GÁI QUÊ
Gái quê bưng mủng
đựng tuổi thơ lấm bùn trên má
đựng nước mắt xa mẹ lấy chồng
đựng tiếng khóc con gái đầu lòng
đựng trời chiều trở giông …
Gái quê về làng
tre gai rấp ngõ
cây vườn khăn tang
mủng rơi
chục trứng vỡ, chục mặt trời vỡ nát
gái quê bấu đất cào trời :
– Mẹ ơi ! ….
Hoàng Minh Nhân
Ngày trước cũng như bây giờ, người dân quê vẫn dùng thúng, mủng trong các sinh hoạt gia đình hoặc đồng áng. Có điều, hình ảnh những cô gái quê bưng mủng, đội mủng không còn nữa. Thay vào dó là những chiếc làn, chiếc giỏ bằng nhựa tổng hợp, đủ màu.
Đọc Gái quê của Hoàng Minh Nhân, điều làm ta dễ nhận ra, đây là một cuộc đời, cuộc đời của một người phụ nữ ở nông thôn vừa chịu thương chịu khó vừa lẳng lặng giam mình trong bổn phận, rộng hơn nữa, đấy là một số phận. Mười hai câu thơ, chẵn 60 từ, không có chữ nào vui cả. Bài thơ vẽ ra niềm thương cảm, xốn xang đến gan ruột. Chiếc mủng – vật thân quen ấy của đời thường – đã trở thành một biểu tượng, giống như lòng chảo thời gian, đựng tất cả năm tháng một đời người. Thuở ấu thơ là chân lấm tay bùn. Thời con gái là nước mắt xa mẹ ngày đi lấy chồng, rồi sinh con cũng trong tiếng khóc. Năm tháng với những trời chiều trở giông, trái nắng. Bốn từ đựng đặt ở đầu câu gợi lên cái buồn thăm thẳm, vời vợi. Không hiểu sao, khi đọc những dòng thơ này, tôi lại liên tưởng đến những gì mà Thanh Tịnh viết về những người con gái của quê hương ông trong Quê mẹ. Cũng hiền lành, chân chất đấy nhưng hạnh phúc không mỉm cười với họ. Thấp thoáng đó đây cái không khí buồn buồn, ngùi ngùi. Phải chăng ngày trước, những cảnh đời như mẹ ta, chị ta là vậy ?
Gái quê xa làng, rồi gái quê về làng. Mong một thay đổi? Không. Cảnh tre gai rấp ngõ, cây vườn khăn tang còn ảm đạm hơn.
Lối về đã hết. Ước mơ tan biến, còn đâu ? Chao ôi, chiếc mủng cũ lại rơi. Chục trứng vỡ, chục mặt trời vỡ nát. Thế là, không như người nông dân trong Mười trứng, chút hy vọng cuối cùng đã tuột khỏi tầm tay. Bi kịch đến hồi kết thúc, chỉ còn biết bấu đất cào trời, gào kêu người thương yêu nhất của mình: mẹ ơi ! Cùi nhìn đất, ngẩng trông trời, thiên địa ấy không sẻ chia nổi những dằn xóc của cuộc đời gái quê.
Bài thơ buồn, gợi thương cảm, nỗi niềm người viết như hiện lên từng dòng thơ. Hai từ mẹ ơi ! ở cuối bài sao mênh mang tình đời đến thế !