Giới thiệu khái quát huyện Kim Thành

huyện Kim Thành - Tỉnh Hải Dương

Giới thiệu khái quát huyện Kim Thành

1. Vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên và xã hội

Huyện Kim Thành nằm ở phía đông tỉnh Hải Dương, phia Bắc giáp huyện Kinh Môn, phía Tây giáp huyện Thanh Hà và thành phố Hải Dương, phía Đông nam giáp huyện An Dương – Hải Phòng. Kim Thành có vị trị địa lý tự nhiên thuận lợi, với diện tích tự nhiên 115,64 km2, trong đó diện tích canh tác là 14.552ha, còn lại là diện tích thổ cư, ao hồ và kênh rạch; Dân số tính đến 01/4/2013 là 127.690 người, mật độ dân số bình quân 1.104 người/ km2. Kim Thành được bao bọc bởi hệ thống sông Kinh Môn, sông Rạng, sông Lai Vu, sông Lạch Tray với chiều dài bao quanh 55km, rất thuận tiện cho việc tưới tiêu, phát triển kinh tế và giao thông đường thủy. Huyện có đường sắt và Quốc lộ 5 đi qua với chiều dài 18km nối 3 thành phố Hà Nội – Hải Dương – Hải Phòng, có Tỉnh lộ 388 dài 14,5km nối liền với An Dương – Hải Phòng, đường 389 dài 1,5km nối liền với Đông Triều – Quảng Ninh tạo điều kiện giao lưu, phát triển kinh tế với các tỉnh lân cận; Nằm trong vùng nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ trung bình khoảng 23oC, lượng mưa trung bình khoảng 1.500 – 1600ml.

2. Thành tựu nổi bật và những định hướng phát triển kinh tế – xã hội của huyện đến năm 2020.

2.1. Những thành tựu nổi bật:

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi cho sự phát triển toàn diện nông nghiệp, công nghiệp. Cùng với sự chỉ đạo tích cực của đảng bộ, chính quyền các cấp, trong những năm gần đây, kinh tế – xã hội của huyện Kim Thành đã đạt được những thành tựu khả quan. Nông nghiêp phát triển mạnh mẽ, đổi mới theo hướng sản xuất hàng hóa; đã hình thành vùng thâm canh rau màu, cây ăn quả có giá trị kinh tế cao; các vùng nuôi trồng thủy sản đã góp phần cải thiện thu nhập nâng cao đời sống cho nhân dân.

Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới được các cấp, các ngành và nhân dân hưởng ứng tích cực. Đến nay các xã trong huyện đều đạt từ 7 tiêu chí trở lên, trong đó có 2 xã đạt 16/19 tiêu chí, 01 xã 15/19 tiêu chí đã từng bước làm thay đổi bộ mặt nông thôn của huyện nhà.

Các ngành nghề thủ công truyền thống như làm mộc ở Cổ Dũng (hiện đã được phê duyệt quy hoạch Cụm tiểu thủ công nghiệp Làng nghề), nghề làm hương ở Phúc Thành,… tiếp tục được duy trì và phát triển. Công nghiệp phát triển mạnh mẽ, với 03 khu công nghiệp: Lai Vu, Phú Thái và Kim Thành; 3 Cụm công nghiệp: Kim Lương, Quỳnh Phúc, Cộng Hòa; 20 điểm công nghiệp, dịch vụ và làng nghề đã thu hút nhiều nhà đầu tư, nâng cao giá trị sản xuất công nghiệp. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 13,32% năm, giá trị nông nghiệp – thuỷ sản tăng 3,60%, công nghiệp xây dựng tăng 16,50%, dịch vụ tăng 17,60%. năm 2013, thu nhập bình quân trên 1 đầu người 19,50 triệu đồng; cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ và giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp. Lĩnh vực văn hóa – xã hội có chuyển biến tích cực. Tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững.

2.2. Định hướng phát triển kinh tế – xã hội của huyện tới năm 2020

So với lợi thế và tiềm năng, huyện Kim Thành còn chưa phát huy tương xứng. Trong những năm tới, Kim Thành tận dụng tốt thời cơ, thuận lợi, phát huy mọi nguồn lực, phấn đấu mục tiêu phát triển nhanh, vững chắc, toàn diện. Đảm bảo tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn mức bình quân chung của tỉnh Hải Dương. Công nghiệp giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế; dịch vụ chất lượng cao; nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao. Kết cấu hạ tầng kỹ thuật – xã hội đồng bộ; đô thị, nông thôn phát triển theo hướng văn minh, hiện đại. Có nguồn nhân lực chất lượng cao, cơ cấu lao động chuyển dịch nhanh từ lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp. Đời sống vật chất – tinh thần của nhân dân được nâng cao, đảm bảo an sinh xã hội. Môi trường bền vững, Quốc phòng-an ninh vững chắc. Về định hướng phát triển các ngành của huyện Kim Thành đến năm 2020, cụ thể như sau:

a. Lĩnh vực phát triển nông nghiệp

Chú trọng phát triển các cây có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định, hình thành các vùng rau chuyên canh hàng hóa đồng thời chú trọng đến sản xuất rau an toàn. Sản phẩm nông nghiệp hàng hóa phục vụ cho người dân địa phương; khu công nghiệp – đô thị, cung cấp cho thị trường thành phố Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nội và xuất khẩu. Dự kiến đến năm 2015 diện tích rau ổn định 4.200 ha, đến năm 2020 là 4.300 ha. Năng suất đạt từ 262 – 266 tạ/ha. Hoàn thành lập quy hoạch và triển khai xây dựng vùng sản xuất hàng hóa nông sản tập trung khu vực xã Đồng Gia (gồm các xã: Đồng Gia, Bình Dân, Liên Hòa, Cẩm La, Kim Tân, Đại Đức,Tam Kỳ) với diện tích 700-900ha. Quy hoạch vùng chuyên canh hành, tỏi với diện tích 130 ha (Cộng Hòa, Thượng Vũ, Tuấn Hưng, Việt Hưng).

Đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất quan trọng trong sản xuất nông nghiệp. Hình thành được những khu chăn nuôi tập trung, hiện đại và gắn với vùng an toàn dịch bệnh.

Phát triển hình thức nuôi trồng thủy sản tập trung, khai thác có hiệu quả vùng nuôi trồng thủy sản tập trung Đầm Nái, Đầm Tôm (Tam Kỳ, Đại Đức). Phương thức nuôi trồng chủ yếu là thâm canh, bán thâm canh, đồng thời khuyến khích nuôi theo phương thức bán công nghiệp, công nghiệp.

b. Lĩnh vực phát triển công nghiệp – xây dựng

Công nghiệp – xây dựng vẫn giữ vai trò nòng cốt và chủ chốt, là nhân tố tạo đột phá quyết định đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế huyện, thúc đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp nông thôn; Nhiệm vụ trọng tâm là tiếp tục thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư lấp đầy các khu, cụm công nghiệp đã được quy hoạch, đặc biệt các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào sản xuất công nghiệp. Ưu tiên thu hút các dự án đầu tư công nghiệp sử dụng công nghệ tiên tiến, sản phẩm công nghệ cao, sản xuất thân thiện môi trường; khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các tập đoàn kinh tế đầu tư mở rộng sản xuất, đổi mới thiết bị công nghệ, nâng cao chất lượng, giảm giá thành và xây dựng thương hiệu hàng hoá; gắn phát triển TTCN – ngành nghề nông thôn với phát triển cụm công nghiệp, điểm công nghiệp. Trong đó, phát huy vai trò doanh nghiệp như nòng cốt, hạt nhân lan tỏa, còn sản xuất quy mô hộ đóng vai trò như những vệ tinh kết nối. Đẩy mạnh phát triển ngành nghề, làng nghề sản xuất phù trợ cho ngành công nghiệp.Ưu tiên phát triển các ngành chủ lực như sau: Công nghiệp cơ khí (đóng tàu, cơ khí chế tạo, lắp ráp máy móc, cơ khí chính xác; Công nghiệp sản xuất hàng tiêu dùng, xuất khẩu dệt, may da dày; Công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng hiện đại; Công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm.

c. Lĩnh vực phát triển Thương mại – dịch vụ

Phát triển, nâng cao chất lượng các dịch vụ thương mại nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng xã hội và xuất khẩu, tạo sức cạnh tranh cho các sản phẩm thế mạnh của địa phương. Khai thác có hiệu quả trung tâm thương mại, các khu thương mại – dịch vụ. Tạo mối liên kết chặt chẽ giữa phát triển thương mại với phát triển TTCN, và các Khu, cụm công nghiệp, trong đó tập trung phát triển:

– Xây dựng và phát huy tối đa vai trò các khu trung thương mại – dịch vụ, siêu thị, các chợ đầu mối.

– Phát triển mạnh hơn nữa dịch vụ vận tải bao gồm cả vận tải bộ và vận tải thủy (xây dựng cảng sông, xây dựng bến xe, trung tâm sát hạch lái xe).

– Chú trọng phát triển dịch vụ giáo dục – đào tạo, dịch vụ y-tế, bưu chính viến thông, ngân hàng phục vụ cho các khu đô thị – dịch vụ, khu công nghiệp.

d. Phát triển kết cấu hạ tầng đến năm 2020

* Về phát triển mạng lưới giao thông

– Xây dựng mới và mở rộng đường gom phía Nam QL5 bê tông nhựa tuyến từ xã Kim Lương – thị trấn Phú Thái – xã Kim Xuyên.

– Mở rộng TL388 từ QL5 – Ngọ Dương (Hải Phòng) mặt đường rộng 11,0 m, nền đường rộng 13,0 m.

– Nâng cấp tuyến từ đò Giải – cầu Bồng xã Kim Tân chiều dài 6,8 km lên đường tỉnh lộ.

– Xây dựng đường tránh thị trấn Phú Thái (cầu An Thành).

– Xây dựng đường đi vào bệnh viện Đa khoa mới.

– Nâng cấp tuyến đường từ cầu Bất Nạo – cầu (Kim Lương – Kim Khê) chiều dài 3,0 km lên đường cấp huyện quản lý.

– Tập trung xây dựng và cải tạo các trục đường liên xã. Đẩy mạnh phong trào cứng hóa giao thông nông thôn. Phấn đấu đến năm 2020 có 100% đường liên thôn, xóm được nhựa hóa hoặc bê tông hóa.

– Từng bước nâng cấp mở rộng, cứng hóa các đường trục nội đồng, nhất là những vùng sản xuất nông sản hàng hóa (lúa, rau màu, chăn nuôi,…). Đảm bảo yêu cầu thuận tiện trong vận chuyển nông sản đi tiêu thụ. Đầu tư giao thông nội đồng gắn liền với quy hoạch lại đồng ruộng và thủy lợi nội đồng.

Hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi toàn huyện, đặc biệt những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa tập trung, khu sản xuất nông công nghệ cao nhằm nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm nông nghiệp.

e. Lĩnh vực phát triển văn hóa – xã hội

Tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo và ứng dụng khoa học công nghệ, quan tâm đào tạo nghề cho người lao động, đáp ứng nhu cầu thị trường; tăng cường bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Thực hiện tốt chính sách dân số, gia đình và trẻ em, xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc; đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá”, phòng trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”, từng bước ngăn chăn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội; thực hiện tốt chính sách xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm; tăng cường, củng cố quốc phòng an ninh, thực hiện tốt công tác thanh tra, tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, đảm bảo giữ vững trật tự kỷ cương, ổn định tình hình chính trị, xã hội. Đồng thời thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để không ngừng nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, bởi vì trong mọi giai đoạn lịch sử, Đảng luôn đóng vai trò hạt nhân, là nhân tố tiên quyết đối với sự thắng lợi.

Lịch sử hình thành

Trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc, cùng với sự thay đổi tổ chức hành chính của đất nước, huyện Kim Thành cũng có nhiều thay đổi về địa giới và tên gọi. Từ một bộ phận của bộ Dương Tuyền thời kỳ Hùng Vương, Giao Chỉ rồi Giao Châu (thiên niên kỷ 1), đến năm 1831, tỉnh Hải Dương được thành lập bao gồm 3 phủ, huyện Kim Thành thuộc phủ Kinh Môn. Dưới thời Pháp thuộc, Kim Thành được chia làm 6 tổng với 60 làng và phố huyện Bằng Lai, huyện lỵ đóng tại Bằng Lai (Ngũ Phúc). Năm 1968, tỉnh Hải Dương và Hưng Yên hợp nhất lấy tên là tỉnh Hải Hưng, huyện Kim Thành thuộc tỉnh Hải Hưng. Năm 1979, thực hiện quyết định của Chính phủ, hai huyện Kim Thành và Kinh Môn hợp nhất lại lấy tên là huyện Kim Môn, huyện lỵ được đặt tại huyện Kim Thành cũ, thuộc địa bàn xã Kim Anh. Năm 1997, huyện Kim Môn tái lập thành 2 huyện Kim Thành và Kinh Môn, huyện lỵ Kim Thành được đặt tại thị trấn Phú Thái như hiện nay. Trải qua nhiều lần phân hợp đến nay, Kim Thành gồm có 20 xã và 01 thị trấn.

Nhân dân Kim Thành có truyền thống siêng năng, cần cù và hiếu học. Trong thời kỳ phong kiến, theo thống kê từ khoa thi đầu tiên (1057) đến khoa thi cuối cùng (1919) cả huyện có 13 người đỗ đại khoa, trong đó có 5 người đỗ Hoàng giáp, 8 người đỗ đệ tam giác, có những người làm đến chức Thượng thư trong triều…

Trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm quân và dân Kim Thành kiên cường, bất khuất, nhất là từ khi có sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam do Bác Hồ sáng lập. Ngày 20/9/1945, Đảng bộ huyện Kim Thành được thành lập, là một trong số ít đảng bộ ra đời sớm của tỉnh Hải Dương với ban đầu là 3 đảng viên cho đến nay Đảng bộ phát triển trên 5.000 đảng viên. Đảng bộ Kim Thành đã lãnh đạo nhân dân lập nhiều thành tích trong chiến đấu và xây dựng phát triển kinh tế; là nơi khởi phát “Tiếng sấm đường 5” với trận đánh mìn nổi tiếng ở ga Phạm Xá (Tuấn Hưng) làm chết hàng ngàn tên địch, chiến thắng Trại Mía (Liên Hòa) hay hình ảnh “Cô du kích Lai Vu, rắn quấn bên chân vẫn bắn thù”, là một trong những minh chứng rõ nét cho truyền thống đánh giặc của quân và dân Kim Thành. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp, Mỹ toàn huyện đã có 2.592 liệt sĩ, 831 thương binh, 134 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 4 cá nhân là anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Với những thành tích xuất sắc đó, năm 1996, Đảng bộ, nhân dân, lực lượng vũ trang nhân dân huyện và 4 xã: Lai Vu, Cộng Hòa, Kim Xuyên, Đại Đức được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Đó là niềm vinh dự tự hào của toàn đảng, toàn dân trong huyện. Phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống của ông cha, nhân dân Kim Thành ngày nay tiếp tục phấn đấu cùng nhau chung sức, chung lòng vì sự nghiệp xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp, văn minh, no ấm và hạnh phúc.

Thắng cảnh di tích

Cộng đồng người Kim Thành chủ yếu là người Kinh, nhân dân đa số theo đạo Phật, còn lại số ít theo đạo Thiên Chúa. Tuy có sự khác nhau về tôn giáo, song trong suốt quá trình lịch sử, nhân dân Kim Thành luôn đoàn kết, thương yêu đùm bọc, gắn bó bên nhau chống giặc ngoại xâm, cùng nhau vượt qua những khó khăn thử thách để xây dựng quê hương Kim Thành ngày càng phát triển.

Đời sống văn hóa tinh thần của người dân Kim Thành rất phong phú, các hội làng, hội đình… được tổ chức vào dịp đầu xuân với nhiều trò chơi dân gian và các hoạt động văn hóa, văn nghệ mang đậm nét bản sắc văn hóa dân tộc. Toàn huyện có 92 đình, đền, chùa, miếu, 8 Nhà thờ công giáo. cho đến nay đã có 7 công trình lịch sử kiến trúc nghệ thuật được Nhà nước xếp hạng di tích Quốc gia gồm: Chùa Muống (xã Ngũ Phúc); Cụm di tích: Đình Dưỡng Thái, Chùa Cảnh Linh (xã Phúc Thành); Đình Kiên Lao (xã Đại Đức); Cụm di tích: Đình Lương Xá, Tháp Gạch Cửu phẩm Liên hoa (xã Kim Lương) và Tháp đá Cửu phẩm Liên hoa (xã Kim Tân) Có 14 di tích được xếp hạng cấp tỉnh tại 12 xã. Các di tích này, mặc dù đã trải qua hằng trăm năm, do sự thăng trầm của lịch sử, thiên tai, địch họa đã làm mất đi nhiều di tích quý hiếm nhưng vẫn còn giữ lại được những dấu ấn tốt đẹp của những di tích này.

I. Di tích lịch sử cấp Quốc gia:

1. Chùa Quang Khánh (Chùa Muống) xã Ngũ Phúc

Chùa Quang Khánh là một ngôi chùa lớn của đất nước thuộc thiền phái Trúc Lâm. Chùa có từ thời Trần đầu thế kỷ 14 do Huệ Nhẫn Quốc sư Vương Quán Viên chủ trì, Huệ Nhẫn còn là một lương y có tài chữa mắt. Vua Lê Thánh Tông đã từng đến chùa, đề thơ tại di tích. Chùa là cơ sở cách mạng và kháng chiến của xứ uỷ và tỉnh. Đến năm 1947 chùa còn 120 gian, 32 tháp đá và gạch, khoảng 50 pho tượng phật và nhiều cổ vật. Đây là ngôi chùa nhiều gian nhất tỉnh. Đồng thời là trung tâm tôn giáo tín ngưỡng thuộc về đạo phật lớn nhất của huyện Kim Thành. Chùa được xếp hạng di tích Quốc gia năm 1992. Hàng năm Lễ hội được tổ chức trong 3 ngày là: 24 + 25 + 26 tháng Giêng (âm lịch) dân gian thường gọi là Lễ hội Non Đông. Do lợi thế giao thông thuỷ bộ và là một ngôi chùa cổ có tiếng ở khu vực do vậy hàng năm thu hút vài ngàn du khách tới Lễ hội Chùa.

2. Cụm di tích: Đình, Chùa Dưỡng Thái xã Phúc Thành

* Đình Dưỡng Thái được xây dựng để thờ Thần hoàng làng Nguyễn Thụy Hường, người có công giúp vua Lý đánh giặc Tống xâm lược thế kỷ XI. Đình nằm trên một mảnh đất cao ráo, phía trước mặt là con sông Vận Lương nay gọi là sông Thái. Đình được khởi dựng vào năm 1883, trên thượng lương còn ghi rõ “Hoàng triều Kiến Phúc nguyên niên tuế thứ giáp thân niên bát nguyệt sơ thập cát nhật lương thời trụ trụ thượng lương” (Dựng thượng lương và năm Kiến Phúc nguyên niên tháng 8 ngày 10 năm 1883). Đình có kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 3 gian đại bái 2 gian dĩ và 3 gian hậu cung. Đây là một di tích được khởi dựng thời Nguyễn nên kiến trúc mang đậm nét phong cách thời Nguyễn. Bốn góc đao cong, các phù điêu hình rồng, phượng, kìm và đặc biệt là mũi đao được trang trí phù điêu đất nung thời Lê.

* Chùa Dưỡng Thái có tên chữ “Cảnh linh tự” tên Nôm là “Chùa Oi” được xây dựng vào năm 1690. Chùa cách Đình khoảng 300m về phái tây, đây là ngôi chùa đẹp, hạng mục như tam quan, tiền đường, thượng điện đều là công trình nghệ thuật đặc sắc, cổ kính, được kiến tạo theo kiểu chồng rường đấu sen, hiện tại chùa có 6 gian tiền đường và 3 gian thượng điện.

Căn cứ vào những giá trị lịch sử, năm 1995, Đình chùa Dưỡng Thái được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia. Hiện nay, cụm di tích đình, chùa đang được từng bước trùng tu, tôn tạo. Lễ hội hàng năm mở vào các ngày 10 + 11 + 12 tháng giêng (âm lịch).

3. Đình Kiên Lao thuộc xã Đại Đức.

Nơi đây được xây dựng để thờ hai vị Thần hoàng làng là Đào Công Chiêu và Đào Công Hiển có công đánh giặc Tống ở thế kỷ X. Nơi đây còn lưu giữ được 2 cuốn thần phả và 12 đạo sắc phong thời Lê và thời Nguyễn phong cho hai vị Thần hoàng làng và nhiều cổ vật và đồ thờ có giá trị như: Khám thờ thời Nguyễn, 3 bức đại tự, 3 câu đối, 3 hương án thời Nguyễn….

Công trình được xây dựng theo kiến trúc kiểu chữ Đinh gồm 5 gian tiền tế, 3 gian hậu cung, mái lợp ngói mũi, trên nóc đắp hai con kìm, giữa hình lưỡng long chầu nguyệt, đình mang đậm dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn. Căn cứ vào những giá trị lịch sử, năm 1995, Đình Kiên Lao được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia, hiện nay, ngôi đình đang được từng bước trùng tu, tôn tạo.

Lễ hội hằng năm được tổ chức vào ngày 15/11 (Âm lịch).Có tục tế thần, rước kiệu rất đặc sắc mang đậm nét văn hóa truyền thống được nhân dân và du khách ngưỡng mộ. Hiện nay Lễ hội đã được Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch hoàn thiện Hồ sơ, kịch bản Lễ hội điểm và đã tiến hành tổ chức Lễ hội theo đúng kịch bản từ năm 2012.

4. Di tích Đình Lương Xá (Kim Lương)

Đình Lương Xá thờ ông Đào Nhã là người có công giúp nhà Trần chống quân xâm lược Nguyên Mông ở thế kỷ 13; Công lao của ông đã được ghi trong thần tích, sắc phong, câu đối hiện còn và lưu giữ tại di tích, được ghi trong thần tích, sắc phong, câu đối hiện còn và lưu giữ tại di tích. Đình còn phối thờ bà Trần Thị Hường người ủng hộ phong trào Cần Vương chống Pháp cuối thế kỷ 19. Đình Lương Xá khởi dựng vào cuối thế kỷ 19, trùng tu lớn vào năm 1930. Di tích kiến trúc khá đồng bộ từ Đại bái, Hậu cung và Giải vũ, là một di tích có quy mô lớn, có nhiều mảng chạm khắc, phù điêu đạt trình độ nghệ thuật cao. Với lối kiến trúc này, giúp chúng ta nghiên cứu lịch sử điêu khắc cổ Việt Nam. Căn cứ vào những giá trị lịch sử, năm 2001, Đình Lương Xá được Nhà nước công nhận di tích lịch sử cấp Quốc gia. Đối với địa phương, đình Lương Xá không chỉ là nơi tôn thờ người có công với nước, nơi đây còn ghi dấu ấn trong công cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Là nơi ghi dấu ấn văn hoá, tín ngưỡng làng xã khá đậm nét. Nghiên cứu lịch sử di tích đình Lương Xá là mang lại cho chúng ta nguồn tư liệu quý giá, trong việc tìm hiểu phong tục, tập quán, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Lễ hội có tục rước tế thần theo phong tục lâu đời của nhân dân địa phương được tổ chức vào ngày 8/3 (âm lịch). Hiện nay Lễ hội đã được Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch hoàn thiện Hồ sơ, kịch bản Lễ hội điểm và đã tiến hành tổ chức Lễ hội theo đúng kịch bản từ năm 2014.

II. Di tích lịch sử cấp Tỉnh

1. Đền, chùa Kim Lộc – Thị trấn Phú Thái

Đền Chùa Kim Lộc là 1 trong 14 di tích lịch sử văn hoá xếp hạng cấp Tỉnh của huyện Kim Thành. Đồng thời là 1 trong 2 di tích được Chủ tịch UBND tỉnh ra quyết định công nhận xếp hạng di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh năm 2013 của huyện nhà. Đây thực sự là niềm vinh hạnh của Đảng bộ và nhân dân Thị trấn Phú Thái.

Đền Chùa Kim Lộc trước đây nguyên là một ngôi chùa có tên là Đền Tru và Chùa Kim Lộc. Trước Cách mạng tháng 8 năm 1945, khu di tích Đền Chùa Kim Lộc là nơi thành lập chi bộ Đảng đầu tiên của làng Bất Nạo, nơi hội họp, huấn luyện và hoạt động của đội quân du kích tự vệ xã Kim Anh (theo cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Kim Anh năm 2008). Vào những năm 1947 – 1950, di tích bị thực dân Pháp bắn phá, bị hư hỏng hoàn toàn.

Đền Kim Lộc tôn thờ thành hoàng làng là Phạm Cảnh Lương, đệ nhị giáp tiến sĩ khoa Bính Thìn, niên hiệu Hồng Đức thứ 27 (1469), có công giúp vua Lê Thánh Tông đánh thắng quân Chiêm Thành ở đất Quảng Nam được phong Thiếu Bảo Liên Khê Hầu và bà Phạm Thị Quý (Quỳnh Phương Tiên Phi Công Chúa – Bà Chúa), chị gái của tiến sĩ Phạm Cảnh Lương. Ngoài ra, Đền Kim Lộc còn có ban thờ Mẫu. Đây cũng là một trong những tín ngưỡng văn hóa tâm linh lâu đời của người dân Việt Nam.

Chùa Kim Lộc là nơi thờ Phật theo phái Đại Thừa, một thiền phái phổ biến tại các ngôi chùa ở miền Bắc Việt Nam.

Đền Chùa Kim Lộc được xây dựng ở vị trí trung tâm của thôn, trên một khu đất bằng phẳng. Phía trước và sau khu di tích đều giáp với khu dân cư. Cụm di tích là thiết chế văn hóa tâm linh, nơi giáo dục truyền thống của cộng đồng nhân dân, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân sở tại.

Lễ hội truyền thống của làng Đồng Văn hiện nay nói chung và cụm di tích Đền Chùa Kim Lộc nói riêng nằm trong lễ hội truyền thống của cả một quần thể di tích gồm đình, chùa, đền, miếu thuộc làng Bất Nạo cũ (gồm cả Thị trấn Phú Thái và xã Kim Anh) với nhiều nghi thức, nghi lễ trang trọng và là một trong những lễ hội lớn tiêu biểu của dân cư nơi đây. Lễ hội được tổ chức vào ngày mồng 8 và mồng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, ngày chính hội là ngày mồng 9. Trong lễ hội có rước, tế lễ và tổ chức các trò chơi dân gian. Ngoài lễ hội chính, trong năm còn có một số sự lệ khác như ngày mồng 8 tháng giêng: Xuân tế; ngày mồng 10 tháng giêng: Hội lão tế thần; ngày mồng 8 tháng hai: giỗ Đức thánh cả Lợi Sinh cư sĩ và Lợi Dụng cư sĩ; ngày mồng 5 tháng 5: ngày sinh của tiến sĩ Phạm Cảnh Lương; ngày 15 tháng 6: giỗ bà Quỳnh Phương Tiên Phi Công Chúa Phạm Thị Quý; ngày 15 tháng 8: giỗ tiến sĩ Phạm Cảnh Lương; ngày 10 tháng 10: lễ thường tân (xôi mới). Ở chùa, có ngày mồng 3 tháng 3: giỗ Mẫu; ngày mồng 1 tháng 4: lễ vào hè; ngày mồng 8 tháng 4: ngày Phật Đản; ngày 15 tháng 7: lễ Vu Lan (ngày xá tội vong nhân); ngày mồng 7 tháng 2 và ngày 19 tháng 9: giỗ Tổ. Hiện nay, lễ hội chính của cụm di tích Đền Chùa Kim Lộc được tổ chức vào ngày mồng 5, mồng 6 tháng giêng. Các ngày lễ tiết khác tại Đền Chùa vẫn được giữ nguyên.

Căn cứ kết quả khảo sát, điền dã, nghiên cứu về lịch sử vùng đất, nhân vật được tôn thờ và hệ thống bia ký hiện lưu giữ tại di tích, thì Đền Chùa Kim Lộc được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI. Chùa Kim Lộc được xem là một ngôi chùa lớn trong vùng, nằm trong một quần thể các công trình kiến trúc phong phú, đa dạng. Tuy nhiên, cụm di tích đã bị phá trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Hiện nay, Đền được phục dựng còn đơn sơ. Chùa có kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm 5 gian tiền đường và 2 gian thượng điện, chất liệu gỗ tứ thiết. Hệ thống các con rường, đấu vuông, ván mê, bẩy hiên được chạm khắc hoa văn là lật, đề tài tứ quý có giá trị kĩ, mỹ thuật cao, mang đậm dấu ấn nghệ thuật thời Nguyễn. Cụm di tích hiện còn lưu giữ một số di vật, cổ vật có giá trị về mặt niên đại và nghệ thuật thời Lê và Nguyễn như: 02 tấm bia đá có niên đại tuyệt đối năm 1502 do chính tiến sĩ Phạm Cảnh Lương soạn; bia và mộ tháp thời Nguyễn, tượng A Di Đà, tượng Thích Ca Niệm Hoa, mâm bồng,…

Đặc biệt giá trị của cụm di tích là việc lưu giữ tấm bia đá hộp, do chính tay tiến sĩ Phạm Cảnh Lương đề được đặt tại mộ của chị gái mình là Quỳnh Phương Tiên Phi công chúa Phạm Thị Quý hay còn gọi là Bà Chúa (Bà là người có công nuôi dậy và có ảnh hưởng lớn đến nhân cách, con người Tiến sĩ Phạm Cảnh Lương). Bia được làm bằng chất liệu đá theo kiểu hình hộp. Gồm 2 tấm có gờ chồng khít vào nhau. Bia thứ nhất cao 59,5 cm, rộng 42 cm, dầy 07 cm, có dáng hình chữ nhật đứng, dẹt, xung quanh thành cao, trơn không hoa văn, lòng bia trũng hình máng, không mài nhẵn. Ở chính giữa khắc một dòng chữ Hán to, rõ ràng. Nội dung ghi: “Hoàng Việt Kinh Bắc Thừa Ty lại thê Phạm thị chi mộ” tức là Mộ của bà họ Phạm là vợ của quan lại Thừa Ty Kinh Bắc thời Hoàng Việt.

Tấm bia đá thứ hai cao 59 cm, rộng 42,5 cm. Bia hình chữ nhật đứng, dẹt, xung quanh trơn không hoa văn, lòng bia nổi, xung quanh sâu xuống 02 cm. Phía trên tấm bia có ghi: “Tiền Kinh Bắc Thừa Ty lại Liên Hồ tiên sinh Lê thị thê mộ chí” tức là: Mộ chí vợ Quan Thừa Ty Lại Kinh Bắc Liên Hồ tiên sinh họ Lê. Nội dung văn bia khoảng 700 chữ bằng chức Hán. Bia do chính Tiến sĩ Phạm Cảnh Lương soạn năm 1502.

Nội dung tấm bia chủ yếu tập trung nói thân thế, cuộc đời, sự nghiệp và ca ngợi đức độ, phẩm hạnh bà Phạm Thị Quý từ khi còn nhỏ đến khi lập gia đình và mất đi. Qua lời văn cũng có thể xem là lời khóc thương của tiến sĩ Phạm Cảnh Lương đối với chị gái của mình, chúng ta dường như thấy lại được toàn bộ những phẩm chất, đức hạnh tiêu biểu của người phụ nữ Việt Nam xưa đó là: “công, dung, ngôn, hạnh”. Trong văn tế ngày giỗ bà ngày 15 tháng 6 cũng nói bà là một phụ nữ có phẩm chất cao quý “Tôn linh công chúa trong suốt tựa băng sương, tên vang như ngọc, chất lưu muôn thủa”. Đối gia đình bà luôn giữ trọn đạo hiếu dâu con, làm rạng danh gia tộc: “Phàm đạo làm con, làm vợ, làm mẹ, chị đều rất hiếu thảo hiền từ, cần kiệm, đức hạnh, hòa mục, cung kính nhân nghĩa đầy đủ cả”. Đối với chồng là Quan Thừa ty sứ Kinh Bắc – Hồ Sĩ tiên sinh bà được coi là “nội tướng” giúp chồng được nhiều việc. Vì vậy mà trong suốt thời gian làm quan của mình, Hồ Sĩ tiên sinh – chồng bà được xem là người nổi tiếng khí tiết nhà nho, là vị quan giỏi, thanh liêm, cẩn thận. Riêng đối với tiến sĩ Phạm Cảnh Lương, bà có công nuôi dạy, động viên khuyến khích Phạm Cảnh Lương đèn sách. Phạm Cảnh Lương sau đỗ đạt cao, có nhiều công danh, tiến thân hiển đạt trên đường hoạn lộ, cũng một phần công lao của bà. Văn tế ngày giỗ ca ngợi “Bà vừa là chị lại kiêm cả đạo làm mẹ”. Chính vì thế, lời văn nội dung của tấm bia mộc mạc mà thấm đã tình người, thể hiện được niềm tiếc thương và biết ơn vô hạn của một người em đối với chị. Lời khóc chị của ông cũng như là lời nhắc nhở chính mình sống sao cho thật tốt, để xứng đáng với dòng tộc, với người chị đã yêu thương mình hết dạ, hết lòng. Nội dung văn bia nói về bà Phạm Thị Quý nhưng đọc lên chúng ta một lần nữa thấy được con người, sự nghiệp cũng như nhân cách, đức độ của Tiến sĩ Phạm Cảnh Lương. Nếu không có một tấm lòng bao dung, độ lượng, một đức độ, tài trí hơn người thì Phạm Cảnh Lương có viết ra được những lời văn như vậy?. Những lời răn dạy của người chị gái đối với ông khi ông làm quan không thuận lợi, thường đi giao du đây đó, chị khuyên phải giữ mình, chuyên cần học tập. Đến khi đỗ Tiến sĩ làm quan Hiệu lí Tri huyện, Ngự sử, Hiến sát sứ, mỗi khi nhậm chức chị đều căn rặn làm quan chớ có tham lam; trong đời thường thì chớ có kiêu căng, mắng nhiếc, hại người,…Thử hỏi nếu ông không nghiêm túc thực hiện những lời răn dạy đó, hẳn bây giờ viết những lời này cho chị gái, ông có còn nhớ?.

Tấm bia thực sự không chỉ có ý nghĩa về mặt niên đại (niên đại tuyệt đối 1502), được xem là một trong những loại hình bia ký hiếm gặp thời Lê còn đến ngày nay, mà còn có giá trị về mặt tư liệu lịch sử và văn hóa. Thông qua hai tấm bia đá này mà lịch sử nhân vật được thờ tại di tích Đền Chùa Kim Lộc ngày càng được thêm sáng tỏ, con người và nhân cách của nhân vật được tôn thờ càng được khẳng định rõ ràng. Và, hơn hết là nội dung tấm bia mang tính nhân văn sâu sắc. Nội dung tấm bia đã không chỉ thể hiện được tình cảm, niềm trân trọng và tiếc thương vô hạn của một người em đối với chị của mình, mà nó còn thể hiện tình nghĩa sâu sắc giữa con người với con người. Những lời căn rặn, nhắn nhủ, khuyên bảo mà người chị gái dành cho Phạm Cảnh Lương đến nay đọc và suy ngẫm vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt là trong xã hội hiện nay khi mà “tình người” được một số người xem như là một món đồ “xa xỉ”.

Với những giá trị lịch sử văn hóa mang trong mình, ngày 25 tháng 01 năm 2014, cụm di tích Đền Chùa Kim Lộc đã được Chủ tịch UBND tỉnh ra Quyết định số 430/QĐ-UBND, xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây