Cuối năm 2022: Thiên tai dồn dập, diễn biến khó lường; mùa Đông đến sớm và lạnh hơn

Cuối năm 2022: Thiên tai dồn dập, diễn biến khó lường; mùa Đông đến sớm và lạnh hơn
Thời gian tới, nguy cơ thiên tai sẽ diễn ra phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán hơn năm 2021. (Nguồn: TTXVN)

Theo Tổng cục Khí tượng Thủy văn, từ nay đến cuối năm, thiên tai sẽ rất dồn dập. Do vậy, các địa phương cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.

Đề phòng bão dồn dập, chuyển hướng phức tạp

Sáng 16/6, ông Trần Hồng Thái, Tổng cục trưởng Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhấn mạnh từ nay đến cuối năm 2022, dự báo bão sẽ dồn dập, mưa xảy ra rất nhiều.

Thông tin cụ thể hơn, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn) cho biết từ nay đến hết năm 2022, dự báo trên khu vực Biển Đông có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có khả năng có 4-6 cơn ảnh hưởng trực tiếp đến đất liền nước ta.

Mặc dù số lượng bão, áp thấp nhiệt đới trên được nhận định ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ (trung bình nhiều năm, một năm có khoảng từ 12-14 cơn bão, áp thấp nhiệt đới; trong đó có khoảng từ 5-7 cơn ảnh hưởng trực tiếp).

Dù vậy, ông Lâm cũng đặc biệt lưu ý các địa phương và người dân cần đề phòng xảy ra bão có hướng di chuyển phức tạp, dồn dập trong các tháng cuối năm 2022.

Mưa lớn: Bắc Bộ, Trung Bộ dồn dập; Tây Nguyên và Nam Bộ thiếu hụt

Trong các tháng mùa mưa (từ tháng 7-9/2022), lượng mưa tại Bắc Bộ có khả năng ở mức xấp xỉ đến cao hơn trung bình nhiều năm. Trái lại, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, từ tháng 7-9, lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Từ khoảng tháng 10-11/2022, khu vực biển Trung Bộ và Tây Nguyên, dự báo lượng mưa cao hơn trung bình nhiều năm, cảnh báo nguy cơ xảy ra mưa lớn dồn dập.

Ngoài ra, ông Lâm cũng khuyến cáo cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.

Nền nhiệt mùa Đông thấp

Cũng như xu hướng mưa, bão, ông Lâm nhận định năm 2022, khả năng không khí lạnh sẽ hoạt động sớm trong tháng 10 và tháng 11; nền nhiệt các tháng đầu mùa Đông ở các tỉnh miền Bắc có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.

Nói về diễn biến tình hình mưa bão trong thời gian tới, đại diện cơ quan khí tượng quốc gia dự báo mưa lớn sẽ dồn dập vào thời điểm cuối năm; các cơn bão cũng có những quỹ đạo, cường độ bất thường.

Dự báo cụ thể: Mưa lớn cuối năm dồn dập, bão diễn biến phức tạp

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia (Tổng cục Khí tượng Thủy văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường), trong thời gian tới, nhiều nguy cơ thiên tai sẽ diễn ra phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán hơn năm 2021.

Dự báo tình hình mưa lớn còn tiếp diễn và dồn dập vào thời điểm cuối năm. Các cơn bão cũng có nhiều nguy cơ khó lường hơn bởi những quỹ đạo, cường độ bất thường.

Ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng Dự báo thời tiết (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia) cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, ở Việt Nam đã ghi nhận một đợt mưa trái mùa xảy ra ở khu vực Nam Trung Bộ, gây ra tương đối nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Ngoài ra, một số khu vực khác đã xảy ra mưa dông, lốc, sét. Trên biển cũng đã xuất hiện những cơn bão sớm, dù các cơn bão đó không ảnh hưởng đến Việt Nam.

Thiên tai khốc liệt, khó dự báo hơn

Với xu hướng thời tiết trên, ông Năng nhận định thời gian tới, nguy cơ thiên tai sẽ diễn ra phức tạp, khốc liệt và khó dự đoán hơn năm 2021. Trong đó, tình hình mưa lớn có thể tập trung nhiều, dồn dập vào thời điểm cuối năm. Những cơn bão cũng có khả năng sẽ có những quỹ đạo cũng như cường độ bất thường.

Dự báo từ nay đến cuối năm 2022, trên khu vực Biển Đông có khoảng 10-12 cơn bão và áp thấp nhiệt đới, trong đó có 5-7 cơn cơn có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến nước ta; cần đề phòng bão xảy ra dồn dập và có cường độ mạnh trong các tháng cuối năm.

Trong các tháng mùa mưa bão, lượng mưa tại Bắc Bộ có xu hướng cao hơn trung bình nhiều năm (tập trung từ tháng 7-9). Trong khi đó, tại khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ lượng mưa có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm.

Từ khoảng tháng 10-11/2022, khu vực ven biển Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, lượng mưa có xu hướng gia tăng. Cảnh báo nguy cơ xảy ra mưa, lũ dồn dập tại các tỉnh miền Trung trong tháng 10-11/2022. Ngoài ra, cần đề phòng các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, mưa đá trên phạm vi toàn quốc.

Trước các hiện tượng thiên tai bất thường do biến đổi khí hậu kể trên, đại diện Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết:

Trong ngắn hạn, cơ quan này theo dõi chặt chẽ các loại hình thiên tai, ban hành các bản tin dự báo, cảnh báo sớm khi thiên tai có dấu hiệu xuất hiện và cập nhật theo sát diễn biến thiên tai để các cơ quan hữu quan và người dân có kế hoạch chủ động ứng phó.

Trong dài hạn, cơ quan khí tượng quốc gia sẽ đề xuất việc bổ sung, tăng cường các quan trắc khí tượng thủy văn ở vùng biển, vùng núi chưa có hoặc còn thưa số liệu; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để cải tiến các mô hình dự báo, kể cả ứng dụng cả trí tuệ nhân tạo (AI) trong dự báo thiên tai khí tượng thủy văn.

Bên cạnh đó, cơ quan khí tượng quốc gia sẽ tiếp tục nghiên cứu đánh giá đầy đủ hơn về tác động của biến đổi khí hậu đến sự bất thường và sự gia tăng cường độ của các thiên tai để có thể bổ sung thông tin vào các mô hình, phương án dự báo.

(theo Vietnam+)

Hùng Võ

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây