Giới thiệu khái quát huyện Lạc Thuỷ

Giới thiệu khái quát huyện Lạc Thuỷ

Giới thiệu khái quát huyện Lạc Thuỷ

Huyện Lạc Thuỷ nằm về phía đông nam tỉnh Hoà Bình, có ranh giới phía đông giáp huyện Kim Bảng và huyện Thanh Liêm (tỉnh Hà Nam), phía tây giáp huyện Yên Thuỷ (tỉnh Hoà Bình), phía bắc giáp huyện Kim Bôi (tỉnh Hoà Bình), phía nam giáp huyện Gia Viễn và huyện Nho Quan (tỉnh Ninh Bình).

Lạc Thuỷ có tổng diện tích tự nhiên 293 km2 (chiếm 6,3% diện tích toàn tỉnh), dân số trung bình 49.460 người (chiếm 6,2% dân số cả tỉnh), mật độ dân số trung bình khá thưa, chỉ đạt 169 người/km2 (bằng 0,9 lần mật độ dân số toàn tỉnh).

Địa hình huyện Lạc Thuỷ mang tính chất đặc trưng trung chuyển giữa trung du và miền núi. Nhìn tổng thể, địa hình Lạc Thuỷ có xu hướng thấp dần theo hướng từ tây bắc xuống đông nam, tương đối phức tạp với nhiều đồi và núi đá vôi, xen kẽ là hệ thống sông, suối.

Khí hậu Lạc Thuỷ mang nét đặc trưng của khí hậu nhiệt đới gió mùa, một năm có hai mùa khá rõ rệt: mùa khô và mùa mưa. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10. Trong mùa mưa, lượng mưa tương đối cao: 1.681 mm, chủ yếu tập trung vào tháng 6 và 7. Mùa khô bắt đầu từ tháng 11 năm trước và kết thúc vào tháng 4 năm sau. Vào mùa mưa, do điều kiện mặt đệm và địa hình chia cắt mạnh kết hợp với mưa lớn dễ gây ra lụt lội, lũ quét ảnh hưởng đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Độ ẩm trung bình năm khoảng 75 – 86%, cao nhất vào các tháng 7 và 8. Nhiệt độ trung bình năm khoảng 23oC, cao nhất là 28oC, thấp nhất là 17,2oC. Khí hậu Lạc Thuỷ lạnh nhất từ giữa tháng 11 năm trước đến tháng 2 năm sau.

Cơ cấu đất của Lạc Thuỷ gồm: diện tích đất nông nghiệp là 5.455 ha (chiếm 18,6% diện tích của huyện), đất lâm nghiệp có rừng là 12.766 ha (chiếm 43,51%). Về mặt chất lượng, nhìn chung tầng đất canh tác nơi đây mỏng, có nguồn gốc hình thành từ đá vôi, granít, sa thạch, trầm tích… Kết quả phân tích định lượng cho thấy: lớp đất ở Lạc Thuỷ có độ phì khá, thuận lợi cho phát triển các loại cây công nghiệp và cây ăn quả.

Rừng ở Lạc Thuỷ có chủng loại cây phong phú và đa dạng: bương, tre, nứa, mây, song, cây dược liệu quý… Trong rừng có nhiều loài thú quý sinh sống như: hổ, báo, gấu, trăn, rắn, hươu, nai…

Nguồn tài nguyên khoáng sản đáng kể nhất của Lạc Thuỷ là cát vàng, đá, sỏi. Cát vàng được khai thác chủ yếu ở ven sông Bôi; sỏi tập trung ở các xã Phú Lão, Đồng Tâm và An Lạc; đá tập trung ở các xã Phú Lão (với trữ lượng khoảng 195.000 m3), Đồng Tâm (33.000 m3), Khoan Dụ (20.000 m3). Ngoài ra, ở Lạc Thuỷ còn có một số mỏ khoáng sản khác, nhưng trữ lượng nhỏ như: mỏ than đá ở Lạc Long, thị trấn Chi Nê, Đồng Môn mỗi năm có thể khai thác khoảng 2.000 tấn; mỏ ăngtimoan, thuỷ ngân ở xã An Bình với trữ lượng không đáng kể.

Huyện Lạc Thuỷ được thiên nhiên ưu đãi về cảnh quan thiên nhiên và có nhiều di tích kỳ thú như chùa Tiên (xã Phú Lão), hang Đồng Nội (xã Đồng Tâm), hồ Đá Bạc (xã Phú Thành)… là những địa danh hấp dẫn du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Bên cạnh đó, Lạc Thuỷ còn có cảnh quan môi trường độc đáo của một huyện chuyển tiếp giữa miền núi và đồng bằng, có nhiều cảnh đẹp có thể phát triển thành những khu điều dưỡng có giá trị.

Lịch Sử

Từ lâu đời, vùng đất Lạc Thuỷ đã là một trong những địa điểm quần cư của con người. Đã có khá nhiều hiện vật khảo cổ học được tìm thấy ở đây như trống đồng thuộc thời đại kim khí, giai đoạn Phùng Nguyên, cách ngày nay tới 4.000 năm, được tìm thấy ở gò Gốc Xanh, Chợ Sẻ.

Các nhà khảo cổ học còn phát hiện ra các công cụ bằng đá, hình khắc trên vách đá, các lớp trầm tích trong các hang động ở các thung lũng hoặc ven sông Bôi, như hang Đồng Nội, hang Thẻ Bạc… Chúng là những dấu tích của nền văn hoá Hoà Bình kế thừa văn hoá Sơn Vi. ở các hang này, cư dân của thời kỳ văn hoá Hoà Bình đã bắt ốc suối hay ốc núi về ăn rồi vứt vỏ tạo thành lớp dày trong hang cư trú. Trong lớp vỏ ốc lẫn đất ở hang Đào, hang ốc (xã Đồng Bầu, xã Lạc Long); hang Chim, hang Đồng Nội (xã Đồng Tâm) còn có lẫn xương các loại thú rừng và những đám than tro… Ngoài ra, người ta còn thấy một chày nghiền, một số mảnh tước mai rùa và một số công cụ kiểu Sơn Vi. Tất cả các công cụ đó đã chứng tỏ nền văn hoá Hoà Bình ở Lạc Thuỷ đã kế thừa di sản của văn hoá Sơn Vi. Các nhà khoa học còn tìm thấy dấu tích ban đầu của nền nông nghiệp sơ kỳ của con người nguyên thuỷ sinh sống ở Lạc Thuỷ như ở hang Mái Đá (xã Phú Lão), hang Thẻ Bạc (xã Khoan Dụ).

Trước Cách mạng Tháng Tám, cũng giống như các nơi khác của Hoà Bình, ở Lạc Thuỷ tồn tại chế độ lang đạo hà khắc. Người nông dân có nghĩa vụ phải phục vụ tuyệt đối các nhà lang. Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, chúng vẫn cho duy trì chế độ lang đạo, thiết lập bộ máy cai trị từ huyện đến xã, đặt huyện lỵ tại Chi Nê. Dưới hai tầng áp bức, cuộc sống của nhân dân lao động đã khổ cực lại càng cùng cực hơn, đã thiếu cơm ăn, áo mặc lại phải nộp thêm rất nhiều loại thuế. Bọn thực dân, phong kiến còn thi hành chính sách ngu dân, tuyên truyền văn hoá phản động, chia rẽ khối đoàn kết dân tộc Kinh – Mường nhằm dễ bề cai trị, bóc lột nhân dân ta. Đời sống nhân dân vô cùng khổ cực, ruộng đất bị bọn địa chủ, cường hào cướp hết để lập đồn điền. Người dân lao động bị bần cùng hoá, mất hết ruộng đất nên phải đi làm thuê, cuốc mướn với tiền công rẻ mạt, lại phải đi phu để khai phá đường giao thông, khai thác lâm thổ sản… cuộc sống vô cùng lầm than, khổ cực. Thâm độc hơn, chúng còn tìm cách khuyến khích các tệ nạn rượu chè, nghiện hút, cờ bạc phát triển khiến đời sống nhân dân càng thêm tăm tối.

Về chính trị, thực dân Pháp tiếp tục duy trì chế độ lang đạo, bảo vệ và đỡ đầu lang đạo, thực hiện chính sách “thổ lang trị thổ dân” và chính sách “ngu dân”. Chúng ngăn cản người dân cho con đi học nên trong thời gian thực dân Pháp cai trị, hầu hết nhân dân lao động trong huyện mù chữ.

Sau khi hất cẳng thực dân Pháp, phát xít Nhật đã chiếm đóng một số vị trí quan trọng của huyện Lạc Thuỷ như Phú Lão, Lạc Long, Đồng Tâm và Chi Nê. Tại đây, chúng đã tiến hành thực hiện các chính sách thâm độc, vơ vét, bóc lột nhân dân như bắt phá lúa, phá ngô để trồng đay, bắt đi phu sửa đường.

Năm 1945, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh. ở Đông Dương, quân Nhật run sợ, hoảng loạn tinh thần. Đảng ta đã quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước. Sáng ngày 23-8-1945, lực lượng tự vệ cứu quốc và nhân dân huyện Lạc Thuỷ tổ chức một cuộc tuần hành lớn khiến bọn tay sai hoảng sợ và nhanh chóng đầu hàng. Uỷ ban cách mạng lâm thời được khẩn trương thành lập và ngay lập tức toả về các địa phương để giành chính quyền cấp xã.

Sau Cách mạng Tháng Tám, chính quyền cách mạng còn non trẻ đã gặp vô vàn khó khăn do chế độ cũ để lại cũng như sự phá hoại của các thế lực thù địch. ở khắp các thôn xóm, các đoàn thể cách mạng đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giác ngộ những người đã có thời lầm lạc, củng cố lực lượng tự vệ giữ gìn trật tự an ninh, chặn đứng các hoạt động phá hoại của bọn phản động, truy quét các ổ nhóm Đại Việt, bắt giữ các phần tử tiếp tay cho chúng…

Chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp kết thúc bằng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lẫy lừng thế giới”, đưa đất nước ta sang trang mới: miền Bắc hoàn toàn được giải phóng tiến lên xây dựng chủ nghĩa xã hội. Nhân dân Lạc Thuỷ cùng cả nước bước vào giai đoạn xây dựng và bảo vệ thành quả cách mạng, đồng thời tiếp tục góp phần vào cuộc đấu tranh thống nhất đất nước.

Ngày 5-8-1964, cùng với đồng bào miền Bắc, nhân dân các dân tộc huyện Lạc Thuỷ đã “vừa sản xuất vừa chiến đấu”, trực tiếp đấu tranh chống cuộc chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ. Trong cuộc đấu tranh thống nhất đất nước, nhân dân Lạc Thuỷ đã không tiếc máu xương, hết lòng chi viện cho chiến trường miền Nam, phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần cùng cả nước làm nên thắng lợi mùa Xuân năm 1975, thống nhất đất nước.

Sau ngày miền Nam được giải phóng, đất nước còn nhiều khó khăn, nhân dân Lạc Thuỷ đã từng bước tháo gỡ, tích cực phấn đấu trong phát triển kinh tế trên địa bàn. Phát huy thế mạnh về nông nghiệp, toàn huyện đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mạnh dạn đưa khoa học-kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp. Trong lâm nghiệp, huyện đã đẩy mạnh thực hiện các dự án tài trợ của Nhà nước như dự án 327, trồng mới 5 triệu hécta rừng để phủ xanh đất trống đồi núi trọc. Ngành thuỷ sản vận động nhân dân tận dụng mặt nước ao, hồ để phát triển nghề thuỷ sản, tăng nhanh sản lượng đàn cá.

Hiện nay, song song với việc đẩy mạnh phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp thì các ngành tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ cũng được mở rộng. Nhu cầu tiêu dùng của nhân dân các dân tộc cơ bản được đáp ứng. Tiêu biểu cho phong trào trong toàn huyện, ngày 22-8-1998, xã Đồng Tâm đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Vào ngày 8-11-2000, thêm một vinh dự nữa cho huyện Lạc Thuỷ: thị trấn Chi Nê được trao tặng danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây