Giới thiệu khái quát huyện Sơn Hòa

huyện Sơn Hòa - Tỉnh Phú Yên

Giới thiệu khái quát huyện Sơn Hòa

Huyện Sơn Hòa được thành lập năm 1899, là một trong 3 huyện miền núi của tỉnh Phú Yên, có vị trí chiến lược về quốc phòng và an ninh, diện tích tự nhiên 95.231 ha  (952,31km2). Huyện nằm dọc Quốc lộ 25, tuyến giao thông huyết mạch nối liền các tỉnh Duyên hải Nam-Trung bộ với Tây Nguyên tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, văn hóa giữa miền núi và đồng bằng, tạo thời cơ để Sơn Hòa bứt phá và phát triển bền vững.

Về địa giới hành chính: Phía Tây giáp huyện Krông Pa, tỉnh Gia Lai; phía Bắc giáp huyện Đồng Xuân và huyện Tuy An, phía Nam giáp huyện Sông Hinh, phía Đông giáp huyện Phú Hòa, tỉnh Phú Yên. Huyện có 13 xã và 01 thị trấn, với 76 thôn buôn, khu phố. Theo quyết định số 447/QĐ-UBDT, ngày 19/9/2013 của Ủy ban Dân tộc “Công nhận thôn đặc biệt khó khăn, xã khu vực I, II, III thuộc vùng dân tộc và miền núi giai đoạn 2012-2015”, huyện Sơn Hòa có 03 xã khu vực I, với 12 thôn, khu phố; 05 xã khu vực II với 26 thôn, buôn (trong đó có 07 thôn, buôn đặc biệt khó khăn); 06 xã khu vực III với 38 thôn, buôn ( trong đó có 22 thôn, buôn đặc biệt khó khăn).        

Dân số toàn huyện (năm 2013) có  57.835 người, với 14.248 hộ; trong đó, có 20.166 người đồng bào DTTS, chiếm tỷ lệ 34,85% so với dân số chung. Toàn huyện có 13 dân tộc thiểu số: Êđê, Chăm Hroi, Bana, Tày, Nùng, Dao, Khơme, Bacô, Rắclay, Giarai, Xtiêng, Chơru, Thái. Có 03 dân tộc thiểu số có dân số khá đông là Ê đê, Chăm Hroi, Bana cùng chung sống lâu đời; các dân tộc còn lại theo vợ, theo chồng, đến sinh cơ lập nghiệp. Mỗi dân tộc có sắc thái văn hóa riêng, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú của nền văn hóa huyện nhà.

KỶ NIỆM 41 NĂM GIẢI PHÓNG SƠN HÒA (24/3/1975 – 24/3/2016) 

Sơn Hòa trong tâm thế trên đà phát triển 

Huyện Sơn Hòa, tỉnh Phú Yên được thành lập từ năm Thành Thái thứ 11 (1899), đến nay đã 117 năm. Bằng sức lao động của những người đầu tiên đến vùng đất này khai hoang mở đất, lớp cư dân đã biến nơi “sơn cùng, thủy tận” thành những xóm làng trù phú. Sơn Hòa là một huyện mang nhiều dấu ấn lịch sử và cái nôi cách mạng của tỉnh Phú Yên trong suốt hai cuộc kháng chiến.

Những dấu ấn lịch sử :

Sơn Hòa có một vị trí hết sức quan trọng của tỉnh Phú Yên, bốn bề rừng che, núi tiếp núi, là một bộ phận của hành lang chiến lược Liên khu 5, có quốc lộ 25 (trước đây là tỉnh lộ 7) nối liền từ đồng bằng Tuy Hòa đến Tây Nguyên, thiên nhiên đã ban tặng cho huyện này một tiềm năng kinh tế phong phú, và có địa thế chiến lược quân sự thuận lợi, kết nối giữa miền xuôi và vùng núi. Chính vì vậy mà từ khi mới xâm lược nước ta thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đều chú trọng đến vùng đất Sơn Hòa, để làm bàn đạp tấn công càn quét đánh phá vùng căn cứ cách mạng của ta ở miền núi, đồng thời tấn công lấn chiếm đồng bằng Tuy Hòa và các tỉnh Miền Trung duyên hải.

Từ những phong trào yêu nước của Lê Thành Phương, Nguyễn Hào Sự, Võ Trứ… Trong những năm đầu thế kỷ XX đã xây dựng căn cứ địa chiêu mộ nghĩa quân ở làng Giếng Nghị, xã Sơn Long ở núi La Hiên, Cây Vừng… để chống Pháp. Ngày 09/3/1945, Nhật đảo chánh Pháp, nhiều anh em tù chính trị lợi dụng thời cơ vượt khỏi ngục Trà Kê, một số cán bộ chiến sĩ xuống đồng bằng hoạt động, riêng đồng chí Đặng Sĩ Đối ở lại Sơn Hòa xây dựng cơ sở cách mạng thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện ở xã Sơn Hội gồm có 3 đồng chí: Đặng Sĩ Đối, Nguyễn Bình và Võ Châu. Sau đó các đồng chí tiếp tục phát triển các cơ sở cách mạng ở Củng Sơn, Thạnh Hội và bắt liên lạc với Mặt trận Việt Minh tỉnh Phú Yên. Đến 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ Phú Yên chọn nơi đây xây dựng căn cứ, phát triển lực lượng. Qúa trình chống giặc xâm lược đó đã để lại trên đất Sơn Hòa nhiều di tích cách mạng như nhà thờ Bác Hồ, hội trường Mùa Xuân, và các cơ quan như: Tỉnh ủy Phú Yên, Mặt trận dân tộc giải phóng, huyện đội, bệnh xã Trúc Bạch… ở ba xã Sơn Định, Sơn Long, Sơn Xuân. Và những chứng tích tội ác của kẻ thù, nghĩa trang liệt sĩ tập thể tại Bắc Lý, ở thị trấn Củng Sơn, Núi Lở xã Phước Tân, Nhà tù Trà Kê là một ví dụ. Đó là những yếu tố kết tinh và hun đúc cho đất nước và con người Sơn Hòa trở nên kiên cường bất khuất, thể hiện sinh động lòng yêu nước của toàn thể nhân dân Sơn Hòa, chống giặc ngoại xâm thắng lợi. Các dân tộc anh em trên địa bàn huyện đoàn kết luôn đấu tranh và mơ ước một cuộc sống an cư lạc nghiệp muôn đời.

Trải qua 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng Sản Việt Nam, quân và dân Sơn Hòa đã xả thân giành được những thắng lợi cực kỳ to lớn góp phần vào sự nghiệp chung giải phóng đất nước, đem lại độc lập, tự do cho dân tộc. Huyện Sơn Hòa và 7 xã được Nhà nước phong tặng danh hiệu cao quí “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” đó là: Sơn Long, Sơn Xuân, Cà Lúi, Phước Tân, Sơn Định, Suối Trai và xã Sơn Hội. Toàn huyện có 557 cán bộ, chiến sỹ được công nhận là liệt sĩ, và 51 bà mẹ được phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”.

Trong kháng chiến chống Mỹ các xã Sơn Định, Sơn Long và Sơn Xuân, huyện Sơn Hòa là căn cứ của tỉnh Phú Yên. Nơi đây gắn liền với quá trình tổ chức, phát triển lực lượng và các cơ quan lãnh đạo kháng chiến của tỉnh từ năm 1960 đến năm 1975. Căn cứ cách mạng của tỉnh Phú Yên đã được Bộ Văn Hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích lịch sử quốc gia vào tháng 8/2008.

Một hướng đi, một niềm tin:

Sơn Hòa có nhiều tài nguyên thiên nhiên đa dạng và phong phú, có rừng nguyên sinh, rừng rậm nhiệt đới, có hệ thống động thực vật quí hiếm. Các khu rừng Suối Trai, Phước Tân, Cà Lúi có nhiều loại gỗ quý như: Mun, Trắc dây, Trắc cẩm lai, Cà te, Hương… Ở Suối Trai, Krông Pa, Phước Tân có nhiều loại thú rừng. Ngoài ra còn có nhiều loại trái cây rừng thu hoạch vào mùa hè, và đây là mùa các loài chim di trú về các khu rừng ở các xã giáp ranh với Tây Nguyên và dọc theo bờ sông Ba, sông Cà Lúi, sông Trà Bươn. Rừng Sơn Hòa có nhiều lâm đặc sản có giá trị kinh tế như: Dầu rái, Chai, Song mây và nhiều dược liệu quí đó là: Trầm hương, Sa nhân, Sâm bố chính, Hà thủ ô, Đỗ trọng Nam… Trên địa bàn huyện Sơn Hòa có 3 xã Suối Trai, Ea Chà Rang và Krông Pa được qui hoạch “Khu rừng đặc dụng” với tổng diện tích 12.000 ha, có nhiều gỗ và động vật rừng nằm trong “sách đỏ”.

Sơn Hòa có hai vùng đất chính: Phía Bắc gồm các xã Sơn Định, Sơn Long, Sơn Xuân kết cấu đất đỏ bazan, 3 xã này là cao nguyên Vân Hòa. Thổ nhưỡng ở đây rất thích hợp với các loại cây công nghiệp và cây ăn quả nên được tỉnh quy hoạch chuyên canh cây cà phê, cao su, thơm và sa nhân tím. Ở phía Nam có các dòng sông đó là: Sông Ba; Sông Con; Sông Cà Lúi, hàng năm đến nùa mưa lũ từ thượng nguồn đổ về các con sông này được bồi đắp một khối lượng lớn phù sa, tạo ra vùng đất màu mỡ, phì nhiêu, thích hợp với các loại cây trồng như: lúa, bắp, sắn, mía, thuốc lá, bông vải, mè và các loại đậu. Các vùng đất Sơn Hòa có những đồng cỏ, và những con suối phù hợp cho việc chăn nuôi bò đàn, dê. Đây là yếu tố thuận lợi để Sơn Hòa phát triển cây trồng và chăn nuôi gia súc đáp ứng nhu cầu đời sống nhân dân. Khoáng sản ở huyện Sơn Hòa chủ yếu là quặng bôxit, đá xây dựng, đá granit xuất khẩu, cát xây dựng…

Về giao thông có quốc lộ 25, từ Tuy Hòa xuyên suốt qua địa phận Sơn Hòa đến tây Nguyên, quốc lộ 19C từ huyện Đồng Xuân đi qua các xã Sơn Định, Sơn Hội, Sơn Phước rồi giao nhau với quốc lộ 25, qua Sông Ba đến huyện Sông Hinh và tỉnh Đắc Lắc. Ngoài 2 quốc lộ nói trên còn có các con đường thông suốt từ huyện đến các xã vùng sâu, vùng xa như Cà Lúi, Phước Tân.

Một góc thị trấn Củng Sơn

Bước ra khỏi chiến tranh, Sơn Hòa đối mặt với muôn vàn khó khăn, toàn huyện không nơi nào là không có dấu vết đạn bom, ruộng đồng hoang hóa. Nhân dân từ các ấp chiến lược của chế độ cũ trở về quê hương, ổn định nơi ăn, chốn ở. Các cấp, các ngành hoạch định nhiều dự án, nhiều chương trình, trong đó ưu tiên mở trường dạy học, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân là hàng đầu. Đảng bộ huyện đã đề ra chủ trương tự lực tự cường, khôi phục sản xuất, tự cung, tự cấp lương thực, thực phẩm để ổn định cuộc sống. Nhân dân trong huyện đã vượt qua chặng đường khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại.

Chúng ta nhìn lại hơn 41 năm qua, từ khi thống nhất hai miền Nam, Bắc năm 1975. Sơn Hòa trải qua nhiều giai đoạn, phía trước còn nhiều thử thách. Nhưng cán bộ và nhân dân Sơn Hòa đã chung sức chung lòng, từng bước xây dựng và phát triển. Đến nay, có thể nói Sơn Hòa bằng thực tiễn đã tạo ra cho con người vùng đất này khả năng tìm tòi, lựa chọn, sáng tạo một hướng đi rất thực tế, khách quan, và rất phù hợp đã vực dậy một niềm tin như một động lực của sức mạnh đã tạo ra khả năng vững bước phát triển toàn diện trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, làm thay đổi diện mạo của một huyện nghèo, một huyện giáp ranh với Tây Nguyên trước đây còn nhiều khó khăn, đang trong tâm thế phấn đấu xây dựng dân giàu, huyện mạnh tiến kịp trên đà phát triển của đất nước. Hiện nay, đồng bào các dân tộc thiểu số đã đi vào định canh, định cư, làm ruộng lúa nước, trồng cây công nghiệp ngắn ngày, trọng tâm là sản xuất mía. Năm 2015 tổng giá trị sản xuất nông-lâm nghiệp đạt trên 1.000 tỷ đồng. Niên vụ 2015-2016 huyện Sơn Hòa có tổng diện tích mía 13.000 ha, chăn nuôi gia súc ngày càng phát triển, năm 2015 toàn huyện có gần 25.000 con bò. Các địa phương cơ sở hạ tầng đã đầu tư kịp thời đáp ứng nhu cầu sản xuất cho nhân dân, toàn huyện có 34 công trình thủy lợi, 82km đường giao thông liên xã. Trên địa bàn huyện có 69 doanh nghiệp, trong đó có Nhà máy đường KCP với công suất 8.000 tấn mía cây/ngày. Đồng thời có chính sách thu hút nhân tài, đầu tư cho sự nghiệp giáo dục, y tế, đào tạo nguồn nhân lực tại chỗ. Trong năm vừa qua giải quyết việc làm mới 1.250 lao động. Tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 11%. Đảng bộ và nhân dân huyện Sơn Hòa đang bước vào thời kỳ phát triển mới tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Nghị quyết Đảng bộ huyện Sơn Hòa lần thứ XI, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra chỉ tiêu, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2015-2020 phấn đấu đạt từ 15-16%, đến năm 2020 giải quyết việc làm ổn định 3.600 lao động, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 2,5-3%. Hiện nay, Đảng bộ huyện Sơn Hòa tiếp tục tìm hiểu và nghiên cứu các thế mạnh và cả những hạn chế để từ đó đề ra phương hướng và những biện pháp khả thi nhằm phát huy tiềm năng, khắc phục các mặt yếu kém để làm cho huyện nhà ổn định an sinh xã hội, bảo đảm phát triển nhanh và bền vững, đó là sự kỳ vọng của mọi tầng lớp nhân dân huyện Sơn Hòa.

THÀNH TỰU VÀ HƯỚNG PHÁT TRIỂN KINH TẾ-XÃ HỘI

  1. Những thành tựu trong phát triển kinh tế-xã hội.

          Sơn Hòa là một huyện miền núi nằm về phía Tây của tỉnh Phú Yên; phía Đông giáp huyện Phú Hòa và Tuy An, phía Tây giáp tỉnh Gia Lai, phía Nam giáp huyện Tây Hòa và Sông Hinh. Diện tích tự nhiên 952 km2; dân số trên 57 ngàn người, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 34%; toàn huyện có 13 xã và 1 thị trấn, hiện nay toàn huyện có 6 xã đặc biệt khó khăn, trong đó có 4 xã vùng cao. Huyện Sơn Hòa nằm dọc Quốc lộ 25, tuyến giao thông huyết mạch nối liền các tỉnh Duyên hải Nam-Trung bộ với Tây Nguyên tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu kinh tế, văn hóa giữa miền núi và đồng bằng, tạo thời cơ để Sơn Hòa bứt phá và phát triển bền vững.

          Nhìn chung, tình hình kinh tế-xã hội của huyện trong những năm qua tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực và tương đối toàn diện. Trong sản xuất nông nghiệp, diện tích, năng suất nhiều loại cây trồng chính vượt kế hoạch đề ra; giá mía nguyên liệu có tăng và ổn định nhiều niên vụ nên đa số nông dân trồng mía trên địa bàn huyện thu nhập khá; thu ngân sách hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch; cơ sở hạ tầng được tiếp tục đầu tư xây dựng; lĩnh vực văn hóa, xã hội có nhiều chuyển biến; đời sống nhân dân được cải thiện, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được ổn định và giữ vững; cải cách hành chính bước đầu thu được những kết quả tốt.

Một số thành tựu đã đạt được thể hiện ở các lĩnh vực như sau:

          – Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân tăng hàng năm từ 11 đến 13%.

           Diện tích gieo trồng cây hàng năm bình quân tăng từ 1.000 ha đến 2.500 ha; ổn định diện tích lúa hàng năm là 2.400 ha nhằm đảm bảo tự cân đối lương thực; ổn định diện tích mía hàng năm là 8.500 ha, tuy nhiên do tính tự phát nên diện tích mía năm 2013 đã tăng lên là 11.800 ha, sản lượng mía thu hoạch trên 700 ngàn tấn phục vụ cho nhà máy chế biến công nghiệp.

          – Trên địa bàn huyện có Nhà máy thủy điện Sông Ba Hạ đã hoàn thành đi vào hoạt động từ tháng 11 năm 2009 và 34 công trình thủy lợi, phục vụ tưới tiêu cho cây trồng, chăn nuôi và dân sinh.

          – Toàn huyện có gần 300 km đường giao thông, Quốc lộ 25 nối liền với các tỉnh Tây Nguyên chạy ngang qua huyện là 43 km, đường tỉnh lộ 82 km và trên 165 km đường liên xã, liên thôn; giao thông nông thôn đã được bê tông hóa, hệ thống giao thông trên địa bàn huyện thông suốt từ huyện đến xã và thôn, buôn.

          – Lưới điện quốc gia đã được mở rộng đến 76/76 thôn, buôn, khu phố, số hộ sử dụng điện chiếm 99,5%.

          – Đã hình thành Cụm Công nghiệp Ba Bản và hiện nay có một số doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng các nhà máy. Ngoài ra còn có một số nhà máy chế biến công nghiệp đang hoạt động như nhà máy Đường của Công ty TNHH Công nghiệp KCP Việt Nam, nhà máy Đá Granit, nhà máy Cồn, Rượu của Công ty TNHH Rượu Vạn Phát…

          – Có 01 Trường Trung cấp nghề Thanh niên dân tộc, 01 Trung tâm Giáo dục thường xuyên, 01 Trường phổ thông Trung học, 01 Trường Trung học cơ sở và phổ thông Trung học, 01 Trường Dân tộc nội trú, 02 Trường Dân tộc Bán trú, hầu hết các xã, thị trấn đều có Trường Trung học cơ sở, Trường Tiểu học và Trường Mần non; từ năm 2008 huyện Sơn Hòa đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục Trung học cơ sở.

          – Có 01 Bệnh viện Đa khoa, 01 Trung tâm y tế và 14 Trạm y tế. Chất lượng khám chữa bệnh ngày càng được nâng cao, đáp ứng nhu cầu khám và điều trị bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân ở tuyến cơ sở.

          – Nhà Văn hóa thiếu nhi mang tên Luật Sư Nguyễn Hữu Thọ được đầu tư xây dựng năm 1997; hệ thống phát thanh, truyền hình được đầu tư nâng cấp với công suất là 200W và phát sóng FM 150W.

          Ngoài ra, từ các Chương trình dự án của Trung ương, của Tỉnh đã trực tiếp đầu tư xây dựng một số công trình trên địa bàn huyện như thủy điện Sông Ba Hạ, nâng cấp Quốc lộ 25, đường trục dọc Miền Tây, đường cứu hộ, cứu nạn, tránh lũ Tuy An-Sơn Hòa, cầu Sông Ba, tràn Ngã Hai… góp phần từng bước mở rộng quy hoạch đô thị và bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới.

  1.  Là một huyện nghèo và miền núi của Tỉnh, sản xuất nông nghiệp chiếm phần lớn nên có những khó khăn, thách thức trong việc triển khai và tổ chức thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.

          Là một huyện miền núi, xuất phát điểm nền kinh tế thấp, nên kinh tế những năm qua tuy phát triển khá nhưng chưa bền vững, chưa đồng đều giữa các vùng; cơ sở hạ tầng tuy được tăng cường đầu tư nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu; tỷ lệ lao động nông nghiệp chiếm trên 80%, sản xuất còn phụ thuộc nhiều vào thiên nhiên; mức sống của một bộ phận nhân dân còn khó khăn, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số; đội ngũ cán bộ cơ sở còn bất cập. Thu ngân sách trên địa bàn tỷ lệ thấp so với tổng cân đối của ngân sách nhà nước cấp trên.

          – Tăng trưởng kinh tế khá nhưng chưa thực sự bền vững và đồng đều giữa các vùng; việc thực hiện chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp và nông thôn còn chậm. Việc đưa tiến bộ khoa học vào thâm canh tăng năng suất cây trồng, nâng cao chất lượng đàn bò thực hiện còn chậm; cơ sở hạ tầng thực hiện sản xuất tuy được chú trọng đầu tư nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác quản lý bảo vệ rừng còn nhiều hạn chế, tình trạng phát, đốt rừng làm rẫy chưa được ngăn chặn triệt để, vận chuyển lâm sản trái phép còn xảy ra phổ biến.

          – Công tác quản lý đất đai còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ, việc lãnh đạo, chỉ đạo ngăn chặn, xử lý tình trạng san nhượng đất trái phép chưa triệt để còn xảy ra ở các địa phương. Công tác quản lý nhà nước về đất đai, khoáng sản còn nhiều bất cập, phát hiện và xử lý các sai phạm không kịp thời. Tiến độ thực hiện Chương trình MTQG về xây dựng nông thôn mới còn chậm so với yêu cầu; một số tồn tại trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư chưa được giải quyết dứt điểm xử lý còn chậm, đặc biệt là đối với dự án Thủy điện Sông Ba Hạ, hồ chứa nước Suối Vực. Một số lãnh đạo các ngành, địa phương vai trò quản lý điều hành còn buông lỏng, thiếu kiên quyết trong xử lý.

          – Là một huyện miền núi, địa hình giao thông hiểm trở, cùng với lưu lượng xe vận chuyển hàng nông sản (mía, sắn và các loại hoa màu khác…) khá nhiều; hàng năm lại chịu sự ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt gây sạt lở trên một số tuyến đường huyết mạch đi về trung tâm huyện, gây ách tắc giao thông.

          – Về chất lượng giáo dục tuy có nâng lên nhưng chưa đồng bộ. Tình trạng học sinh bỏ học tuy có giảm nhưng chưa bền vững, nhất là bậc học Trung học cơ sở.

          – Một số Trạm Y tế xã chưa đầu tư kịp thời về cơ sở hạ tầng để xét đạt chuẩn quốc gia. Trình độ năng lực cán bộ y tế một số nơi còn hạn chế, chưa tận tâm với công việc, thái độ phục vụ người bệnh đôi lúc chưa tốt.

          – Đời sống của một bộ phận nhân dân ở vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn, số hộ cận nghèo có giảm nhưng vẫn chưa có điều kiện để thoát nghèo; tình hình đào tạo nghề, giải quyết việc làm cũng đang gặp nhiều khó khăn.

  1.  Để nâng cao giá trị gia tăng cho các cây trồng, vật nuôi, sản phẩm là thế mạnh của địa phương, nâng cao thu nhập cho người nông dân huyện đã và đang có những nỗ lực đó là:

          – Với tiềm năng đất đai sẵn có, huyện đã phát huy được thế mạnh của từng vùng, đã chỉ đạo thực hiện tốt việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng mà trọng tâm là cây mía theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhân dân đã từng bước ứng dụng KHKT trong việc thâm canh tăng năng xuất cây trồng, vì vậy, đến nay thực tế đã có nhiều hộ nông dân và chủ trang trại đạt được năng suất 110-130 tấn/ha/năm đối với cây mía; đã đưa diện tích mía năm 2010 từ 8.500 ha đến nay gần 12.000 ha; năng suất bình quân 69 tấn/ha. Nhà máy đường KCP đã không ngừng cho khảo nghiệm, du nhập nhiều bộ giống mía mới cho năng suất cao và phù hợp với điều kiện đất đai, thổ nhưỡng của từng vùng kinh tế của huyện. Đồng thời, đã triển khai thực hiện mô hình cánh đồng mía mẫu lớn cơ giới hóa tại xã Ea Chà Rang và mô hình cơ giới hóa sản xuất mía tại xã Sơn Hà và Sơn Nguyên.

          – Về chăn nuôi, định hướng vật nuôi chủ lực là con bò thịt, con heo hướng nạc. Phát triển chăn nuôi quy mô lớn, gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, xây dựng chuồng trại, phát triển các cơ sở dịch vụ cung cấp con giống, thú y. Tập trung phát triển đàn bò, vận động trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm nông sản; tăng cường công tác lai tạo đàn bò bằng thụ tinh nhân tạo, nhảy trực tiếp; phấn đấu nâng tỷ lệ bò lai đạt 70% so tổng đàn bò đến năm 2015; đẩy mạnh nuôi heo lai hướng nạc; chủ động nguồn thức ăn tại chỗ. Phấn đấu đến năm 2015, tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi chiếm trên 10% trong tổng cơ cấu ngành.

  1. Về thu hút đầu tư tại Cụm Công nghiệp Ba Bản:

          – Năm 2003, huyện Sơn Hòa đã quy hoạch và xây dựng Cụm Công nghiệp Ba Bản, với diện tích 07 ha; ngày 28/7/2005, UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định số: 1685/QĐ-UBND, về việc cho phép thực hiện đầu tư Dự án Hạ tầng kỹ thuật điểm Công nghiệp-TTCN Ba Bản. Ngày 05/3/2014, UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định số: 346/QĐ-UBND, về việc thành lập Cụm Công nghiệp Ba Bản, xã Sơn Hà, huyện Sơn Hòa.

          – Hiện nay, đã thu hút được 07 dự án, trong đó có 04 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động đạt tỷ lệ lấp đầy trên 98%, gồm: Công ty TNHH phát triển Khoáng sản Duy Tân khai thác và chế biến quặng Sắt; Công ty TNHH Đá mỹ nghệ Sơn Thạch khai thác và chế biến đá mỹ nghệ; Nhà máy chế biến đá BaZan Bảo Trân khai thác và chế biến đá; Công ty TNHH Năng lượng xanh Sơn Hòa sản xuất viên nhiên liệu chất đốt sinh học và 03 doanh nghiệp đang hoàn chỉnh các hồ sơ, thủ tục để đi vào hoạt động là: Công ty Cổ phần khai thác khoáng sản Thành Vinh khai thác và chế biến Carbonatcali; Doanh nghiệp tư nhân Kim Ngọc Khánh đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất viên năng lượng xanh từ bã mía; Công ty TNHH sản xuất VLXD Bích Hợp đầu tư xây dựng Nhà máy sản xuất ván lạng An Hoàng.

          Ngoài ra, trên địa bàn huyện còn có một số doanh nghiệp đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng và đi vào hoạt động có hiệu quả như: Nhà máy đường KCP (100% vốn đầu tư của Ấn Độ); Chi nhánh Công ty sản xuất đá Granida (TP Hồ Chí Minh), Nhà máy sản xuất phân vi sinh của Công ty Cao su Chư Sê (Gia Lai), Nhà máy sản xuất Rượu-Cồn của Công ty TNHH Rượu Vạn Phát.

          Nhằm thúc đẩy tiến trình đầu tư, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH-HĐH tăng tỷ trọng Công nghiệp trong cơ cấu kinh tế địa phương, tận dụng những tiềm năng, lợi thế để phát triển và góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động. UBND huyện Sơn Hòa đã xây dựng và đề nghị UBND tỉnh Phú Yên xem xét phê duyệt Đề án Đầu tư mở rộng Cụm Công nghiệp Ba Bản, giai đoạn 2 với diện tích là 67 ha. Đồng thời, tác động với các sở, ngành liên quan cấp Tỉnh tham mưu để UBND tỉnh Phú Yên cho phép huyện Sơn Hòa thực hiện một số chính sách nhằm thu hút và tiếp tục kêu gọi các doanh nghiệp vào đầu tư xây dựng các nhà máy, cơ sở sản xuất tại Cụm Công nghiệp Ba Bản.

          Mặc khác, đẩy mạnh cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, tạo bước đột phá về thời gian, chất lượng giải quyết các thủ tục hành chính. Nâng cao hiệu quả cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông“ áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo Tiêu chuẩn TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước; duy trì hoạt động của Website UBND huyện; tổ chức thực hiện có hiệu quả Dự án Văn phòng điện tử cho các cơ quan chuyên môn và UBND các xã, thị trấn.

  1. Về một số định hướng phát triển kinh tế-xã hội của huyện đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
  2. Về kinh tế:Đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và bền vững trên mức trung bình của vùng miền núi Phú Yên (trên 13,5%/năm). Thực hiện chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh tỷ trọng ngành công nghiệp, dịch vụ; đưa ngành nông-lâm nghiệp trở thành ngành sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp chế biến và thị trường.

          – Dự kiến một số chỉ tiêu gồm cây mía ổn định diện tích 12.000 ha (chủ yếu thâm canh tăng năng suất). Đảm bảo nguyên liệu phục vụ theo nhu cầu Dự án đầu tư nâng công suất Nhà máy đường KCP từ 5.000 tấn mía/ngày lên 8.000 tấn mía/ngày vào niên vụ 2015-2016 và nâng lên 10.000 tấn mía/ngày vào niên vụ 2017-2018.

          – Phát triển một số cây công nghiệp ngắn ngày như cây sắn, ngô lai có năng suất cao, phục vụ các nhà máy trong vùng phụ cận.

          – Phát triển cây công nghiệp dài ngày và cây ăn quả như cây cao su tiểu điền ở các xã Sơn Định, Sơn Long, Sơn Xuân.

          – Đẩy mạnh công tác trồng rừng, tiếp tục thực hiện mục tiêu bảo vệ và phát triển rừng bền vững (trọng điểm các xã phía Bắc và phía Tây của Huyện).

  1. Về văn hóa-xã hội:Khắc phục hiện tượng di dân tự do; đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo đội ngũ cán bộ… nhằm tạo sự chuyển biến căn bản và rõ rệt về giáo dục, y tế, văn hóa, xóa đói giảm nghèo, ổn định đòi sống dân cư.

          – Về Giáo dục-đào tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và cải thiện sự tiếp cận giáo dục của người dân. Đẩy mạnh xã hội hóa huy động mọi nguồn lực, mọi thành phần kinh tế, chăm lo phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo, đa dạng hóa các mô hình dạy và học. Huy động tối đa học sinh trong độ tuổi đến trường, hạn chế tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học giữa chừng.

          – Về Y tế, cải thiện sự tiếp cận của người dân với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, cải thiện mạng lưới y tế cơ sở, hiện đại hóa trang thiết bị từ cấp xã tới cấp huyện, phát triển mạng lưới y tế thôn, buôn.

          – Về văn hóa, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số sinh sống ở các vùng đặc biệt khó khăn, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, đẩy lùi các tệ nạn xã hội.

          – Đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo, giải quyết có hiệu quả việc làm cho người lao động, từng bước thu hẹp mức sống giữa các vùng, các cộng đồng dân cư; nâng cao mức sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

  1. Về đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng:Đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó xây dựng và nâng cấp các tuyến đường bộ là ưu tiên hàng đầu; nâng cấp và xây dựng các công trình thủy lợi, hệ thống kè bờ sông Ba, phát triển hệ thống cấp nước sạch, cấp điện, viễn thông.

          – Tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện kết cấu hạ tầng thị trấn Củng Sơn và một số xã lân cận (của huyện Sơn Hòa hiện tại) đạt tiêu chí đô thị loại IV trước năm 2015 và trở thành cấp thị xã vào năm 2020, là trung tâm động lực phát triển của vùng miền núi Phú Yên.

          – Đầu tư một bước về kết cấu hạ tầng khu vực Sơn Long, Tân Hội (xã Sơn Hội) tạo tiền đề để sớm phát triển thành thị trấn, đô thị loại V. Trước mắt phấn đấu thành lập thị trấn Sơn Long trước năm 2020.

  1. Bảo vệ môi trường và an ninh-quốc phòng:Sử dụng hiệu quả và bền vững tài nguyên đất, nước, khoáng sản; bảo vệ và phát triển rừng, bảo tồn đa dạng sinh học. Xây dựng lực lượng quốc phòng, an ninh vững chắc, sẵn sàng đối phó với mọi diễn biến của các thế lực thù địch, xây dựng hệ thống khu vực phòng thủ, các tuyến giao thông trọng yếu vừa phục vụ phát triển kinh tế vừa đảm bảo quốc phòng- an ninh. Phát huy tình đoàn kết giữa các dân tộc, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội.

          đ. Tăng cường liên kết hợp tác: Phát triển nội vùng và các địa phương lân cận nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, bổ sung kinh nghiệm cho nhau cùng phát triển.

TRUYỀN THỐNG-ĐẶC SẢN-THẮNG CẢNH

Stt Nội dung
1
2
3
4
5
6
7
8
9
10
11
12
13
14
15
16
17
18
19
20
21
22
     


     

Mã QR Code ủng hộ vansudia.net


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây