Giới thiệu khái quát huyện Khánh Sơn
Văn hóa truyền thống đầy bản sắc dân tộc được thể hiện qua bộ “Đàn đá Khánh Sơn” và “Văn hóa Cồng chiêng” đặc trưng của vùng cao nguyên miền Trung. Trong hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc, Khánh Sơn từng là căn cứ cách mạng với những mặt trận ác liệt như: “Thung lũng tử thần”, căn cứ Tô Hạp, sân bay Tà Nía.
Khánh Sơn có nhiều loại lâm sản có giá trị. Đặc biệt có nhựa cây Tô Hạp được dùng làm gia vị rất quý, nhựa thông ba lá (loại cây mọc thành rừng ở Khánh Sơn). Chè Khánh Sơn thơm ngon nổi tiếng và cây cà phê gần đây đã trở thành cây chủ lực giúp huyện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nhằm đem lại một đời sống ấm no hơn cho cộng đồng dân cư.
Phát huy truyền thống đấu tranh anh dũng, kiên cường trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, ngay từ ngày đầu đất nước thống nhất, Đảng bộ và nhân dân huyện Khánh Sơn đã chung sức đồng lòng bắt tay vào xây dựng quê hương Khánh Sơn với những bước đi đầu tiên đầy khó khăn, thách thức. Cơ sở vật chất hầu như chưa có, nền sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, trình độ dân trí thấp…
Tuy nhiên, với ý chí quyết tâm, tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường, nỗ lực phấn đấu trong 32 năm qua (1985-2017) Đảng bộ và nhân dân huyện Khánh Sơn đã gặt hái được những thành tựu khá nổi bật trên các lĩnh vực kinh tế – xã hội, an ninh – quốc phòng.
Trong sản xuất nông nghiệp, UBND huyện đã từng bước áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng và vật nuôi theo hướng tạo ra hàng hóa. Từ năm 1985-2017, việc đề ra và thực hiện các kế hoạch nhà nước 05 năm với những nhiệm vụ, phương pháp cụ thể đã từng bước đưa nền kinh tế – xã hội huyện Khánh Sơn ngày một ổn định, phát triển. Huyện xác định sản xuất nông nghiệp là ngành chủ lực, từ việc đưa ra nhiệm vụ mở rộng khai hoang, phục hóa tăng diện tích canh tác; phát động chiến dịch trồng mì và cây lương thực ngắn ngày để tăng thêm nguồn lương thực khắc phục tình trạng thiếu ăn trong mùa giáp hạt (nhiệm vụ giai đoạn 1989-1994); nhiệm vụ khai hoang, thâm canh tăng vụ, tăng năng suất và giá trị cây trồng… để đảm bảo đủ nhu cầu lương thực tại chỗ, giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu ăn trong nhân dân (giai đoạn 2001-2005). Huyện đã từng bước áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tạo ra hàng hóa; việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và thực hiện các chương trình KT-XH miền núi bước đầu đã mang lại hiệu quả, tỷ lệ đói nghèo hàng năm giảm, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.
Tình hình kinh tế – xã hội của huyện tiếp tục ổn định và phát triển, sản xuất nông, lâm nghiệp, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ, tài chính năm sau đều tăng so với năm trước. Sản xuất nông – lâm nghiệp tương đối ổn định. Giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản năm 2017 (tính theo giá trị so sánh năm 2010) đạt 145.150 triệu đồng bằng 91,59% KH tăng 5,79% so cùng kỳ (nông nghiệp đạt 126.270 triệu đồng; lâm nghiệp đạt 18.070 triệu đồng; thủy sản đạt 810 triệu đồng). Bên cạnh các loại cây lương thực thì tại vùng đất Khánh Sơn phải kể đến một số loại cây có giá trị kinh tế cao như mít nghệ, sầu riêng, bưởi da xanh, quýt đường… các loại cây công nghiệp như cà phê, hồ tiêu. Chăn nuôi cũng có nhiều chuyển biến hơn so với năm 1985, chăn nuôi gia súc, gia cầm từ việc chăn thả tự do, khó phòng chống bệnh lây lan, khó bảo vệ hoa màu, đến nay người dân đã chú trọng xây dựng các mô hình chăn nuôi, công tác phòng chống dịch bệnh lây lan có tổ chức và được kiểm soát. Tổng đàn trâu hiện có 178 con; bò 4.814 con, đàn heo 4.763 con, đàn gia cầm 32.100 con,. Bên cạnh đó huyện còn chú trọng việc chăm sóc, bảo vệ rừng, đẩy mạnh công tác trồng rừng qua các năm từ năm 1990-1994 trồng được 450,1ha rừng thì đến giai đoạn 2010-2014 nâng con số rừng trồng lên 3.210 ha. Khai thác hợp lý và có hiệu quả tài nguyên rừng. Đến nay tình trạng phá rừng trên địa bàn huyện đã giảm, hầu hết các vụ vi phạm đều được phát hiện và xử lý kịp thời, không phát sinh thành điểm nóng về phá rừng. Điều này cho thấy công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn huyện khánh Sơn trong thời gian qua đã đi vào ổn định và có kiểm soát, hầu hết các đơn vị đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng phương án, kế hoạch, kiện toàn lực lượng để bảo vệ diện tích rừng trên lâm phận được giao.
Dịch vụ – thương mại cũng có nhiều chuyển biến hơn so với trước, từ việc giải quyết các mặt hàng nhu yếu phẩm như muối, nước mắm, dầu hỏa, quần áo, vải, chiếu…. đến nay các mặt hàng đã được đa dạng về mẫu mã, chất lượng tốt hơn.
UBND huyện cũng đã quy hoạch các địa điểm du lịch: Thác Tà Gụ xã Sơn Hiệp, Suối Đá xã Ba Cụm Bắc, rừng thông xã Sơn Hiệp, thác Co Róa xã Sơn Lâm… dần hình thành tuyến du lịch chung cho toàn tỉnh.
Giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp từ 1,425 tỷ (1995) tăng lên 3,6 tỷ (2000) tăng lên 6,924 tỷ đồng (2004) tăng lên 32,552 tỷ đồng năm 2014 và 38.421 triệu đồng năm 2017.
Công tác xây dựng cơ bản là một trong những công tác được UBND huyện chú trọng nhằm phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo nhu cầu đi lại, vận chuyển, cung cấp hàng hóa của người dân. Từ những năm 1988-1995 huyện Khánh Sơn đã tập trung xây dựng các công trình trường học, trụ sở làm việc, sữa chữa, nâng cấp, làm mới đường giao thông, các công trình điện nước và công tác khai hoang. Năm 1995 đã làm được 737m2 nhà ở, trường học, trụ sở làm việc; 2.447m đường nội thị và đường liên thôn; khai hoang được 42,9ha đất đưa vào sản xuất. Đến nay cơ sở hạ tầng ngày được nâng cấp, hệ thống trường học, trụ sở làm việc khang trang hơn, đường Tỉnh lộ 9 được mở rộng, giao thông đi lại thuận lợi đã góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế – xã hội của huyện.
Đạt được những kết quả trên là nhờ vào sự quan tâm lãnh đạo của UBND tỉnh, HĐND và các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn huyện. UBND huyện đã đề ra và thực hiện các kế hoạch năm, kế hoạch 5 năm một cách nghiêm túc, hiệu quả. Trong suốt hơn 30 tái lập và phát triển, UBND huyện Khánh Sơn đã thực hiện thành công các chương trình phát triển kinh tế – xã hội phù hợp với thực tế của địa phương theo từng thời kỳ, Ngoài ra các chương trình phát triển KT-XH miền núi của tỉnh: công trình phủ điện nông thôn, chương trình giao thông nông thôn, chương trình phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, chương trình phát triển nguồn nhân lực, chương trình MTQG xây dựng NTM… đã làm cho đời sống người dân từng bước được cải thiện, từ chỗ thiếu ăn đến cuộc sống sung túc, diện mạo của huyện từng bước được đổi thay.
Trong lĩnh vực văn hóa – xã hội có nhiều chuyển biến đáng kể, các phong trào thể dục thể thao, văn hóa văn nghệ, đền ơn đáp nghĩa… cũng có những tiến bộ. Từ những năm 1985-1988 khi giáo dục điều kiện còn khó khăn, chỉ là những trường lớp còn tạm bợ, đăc biệt là những điểm trường ở xa. Nhưng được sự đầu tư, hỗ trợ của các cấp từ tỉnh đến huyện, sự chỉ đạo sâu sát của Sở Giáo dục và Đào tạo, sự phấn đấu, nổ lực hết mình của đội ngũ cán bộ giáo viên nơi đây, đến năm 2004, 8 xã, thị trấn đều đã xây được trường mẫu giáo. Việc chăm sóc dinh dưỡng, bảo vệ sức khỏe cho các cháu luôn được ngành chú trọng bằng cách thường xuyên tổ chức cân đo, theo dõi sức khỏe các cháu theo biểu đồ tăng trưởng định kỳ tháng, quý; vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân cho trẻ trong trường mầm non, mẫu giáo luôn được quan tâm; các chuyên đề giúp cho trẻ làm quen với chữ viết, toán, vệ sinh răng miệng, an toàn giao thông được phát triển sâu rộng trong các trường… Thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng cho giáo viên về kiến thức nuôi, cách phòng chống ngộ độc; tuyên truyền và phổ biến kiến thức nuôi dạy con cho các bậc phụ huynh. Năm 2000-2001, toàn huyện đã huy động 684 cháu ra lớp mầm non và mẫu giáo, năm học 2005-2006 tăng lên 1.066 cháu, năm 2014-2015 tăng lên là 1.929 cháu, năm học 2017-2018 là 2.731 cháu. Giáo dục phổ thông cũng được đẩy mạnh ở các cấp học, với phương châm giáo dục toàn diện cho học sinh, tăng cường đổi mới phương pháp dạy và học theo hướng tích cực, lấy học sinh làm trung tâm, sử dụng tối đa hiệu quả các đồ dùng thiết bị dạy học sẵn có kết hợp công tác thanh tra, kiểm tra tay nghề trên lớp và hồ sơ sổ sách của từng giáo viên, qua đó giúp giáo viên bám sát nội dung giảng dạy. Phòng Giáo dục&Đào tạo huyện thường xuyên phát động các phong trào thi đua, tổ chức cuộc thi “vở sạch chữ đẹp”, “học sinh giỏi”. Được sự quan tâm của tỉnh, học sinh DTTS đã được hưởng chế độ học bổng; cơ sở vật chất được đầu tư, nhiều trường học được xây mới; trang thiết bị dạy và học đầy đủ hơn trước. tỷ lệ học sinh đạt khá, giỏi cũng tăng qua các năm. Đội ngũ giáo viên được bồi dưỡng, nâng cao về chuyên môn, nghiệp vụ, đến nay 100% giáo viên trong huyện đạt chuẩn và trên chuẩn. Về cơ sở vật chất cơ bản ổn định, các trường đã được xây mới, trường nào xuống cấp thì được tu sửa chữa, đảm bảo cho học sinh có đủ phòng học. Ngành giáo dục trên địa bàn huyện được nâng cao cả về số lượng và chất lượng, từ chỗ giải quyết nạn mù chữ thì nay con em học tập để ra đời lập thân, lập nghiệp, dùng cái chữ làm giàu cho bản thân, quê hương.
Tính đến cuối năm 2017, có 04 trường mầm non được công nhận đạt chuẩn Quốc gia. Công tác Y tế tại huyện Khánh Sơn cũng có nhiều đổi thay, Trung tâm Y tế huyện Khánh Sơn có 1 bệnh viện và 8 trạm y tế xã. Bệnh viện huyện được xây dựng mới khang trang với tổng diện tích 3.000m2, gồm có 10 khoa chuyên môn. Các trang thiết bị phục vụ khám chữa bệnh từng bước được trang bị như máy sinh hóa máu, máy xét nghiệm nước tiểu, máy chụp X-quang, siêu âm, điện tim…. Công tác chuẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân ngày càng tiến bộ rõ nét. Số bệnh nhân đến khám tại bệnh viện huyện là 8.676 lượt (năm 2000), năm 2004 tăng lên 19.024 lượt, đến năm 2014 tăng lên 25.465 lượt bệnh nhân năm 2017 là 53.234 lượt bệnh nhân. Số bệnh nhân được điều trị nội trú cũng ngày càng tăng, năm 2000 có 1.463 lượt, năm 2004 có 1.910 lượt, đến năm 2014 tăng lên 3.973 lượt bệnh nhân và năm 2017 là 5.708 lượt bệnh nhân.
Mạng lưới y tế xã cũng có những chuyển biến tiến bộ, trước năm 2000 toàn huyện có 7 trạm y tế xã, trong đó 3/7 xã có y bác sĩ phục vụ, năm 2005 100% xã có y sĩ và có 1 xã có bác sĩ phục vụ, đến năm 2014, các trạm y tế xã đều có y, bác sĩ phục vụ. Việc điều trị nội trú cho trạm y tế tại tuyến xã cũng có nhiều tiến bộ. Những năm gần đây được sự quan tâm của các cấp, nhiều trạm y tế xã được nâng cấp và xây dựng. Hiện có 8 trạm y tế xã được xây dựng mới và cùng với việc tăng cường trang thiết bị, nhân lực… đã từng bước nâng cao chất lượng phục vụ bệnh nhân tại cơ sở. Bên cạnh những kết quả đã đạt được thì Y tế Khánh Sơn cũng gặp một số khó khăn: trình dộ chuyên môn của đội ngũ bác sĩ còn chưa đồng đều, bác sĩ chuyên khoa còn thiếu; chưa có nhiều chính sách đãi ngộ cho cán bộ, nhân viên y tế phục vụ công tác ở miền núi để họ an tâm công tác. Trang thiết bị Y tế từ tuyến huyện đến tuyến xã, thị trấn tuy được trang bị đầy đủ nhưng khả năng của cán bộ y tế để quản lý, sử dụng có hiệu quả các trang thiết bị này còn hạn chế.
Công tác giải quyết chế độ cho các đối tượng chính sách và đối tượng bảo trợ xã hội, chính sách đối với người đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi cũng ngày càng được chú trọng và làm tốt. Lĩnh vực văn hóa, thông tin cũng đã có nhiều cố gắng trong phát động phong trào văn trào văn nghệ, TDTT, đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; các hoạt động biểu diễn văn nghệ phục vụ quần chúng; củng cố, đẩy mạnh hoạt động của thư viện, hiệu sách.