Giới thiệu khái quát huyện Chương Mỹ
Chương Mỹ là một huyện ngoại thành nằm ở phía Tây Nam Hà Nội, cách trung tâm Thủ đô 20km, là nơi hội tụ các tuyến giao thông huyết mạch (quốc lộ 6A, đường 121A, đường 80, tỉnh lộ 419, đường sông Bình, sông Đáy…). Với tiềm năng đất đai, con người và trong điều kiện mới, nơi đây được kỳ vọng là “vành đai xanh” thực phẩm của Thành phố.
Thông tin chung
– Đơn vị: Quận ủy – HĐND – UBND huyện Chương Mỹ
– Địa chỉ: 102 Khu Bắc Sơn, Thị trấn Chúc Sơn, Chương Mỹ, TP Hà Nội
– Điện thoại: (024)85891396; Email: [email protected]
– Diện tích: 232,41km2
– Dân số: khoảng trên 309.600 người
Đơn vị hành chính gồm 2 thị trấn và 30 xã: Thị trấn: Chúc Sơn và Xuân Mai; Các xã: Đại Yên, Đông Phương Yên, Đông Sơn, Đồng Lạc, Đồng Phú, Hòa Chính, Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Hồng Phong, Hợp Đồng, Hữu Văn, Lam Điền, Mỹ Lương, Nam Phương Tiến, Ngọc Hòa, Phú Nam An, Phú Nghĩa, Phụng Châu, Quảng Bị, Tân Tiến, Tiên Phương, Tốt Động, Thanh Bình, Thủy Xuân Tiên, Thụy Hương, Thượng Vực, Trần Phú, Trung Hòa, Trường Yên, Văn Võ.
Về địa lý, huyện nằm ở phía Tây Nam thành phố, phía Bắc giáp huyện Quốc Oai; phía Đông giáp với quận Hà Đông, huyện Thanh Oai; phía Nam giáp huyện Ứng Hòa, Mỹ Đức; phía Tây giáp với huyện Lương Sơn (tỉnh Hoà Bình).
Lịch sử hình thành
Chương Mỹ hình thành thời kỳ đầu dựng nước thuộc quận Giao Chỉ. Qua các triều đại phong kiến Lý, Trần, Lê nhiều lần thay đổi địa danh hành chính, đến thời Lê, Nguyễn mang tên phủ Chương Đức, gồm 9 tổng: Lương Xá, Chúc Sơn, Quảng Bị, Bài Trượng, Văn La, Hoàng Xá, Viên Nội, Bột Xuyên và Tuy Lai. Năm Gia Long thứ 13 (1814), đổi sang phủ Ứng Hòa. Đến năm Đồng Khánh thứ 3, triều Nguyễn (1888, mùa Hạ, tháng tư, tức ngày 1/4/1888), chia đạo Mỹ Đức thành hai: Vùng người Mường nhập vào tỉnh Phương Lâm (Hòa Bình), còn vùng người Kinh thì chia làm 2 huyện: Huyện Yên Đức, thuộc phủ Mỹ Đức và huyện Chương Mỹ thuộc phủ Ứng Hòa, tỉnh Hà Đông. Sau năm 1945, huyện Chương Mỹ thuộc tỉnh Hà Đông.
Ngày 21/4/1965, Ủy ban thường vụ Quốc hội ban hành Quyết định số 103-NQ-TVQH về việc phê chuẩn việc thành lập các tỉnh Bắc Thái, Nam Hà, Hà Tây và việc sáp nhập xã An Hòa thuộc huyện Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây (cũ) vào xã Tiến Xuân thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Theo Quyết định hợp nhất hai tỉnh Sơn Tây và Hà Đông thành một đơn vị hành chính mới lấy tên là tỉnh Hà Tây, do đó, huyện Chương Mỹ thuộc tỉnh Hà Tây.
Ngày 27/12/1975, huyện Chương Mỹ thuộc tỉnh Hà Sơn Bình, gồm 2 thị trấn: Chúc Sơn, Xuân Mai và 31 xã: Đại Yên, Đồng Lạc, Đồng Phú, Đông Phương Yên, Đông Sơn, Hòa Chính, Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Hồng Phong, Hợp Đồng, Hữu Văn, Lam Điền, Mỹ Lương, Nam Phương Tiến, Ngọc Hòa, Ngọc Sơn, Phú Nam An, Phú Nghĩa, Phụng Châu, Quảng Bị, Tân Tiến, Thanh Bình, Thượng Vực, Thụy Hương, Thủy Xuân Tiên, Tiên Phương, Tốt Động, Trần Phú, Trung Hòa, Trường Yên, Văn Võ.
Ngày 17/2/1979, Hội đồng Chính phủ ban hành Quyết định số 49-CP về điều chỉnh địa giới một số xã, thị trấn thuộc các huyện Sóc Sơn, Mê Linh, Hoài Đức, Phúc Thọ và Thanh Trì thuộc thành phố Hà Nội. Theo Quyết định sáp nhập 2 xã Phụng Châu, Tiền Phương (của huyện Chương Mỹ) về huyện Hoài Đức quản lý. Khi đó, huyện Chương Mỹ còn 2 thị trấn và 29 xã.
Ngày 12/8/1991, Quốc hội ban hành Nghị quyết về việc điều chỉnh địa giới hành chính một số tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Theo đó, huyện Chương Mỹ lại trở về với tỉnh Hà Tây.
Ngày 23/6/1994, Chính phủ ban hành Nghị định số 52-CP về việc điều chỉnh địa giới huyện và thành lập thị trấn, phường thuộc các huyện Hoài Đức, Chương Mỹ, Thạch Thất, Thanh Oai, thị xã Hà Đông, tỉnh Hà Tây. Chuyển trở lại 2 xã Phụng Châu và Tiên Phương thuộc huyện Hoài Đức về huyện Chương Mỹ quản lý. Từ đó, huyện Chương Mỹ có 2 thị trấn và 30 xã.
Ngày 2/3/2005, Chính phủ ban hành Nghị định số 23/2005/NĐ-CP về việc điều chỉnh địa giới hành chính, mở rộng thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, tỉnh Hà Tây. Sáp nhập toàn bộ 339,09 ha diện tích tự nhiên và 5.036 nhân khẩu của xã Ngọc Sơn vào thị trấn Chúc Sơn.
Từ ngày 29/5/2008, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 15/2008/QH12 về việc điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan. Theo Nghị quyết, hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên là 219.341,11 ha và dân số hiện tại là 2.568.007 người của tỉnh Hà Tây vào thành phố Hà Nội. Huyện Chương Mỹ trực thuộc thành phố Hà Nội quản lý.
Văn hóa và di tích lịch sử
Trong chiều dài lịch sử của dân tộc, Chương Mỹ là mảnh đất địa linh nhân kiệt, giàu truyền thống đấu tranh dựng nước, giữ nước, được lưu truyền sử sách như nữ tướng Vĩnh Hoa, Lang Nương, Vĩnh Nương, Chu Tước trong cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng; các danh nhân: Ngô Sỹ Liên, tác giả Đại Việt Sử ký toàn thư; Thám hoa Đặng Ma La đỗ đạt khi mới 14 tuổi, Đô đốc Đặng Tiến Đông tên tuổi gắn liền với chiến thắng Đống Đa lịch sử… Đặc biệt là chiến thắng Tốt Động – Chúc Động của nghĩa quân Lam Sơn tiêu diệt giặc Minh trên dòng sông Ninh (sông Đáy) tại bến Ninh Kiều (Ninh Sơn), được Nguyễn Trãi khắc họa trong Bình Ngô Đại Cáo: “Ninh Kiều máu chảy thành sông, tanh hôi vạn dặm/Tụy Động thây phơi đầy nội, nhơ để nghìn thu”.
Trên chặng đường phát triển, ngày nay, Chương Mỹ đã trở thành địa bàn quan trọng của khu vực cửa ngõ phía Tây Nam Thủ đô, với quy mô, diện tích đất tự nhiên rộng trên 230km², gồm 30 xã và 2 thị trấn, nằm trong quy hoạch chuỗi đô thị: Miếu Môn – Xuân Mai – Hòa Lạc – Sơn Tây và nằm giữa tam giác du lịch Hà Nội – Ba Vì – Chùa Hương. Cùng với những điều kiện thuận lợi do thiên nhiên ban tặng, Chương Mỹ có tiềm năng phát triển cả 3 loại hình du lịch: Du lịch văn hóa – lịch sử; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch làng nghề.
Trên địa bàn huyện còn có nhiều di tích lịch sử văn hóa đình, chùa, đền, miếu… phong cảnh tuyệt đẹp, tiêu biểu như: chùa Trầm, động Long Tiên, núi Tử Trầm Sơn, đã được Phan Huy Chú – học giả Việt Nam đầu thế kỷ XIX viết: “Quang cảnh đậm đà đẹp nhất trong các núi Sơn Tây”. Hay chùa Trăm Gian (Quảng Nghiêm Tự), chùa Hỏa Tinh, chùa Cao, chùa Thấp, chùa Sấu (Sùng Nghiêm Tự), đình Yên Khê, chùa Trấn Bắc Phương (thuộc thôn Yên Khê, xã Đại Yên), đình Xá, đình Ninh Sơn, Chùa Khâu Lăng (xã Hồng Phong), Đình Trung Tiến, Đình Nghè, Đình Thướp, Đình Hồng Thái, Đình Kỳ Viên, Chùa Trung Tiến (thuộc xã Trần Phú)… hầu hết đều tập trung xung quanh thị trấn Chúc Sơn. Ngoài ra, sự kết hợp với hệ thống đồi núi, sông hồ, đồng ruộng tạo nên những cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, thơ mộng và đầy ắp những huyền thoại.
Phát huy truyền thống đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Chương Mỹ đang ra sức thi đua phấn đấu, đoàn kết một lòng, thực hiện thành công nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đưa Chương Mỹ trở thành huyện: Năng động về kinh tế, phát triển về văn hoá – xã hội, ổn định về an ninh chính trị, vững mạnh về quốc phòng, góp phần cùng với thủ đô Hà Nội và cả nước thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Xây dựng huyện Chương Mỹ Anh hùng ngày càng phát triển giàu đẹp, văn minh, hiện đại.