Di tích lịch sử ‘kiểu mẫu’ Đền – Chùa Bà Tấm

Khu di tích Đền Bà Tấm hay còn gọi là Đền Nguyên Phi Ỷ Lan được xây dựng từ cuối thế kỷ 11, thuộc xã Dương Xá, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Di tích Đền – Chùa Bà Tấm được xếp hạng Di tích lịch sử và nghệ thuật cấp quốc gia năm 1996. Ngày nay, di tích lịch sử này đang được chính quyền và nhân dân huyện Gia Lâm thực hiện là Di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh ‘kiểu mẫu’.

Chốn linh thiêng cảnh sắc tươi đẹp

Đền Bà Tấm tọa lạc trong một khuôn viên thoáng đãng, rộng rãi gồm chùa, đền, điện, sơn trang và nhà thủy đình. Theo dòng lịch sử, Nguyên Phi Ỷ Lan là một trong những danh nhân có tài trị nước xuất chúng của dân tộc. Bà tên thật là Lê Thị Yến, quê ở làng Thổ Lỗi, sau đổi thành Siêu Loại, Phủ Thuận Thành, Bắc Ninh cũ, nay thuộc Dương Xá, Gia Lâm, Hà Nội.

Cũng có tài liệu ghi rằng, nguyên quán của bà ở Thị trấn Như Quỳnh, tỉnh Hưng Yên, nên nhân dân đã lập đền Ghênh để thờ bà. Vì mẹ mất sớm, từ lúc 12 tuổi, cha lấy vợ kế nên thân phận Ỷ Lan khổ như cô Tấm trong truyện cổ tích Tấm Cám. Nhân dân gọi bà là “Cô Tấm lộ Bắc”, nên đền thờ Nguyên Phi Ỷ Lan tại Gia Lâm còn được gọi là Đền Bà Tấm là vì vậy

Đền Bà Tấm là loại hình di tích lịch sử và nghệ thuật đã được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng Di tích lịch sử cấp Quốc gia năm 1996. Khám thờ sơn son thếp vàng trong Đền Bà Tấm được Thủ tướng Chính phủ ra quyết định công nhận là Bảo vật quốc gia vào ngày 15/1/2020.

Cũng như Đền Bà Tấm, Chùa Bà Tấm đã được Bộ Văn hóa – Thông tin xếp hạng di tích lịch sử và nghệ thuật năm 1996. Tượng đôi sư tử đá ở Chùa Bà Tấm được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định công nhận là Bảo vật Quốc gia cùng ngày 15/1/2020.

Phía sau Chùa Bà Tấm là điện thờ Ngọc Hoàng cùng hệ thống thần linh tam, tứ phủ, uy linh tố hảo. Hiện nay, có rất nhiều nơi lập đền thờ để tưởng nhớ công ơn to lớn của Nguyên Phi Ỷ Lan. Nhưng đền thờ Bà Tấm tại Dương Xá, huyện Gia Lâm mới là nơi thờ chính. Hằng năm, Lễ hội Đền Bà Tấm sẽ được tổ chức ba ngày, từ 19 – 21/2 âm lịch, tương truyền, đây là ngày mà bà đã đăng quang.

Nơi đây, cảnh sắc đất trời tươi đẹp, rộng lớn, quện vào không gian thanh tịnh, là điểm dừng chân lý tưởng để du khách thập phương đến chiêm bái, và vãng cảnh đầu năm.

Di tích, thắng cảnh “kiểu mẫu”

Theo ông Tô Hữu Vịnh, Trưởng Ban quản lý khu di tích Đền – Chùa Bà Tấm, đây là di tích phụng thờ Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan, một nữ danh nhân lịch sử có tài trị nước xuất chúng của dân tộc, thay vua hai lần nhiếp chính tạo yên bờ cõi, xây dựng nền cường thịnh nước Đại Việt ở thế kỷ 11, 12. Bà được tôn vinh là Quan Âm Nữ, Mẫu Nghi Thiên Hạ, Thượng Đẳng Tối Linh Thần.

Quá trình triển khai mô hình “Khu di tích lịch sử/điểm du lịch kiểu mẫu” trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại khu di tích Đền – Chùa Bà Tấm, xã Dương Xá luôn được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện Gia Lâm và Đảng ủy, UBND xã Dương Xá, sự đồng tình ủng hộ của các cấp, các ngành và nhân dân. trong đó sự góp sức của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã trong việc tuyên truyền cán bộ, hội viên thực hiện tốt Quy tắc ứng xử nơi công cộng, tham gia xây dựng khu di tích lịch sử, điểm du lịch kiểu mẫu.

Ngay sau khi nhận được Kế hoạch của thành phố Hà Nội và huyện Gia Lâm, Hội LHPN xã Dương Xá đã chủ động xây dựng kế hoạch và triển khai đến các chi hội để thực hiện. Tích cực tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh thôn, xã và đông đảo cán bộ, hội viên phụ nữ thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng tại các di tích trên địa bàn xã.

Năm 2021, 2022 Hội LHPN xã cùng 2 thôn Thuận Tiến, Dương Xá đã triển khai vẽ tranh bích họa với nhiều chủ đề khác nhau trên các bức tường bao quanh khu di tích, tạo điểm nhấn rất đẹp và sinh động. Là một trong những điểm checkin lý tưởng cho du khách đến với mảnh đất này.

Theo ông Tô Hữu Vịnh, Ban Quản lý di tích cùng với Hội LHPN xã đã triển khai một số mô hình đặt tại khu di tích như mô hình thùng rác phân loại với câu slogan nhắc nhở khách viết trên thùng rác; giỏ hoa tái chế từ các can nhựa đã qua sử dụng với thông điệp vì môi trường xanh. Cán bộ, hội viên phụ nữ cũng thường xuyên lao động dọn dẹp làm sạch khu di tích.

Phía ngoài cổng tam quan, Ban Quản lý di tích cho in và treo biển “Quy tắc ứng xử nơi công cộng” nhằm từng bước xây dựng và hình thành những chuẩn mực văn hóa của cá nhân khi đến tham quan hoặc kinh doanh tại khu di tích, điểm du lịch. Hội LHPN xã phân công 5 cán bộ, hội viên là hướng dẫn viên tại di tích, hỗ trợ phục vụ các đoàn tham quan khi có nhu cầu nghe giới thiệu thuyết minh về di tích.

Nhân dịp các ngày lễ của phụ nữ như 8/3, 20/10, các dịp lễ hội, lễ tết đều tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ; thi ảnh áo dài, các hoạt động tôn vinh tà áo dài tại khu di tích nhằm quảng bá, lan tỏa các hình ảnh đẹp tới bạn bè bốn phương. Trong dịp Lễ hội Đền – Chùa Bà Tấm năm 2023, đã tổ chức 2 đêm giao lưu văn nghệ, dân vũ, zumba, trình diễn áo dài truyền thống với sự tham gia của cán bộ, hội viên phụ nữ xã,… Qua các hoạt động, hình ảnh về di tích được nhân rộng nhiều người biết tới.

Để nâng cao hiệu quả mô hình “Khu di tích lịch sử/điểm du lịch kiểu mẫu”, Ban Quản lý di tích cho biết sẽ thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao tại di tích nhằm quảng bá hình ảnh để du khách thập phương biết tới. Lắp đặt hệ thống âm thanh đặt cố định tại một số điểm trong di tích để giới thiệu về di tích cũng như một số lưu ý nhắc nhở du khách. Tạo thêm nhiều điểm nhấn mô hình xanh tạo không gian xanh sạch, mới mẻ khi khách đặt chân đến nơi đây.

“Tôi rất mong trong thời gian tới, Khu di tích Đền – Chùa Bà Tấm nói riêng, Điểm du lịch Dương Xá nói chung nhận được nhiều hơn nữa sự quan tâm tạo điều kiện của các cấp các ngành, sự phối hợp giúp đỡ của các cơ quan, đơn vị, sự tham gia vào cuộc của toàn thể nhân dân để du lịch Dương Xá thực sự phát triển, mang lại lợi ích cho cộng đồng”, ông Tô Hữu Vịnh chia sẻ.

Bảo Thoa

 

 

 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây