Giới thiệu khái quát huyện Châu Thành A
Huyện Châu Thành A ở phía Bắc của tỉnh Hậu Giang; Bắc giáp thành phố Cần Thơ; Nam giáp huyện Phụng Hiệp; Tây giáp thành phố Cần Thơ, tỉnh Kiên Giang và huyện Vị Thủy cùng tỉnh; Đông giáp huyện Châu Thành. Về hành chính, huyện bao gồm 4 thị trấn là: Một Ngàn, Rạch Gòi, Cái Tắc, Bảy Ngàn và 6 xã là: Trường Long Tây, Tân Phú Thạnh, Thạnh Xuân, Nhơn Nghĩa A, Trường Long A, Tân Hoà.
Nằm giáp thành phố Cần Thơ cùng 2 tuyến Quốc lộ 1A và 61, có kênh xáng Xà No đi qua và đang hình thành hai tuyến lộ là đường nối Vị Thanh với Thành phố Cần Thơ và đường Bốn Tổng – Một Ngàn. Châu Thành A được coi là cửa ngõ của tỉnh Hậu Giang, nơi hội tụ nhiều lợi thế để phát triển thương mại – dịch vụ – công nghiệp và kinh tế – xã hội (đã hình thành khu công nghiệp tập trung Tân Phú Thạnh và đang khởi động cụm công nghiệp Nhơn Nghĩa A) . Sau khi được thành lập, Châu Thành A đã có sự chuyển biến mạnh trên nhiều lĩnh vực, trở thành địa phương năng động, biết bứt phá trong vận hội mới.
LỊCH SỬ
Trước năm 2000, địa bàn huyện Châu Thành A thuộc huyện Châu Thành cùng tỉnh. Ngày 06-11-2000, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 64/2000/NĐ-CP, về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Châu Thành để tái lập huyện Châu Thành A, tỉnh Cần Thơ. Theo đó, tái lập huyện Châu Thành A trên cơ sở 22.139 ha diện tích tự nhiên và 163.357 nhân khẩu của huyện Châu Thành. Huyện Châu Thành A gồm 8 đơn vị hành chính trực thuộc là các xã: Tân Thuận, Thạnh Xuân, Tân Hoà, Trường Long, Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, Trường Long Tây và Tân Phú Thạnh.
Ngày 10-07-2001, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 37/2001/NĐ-CP, về việc thành lập xã, thị trấn thuộc các huyện Châu Thành và Châu Thành A, tỉnh Cần Thơ. Theo đó, thành lập xã Nhơn Nghĩa A thuộc huyện Châu Thành A trên cơ sở 1.840 ha diện tích tự nhiên và 11.999 nhân khẩu của xã Nhơn Nghĩa, thành lập xã Trường Long A thuộc huyện Châu Thành A trên cơ sở 2.771 ha diện tích tự nhiên và 10.619 nhân khẩu của xã Trường Long Tây.
Ngày 12-05-2003, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 48/2003/NĐ-CP, về việc thành lập xã, phường, thị trấn thuộc các huyện Châu Thành A, Ô Môn, Phụng Hiệp và thị xã Vị Thanh, tỉnh Cần Thơ. Theo đó, thành lập thị trấn Một Ngàn – thị trấn huyện lỵ huyện Châu Thành A trên cơ sở điều chỉnh 433 ha diện tích tự nhiên và 4.124 nhân khẩu của xã Tân Thuận, 297 ha diện tích tự nhiên và 2.632 nhân khẩu của xã Nhơn Nghĩa A.
Ngày 26-11-2003, Quốc Hội Việt Nam thông qua Nghị quyết số 22/2003/QH11, về việc chia và điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh. Theo đó, chia tỉnh Cần Thơ thành thành phố Cần Thơ trực thuộc trung ương và tỉnh Hậu Giang. Huyện Châu Thành A thuộc tỉnh Hậu Giang.
Ngày 02-01-2004, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 06/2004/NĐ-CP, về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số xã thuộc huyện Châu Thành và Châu Thành A trực thuộc tỉnh Hậu Giang. Theo đó, tách 531,52 ha diện tích tự nhiên và 6.339 nhân khẩu của xã Tân Phú Thạnh của huyện Châu Thành A kết hợp với các địa phương khác để thành lập quận Cái Răng thuộc thành phố Cần Thơ; tách các xã Nhơn Ái, Nhơn Nghĩa, Trường Long của huyện Châu Thành A kết hợp với các địa phương khác để thành lập huyện Phong Điền của thành phố Cần Thơ. Huyện Châu Thành A sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, có 15.319,45 ha diện tích tự nhiên và 98.805 nhân khẩu; gồm 8 đơn vị hành chính trực thuộc là: thị trấn Một Ngàn, các xã Trường Long Tây, Nhơn Nghĩa A, Trường Long A, Thạnh Xuân, Tân Thuận, Tân Hoà và Tân Phú Thạnh.
Ngày 08-03-2007, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị định số 34/2007/NĐ-CP, về việc điều chỉnh địa giới hành chính các xã Thạnh Xuân, Tân Phú Thạnh để thành lập thị trấn Rạch Gòi, thị trấn Cái Tắc thuộc huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Theo đó, thành lập thị trấn Rạch Gòi trên cơ sở điều chỉnh 977,84 ha diện tích tự nhiên và 10.073 nhân khẩu của xã Thạnh Xuân, thành lập thị trấn Cái Tắc trên cơ sở điều chỉnh 1.050,15 ha diện tích tự nhiên và 11.140 nhân khẩu của xã Tân Phú Thạnh. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính, huyện Châu Thành A có 10 đơn vị hành chính trực thuộc, gồm các xã: Thạnh Xuân, Tân Phú Thạnh, Tân Thuận, Tân Hoà, Trường Long Tây, Trường Long A, Nhơn Nghĩa A và các thị trấn: Một Ngàn, Rạch Gòi, Cái Tắc.
Ngày 24-08-2009, Chính phủ Việt Nam ban hành Nghị quyết số 37/NQ-CP, thành lập thị trấn Bảy Ngàn thuộc huyện Châu Thành A trên cơ sở điều chỉnh 1.302,64 ha diện tích tự nhiên và 11.990 nhân khẩu của xã Tân Hoà. Điều chỉnh 441,18 ha diện tích tự nhiên và 3.274 nhân khẩu còn lại của xã Tân Hoà vào xã Tân Thuận quản lý và được lấy tên là xã Tân Hoà. Sau khi điều chỉnh địa giới hành chánh, huyện Châu Thành A có 15.662,18 ha diện tích tự nhiên và 107.713 nhân khẩu, có 10 đơn vị hành chính trực thuộc, bao gồm các xã: Trường Long Tây, Tân Phú Thạnh, Thạnh Xuân, Nhơn Nghĩa A, Trường Long A, Tân Hoà và các thị trấn: Cái Tắc, Rạch Gòi, Một Ngàn, Bảy Ngàn.
KINH TẾ
Trước đây, người dân huyện Châu Thành A chỉ quen độc canh cây lúa, mỗi năm 3 vụ. Mấy năm gần đây, ngành nông nghiệp huyện đã phát triển theo hướng đa canh, xuất hiện nhiều mô hình sản xuất bền vững, có tính khoa học cao. Nếu như năm 2009, diện tích trồng màu ở Châu Thành A chỉ có 2.845 ha, thì năm 2010 đã là 3.460 ha. Người dân chủ yếu trồng các loại cây ngắn ngày như: dưa hấu, khoai lang, bắp lai, đậu xanh, dưa leo, bí… thu lãi cao hơn trồng lúa 3 – 5 lần. Chi phí trồng các loại cây màu thấp, ít rủi ro và đầu ra cũng dễ dàng. Thương lái từ Cần Thơ, Kiên Giang… tìm đến tận rẫy để mua.
Mô hình trồng rau màu, phong trào nuôi thủy sản của huyện phát triển nhanh và mang lại thu nhập đáng kể cho nhiều gia đình. Mặc dù không có lợi thế như các vùng Ô Môn, Thốt Nốt của Cần Thơ, nhưng Châu Thành A lại có diện tích mặt nước khá rộng. Huyện định hướng phát triển thủy sản theo hướng đa dạng về con giống, chủng loại, vận dụng điều kiện thực tế cụ thể để phát triển các mô hình nuôi: lươn, ba ba, rô phi, bống tượng, thát lát cườm, sặc rằn, tôm càng xanh…
Theo kế hoạch phát triển kinh tế, huyện Châu Thành A sẽ thực hiện đồng bộ chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, các ngành nghề phục vụ cho quá trình công nghiệp hóa nông nghiệp và nông thôn. Tiếp tục phối hợp với tỉnh thực hiện dự án Cụm công nghiệp tập trung Tân Phú Thạnh, quy hoạch xây dựng Trung tâm công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp của huyện tại xã Nhơn Nghĩa A. Quy hoạch, đầu tư xây dựng, nâng cấp các trung tâm thương mại; đa dạng hoá các loại hình thương mại, dịch vụ, trong đó tập trung khai thác các khu dân cư, tái định cư. Tiếp tục đẩy mạnh phát triển toàn diện kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, tạo ra những sản phẩm chất lượng phục vụ cho ngành công nghiệp chế biến và thương mại – dịch vụ.
XÃ HỘI
Về hạ tầng cơ sở, sau khi trở thành đơn vị hành chính trực thuộc tỉnh Hậu Giang, Châu Thành A có khá nhiều chợ nổi tiếng với vai trò đầu mối giao thương, nhưng hầu hết đều xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu hiện tại. Xuất phát từ thực tế này, huyện Châu Thành A tập trung phát triển cơ sở hạ tầng, trong đó đặc biệt ưu tiên 3 lĩnh vực: đường giao thông nông thôn, điện và hệ thống chợ. Qua hai năm triển khai, huyện đã xây dựng được hệ thống đường bê tông, đường nhựa đến tất cả các ấp, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ cho người dân. Trong tương lai không xa, khi những tuyến đường lớn đi qua địa bàn huyện như: tỉnh lộ 926, tuyến Bốn Tổng – Một Ngàn, đường nối Vị Thanh – Cần Thơ, lộ nội ô thị trấn Một Ngàn; khu công nghiệp Tân Phú Thạnh… hoàn thành, sẽ tạo điều kiện cho lĩnh vực thương mại – dịch vụ tăng tốc; thu hút nhiều nhà đầu tư, làm nên diện mạo mới của vùng quê bên dòng Xà No.
Về giáo dục, tỷ lệ huy động học sinh đến trường đạt 98%. Năm 2010, tỷ lệ phổ cập Trung học cơ sở đạt 87,0%, tỷ lệ phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi đạt 89,57% được tỉnh tái công nhận đạt chuẩn quốc gia về công tác chống mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Ngày 18-02-2008, Chính phủ Việt Nam đã ký Quyết định thành lập trường Đại học Võ Trường Toản đóng tại xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Trường có diện tích 20 ha, gồm các ngành: kinh tế, công nghệ, nông nghiệp, xây dựng, tin học và xã hội học nhân văn. Đây là trường đại học tư thục đầu tiên của Đồng bằng Sông Cửu Long.
Về y tế, cơ sở hạ tầng y tế của huyện còn hạn chế. Bệnh viện Đa khoa Châu Thành A được xây dựng trên cơ sở nâng cấp phòng khám đa khoa khu vực của thị trấn Một Ngàn với 48 giường, nhưng vẫn chưa đủ so với chỉ tiêu của Sở Y tế Hậu Giang giao là 60 giường. Bệnh viện phải kê thêm giường bệnh ra tận hành lang. Hầu hết các phòng chức năng của bệnh viện đều không đạt chuẩn do diện tích quá hẹp. Huyện đang xây dựng bệnh viện mới tại trung tâm huyện với qui mô là 150 giường, với tổng kinh phí khoảng 70 tỉ đồng và dự kiến đưa vào sử dụng năm 2012.
Công tác đền ơn đáp nghĩa, giải quyết việc làm, đào tạo nghề và xuất khẩu lao động được thực hiện thường xuyên và liên tục. Năm 2010 toàn huyện đã giải quyết việc làm cho 5.525/2.650 lao động, đạt 208,5% chỉ tiêu giao; xây dựng và bàn giao 13/10 căn nhà tình thương, đạt 130% và 46/20 căn nhà nghĩa, đạt 230%.
KHU DI TÍCH LỊCH SỬ-VĂN HÓA TẦM VU
Khu di tích lịch sử – văn hóa Tầm Vu
Khu di tích lịch sử – văn hóa Tầm Vu tại tọa lạc xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang, cách thành phố Cần Thơ 17 km về hướng Tây Nam theo quốc lộ 61. Đây là khu di tích lịch sử kết hợp với du lịch sinh thái nổi tiếng của tỉnh Hậu Giang. Di tích đã được Bộ Văn hoá – Thông tin của Việt Nam (nay là Bộ Văn hoá – Thể thao – Du lịch) ra Quyết định số 154.VH/QĐ, ngày 25-01-1991 công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia.
Tầm Vu là nơi diễn ra nhiều trận đánh quan trọng trong lịch sử cách mạng địa phương những năm đầu chống Pháp. Trận đánh thứ nhất ở Tầm Vu diễn ra vào ngày 20-01-1946 do ông Nguyễn Đăng chỉ huy quân cách mạng giết chết đại tá Dessert – một trong 5 sĩ quan cao cấp của Pháp trên chiến trường Đông Dương. Trận đánh thứ hai diễn ra vào ngày 12-11-1946 dưới sự chỉ huy của ông Ngô Hồng Giỏi, quân cách mạng đã phục kích và đánh bại một tốp quân Pháp. Trận đánh thứ ba diễn ra vào ngày 03-05-1947, do khu bộ trưởng Huỳnh Phan Hộ chỉ huy quân cách mạng tấn công vào một đoàn xe chở lính Pháp, tiêu diệt quân Pháp và cướp súng. Trận Tầm Vu IV diễn ra vào ngày 19-04-1948 dưới sự chỉ huy của chi bộ trưởng Trương Văn Giàu và tham mưu trưởng Võ Quang Anh, quân cách mạng cướp được 2 khẩu đại bác 105 ly của Pháp. Sự kiện này còn được nhắc lại qua ca khúc “Chiến thắng Tầm Vu” nhạc của Đức Nhẫn, lời của Quốc Hương.
Tầm Vu đã được tỉnh Hậu Giang đầu tư xây dựng thành khu di tích lịch sử kết hợp với du lịch sinh thái nhằm phục vụ du khách gần xa. Ở đây có tượng đài chiến thắng cao 8 m sừng sững nổi lên giữa những thảm lúa xanh mơn mởn, vườn cây ăn trái ngút ngàn. Khu du lịch xanh với những nét bản sắc văn hoá, truyền thống của địa phương, nhiều nhóm động vật quý hiếm và một hệ sinh thái cây ăn trái nhiệt đới phong phú. Đến đây bạn còn được tìm hiểu về chiến thắng lịch sử Tầm Vu và những phong tục tập quán của người dân miền Tây Nam Bộ.