Giới thiệu khái quát huyện Châu Thành

Giới thiệu khái quát huyện Châu Thành

Giới thiệu khái quát huyện Châu Thành

1. Vị trí địa lý và mối quan hệ vùng 
Huyện Châu Thành có tổng diện tích tự nhiên 15.534 ha, dân số 98.358 người  cách TP. Tân An 12 km, có ranh giới như  sau :
+ Phía Tây giáp với Thành phố Tân An.
+ Phía Bắc giáp với huyện Tân Trụ (ranh giới với sông Vàm Cỏ Tây)
+ Phía  Đông giáp huyện Cần Đước (ranh giới với sông Vàm Cỏ)
+ Phía Nam giáp với tỉnh Tiền Giang
Toàn huyện được chia thành 13  đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm thị trấn Tầm Vu và các xã Bình Qưới, Hòa Phú, Vĩnh Công, Hiệp Thạnh, Dương Xuân Hội, Long Trì, Phú Ngãi Trị, Phước Tân Hưng, Thanh Phú Long, An Lục Long Thuận Mỹ, Thanh Vĩnh Đông. 
Trung tâm huyện đặt tại thị trấn Tầm Vu, là nơi tập trung các cơ quan Đảng, đoàn thể, trụ sở hành chính quản lý nhà nước, các cơ sở giáo dục, y tế, văn hóa cấp huyện và là trung tâm kinh tế đô thị của huyện. 
Về đường bộ, trên địa bàn huyện Châu Thành  có các tuyến giao thông chính yếu kết nối cấp vùng sau:
*Giao thông đối ngoại 
– ĐT 827: Chiều dài 24,4 km : Đây là trục giao thông chính của huyện, từ thành phố Tân An đi qua xã Hòa Phú, Vĩnh Công, Hiệp Thạnh, Thị trấn Tầm Vu, An Lục Long, Thanh Phú Long, Thuận Mỹ, Thanh Vĩnh Đông,  kết nối trung tâm huyện với Thành phố Tân An và huyện Gò Công Tây (Tỉnh Tiền Giang).
– ĐT 827 B : Chiều dài 16,26 km. Đây là trục giao thông phụ của huyện đi qua địa bàn các xã Bình Qưới, Phú Ngãi Trị, Phước Tân Hưng, Thanh Phú Long, kết nối Thành phố Tân An với ĐT 827 (xã Thanh Phú Long).
– ĐT 827 C: Chiều dài 4 km. Nối từ ĐT 827 đến huyện Chợ Gạo  (ĐT 879C-Tiền Giang) qua Thị trấn Tầm Vu, xã Dương Xuân Hội và  Long Trì.
-ĐT 827 D: Chiều dài 2 km. Nối từ ĐT 827 B  đến huyện Tân Trụ (Long An) đi qua địa bàn xã Phú Ngãi Trị.
-ĐT 827 E (HL2) : Chiều dài 0,8  km. Nối từ ĐT 827 đến huyện Chợ Gạo  (ĐT 879B -Tiền Giang) qua địa bàn xã Hiệp Thạnh.
Về đường thủy 
 Châu Thành có mạng lưới  kênh rạch khá thuận lợi cho việc khai thác giao thông  liên vùng. Sông Vàm Cỏ Tây, sông Tra là hai  tuyến đường thủy  quan trọng, có thể cho tàu bè có trọng tải 1.000 tấn đi lại vận chuyển hàng hóa  từ huyện đi các địa phương khác và ngược lại.
Về vị trí kinh tế
Huyện có vị trí tiếp giáp với Thành phố Tân An, tiếp giáp với huyện Cần Đước, Tân Trụ và Tỉnh Tiền Giang , 
Theo phân vùng kinh tế, Châu Thành là một trong bảy huyện phía Nam của tỉnh Long An (gồm Tp. Tân An, Châu Thành, Tân Trụ, Bến Lức, Thủ Thừa, Cần Đước, Cần Giuộc). Theo phân vùng của Tỉnh thì Châu Thành cùng với Tân Trụ thuộc vùng hạ của Tỉnh. Đây là vùng đông dân, gần các khu đô thị lớn như Tân An, thành phố Hồ Chí Minh. Châu Thành nằm giáp sông Vàm Cỏ, đất đai chủ yếu là đất phù sa đã được khai thác từ lâu đời, là vùng sản xuất nông nghiệp truyền thống, có tiềm năng  kết hợp với dịch vụ, du lịch sinh thái.
Diện tích sản xuất Nông nghiệp 10.725 ha, trong đó diện tích trồng thanh long trên 5.000 ha, diện tích trồng lúa trên 4.000 ha, diện tích trồng hoa màu khoảng 450 ha còn lại là diện tích nuôi trồng thủy sản.
Ngoài cây thanh long ra huyện còn phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm đây cũng là kinh tế chủ lực của huyện. Giá trị ngành chăn nuôi chiếm từ 35% – 40% giá trị ngành sản xuất nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp hàng năm từ 10% – 12%.
Về sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp – dịch vụ: toàn huyện có trên 90 doanh nghiệp mức tăng trưởng hằng năm từ 12% – 15% chiếm từ 25% – 28% tổng giá trị sản phẩm. 
Hiện nay toàn huyện có 5 hợp tác xã, trong đó có 4 hợp tác xã sản xuất nông nghiệp và 1 hợp tác xã vận tải.
Đã góp phần tăng trưởng kinh tế chung của huyện.
1.2 Địa hình 
Địa hình huyện Châu Thành tương đối bằng phẳng, độ cao trung bình từ 0,8 – 1,2m; dốc thoải nhẹ theo hướng Tây Bắc – Đông Nam, cao ở phía Hoà Phú, Vĩnh Công từ 1,0 – 1,4m  ( tuy nhiên vẫn có những nơi trũng cục bộ như ven hai rạch Kỳ Sơn và Tầm Vu). Thấp nhất là vùng thuộc các xã Thuận Mỹ và xã Thanh Vĩnh Đông, có độ cao trung bình từ 0,5 – 0,8m.
Với đặc điểm địa hình của huyện Châu Thành: cao ở phía đầu nguồn nước ngọt, thấp ở cuối nguồn. Đây là điều kiện thuận lợi cho công tác thuỷ lợi dẫn nước ngọt vào phía đồng ruộng. Song có điểm bất lợi là vùng có địa hình thấp lại gần sông, cuối nguồn nước ngọt nên bị hạn hán, ngập úng nhiễm mặn, nhiễm phèn, … thường xuyên xảy ra ở các xã Thanh Phú Long, Thanh Vĩnh Đông, Thuận Mỹ và một phần xã Phú Ngãi Trị (ven các rạch Tầm Vu và Kỳ Sơn).
1.3. Khí hậu
Châu Thành nằm  trong chế độ nhiệt đới gió mùa nên chịu ảnh hưởng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, có hai mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. 
Một số chỉ tiêu khí hậu:
 – Nhiệt độ trung bình tháng: Nền nhiệt độ cao, tổng nhiệt độ lớn, không có sự phân hoá mùa đáng kể về nhiệt độ.
Theo con số thống kê nhiệt độ trung bình qua các năm của huyện là 26,30C (số liệu ở trạm Tân An), nhiệt độ thay đổi theo các tháng không đáng kể cao nhất là tháng 5 27,9 0C, thấp nhất là tháng 1 24,6 0C
– Lượng mưa: 
Chế độ mưa ở Châu Thành phụ thuộc vào chế độ gió mùa, chế độ gió mùa đã đem lại cho các vùng thuộc đồng bằng sông Cửu Long nói chung và huyện Châu Thành nói riêng hàng năm một mùa mưa và một mùa khô, mùa khô dường như trùng với gió mùa Đông Bắc và mùa mưa trùng với gió mùa Tây Nam.
Mùa mưa bắt  đầu từ tháng 5 và kết thúc vào tháng 11, chiếm khoảng 92 % lượng mưa cả năm.Mùa khô bắt đầu từ tháng 12 và kết thúc vào tháng 4 năm sau với tổng lượng mưa 49,3 mm, chiếm khoảng 8 % lượng mưa cả năm.
Châu Thành cũng như các vùng khác ở đồng bằng sông Cửu Long, bão xảy ra rất ít, tuy nhiên vẫn chịu ảnh hưởng của bão từ xa, mưa lớn, nước từ Đồng Tháp Mười đổ về  có thể gây ngập úng có hại cho sản xuất và cơ sở hạ tầng. Mức ngập lụt ở Huyện từ  0,3 – 0,5 m.
1.4.Thủy văn 
-Hệ thống thủy văn : Trên địa bàn huyện có các hệ thống sông lớn  Vàm Cỏ Tây, Sông Tra và hệ thống kênh rạch nối với 2 hệ thống sông thành hệ thống thủy văn liên hoàn phân bố đều khắp huyện.
– Ngập lũ: Khác với các huyện ở phía Bắc tỉnh Long An (nằm trong vùng Đồng Tháp Mười, hàng năm chịu ảnh hưởng lớn của lũ), Châu Thành cũng như các huyện phía Nam dường như ít chịu ảnh hưởng của lũ, chỉ có các tháng mưa tập trung (tháng 10,11), và gặp thời điểm triều cường thì lũ lụt mới xảy ra. Tuy nhiên với thời gian ngắn và mức độ ảnh hưởng không lớn, phạm vi ảnh hưởng cũng chỉ tập trung ở các xã ven sông như Thanh Phú Long,Thuận Mỹ,Thanh Vĩnh Đông. 

TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA

Dân tộc sống trên địa bàn của Huyện đa số là người Kinh (chiếm 99,88%), người Hoa chiếm 0,108% còn lại là người Khơ Me và dân tộc khác. 
– Các loại tài nguyên nhân văn khác như di tích lịch sử, văn hóa lễ hội, ngành nghề thủ công truyền thống, văn hóa dân gian như hò cấy, hò chèo ghe, hò xay lúa, làn điệu dân gia như câu vè, câu lý …..

Cũng như văn hóa dân gian các tỉnh miền Nam nói chung, văn hóa dân gian huyện Châu Thành là sản phẩm tinh thần của hai dòng văn hóa người bản địa (Khơ-me, Malai) và văn hóa của người đi khai hoang mở đất từ các tỉnh miền Bắc, miền Trung vào Nam. Bước phát triển của truyền thống văn hóa huyện Châu Thành gắn liền với cuộc định cư, khai phá của những lớp lưu dân trong các thế kỷ qua trên lưu vực giữa hai con sông Vàm Cỏ Tây và sông Tiền. Tuy nhiên điểm xuất phát ban đầu của văn hóa huyện Châu Thành từ cội nguồn rất phong phú và đa dạng của nền văn hóa dân tộc giàu sức sống, bởi vì những tập thể người đi khai hoang vùng đất phương Nam và những lớp người kế tiếp không phải chỉ mang theo trên bước đường di chuyển của mình, những phương tiện sinh hoạt tối thiểu, những công cụ sản xuất, những giống lúa để gieo trồng, mà trong hành trang còn có cả vốn liếng tinh thần được hun đúc nên từ bao thế hện ở miền đất cũ. Đó là những phong tục tập quán, đạo đức truyền thống, nếp sống văn hóa, tình yêu đất nước, yêu đồng bào, những kinh nghiệm đấu tranh với thiên nhiên, nét văn hóa trong sinh hoạt cộng đồng và giặc ngoại xâm.

DI TÍCH – DANH THẮNG – DANH NHÂN

Lễ hội làm chay – trấn Tầm Vu

“Dù ai buôn bán bộn bề

Làm Chay mười sáu nhớ về Tầm Vu”

Hàng năm, vào ngày 15, 16 tháng Giêng người dân thị trấn Tầm Vu và các vùng lân cận háo hức với lễ hội Làm Chay mà nó đã đi vào tiềm thức của từng con người nơi đây từ tấm bé. Lễ Hội Làm Chay tồn tại hàng trăm năm với tính cộng đồng trách nhiệm trong việc tổ chức lễ hội rất cao, cứ sau tết Nguyên đán vào khoảng mùng 5 mùng 6 thì việc chuẩn bị cho lễ hội bắt đầu. Ở chùa Linh Phước các sư thầy bắt đầu làm hình tượng Ông Tiêu bằng giấy trong có khung tre, nhóm làm Ghe Đăng, nhóm làm Xe hoa, nhóm làm Cổ bánh, … Người có tiền góp tiền, người có của góp của, người có công góp công tất cả mọi người cùng góp sức để làm phần việc của mình sao cho tốt nhất.

Lễ hội Làm Chay ở Tầm Vu là một sự tổng hòa các thiết chế văn hóa tín ngưỡng như chùa Linh Phước, thánh thất Phương Quế Ngọc Đài, Chùa Ông, Âm Nhơn Miếu, Miễu Điền và đình Tân Xuân tạo nên không khí lễ hội lan tỏa khắp thị trấn những ngày sau tết Nguyên đán. Với người dân nơi đây, không khí tết chỉ hết thực sự khi lễ hội Làm Chay kết thúc.

Lễ hội Làm Chay ở Tầm Vu có hình thức nghi lễ như lễ Cầu an của phật giáo, cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt nhà nhà ấm no, ngoài ra còn cúng chiến sĩ trận vong, cô hồn thập loại chúng sinh, đồng bào tử nạn.

Danh nhân:

Châu Thành là quê hương của nghệ sĩ Cao Văn Lầu (Sáu Lầu), người đã sáng tác bài Dạ Cổ Hoài Lang, tiền thân của bản vọng cổ. Nghệ sĩ Cao Văn Lầu sinh năm 1892, tại làng Thuận Lễ, tổng Cửu Cư Hạ, nay là xã Thuận Mỹ, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Ông mất ngày 13/08/1976 (âm lịch) tại thị xã Bạc Liêu. Ngoài ra Châu Thành cũng là quê hương của giáo sư Trần Văn Giàu, của cụ Nguyễn Thông.

DI TÍCH LỊCH SỬ MIỄU BÀ CỐ

( Ấp Bình Trị , xã Phú Ngãi Trị )

Miễu Bà Cố là một ngôi miếu nhỏ được xây dựng cách nay hơn 100 năm, tại ấp Bình Trị, xã Phú Ngãi Trị, huyện Châu Thành. Tại khu vực này, vào ngày 24-2-1954, Tiểu đoàn 309 phối hợp cùng quân dân Châu Thành đã phục kích diệt gọn 1 tiểu đoàn và 1 đại đội quân địch, lập nên một trong những chiến thắng vang dội nhất trong lịch sử  9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược trên đất Long An.

DI TÍCH LỊCH SỬ: “CÙ TRÒN”

(Ấp Tân Long – xã Thanh Phú Long – huyện Châu Thành – tỉnh Long An)

Di tích lịch sử “Cù Tròn” là di tích lịch sử ghi dấu chiến công chống xâm lược của quân đội ta thời kỳ 21 năm đánh đuổi đế quốc Mỹ và bọn tay sai. Di tích gắn liền với trận chiến đấu giữ vững vùng căn cứ địa cách mạng ở Châu Thành của Trung đội 1 thuộc đại đội 313 địa phương quân Châu Thành – đẩy lùi 6 đợt càn quét của 2 trung đoàn thuộc Sư 7 Ngụy (có sự phối hợp của chi khu Bình Phước) vào đây ngày 20/11/1964.

DI TÍCH LỊCH SỬ- VĂN HOÁ: ĐÌNH VĨNH BÌNH.

( Ấp 3 xã Vĩnh Công-huyện Châu Thành-tỉnh Long An )

– Về văn hóa:

Đình Vĩnh Bình là một trong những ngôi đình cổ của Tân An xưa được xây dựng nửa đầu thế kỷ XIX. Sắc phong của vua Tự Đức cho đình Vĩnh Bình  là hiện vật có giá trị về niên đại và lịch sử- văn hóa.

Đình được xem là một “cơ quan văn hóa” của làng trong quá khứ và đến ngày nay vẫn là trung tâm văn hóa, tín ngưỡng của người dân địa phương trong các dịp lễ hội.

-Về lịch sử:

+Đình Vĩnh Bình là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng ở địa phương trong giai đoạn Cách mạng tháng 8 và kháng chiến chín năm chống Pháp.

+Năm 1945, với khí thế sôi sục của cách mạng cả nước chuẩn bị cho cuộc Cách mạng tháng Tám, khởi nghĩa giành chính quyền về tay quần chúng nhân dân, đình Vĩnh Bình được chọn làm trụ sở Thanh niên tiền phong, nơi hội họp, tập hợp lực lượng khởi nghĩa của xã Vĩnh Công năm 1945.

+Năm 1947, thực hiện chủ trương “tiêu thổ kháng chiến” đình Vĩnh Bình bị đốt đi để ngăn không cho thực dân Pháp có chổ đóng quân khi tái chiếm Nam Bộ.

Với những giá trị trên , đình Vĩnh Bình xứng đáng được bảo vệ nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, giữ gìn và phát huy các lễ hội truyền thống cho thế hệ đương thời và mai sau.

DI TÍCH LỊCH SỬ ĐÌNH HÒA ĐIỀU

(Ấp 5, xã Hòa Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Long An)

– Đình Hòa Điều là trung tâm sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân từ ngàn xưa với lễ hội hàng năm nhằm củng cố tinh thần gắn kết cộng đồng, phục vụ đời sống tinh thần của nhân dân.

– Sắc thần vua ban cho đình Hòa Điều (phục chế) đã minh chứng quá trình khai phá nơi đây từ khá sớm trên vùng đát Châu Thành xưa.

– Ngoài yếu tố tín ngưỡng, Đình còn là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử quan trọng trong hai thời kỳ kháng chiến. Trong thời kỳ 9 năm chống Pháp, đình là địa điểm hoạt động của Thanh niên Tiền phong, mở lớp Bình dân học vụ, hoạt động văn hóa – văn nghệ. Đình còn là nơi chôn giấu tài liệu hiện vật cách mạng, địa điểm xây dựng hầm bí mật và đặt trạm gác, bảo vệ các đồng chí lãnh đạo, cán bộ, đảng viên. Trong kháng chiến chống Mỹ, đình nằm trong vùng căn cứ cách mạng, nơi tổ chức, xuất phát các trận đánh của lực lượng vũ trang, bán vũ trang.

– Do vị trí, địa hình thuận lơi, đặc biệt là sự bảo vệ, nuôi dưỡng lực lượng cách mạng của nhân dân nơi đây, đình Hòa Điều đi vào lịch sử với nhiều sự kiện nổi bật, là chiếc nôi của phong trào cách mạng, xứng đáng được ghi nhận là địa danh lịch sử của tỉnh  nhà.

DI TÍCH LỊCH SỬ- VĂN HÓA ĐÌNH TÂN XUÂN

(Thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An)

Đình Tân Xuân là một ngôi đình cổ của làng Tân Xuân, được xây dựng từ đầu thề kỷ XIX.

Hiện nay, di tích tọa lạc tại khu phố 1, thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An.

Đình Tân Xuân là một trong những ngôi đình cổ của tỉnh Long An, có niên đại đầu thế kỷ XIX, đã qua nhiều lần sửa chữa nhưng đình vẫn giữ được vẻ cổ kính tôn nghiêm. Các hiện vật trong đình như: sắc phong của Vua Tự Đức năm 1852, đại hồng chung cổ niên đại 1834, là những hiện vật có giá trị về niên đại, lịch sử và văn hóa. Nó thể hiện sự quản lý của nhà nước phong kiến đối với các “thiết chế văn hóa” của làng xã trên vùng đất mới khai phá.

 Qua tấm gương hy sinh oanh liệt của nhà yêu nước Đỗ Tường Tự, di tích đã gợi cho ta nhớ lại tấm gương hy sinh anh dũng của các nhà hoạt động yêu nước thà chịu chết chứ không tham vinh hoa phú quý, phản bội quê hương, đất nước.

Mặt khác, di tích đã chứng minh tuy các cuộc khởi nghĩa cuối thế kỷ XIX đều thất bại nhưng đó là bằng chứng hùng hồn cho lòng yêu nước của mọi tầng lớp nhân dân, tô điểm cho trang sử chống ngoại xâm của dân tộc ta.

Bên Cạnh đó, Lễ hội làm chay diễn ra hàng năm ở Đình Tân Xuân là một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian phổ biến của cộng đồng, nó ra đời khá sớm, tồn tại lâu đời và in đậm màu sắc bản địa. Lễ hội phản ánh một thời kỳ lịch sử ở địa phương trong bối cảnh Nam Bộ trong phong trào võ trang kháng Pháp nửa cuối thế kỷ XIX, phản ánh tinh thần yêu nước của nhân dân trong một giai đoạn lịch sử hào hùng nhưng cũng đầy bi kịch.

Lễ hội làm chay với nguồn gốc ban đầu là lễ trai đàn cầu siêu – cầu an một lần nữa cho thấy đây là hoạt động tín ngưỡng chủ yếu của nhân dân địa phương trong thời kỳ đầu khai phá đất phương Nam gian khổ và khắc nghiệt. Ở đó, khi mà y học còn vắng bóng, để đối phó với tai ương, dịch bệnh và các thế lực vô hình, người ta phải xích lại gần nhau trong một khối cộng đồng cư dân có chung không gian nghi lễ. Lễ hội với sự tổng hòa các yếu tố tôn giáo (Phật giáo, Cao Đài), dân tộc (Việt – Hoa), tín ngưỡng dân gian (Thần Thành hoàng làng và các đối tượng phối tự khác trong đình miếu) và anh hùng liệt sĩ, cho thấy có sự dung hợp văn hóa rất rõ nét.

Lễ hội làm chay với nguồn gốc là lễ trai đàn, với niềm tin sâu xa là cầu siêu cho người chết, cho anh linh liệt sĩ và cầu an cho cuộc sống ngày hôm nay là một tâm thức mang tính nhân văn, đầy tính thiện của con người. Các nghi thức cúng thí thực, cầu an, cầu siêu với nhiều biểu hiện bên ngoài có vẻ “mê tín dị đoan”, hủ tục, tầm thường, nhưng nếu hiểu đó là tâm thức của một cộng đồng cư dân bắt đầu từ sự lưu lạc, gian khổ để khẩn hoang, đối mặt với rừng thiêng, nước độc, dịch bệnh tai ương, chiến tranh nghèo đói … thì mới thực sự hiểu và đồng cảm với cộng đồng cư dân nơi đây.

DI TÍCH KIẾN TRÚC NGHỆ THUẬT CỤM NHÀ CỔ THANH PHÚ LONG

Những ngôi nhà cổ tại Thanh Phú Long có niên đại gần 100 năm có giá trị rất lớn về kiến trúc và điêu khắc gỗ.

Về kiến trúc đây là kiểu nhà rội với bố cục dạng hình chữ Khẩu. Loại hình kiến trúc này khá phổ biến của tầng lớp thượng lưu Nam Bộ vào cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Những ngôi nhà cổ ở Thanh Phú Long là sự kết hợp giữa lối kiến trúc truyền thống Việt Nam pha lẫn nét kiến trúc của Pháp, sự kết hợp hài hòa đã tạo cho di tích giữ được bản sắc văn hóa dân tộc đồng thời tích lũy những giá trị kiến trúc hiện đại của phương Tây.

Điêu khắc trong kiến trúc của di tích thể hiện trình độ điêu luyện của nghệ nhân từ bố cục, đề tài, xử lý kỹ thuật cũng như phong cách trình bày đa dạng và sinh động.

Về  nghệ thuật trang trí khá phong phú và đa dạng trong cách thể hiện. Ngoài các đề tài truyền thống, cảnh vật thiên nhiên Nam Bộ được các nghệ nhân đưa vào tác phẩm một cách hài hòa, sáng tạo.

Về kỹ thuật chạm khắc gỗ trên các công trình kiến trúc, đã thể hiện bề dạy kinh nghiệm, tài năng của các nghệ nhân; sự phối hợp đa dạng, nhuần nhị các kỹ thuật với thủ pháp điêu luyện, chắc tay.

Những công trình kiến trúc gỗ, những tác phẩm nghệ thuật của Cụm Nhà cổ Thanh Phú Long cho thấy một trình độ bậc thầy của những người thợ mộc miền Trung, của những thợ chạm gỗ Nam Bộ trong xử lý kết cấu kiến trúc, xử lý kỹ thuật, bố cục đề tài, trang trí đa dạng, hấp dẫn.

Với những giá trị nêu trên, di tích xứng đáng được bảo vệ, phục hồi, tôn tạo phục vụ tham quan du lịch, đồng thời đây còn là nguồn tư liệu quí hiếm phục vụ cho công tác nghiên cứu về kiến trúc, điêu khắc, mỹ thuật… truyền thống Việt Nam.

DI TÍCH KHU LƯU NIỆM NGUYỄN THÔNG

”Khu lưu niệm Nguyễn Thông” thuộc ấp Bình Trị II -xã Phú Ngãi Trị – huyện Châu Thành, là nơi lưu niệm danh nhân Nguyễn Thông: một trí thức yêu nước, nhà hoạt động văn hóa lớn của Nam kỳ lục tỉnh nửa cuối thế kỷ XIX

Nguyễn Thông (1827 – 1884)

Huấn đạo Phú Phong tỉnh An Giang. Nguyễn Thông tên thật là Nguyễn Thới Thông, tên chữ là Hy Phần, hiệu là Kỳ Xuyên, biệt hiệu Độn Am, sinh năm 1827 trong một gia đình nhà nho nghèo ở thôn Bình Thanh – tổng Thạnh Hội Hạ – huyện Tân Thạnh – phủ Tân An – Gia Định (nay là xã Phú Ngãi Trị – huyện Châu Thành- tỉnh Long An). Ông thi hương đổ cử nhân năm 22 tuổi, khi thi hội bài vấy mực nên bị đánh hỏng. Ông bắt đầu cuộc đời quan trường năm 1851 với chức

Suốt 35 năm làm quan với nhiều chức vụ như đốc học Vĩnh Long, Bố chánh Quảng Ngãi, Aùn sát Khánh Hòa, Doanh điền sứ Bình Thuận, Tư Nghiệp Quốc Tử Giám, hoạt động trên nhiều lĩnh vực thủy lợi, kinh tế, sử học, văn học, văn hóa, giáo dục.Nguyễn Thông tỏ ra là một nhà lãnh đạo có tài, luôn đấu tranh và đem lại quyền lợi cho nhân dân, một trí thức lớn, một nhà thơ yêu nước thương dân.

Năm 2001 ” Khu lưu niệm Nguyễn Thông ” được Bộ văn Hóa – Thông tin công nhận là di tích Quốc gia (Quyết định số 04/2001/QĐ-BVHTT ngày 19-01-2001).

DI TÍCH LỊCH SỬ KHU LƯU NIỆM GIÁO SƯ TRẦN VĂN GIÀU

Di tích lịch sử Khu lưu niệm Giáo sư Trần Văn Giàu tọa lạc tại ấp Hồi Xuân, xã Dương Xuân Hội, huyện Châu Thành, tỉnh Long An. Đây là nơi lưu niệm nhà cách mạng, nhà giáo ưu tú, nhà nghiên cứu khoa học lỗi lạc Trần Văn Giàu – người cống hiến cả cuộc đời cho đất nước đến hơi thở cuối cùng.

Trần Văn Giàu sinh ngày 11/9/1911 (Theo công văn số 167-CV/TU ngày 12/8/2011 của Thành ủy TP.HCM, giáo sư sinh ngày 11/9/1911, ngày sinh của giáo sư Trần Văn Giàu trong sơ yếu lý lịch đảng viên (khai ngày 21/11/1974) và phiếu kê (ngày 21/11/1997) để tặng huy hiệu 60 năm tuổi Đảng là ngày 11/9/1911.) trong một gia đình trung lưu ở xã An Lục Long, huyện Châu Thành, tỉnh Tân An (nay là tỉnh Long An). Thuở nhỏ ông học ở Tân An, Sài Gòn rồi du học tại Đại học Toulouse (Pháp). Ông gia nhập Đảng Cộng Sản Đông Dương, du học Đại học Đông Phương ở Matxcơva(Liên Xô), bị thực dân Pháp bắt giam qua các nhà lao Khám lớn Sài Gòn, Côn Đảo, Tà Lài. Năm 1943, ông được bầu làm Bí thư xứ Ủy Nam Kỳ. Năm 1945, ông lãnh đạo cuộc tổng nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn và các tỉnh Nam Bộ. Năm 1949, ông giữ chức Tổng giám đốc Nha Thông tin…Cùng những cống hiến lớn lao cho nền giáo dục nước nhà trên lĩnh vực triết học, sử học và văn học, Trần Văn Giàu được phong hàm Giáo sư trong lớp Giáo sư đầu tiên của nước nhà. Ông mất ngày 16 tháng 12 năm 2010 nhằm ngày 11 tháng 11 năm Canh Dần, hưởng thọ 100 tuổi.

Với tổng diện tích khoanh vùng bảo vệ 7814m2, Khu lưu niệm còn lưu giữ được hai công trình gắn liền với giáo sư Trần Văn Giàu, đó là nhà thờ họ Trần và khu mộ của Giáo sư cùng gia đình.

LỊCH SỬ

Dưới thời chúa Sải Nguyễn Phúc Nguyên (1613-1635) khi nhà Nguyễn kéo vào lập đồn binh ở Sài Gòn (tức Sài Gòn – thành phố Hồ CHí Minh ngày nay), năm 1923 huyện Châu Thành ngày nay thuộc phủ Gia Định còn rất hoang vu, Khi Nguyễn Hữu Cảnh lập Gia Định phủ và đưa dân từ các phủ Ngũ Quảng (Quảng Bình, Quảng Trị, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Tín) vào Nam khai hoang, người Việt đi khai hoang lập ấp ở đan xen với các tộc người địa phương thuộc ngữ hệ Khơ-me và Mã-lai. Từ năm 1699 trở đi huyện Châu Thành chính thức thuộc Vũng Gù ( thành phố Tân An ngày nay) nằm trong huyện Tân Bình, dinh Phiên Trấn, phủ Gia Định.

Năm 1705, Nguyễn Cửu Vân lập đồn điền ở Vũng Gù vào đào kênh thông từ Vàm Cỏ Tây sang Mỹ Tho (gọi là sông Bảo Định ngày nay). Năm 1802, Gia Long đổi phủ Gia Định thành trấn Gia Định, huyện Châu Thành ngày nay thuộc Vũng Gù, huyện Tân Bình, trấn Phiên An, phủ Bình Thuận; đến năm Minh Mạng thứ 13 (1832), huyện Châu Thành thuộc phủ Tân An, phủ lỵ đóng tại chợ Cai Tài, huyện lỵ Tân Thạnh đóng tại thôn Kỳ Sơn, làng Kỳ Xuyên (nay thuộc xã Bình Quới). Năm 1868, phủ lỵ dời về Vũng Gù ( thành phố Tân An ngày nay) và huyện Châu Thành trở thành huyện Tân Thạnh với 2 tổng: Tổng Thanh Mục Thượng và Tổng Thạnh Hội Hạ.

Theo Nghị định ngày 29/11/1923 (do ông Lacognaco-người Pháp ký) đã thành lập một số làng ở huyện Châu Thành gồm:

+ Làng Hòa Điều, làng Đa Phú (xã Hòa Phú ngày nay).

+ Làng Bình Công Tây, làng Vĩnh Bình (xã Vĩnh Công ngày nay).

+ Làng Bình Hạp, làng Gia Thạnh (xã Hiệp Thạnh ngày nay).

+ Làng Dương Xuân, xóm Gia Hội (thôn Hội Hưng), (xã Dương Xuân Hội ngày nay).

+ Làng Tân Lục, làng An Tập, làng Tân Long (xã An Lục Long ngày nay).

+ Làng Thuận Lễ, làng Chí Mỹ (xã Thuận Mỹ ngày nay).

+ Làng Vĩnh Thới, làng Xuân Đông (xã Thanh Vĩnh Đông ngày nay).

+ Làng Bình Phước, làng Tân Bình, xóm Đồng Hưng (xã Phước Tân Hưng ngày nay).

+ Làng Ngãi Phú, làng Bình Trị (xã Phú Ngãi Trị ngày nay).

+ Làng Kỳ Xuyên, làng Bình Quới (xã Bình Quới ngày nay).

+ Làng Long Trì (xã Long Trì ngày nay).

Đến năm 1946, huyện chính thức có tên gọi là huyện Châu Thành. Đến năm 1956, ngụy quyền Sài Gòn sáp nhập 2 tỉnh Tân An và Chợ Lớn thành tỉnh Long An, sau đó đổi tên huyện Châu Thành thành quận Bình Phước, nhưng thời ấy Mặt trận dân tộc giải phóng Miền Nam vẫn giữ nguyên tên gọi huyện Châu Thành, lúc đó huyện có 16 xã gồm: Thanh Vĩnh Đông, Thuận Mỹ, Thanh Phú Long, An Lục Long, Dương Xuân Hội, Long Trì, Hiệp Thạnh, Vĩnh Công, Hòa Phú, Bình Quới, Bình Tâm, An Vĩnh Ngãi, Lợi Bình Nhơn, Phước Tân Hưng, Phú Ngãi Trị, Khánh Hậu.

Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam 1975, tỉnh quyết định tách 2 xã Lợi Bình Nhơn và Khánh Hậu về huyện Thủ Thừa.

Để tạo điều kiện quản lý hành chính và quản lý kinh tế được thuận lợi nên đảng và Nhà nước ta quyết định hợp nhất 2 tỉnh Kiến Tường và Long An thành tình Long An.

Đến năm 1977, huyện Tân Trụ và huyện Châu Thành được hợp nhất thành huyện Tân Châu. Năm 1978 đổi tên huyện Tân Châu thành huyện Vàm Cỏ (có vị trí hành chính đóng tại huyện Tân Trụ ngày nay). Vào năm 1982 do mở rộng phát triển đô thị, cụ thể là mở rộng thị xã Tân An (nay là thành phố Tân An) nên tỉnh quyết định tách 2 xã của huyện Châu Thành về thành phố Tân An là An Vĩnh Ngãi và Bình Tâm. Đến năm 1989 huyện Vàm Cỏ được tách trở lại thành hai huyện: Tân Trụ và Châu Thành.

Do yêu cầu phát triển mở rộng kinh tế và văn hóa của huyện, nhất là việc phát triển đô thị hiện tại và tương lai, vào năm 1992, UBND tỉnh Long An quyết định thành lập thị trấn Tầm Vụ (trước đây thuộc một phần xã Dương Xuân Hội và một phần xã Hiệp Thạnh).

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây