Giới thiệu khái quát huyện Như Xuân

huyện Như Xuân - Tỉnh Thanh Hóa

Giới thiệu khái quát huyện Như Xuân

Huyện Như Xuân nằm ở phía tây nam tỉnh Thanh Hoá, được thành lập trên cơ sở 17 xã thuộc huyện Như Xuân cũ (1-1997). Phía bắc giáp huyện Thường Xuân, phía nam và phía tây giáp tỉnh Nghệ An, phía đông giáp huyện Như Thanh. Tốc độ phát triển kinh tế của huyện Như Xuân vào diện trung bình so với các huyện vùng cao trong tỉnh (7,6%/năm). Cơ cấu kinh tế gồm nông – lâm nghiệp, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ, trong đó nông – lâm nghiệp giữ vai trò chủ đạo.
Bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông – lâm nghiệp
         Với diện tích đất lâm nghiệp rộng 42.761ha, chiếm 59% tổng diện tích đất tự nhiên, nguồn tài nguyên thiên nhiên bao gồm nhiều loại gỗ quý hiếm như lim, lát, dổi… là tài sản vô giá của nhân dân huyện Như Thanh. Bên cạnh đó, trữ lượng lớn, tre, nứa – nguồn nguyên liệu chủ yếu cung cấp cho ngành công nghiệp sản xuất giấy – cũng được đánh giá có trữ lượng lớn nhất tỉnh. Những năm gần đây, được sự quan tâm của Tỉnh uỷ, Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân tỉnh và các tổ chức quốc tế, nhiều dự án đã được triển khai như: dự án định canh định cư, chương trình 135. Do đó, diện tích rừng của Như Xuân được bảo vệ tốt hơn, nâng độ che phủ của rừng lên mức 61%.
         Bên cạnh đó, Như Xuân còn có trên 2.722 ha đất trồng cây lâu năm và 482 ha đất vườn tạp, chất đất rất phù hợp với cây công nghiệp. Vì thế, Như Xuân có lợi thế rất lớn trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, để chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông – lâm nghiệp đạt hiệu quả cao, sản xuất lâm nghiệp ngày càng được xã hội hoá, huyện đã thực hiện công tác giao đất giao rừng đến từng hộ dân, tạo cho nông dân yên tâm phát triển kinh tế đồi, rừng, kinh tế trang trại. Nhờ vậy, tập đoàn cây công nghiệp như sắn, mía, cà phê, cao su… đưa vào địa bàn ngày càng nhiều, bước đầu phát triển theo hướng tập trung.
         Theo báo cáo của Phòng Thống kê huyện Như Xuân, tính đến nay, toàn huyện có 1.637 ha sắn (trong đó diện tích giống sắn mới là 400 ha, chiếm 24,4%), năng suất dự kiến 30 tấn/ha, sản lượng đạt 48.000 tấn. Ðây là nguồn nguyên liệu chủ yếu cung cấp cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn xuất khẩu Như Xuân. Ngoài ra, Như Xuân còn có 1.422 ha mía, năng suất ước đạt 42 tấn/ha, sản lượng 59.000 tấn, cũng là một trong những nguồn cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho các nhà máy đường trong tỉnh. Do chính sách giao đất được triển khai sớm, diện tích đất trồng cây công nghiệp của Như Xuân tăng nhanh. Năm 2002, toàn huyện có 2.085 ha trồng cà phê, trong đó có 1.560 ha đã cho thu hoạch, năng suất đạt 15 tấn/ha, sản lượng đạt 2.200 tấn quả tươi và 2001 ha cây cao su đang chăm sóc. Phong trào cải tạo vườn tạp; trồng cây ăn quả trong nhân dân cũng phát triển mạnh. Năm 2002 có 445 ha trồng cây ăn quả, trong đó cây dứa chiếm 143 ha.
         Phát triển lâm nghiệp là trọng tâm trong quá trình chuyển đổi kinh tế, nhưng Như Xuân không xem nhẹ đầu tư phát triển nông nghiệp, bởi đảm bảo an toàn lương thực và đưa người dân thoát khỏi đói nghèo là nhiệm vụ hàng đầu của các cấp lãnh đạo huyện. Vì vậy, ngay từ khi thành lập, Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện đã thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng và vật nuôi. Huyện Như Xuân trở thành một trong những huyện có tỷ lệ giống mới đưa vào trồng trọt và chăn nuôi khá cao. Năm 2002, diện tích giống lúa lai chiếm 61,5%, năng suất đạt trên 45 tạ/ha. Cây màu được phát triển theo hướng sản xuất hàng hoá nên có nhiều loại giống mới cho năng suất, sản lượng cao như: giống lạc mới, cà phê Ca Ti Mo, mía, sắn… Với việc áp dụng những tiến bộ kỹ thuật trong gieo trồng và thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý, sản lượng lương thực của huyện Như Xuân những năm gần đây tăng mạnh, từ 15.392 tấn (năm 1997) lên 19.748 tấn (năm 2002).
         Sản lượng lương thực tăng nhanh không những bảo đảm an toàn lương thực cho người dân, mà còn là nguồn cung cấp thức ăn dồi dào cho đàn gia súc, gia cầm đang ngày càng phát triển, đưa chăn nuôi trở thành ngành sản xuất chính, mang lại nguồn thu khá cho các hộ gia đình. Nếu trước kia, người dân Như Xuân tập trung chăn nuôi đại gia súc (trâu, bò), thì nay chuyển hướng sang nuôi lợn và gia cầm. Tính đến năm 2002, tổng đàn lợn là 15.438 con, tăng 12%; đàn gia cầm 2.003 nghìn con, tăng 19% so với năm 1998.
         Là ngành kinh tế chủ lực (chiếm 68,1% GDP), lại phát triển nhanh, nông – lâm nghiệp đã thực sự trở thành đòn bảy thúc đẩy kinh tế của Như Xuân tăng trưởng nhanh trong những năm gần đây. Nếu năm 2000 tốc độ tăng trưởng chỉ đạt 4%, thì đến năm 2002 là 7,6%, thu nhập bình quân đầu người đạt 200 USD/năm, đời sống người dân dần được cải thiện. Tỷ lệ hộ đói, nghèo giảm nhanh, trên 50% (năm 2001) xuống còn 43,9% (năm 2002), dự kiến năm 2003 giảm xuống dưới 40%.
         Có được thành tích trên là do huyện Như Xuân luôn nhận được sự hỗ trợ của các chương trình dự án của Trung ương và của tỉnh, sự lãnh đạo sát sao của Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện, sự phối kết hợp đồng bộ của các cấp chính quyền từ huyện đến xã; tích cực chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất, kịp thời có các nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Bên cạnh đó, nhân dân các dân tộc trong huyện đã có nhận thức đúng đắn về quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; phát huy truyền thống đoàn kết, lao động cần cù sáng tạo và ý chí tự lực, tự cường trong sản xuất – kinh doanh.
Kết quả hoạt động của các ngành kinh tế – xã hội khác
         Công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực chế biến như: chè xuất khẩu của Xí nghiệp công nông nghiệp chè Bãi Trành, các cơ sở sơ chế cà phê, cùng những tổ hợp khai thác đá, chế biến lâm sản… Vì thế, tuy tốc độ tăng trưởng của ngành này đạt 16% (năm 2002), nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ trong GDP (15%). Lĩnh vực dịch vụ – thương mại tập trung chủ yếu vào kinh doanh vật tư nông nghiệp và nhu yếu phẩm, vận tải nên tỷ trọng trong GDP chỉ là 16,9% (năm 2002).
         Mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện dần được cải thiện trong hai năm qua. Mặc dù vậy, hệ thống các con đường liên xã, liên bản hiện nay vẫn còn rất nhiều khó khăn. Mạng lưới điện đã được củng cố và phát triển, năm 2002 có 15/17 xã có điện thắp sáng. Trong năm 2003, Như Xuân cố gắng đưa điện thắp sáng đến từng hộ dân trên 17/17 xã.
         Văn hoá – giáo dục luôn được đặt lên hàng đầu trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của huyện Như Xuân. Bởi đối với một huyện vùng cao, văn hoá và giáo dục phát triển sẽ góp phần nâng cao trình độ dân trí cho người dân, tạo tiền đề vững chắc cho sự nghiệp phát triển kinh tế. Nhận thức được tầm quan trọng đó, kể từ khi thành lập, ngành giáo dục Như Xuân đã có những bước tiến dài cả về chất và lượng. Nếu năm 1997 – năm đầu tiên sau khi tách huyện, trên địa bàn huyện có 51 trường học, trong đó chỉ có 15 lớp học cao tầng còn lại là bằng tre, nứa; thì đến năm 2002 toàn huyện đã có 54 trường học các cấp với 80% số phòng học được xây dựng kiên cố, khang trang, đáp ứng nhu cầu giảng dạy và học tập. Ðội ngũ giáo viên được tăng cường. Công tác phổ cập giáo dục tiểu học – xoá mù chữ được duy trì tốt ở tất cả các xã. Nhờ vậy, kết quả bước đầu rất đáng khích lệ, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp hàng năm đạt 97 – 100%, số học sinh đoạt giải năm 2002 là 47 em. Ðồng thời, một trung tâm giáo dục thường xuyên – dạy nghề với 10 lớp học, mỗi năm tốt nghiệp 400 – 460 học sinh, đang từng bước đáp ứng nhu cầu học nghề của người dân trong huyện.
         Công tác văn hoá, thông tin tuyên truyền có nhiều đổi mới. Ðến nay, toàn huyện có 3 trạm truyền hình, 2 bộ thu vệ tinh loại nhỏ, xây dựng thêm và đưa vào hoạt động 2 trạm truyền thanh cấp xã, cùng với mạng lưới thư viện – báo… góp phần nâng cao dân trí cho người dân.
         Sự nghiệp chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ của người dân ngày càng được củng cố và hoàn thiện. Với mạng lưới y tế được trang bị đầy đủ dụng cụ, thuốc men phủ khắp các xã, cụm dân cư đã phần nào đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Ðồng thời, công tác y tế dự phòng trên địa bàn huyện được làm tốt nên trong nhiều năm liền không có bệnh dịch xảy ra, sức khoẻ của người dân được nâng lên rõ rệt.
Ðịnh hướng phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2010
         Nhằm phát huy những thành tích đạt được trong những năm qua, huyện Như Xuân đã đề ra phương hướng phát triển kinh tế – xã hội đến năm 2010 như sau:
         1) Tiếp tục chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nông nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá, từ đó khai thác triệt để tiềm năng thế mạnh trong và ngoài huyện. Ðẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế, từ đó nâng cao đời sống vật chất – tinh thần nhân dân, đưa huyện Như Xuân thoát khỏi huyện nghèo, tạo nền tảng vững chắc để đến năm 2010 trở thành một huyện nông – lâm nghiệp và công nghiệp theo hướng hiện đại hoá.
         2) Phấn đấu đưa nhịp độ phát triển kinh tế giai đoạn 2001 – 2005 đạt 8 – 10%/năm, trong giai đoạn 2001 – 2010 đạt 9,5%/năm trở lên, thu nhập bình quân đầu người đạt từ 680 – 700 USD vào năm 2010; căn bản đến năm 2010 xoá hết hộ nghèo trên địa bàn huyện; số lao động học nghề đạt 30% vào năm 2010.
         Ðể thực hiện thành công những mục tiêu trên, Huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện Như Xuân đã đề ra những giải pháp cụ thể sau:
         1) Tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo hướng sản xuất hàng hoá, trong đó tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế cây trồng, đưa các giống mới vào sản xuất, sử dụng có hiệu quả diện tích đất nông nghiệp, đẩy mạnh thực hiện “ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào thâm canh tăng năng suất cây trồng”, đồng thời khai hoang những vùng đất mới đưa vào canh tác.
         2) Ðưa các ngành nghề mới vào sản xuất để có thể khai thác tốt, hiệu quả những tiềm năng về đất, lao động, tài nguyên của huyện. Ví dụ: mở rộng diện tích cây công nghiệp ngắn ngày cung cấp nguyên liệu cho các nhà máy chế biến; phát triển nghề mây tre đan để khai thác nguồn nguyên liệu tre, nứa của huyện. Từng bước khai thác tài nguyên đất phù hợp với cây trồng lâu năm bằng việc tăng diện tích trồng cây cà phê, cao su…
         3) Tuyến đường quốc lộ 45 đi từ thành phố Thanh Hoá đến trung tâm huyện lỵ và nối liền đường quốc lộ Hồ Chí Minh đi qua trên địa bàn huyện sẽ là lợi thế lớn để Như Xuân phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp. Theo đó, trong những năm tới, Như Xuân sẽ quy hoạch và xây dựng Khu công nghiệp Hoá Qùy, tập trung phát triển kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa, tìm kiếm và xác lập thị trường tiêu thụ hàng hoá để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá.
         4) Sắp xếp các cơ quan chuyên môn của Uỷ ban nhân dân huyện sau khi thực hiện quyết định của Uỷ ban nhân dân tỉnh, tổ chức tốt việc đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ cơ sở (nhất là cán bộ quản lý nhà nước) để xây dựng và củng cố chính quyền.
         5) Tiếp tục quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chủ trương, đường lối và phương án kế hoạch về quốc phòng – an ninh trong tình hình mới, đảm bảo giữ vững ổn định chính trị, trật tự an ninh xã hội.
         Là một huyện mới thành lập, nhưng trong những năm qua, Như Xuân đã có những bước trưởng thành vượt bậc trên mọi lĩnh vực. Với những kết quả đã đạt được, cùng những tiềm năng, lợi thế, trong những năm tới, Như Xuân sẽ hoàn thành xuất sắc mục tiêu đã đề ra, trở thành một huyện phát triển vững mạnh, toàn diện.
Như Xuân thêm cơ hội mới cho du lịch phát triển

Là một huyện miền núi cao, cách trung tâm thành phố Thanh Hóa 60 km về phía Tây Nam. Như Xuân có 18 xã, thị trấn, với 4 dân tộc chính, trong đó có 3 dân tộc thiểu số là Thái, Mường, Thổ. Với 23 di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh, trong đó mới chỉ có 4 di tích danh thắng được công nhận di tích cấp tỉnh, những năm gần đây, huyện đặc biệt quan tâm đến việc bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống, khôi phục và phát huy các trò chơi, trò diễn dân gian của đồng bào các dân tộc gắn với việc đẩy mạnh phát triển du lịch.

       Điểm du lịch hấp dẫn đầu tiên chính là Vườn Quốc gia Bến En thuộc địa phận huyện Như Thanh và Như Xuân. Đây là nơi sinh sống của nhiều loài động, thực vật quý hiếm. Đến với Bến En được hòa mình vào thiên nhiên và thưởng ngoạn một quần thể du lịch vừa có núi, có rừng, có sông hồ và hang động là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài tỉnh. Đây cũng chính là cơ hội dành cho 5 xã Bình Lương, Tân Bình, Hóa Quỳ, Xuân Quỳ, Xuân Hòa của huyện Như Xuân nằm trong địa phận của Vườn Quốc gia Bến En đẩy mạnh, khai thác tiềm năng sẵn có về du lịch, phát triển kinh tế – xã hội địa phương. Dù vậy, việc định hướng phát triển cho 5 xã trên vẫn chỉ là tiềm năng mà chưa bất cứ quy hoạch hay mục tiêu nào.

       Bên cạnh đó, lễ hội Đình Thi, một lễ hội nổi tiếng của đồng bào dân tộc Thổ, thuộc thôn Trung Thành, xã Yên Lễ được tổ chức để tri ân, tưởng nhớ công đức danh tướng Lê Phúc Thành – Người có công lớn giúp Lê Lợi đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh. Sau khi khởi nghĩa giành thắng lợi, ông được phong lộc điền ở làng Sẹt, tức làng Trung Thành, xã Yên Lễ ngày nay, khai khẩn đất đai, dựng làng, lập ấp mang lại cuộc sống ấm no cho dân làng. Sau khi ông mất được nhân dân trong vùng tôn vinh làm Thành Hoàng và xây dựng Đình Thi. Lễ hội Đình Thi 3 năm được tổ chức đại lễ vào những dịp đầu năm mới là điểm đến tâm linh đồng thời là nơi giao lưu văn hóa, văn nghệ, các trò chơi, trò diễn dân gian hấp dẫn nhân dân, du khách. Hiện, Đình còn lưu giữ 2 sắc phong thời Nguyễn do vua Khải Định và Bảo Đại năm 1922 và 1934. Đình Thi được công nhận Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh năm 1995. Mặc dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng lễ hội Đình Thi được xem là “đặc sản” văn hóa truyền thống của Như Xuân thu hút được sự quan tâm của đông đảo du khách mỗi khi tổ chức. Đây cũng chính là điểm nhấn để huyện Như Xuân tập trung đầu tư phát triển du lịch.

c3a4410e5421e76de1d58b6fb69d7addIMG 0012 - Giới thiệu khái quát huyện Như Xuân

       Đến Như Xuân, đặc biệt vào những ngày hè nóng bức, du khách đừng bỏ qua địa điểm du lịch sinh thái thác Đồng Quan, thuộc thôn Đồng Quan, xã Hóa Quỳ. Đây là nơi có vị trí địa lý hết sức độc đáo, Thác Đồng Quan bắt nguồn từ đỉnh núi Bù Mùn, cao hơn 1.000m so với mức nước biển qua các lũng núi rồi tạo thành dòng chảy không ngừng. Mùa hè đến nơi đây có không khí mát mẻ trong lành, thác nước đổ xuống cuồn cuộn tung bọt trắng xóa.Vùng nước rộng dưới chân thác trong suốt như pha lê, nhìn xuyên suốt tận đáy. Những ngày nắng nóng, đắm mình trong làn nước mát và không gian rừng nguyên sinh tràn ngập màu xanh là điều rất  thú vị. Ngày 14/03/2016 huyện Như Xuân tổ chức lễ công bố quyết định số 180/QĐ/UBND, ngày 15 tháng 01 năm 2016 UBND tỉnh về việc xếp hạng di tích danh lam thắng cảnh thác Đồng Quan xã Hóa Quỳ. Di tích Thác Đồng Quan nằm trong khu vực cư trú của đồng bào các dân tộc Thái, Mường, Thổ, ở đây các bản làng của các dân tộc người còn bảo tồn được những nét đặc sắc như các phong tục tập quán, các làn điệu dân ca, nghề thủ công truyền thống, văn hóa ẩm thực, trang phục truyền thống… trở thành một nơi danh lam thắng cảnh lý thú và là tiềm năng du lịch sinh thái cộng đồng.

       Sự kiện thác Đồng Quan được công nhận di tích danh lam thắng cảnh cấp tỉnh có ý nghĩa quan trọng, được xem là cơ hội mới để Như Xuân đẩy mạnh phát triển du lịch, đặc biệt du lịch cộng đồng. Hiện huyện Như Xuân đang tập trung mọi nguồn lực để xây dựng di tích danh lam thắng cảnh thác Đồng Quan trở thành một điểm du lịch lý thú, cho những ai thích khám phá, như xây dựng bể bơi, trồng cây, hoa 2 bên đường đi vào thác, xây dựng cầu, làm đường đi lên thác,xây dựng máng trượt, khu ăn uống ẩm thực,để sớm đưa vào khai thác .Du khách đến đây ngoài việc được chiêm ngưỡng cảnh quan, được đắm mình trong dòng nước trong vắt,còn được thưởng thức các món ăn dân tộc, nguyên liệu chủ yếu là sẵn có ở địa phương. Ngoài những điểm du lịch trọng điểm như vườn Quốc gia Bến En, Lễ hội Đình Thi, thác Đồng Quan…thì thác Cổng Tròi, hang Dơi.., đặc biệt lễ hội Dâng trâu tế trời, đền Chín gian của cộng đồng dân tộc Thái tại Xã Thanh Quân sẽ hoàn thiện, tổ chức lễ hội vào đầu năm 2017 hứa hẹn là địa điểm hấp dẫn nhân dân địa phương và du khách./. 

     


     

Mã QR Code ủng hộ vansudia.net


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây