Chung tay vượt qua hạn hán

Theo báo cáo về hạn hán năm 2022 được công bố tại Hội nghị các bên tham gia Công ước Liên Hiệp Quốc về Chống sa mạc hóa (UNCCD) lần thứ 15 diễn ra tháng trước tại Côte d’Ivoire, hạn hán chiếm 15% các thảm họa thiên nhiên nhưng gây thiệt hại về người lớn nhất, cướp đi sinh mạng của khoảng 650.000 người trong giai đoạn từ năm 1970-2019.

Trong thế kỷ trước, hơn 10 triệu người thiệt mạng do các vấn đề liên quan đến hạn hán, khiến kinh tế toàn cầu thiệt hại hàng trăm tỉ USD và dự báo con số này vẫn tiếp tục tăng. Các đợt hạn hán ảnh hưởng tới châu Phi nhiều hơn các châu lục khác với trên 300 đợt hạn hán được ghi nhận trong vòng 100 năm qua, chiếm tới 44% tổng số đợt hạn hán trên toàn cầu. Trong khi đó, số người bị ảnh hưởng bởi hạn hán tại châu Á cao nhất toàn cầu. Khoảng 12 triệu hecta đất bị mất do hạn hán và sa mạc hóa, 40% diện tích đất trên toàn thế giới bị suy thoái, 48% hệ sinh thái trên cạn bị đe dọa…

Theo Thư ký điều hành UNCCD Ibrahim Thiaw: “Hạn hán là một phần của hệ thống tự nhiên và con người, nhưng những gì chúng ta đang trải qua bây giờ còn tồi tệ hơn nhiều, phần lớn là do hoạt động của con người.” Tình trạng hồ Sawa, có chiều dài khoảng 4,5km, rộng khoảng 1,8km, và từng được ví như “hòn ngọc phía Nam của Iraq”, hiện cạn khô, là minh chứng điển hình cho cảnh báo này.

Theo số liệu của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố năm 2021, số lượng và thời gian các đợt hạn hán đã tăng 29% kể từ năm 2000 nếu so sánh với 2 thập kỷ trước đó. Miền Tây nước Mỹ đã trải qua đợt hạn hán nghiêm trọng nhất trong 1.200 năm khi vào tháng 2 năm ngoái, có tới 95% diện tích các bang miền Tây ghi nhận tình trạng hạn hán, trong khi mực nước ở hai hồ chứa nước lớn nhất vùng Bắc Mỹ là hồ Mead và Powell đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một thế kỷ. Năm nay, đa số các khu vực của Bồ Ðào Nha đang hứng chịu hạn hán nghiêm trọng sau khi ghi nhận tháng 5 nóng nhất kể từ năm 1931. Hạn hán ở khu vực Sừng châu Phi đã khiến ít nhất 18,4 triệu người, trong đó hơn 7,1 triệu trẻ em bị suy dinh dưỡng nặng, rơi vào tình trạng mất an ninh lương thực nghiêm trọng, đe dọa gây ra tình trạng khẩn cấp nghiêm trọng nhất tại khu vực này trong 40 năm qua.

Với tốc độ như hiện nay, UNCCD dự báo tình trạng biến đổi khí hậu sẽ làm gia tăng nguy cơ hạn hán tại các khu vực dễ bị tổn thương trên thế giới, cụ thể là tại các khu vực đông dân cư, cộng đồng dân cư dễ bị tổn thương và thách thức an ninh lương thực. Dự báo tới năm 2050, hạn hán có thể ảnh hưởng đến 75% dân số thế giới. Ngân hàng Thế giới ước tính có tới 216 triệu người có thể phải rời đi nơi khác vào năm 2050, chủ yếu do hạn hán, cùng với các yếu tố khác như khan hiếm nước, sản lượng mùa màng giảm sút, nước biển dâng và bùng nổ dân số.

Thư ký điều hành UNCCD Ibrahim Thiaw nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng giữa ngã tư đường. Chúng ta cần hướng tới các giải pháp thay vì tiếp tục các hành động phá hoại”. Chính bởi tính cấp thiết đó mà ngày Thế giới chống sa mạc hóa và hạn hán năm nay 17-6, LHQ đã lựa chọn chủ đề “Chung tay vượt qua hạn hán” (Rising up from drought together) để nhấn mạnh sự cần thiết phải có hành động sớm để tránh những hậu quả thảm khốc cho nhân loại và hệ sinh thái hành tinh.

Quản lý bền vững các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đặc biệt là bảo tồn các loại đất màu mỡ, nguồn nước, trồng rừng để tái tạo cảnh quan, lớp phủ thực vật… là những chìa khóa quan trọng giúp ngăn ngừa sa mạc hóa và phục hồi sau hạn hán. Ðây cũng chính là mục tiêu số 15 trong các Mục tiêu phát triển bền vững của LHQ, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo vệ, tái tạo và khuyến khích sử dụng bền vững các hệ sinh thái trên cạn, quản lý tài nguyên rừng bền vững, chống sa mạc hóa, chống xói mòn đất và mất đa dạng sinh học.

PHƯƠNG MINH 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây