Chuyện đời tôi – Truyện ngắn của Nhà văn Vu Gia

Chuyện đời tôi - Truyện ngắn của Nhà văn Vu Gia - Văn Học - VSD
Chân dung tự họa của Nhà văn, nhà báo Vu Gia

Chuyện đời tôi

Truyện ngắn của VU GIA

Nhận được tin người bạn ở Hà Nội qua đời, tôi chỉ một thoáng xúc động, bởi qua đại thọ bát tuần xem như sống hơi bị dài. Có sinh ắt có tử, nào ai có thể sống mãi mà không chết. Người ta nói “Sống lâu như Bành Tổ”, nhưng ông Bành Tổ cũng chỉ sống được 126 năm, cuối đời phải lẳng lặng trốn đến vùng hẻo lánh để lẩn tránh mọi người, sống nốt quãng đời còn lại. Đa thọ đa nhục, chứ nào có ích gì.

Bây giờ, trong số bạn bè, chỉ còn mỗi mình tôi hít thở không khí ở cõi đời này. Những người bạn chân chính của tôi đều là công nhân. Trong những năm đất nước đối mặt với cuộc chiến sống còn, ai nấy đều quyết tâm “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm, làm thêm giờ nghỉ”, “Tất cả cho sản xuất”, “Tất cả cho tiền tuyến”, “Tất cả vì miền Nam ruột thịt”,… không mấy ai nghĩ gì cho riêng mình. Trong tổ của tôi, chỉ mỗi mình tôi là người miền Nam, lại có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật để tổ và các thành viên trong tổ luôn đạt danh hiệu thi đua, nên ai cũng thương quý. Tuổi của tôi không nhiều hơn anh em trong tổ, không phải là đảng viên, chẳng phải là tổ trưởng, tổ phó, nhưng được anh em tôn xưng “Anh Hai Nam Bộ”, vì tôi có chữ nghĩa hơn, nghĩ tới quyền lợi cho anh em nhiều hơn quyền lợi của chính bản thân mình. Hầu hết, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật là của tôi, nhưng tôi chia đều cho anh em, thậm chí thấy ai có hướng phát triển tốt, tôi dành cho họ phần nhiều hơn để họ mau tiến bộ. Chính nhờ cách sống đó, mà tình nghĩa bạn bè kéo dài tới tận cuối đời.

z2687742163838 1391183ebbb912855b353749c8e6448d min - Chuyện đời tôi - Truyện ngắn của Nhà văn Vu GiaTừ trái qua phải: Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, Nhà văn Vu Gia, Nhà thơ Chinh Văn, Nhà văn Vũ Hạnh trong một cuộc gặp mặt văn nghệ sĩ đồng hương Quảng Nam, Đà Nẵng tại Thành phố Hồ Chí Minh (2018)

Những năm khó khăn ấy, nhiều lúc, họ dấm dúi bồi dưỡng cho tôi khi nắm xôi, khi củ khoai, thậm chí mấy hạt mít luộc. Cái tình cái nghĩa ấy khó mà quên được. Mỗi năm vài lần, anh em chung hùn tiền thưởng, kéo nhau đi thưởng cho mỗi người một bát phở. Hầu như ai nấy đều nhìn tô phở cho đã thèm mới bắt đầu ăn. Sức thanh niên, một bát phở chẳng tới đâu, xem như tráng dạ nhưng ai nấy đều sướng ra mặt, thấy mình hạnh phúc hơn nhiều người khác.

Vận mệnh chăng? Vận mệnh phải chăng là quá trình sinh ra quả, khi con người lựa chọn làm một việc gì đó (gieo nhân)? Cứ đổ thừa như vậy để vui vẻ đi qua một đời.

#

Khổng Tử (551-479 TCN) đã kể lại các giai đoạn thành đạt của cuộc đời mình, được người đời sau lấy đó làm phương châm sống: “Ngô thập hữu ngũ nhi chí vu học, tam thập nhi lập, tứ thập nhi bất hoặc, ngũ thập nhi tri thiên mệnh, lục thập nhi nhĩ thuận, thất thập nhi tùng tâm sở dục bất du củ” (Ta tới 15 tuổi mới chuyên chú vào việc học, 30 tuổi mới tự lập, 40 tuổi mới thấu hiểu hết sự lý trong thiên hạ, 50 tuổi mới biết mệnh trời, 60 tuổi mới có kiến thức và kinh nghiệm hoàn hảo để có thể phán đoán ngay được mọi sự lý và nhân vật mà không thấy có điều gì chướng ngại khi nghe được, 70 tuổi mới có thể nói hay làm những điều đúng theo ý muốn của lòng mình mà không ra ngoài khuôn khổ đạo lý). Nhưng soi chiếu với bản thân, tôi thấy chưa hẳn như vậy.

Nếu nói chăm chú vào việc học, thì tuổi lên 3, lên 4, tôi đã nghe, hiểu và nói được hai ngôn ngữ: Việt, Pháp. 15 tuổi, nhiều người khen tôi con ngoan trò giỏi, học một biết mười. 16 tuổi, tôi đã vào Ban Tú tài (ngày nay gọi là bậc trung học phổ thông) theo chương trình giáo dục của Pháp. Ngoài tiếng Việt mẹ đẻ, tôi cũng đã khá tạm thông tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Hoa. Nói thiệt, chuyện này không phải tôi giỏi mà do môi trường sống tạo nên, dĩ nhiên không thiếu phần “chăm chú” của tôi. Và ở tuổi 17, tôi tự lập hoàn toàn, chứ không đợi đến tuổi 30.

Qua tuổi 80 mấy năm rồi chẳng “chém gió” làm quách chi, chỉ nhắc lại đôi điều về cuộc đời tôi để con cháu thấy chỗ nào sáng thì soi, chỗ nào mờ tối thì bỏ. Tôi may mắn hơn nhiều người khác, vừa chào đời đã ngậm muỗng vàng muỗng bạc, liền có hai quốc tịch. Khi biết ráp vần tiếng Việt, gia đình đưa tôi vào học ở trường Tây với tên Tây theo giấy khai sinh. Lúc 8 tuổi, gia đình tôi và một số người giúp việc phải vào vùng Chợ Lớn quản lý cơ sở kinh doanh. Tại đây, có trường nội trú Pháp – Hoa (Lycée Franco-Chinois), dạy hai ngôn ngữ Pháp – Hoa, nhưng tôi không biết tiếng Hoa, nên tiếp tục theo học trường Tây. Nhờ ở khu phố người Hoa, nên tôi có điều kiện tiếp thu tiếng Hoa khá nhanh. Chữ viết, tôi học bạn bè trong xóm, trong vòng 2 năm, kỹ năng nghe – nói – đọc – viết ngang với bậc tiểu học.

Do công việc làm ăn bận rộn, năm tôi 11 tuổi, gia đình gửi tôi vào Lycée Franco-Chinois. Năm 13 tuổi, hai bên gia đình nội ngoại lại lần nữa thống nhất đưa tôi vào học trường Tây, đến Ban Tú tài sẽ đưa tôi qua Pháp học tới khi nào hết chữ thì thôi. Trong lúc tôi chuẩn bị qua Pháp học tiếp Ban Tú tài, thì Hiệp định Genève được ký kết. Phần lớn bà con đều hồ hởi, vì hòa bình đã đến. Lúc này, tôi mới biết gia đình tôi là cơ sở cách mạng, vì một hôm, cả hai bên gia đình nội ngoại của tôi họp mặt, quyết định hỏi vợ cho tôi và cho tôi vượt tuyến ra miền Bắc trui rèn bản lĩnh. Sau 2 năm sẽ được tổng tuyển cử (tháng 6 năm 1956), thống nhất 2 miền Nam Bắc dưới một chính phủ, thì tôi về tiếp tục việc học.

Qua Pháp du học, ít ra cũng phải mất mươi năm hơn, mà tôi như chim non mới ra ràng, hai bên gia đình nội ngoại của tôi không yên tâm để tôi tự bay nhảy. Cha tôi giao cho tôi lá thư được dán kín, cho biết là của một vị lãnh đạo cách mạng miền Nam gửi gắm tôi cho một vị lãnh đạo ở Hà Nội. Cha tôi lại dặn xem như lá thư ấy là “lá bùa hộ mệnh”, nhưng khuyên tôi bí lắm mới dùng, bởi “bùa” có linh như thế nào cũng là vật ngoài thân, không phải thực lực của chính mình. Trui rèn bản lĩnh mà dựa vào người khác chống đỡ là thứ bỏ đi.

hahahhahaha - Chuyện đời tôi - Truyện ngắn của Nhà văn Vu GiaNhà văn Vu Gia ( bên trái) & Nhà thơ, dịch giả Bùi Xuân

Thời gian này, việc vượt tuyến không khó, vì nội dung cơ bản của Hiệp định Genève có điều: “Dân chúng mỗi bên có quyền di cư sang lãnh thổ do bên kia kiểm soát trong thời gian quân đội hai bên đang tập kết”. Cả hai bên nội ngoại chờ mong ngày tôi trở về sẽ trưởng thành hơn, sẽ tổ chức đám cưới rồi hai vợ chồng cùng qua Pháp học tập. Tôi háo hức lên đường chẳng có bận lòng chi. Hỏi vợ chẳng qua hai bên gia đình bàn nhau khi chúng tôi còn nhỏ, chứ tôi chưa biết yêu đương gì.

Đến miền Bắc, tôi như chim sổ lồng, dang cánh bay giữa trời thoáng đãng, nên không chỉ cất kỹ lá thư mà còn đăng ký đi Thanh niên xung phong sửa chữa, nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – Lào Cai, theo lời kêu gọi của Phòng Miền Nam. Lúc dó, tôi thấy lời cha tôi dạy đúng lắm. Xưa nay, dựa vào ngoại nhân không phải là một cái tốt quy túc, hạnh phúc là cần dựa vào bản thân tranh thủ, gửi hy vọng vào người khác, lúc nào cũng là tiểu thừa.

“Đâu cần thanh niên có. Đâu khó có thanh niên”. Chúng tôi lao vào công việc rất hăng say. Chưa bao giờ tôi thấy cuộc đời đáng yêu như lúc này. Sống trong môi trường lao động tập thể có tổ chức, ngoài công việc phải làm, chúng tôi còn được học tập chính trị, được khuyến khích đọc sách, rèn luyện thể lực,… Và qua thời gian lao động này, tôi đã ý thức được giai cấp công nhân có thể lĩnh hội và thấm nhuần một tư tưởng cách mạng nhất: chủ nghĩa Marx-Lenin. Đồng thời, tinh thần đấu tranh của họ ảnh hưởng và làm gương cho các tầng lớp khác. Ý tưởng mới mẻ này như mở ra cho tôi một chân trời mới. Cuộc sống này tôi thích, vậy thì cần gì phải núp bóng ai, nhờ cậy ai.

Sau một thời gian, chúng tôi mỗi người mỗi nơi tùy vào lý lịch và năng lực của mỗi người. Lúc này, tôi hiểu thêm ra lý lịch của người vượt tuyến, xuất thân trong gia đình nội ngoại thuộc loại “tư sản có thế lực”, hai quốc tịch, học trường Tây; gia đình được khai là cơ sở cách mạng nhưng chẳng có giấy tờ chứng minh, thì về làm thợ nguội là đúng quá. Đôi lần, tôi cũng muốn sử dụng lá thư, nhưng nhớ lời cha dạy nên muốn tự mình tiếp tục trui rèn bản lĩnh như mong đợi của gia đình.

Nhà văn Vu Gia bên phải Nhà thơ Bùi Xuân Mẫn - Chuyện đời tôi - Truyện ngắn của Nhà văn Vu GiaNhà văn Vu Gia ( bên phải) & Nhà thơ Bùi Xuân Mẫn

Hai từ “thợ nguội” cũng khiến tôi tò mò. Khi nhận việc và qua tài liệu nhà máy, tôi mới biết trong lĩnh vực gia công cơ khí, hầu như công đoạn nào cũng cần tay nghề của người thợ nguội – từ chế tạo, lắp ráp cho đến sửa chữa. Nói chung, thợ nguội là nhân viên phụ trách thực hiện các phương pháp gia công cơ khí cắt gọt bằng tay đòi hỏi độ chính xác cao mà máy móc không thực hiện được để lắp ráp, sửa chữa… sản phẩm cơ khí và chế tạo máy.

Quả thật thú vị! Nghề này không chỉ thuần thủ công: đục, giũa, khoan, khoét, cưa, doa, cắt ren, cạo rà, đánh bóng… mà còn phải động não. Vào nghề, tôi tiến bộ rất nhanh, bởi ngoài việc hướng dẫn tận tình của người đi trước, tôi còn suy ra từ sách vở. Cũng nhờ sự “suy ra” ấy, hầu hết thành viên trong tổ tôi kỳ bình bầu nào ai nấy cũng đạt danh hiệu lao động tiên tiến, có người đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua; cuối năm, tổ cũng đạt danh hiệu tổ lao động tiên tiến, thậm chí có mấy lần đạt danh hiệu tổ lao động xã hội chủ nghĩa.

Hai năm nước nhà thống nhất không thành, nhiều người khuyên tôi lấy vợ, nhưng tôi từ chối. Mỗi lần có lời khuyên như vậy, tôi đều xúc động nhớ đến người con gái được hứa hôn từ nhò và gia đình tôi đả bỏ lễ hỏi trước ngày tôi vượt tuyến. Hai bên gia đình đều khuyên cô ấy đi du học, nhưng cô ấy kiên quyết chờ tôi, và xin phép hai bên gia đình, cô ấy đã đến ở nhà tôi với phận làm dâu.

Mỗi năm một lần, tôi có nhận được thư nhà gửi từ Campuchia. Nghe đến việc trui rèn bản lĩnh của tôi, cha tôi vui lắm. Tôi cũng khuyên cô ấy lấy chồng, vì cuộc chiến chắc còn dài, chưa biết bao giờ gặp nhau, thì cô ấy lại khẳng định mãi mãi chờ đợi tôi và hứa sẽ cố gắng học hành tử tế để không phụ lòng mong ước của gia đình nội ngoại của tôi. Cái tình cái nghĩa như thế làm sao tôi không xúc động và cũng bắt đầu lấy làm vui vì biết có người con gái đang chờ đợi mình.

#

Một hôm, lãnh đạo nhà máy gọi tôi đến kiểm tra trình độ học vấn của tôi chừng mươi lăm phút, rồi chuyển tôi làm công tác dạy bổ túc văn hóa cho công nhân nhà máy, nhưng vẫn hưởng lương thợ nguội, mọi sinh hoạt vẫn gắn liền với tổ thợ nguội cũ của tôi. Nhờ đó, tôi có thời gian đọc sách, rèn ngoại ngữ và tự học thêm tiếng Nga.

Đọc nhiều, tôi phát hiện lắm người viết dùng từ sai, và để chứng minh suy nghĩ ấy, tôi ghi chép lại từ sai đó trong bài viết của ai, đăng ở đâu, trang mấy, rồi vận dụng sự hiểu biết về ngoại ngữ của mình, chỉ ra từ điển này giải thích như thế này, từ điển kia giải thích như thế kia,… Không ngờ cách làm ấy lại giúp vốn từ tiếng Việt và ngoại ngữ của tôi tăng tiến rất rõ. Niềm vui không bỏ tôi, giúp tôi quên đi những muộn phiền trong cuộc sống thường ngày. Tôi ghi chép hết quyển vở này tới quyển vở khác, càng ngày càng nhận ra rằng niềm vui của một con người không phải từ sự vật bên ngoài mà là ở tự bản thân mình. Nói chính xác là cách tư duy lạc quan tích cực có thể biến địa ngục thành thiên đường. Niềm vui ở đâu cũng có, ở chỗ nào cũng có, chỉ cần chúng ta có cuộc sống phong phú, theo đuổi sự lạc quan, chí khí vô tư hào phóng và một trái tim thỏa mãn với những cái mình đã có.

Ngày miền Nam giải phóng, tôi không nằm trong diện tiếp quản, nên mấy tháng sau, tôi mới được đoàn tụ gia đình. Một đám cưới đơn giản, tôi và cô gái hứa hôn từ nhỏ thành vợ thành chồng trong niềm vui của mọi người.

Bà con chòm xóm lúc đó mới biết gia đình tôi là cơ sở cách mạng và tôi là “cán bộ tập kết”, chứ chẳng phải đi học ở Tây ở Tàu gì.

Tôi đưa lại lá thư dán kín ngày nào đã nhuốm màu thời gian, tay cha tôi run run xúc động. Việc tôi làm ở miền Bắc, ông biết cơ bản nhưng giấu mọi người trong gia đình. Vị lãnh đạo ở Hà Nội được gia đình nhờ cậy đã vào chiến trường miền Nam sau đợt Tổng tấn công và nổi dậy năm 1968, và đã hy sinh. Gia sản của tôi sau hơn 20 năm ở miền Bắc chỉ có mấy ba lô đựng những cuốn vở ghi chép, nhưng cha tôi vui mừng tuyên bố tôi là người giàu có nhất. Theo ông, vĩ đại có cái khó của vĩ đại, bình dân có lợi thế của bình dân, điều mấu chốt là chúng ta phải sống lạc quan và sống chan hòa với mọi người. Ông khuyên tôi, mọi chuyện đều đã qua, tối trọng yếu là tương lai, chứ không phải nỗi buồn lắng đọng hoặc vầng hào quang chấp chới trên đầu.

Lĩnh được tâm ý của cha, tôi bèn xin nghỉ theo chế độ, tập trung cho công việc của gia đình. Vợ tôi nguyên là giáo sư trung học đệ nhị cấp, sau ngày giải phóng gọi là giáo viên cấp 3, gia đình cũng là cơ sở cách mạng, nên tiến bộ trên đường công danh không chậm.

Hơn hai mươi năm chờ đợi, chúng tôi đã đến được với nhau, sống với nhau rất hạnh phúc và sinh liền hai đứa con. Gia đình hai bên xem như đã thỏa lòng. Đã được trui rèn trong gian khó, nên dường như không có việc gì làm tôi thối chí. Từng ngày, tôi ngộ ra rằng con người ta không chỉ cứng rắn mà còn phải dẻo dai hơn và đàn hồi hơn mới có thể vượt qua được những khó khăn và thử thách để vươn lên. Tôi còn nhớ, lúc mới vào Ban Tú tài, qua sức học của tôi, một thầy giáo già người Pháp nói với học trò trong lớp: “Các con đừng mặc cảm, có một sẽ có hai, chỉ là vấn đề thời gian và sự nỗ lực không ngừng”. Lời nói ấy không nhằm vào tôi, nhưng làm cho tâm trí tôi sáng lên và tôi tin mình sẽ làm được những gì mình muốn. Trong những phút nản lòng, những lời dạy ấy cứ văng vẳng bên tai. Bây giờ nhìn lại, những tháng ngày được người đời gọi là “lên voi xuống chó”, tôi vẫn giữ được bản tâm và tìm được niềm vui trong công việc.

Việc đọc trở thành thói quen. Mỗi ngày, tôi đọc không biết bao nhiêu sách báo và tiếp tục phát hiện nhiều người dùng từ sai, hiểu thành ngữ, tục ngữ sai, thậm chí sai một cách nghiêm trọng. Sách giáo khoa cho học sinh cấp 3, mà tứ tự thành ngữ lại chêm vào dấu phẩy là sao? Tiếng mẹ đẻ mà không rành làm sao “sánh vai với các cường quốc năm châu”?

Suy nghĩ như vậy, nên tôi khởi động viết báo. Cũng may, phần lớn những bài viết của tôi được một số tờ báo dùng, tạo nên một chút danh. Một vị lãnh đạo của một tờ báo tới đặt thẳng vấn đề là sẽ mở một chuyên mục về chuyện chữ nghĩa mà tôi đã tham gia vừa qua, và tôi chịu trách nhiệm lo bài vở. Tôi vui lòng nhận lời, hứa sẽ đưa mỗi lần mấy bài để báo yên tâm không lo chuyện thiếu hụt. Thế là tôi lần lượt mở lại những cuốn vở ghi chép suốt nhiều năm liền ở miền Bắc và cập nhật những thông tin mới sau này, hình thành nên chuyện hỏi đáp thân tình, vui vẻ và có ích, được bạn đọc nhiệt tình ủng hộ.

Qua một thời gian không dài, vị chủ báo sợ tôi bỏ ngang qua viết cho những tờ báo khác, nên đặt vấn đề tăng nhuận bút những mong tôi tiếp tục cộng tác. Tôi thưa thiệt là đã có vài tờ báo tới đặt vấn đề như thế, nhưng tôi không phải là loại người qua sông đoạn cầu. Chuyện như vậy, tôi không thích. Dĩ nhiên, ai cũng cần tiền nhưng tôi thì khác. Tôi cần niềm vui và đã tìm được niềm vui ở những bài viết được người đọc đón nhận là thỏa lòng rồi. Nhuận bút trồi sụt là dựa vào thu nhập chung của tờ báo mà trả, đừng ưu ái gì riêng tôi.

Trong quá trình viết báo, tôi cũng gặp mấy lần tranh luận, bởi ngôn ngữ nào cũng có những rắc rối riêng, chẳng ai có thể vỗ ngực xưng mình “trên thông địa lý, dưới thạo binh thư”. Chẳng hạn, chữ Hán là chữ biểu ý (ideograph), chữ viết không quan hệ với âm đọc, nhìn chữ không thể tự đọc âm của chữ. Muốn đọc được chữ Hán thì phải được thầy dạy đọc. Quách Mạt Nhược (1892-1978), người có nhiều cống hiến trong việc nghiên cứu văn tự cổ, Viện trưởng đầu tiên của Viện Khoa học xã hội Trung Quốc trong một thời gian dài, cũng đã than phiền: “Đọc sách báo gặp những chữ chẳng biết phát âm ra sao”. Ngoài ra, chữ Hán còn có vấn đề chữ đa âm, chữ đồng âm, nên có việc tranh luận là chuyện bình thường, cần phải học hỏi lẫn nhau.

Tiếng Việt cũng không ngoại lệ. Chẳng hạn, “hiếm” là rất ít có, rất ít xảy ra, nhưng có người hỏi: “Làng mình có trồng khoai lang không?”, và được trả lời: “Hiếm chi”, thì chữ “hiếm” này có nghĩa là nhiều, rất nhiều, ngược hẳn với cách nghĩ thông thường, kể cả từ điển. Do đó, trong các cuộc tranh luận như thế, ai có nhiều tư liệu hơn là có lợi thế hơn, nhưng cũng… chưa chắc đúng hơn. Cái thú của chữ nghĩa là như vậy.

Bây giờ nghĩ lại, tôi không thể không cám ơn đời, không thể không cám ơn đại gia đình của tôi đã động viên, tin tưởng để tôi trui rèn bản lĩnh hơn hai mươi năm. Đường do mình chọn, tha nhân chỉ biết một phen chỉ điểm, còn đi tới đâu dều do nỗ lực của mỗi người. Từ thực tế bản thân, tôi nhận ra rằng sải bước và học hỏi từ những va chạm trên đường đời sẽ làm cho hành trình cuộc sống dễ dàng hơn một chút.

Lâu nay, người ta hay nói đến trí tuệ, song trí tuệ là gì? Từ điển các ngôn ngữ đều có ghi, nhưng với tôi, người có trí tuệ là người có khả năng biến tình thế thất bại và bị hại trở thành cơ hội tốt để không những tránh được thiệt hại mà còn làm bàn đạp để đi lên. Và kết quả đã có khi anh em làm sách đến nhà, đặt vấn đề in tất cả những gì tôi viết.

Tôi giao cho tòa soạn chục kỳ báo và xin lỗi không thể cộng tác tiếp vì dành thời gian dọn bản thảo in sách. Cuối đời, tôi đã có cả chục đầu sách được xuất bản, thế là vui. Niềm vui ấy không chỉ cho riêng tôi mà còn cho cả đại gia đình của tôi. Trước khi lìa đời, cha mẹ tôi đều mãn nguyện và dặn dò chưa để những cuốn sách của tôi vào áo quan thì không được đóng nắp. Nhà tôi cũng dặn như thế và nở nụ cười hạnh phúc trước khi bụi về với bụi, đất về với đất.

Mỗi thời mỗi khác, nhưng tôi cho rằng câu nói của Khổng Tử luôn đúng với mọi thời: “Học nhi thời tập chi, bất diệc duyệt hồ?” (Học thì phải luyện tập, chẳng vui lắm sao?). Đừng tự làm khó mình, cũng đừng tự dối lòng an ủi mình như câu thơ của Vũ Hoàng Chương: “Lũ chúng ta, đầu thai lầm thế kỷ”. Làm người phải có nghị lực, rèn nghị lực để một khi rơi vào hiểm cảnh không có thả tay mà ngược lại cố gắng giải quyết vấn đề, dù có thất bại cũng thỏa lòng. Lịch sử nhân loại cho thấy thiên phú cao mà ý chí kém thì khó thể đi đến mức tận cùng, thậm chí trải qua cuộc đời vô vị; ngược lại ắt sẽ có thành công nhất định. “Cần cù bù thông minh” không phải chỉ là lời động viên suông mà từ thực tế cuộc sống được ông cha ta tổng kết.

Ánh sáng bên ngoài đã nhập nhoạng mặt người. Tôi nhấp một ngụm trà không còn nóng, lắng nghe sự trở mình thức tỉnh của một ngày mới, và biết mình được kéo dài thêm cuộc sống tới giờ phút này./

VU GIA

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây