căn hộ trước đây Thế đã ở, thì đã thấy có người khác làm chủ. Bần thần một hồi, Thế đến công ty cũng là nhà của ông bà chủ giàu có thì bảo vệ ngăn lại, xem như không biết Thế là ai. Tìm đến bạn bè cũ cũng bị người ta tránh như tránh hủi. Đã vậy, có một thiếu gia nói thẳng vào mặt, người ta nuôi con chó, nó còn biết giữ nhà, nuôi con heo còn để giết thịt, cải thiện bữa ăn, ích lợi hơn nhiều so với nuôi một phế vật, lãng phí lương thực. Trước đây, người ta lợi dụng một “Tiểu Maradona” để quảng cáo sản phẩm, bây giờ Thế không còn giống siêu sao bóng đá Maradona từ khuôn mặt đến hình dáng, lại lâm vào nghiện ngập, tù tội thì khác gì miếng giẻ rách dơ bẩn cần phải vứt bỏ.

Trên thế giới này không có chỗ tốt vô duyên, cũng chẳng có chỗ xấu tự nhiên. Vợ chồng người nhà giàu kia giúp gia đình Thế, bản thân Thế có được cuộc sống tốt hơn là có động cơ khác, nhưng cũng là đại ân mà Thế thấy chưa thể báo đáp hết ân tình ấy. Cái sai là ở chính bản thân Thế, không thể trách ai được. Thế tự nguyện vùi dập đời mình thì không ai có thể cứu được.

Thế trôi giạt vào cuộc sống lề đường. Những thanh niên thanh nữ ở làng trước đây xuống phố sống được, chẳng lẽ Thế sống không được? Nói như những người lớn tuổi ở quê là trời không triệt đường sống con người, nếu con người chưa muốn chết. Đến với cộng đồng này, Thế hòa nhập rất nhanh. Kinh nghiệm sinh tồn ở hè phố, gầm cầu, từng bước dạy họ phải biết làm gì để tồn tại, nhưng với Thế thì có phần đơn giản hơn bởi nó chưa đến độ rắc rối như kinh nghiệm sinh tồn dã ngoại mà Thế đã trải qua thời thơ dại ở quê nhà. Những lúc nghĩ về ngày ấy, Thế bỗng nhớ đến con vện.

Ngày đó, cha mang về cho Thế con chó vện con, bảo Thế cẩn thận nuôi nấng, chăm sóc nó, sau này sẽ giúp Thế dễ dàng kiếm miếng ăn. Cả nhà ai cũng khen vì theo kinh nghiệm truyền đời thì chó vện luôn được xếp hàng đầu với câu ca: “Nhất vện, nhì vàng, tam khoang, tứ đốm”. Nhưng cha Thế cho rằng quý nhất của con chó con này là lưỡi của nó có đốm. Đốm lưỡi để nuôi, đốm đuôi để thịt. Chó có đốm lưỡi thì rắn cắn không chết, nên rất phù hợp dùng để đi săn. Cái mũi của con vện con này cũng là quý tướng, vì lúc nào cũng ướt. Đây là loại chó có mũi thính đánh mùi giỏi. Đặc biệt, là “tứ túc huyền đề” – nhất chó bốn đeo, nhì mèo tam thể, không những nó “rất khôn” mà còn đem lại may mắn cho người nuôi.

Vô tình, ông đỡ đẻ cho người phụ nữ giữa đường, nên được gia đình này tạ ơn chứ không dễ gì tìm được con chó quý hiếm như vậy. Và từ đó, theo tháng ngày, con vện cùng Thế lớn lên. Thế đi đâu cũng có con vện quấn bên chân. Bây giờ, chỉ có mỗi mình Thế giữa đất trời xa lạ này. Những hang chuột, hang thỏ mà Thế hứa với con vện ngày chia tay vẫn chưa thấy, chỉ thấy những hang cùng ngõ cụt với bao nhặt rác, nhặt thức ăn thừa trên vai nhằm nuôi sống một đời thừa.

Tính ra, Thế đã lăn lộn ở phố thị này đã tròn hai mươi năm, nhưng chỉ được mấy năm đầu, còn lại là phải lăn lộn trên đường phố kiếm miếng ăn, lắm lúc tủi nhục hơn cả chó hoang và mấy lần vào tù ra khám vì liên quan đến nghiện ngập. Chuyện nghiện ngập cứ như có ma đưa đường dẫn lối. Người chơi theo loại, vật họp theo loài, chỉ sau mấy ngày bị vứt ra hè phố, Thế đã nhập bọn và đã biết nếu không đủ tiền mua chính phẩm thì dùng tạm thứ gì thay thế để qua cơn vật vã.

Xuất thân từ nông thôn nghèo, nên Thế nghĩ đến việc nuôi trồng một vài loại cây cỏ được thử qua để khỏi bị động khi cần đến. Với Thế việc này không khó, vả lại mấy loại cây cỏ này rất dễ trồng. Trên những nẻo đường Thế thường đi qua, chỗ nào có đất trống, Thế giâm xuống đó một vài nhánh. Thứ ít bắt mắt nhất mà lại vừa chữa sốt vừa giúp con người nhớ rõ hơn về giấc mơ của mình. Một loại cây dây leo cũng dễ trồng, giâm đâu mọc đấy, nở hoa tím rất đẹp và nở quanh năm. Nhiều người trồng nó ven bờ rào làm cảnh. Hạt của nó cũng gây ảo giác.

Thế chủ động tự cung tự cấp, vì khi lên cơn mà mò đến rào các gia đình có trồng cây dây leo ấy để hái hạt thì bị đuổi như đuổi tà. Hầu như ai cũng nghĩ những người như Thế đến lấp ló nơi hàng rào được che đậy bằng cây dây leo rậm rạp như thế là rình rập, dò la để lẻn vào nhà ăn trộm.

Thế thấy mình còn tệ hơn cả cục phân. Phân tuy rất thối nhưng lại rất hữu dụng, nó làm cho đất đai thêm màu mỡ, giúp hoa màu trưởng thành nhanh chóng, còn Thế thì không chỉ hại mình, hại người mà còn hại cả xã hội.

Lắm lúc, Thế tự khóc một mình. Một vài người đồng cảnh ngộ khuyên Thế hãy tự tin một ngày nào đó sẽ khá hơn. Nghe những lời như vậy, Thế cười như mếu. Tự tin cũng phải có vốn liếng để tự tin, chứ không thể chỉ là suy nghĩ trong đầu hoặc treo trên miệng. Chữ nghĩa không có, sức khỏe không có, tiền bạc không có thì lấy gì để tự tin? Thế cũng đã mấy lần “tự tin” nghe theo lời đồng bạn, liều mạng đi phân phối chất gây nghiện để… có cuộc sống khá hơn. Và lần nào dài lắm cũng chỉ lưng nửa tháng là bị bắt, bị đưa đi cải tạo.

Thế cứ mơ mơ màng màng, đầu óc lẫn lộn nhớ hết chuyện này tới chuyện khác chẳng đâu vào đâu.

Gió từ sông thổi lên, Thế lạnh run cả người, nhưng mặc kệ, vẫn trừng mắt cố nhìn ánh sao trời đang bị mây đen ùn tới và những mong gió sẽ sớm hong khô nước mắt. Một cánh tay choàng qua người, Thế nhận được hơi ấm của người con gái truyền sang. Thân tàn ma dại, Thế chẳng còn hứng thú với chuyện gái trai. Những ngày gần đây, cô gái này giúp đỡ, chăm sóc sức khỏe cho Thế chẳng qua trước đó không ít lần Thế vô tư giúp cô ta vượt qua cơn nghiện, thậm chí một đôi lần chịu đòn để cô ta thoát khỏi vòng vây bọn ma cô.

Cảm giác có người quan tâm, tự nhiên thật rất tốt. Nước mắt Thế lại chảy xuống có thể là đau khổ, cũng có thể diễn dịch là hạnh phúc. Thế nhẹ nhàng gỡ tay cô gái, đứng dậy bước ra khỏi gầm cầu, ngước mặt nhìn trời đêm nặng trịch.

“Làm gì cũng nên cố gắng, nhưng phải nhớ ăn uống đầy đủ, không được coi thường sinh mạng. Còn mạng là còn tất cả”. Trong đầu quanh quẩn những lời dặn dò của cha mẹ trước khi bước lên chiếc xe hơi bóng lộn rời xa quê nhà, Thế như người mất hồn chỉ còn lại cảm giác trống trải, bi thương, cô độc, bất lực,…

Bầu trời càng lúc càng u ám rồi tia chớp màu máu cắt qua bầu trời, mưa to như trút nước dội xuống thế gian. Từng hạt mưa to rơi trên người, quất vào da thịt nhưng Thế lại không thấy đau đớn gì mà nhớ tới lúc ấy nước suối tuôn ào ào và con chó vện cắn chặt cổ áo của Thế, lôi Thế vào bờ, mãi đến tối, gia đình và một số trai tráng trong làng đốt đuốc tìm ra Thế, đưa Thế về nhà.

Thế đứng dưới mưa không hề nhúc nhích, mặc cho nước mưa theo thân thể chảy xuống. Thế như hóa đá. Thế đang tưởng niệm về quê nhà, nơi ấy có người thân, có bạn bè, có con vện một mực trung thành,…

Có thịt ăn, có áo mặc, đây là hạnh phúc, là ước mơ của bà con ở làng quê nghèo khó đã tưới tắm tâm hồn Thế những chục năm. Khi về phố thị, Thế mới nghiệm câu “Giàu nhà quê không bằng ngồi lê ở phố” và không hiểu tại sao bà con ở quê nhà không chịu bỏ quê về phố, trong đó có cha mẹ, anh chị của mình. Về phố, Thế chỉ ăn và chơi, còn được đóng phim, được lên mặt báo, được kẻ đón người đưa, được vào những nhà hàng sang trọng. Lắm lúc Thế thấy tiếc tiền, thì được giáo dục rằng vào nhà hàng sang trọng không phải vì đầy bụng mà chỉ là vì mặt mũi, vì một loại thân phận. Càng lớn, Thế càng tự hỏi có phải trời cao bất công? Có phải vận mệnh chọc ghẹo?

Bây giờ, Thế chỉ còn biết thở dài và thấy trong lòng xáo động như mộng như ảo, như mây như khói, như có như không… Trên đời này không có thuốc hối hận, nhưng đã thành người không ra người, ma chẳng ra ma thì hối hận có ích gì, hối hận sẽ làm được gì? Thế đã không ít lần chờ chực kiếm đồ ăn khi người ta cúng cô hồn và từng nghe những người già tâm sự với nhau về cái sống cái chết của đời người. Anh hùng mạt lộ, hồng phấn khô lâu, ai rồi cũng phải chết, cũng đến một thế giới chưa hề biết nhưng cứ nghĩ trước đó là nơi cô tịch, lạnh lẽo để khi gặp khỏi bở ngỡ, thất vọng.

Nghe những lời như vậy, Thế không còn mấy buồn khi ví mình như cô hồn dã quỷ, nhưng không thể không rơi nước mắt khi nghe người chủ tế ngân nga: “Cũng có kẻ nằm cầu gối đất/ Dõi tháng ngày hành khất ngược xuôi/ Thương thay cũng một kiếp người/ Sống nhờ hàng xứ, chết vùi đường quan”.

Gió đêm thổi qua. Đêm dài chầm chậm. Trăng sao cứ vô tình soi sáng. Với Thế mà nói, sống hay chết bất quá đều là một loại hình thức, căn bản là không sao cả. Những tháng ngày tàn tạ nơi phố thị, Thế quyết định về nhà. Người ta áo gấm về làng, còn Thế là ăn mày về làng sẽ gặp phải những lời trào phúng, những ánh mắt khinh bỉ của mọi người, nhưng Thế biết một điều chắc chắn cha mẹ sẽ không rời bỏ mình dù mình có thất bại đến đâu đi nữa. Đây là thứ tình thương duy nhất trên thế giới này không có tính toán, không đòi báo đáp.

Mộng nát, Thế cảm giác chẳng có gì luyến tiếc, phía trước là hư vô. Tất cả thanh âm giống như vời xa ở tít tắp phía chân trời./

V.G

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây