Giới thiệu khái quát huyện Ia H’Drai
Huyện Ia H’Drai là huyện biên giới, nằm ở phía Tây nam của tỉnh Kon Tum, cách trung tâm hành chính tỉnh Kon Tum khoảng 150 km. Huyện được thành lập theo Nghị quyết số 890/NQ-UBTVQH13 ngày 11/3/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, có diện tích tự nhiên 98.021,81 ha, dân số 11.644 người, đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số từ các tỉnh phía Bắc như Thái, Tày, Nùng, Mường, Sán Chỉ…được các doanh nghiệp trồng cao su trên địa bàn tuyển vào làm công nhân. Phía Đông giáp huyện Chư Pảh và huyện Ia Grai của tỉnh Gia Lai; phía Tây giáp 02 huyện Tà Veng và Đun Mia thuộc tỉnh Ratanakiri Vương quốc Campuchia với chiều dài biên giới khoảng 76,4 km; phía Nam giáp huyện Ia Grai của tỉnh Gia Lai; phía Bắc giáp xã Mô Rai huyện Sa Thầy. Huyện có 03 xã Ia Tơi, Ia Dom, Ia Đal, dân số 11.644 người, sinh sống tại 28 điểm dân của 21 thôn thuộc 03 xã; Trên địa bàn huyện có 03 nhà máy thủy điện hoạt động Sê San 3A-108 MW, Sê San 4-360 MW, Sê San 4A-63 MW, đã phát điện hoà lưới quốc gia. Có 06 doanh nghiệp trồng cao su với diện tích khoảng 24.566,66 ngàn ha. Lực lượng chuyên trách trong quản lý bảo vệ biên giới có 05 Đồn biên phòng gồm: Hồ Le , Mô Rai, Suối Cát, Sa Thầy, Sê San.
Huyện Ia H’Drai được thành lập năm 2015 trên cơ sở chia tách một phần địa giới hành chính của huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum. Nằm trong vùng đệm của Vườn quốc gia Chư Mo Ray nên có thể nói, khoảng hơn chục năm trở về trước, nơi đây chỉ có núi, rừng, sông, suối và những người lính Biên phòng. Đã có rất nhiều thay đổi kể từ khi những cánh rừng đại ngàn biên giới phải “nhường chỗ” cho con người, cây cao su và trang trại trồng trọt, chăn nuôi, nhưng cuộc sống của người lính BP thì vẫn vậy: Khó khăn, thử thách vẫn luôn là “người bạn đồng hành”…
Khổ vì… thừa
Đến trung tâm huyện Ia H’Drai hôm nay chắc chắn không nhiều người hình dung ra đây từng là nơi được ví như một “ốc đảo” giữa miền biên giới. Cách đó chừng vài cây số là vị trí đóng quân trước đây của Đồn BP Suối Cát. Hơn 10 năm trở về trước, toàn bộ khu vực này là xứ “khỉ ho, cò gáy” hễ ra trước cổng đồn là gặp…thú rừng, lính BP phải đào giao thông hào quanh vườn tăng gia để ngăn không cho heo rừng vào phá hoại cây trồng.
Nhiều người nói lính BP là “công dân đầu tiên” của huyện Ia H’Drai. Điều này quả không sai, bởi họ đã hiện diện trên mảnh đất này từ hơn 40 năm về trước. Giờ đây, khi huyện mới thành lập, cư dân phát triển, cứ ngỡ được sống gần dân, nhưng rồi các đồn BP lại phải “trở về chốn xưa” di chuyển ra sát đường biên giới để tiếp tục “làm bạn” với sông, suối, núi, rừng.
Trung tá Nguyễn Quang Thành, Đồn trưởng Đồn BP Sa Thầy tâm sự: “Sống xa khu dân cư cũng có nhiều cái bất tiện. Thế mạnh của đơn vị là tăng gia sản xuất, nhưng có những sản phẩm làm ra mà gọi mãi chẳng thấy người lên mua vì manh mún, chi phí vận chuyển bị đội lên rất lớn. Hiện tại, đơn vị có hơn một ha chuối, chín vàng cả vườn nhưng cũng chỉ để phục vụ một phần rất nhỏ nhu cầu trong đơn vị. Giá như đường sá thuận tiện, nguồn thu từ tăng gia sản xuất của đơn vị sẽ được cải thiện rất nhiều từ loại cây dễ trồng này…”.
Dẫu biết rằng, cây chuối ở đồn BP từ trước đến nay được xem là loại cây “đa mục tiêu” phục vụ được nhiều việc khác nhau, trong đó đáng kể nhất là tạo nguồn thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm và nuôi cá. Tuy nhiên, nếu bảo đảm được “đầu ra” tốt, thì đây là nguồn thu không nhỏ. Cái khó chung của các đồn BP trên tuyến biên giới huyện Ia H’Drai vẫn là giao thông cách trở, sống xa khu dân cư nên không thể liên kết trong khâu tiêu thụ sản phẩm với bà con nhân dân.
Đồn BP Sa Thầy hiện tại được giao nhiệm vụ quản lý địa bàn 4 thôn thuộc 2 xã Ia Tơl và Ia Đal (Ia H’Drai) với dân số trên 1.200 nhân khẩu. Mặc dù vậy, nếu so với thời chưa thành lập huyện mới, địa bàn còn trắng dân cư thì chẳng khác nhau là bao, bởi nơi gần dân nhất cũng cách hàng chục cây số.
Bài toán “đầu ra” cho cây chuối thậm chí còn “khó giải” hơn nhiều đối với Đồn BP Mo Ray, đơn vị nằm cách trung tâm huyện Ia H’Drai khoảng 50 cây số theo đường tuần tra biên giới. Hơn 2ha chuối ở đây đã đến kỳ thu hoạch cũng chỉ để phục vụ chăn nuôi. Lãng phí đấy, nhưng không thể không trồng, vì còn phải giải quyết nguồn thức ăn cho đàn gia súc, gia cầm lên đến hàng mấy trăm con cùng hơn 2.000m2 ao thả cá.
Một người lính trẻ nói vui với tôi: “Ngày nào cũng nhìn thấy chuối chín vàng cả vườn, cháu vừa ngán, vừa tiếc, chú ạ. Giá như ở nhà có nhiều chuối thế này để bán thì lợi đủ đường. Bình thường ở đồn BP, rau, củ, quả ăn không hết, giờ lại thêm chuối nữa. Nếu được gần dân, mình có thể mang những thứ này ra chia sẻ cho bà con…”
Những mất mát lặng thầm – chuyện bây giờ mới kể
Sống cách biệt với khu dân cư dường như đã trở thành “điểm đến” quen thuộc của lính BP – những “công dân đầu tiên” của huyện mới Ia H’Drai. “Xa dân, gần rừng” bên cạnh khó khăn trở ngại trong công tác, những thiếu thốn về tình cảm và hàng loạt trải nghiệm vất vả, nhọc nhằn giữa miền thời tiết khí hậu khắc nghiệt, vẫn còn đó những mất mát lặng thầm mà người lính phải kìm nén trong lòng.
Nhiều người lính ra quân rồi mới phát bệnh do bị nhiễm sốt rét, hoặc suốt một thời gian dài uống phải nguồn nước không đảm bảo vệ sinh và an toàn sức khỏe. Điều kiện hôm nay đã được cải thiện rất nhiều, chứ hồi còn mang danh là “công dân” đầu tiên, duy nhất ở vùng đất này thì không thể kể hết được. Đến cả những cán bộ hiện đang còn công tác cũng có người phải chịu những di chứng do căn bệnh sốt rét quái ác gây nên.
Câu chuyện của Thượng tá Trần Đình Hào, Đồn trưởng Đồn BP Mo Ray khiến tôi khâm phục ý chí, quyết tâm vượt khó suốt một cuộc hành trình dài đằng đẵng anh phải đi chữa bệnh hiếm muộn để được làm cha. Tất cả bắt đầu từ chuỗi ngày anh sống, công tác trên biên giới trong môi trường khí hậu thời tiết khắc nghiệt. Sốt rét biến chứng không chỉ bào mòn sức khỏe của người sĩ quan BP đang ở thời kỳ sung sức nhất, mà còn là “thủ phạm” chính khiến anh phải xuôi ngược khắp nơi để điều trị bệnh hiếm muộn.
Sau khi biết mình không thể sinh con theo cách tự nhiên, vợ chồng Thượng tá Trần Đình Hào quyết định nhờ đến sự can thiệp của y học hiện đại. Cũng phải kỳ công và tốn kém lắm, hai vợ chồng anh mới thỏa được nỗi khát khao khi hai cô con gái xinh xắn, khỏe mạnh lần lượt ra đời. Xúc động nhất là khoảnh khắc anh nhận được tin vợ mình sinh cô con gái đầu lòng. Đang trên đường trở vào đơn vị sau chuyến công tác, anh ghé vào quán nhỏ ven đường để “mở tiệc” ăn mừng. Tại đây, không kể người quen hay lạ, đàn ông hay đàn bà, anh đều “mở lòng” thông báo tin vui cho mọi người và uống thật say cho thỏa nỗi khát vọng kìm nén từ bấy lâu nay.
Tối hôm ấy, tràn ngập trong niềm hạnh phúc vô bờ, Thượng tá ngồi viết lá thư cho con gái như dòng nhật ký chân thật mà sâu sắc nhất cuộc đời mình: “Con gái yêu của bố. Vậy là bao tháng ngày, bố mẹ vất vả ngược xuôi vào Nam ra Bắc tìm thuốc, tìm thầy chữa bệnh, giờ đã có kết quả mỹ mãn. Lúc này bố hạnh phúc vô cùng, chỉ mong sao con khỏe mạnh chóng lớn để bố được yêu thương chăm sóc, dạy dỗ con nên người…”.
Giờ đây, mỗi khi đọc lại những dòng thư ấy, người Đồn trưởng như được sống lại cảm xúc “lần đầu được làm cha” để rồi nước mắt lại rưng rưng. Câu chuyện của Đồn trưởng Đồn BP Mo Ray khiến tôi càng thêm thấm thía tính nhân văn trong chương trình hỗ trợ hiếm muộn của lực lượng BĐBP đã và đang triển khai thực hiện. Chúng ta đã có nhiều nỗ lực cống hiến vì chủ quyền thiêng liêng, vì niềm hạnh phúc của đồng bào các dân tộc vùng biên giới, nhưng vẫn không quên “nhìn lại chính mình”, bởi ở đó vẫn còn có những mảnh đời éo le, những số phận nghiệt ngã cần sự giúp đỡ.
Câu chuyện về những “công dân đầu tiên” của huyện mới Ia H’Drai như lời khẳng định vai trò của người lính BP trong quá trình xây dựng và phát triển một miền quê biên giới. Dẫu phải trải qua bao gian nan thử thách, những mất mát lặng thầm, nhưng những “ngôi sao xanh” vẫn vững vàng bám trụ chốn biên cương “xa dân, gần rừng” để tiếp tục cống hiến.
Cẩm Xuyên