Bước trưởng thành của những cậu bé người Dao

Bước trưởng thành của những cậu bé người Dao
Một buổi lễ cấp sắc của đồng bào Dao Tiền, tỉnh Bắc Kạn. (Ảnh THU TRANG)

Bước trưởng thành của những cậu bé người Dao

Trong đời sống tâm linh của đồng bào Dao Tiền, lễ cấp sắc (lễ trưởng thành) nằm trong danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia, là một bước không thể thiếu để những đứa trẻ chính thức trở thành người trưởng thành, mạnh mẽ, rắn rỏi như cây gỗ rắn trong rừng già, như cột gỗ lớn chống đỡ cả gia đình. Từ bao đời nay, đồng bào Dao Tiền ở tỉnh Bắc Kạn vẫn gìn giữ và duy trì lễ cấp sắc.

Như bao đứa trẻ khác trong làng, khái niệm người trưởng thành là điều quan trọng với Bàn Hữu Tài, một học sinh lớp 6 người Dao ở bản Nà Hin, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông và bố mẹ cậu. Ông Bàn Văn Bộ, bố của Tài cho biết, đã là con trai người Dao thì phải làm lễ trưởng thành, và chỉ qua lễ trưởng thành mới có thể trở thành người tốt. Điều này như con dao sắc chém vào gỗ rắn, khó rút, khó lay chuyển. Vì thế, hôm nay là một ngày đặc biệt với Tài. Tài đang phải thử quần áo, tập các điệu múa nghi lễ để chuẩn bị thực hiện lễ trưởng thành cho mình.

Câu chuyện về lễ cấp sắc có nguồn gốc lâu đời, được giải thích qua những huyền tích dân gian lưu truyền. Theo đó, từ rất lâu về trước, các thiên binh, thiên tướng của Ngọc Hoàng đã dạy cho người Dao sống ở bản làng các phép thuật để tự mình trừ yêu, diệt quỷ và để đề phòng lũ yêu ma quay trở lại, đồng bào Dao đã tổ chức nghi lễ truyền lại phép thuật cho người đàn ông để họ có nhiệm vụ bảo vệ gia đình qua lễ cấp sắc. Cứ như thế, nghi lễ này được truyền qua các đời.

Để chuẩn bị cho phần lễ, sớm tinh mơ, mọi người trong nhà đã thức dậy, xếp gọn đồ đạc với sự góp sức của người thân trong dòng họ. Nhiều ngày trước, ông Bàn Văn Bộ đã đến từng nhà mời khách, đồng thời tìm người giúp cho từng phần việc để đón các thầy cúng khi mặt trời bắt đầu khuất núi.

Quãng thời gian tổ chức lễ cấp sắc lần này ông Bộ đã xem cho con trai từ khi cậu bé Tài mới 10 tuổi và chọn ngày đẹp để thực hiện. Để chuẩn bị, ngoài bước quan trọng nhất là đi tìm thầy cúng, ông còn phải tìm người hát ví, cả người trẻ và người già… Nhấp chén trà đặc, ông Bộ kể: “Trước đây tôi được cấp sắc năm 13 tuổi, nay con trai 12 tuổi đã được làm, mừng cho con. Xong việc này, con trai từ nay sẽ dần lớn lên, sẽ lấy vợ, sẽ làm việc lớn, sẽ thay tôi gánh vác việc gia đình. Người Dao là thế, đàn ông trưởng thành phải che chở, bảo vệ ngôi nhà của mình”.

Lễ cấp sắc sẽ diễn ra liên tục trong một ngày, hai đêm và bắt đầu từ phần lễ ở đêm đầu tiên. Bước ra khỏi bếp, Bàn Hữu Tài lại tiếp tục tập múa, gương mặt căng thẳng, có phần lúng túng: “Bố mẹ nhắc đến làm lễ cấp sắc nhiều lần lắm rồi, mấy hôm nay em cũng được dặn dò, chỉ bảo, nhất là phải tập múa. Em vừa thích, vừa tự hào nhưng có lúc lại sợ. Nhiều bạn bằng tuổi em chưa được cấp sắc đâu, em cũng sợ không làm được. Các anh trong làng bảo làm lễ cấp sắc xong sẽ lớn nhanh hơn và giúp đỡ bố mẹ được nhiều việc hơn”.

Khi bóng tối đã phủ kín làng bản, các thầy cúng bắt đầu phần việc. Căn nhà trở nên rộn ràng hơn, người đến ngày một đông. Sau màn chiêu binh mã và dâng sính lễ, đúng 21 giờ, bộ tranh thần tam thanh được treo lên chính giữa nhà, thầy cúng tuyên bố nay được năm lành, tháng đẹp, gia chủ được cấp sắc. Đồng hồ điểm 0 giờ, Tài trong trang phục truyền thống được thầy cúng dẫn ra. Cậu bé theo sự hướng dẫn của các thầy cúng bắt đầu nhảy múa điệu cổ truyền với ba cây nến đỏ lửa được đặt trên đầu và hai vai.

Đêm về khuya, trong lời khấn rì rầm của thầy cúng, các thầy và cậu bé đang được cấp sắc vẫn nhảy múa say sưa, quên cả thời gian. Chung quanh, người già im lặng, nhớ về năm tháng xưa cũ, các cậu bé trai vừa trầm trồ, ngưỡng mộ, vừa tò mò xem các nghi thức như đang lưu lại để sau này không bỡ ngỡ. 4 giờ sáng, thầy cúng dừng lại nghỉ ngơi, lúc này cậu bé Tài mới được ăn uống và đi ngủ, trong khi các nghi thức vẫn tiếp tục đến khi trời sáng hẳn… Lúc ấy, phần nghi lễ cấp sắc hay còn gọi là lên đèn mới kết thúc.

Sau phần cấp sắc, gia đình và hàng xóm chung vui liên hoan và mở hội mừng bởi bản Nà Hin chuẩn bị có thêm một “trụ cột”. Phần hội có hát ví với sự tham gia của những người già trong bản am hiểu văn hóa, đời sống người Dao cùng sự hỗ trợ của ba chàng trai, cô gái trẻ trong bản. Họ sẽ trao đổi, trò chuyện, đọc sách, hát Páo dung chào đón, vui chơi như một hình thức giao lưu với các vị thần linh…

Chủ tịch UBND xã Quang Thuận Nông Văn Bình cho biết: Đồng bào Dao Tiền trong xã lưu giữ nhiều phong tục truyền thống, trong đó có lễ cấp sắc. Xã luôn khuyến khích và tạo điều kiện để những phong tục tập quán tốt đẹp của các dân tộc được duy trì và phát triển. Theo lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn, lễ cấp sắc còn có tên gọi khác là Chấu đàng, quá tăng, là một trong những nghi lễ quan trọng nhất đối với người đàn ông Dao nói chung và người đàn ông Dao Tiền nói riêng. Sau khi cấp sắc, người đàn ông Dao mới được coi là thực sự trưởng thành, có vị trí trong xã hội. Ở tỉnh Bắc Kạn, người Dao hiện có khoảng hơn 56.000 người, chiếm hơn 20% dân số toàn tỉnh, gồm ba nhóm chính: Đại Bản, Tiểu Bản, Thanh Bạch làn. Nghi lễ cấp sắc của đồng bào Dao đã được UBND tỉnh Bắc Kạn lập hồ sơ kiểm kê và được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Trải qua lễ cấp sắc, mỗi người con của dân tộc Dao lại thêm hiểu biết và trân quý những giá trị văn hóa dân tộc mà cha ông đã mất bao tâm huyết gửi gắm. Trong lễ cấp sắc, lòng biết ơn thần linh, tổ tiên được gợi nhớ rất nhiều lần và thông qua đó, các trang phục truyền thống, sách cổ có viết chữ tiếng Dao và một số loại hình diễn xướng dân gian như hát Páo dung được giữ gìn, trao truyền qua các thế hệ. Và hơn hết, lễ cấp sắc có mặt đông đủ cả bản, người người chung tay góp sức giúp gia chủ, cùng vui ăn cỗ ngon, xây đắp thêm tình đoàn kết và gắn bó xóm làng.

TUẤN SƠN, BÍCH PHƯỢNG

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây