Câu chuyện về Chúa Giêsu Kitô

Câu chuyện về Chúa Giêsu Kitô - VSD Văn Hóa - Nghệ Thuật
Những người theo đạo Kitô tin rằng Giêsu Kitô không những là Đấng cứu độ của họ, mà còn tin rằng đó chính là Đức Chúa Con được Đức Chúa Cha ban cho nhân loại, xuống thế gian làm người để mà cứu độ nhân loại. Ảnh minh họa

Câu chuyện về Chúa Giêsu Kitô

Chúa Giêsu Kitô là một “nhân vật” có thật trong lịch sử, sinh ra ở đất nước Do Thái, không những được ghi chép trong Kinh Thánh, mà còn được sử sách chính thống ghi nhận.

“Thầy là đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”

Năm sinh của Người được đặt làm ngày đầu tiên của Công lịch (năm thứ Nhất). Sau này, các nhà nghiên cứu lịch sử xác định được chính xác là năm thứ Sáu. Sở dĩ có sự chênh lệch này là do thời xưa chưa có các cuốn lịch như bây giờ, việc xác định thời gian chủ yếu dựa vào mốc là các thời đại vua chúa trị vì, giống như ở ta có thời Trần, Nguyễn… Chúa Giêsu Kitô sinh ra vào thời đại của Hoàng đế Caesar Augustus.

Ngày lễ Giáng sinh kỷ niệm Chúa Giêsu sinh ra đời là do Ki tô giáo lựa chọn, thực ra không ai biết chính xác Chúa Giêsu sinh ra ngày, tháng nào. Theo truyền thống, người Do Thái mừng lễ thần Mặt trời vào những ngày cuối tháng 12 hàng năm, vậy nên người ta đã chọn ngày 25/12 làm ngày sinh nhật Chúa, vì đối với người Ki tô giáo, Chúa Giêsu chính là Ánh sáng cứu rỗi.

giang sinh min - Câu chuyện về Chúa Giêsu KitôNgày lễ Giáng sinh kỷ niệm Chúa Giêsu sinh ra đời là do Ki tô giáo lựa chọn. Ảnh: THX/ TTXVN

Noel là cách gọi lễ Giáng sinh của người Pháp. Theo Kinh thánh, Thiên thần Gabriel đã truyền tin cho Đức Maria – mẹ của Chúa Giêsu rằng “Bà sẽ đặt tên con trẻ là Giêsu, và Người sẽ được gọi là Emmanuel, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta”. Noel là cách gọi tắt của Emmanuel.

Tên chính thức của Chúa Giêsu trong tiếng Do Thái là Yeshua, tiếng Pháp hay tiếng Anh đều gọi là Jesus. Chúng ta cũng hay thấy gọi Chúa là Jesus Christ, tiếng Việt là Giêsu Kitô. Kitô giống như “biệt danh” vậy. Biệt danh này do các môn đệ của Chúa Giêsu dùng để xưng tụng Người. Trong Kinh Thánh có ghi đoạn này: “Còn anh em, anh em bảo Thầy là ai?”. Môn đệ cả của Chúa Giêsu là Phêrô đáp: “Thầy là đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống”.

Ai cũng biết dân tộc Do Thái thời xưa là một trong những dân tộc bất hạnh nhất của nhân loại, bởi đất nước này hàng ngàn năm bị ngoại bang Batư, Aicập, Assyria, La Mã cai trị và phải sống lưu đầy. Vì vậy, họ luôn mong chờ sự xuất hiện của vị cứu tinh mà chính Đức Chúa đã hứa với tổ phụ của dân tộc là Ápbraham; họ có niềm tin rằng dân tộc của họ là dân tộc duy nhất được Thiên Chúa lựa chọn để nhận ơn cứu rỗi. Vị cứu tinh mà họ mong chờ từ đời này sang đời khác, trong suy nghĩ của họ, phải là một đấng hội đủ 3 phẩm chất: Thuộc dòng dõi vua chúa, là thầy dâng lễ trong đền thờ Thiên Chúa, và được Thiên Chúa sức dầu thơm (được sức dầu thơm nghĩa là được lựa chọn). Người Do Thái tóm tắt 3 phẩm chất này trong một từ ‘Kristos’ duy nhất mà tiếng Anh hay Pháp gọi là Christ, ta dịch sang tiếng Việt là Kitô. Vậy nên ngày lễ Giáng sinh được gọi là Christmas, ‘mas’ có nghĩa là ‘lễ’. Những người theo đạo của Chúa Giêsu được gọi là Kitô hữu (gồm đạo Công giáo, Tin lành, Chính thống, Anh giáo).

Đối với những người theo đạo Kitô, họ tin rằng Giêsu Kitô không những là Đấng cứu độ của họ, mà còn tin rằng đó chính là Đức Chúa Con được Đức Chúa Cha ban cho nhân loại, xuống thế gian làm người để mà cứu độ nhân loại. Trong khi đó, chính tại đất nước Do Thái, nơi mà Chúa được sinh ra, chỉ có chưa đến 2% tin rằng Giêsu Kitô là đấng cứu thế, họ chỉ tin rằng đó là đấng tiên tri mà thôi, chứ không phải là Con Thiên Chúa xuống thế làm người. Điều này cũng phù hợp với lời của Chúa Giêsu nói khi Ngài rao giảng cho dân chúng, và được ghi trong Kinh Thánh: “Ta bảo thật các ngươi, không một tiên tri nào được đón tiếp tại quê hương mình”.

Mỗi tôn giáo độc thần (thờ phụng một đấng Thiên Chúa) có cách hiểu về Chúa của họ khác nhau. Chẳng hạn Hồi giáo, Chúa của họ là đấng đầy quyền năng, đã tạo dựng vũ trụ, là đấng cứu rỗi linh hồn, đấng ban ân sủng từ trên cao, là đấng mà họ vô cùng kính sợ. Còn người Kitô giáo thì tin rằng Chúa của họ cũng là đấng tuyệt đối quyền năng, nhưng họ cũng tin rằng “Chúa là tình yêu”. Người yêu thương vô cùng nên để cứu rỗi nhân loại, Người đã chấp nhận xuống trần sống thân phận con người yếu đuối, và rồi chấp nhận một cái chết thảm khốc – bị tra tấn, đánh đòn, bị đóng vòng gai kim loại vào đầu, bị khạc nhổ vào mặt và bị đóng đinh treo thân mình trên cây thập giá.

Chúa của người Kitô giáo không ngồi ở trên cao để ban ơn cứu rỗi, vì tội lỗi của nhân loại là quá lớn, quá nhiều. Chúa có thể làm được mọi điều mà Ngài muốn nên có thể chỉ cần nói một lời xoá tội và nhân loại được cứu, nhưng chẳng lẽ ơn cứu rỗi lại ‘rẻ mạt’ như thế sao? Ơn cứu độ cần phải vượt lên trên tội lỗi của loài người. Ánh sáng cứu độ của người Kitô giáo không được chiếu rọi từ bên ngoài, mà chính Ánh sáng đó đã đi vào giữa nhân loại, ở cùng với nhân loại và chiếu rọi từ bên trong.

Một câu hỏi tự nhiên được đặt ra: Chúa Giêsu xuống thế để cứu độ con người, vậy tại sao người Do Thái lại treo Người lên cây thập tự? Bởi vì Chúa Giêsu, trong 3 năm đi rao giảng, đã lên án sự đạo đức giả của những người có ảnh hưởng lớn trong xã hội, đặc biệt lên án phái Pharisiêu, được gọi là Nhóm Biệt phái, là nhóm người tuân giữ triệt để Luật Môisê (luật của Đức Chúa) nhưng chỉ tuân giữ một cách hình thức để nhận được sự kính trọng của dân chúng. Ngài dạy: “Khi làm việc lành phúc đức, anh em phải coi chừng, chớ có phô trương cho thiên hạ thấy. Bằng không, anh em sẽ chẳng được Cha của anh em, Đấng ngự trên trời, ban thưởng. Vậy khi bố thí, đừng có khua chiêng đánh trống, như bọn đạo đức giả thường biểu diễn trong hội đường và ngoài phố xá, cốt để người ta khen. Thầy bảo thật anh em, chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi bố thí, đừng cho tay trái biết việc tay phải làm, để việc anh bố thí được kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh. Và khi cầu nguyện, anh em đừng làm như bọn đạo đức giả: chúng thích đứng cầu nguyện trong các hội đường, hoặc ngoài các ngã ba ngã tư, cho người ta thấy. Thầy bảo thật anh em: chúng đã được phần thưởng rồi. Còn anh, khi cầu nguyện, hãy vào phòng, đóng cửa lại, và cầu nguyện cùng Cha của anh, Đấng hiện diện nơi kín đáo. Và Cha của anh, Đấng thấu suốt những gì kín đáo, sẽ trả lại cho anh”.

“Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó…”

Kinh Thánh và lịch sử đều ghi chép rằng Chúa Giêsu được sinh ra tại làng Bêlem, thuộc miền Giuđêa, Israel. Chúa được sinh ra trên một cánh đồng vào một đêm đông giá rét, trong một cái hang là chuồng mà những người chăn bò chăn cừu nghèo khổ nhốt gia súc của họ vào ban đêm. Chúa Giêsu khi sinh ra được đặt nằm trong máng cỏ. Chuồng nhốt bò và cừu chắc hẳn là không sạch sẽ thơm tho gì, hẳn là hôi thối bẩn thỉu vì đầy cứt và nước đái của bò và cừu.

Việc Chúa Cứu Thế được sinh ra trong cảnh bần hàn như những người nghèo khổ nhất, và chịu khổ hình rồi chịu cái chết thảm khốc như một tên tội phạm, đối với người Kitô giáo, đó chính là mầu nhiệm “huỷ mình ra không” của Chúa. Ngài đã không chỉ rao giảng đạo đức, rao giảng khiêm nhường và hy sinh chỉ bằng lời nói nhưng đã đã đi bước trước, đã làm gương trong hành động.

Thiên Chúa của người Kitô hữu đã sống một cuộc đời khiêm nhường đến tột cùng, ngay từ lúc chào đời: Ngài trở nên con của một thôn nữ ‘vô danh tiểu tốt’, là cô Maria không quyền quý cao sang, không gia thế lẫy lừng, không của hồi môn xúng xính. Ngài ký thác, trao cuộc đời vào lòng tốt của người cha nuôi là bác thợ mộc Giuse hiền lành, chất phác, không thế lực và ảnh hưởng nào trong xã hội.

chua min - Câu chuyện về Chúa Giêsu KitôChúa được sinh ra trên một cánh đồng vào một đêm đông giá rét, trong một cái hang là chuồng mà những người chăn bò chăn cừu nghèo khổ nhốt gia súc của họ vào ban đêm. Ảnh minh họa

Ngài nhận lấy thân phận bé nhỏ yếu hèn khi xuống thế là một “con trẻ sơ sinh bọc tã, nằm trong máng cỏ”. Ngài chọn Bêlem, ngôi làng nhỏ nhất của miền Giuđêa làm nơi sinh ra, trong hoàn cảnh của một đất nước bị cai trị và đàn áp bởi đế quốc La Mã. Ngài chọn sinh ra trong một gia đình nghèo tới mức không có đủ tiền thuê phòng trọ, mẹ của Ngài phải vất vưởng lê bước tìm một nơi tạm bợ mà vượt cạn; và, ngay khi vừa chào đời, Ngài đã bị nhà cầm quyền truy giết, phải vượt biên chạy trốn sang Aicập ngay trong đêm để tị nạn.

Theo Kinh Thánh, bài giảng quan trọng nhất của Chúa Giêsu là bài giảng về Tám mối phúc, còn được gọi là Hiến chương Nước Trời, mà điều đầu tiên trong Tám điều là: “Phúc cho những ai có tâm hồn nghèo khó, vì nước trời là của họ”.

Tâm hồn nghèo khó ở đây được các Kitô hữu hiểu là người ý thức được thân phận yếu đuối mỏng dòn, đời ‘tro bụi’ của bản thân để không trở nên kiêu ngạo nhưng trước tiên là biết cậy dựa vào Thiên Chúa và sau là khiêm nhường nhỏ bé với những người anh em mình.

a min - Câu chuyện về Chúa Giêsu KitôNgôi nhà được trang hoàng rực rỡ đón Giáng sinh tại Vancouver, British Columbia, Canada, ngày 16/12/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

Giữa rừng sao huy hoàng, rực rỡ của đêm Giáng sinh với bầu khí của lễ hội, chúng ta có thể đã quên Noel là lễ của Thiên Chúa làm người bé nhỏ, lễ mừng Thiên Chúa “vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang để mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế”.

Dù có phải là Kitô hữu hay không, chúng ta cũng mong có được một tâm hồn nhỏ bé. Mặc dầu không dám mong bản thân nhiều can đảm để dám sống khiêm nhượng như Chúa Hài Nhi của người Kitô hữu, mà chỉ mong có một chút ‘bóng dáng’ của Người thôi cũng khiến chúng ta được sống trong bình yên rồi!

Mai Huy Huân
     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây