Giới thiệu khái quát huyện Ninh Hải
Ninh Hải là cửa ngõ phía Đông Bắc của thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tương đối thuận tiện về giao thông: tuyến Quốc lộ 1A, ĐT.702, ĐT.704 và ĐT.705 nối liền các huyện phía Bắc tỉnh với thành phố Phan Rang – Tháp Chàm; ngoài ra Ninh Hải còn có 58 km chiều dài bờ biển với vịnh Vĩnh Hy và nhiều vũng, bãi biển đẹp; có cảng cá, khu sản xuất muối công nghiệp, Vườn Quốc gia Núi Chúa… vì vậy Ninh Hải có vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và quốc phòng an ninh đối với tỉnh Ninh Thuận.
2. Địa hình, địa mạo:
Huyện Ninh Hải có địa hình khá phức tạp, thấp dần từ Bắc xuống Nam và từ Tây sang Đông. Địa hình có dạng chuyển tiếp của địa hình trung du và miền núi, chia thành 3 dạng địa hình chính sau:
– Địa hình núi cao: bao gồm các núi granite, đaxit, sa phiến thạch, nhô cao, thường rất dốc và có độ dày tầng đất mỏng, ít có khả năng sử dụng vào sản xuất nông nghiệp. Dạng địa hình này có diện tích 10.554 ha chiếm 41,54% tổng diện tích toàn huyện, độ cao từ 200 m đến 1.000 m (dãy núi Chúa cao 1.040 m), phân bố tập trung ở xã Vĩnh Hải.
– Địa hình gò đồi ven biển: Tập trung ở phía Đông và phía Nam của huyện, gồm các xã: Thanh Hải, Nhơn Hải, Tri Hải và một phần thị trấn Khánh Hải. Dạng địa hình này điển hình cho toàn huyện, có diện tích 10.731 ha chiếm 42,28% tổng diện tích toàn huyện. Loại đất chủ yếu là đất cát đến pha cát, độ cao dưới 200 m, tạo thành một dãy dài và hẹp chạy dọc ven biển.
– Địa hình vùng đồng bằng: phần lớn đất đai có độ cao từ 10 m đến 30 m, địa hình tương đối bằng phẳng, hướng dốc từ Tây Bắc xuống Đông Nam và dốc dần ra biển: gồm các xã Tân Hải, Hộ Hải, Xuân Hải, Phương Hải và một phần thị trấn Khánh Hải. Dạng địa hình này có diện tích 4.107 ha chiếm 16,18% tổng diện tích toàn huyện. Các loại đất chính là đất phù sa, đất xám, đất mặn, đất cát; tầng đất dày 50 – 100 cm. Đây là vùng sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản của huyện.
Nhìn chung địa hình huyện Ninh Hải khá thuận lợi cho việc phát triển kinh tế tổng hợp nông – lâm – ngư nghiệp, công nghiệp và du lịch.
3. Khí hậu:
Huyện Ninh Hải có nền khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình, với các đặc trưng là khô nóng, gió nhiều, lượng bốc hơi lớn.
– Nhiệt độ không khí: Nhiệt độ trung bình năm 27,20C. Tổng nhiệt năm 9.861,60C.
– Độ ẩm không khí: Trung bình năm 75,5%, độ ẩm cao nhất: 79,8% (mùa mưa, tháng 10), độ ẩm thấp nhất: 70,8% (mùa khô, tháng 1).
– Bốc hơi nước: Ninh Hải có lượng bốc hơi nước rất lớn, trung bình nhiều năm 1.827 mm. Trong nhiều năm có đến 9 – 12 tháng lượng bốc hơi trên 100 mm/tháng.
– Mưa: Lượng mưa bình quân nhiều năm là 1.153,3 mm, số ngày mưa khoảng 69,5 ngày. Mùa mưa kéo dài 3 tháng từ tháng 9 đến tháng 11.
– Chế độ gió, bão: Tốc độ gió trung bình 2,3 m/s; hướng gió chính thường xuất hiện trong nhiều tháng là Tây – Bắc và Đông – Nam. Bão ít xuất hiện, với cường độ không lớn.
Nhìn chung trên địa bàn huyện Ninh Hải có nền nhiệt độ cao quanh năm và ít biến động, hầu như không có mùa đông lạnh (trừ vùng núi cao trên 1.000 m).
4. Thuỷ văn:
Hệ thống sông ngòi huyện Ninh Hải phần lớn các suối có lưu vực nhỏ, hẹp và ngắn, vùng đầu nguồn chủ yếu là rừng thưa, rừng nghèo, đất chưa sử dụng nên nguồn nước chưa được phong phú. Nhiều suối mùa khô không có nước, trên các suối này đã xây dựng nhiều công trình thuỷ lợi (đập dâng) để khai thác nguồn nước tưới cho cây trồng, cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp, bao gồm các suối:
– Kênh Bắc và hệ thống Nha Trinh, Lâm Cấm: Bắt nguồn từ sông Cái Phan Rang, chiều dài chảy trên địa bàn huyện là 32 km, tưới chủ động 2.500 ha đất canh tác. Tổng khối lượng nước là 26,50 triệu m3.
– Suối Đồng Nha: bắt nguồn từ sườn phía Tây Nam núi Chúa chảy xuống đầm Nại, diện tích lưu vực 8,5 km2, chiều dài suối 7,5 km. Trên suối này đã xây dựng các đập dâng: cây Sung, Tà Lốc.
– Suối Ông Kinh: bắt nguồn từ sườn phía Đông Nam núi Chúa chảy xuống Biển Đông, diện tích lưu vực 58 km2, chiều dài suối 15 km. Trên suối này đã xây dựng hồ chứa nước Ông Kinh, diện tích tưới thiết kế 120 ha.
– Suối Nước Ngọt: bắt nguồn từ sườn phía Đông Bắc núi Chúa chảy xuống Biển Đông, diện tích lưu vực 35,5 km2, chiều dài suối 7 km. Trên suối này đã xây dựng hồ suối nước ngọt và các đập dâng như: Đá Hang, Am Dú, Nước Ngọt, Thái An để tưới cho đất trồng cây màu.
Thực hiện: Hà Tiên
Nguồn: Phòng VHTT