Giới thiệu khái quát huyện Kế Sách

huyện Kế Sách - Tỉnh Sóc Trăng

Giới thiệu khái quát huyện Kế Sách

– Huyện Kế Sách nằm ở phía Bắc tỉnh Sóc Trăng, có vị trí địa lý: từ 9042’39,9” đến 9056’16,4” vĩ Bắc, 105053’44,6” đến 106004’20” kinh Đông. Phía Tây – Bắc giáp huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang; phía Đông – Bắc giáp với huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long, huyện Cầu Kè và huyện Tiểu Cần tỉnh Trà Vinh; phía nam giáp huyện Châu Thành, huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng.

Kế Sách có diện tích 35.260,09 ha, dân số năm 2010 là 158.756 người, trong đó dân tộc Kinh 140.498 người chiếm 88,50% dân số, dân tốc Khmer 17.334 người chiếm 10,92% dân số, Hoa 898 người chiếm 0,57% dân số, dân tộc khác 26 người. Huyện Kế Sách có 02 thị trấn, 11 xã, với 86 ấp. Mật độ dân số 450 người/km2.

Địa hình Kế Sách bằng phẳng, hướng dốc nghiêng dần từ bờ sông Hậu về phía Tây, cao ở bờ sông, thấp trũng ở nội đồng. Độ cao biến thiên từ 0,3 – 1.5m. Kế Sách nằm cạnh dòng sông Hậu có mạng lưới kênh, rạch dày đặc, do đó chịu ảnh hưởng của chế độ thủy văn sông Hậu và bán nhật triều biển Đông.

Là một huyện duy nhất trong tỉnh Sóc Trăng có nước ngọt quanh năm, thế mạnh là trồng vườn và nuôi thủy sản nước ngọt. Những năm gần đây, nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nên đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội của người dân không ngừng được nâng cao.

Nhân dân Kế Sách anh hùng trong đấu tranh, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, vì thế hiện nay, Kế Sách có một số di tích lịch sử cấp tỉnh như: Nhà bia ghi tên liệt sĩ – Tượng đài anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân – liệt sĩ Thiều văn Chỏi (ấp 6, xã Ba Trinh). Đ/c Thiều Văn Chỏi (1937-1972), Huyện đội phó Kế Sách năm 1972. Tham gia chiến đấu 152 trận lớn, nhỏ. Đ/c hy sinh tháng 8/1972. Được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam ngày 29/01/1996. Để nghi nhớ công lao to lớn và sự hy sinh anh dũng của các liệt sĩ xã Ba Trinh – Trinh Phú và đ/c Thiều Văn Chỏi, ngày 19/5/2000, Huyện ủy – UBND huyện Kế Sách tổ chức khởi công xây dựng công trình Nhà bia ghi tên liệt sĩ và Tượng đài anh hùng LLVTND Thiều Văn Chỏi, tổng kinh phí trên 600 triệu đồng, công trình được khánh thành ngày 22/12/2001. Năm 2006 được UBND tỉnh Sóc Trăng quyết định xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh. Công trình là một điểm sáng để giáo dục thế hệ trẻ hôm nay và mai sau về tấm gương anh dũng, kiên cường của “Thần Chỏi”. Tên đ/c được đặc tên cho một trường THPT ở xã Trinh Phú, huyện Kế Sách.

Di tích Mỹ – Ngụy thảm sát thường dân Vàm Cái Cao (Thị trấn An Lạc Thôn): ngày 08/01/1966 (nhằm ngày 17 tháng chạp năm Ất Tỵ), địch mở cuộc hành quân quy mô lớn đánh vào vùng giải phóng, nhân dân các xã Xuân Hòa, Ba Trinh, Trinh Phú tưởng địch sắp ném bom bắn phá trong vùng, nên bà con đã dùng xuồng, ghe lũ lượt chèo theo kênh Cái Cao đổ về hướng chợ An Lạc Thôn để lánh nạng. Lực lượng thám báo của đich báo tin “Việt cộng đổ quân về tấn công chi khu Kế Sách”, địch liền ra lệnh cho không quân ném bom và bắn phá bừa bãi vào đoàn xuồng ghe của nhân dân khi vừa đến Vàm Cái Cao. Cuộc thảm sát đã làm cho hơn 300 thường dân vô tội ở 3 xã bị thiệt mạng và bị thương, gây đau thương tan khóc cho hàng trăm gia đình. Năm 1998, UBND tỉnh cho xây dựng Bia tưởng niệm tại Vàm Cái Cao, thị trấn An Lạc Thôn, huyện Kế Sách nhằm ghi lại chứng cứ tội ác của Mỹ – Ngụy, để thế hệ hôm nay và mai sau hiểu rỏ chiến tranh tội ác mà đế quốc Mỹ đã gây ra ở Việt Nam. Ngày 15/3/2006, được UBND tỉnh Sóc Trăng xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

Di tích thắng cảnh nổi tiếng có điểm du lịch sinh thái cồn Mỹ Phước (ấp Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ) được UBND tỉnh Sóc Trăng xếp hạng năm 2007. Cồn Mỹ Phước là nơi đất lành chim đậu, với phong cảnh hữu tình, không khí trong lành và được thiên nhiên ban tặng nhiều đặc sản đa dạng và phong phú; cùng với người dân xứ cồn quanh năm cần cù lao động đã xây đắp nên. Họ đã biết trân trọng thiên nhiên, tận dụng lợi thế thiên nhiên ưu đãi, nước ngọt quanh năm, đất đai màu mỡ, đã phát triển mạnh nghề làm vườn, nên từng nông hộ đã tạo dựng được cuộc sống ổn định, ấm no và sung túc. Tiếng lành đồn xa về vùng đất cù lao, cây lành, trái ngọt về vùng đất hữu tình, người dân giàu lòng mến khách, nên hàng năm vào dịp Tết Đoan Ngọ (mùng 5/5 âl) hàng ngàn nam thanh, nữ tú từ các nơi hội tụ về vui chơi và thưởng thức không khí trong trẻo, mát lành của miệt cù lao, thưởng thức các loại trái cây ngon, giao lưu đờn ca tài tử và còn nhiều đặc sản khác. Nhằm khai thác tiềm năng, phát huy lợi thế sẵn có về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên để phát triển các hoạt động du lịch và dịch vụ du lịch tại vùng hạ lưu sông Hậu huyện Kế Sách trên cơ sở thực hiện quy hoạch tổng thể, phát triển mạng lưới tuyến, điểm du lịch gắn với việc bảo tồn thiên nhiên, bảo vệ cảnh quan môi trường, nghiên cứu đời sống văn hóa, văn minh cộng đồng, phát huy nền văn hóa bản địa, văn hóa sông nước truyền thống, chinh phục và hòa nhập thiên nhiên… khuyến khích doanh nghiệp, người dân địa phương đầu tư khai thác, phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, khám phá thiên nhiên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội huyện nhà. Huyện Kế Sách đã đầu tư xây dựng hạ tầng điểm du lịch và văn hóa xã hội truyền thống cồn Mỹ Phước, xã Nhơn Mỹ. Bằng nguồn vốn tỉnh bổ sung có mục tiêu, năm 2010 UBND huyện đã phê duyệt, báo cáo kinh tế – kỹ thuật xây dựng, công trình hạ tầng Điểm du lịch và văn hóa lễ hội truyền thống cồn Mỹ Phước huyện Kế Sách. Tổng mức đầu tư theo dự toán sau khi điều chỉnh là 13.809.730.433 đồng. Ngày khởi công: 01/11/2010, ngày hoàn thành: 31/5/2012. Quảng trường trung tâm điểm du lịch có diện tích 16.190m2 (có bố trí nhà điều hành, hệ thống chiếu sáng…). Mở rộng trục đường chính giữa cồn bằng bê tông cốt thép và các đoạn nhánh dài 3,5km, rộng từ 2 đến 4m. Đường dẫn phía đất liền thuộc ấp Mỹ Huề từ Quốc lộ Nam sông Hậu đến bờ sông Hậu dài 300m, rộng 3m bằng bê tông cốt thép và cầu tàu để phục vụ đưa rước khách tham quan du lịch.

Với những đặc điểm về vị trí địa lý, thiên nhiên và con người nêu trên, Kế Sách luôn luôn mong muốn chào đón bạn bè khắp nơi gần xa một lần ghé đến vùng “sông nước miệt vườn” để hiểu thêm về một vùng quê sông nước, Kế Sách luôn chào đón các bạn./.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây