Giới thiệu khái quát huyện Mỹ Tú

huyện Mỹ Tú

Giới thiệu khái quát huyện Mỹ Tú

Mỹ Tú là một trong 11 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Sóc Trăng, cách Thành phố Sóc Trăng 18 km về phía Tây, có tổng diện tích tự nhiên là 36.815,56 ha, bao gồm 08 xã và 01 Thị trấn: Thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa, các xã Long Hưng, Hưng Phú, Mỹ Hương, Mỹ Tú, Mỹ Phước, Thuận Hưng, Mỹ Thuận và Phú Mỹ.

Về vị trí địa lý, toàn huyện nằm trên tọa độ địa lý 9o52 – 9o78 vĩ độ Bắc và 105o74 – 106o kinh Đông, giáp ranh với 05 huyện, thành phố trong tỉnh Sóc Trăng và huyện Long Mỹ – tỉnh Hậu Giang. Cụ thể phía Đông giáp với Thành phố Sóc Trăng, huyện Châu Thành, huyện Mỹ Xuyên; phía Tây giáp với huyện Long Mỹ – tỉnh Hậu Giang, huyện Ngã Năm và huyện Thạnh Trị; phía Nam giáp huyện Thạnh Trị, Ngã Năm và huyện Mỹ Xuyên; phía Bắc giáp với huyện Long Mỹ – tỉnh Hậu Giang và huyện Châu Thành. Với vị trí này đã tạo điều kiện cho Mỹ Tú có lợi thế mở rộng giao lưu kinh tế – văn hóa giữa các địa phương trong và ngoài huyện. Thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa có diện tích 1.143,02 ha là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa xã hội của huyện. Do nằm ở phía Tây sông Hậu nên Mỹ Tú tiếp giáp cả vùng mặn và vùng ngọt.

Về khí hậu, do nằm trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long nên khí hậu của huyện mang những nét đặc trưng của khí hậu đồng bằng châu thổ, chịu ảnh hưởng khí hậu nhiệt đới gió mùa, hàng năm có 02 mùa mưa nắng rõ rệt. gió mùa Tây Nam được hình thành từ tháng 5 đến tháng 10; gió mùa Đông Bắc được hình thành từ tháng 11 đến tháng 4 năm sau. Tốc độ gió trung bình/năm là 3,9m/s, trung bình tháng lớn nhất là 4,9 m/s, trung bình tháng nhỏ nhất là 3,1 m/s.

Về tài nguyên thiên nhiên, Mỹ Tú có một số lợi thế sau:

* Lợi thế tiềm năng về tài nguyên đất đai: toàn huyện có 04 nhóm đất chính sau rất thuận lợi để phát triển nông nghiệp:

Một là, nhóm đất phèn chiếm 35,21% diện tích toàn huyện, gồm nhóm đất phèn trung bình tập trung chủ yếu ở các xã Mỹ Hương, một phần ở xã Long Hưng, Thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa và nhóm đất phèn nặng tập trung ở các xã Mỹ Phước, Mỹ Tú, một phần ở xã Long Hưng. Loại đất này không cho giá trị sản xuất nông nghiệp cao, ngoại trừ các đất phèn có tầng phèn sâu, mặn nhẹ có khả năng sản xuất lúa 1-2 vụ trong mùa mưa (lúa Hè thu, lúa Mùa hoặc lúa Hè thu + lúa Mùa). Chủ yếu sử dụng cho việc trồng tràm và một số cây chịu phèn như khóm, mía,…

Hai là, nhóm đất phù sa chiếm khoảng 43,95% diện tích toàn huyện, tập trung nhiều nhất ở các xã Thuận Hưng, Phú Mỹ và Mỹ Hương. Đây là vùng đất chịu ảnh hưởng của kênh xáng Phụng Hiệp không có phèn, mặn nên được xếp vào loại phù sa ngọt và được phù sa trẻ bồi đắp.

Ba là, nhóm đất giồng cát chiếm 0,44% diện tích toàn huyện, tập trung chủ yếu ở phía Đông Bắc của huyện như xã Mỹ Hương, Long Hưng, được cấu tạo bởi cát mịn thường có dạng vòng cung kéo dài chạy dọc theo các bờ biển hoặc sông. Đất giồng cát có thể nằm nổi lên mặt đất hoặc bị chôn vùi ở độ sâu nhất định.

Bốn là, nhóm đất nhân tác chiếm 12,44% diện tích toàn huyện tập trung chủ yếu ở phía Đông Bắc. Được hình thành trong quá trình canh tác của con người và sự tác động cơ giớ hóa, lên líp,…chủ yếu là thổ canh, thổ cư, đất vườn đã được lên líp, phân bố rộng khắp các xã trong huyện.

* Lợi thế tiềm năng về tài nguyên nước:

Tài nguyên nước của huyện rất dồi dào, gồm hai nguồn chính: nước mặt và nước ngầm, chất lượng nước tương đối tốt, ít bị ô nhiễm vì thế có giá trị lớn trong việc phát triển kinh tế – xã hội và đời sống nhân dân. Nguồn nước mặt được lấy từ sông Hậu theo quản lộ Phụng Hiệp – Cà Mau vào các kênh 8 thước, 9 thước, Trà Cú, Quản lộ đi Nhu Gia,… đây là nguồn nước ngọt rất quan trọng phục vụ cho sinh hoạt và sản xuất trên địa bàn toàn huyện. Nguồn nước ngầm được khai thác sử dụng cho việc sinh hoạt của nhân dân trong huyện bằng giếng khoan, chất lượng nước phụ thuộc vào độ sâu của giếng khoan, thông thường là khoan sâu dưới 30m. Nếu được khai thác và sử dụng hợp lý sẽ đáp ứng đủ nhu cầu cho sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp – công nghiệp, đời sống của nhân dân góp phần không nhỏ cho sự nghiệp phát triển kinh tế của toàn huyện.

* Lợi thế tiềm năng về tài nguyên sinh vật:

Mỹ Tú có tài nguyên sinh vật đa dạng và phong phú, rất có ích cho phát triển kinh tế của vùng. Nỗi bật nhất là tài nguyên thủy sản và tài nguyên rừng.

+ Tài nguyên thủy sản: Nhờ hệ thống kênh mương chằng chịt với tổng chiều dài các tuyến kênh mương là 1.459,56 km, mật độ kênh là 2,68 km/km2, do đó tài nguyên thủy sản khá đa dạng và phong phú, đa số là các loại thủy sản nước ngọt, có một phần nhỏ thủy sản nước lợ như tôm sú được nuôi ở khu vực ngoài đê có lợi thế trong việc chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp trên phạm vị toàn huyện. Các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá tra, cá mè vinh, cá rô phi, rô đồng, cá trê lai, tôm càng xanh, tôm sú, ba ba, rùa,….

+ Tài nguyên rừng: Rừng được trồng trên diện tích đất lâm nghiệp kém hiệu quả với diện tích là 1.050 ha, tập trung ở các lâm trường thuộc các phân trường Sóc Trăng, Mỹ Phước, Phú Lợi và rải rác ở Long Hưng, Hưng Phú, chủ yếu là trồng tràm, bạch đàn, xà cừ; ngoài giá trị kinh tế, còn có giá trị rất lớn trong công tác phòng hộ và bảo vệ môi trường, là nơi cư trú của các loài sinh vật có giá trị như: ong, rùa, rắn và các loài cá, tôm, cua, nghêu, sò,…đặc biệt có mô hình trồng tràm kết hợp với nuôi ong cho hiệu quả kinh tế cao.

* Lợi thế tiềm năng về tài nguyên con người:

Là nơi gắn kết và sinh sống của nhiều dân tộc anh em, chủ yếu là dân tộc kinh chiếm 75,54%, Hoa chiếm 1,59%, Khmer chiếm 22,87%. Cộng đồng các dân tộc trong huyện với những truyền thống, bản sắc riêng đã hình thành một nền văn hóa phong phú, có nhiều nét độc đáo và giàu bản sắc dân tộc. Mỹ Tú luôn là vùng đất có truyền thống văn hóa và cách mạng. Cộng đồng các dân tộc trong huyện có tinh thần đoàn kết yêu quê hương, có đức tính cần cù, chăm chỉ, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn đễ vững bước đi lên. Đó là những nhân tố cơ bản và sức mạnh tinh thần để hướng tới sự phát triển kinh tế – xã hội, trong xu hướng hội nhập với cả nước, khu vực và quốc tế; là thuận lợi để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong huyện vững bước đi lên trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa xây dựng huyện Mỹ tú giàu, đẹp, văn minh.

Lịch sử hình thành

Tóm lược quá trình hình thành và phát triển:

Mỹ Tú là thôn thuộc tổng Thạnh An, huyện Phong Thạnh, phủ Ba Xuyên từ năm Minh Mạng thứ 20. Đầu thời Pháp thuộc, thôn Mỹ Tú thuộc tổng Thạnh An, huyện Phong Thạnh, hạt Ba Xuyên. Từ ngày 05/01/1876, Mỹ Tú là làng thuộc tổng Thạnh An, huyện Phong Thạnh, hát Sóc Trăng.

Sau năm 1956, Mỹ Tú là xã thuộc tổng Thuận Phú, quận Bố Thảo, tỉnh Ba Xuyên. Ngày 13/01/1958, quận Bố Thảo đổi thành quận Thuận Hoà, tỉnh Ba Xuyên, xã Mỹ Tú hợp với xã Thuận Hưng thành xã Mỹ Thuận. Ngày 31-05-1972, tái lập xã Mỹ Tú với các ấp: Mỹ Tân, Mỹ Thuận, Mỹ Lợi B, Thiện Tân, Thiện Tánh, Tân Mỹ, Tân Hoà.

Sau 30/4/1975, Mỹ Tú trở thành huyện của tỉnh Hậu Giang, gồm thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa và 9 xã: Phú Mỹ, Mỹ Tú, Thuận Hưng, Mỹ Phước, Long Hưng, Hồ Đắc Kiện, Phú Tâm, Mỹ Hương, An Ninh. Ngày 23/12/1988, địa giới hành chính của huyện có sự điều chỉnh như sau:

– Tách đất xã Long Hưng, An Ninh, Hồ Đắc Kiện, Mỹ Hương thành lập xã mới Thiện Mỹ.

– Tách đất xã Hồ Đắc Kiện thành lập xã mới Thuận Hoà.

– Tách đất xã Long Hưng thành lập xã mới Hưng Phú.

– Tách đất xã An Ninh thành lập xã mới An Hiệp.

– Tách đất xã Mỹ Phước, Phú Mỹ, Thuận Hưng thành lập xã mới Mỹ Thuận.

– Tách đất xã Phú Tâm thành lập xã mới Phú Tân.

Ngày 26/12/1991, Quốc hội Việt Nam ban hành Nghị quyết chia tỉnh Hậu Giang thành tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng. Huyện Mỹ Tú thuộc tỉnh Sóc Trăng, bao gồm thị trấn Huỳnh Hữu Nghĩa và 15 xã: Hồ Đắc Kiện, Phú Tâm, Thuận Hoà, Long Hưng, Phú Tân, Thiện Mỹ, Hưng Phú, Mỹ Hương, An Hiệp, Mỹ Tú, An Ninh, Mỹ Phước, Thận Hưng, Mỹ Thuận, Phú Mỹ.

Từ năm 2009, thực hiện chia tách địa giới hành chính, tái lập huyện Châu Thành. Tổng diện tích tự đất nhiên của huyện Mỹ Tú còn lại 36.815,56 ha (trong đó đất nông nghiệp 33.544,01 ha chiếm 91,11%. Là huyện thuộc vùng nông thôn, vùng căn cứ kháng chiến cũ của Tỉnh ủy Sóc Trăng, có vị trí địa lý như sau : 

          – Phía Đông giáp Thành phố Sóc Trăng và huyện Châu Thành.

          – Phía Tây giáp huyện Thạnh Trị, Ngã Năm và huyện Long Mỹ.

          – Phía Nam giáp huyện Mỹ Xuyên và huyện Thạnh Trị.

          – Phía Bắc giáp huyện Châu Thành và huyện Phụng Hiệp.

          Về tổ chức hành chính: Toàn huyện có 08 xã và 01 thị trấn, gồm 83 ấp. Trong đó có 05 xã khu vực III (Phú Mỹ, Thuận Hưng, Mỹ Thuận, Mỹ Phước, Mỹ Tú) và 30 ấp đặc biệt khó khăn.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây