Giới thiệu khái quát huyện Quỳ Hợp

Giới thiệu khái quát huyện Quỳ Hợp

Giới thiệu khái quát huyện Quỳ Hợp

Huyện Quỳ Hợp có tổng diện tích tự nhiên 94.220,55 ha. Trong đó gần 4 ngàn ha núi đá và sông suối, còn lại trên 90 ngàn ha thuộc 2 nhóm chính là đất địa thành và đất thủy thành. Nhìn chung đất đai Quỳ Hợp đa dạng, độ phì cao, tầng dày khá (>170cm) thích hợp với nhiều loại cây lâu năm có giá trị kinh tế cao so với nhiều huyện miền núi khác. Từ thời Pháp thuộc, ở vùng Phủ Quỳ (cũ), trong đó có một phần đất của Quỳ Hợp, đã xuất hiện các đồn điền…Sau hoà bình được lập lại, Quỳ Hợp đã có 2 Nông trường được thành lập, tồn tại và phát triển đến nay đã chuyển đổi thành công ty làm ăn có hiệu quả.

Cũng như đặc điểm chung của toàn tỉnh, huyện Quỳ Hợp có lượng mưa phân bố không đều trong năm (tập trung chủ yếu vào tháng 8, 9) trong khi độ dốc lớn, lòng sông, suối hẹp nên nguồn nước mặt ở Quỳ Hợp cũng có những hạn chế. Sớm ý thức được điều đó, Đảng bộ và nhân dân huyện Quỳ Hợp đã chăm lo đầu tư, xây dựng các công trình thuỷ lợi, phục vụ sản xuất. Đến nay, toàn huyện có 46 hồ, đập lớn nhỏ với tổng diện tích mặt nước có khoảng 200 ha, đáp ứng tuới tiêu cho 2.239,15 ha lúa nước (2 vụ). Với kỹ thuật chăm bón tốt, kết hợp với các giống lúa lai kinh tế, năng suất lúa bình quân của Quỳ Hợp là 58,5 ta/ha, sản lượng lúa hàng năm đạt trên 25 ngàn tấn, giải quyết cơ bản nhu cầu về lương thực trên địa bàn huyện. Sau năm 2015, khi Hồ chứa nước Bản Mồng được đưa vào sử dụng, dự kiến, sẽ cấp nước tưới cho 18.871 ha đất sản xuất, chủ yếu là ở Quỳ Hợp. Khi đã chủ động được nguồn nước tưới, Quỳ Hợp sẽ có sự thay đổi cơ bản cơ cấu các loại cây trồng, một số diện tích cây màu sẽ chuyển sang thâm canh lúa nước.

 Theo số liệu thống kê đất đai năm 2008 thì tổng diện tích đất lâm nghiệp là 51.612,17 ha, chiếm 54,78% tổng diện tích tự nhiên, trong đó đất rừng sản xuất 38.855,37 ha, còn lại là đất rừng phòng hộ và rừng đặc dụng. Trong những năm gần đây, trên địa bàn Quỳ Hợp, việc trồng rừng đã trở thành phong trào, bà con nhân dân đã biết ứng dụng khoa học, kỹ thuật trong việc trồng, bảo vệ và chăm sóc rừng, nên diện tích rừng trồng phát triển tốt. Năm 2008, toàn huyện đã trồng được 1.491 ha rừng, 6 tháng đầu năm 2009 đã trồng được 923 ha rừng. Dự kiến, năm 2009 Quỳ Hợp sẽ trồng rừng vượt kế hoạch đề ra (kế hoạch 1.500 ha).

 Bên cạnh trồng trọt, chăn nuôi ở Quỳ Hợp cũng phát triển khá mạnh. Năm 2008, tổng đàn trâu 26.740 con, tổng đàn bò 12.751 con, đàn lợn 43.298 con, gia cầm 606.879 con. Trong thời gian gần đây, diện tích đồng cỏ có xu hướng giảm vì phần lớn diện tích đã bố trí cho trồng trọt, nhất là việc trồng rừng, từ đó tập quán chăn nuôi gia súc thả rông không còn phù hợp và đã từng bước chuyển sang chăn nuôi tập trung theo quy mô trang trại, nuôi nhốt chuồng…vừa thuận lợi trong việc chăm sóc, phòng chống dịch bệnh vừa tận dụng được nguồn thức ăn từ các sản phẩm của trồng trọt như ngô, lá mía…

Giới thiệu tiềm năng

Trên miền Tây Bắc Xứ Nghệ, cách đây 46 năm, ngày 19/4/1963 huyện Quỳ Hợp được thành lập theo quyết định số 53/CP của Hội đồng Chính phủ. Địa danh Quỳ Hợp ra đời từ đấy. Là một trong ba huyện được chia tách từ huyện Quỳ Châu, trong quá khứ hào hùng, nhân dân các dân tộc Quỳ Hợp đã cùng nhân dân trong tỉnh và cả nước, đoàn kết bên nhau, ra sức chế ngự, chinh phục thiên nhiên chiến đấu chống các thế lực ngoại xâm để bảo vệ, xây dựng quê hương, bản làng và bảo vệ thành quả lao động của mình.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, mảnh đất Quỳ Hợp còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử, những danh lam thắng cảnh hùng vĩ và mang đậm dấu ấn của những con người dựng xây nên cuộc sống. Đó là Bãi Tập, Quán Dinh… nơi xưa kia Nghĩa Quân Lê Lợi chọn mảnh đất này luyện tập quân sỹ, trước khi tạo nên một “Trận Bồ Đằng sấm vang chớp giật, Miền Trà Lân trúc chẻ tro bay”. Là Hồ Thung Mây thơ mộng nằm ở trung tâm huyện – Công trình kết tinh bởi bàn tay, khối óc của con người với thiên nhiên Quỳ Hợp, là sự kết hợp giữa lịch sử, truyền thống  với hiện đại và đổi mới. Là Khu Bảo tồn nhiên thiên Pù Huống, Thẩm Poòng, Thác Bìa… những món quà vô giá mà tạo hoá và thiên nhiên đã ban tặng cho mảnh đất này. Quỳ Hợp là miền đất lành, nơi gặp gỡ, hội tụ của những nét văn hoá đặc sắc của nhiều dân tộc, chủ yếu là ba dân tộc Thái, Thổ, Kinh, dù là người miền xuôi hay miền ngược, dù trong Nam hay ngoài Bắc, từ nhiều năm nay, đã đoàn kết cùng chung tay xây dựng cuộc sống, tạo nên miền quê có một không hai này.

Với hơn 15.500 ha đất nông nghiệp, Quỳ Hợp là vùng đất đỏ bazan với cao su, chè và “cam Vinh” thương hiệu nổi tiếng cả nước. Nơi đây là bạt ngàn màu xanh cây mía, cây lúa lai, ngô lai và nhiều loại hoa quả. Là một huyện giàu tiềm năng và nhiều lâm thổ sản quý giá, nhiều gia súc, gia cầm với giống “vịt Quỳ” quý hiếm.

Trong sự nghiệp đổi mới, Quỳ Hợp được biết đến là một trong những địa phương có nền kinh tế, nhất là Công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp phát triển năng động. Năm 1980, Nhà nước ta đã liên doanh với Liên Xô tổ chức khai thác và luyện thiếc ở Quỳ Hợp. Tháng 3/1996, Nhà máy đường Liên doanh Nghệ An – Tate&Lyle được khởi công xây dựng với  công nghệ hiện đại nhất Đông Nam Á. Là vùng đất được thiên nhiên  ban tặng cho nhiều tài nguyên khoáng sản quý giá như thiếc, đá trắng, đá xây dựng các loại… Thực hiện chủ trương phát triển các thành phần kinh tế của Đảng và Nhà nước, từ những năm 1990 đến nay, có trên 190 Doanh nghiệp được thành lập, 2 Khu công nghiệp nhỏ và gần 100 cơ sở Công nghiêp chế biến được xây dựng. Sản phẩm thiếc, đá ốp lát, nước khoáng Quỳ Hợp đã có mặt ở trên thị trường trong nước và thế giới.

Với hệ thống hạ tầng, giao thông khá thuận tiện, Quỳ Hợp sẽ là nơi đưa bạn tới các huyện Quỳ Châu, Quế Phong, Con Cuông, Tương Dương … anh em.

Nhưng những giá trị văn hoá mới chính là nét đặc trưng của miền đất này. Được Bộ Văn hoá Thông tin và Uỷ ban nhân dân tỉnh chọn xây dựng huyện điểm văn hoá và dân tộc thiểu số khu vực Bắc Trung bộ, qua 8 năm thực hiện, Quỳ Hợp đã đạt được nhiều kết quả tốt đẹp. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư” được đẩy mạnh. Các thiết chế văn hoá thông tin thể thao được đầu tư xây dựng. Nhiều giá trị văn hoá truyền thống của đồng bào các dân tộc được bảo tồn, gìn giữ và phát huy. Về đây, bạn sẽ được chứng kiến Lễ hội 19/4 hàng năm của huyện, Lễ hội Mường Ham và nhiều hoạt động văn hoá thông tin khác. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc Quỳ Hợp đang ngày càng được nâng cao.

     


     

Mã QR Code ủng hộ vansudia.net


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây