Giới thiệu khái quát huyện Hồng Dân

Giới thiệu khái quát huyện Hồng Dân

Giới thiệu khái quát huyện Hồng Dân

Hồng Dân là huyện cách xa tỉnh lỵ Bạc Liêu, là huyện nằm phía Bắc Quốc lộ 1A giáp ranh giới giữa ba tỉnh Sóc Trăng, Kiên Giang và Hậu Giang, huyện được điều chỉnh địa giới hành chính để thành lập huyện Phước Long và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 15/10/2000, theo Nghị định số 51 của Chính phủ. Huyện hiện có 08 xã và 01 thị trấn; diện tích tự nhiên là 42.356 ha, có 24,482 hộ, dân số 107.964 người, gồm 03 dân tộc anh em là Kinh, Hoa và Khrme.

Trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Hồng Dân là vùng căn cứ địa cách mạng của Tỉnh ủy, trong chiến tranh huyện bị tàn phá hết sức nặng nề, hy sinh nhiều sức người, sức của, sau giải phóng kết cấu hạ tầng của huyện hầu như không có gì, đi lại chủ yếu bằng đường thủy, kinh tế – xã hội còn thấp kém, sản xuất nông nghiệp độc canh cây lúa là chủ yếu.

Bước vào thực hiện công cuộc đổi mới, nhất là từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương VII (khoá X). Huyện đã chỉ đạo đạt được kết quả khích lệ: kinh tế – xã hội có chuyển biến rõ rệt, đời sống các tầng lớp nhân dân được cải thiện và nâng lên rõ nét, diện mạo xóm ấp nông thôn ngày càng khởi sắc. Huyện tranh thủ các nguồn vốn đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, đã xây dựng 104 công trình lộ nhựa liên ấp tổng chiều dài 370 km và 303 cây cầu bê tông cốt thép phục vụ cho nhân dân đi lại dễ dàng trong 2 mùa mưa nắng, sau năm 2010 sẽ hoàn thành chương trình xây dựng các tuyến đường ôtô về Trung tâm xã, Quốc lộ Phụng Hiệp – Cà Mau và đường Hồ Chí Minh đi qua Huyện Hồng Dân sẽ góp phần xóa bỏ huyện vùng sâu và thúc đẩy nền kinh tế – xã hội phát triển nhanh trong thời kỳ hội nhập. Các chính sách xã hội đối với người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc khmer được các cấp các ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện khá tốt; giải quyết kịp thời các chính sách cho các đối tượng; được hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở và các chính sách hỗ trợ khác từ các chương trình mục tiêu. Vận động các loại quỹ gần 10 tỷ đồng, xây dựng 245 căn nhà tình nghĩa, 4.500 căn nhà tình thương; hỗ trợ xây dựng 199 căn nhà theo Quyết định 167 của Thủ tướng Chính phủ và cấp 1.013 suất học bổng cho các em thi đỗ vào các trường đại học, với tổng số tiền là 228,7 triệu đồng. Bên cạnh đó, công tác giảm nghèo, đào tạo nghề, giải quyết việc làm được cấp ủy chính quyền các cấp dồn sức thực hiện và đạt được kết quả đáng phấn khởi, đã đào tạo nghề cho 1.374 lao động, giải quyết việc làm mới hàng năm cho gần 3.500 lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 35%. Bằng nhiều biện pháp và nhiều chính sách hỗ trợ, giúp đỡ hộ nghèo vượt khó vươn lên, tỷ lệ hộ nghèo tiếp tục giảm từ 23,36% năm 2000 xuống còn 7% năm 2010. Hệ thống trường học được đầu tư xây dựng theo hướng kiên cố hóa; 10/38 trường học đạt chuẩn Quốc gia; các Trạm y tế đều có Bác sĩ về phục vụ, có 6/9 trạm y tế xã đạt chuẩn Quốc gia; đầu tư xây dựng hoàn thành Bệnh viện đa khoa 100 giường đưa vào sử dụng; mạng lưới bưu chính viễn thông được mở rộng, bình quân 4,9 hộ dân/máy điện thoại; tỷ lệ hộ dùng điện đạt 80%; phong trào văn hóa văn nghệ thể dục thể thao và xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở được phát triển, nâng lên; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định. Quy chế dân chủ ở cơ sở ngày càng được phát huy. Đặc biệt, phát huy thế mạnh và thành tựu đã đạt được trong 10 năm qua, trong năm 2010 và những năm sắp tới huyện sẽ tập trung mọi nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, chỉnh tranh đô thị trung tâm huyện, xã; đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế; trọng tâm là phát triển nông thôn toàn diện, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi gắn với phát triển thương mại, dịch vụ; duy trì tốc tăng trưởng kinh tế theo hướng hiệu quả và bền vững.

Những thành tựu trong công cuộc đổi mới mà đặt biệt sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính là cơ sở tiền đề quan trọng để huyện tiếp tục chỉ đạo xây dựng hoàn thành chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 – 2020 góp phần cùng cả nước thực hiện công cuộc công nghiệp hóa – hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây