Giới thiệu khái quát huyện Chợ Mới

Giới thiệu khái quát huyện Chợ Mới

Giới thiệu khái quát huyện Chợ Mới

Về nguồn gốc của tên gọi Chợ Mới, tương truyền rằng ngày xưa có ngôi chợ cũ tên Phó Định Bài nằm ở bên kia bến đò Kiến An. Về sau, một ngôi chợ khá bề thế được xây dựng tại huyện lỵ ngày nay và được người dân gọi là “Chợ Mới”. Khi chúa Nguyễn thiết lập chính quyền ở Gia Định (1698), ngay hai bên bờ sông Tiền, sông Hậu của huyện Chợ Mới đã có người Việt rải rác sinh sống. Năm 1805 vùng đất Chợ Mới thuộc Vĩnh Trấn, năm 1808 Vĩnh Trấn đổi lại thành Vĩnh Thanh, Chợ Mới thuộc huyện Vĩnh An của trấn Vĩnh An. 

Đến năm 1832, Chợ Mới ngày nay thuộc huyện Đông Xuyên và một phần huyện Vĩnh An. Năm 1907, Quận Chợ Mới được thành lập đặt bên bến đò Kiến An, sau dời về làng Long Điền (tức thị trấn Chợ Mới ngày nay).

Năm 1917, quận lỵ Chợ Mới thuộc tỉnh Long Xuyên. Từ năm 1957 đến năm 1975, quận Chợ Mới thuộc tỉnh An Giang, quận lỵ đặt tại xã Long Điền, địa giới này được duy trì cho đến năm 1975, kể cả khi An Giang tách thành hai tỉnh An Giang và Châu Đốc vào năm 1964. 

Về phía chính quyền cách mạng thì năm 1945 Chợ Mới thuộc tỉnh Long Xuyên, đến năm 1948 thuộc tỉnh Long Châu Tiền, năm 1951 thuộc tỉnh Long Châu Sa. Giữa năm 1957 đến 1965, Chợ Mới thuộc tỉnh An Giang, đến tháng 2năm 1965, quận Chợ Mới thuộc tỉnh Kiến Phong, từ tháng 6 năm 1974 đến  tháng 12 năm 1976 Chợ Mới thuộc tỉnh Sa Đéc. Sau ngày giải phóng Miền Nam, tháng 2 năm 1976 Chợ Mới trở về thuộc tỉnh An Giang với 12 xã, 1 thị trấn. 

Ngày 25/4/1979 thành lập thêm 3 xã: Kiến Thành, Long Điền B, Hòa An (tách ra từ xã Kiến An, Long Điền, Hòa Bình). 

Ngày 12/01/1984, thành lập thêm xã Long Giang (tách ra từ xã Long Kiến), lúc này Chợ Mới có 16 xã, 1 thị trấn. 

Ngày 17/01/2003, Chính phủ ban hành Nghị định thành lập thị trấn Mỹ Luông, xã Mỹ Luông còn lại đặt thành xã Mỹ An. 

Hiện nay, huyện Chợ Mới có 2 thị trấn: Chợ Mới, Mỹ Luông và 16 xã: Kiến An, Kiến Thành, Long Giang, Mỹ Hội Đông, Nhơn Mỹ, Long Điền A, Long Điền B, Long Kiến, An Thạnh Trung, Hòa Bình, Hòa An, Mỹ An, Hội An, Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân. 

Từ những ngày có dấu chân người đặt đến vùng đất Chợ Mới, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, huyện Chợ Mới luôn có những giá trị rất riêng của mình là được tạo hóa ưu ái cho hai con sông Tiền, sông Hậu được phù sa bồi đắp cho đất đai xanh tươi bốn mùa mà nơi đây còn tiềm tàng hào khí của những con người yêu nước, của những người dân bình dị kiên cường bất khuất, luôn đoàn kết một lòng chống giặc ngoại xâm, một lòng một dạ theo Đảng đến cùng.

Điều kiện tự nhiên

Chợ Mới là huyện cù lao của tỉnh An Giang, với diện tích tự nhiên là 369,62 km2, Huyện lỵ cách Thành phố Long Xuyên 29 km theo đường Tỉnh lộ 944 được bao bọc bởi sông Tiền, sông Hậu, với hệ thống sông, rạch chằng chịt, chẳng những cung cấp nguồn nước ngọt phong phú, phục vụ đắc lực cho sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của nhân dân và còn là đường giao thông thuận lợi cho việc đi lại, vận chuyển. Địa giới hành chính của huyện được xác định như sau: 

+ Phía Bắc giáp huyện Phú Tân (ngăn cách bởi sông Vàm Nao);

+ Phía Nam giáp huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp (ngăn cách bởi rạch Cái Tàu Thượng);

+ Phía Tây giáp huyện Châu Thành, Châu Phú và thành phố Long Xuyên (ngăn cách bởi sông Hậu);

+ Phía Đông giáp huyện Thanh Bình, thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp (ngăn cách bởi sông Tiền).

Về phân chia đơn vị hành chính, huyện có 02 thị trấn: Chợ Mới, Mỹ Luông và 16 xã: Kiến An, Kiến Thành, Long Giang, Mỹ Hội Đông, Nhơn Mỹ, Long Điền A, Long Điền B, Long Kiến, An Thạnh Trung, Hòa Bình, Hòa An, Mỹ An, Hội An, Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp, Bình Phước Xuân. 

Người dân Chợ Mới vốn có truyền thống yêu nước nồng nàn, kiên cường bất khuất chống giặc ngoại xâm với việc thành lập Chi bộ Đảng cộng sản đầu tiên của tỉnh An Giang, tiếp tục phát huy truyền thồng của cha, ông đi trước thế hệ hôm nay của huyện tiếp tục ra sức phấn đấu, học tập, lao động, sản xuất tiếp tục đem về nhiều thành tựu mới cho huyện, bên cạnh việc tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, các ngành nghề truyền thống vẫn tiếp tục được duy trì, phát triển như: nghề mộc, chạm (Chợ thủ – Long Điền A, Thị trấn Mỹ Luông), vẽ tranh trên kiếng (Long Giang, Long Điền B), đóng ghe xuồng (Mỹ Hiệp), đan đát (Long Giang, Kiến Thành), dây keo (Mỹ Hội Đông),… Toàn huyện với dân số 344.175 người, thành phần dân cư với 99,6% dân tộc Kinh, còn lại đa phần là người Hoa. Về hoạt động tín ngưỡng, người dân huyện Chợ Mới có 59,6% theo đạo Phật giáo Hòa Hảo, ngoài ra còn có các tôn giáo khác như: đạo Phật, Thiên Chúa giáo, Cao Đài,… 

Trên địa bàn huyện có 02 di tích văn hóa – lịch sử cấp quốc gia: cột dây thép (Long Điền A), chùa Bà Lê (Hội An) và 6 di tích văn hóa – lịch sử cấp tỉnh là: Dinh Chưởng binh lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Kiến An và thị trấn Chợ Mới), Phủ thờ Nguyễn tộc (Tấn Mỹ), Dương Công Phủ (Mỹ Hiệp), đình Tấn Mỹ, đình Chợ Thủ, đình Long Kiến. Hàng năm đến những ngày lễ hội, thu hút rất nhiều du khách gần xa đến tham quan, chiêm bái. Đặc biệt, cù lao giêng gồm 3 xã: Tấn Mỹ, Mỹ Hiệp và Bình Phước Xuân được huyện đưa vào quy hoạch khu du lịch cộng đồng, sông nước, hội tụ nhiều công trình lịch sử, văn hóa kiến trúc độc đáo ngót trăm năm vẫn còn nguyên vẹn như: Thánh đường đầu nước (Nhà thờ Cù Lao Giêng, Dòng thánh Fancico, Dòng Chúa Quan phòng), Chùa Đạo nằm, nhà cổ, Di tích lịch sử Cột Dây Thép, Nhà tưởng niệm đồng chí Ung Văn Khiêm – cố Bộ trưởng Ngoại giao, Cộ bộ trưởng Bộ Nội Vụ..

Ngày nay dưới sự lãnh, chỉ đạo của Huyện ủy, điều hành của Ủy ban nhân dân huyện Chợ Mới, người dân của huyện luôn phát huy tinh thần đoàn kết, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, công tác, góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đưa huyện nhà tiến lên theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa cùng với tỉnh và cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp phát triển theo hướng hiện đại./.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây