Đô đốc Trương Đăng Đồ, hào kiệt thời Tây Sơn
Dòng họ Trương ở làng Mỹ Khê, H.Bình Sơn (nay thuộc xã Tịnh Khê, TP.Quảng Ngãi), tỉnh Quảng Ngãi là một trong những dòng họ lớn trong vùng, đã sản sinh nhiều người tài đức, nhiều văn thần võ tướng lừng danh.
Nhằm giúp bạn đọc hiểu thêm về dòng họ này, giới thiệu loạt bài Dòng họ Trương Mỹ Khê: Những người nổi tiếng của nhà nghiên cứu Lê Hồng Khánh, hội viên Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.
Theo gia phả họ Trương, khoảng năm Quý Hợi (1623), ông Trương Đăng Nhứt cùng người con trai là Trương Đăng Trưởng (tổ 5 đời của Trương Đăng Đồ) ứng nghĩa phù Lê, sau đó đưa gia quyến rời quê cũ, nay thuộc H.Thạch Hà, Hà Tĩnh vào định cư ở vùng đất tả ngạn sông Trà Khúc.
Đất lành đãi người tín thực, ông Trương Đăng Trưởng làm quan, được phong tước Nham Lĩnh bá; dòng họ Trương nhanh chóng hưng thịnh, gia phong nền nếp, nhiều người tài đức tham gia vào bộ máy quan lại đương thời.
Đời thứ 5 dòng họ Trương ở Quảng Ngãi có ông Trương Đăng Lượng giữ một chức quan nhỏ dưới thời Định vương Nguyễn Phúc Thuần – vị chúa cuối cùng của họ Nguyễn ở Đàng Trong. Ông sinh hạ 5 người con trai, trong đó có đến 4 người (Trương Đăng Chấn, Trương Đăng Nghĩa, Trương Đăng Phác, Trương Đăng Đồ) ra giúp triều Tây Sơn – lực lượng nổi dậy đã xóa sổ chúa Nguyễn ở Đàng Trong lẫn chúa Trịnh ở Đàng Ngoài.
Trương tộc thế phả cùng truyền ngôn trong dòng họ cho biết: Trương Đăng Đồ là con trai út của Trương Đăng Lượng và là chú ruột Trương Đăng Quế – một danh thần triều Nguyễn. Ông có dung mạo tuấn tú, ham văn chuộng võ, được thân phụ đưa ra học ở Phú Xuân và trở nên nổi tiếng trong giới theo đòi nghiên bút. Khi nhà Tây Sơn nổi lên, ông ra cộng tác, lập nhiều công trạng, thăng đến chức đô đốc, được phong tước Tú Đức hầu.
Năm Nhâm Tý 1792, hoàng đế Quang Trung băng hà, thái tử Quang Toản lên nối ngôi, lấy niên hiệu là Cảnh Thịnh. Trương Đăng Đồ phụng mệnh phò tiết chế Nguyễn Quang Thùy trấn nhậm Bắc Thành, cai quản vùng đất trọng yếu ở phương Bắc. Suốt 10 năm ròng (1792 – 1802), bất chấp những biến động triền miên ở phía nam, vùng đất Bắc hà dưới sự cai quản của tiết chế Nguyễn Quang Thùy, có sự giúp rập của Trương Đăng Đồ, vẫn luôn giữ được ổn định.
Tháng giêng năm Nhâm Tuất (1802), sau khi kinh đô Phú Xuân thất thủ, các tướng lĩnh Tây Sơn dưới trướng vua Quang Toản cố gắng tập hợp lực lượng, gượng dậy lần cuối bằng cuộc phản công tổng lực tại lũy Trấn Ninh. Thời đã qua, thế đã tàn, quân Tây Sơn chuốc lấy thất bại nặng nề trước khí thế hừng hực của đội quân Nguyễn Ánh.
Tháng 5 năm ấy, Nguyễn Ánh lên ngôi, đặt niên hiệu Gia Long, dồn lực lượng hùng hậu tiến công ra bắc, quyết tâm kết liễu nhà Tây Sơn. Nghệ An, Thanh Hoa (Thanh Hóa) rồi các trấn Bắc thành nhanh chóng rơi vào tay quân Nguyễn. Thế cùng lực kiệt, Trương Đăng Đồ hộ giá vua Quang Toản và người anh của nhà vua là tiết chế Quang Thùy vượt sông Nhĩ Hà chạy về hướng bắc. Ngày 17.6 năm Nhâm Tuất (1802), Quang Toản cùng cung quyến bị bắt. Quân Gia Long truy đuổi gắt gao các tướng lĩnh và yếu nhân còn lại của nhà Tây Sơn. Quân ít, thế cô, liệu thế không thể chống đỡ nổi, Quang Thùy, đô đốc Tú Đức hầu Trương Đăng Đồ và phu nhân là phó tướng Nguyễn Thị Dung cùng tự vẫn.
Những thời khắc cuối cùng
Câu chuyện những thời khắc cuối cùng đậm màu bi tráng trong cuộc đời vợ chồng Trương Đăng Đồ – Nguyễn Thị Dung được Trương tộc thế phả chép lại như sau:
Khi đại binh Nguyễn Ánh khí thế ngất trời tràn ra Thăng Long, Trương Đăng Đồ biết vận nhà Tây Sơn đã đến hồi cùng, bèn cho mời phu nhân đến mà rằng: “Vua nhục thì tôi chết, phần tôi phải chết theo vua, phu nhân nên cải trang lánh về nam”. Bà Nguyễn Thị Dung khẳng khái đáp lời: “Bề tôi chết vì vua, vợ không được chết vì chồng sao?”. Vậy rồi hai người cùng tuẫn tiết. Ông thì vẹn đạo quân thần, bà thì trọn nghĩa phu thê, quả là cặp anh hào – liệt nữ hiếm có trên đời. Người Bắc hà thương tấm lòng trung nghĩa của hai người, đem di thân chôn cất, hương khói tử tế. Các tài liệu trước đây chép một cách chung chung là con cháu về sau chuyển dời di cốt vợ chồng Trương Đăng Đồ – Nguyễn Thị Dung về quê, an táng ở xứ đồng Bàu Trẳng, làng Mỹ Khê Tây, xã Tịnh Khê. Tuy nhiên, những phát hiện gần đây cho thấy rất có thể chính Trương Đăng Quế (con của Trương Đăng Phác, gọi Trương Đăng Đồ bằng chú ruột) là người làm việc này, với sự đồng ý không chính thức của triều đình Tự Đức.
Trương Đăng Đồ là “trọng phạm” của nhà Nguyễn, nên dù vua Tự Đức vì nể công ơn của Trương Đăng Quế và trọng thị khí khái trung trinh tiết liệt của vợ chồng Trương Đăng Đồ mà cho cải táng di hài về cố quận, nhưng mộ phần hai người vẫn không được dựng bia, năm tháng quạnh hiu nơi đồng vắng.
Năm 2014, tộc Trương Mỹ Khê lại làm một việc rất có ý nghĩa là xây dựng mộ phần cho ông bà Trương Đăng Đồ – Nguyễn Thị Dung. Hai ngôi mộ nằm bên nhau, tuy không to lớn đồ sộ, nhưng mang dáng dấp kiến trúc chung của các ngôi mộ trong dòng tộc.
Trương tộc thế phả không cho biết Trương Đăng Đồ sinh vào năm nào, nhưng bằng vào tuổi của người anh trai thứ 3 là Trương Đăng Phác (1758 – 1801), có thể ước đoán Trương Đăng Đồ tuẫn tiết khi ông trên dưới 40 tuổi. (còn tiếp)