‘Cái gì đó’ cho trẻ em… – Tác giả: Trung Trung Đỉnh

Là một người viết, thời điểm cuối năm chuẩn bị cho việc ‘tống cựu nghinh tân’ thường hay gợi cho tôi biết bao điều suy nghĩ về nghề, về thời trẻ, hay nói đúng hơn, những ý nghĩ nhiều nhất là công việc thường ngày của mình.

Thực ra không một nhà văn nào trong suốt hành trình sáng tác không có một đôi lần viết về thiếu nhi, viết cho thiếu nhi. Nhưng thành công thì không phải ai cũng đạt được. Văn học (cho) thiếu nhi và văn học (về) thiếu nhi hiện nay là cả một vấn đề lớn rất đáng được các nhà văn, các nhà giáo, các nhà nghiên cứu và cả các nhà xuất bản sách bàn luận. Mấy năm gần đây cũng đã có không ít những cuộc hội thảo sôi nổi nghiêm túc, đầy trách nhiệm, đặc biệt Nhà xuất bản Kim Đồng và Nhà xuất bản Trẻ đã có những nỗ lực thiết thực nhằm tạo nên những “cú hích” đột biến như tổ chức những cuộc thi với quy mô lớn, giải thưởng cao. Nhiều nhà văn vào cuộc và cũng nhiều nhà văn, có vào cuộc mới tự biết rằng, mình cần phải ngả mũ “chào thua” các cuộc phát động theo phong trào sớm!

Nha van Nguyen Nhat Anh min 1 - 'Cái gì đó' cho trẻ em… - Tác giả: Trung Trung ĐỉnhNhà văn Nguyễn Nhật Ánh.

Nói như vậy không có nghĩa là ở ta không có những tác giả sáng giá viết cho thiếu nhi, viết vì thiếu nhi khi có phong trào. Nhưng người đứng riêng một mình, đi riêng một mình, một lối là hiện tượng viết sách được các em đón nhận nồng nhiệt nhất như sách của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Mấy chục năm nay anh vẫn kiên quyết làm một hiện tượng độc lập, chưa có tác giả nào sánh vai đi cùng anh! Sách của Nguyễn Nhật Ánh luôn luôn chiếm lĩnh văn đàn viết cho thiếu nhi, in với số lượng lớn mà vẫn bán hết. Có nhiều nhà văn nói với tôi, mình đã “đọc thử” sách của Nguyễn Nhật Ánh, nhưng đọc mãi vẫn không vô! Lại có nhà văn bảo, thấy con đọc say sưa, mình lấy đọc “nghiêm túc” coi thử trong ấy có cái gì mà trẻ nó ham mê vậy. Nhưng đọc không thể hết được! Tôi nghĩ, dứt khoát phải có “cái gì đó” trong bút pháp, trong thủ pháp, trong rất nhiều yếu tố như câu chuyện, lối kể chuyện, cách nắm bắt tâm lý, sự thể hiện “thế nào đó” mới khiến các em say mê đến vậy.

Tôi đem điều băn khoăn này nói chuyện với mấy người bạn có nhiều thâm niên biên tập sách ở nhà xuất bản Kim Đồng, các bạn tôi bảo, hình như Nguyễn Nhật Ánh nắm được bí quyết quan trọng nhất, ấy là tâm lý lứa tuổi thiếu nhi và anh ấy rất hiểu sở thích của các em.

Có thể nói, trong các câu chuyện của Nguyễn Nhật Ánh, anh quan tâm nhiều tới yếu tố giải trí, chọc cười. Nhận xét này theo tôi là chưa ổn, hình như vẫn còn thiếu, thiếu nhiều thứ. Nhưng, cái thiếu cơ bản là cái gì cơ! Tiếp theo, một người khác đưa ra nhận định: đó là tài năng và tâm huyết. Thêm nữa, đó là có cả yếu tố định mệnh, số phận, cơ duyên của mỗi ngòi bút!

Trong văn học, chức năng giải trí là một chức năng đặc biệt quan trọng, nhất lại là văn học viết cho các em, viết vì các em, như lâu nay ta vẫn nói. Làm tròn được một chức năng giải trí “cỡ” Nguyễn Nhật Ánh là quý hiếm lắm. Nói vậy thì tôi cũng chỉ tạm chịu vậy! Mà chịu thì chịu, nhưng tôi về tôi nghĩ, nó cứ hình như còn có chút “gì đó” khiến tôi ngờ ngợ.

Tôi vẫn cho rằng, đã là tác phẩm văn học hay thì tự nó sẽ vượt qua giới hạn của thời gian và tuổi tác, đề tài hay các món mà ta hay gọi là chức năng. Ví dụ như “Dế Mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài là một tác phẩm điển hình, ở tuổi nào đọc cũng thấy hay, ở thời đại nào người đọc cũng thấy khoái, ở dân tộc nào đọc cũng mê.

Văn học quyết không lụy đề tài cũng như bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, mỗi mùa có vẻ đẹp riêng, không thể nói mùa Đông rét quá chả có gì đẹp, mùa hè nóng quá ai mà chịu nổi, chỉ có mùa Thu hay mùa Xuân mới đẹp. Mỗi tác giả có cá tính sáng tạo riêng. Chính cái riêng ấy là cửa mở giúp cho người đọc bước vào thế giới mà tác giả tạo nên. Nó được đón nhận như thế nào thì cũng tùy thuộc vào sự hòa hợp giữa hai tâm hồn người viết và người đọc.

Mot so tac pham cua nha van Nguyen Nhat anh min 800x618 - 'Cái gì đó' cho trẻ em… - Tác giả: Trung Trung ĐỉnhMột số tác phẩm của nhà văn Nguyễn Nhật ánh.

Có một lần tôi được Nguyễn Nhật Ánh tặng một thùng sách to, anh ghi rõ trang bìa phụ từng cuốn: “Chú Ánh tặng hai cháu Cún và Thỏ”.

Năm ấy Cún 11, Thỏ thì 20 tuổi. Tôi rộn ràng khuân về nhà khoe hai cháu. Không ngờ trong phòng chúng nó, chúng nó mở giá sách riêng đều đã mua gần như đủ cả. Vâng, các cháu tự mua từ lúc nào tôi cũng không hay biết!

Đầu Xuân cho phép tôi bộc bạch đôi dòng tản mạn mong góp vui cùng các bạn viết.

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây