Con mắt cửa – Con mắt nhà – Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

Con mắt cửa – Con mắt nhà - Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

CON MẮT CỬA – CON MẮT NHÀ

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

Khi tìm hiểu về nhà cổ Hội An, các nhà nghiên cứu thường thắc mắc về ý nghĩa với công năng của cái gọi là con mắt cửa. Cũng cần nói ngay là con mắt cửa không chỉ là chi tiết kiến trúc đặc trưng của nhà cổ Hội An mà phổ biến trong nhà cổ nhiều xứ khác.

1. Rõ ràng là các đồ án chạm khắc theo dạng biến thái của con mắt cửa như hình Bát quái, Hoa tám cánh có nhuỵ là thái cực/ vòng tròn Lưỡng nghi… đã hiển thị rõ đó là bùa Trấn trạch, theo quan niệm Đạo giáo mà chúng ta thấy trong Linh phù Trấn trạch ở Bắc bộ, hay bùa Trấn trạch, bùa Nêu Ông Cọp ở Nam bộ và cũng được tích hợp trong đồ hình Tử vi trấn trạch, Huyền Đàn trấn môn phổ biến từ Bắc chí Nam, trong người Việt lẫn người Hoa. Điều này đã chỉ ra, con mắt cửa trơn (không có đồ án chạm khắc nào) vốn cũng đảm nhận chức năng trấn trạch [1]. Vấn đề còn lại là lai lịch con mắt cửa đó?

anh 4 vansudia.net min - Con mắt cửa – Con mắt nhà - Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

 

2. Có ý kiến cho rằng, con mắt cửa đó chính là đôi mắt của hai vị Môn thần là Thần Đồ và Uất Luỹ[2]. Nhưng quan sát từ thực tế, cũng như tài liệu thư tịch chúng ta đều thấy tục viết danh hiệu hay vẽ hình tượng của hai vị Môn thần này hơn là vẽ chi tiết biểu thị về họ để tượng trưng. Đó là hai vị thần được thể hiện bằng dạng võ tướng, mặc giáp trụ, cầm binh khí thường thấy trên hai cánh cửa chính các đền miếu, đặc biệt là các cơ sở tín ngưỡng của các cộng đồng người Hoa. Hai vị Môn thần này có phần tương đồng với cặp Ông Thiện – Ông Ác, Hanh Cáp nhị tướng ở chùa Việt, hoặc cặp Chằn (Yasha) ở chùa Phật giáo Nam tông Khmer, Thái, Lào…

Truy cứu theo hướng con mắt thần, chúng ta lưu ý đến các vị thần có con mắt thứ ba giữa trán như Huê Quang Đại đế (Mã Nguyên Soái/ Mã Linh quan: trấn giữ thiên môn trên triều đình và là Hoả thần) hay Lôi công (thần Sấm) Vương Linh quan (trong bộ Ngũ công vương Phật). Về mắt, phổ biến hai con mắt thông thường biểu trưng cho mặt trời và mặt trăng. Đây là một dữ liệu tham chiếu cho vấn đề đang bàn. Còn con con mắt thứ ba tương ứng với lửa (nhìn tới đâu sẽ biến mọi thứ thành tro) và thể hiện cốt cách siêu phàm, khả năng quan sát thấu suốt xa rộng. Điều này giải thích trong tranh thờ Huê Quang Đại đế có hai thuộc hạ là Thiên lý nhãnThuận phong nhĩ[3]. Con mắt thứ ba của Lôi công Vương Linh Quan (Thái Ất Lôi Thinh Ứng hoá Thiên tôn) cũng biểu thị khả năng quan sát siêu việt của vị thần “Coi 30 xe lửa. Miệng nhọn như mỏ chim phượng, răng bạc. Chỉ huy trăm vạn thần tướng dũng mãnh. Lướt mây cỡi mù, lịnh ban sấm sét. Tuôn mưa làm nắng. Đuổi tà trị bịnh”.

Nói chung, con mắt thứ ba của các vị thần – vốn có mặt trong tập tục tín ngưỡng xứ ta – nói trên là “thần nhãn”, nên có khả năng, nhiều hơn hai vị Môn thần thần Trà – Uất Luỹ, trở thành biểu trưng “con mắt cửa” để trấn trạch. Tất nhiên điều này cũng chỉ dừng lại ở mức giả thiết.

Một vị thần trừ tà Trung Quốc khác, có phần phổ biến ở xứ ta là Chung Quì. Chung Quì vốn là thần Phương Tương Thị (Hậu Hán thư/ Lễ nghi chí): bốn con mắt vàng, khoát áo da gấu, quần áo đen đỏ, tay cầm cây qua, dương lá chắn để đuổi quỉ ác ra khỏi cấm cung. Biến đổi khác là Chung Quì đuổi ma bắt quỉ tứ phương để ăn thịt và không hại dân. Điểm nổi bật của Chung Quì là được thể hiện thành hình tướng sống động: mũ đen, áo xanh, đi ủng, mắt như dùng sơn v trông giống uy tướng. Lại có tập tục vẽ hình thần Chung Quì vào trưa tết Đoan ngọ: “Dùng mực đỏ vẽ Chung Quì, lấy máu gà để vẽ mắt treo trong nhà. Làm như vậy có thể trừ được tà”. (Bắc Bình phong tục loại trưng)

Nhìn chung, nếu xét về con mắt cùa chư thần trừ tà, chúng ta thấy con mắt của thần Chung Quì là đối tượng được thế nhân chú tâm nhất trong việc thể hiện. Từ đó đến con mắt cửa, như vậy, có ít nhiều sở cứ.

anh 5 1474445372917 min - Con mắt cửa – Con mắt nhà - Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

 

3. Một hướng truy cứu khác là tập tục dùng thú vật để trấn trạch. Tập tục dùng đầu trâu đặt trên nóc, đầu hồi, hay chính giữa mặt tiền nhà để trấn trạch là tập tục phổ biến của không ít các cộng đồng dân tộc ít người ở Tây Nguyên, Tây Bắc xứ ta là một ví dụ. Việc dùng tượng chó, tranh hổ hay tranh gà v.v… đế trấn trạch là tập tục “truyền thống” ở xứ ta là một ví dụ khác. Tuy nhiên, con mắt của các con thú này cũng không được xác định là thần nhãn, tức cũng không có gì đặc biệt, trong tâm thức tín ngưỡng dân gian.

Truy cứu trong sách cổ, cuốn Thập di ký, có một ghi chép đáng chú ý: “Nghiêu tại vị 70 năm… Có nước Kỳ Chi dâng con chim Thuỳ minh, còn có tên chim Trọng tinh, mắt có hai con ngươi, hình dáng giống con gà, kêu như tiếng phượng, thường giương lông vũ mà bay lên, có thể đuổi bắt mãnh thú hổ lang, khiến bọn yêu quái ác độc không thể làm hại… Trong nước có người khắc gỗ, có người đúc vàng, làm theo loại hình chim này đặt ở trên cửa, thì ma quỉ bọn xấu tự nhiên tránh xa hết. Người ngày nay, vào ngày nguyên đán hàng năm, hoặc khắc gỗ, đúc vàng hoặc vẽ hình chim đặt ở cửa sổ, có lẽ di tượng của chim Trọng tinh vậy”. Đây là một tập tục trấn trạch cổ xưa cho chúng ta dữ liệu khá gần với con mắt cửa – đặc biệt là chi tiết “mắt có hai con ngươi” của loài chim Thuỳ minh/Trọng Tinh dũng mãnh này.

4. Nói chung, qua các đối tượng thờ tự có công năng trấn trạch, trên đây chúng ta thấy: một là đôi mắt nhà có thể là biểu trưng của Mặt Trời – Mặt Trăng, cặp đôi Nhật – Nguyệt/ Dương – Âm; và hai là mối quan hệ biểu lý của đôi mắt loài chim thần thoại Thuỳ minh/Trọng Tinh và đôi mắt cửa là gần gủi nhất.

Về loài chim Thuỳ minh có người cho là hình tướng thiêng hoá của loài chim cú và cũng có giả thiết khác là đại bàng. Cú và đại bàng đều là loài chim được thiêng hoá trong tâm thức văn hoá – tín ngưỡng có phần phổ biến. Song đó là loài chim hàm chứa ý nghĩa biểu trưng đối lập. Cú liên quan đến cõi âm, biểu thị cho đêm tối, mặt trăng và mắt sợ ánh sáng mặt trời; ngược lại đại bàng được coi là hiện thân của lửa/ánh sáng, của mặt trời và chỉ riêng có đại bàng là dám nhìn thẳng vào mặt trời không chớp mắt mà không sợ bị đốt mù cặp mắt. Ở đấy cứ theo miêu tả về chim Thuỳ minh, có “hình dáng giống con gà”khiến chúng ta liên tưởng rằng nó giống đại bàng hơn là cú. Điều này đề ra một giả định rằng chim Thuỳ minh có thể là hình tướng thiêng hoá của đại bàng, nói rộng hơn là ưng, ó, diều. Mở rộng không gian quan sát, chúng ta thấy hiện tượng rất phổ biến là việc các dân tộc thuộc cộng đồng chịu ảnh hưởng văn hoá Ấn Độ lấy hình tượng chim thần Garuda trang trí đền thờ, chùa tháp và coi đó là chim thần bảo hộ các kiến trúc tôn giáo. Đây là ví dụ tham chiếu về việc dùng chim thần “trấn trạch”[4].

Nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng

——————————–

[1]Cũng có các đồ án Hán tự, đa phần là chữ triện: Phước, Lộc, Thọ… Các đồ án văn tự này có chức năng khánh chúc hơn là trấn giữ. Hai chức năng này, rốt cục cũng là hai mặt của một nhu cầu: mong muốn sự tốt lành.

[2]Thần Đồ – Uất Luỹ (có sách ghi khác là Thần Trà – Úc Luỹ): Bắt đầu từ đời nhà Chu (Trung Quốc), tập tục cho rằng: Đào là cây ở phương Tây, vị cay, khí xấu, giống vật có hại rất ghét loài cây này. Đào là tinh của ngũ hành, ngăn trở tà khí, chế ngự bách quỉ. Đến đời Nguy-Tấn lấy gỗ đào làm bùa – gọi là đào phù, trên viết tên Thần Đồ – Uất Luỹ là hai vị Môn thần. Tương truyền hai thần này sống trên núi Độ Sách ở Đông Hải. Trên núi có cây đào lớn, trên ngọn có con Kim kê và dưới gốc có một vạn con quỉ. Cứ mỗi ngày khi mặt trời chiếu tia sáng đầu tiên lên con Kim kê thì con Ngọc kê, đậu bên cây phù tang cất tiếng gáy và con Kim kê cất tiếng gáy theo để báo hiệu cho lũ quỉ trở về quỉ quốc. Thần Đồ và Uất Luỹ trấn giữ quỉ môn, ở phía đông bắc cây đào, có trách nhiệm kiểm tra: con quỉ độc ác nào trong đêm qua gây ra sự tàn hại ở cõi nhân gian thì liền bị hai vị thần này bắt trói lại bằng dây thừng, vứt cho hổ ăn thịt lập tức. Do đó, bọn quỉ rất sợ Thần Đồ – Uất Luỹ. Trong nhân gian thường khắc hình tượng Thần Trà và Uất Luỹ ở cửa để trừ tà. Từ đời nhà Đường, hai vị Môn thần này đã biến thành Tần Thúc Bảo và Uất Trì Kính Đức. Tương truyền đây là quan võ của vua Đường Thái Tông, đã từng – đứng gát ngoài cửa cung đuổi trừ được bọn quỉ hại vua bị trọng bệnh.

[3]Hai thuộc hạ này cũng được coi là hai trợ thủ đắc lực của Thiên Hậu Thánh Mẫu (Nữ thần bảo hộ cho những người hành nghề trên sông biển).

[4]Tài liệu tham khảo chính:

  • Đinh Gia Khánh: Thần thoại Trung Quốc, 1991.
  • Chevalier & A. Gheerbrant: Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới. Bản dịch, 1997.
  • Lao Tử & Thịnh Lệ: Từ điển Nho-Phật-Đạo. Bản dịch, 1999.
  • Nhiều tác giả: Lịch sử văn hoá Trung Quốc, Bản dịch, 1999.
  • Đặng Phúc Tinh – Hoàng Lan: Mỹ thuật Trung Quốc, Bản dịch, 2001.
  • Tiêu Mặc:Kiến trúc Trung Quốc, Bản dịch, 2002.
  • Cao Quốc Phiên: Dân tục học Trung Quốc cổ, 1995.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây