Các địa phương triển khai Quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long

Các địa phương triển khai Quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long
Với Quy hoạch ĐBSCL, tương lai vùng này trở thành cực tăng trưởng lớn của cả nước.

Tại hội nghị công bố Quy hoạch đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) vừa qua, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương ĐBSCL cần tích cực triển khai quy hoạch, coi đây là nhiệm vụ trong tâm trong thời gian tới. Các địa phương cần chủ động, quyết liệt hơn nữa trong việc triển khai nhiệm vụ, chương trình, dự án đã được xác định trong quy hoạch.

Với Quy hoạch ĐBSCL, tương lai vùng này trở thành cực tăng trưởng lớn của cả nước. Trên cơ sở Quyết định số 1056/QĐ-TTg ngày 20/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt nhiệm vụ lập Quy hoạch TP Cần Thơ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, UBND TP Cần Thơ đã ban hành chỉ thị và kế hoạch triển khai nhằm cụ thể các yêu cầu, nhiệm vụ và thời gian hoàn thành cho từng cơ quan đơn vị liên quan.

Mục tiêu lập Quy hoạch TP Cần Thơ theo Quyết định số 1056 nhằm cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, các quy hoạch ngành quốc gia, Quy hoạch vùng ĐBSCL ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế, xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bổ đất đai… Quy hoạch lần này cũng loại bỏ các quy hoạch chồng chéo ảnh hưởng đến đầu tư phát triển.

Theo dự thảo Quy hoạch TP Cần Thơ, đến năm 2030, TP Cần Thơ trở thành “trái tim” của ĐBSCL, từ đó chuyển dịch sang các ngành có giá trị cao và trở thành thành phố xanh, đáng sống nhất Việt Nam. TP Cần Thơ có 6 ngành ưu tiên tiêu biểu là kinh doanh nông nghiệp, năng lượng, dược phẩm, hậu cần, du lịch, bán lẻ. Thành phố cũng xây dựng hệ sinh thái để phát triển bền vững; hệ sinh thái các ngành hỗ trợ lẫn nhau, được tích hợp với định hướng môi trường và xã hội, đồng thời có vai trò lớn ở ĐBSCL. Tầm nhìn tới năm 2050, Cần Thơ tiếp tục phát triển đồng đều, định hướng trở thành TP thông minh đáng sống của Việt Nam.

Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ cho biết đã tổ chức họp với các sở, ngành, quận huyện về hợp phần 32 nội dung tích hợp trong nhiệm vụ quy hoạch. Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với đơn vị tư vấn thực hiện thu thập thông tin xây dựng báo cáo đánh giá môi trường chiến lược thuộc dự án lập Quy hoạch TP Cần Thơ. Ông Lê Thanh Tâm, Giám đốc Sở Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết đến nay đã phối hợp cùng đơn vị tư vấn hoàn chỉnh báo cáo tổng hợp Quy hoạch TP Cần Thơ và thực hiện lấy ý kiến của bộ, ngành Trung ương, UBND các tỉnh ĐBSCL, Ủy ban MTTQVN TP Cần Thơ, các sở ban ngành, các tổ chức chính trị, xã hội, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn.

Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ nhận định: “Quy hoạch TP Cần Thơ hướng đến mục tiêu đảm bảo tính liên kết, đồng bộ, thống nhất tạo cơ sở để chuyển đổi mô hình phát triển từ phân tán, nhỏ lẻ sang phát triển tập trung thông qua các chuỗi sản xuất, cụm ngành, hành lang kinh tế và chuỗi đô thị. Đồng thời phát huy và triển khai hiệu quả các nội dung hợp tác đã ký kết giữa Cần Thơ với các địa phương trong và ngoài vùng; đề xuất các phương án, lĩnh vực hợp tác phù hợp để phát huy vai trò trung tâm của thành phố và tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương”.

Ông Lê Văn Hẳn, Chủ tịch UBND, Chủ tịch Hội đồng lập quy hoạch tỉnh Trà Vinh cũng đã có cuộc họp với các thành và đơn vị tư vấn để thông qua dự thảo báo cáo quy hoạch tỉnh Trà Vinh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo Ban quản lý dự án quy hoạch, mục tiêu tổng quát của quy hoạch nhằm đưa Trà Vinh đạt trình độ phát triển ở mức thu nhập trung bình cao với vị trí là một trong những trung tâm kinh tế biển và trung tâm năng lượng sạch của vùng. Kinh tế Trà Vinh phát triển dựa trên khoa học công nghệ cao và các động lực tăng trưởng tập trung, hiện đại để khai thác có hiệu quả các lợi thế của tỉnh trong không gian kinh tế mở của vùng ĐBSCL và thích ứng với biến đổi khí hậu.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch tỉnh Vĩnh Long thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, ông Lữ Quang Ngời, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long đã giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành tỉnh và UBND các huyện, thị xã, thành phố khẩn trương làm việc cụ thể với đơn vị tư vấn để tiến hành khảo sát, thu thập tài liệu, thông tin phục vụ công tác lập quy hoạch tỉnh. Việc quy hoạch đảm bảo về định hướng phát triển, tính kết nối, đồng bộ giữa các cấp quy hoạch, phù hợp với các quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia.

Tại An Giang, ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch UBND tỉnh thông tin: “Quy hoạch tỉnh An Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 sẽ tích hợp và thay thế cho hơn 50 loại quy hoạch ngành, lĩnh vực, quy hoạch cấp huyện. Đây là nhiệm vụ rất khó khăn và thách thức, song sẽ tạo tính thống nhất, đồng bộ trong công tác quản lý nhà nước đối với nền kinh tế, xã hội; tăng cường phối hợp giữa các sở, ban, ngành cấp tỉnh; liên kết chặt chẽ giữa tỉnh An Giang với các tỉnh, thành phố trong khu vực và trên cả nước. Đồng thời phù hợp định hướng phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL theo Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị”.

Văn Vĩnh

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây