Giới thiệu khái quát huyện Sốp Cộp
1. Điều kiện tự nhiên
1.1. Vị trí địa lý
Sốp Cộp được thành lập theo Nghị định số 148/2003/NĐ-CP ngày 02 tháng 12 năm 2003 của Chính phủ, là huyện vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới của tỉnh Sơn La với tổng diện tích tự nhiên là 147.342 ha, bao gồm 8 xã. Là huyện đặc biệt khó khăn, nằm xa các trung tâm kinh tế, văn hoá, xa tỉnh lỵ, với đường biên giới dài gần 120 km giáp với huyện Phôn Thoong, huyện Viêng Khăm (tỉnh Luông Pha Păng), huyện Mường Ét và huyện Mường Son (tỉnh Hua Phăn) nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Lào, chiếm 48% chiều dài biên giới toàn tỉnh đã tạo cho Sốp Cộp có vị trí đặc biệt về an ninh quốc phòng và đối ngoại.
– Toạ độ địa lý:
+ 20o39’33” – 21o 7’15” Vĩ độ bắc.
+ 103o14’56” – 103o45’06” Kinh độ đông.
– Địa giới hành chính:
+ Phía Đông và Nam giáp huyện Viêng Khăm (tỉnh Luông Pha Băng), huyện Mường Ét và huyện Mường Son (tỉnh Hua Phăn) nước Cộng hoà Dân chủ Nhân dân Lào.
Cách trung tâm thành phố Sơn La 130 km, có chung đường biên giới với nước bạn Lào dài 120 km, đã tạo cho huyện Sốp Cộp có vị trí đặc biệt về an ninh, quốc phòng.
1.2. Địa hình, địa mạo
Huyện Sốp Cộp có địa hình khá phức tạp, chia cắt mạnh, tạo nên các rẫy núi lớn nhỏ phân bố không đều, hầu hết các các dãy núi chạy theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Hệ thống suối đa dạng có độ chênh cao lớn. Nhìn chung địa hình trong huyện hình thành nên hai tiểu vùng tương đối khác biệt đó là:
– Vùng núi cao: Bao gồm 4 xã là: Mường Lèo, Mường Lạn, Nậm Lạnh và Sam Kha. Các xã này có độ cao trung bình từ 1.000 – 1.800m, độ cao tuyệt đối cao nhất là đỉnh Pu Sam Xao 1.925m thuộc xã Mường Lèo. Vùng này địa hình hiểm trở, có nhiều núi cao vực sâu. Độ dốc cao, phần lớn từ 250 trở lên, có một số nơi đến 450 và trên 450, nhiều núi đá và tỷ lệ đá lẫn lớn. Vùng này có tỷ lệ đất trồng trọt cây nông nghiệp thấp, trong sản xuất nông nghiệp chủ yếu là trồng lúa nương, ngô, sắn và một số cây công nghiệp ngắn ngày trên đất dốc.
– Vùng núi thấp: Bao gồm các xã còn lại: Sốp Cộp, Mường Và, Dồm Cang và Púng Bánh. Các xã này có độ cao trung bình từ 750 – 950 m, độ cao tuyệt đối thấp nhất là 700 m ở suối Nậm Công thuộc xã Sốp Cộp. Vùng này có độ dốc trung bình từ 20-350, tỷ lệ núi đá và đá lẫn thấp. Phương thức sản xuất nông nghiệp ở vùng này có phần đa dạng hơn cụ thể là lúa nước, lúa nương, ngô, cây ăn quả và một số cây công nghiệp ngắn ngày.
1.3. Khí hậu
Huyện Sốp Cộp nằm ở vị trí vùng Tây Bắc Việt Nam, mang đặc trưng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm, chịu ảnh hưởng của chế độ gió mùa. Nhưng do khu vực nằm sâu trong lục địa nên ít ảnh hưởng của mưa bão trong mùa hè và gió mùa Đông Bắc trong mùa đông. Trong năm được chia làm hai mùa rõ rệt:
– Mùa mưa xuất hiện từ tháng 4 đến tháng 9, mưa tập trung vào các tháng 6,7,8, lượng mưa chiếm trên 85-90% lượng mưa cả năm. Mùa này thời tiết nóng ẩm rất thích nghi cho sinh trưởng, phát triển của cây trồng.
– Mùa khô từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, do ảnh hưởng của gió mùa Tây Nam nên thời tiết khô và lạnh. Có năm xuất hiện sương muối kéo dài từ 3-5 ngày, mùa này dễ xảy ra hoả hoạn đối với nhà cửa và cây rừng.
Diễn biến thời tiết và khí hậu có những đặc trưng chính sau đây:
– Nhiệt độ trung bình năm : 22,70C
– Lượng mưa trung bình năm : 1.087 mm
– Độ ẩm không khí bình quân : >80%/năm
– Số giờ nắng trung bình : 1.954 giờ/năm
1.4. Thủy văn
Trên địa bàn huyện không có con sông nào chảy qua, chỉ có hệ thống suối phân bố rải rác bao gồm các hệ thống suối và các con suối chính sau:
– Hệ thống suối Nậm Công: đây là hệ thống suối lớn nhất trong huyện. Suối Nậm Công chảy qua xã Sốp Cộp trở thành nhánh chính của Sông Mã, là hợp lưu của 3 con suối nhỏ: suối Nậm Ca (chảy qua xã Mường Và); suối Nậm Lạnh (chảy qua xã Nậm Lạnh); suối Nậm Ban (chảy qua 4 xã: Sam Kha; Púng Bánh; Dồm Cang và Sốp Cộp). Hệ thống suối Nậm Công cung cấp đủ nước cho 4 xã Sốp Cộp, Dồm Cang, Púng Bánh, Mường Và cả về mùa khô, đồng thời có tiềm năng lớn về thủy điện.
– Suối Nậm Pừn: Bắt nguồn từ độ cao 1.600 m thuộc xã Mường Lèo (Giáp biên giới Việt Lào) chảy sang huyện Điện Biên Đông đổ ra Sông Mã.
– Suối Nậm Sọi: Chảy dọc xã Mường Lạn; xã Mường Cai và Chiềng Khoong (huyện Sông Mã) đổ ra Sông Mã.
Ngoài hệ thống suối và các con suối chính trên, còn có những con suối nhỏ phân bố không đồng đều trong huyện.
Với đặc thù của vùng núi cao hiểm trở, nên hầu hết những con suối trong huyện đều có những đặc điểm chung: tốc độ dòng chảy mạnh do độ chênh cao giữa hạ lưu và thượng nguồn lớn, tạo nên nhiều thác gềnh. Biên độ lưu lượng nước giao động giữa hai mùa quá lớn, nhiều con suối nhỏ không đủ nước sinh hoạt và sản xuất cho đồng bào vào thời điểm mùa khô. Tiềm năng khai thác để xây dựng các công trình thuỷ lợi, thuỷ điện nhỏ phục vụ đời sống và sản xuất tại chỗ của địa phương rất lớn.
2. Phân tích đặc điểm các nguồn tài nguyên
2.1. Tài nguyên đất
Theo kết quả điều tra của Trung tâm Địa Môi trường và tổ chức lãnh thổ thuộc Liên hiệp Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam kết hợp bản đồ thổ nhưỡng tỷ lệ 1/100.000 của tỉnh Sơn La, thì trong huyện phân bố một số loại đất chính sau:
a) Đất vàng xám (Xf): Diện tích 143.968 ha, chiếm 97,71% tổng diện tích tự nhiên… Trong đất vàng xám được chia ra 3 loại đất phụ là:
– Đất vàng xám điển hình (Xfh): Diện tích 66.974 ha, chiếm 46,52% diện tích đất xám vàng. Đất này chủ yếu phân bố ở đai cao từ sườn lên đỉnh núi, có độ pH từ 6 – 6,5; tỷ lệ đá lẫn, đá lộ đầu lớn; độ dốc cao phần lớn từ 300 trở lên có tầng mỏng đến trung bình; hàm lượng mùn phần lớn là trung bình đến giầu. Loại đất này thực bì chủ yếu là cây rừng tự nhiên và đất trống đồi núi trọc.
– Đất xám vàng có thành phần cơ giới nặng (Xfar): Diện tích 60.884 ha, chiếm 42,29% diện tích đất vàng xám. Đất này chủ yếu phân bố ở đai cao từ sườn đến đỉnh và một phần chân núi, có độ pH từ 4,5-7,5; hàm lượng mùn trung bình; tỷ lệ đá lẫn nhiều; độ dốc cao phần lớn từ 350 trở lên; có tầng mỏng trung bình. Loại đất này thực bì chủ yếu là cây rừng tự nhiên đang tái sinh và một phần đất trống đồi núi trọc.
– Đất xám tích mùn (Xfu): Diện tích 16.110 ha, chiếm 11,19% đất vàng xám. Đất này chủ yếu phân bố ở các vùng núi thấp và ven theo hai bên suối lớn, có độ pH từ 4,5-5; hàm lượng mùn trung bình đến giầu; tỷ lệ đá lẫn ít; độ dốc tập trung từ 20-350; có tầng mỏng trung bình. Loại đất này hiện tại đang là rừng tái sinh tự nhiên và canh tác sản xuất nông nghiệp.
b) Đất phù sa(P): Diện tích 2.505 ha, chiếm 1,7% tổng diện tích tự nhiên. Đất này được chia làm 3 loại đất phụ:
– Đất phù sa chua (Pc): Diện tích 2.077 ha, chiếm 82,91% diện tích đất phù sa. Đất này chủ yếu phân bố ở các vùng chân núi, có độ pH từ 4,5-6,5; hàm lượng mùn trung bình; tỷ lệ đá lẫn ít; độ dốc thấp, tập trung từ 15-250; có tầng mỏng trung bình. Loại đất này hiện tại đang canh tác sản xuất nông nghiệp.
– Đất phù sa ít chua (Pi): Diện tích 354 ha, chiếm 14,13%. Đất này chủ yếu phân bố ở các vùng chân núi, có độ pH từ 5,5-7,5; hàm lượng mùn trung bình đến giầu. Loại đất này hiện tại đang canh tác sản xuất nông nghiệp.
– Đất phù sa bão hoà (Peh): Diện tích 74 ha, chiếm 2,96% diện tích đất phù sa. Đất này chủ yếu phân bố ở các vùng chân núi, có độ pH trung tính; hàm lượng mùn trung bình. Loại đất này hiện tại đang canh tác sản xuất nông nghiệp.
c) Đất đỏ và nâu vàng(F): Diện tích 486 ha, chiếm 0,33% tổng diện tích tự nhiên. Đất này phân bố chủ yếu ở sườn dông.
d) Đất mới biến đổi(CM): Diện tích 177 ha, chiếm 0,12% tổng diện tích tự nhiên. Đất này phân bố rải rác ở sườn dông do quá trình glây mạnh.
đ) Đất glây(Gl): Diện tích 206 ha, chiếm 0,14% tổng diện tích tự nhiên. Đất này phân bố rải rác ở dọc ven các con suối lớn, có độ dốc thấp.
Nhìn chung đất đai huyện Sốp Cộp phù hợp với nhiều loại cây trồng khác nhau song phần lớn là có độ dốc lớn phân bổ không tập trung. Hàm lượng các chất dinh dưỡng như đạm, lân, Kali, Canxi, Manhê trong đất thấp và giảm nhanh theo độ sâu, tỷ lệ không cân đối.
2.2. Tài nguyên nước
Nước phục vụ cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân trong địa bàn huyện Sốp Cộp được lấy từ hai nguồn:
– Nguồn nước mặt: Đây là nguồn nước chính phục vụ sản xuất sinh hoạt của nhân dân trong vùng. Được cung cấp bởi hệ thống suối chính như: suối Nậm Công, Mường Và, Nậm Lạnh, Nậm Ban, Nậm Pừn, Nậm Sọi và các con suối nhỏ khác. Tuy nhiên phần lớn mặt nước các suối đều thấp hơn mặt bằng đất canh tác và các khu dân cư nên hạn chế đáng kể tới khả năng khai thác sử dụng vào sản xuất và đời sống.
– Nước dưới đất: Hiện tại chưa có điều kiện thăm dò, khảo sát đầy đủ. Qua kết quả điều tra khảo sát cho thấy nước ngầm của huyện phân bố không đều, mực nước thấp, khả năng khai thác khó khăn.
2.3. Tài nguyên rừng, thảm thực vật
Diện tích đất lâm nghiệp của huyện năm 2018 có 71.189,12 ha chiếm 48,32% tổng diện tích tự nhiên, có tiềm năng phát triển lâm nghiệp với hệ thống rừng phòng hộ, rừng đặc dụng và rừng kinh tế. Tài nguyên rừng khá phong phú, có nhiều nguồn gen động thực vật quý hiếm. Thực vật có nhiều loài cây quý hiếm như: Chò, Dổi, Đinh hương, Lát hoa, Bách xanh và các loại cây dược liệu: Đẳng sâm, Ba kích, Ý dĩ, Cốt bổ toái,… Động vật có các loài gấu, sơn dương, khỉ, sóc tạo nên một quần thể sinh học khá đa dạng.
Hiện nay phần lớn diện tích rừng là rừng phục hồi, rừng nghèo, rừng tre nứa và rừng hỗn giao trữ lượng thấp. Chỉ có một số ít diện tích rừng có trữ lượng lớn và chất lượng rừng tương đối tốt tập trung chủ yếu ở các xã như: Mường Lèo, Mường Và, Mường Lạn,… phân bố chủ yếu ở các vùng địa hình hiểm trở có độ cao trên 1.000m, độ dốc lớn khả năng khai thác sử dụng rất hạn chế.
2.4. Tài nguyên khoáng sản
Hiện chưa có kết quả thăm dò, khảo sát đầy đủ, song nhìn chung Sốp Cộp là huyện nghèo về khoáng sản, chỉ có đá vôi, cát sỏi, đất sét trữ lượng nhỏ phân bố rải rác có thể khai thác với qui mô nhỏ phục vụ nhu cầu tại chỗ như mỏ đá Tà Cọ xã Sốp Cộp, mỏ đá Huổi Lầu xã Mường Và. Ngoài ra còn có 2 điểm quặng trữ lượng nhỏ là mỏ quặng Chì – brarit bản Huổi Lầu xã Mường Và, quặng Chì kẽm bản Pú Sút xã Sam Kha.
2.5. Tài nguyên nhân văn
Sốp Cộp là vùng đất được hình thành và phát triển sớm trong lịch sử. Trải qua những thăng trầm của thời gian đến nay trên địa bàn huyện vẫn còn giữ được những giá trị văn hoá vật thể quý báu như Tháp Mường Và. Trên địa bàn huyện có nhiều dân tộc cùng sinh sống như: Thái, Mông, Khơ Mú, Lào, Mường, Kinh… mỗi dân tộc có bản sắc đặc trưng riêng từ phong tục, tập quán đến quan hệ cộng đồng, ngôn ngữ và ngành nghề truyền thống. Sống đan xen nhau, có truyền thống đoàn kết gắn bó với nhau tạo nên một cộng đồng có nền văn hoá đa dạng, phong phú và có tính nhân văn cao.
3. Thực trạng môi trường
Cảnh quan môi trường của huyện Sốp Cộp bị tác động chưa nhiều, mức độ ô nhiễm môi trường chưa nghiêm trọng. Tuy nhiên trong quá trình sản xuất và sinh hoạt của con người chưa chú ý đến việc bảo vệ môi trường. Sản xuất nông nghiệp chủ yếu trên đất dốc mà chưa áp dụng các biện pháp bồi bổ cải tạo đất đã làm giảm độ phì của đất, khả năng giữ nước thấp, hiện tượng xói mòn, rửa trôi xảy ra khá phổ biến làm giảm tầng dày và độ phì của đất gây sạt lở, lũ quét ở vùng thấp đồng thời ảnh hưởng xấu đến nguồn nước.
Để xây dựng môi trường bền vững cần phải có các giải pháp nhằm phục hồi, tái sinh thảm thực vật, nâng tỷ lệ che phủ rừng nhất là ở những khu vực rừng đầu nguồn. Đây là vấn đề cần có sự quan tâm kịp thời của các cấp chính quyền.
- LỊCH SỬ TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA
Huyện Sốp Cộp được thành lập theo Nghị định 148-NĐ/CP ngày 2/12/2003 của Chính phủ. Được tách ra từ huyện Sông Mã, Sốp Cộp có diện tích tự nhiên 146.841 ha, gồm 8 xã, trong đó có 4 xã biên giới với 120km đường biên giới quốc gia, có độ cao trung bình so với mặt biển 700m, cao nhất là đỉnh Pu Sam Sẩu 1.925m.
Sốp Cộp là mảnh đất có bề dày văn hóa và giầu truyền thống cách mạng. Dưới thời Pháp thuộc, vùng đất Sốp Cộp là một Tổng thuộc Mường Thanh, Điện Biên. Tổng Sốp Cộp gồm 8 Mường, trong đó Mường Sốp Cộp lớn nhất gồm 5 Lộng: Lộng Sốp Cộp (xã Sốp Cộp và Nậm Mằn ngày nay); Lộng Dồm (xã Dồm Cang ngày nay); Lộng Phải, Lộng Cọ, Lộng Bánh (xã Púng Bánh ngày nay). Thực dân Pháp đặt bộ máy cai trị hà khắc ở đây, nhân dân trong vùng sống trong cảnh tối tăm, khổ cực.
Thực hiện Nghị quyết của Đảng về công tác vùng sau lưng địch, ngày 28 tháng 2 năm 1948, Tổng chỉ huy Quân đội Việt Nam ra lệnh cho cho Liên Khu 10 khẩn trương thành lập Ban xung phong Tây Bắc. Ngày 24 tháng 11 năm 1948, đội quân quyết thắng lên đường tiến quân vào vào Khu A gây dựng cơ cở theo hướng lên Điện Biên Phủ, các cơ sở cách mạng trong nhân dân được gây dựng. Đồng chí Vi Văn Ký (Sùng Thếnh) cùng 3 đồng chí người Kinh lấy tên của dân tộc H’Mông là Vạ Đông, Vạ Thếnh, Dua Páo đến bản Chu Vai (thuộc xã Nậm Mằn ngày nay) cắt máu gà ăn thề, kết nghĩa làm anh em, sau đó xây dựng Chu Vai thành cơ sở cách mạng đầu tiên ở Vùng Sốp Cộp. Đến tháng 1 năm 1952 đã phát triển thêm 7 cơ sở ở bản: Phá Thóng (Púng Bánh), Phá Thóng Nọi, Phi Rôm Nọi, Phi Mã (Dồm Cang), Tà Lắc, Tà Lắc Nọi (Sốp Cộp). Ngày 14/10/1952 Chiến dịch Tây Bắc mở màn trước sự tấn công của đoàn quân cách mạng và tinh thần nổi dậy của nhân dân Sốp Cộp, đồn lính Pháp ở Sốp Cộp đã vội vã tháo chạy thoát thân, vùng Sốp Cộp được giải phóng. Ngày 30/11/1952 sau khi chiến dịch Tây Bắc thắng lợi, đồng chí Lê Khánh được Ban cán sự Điện Biên cử đến Sốp Cốp Cộp thành lập ủy ban hành chính lâm thời xã Sốp Cộp.
Người Sốp Cộp luôn anh dũng kiên cường trong chiến đấu và tích cực lao động sản xuất. Trong chiến dịch Tây Bắc và Chiến dịch Điện Biên Phủ nhân dân Sốp Cộp vừa động viên thanh niên lên đường nhập ngũ, vừa tham gia vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược, giã gạo, đóng góp vật chất phục vụ co chiến dịch. Chiến dịch Điện Biên phủ kết thúc thắng lợi có công sức không nhỏ của của người dân Sốp Cốp. Ngay sau hòa bình lập lại, người dân nơi đây lại vừa xây dựng cuộc sống mới vừa củng cố chính quyền, đập tan âm mưu phá hoại của bọn biệt kích gián điệp gây bạo loạn, phá rối trị an.
Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, Đảng bộ và nhân dân huyện Sông Mã nói chung, nhân dân Sốp Cộp nói riêng vừa xây dựng quê hương, vừa đóng góp sức người, sức của cho tiền tuyến, góp phần vào cuộc kháng chiến thần thánh đánh thắng giặc Mỹ xâm lược. Trong những năm xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, nhân dân vùng Sốp Cộp luôn vươn lên, đi đầu trong các phong trào lao động sản xuất, xây dựng vùng biên giới vững mạnh về mọi măt.
Sốp Cộp là vùng đất có địa hình chia cắt bởi các dãy núi cao và vực sâu nên tạo ra khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ. Nơi đây quần tụ sinh sống, đoàn kết của 5 dân tộc anh em (Thái, Mông, Lào, Khơ Mú, Kinh) và một số dân tộc khác như dân tộc Tày, Mường. Tổng dân số năm 2018 là gần 49 ngàn người, trong đó dân tộc Thái 57%, dân tộc H’Mông 25%, dân tộc Khơ Mú 7%, dân tộc Lào 7%, Kinh 3,5%, dân tộc khác 3,5 %. Người Thái, người Lào sống ở vùng thấp, có phiêng bãi, có ruộng nước; người H’Mông, người Khơ Mú sống ở vùng cao, người lào Sống tập trung ở hai xã Mường Và, Mường Lạn.
Các dân tộc có tiếng nói riêng, ngoài chữ phổ thông, người Thái và người H’Mông có chữ viết riêng, người Thái có tác phẩm văn hóa thành văn, các dân tộc khác như H’Mông, Lào, Khơ Mú chỉ là truyền miệng. Từ xưa các dân tộc ở Sốp Cộp có tín ngưỡng thờ cúng: trời đất, tổ tiên. Việc thờ cúng trời, đất, tổ tiên được thể hiện bằng nhiều hình thức lễ hội phong phú, vào mùa xuân có cúng mường, cúng bản, ngày xưa thường tổ chức linh đình tới hai đến ba ngày, phí tổn dân đóng góp. Xên mường, xên bản như là một lễ tổng kết năm cũ, bước sang năm mới, cầu mong trời đất, tổ tiên cho mường, cho bản, nhưng thực chất là nhằm củng cố khối cộng đồng mường, bản.
Người Lào có lễ hội “cin khẩu hó” vào dịp tết Trung thu, cũng trong dịp này Người Khơ Mú có tết “củ củ phứa, củ măn” (phứa: củ khoai sọ, măn:củ mài) vào dịp thu hoạch xong nương dẫy. Đây là những hình thức mừng được mùa và cầu mong sự phù hộ của trời đất, tổ tiên để mùa sau được nhiều hơn.
Người H’Mông có tết cổ truyền, tổ chức trong 10 ngày từ 25/12 năm trước đến 5/1 năm sau (theo dương lịch), có phần tết thịt lợn, thịt gà, có bánh dày…trong dịp tết có tổ chức thăm hỏi và vui chơi, đánh quay, ném pa pao. Thực hiện cuộc vận động của Ủy ban dân tộc miền núi, một số bản của đồng bào dân tộc H’Mông tổ chức ăn tết cùng với tết nguyên đán.
Sốp Cộp còn là vùng đất phong phú về văn hóa. Ở xã Mường Và, có một Tháp cổ cao 15m, gồm 5 tầng với một nghệ thuật kiến trúc, điêu khắc tinh xảo, năm 1998, tháp Mường Và được Nhà nước công nhận “Di tích văn hóa”. Văn hóa vùng Sốp Cộp mang đậm nét văn hóa Điện Biên và văn hóa Lòa, đặc biệt ảnh hưởng khá rõ những sắc thái văn hóa và các phong tục tập quán của tầng lớp quý tộc Thái.
Huyện Sốp có 4 xã biên giới giáp 3 huyện: Mường Ét, Mường Son (tỉnh Hua Phăn), Phôn Thong (tỉnh Luông Pha Băng) nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào với 120km đường biên giới quốc gia. Tuyến biên giới này có nhiều đoạn hiểm trở, có ba con đường chính qua biên giới tại các xã Mường Lạn, Nậm Lạnh và Mường Lèo. Đồng bào hai bên biên giới từ xa xưa có quan hệ hữu nghị, thân thiện. Lịch sử đấu tranh chống kẻ thù chung là thực dân, đế quốc càng làm cho tình đoàn kết, hữu nghị giữa Sốp Cộp và huyện Mường Ét, Mường Son, Phôn Thong ngày thêm gắn bó và trở thành truyền thống quý báu qua suốt các thời kỳ cách mạng. Ngày nay truyền thống đó càng được củng cố vững chắc, xây dựng được chế độ giao ban định kỳ, gặp gỡ, trao đổi, tăng cường hiểu biết lẫn nhau, cùng xây dựng tuyến biên giới an toàn, hữu nghị và phát triển toàn diện.
Mỗi dân tộc có một phong tục, tập quán và tính cách riêng, nhưng đồng bào các dân tộc Sốp Cộp có chung đức tính cần cù, chịu khó trong lao động, sản xuất, trung thực, chất phác, mến khách, rộng lượng và nhân ái; có truyền thống đấu tranh kiên cường bảo vệ quê hương, đất nước. Quá trình đấu tranh thiên tai, chống áp bức, chống giặc ngoại xâm của nhân dân Sốp Cộp luôn gắn liền với cuộc đấu tranh của nhân dân Sông Mã, Điện Biên, đặc biệt là nhân dân Lào anh em.
Sốp Cộp là vùng đất có khí hậu ôn hòa, đất đai có tầng canh tác dày, độ phì nhiêu cao, thuận lợi cho phát triển nông nghiệp, rất phù hợp với sự sinh trưởng của cây trồng, nhất là cây lương thực, một số cây công nghiệp và cây ăn quả thuộc họ cây có mũi, nhiều vùng cỏ rộng thuận lợi cho phát triển chăn nuôi đàn gia súc ăn cỏ. Rừng Sốp Cộp có nhiều gỗ quý như: lát, dổi, thông, chò chỉ…; nhiều muông thú như: voi, hổ, hươu, nai, gấu, khỉ, vượn…;nhiều loại cây dược liệu quý như: đẳng sâm, sa nhân, hà thủ ô…Đặc biệt Sốp Cộp có khu rừng đặc dụng quốc gia Sốp Cộp ở vào địa phận các xã Sốp Cộp, Dồm Cang, và Púng Bánh và một số xã của huyện Sông Mã với diện tích 13.670ha, thuộc loại rừng á nhiệt đới, nhiều chỗ còn là rừng nguyên sinh. Cây cối có hơn 100 loài khác nhau, gỗ quý có lát, thông, dổi. Đáng chú ý ở đây còn nhiều động vật quý hiếm ở Việt Nam trong sách đỏ như: có khỉ mặt đỏ, voọc đen…
Trên địa bàn huyện có hơn 15 con suối lớn nhỏ, lưu lượng nước dồi dào, phân bố đều ở các vùng đất rất thuận tiện cho sản xuất và sinh hoạt của cư dân, trong đó có 3 con suối lớn: Nậm Ban, Nậm Lạnh, Nậm Ca, bắt nguồn từ những cánh rừng đại ngàn đem nguồn nước mát tưới cho hành trăm ha ruộng đồng rồi hợp lại thành dòng suối lớn Nậm Công có lưu lượng nước rất lớn, đã và đang phục vụ cho xây dựng các công trình thủy điện.
Từ năm 1967, tuyến đường ô tô ra Sông Mã và ra tỉnh là đường 105 được xây dựng. Tuyến đường độc đạo, hiểm trở, đường hẹp, quanh co, khúc khuỷu, dốc cao, vực sâu, mùa mưa tắc nghẽn do sạt lở, nay đã được nâng cấp trải ngựa; các tuyến đường khác nối với các vùng miền được đầu tư xây dựng, tạo nên hệ thống giao thông thuận lợi để phát triển.
Thực hiện công cuộc đổi mới, từ giữa thập niên 80, sản xuấ hàng hóa bắt đầu ddowcj hình thành và phát triển. Đặc biệt, từ khi huyện Sốp Cộp được thành lập, nhiều chương trình dự án đã và đang được triển khai để tăng cường cơ sở vật chất, cũng như tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ, giúp người dân tiếp cận với khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, nâng cao năng xuất cây trồng, vật nuôi. Cơ cấu kinh tế của huyện được chuyển dịch đúng hướng, phát huy được thế mạnh trong nông nghiệp, phát triển chăn nuôi đại gia súc và trồng rừng. Vì thế, trong những năm qua, nền kinh tế của Sốp Cộp luôn có tốc độ tăng trưởng khá, cơ sở vật chất kinh tế – xã hội và hạ tầng được quan tâm và đạt được nhiều kết quả quan trọng; trung tâm huyện lỵ, các khu đô thị mới được hình thành và sầm uất, đời sống nhân dân được cải thiện rõ rệt; sự nghiệp giáo dục, y tế không ngừng phát triển; văn hóa tinh thần của nhân dân được nâng lên; các bức xúc xã hội được đẩy lùi; an ninh, quốc phòng được giữ vững và ổn định; công tác đối ngoại ngày càng mở rộng và nâng cao, giữ gìn tình đoàn kết hữu nghị gắn bó với nước bạn Lào anh em.
Sốp Cộp hôm nay đang vươn lên từng ngày, được triển khai thực hiện Đê án phát triển kinh tế – xã hội huyện Sốp Cộp đến năm 2015 và triển khai các chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết 3a của Chính phủ, đây chính là điều kiện để Sốp Cộp phát huy tiềm năng, lợi thế, tranh thủ mọi nguồn lực để xây dựng huyện Sốp Cộp sớm trở thành một huyện vùng cao, biên giới có kinh tế – xã hội phát triển, môi trường sinh thái được bảo vệ, an ninh chính trị vùng biên giới được củng cố và ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững.
Sốp Cộp, vùng đất, con người giầu truyền thống cách mạng và giầu tiềm năng. Nơi đây thiên nhiên hùng vĩ, con người cần cù trong lao động sản xuất, dũng cảm kiên cường trong đấu tranh dành độc lập, tự do. Trải qua các thời kỳ cách mạng, nhân dân các dân tộc Sốp Cộp dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã bảo vệ vững chắc một vùng biên cương thiêng liêng của Tổ quốc, giữ gìn và vun đắp tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt với nhân Lào anh em. Đảng bộ và nhân dân huyện Sốp Cộp đang ra sức, nỗ lực xây dựng Sốp Cộp từ một vùng đất hoang sơ thành một huyện ổn định về chính trị, phát triển về kinh tế, vững mạnh về quốc phòng, an ninh. Sốp Cộp hôm nay đang chuyển mình vượt qua khó khăn một cách tự tin, vững chắc để đánh thức mọi tiềm năng, thế mạnh xây dựng vùng biên cương ngày càng tỏa sáng.
Tháp Mường Và nét đẹp văn hóa của dân tộc Lào
huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La
Tháp Mường Và nằm trong hệ thống di tích lịch sử – văn hóa, danh lam thắng cảnh của tỉnh Sơn La, là một công trình kiến trúc linh thiêng và cổ kính được nhân dân bản Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp tôn sùng và bảo vệ từ bao đời nay. Tháp được xây dựng trên một quả đồi nhân tạo, ngay trung tâm bản Mường Và, xã Mường Và, cách trung tâm huyện Sốp Cộp khoảng 7,5km về phía Đông Nam. Mường Và (theo tiếng địa phương) có nghĩa là miền đất đông người tập trung sinh sống, đất đai mầu mỡ phì nhiêu, có cánh đồng bằng phẳng thẳng cánh cò bay và phong cảnh đẹp, cư dân bản Mường Và phần lớn là người Lào.
Theo truyền thuyết kể lại thì cách đây khoảng 400 năm (vào Thế kỷ 17) có một thầy địa lý người Hoa đi qua vùng đất này thấy có cảnh đẹp, về địa lý thuận lợi, đằng sau Bản Mường Và là dãy núi chạy dài, đằng trước là một cách đồng rộng lớn, có con suối chảy qua. Dựa theo thuyết phong thuỷ thì đây là một vùng đất đẹp và ổn định. Ông thầy địa lý đã bàn với Chẩu Hua (Người đứng đầu trong vùng) để xây dựng chùa và tháp, ngôi chùa hiện nay không còn.
Chẩu Hua đã huy động lực lượng nhân dân trong vùng khởi công đắp quả đồi ngay tại trung tâm bản. Đất đắp đồi được lấy từ hai bên cạnh và đằng sau Tháp (hiện nay xung quang tháp còn dấu tích 3 chiếc hồ lớn). Sau khi đắp đồi xong, Chẩu Hua cho xây Tháp và dựng chùa, đây là nơi sinh hoạt không thể thiếu của cộng đồng, nơi để người dân đến lễ phật, nghe kinh, nơi tập hợp toàn dân vào những ngày lễ hội và bàn bạc đến những vấn đề liên quan đến lợi ích chung của cộng đồng.
Tháp Mường Và thuộc loại Di tích kiến trúc Nghệ thuật. Tháp được xây dựng trên ngọn đồi cao 15m so với mặt bằng xung quanh, xây theo hình bút tháp cao 13 mét, đứng từ xa ta nhìn thấy tháp vút cao lên nền trời xanh với những đường nét sắc sảo, thanh lịch, tạo thế hiên ngang và uy nghi của công trình.
Tòa tháp được chia thành 5 tầng, xây bằng gạch vồ có chiều dài là 35cm, rộng 15cm, dầy 6cm, là loại gạch mầu đỏ được gắn với nhau bằng vôi, cát và mật, tháp được xây đặc.
– Tầng 1: Chân tháp được xây theo hình thể vuông choãi có chiều rộng là 2,85m, thót vát lên 0,50m tạo chân của tầng, có chiều cao là 3,5m phía trên được phình ra như như một đài hoa để đỡ cho tầng 2, tầng 1 không trang trí hoa văn. Mặt thân được trang trí hình lõm (nhìn mặt cắt như hình bán nguyệt) ở giữa mặt thân được trang trí một rãnh sâu là 10cm, rộng 20cm, 2 mép rãnh này được đắp nổi gờ ra khỏi thân tháp là 5cm (Tầng 1 đã được đổ bê tông tường bao và lát đá để đảm bảo công trình).
– Tầng 2: Có chiều cao 2,60mét, xây theo hình vuông, mặt cạnh của tháp được trang trí theo hình bán nguyệt, chính giữa được trang trí 1 đường lõm, đường gờ 2 bên đường lõm được trang trí gờ nổi ra khỏi thân là 5cm. Cạnh tháp có nhiều đường gờ nổi, chờm ra khỏi thân, chân của tầng 2 được trang trí hai đường hoa văn: Đường hoa văn thứ nhất (nơi tiếp giáp với tầng 1) được trang trí lá đề cách điệu (lá được dựng đứng lên) chạy xung quanh tháp.
Đường hoa văn thứ 2 (nơi tiếp giáp với tầng 3) được trang trí hình voi đi lên núi, chạy xung quanh tháp. Phía trên của tầng hai được trang trí hoa văn dây xoắn điểm xuyết hoa cúc. Hình hoa văn trang trí thoáng, đường nét mạnh mẽ.
– Tầng 3: Được xây theo hình một chiếc lọ, dưới to, trên bé hình vuông, ở giữa được trang trí hình rãnh lõm chạy từ trên xuống, mặt được trang trí hình bán nguyệt, có chiều dài 3,30m, thân tháp không trang trí hoa văn. Phía trên của tầng 3 (nơi tiếp giáp với tầng 4) được trang trí 2 đường hoa văn nổi hình dấu ~ nối tiếp nhau chay quanh tháp.
– Tầng 4: Được trang trí thon nhỏ dần có chiều cao là 2m. Đế của tầng 4 (là nơi tiếp giáp với tầng 3) ở 4 cạnh được trang trí 4 vòi voi ngoắc ngược, đứng từ xa, ta cảm nhận như 4 khuyên tai của người đeo.
– Tầng 5: Được trang trí nổi lên như một búp sen có chiều cao là 1,60m không trang trí hoa văn.
Nét độc đáo của tháp, ngoài hình khối còn phải kể đến nguyên liệu xây dựng tháp. Tháp được xây bằng gạch vồ, liên kết các viên gạch là vôi, cát. Tháp xây đặc toàn bộ, không có cửa, phân chia 4 mặt khá đều nhau, mỗi mặt quay một hướng.
Tháp được công nhận Di tích Kiến trúc – Nghệ thuật cấp Quốc gia theo Quyết định số 95/1998/QĐ-BVHTT ngày 24 tháng 01 năm 1998 của Bộ Văn hóa và Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).
Năm 1965 máy bay Mỹ bắn phá đã phá đứt mất 0,60m đỉnh tháp. Động đất năm 1983 làm cho tháp bị nứt dọc, vôi vữa trát xung quanh bị bong lở nhiều, phần chân tháp bị bong lở hoàn toàn. Nhiều hoa văn quanh tháp và các điểm quan trọng bị mất. Tháp được Bộ Văn hóa, Thể thao & Du lịch và UBND tỉnh Sơn La trùng tu lần thứ nhất vào năm 2000, trùng tu lần thứ 2 năm 2012; năm 2013 xây dựng Nhà quản lý tháp như hiện nay.
Di tích tháp Mường Và có giá trị cao về văn hóa, nghệ thuật và mang đặc tính về văn hoá Phật giáo dòng Tiểu thừa tại Tây Bắc nói chung và tỉnh Sơn La nói riêng. Là một công trình kiến trúc cổ, có lối kiến trúc gần với tháp Mường Luân (Huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên). Niên đại của Tháp Mường Và vẫn còn chưa được xác định rõ ràng bởi không có văn bia ghi lại. Để tôn tạo lại một di sản, lần trùng tu thứ 2 Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Sơn La đã cố gắng giữ gìn nguyên gốc cho di tích.
Vào các dịp Lễ hội “Xên Mường” và “Khảu hó” của dân tộc Lào hàng năm, nhân dân trong vùng nô nức đến tham quan Tháp, tham dự các lễ hội và là điểm đến nằm trong tuyến du lịch của tỉnh, tạo điều kiện cho địa phương thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng. Với những giá trị về Kiến trúc – Nghệ thuật, Tháp Mường Và là một biểu tượng văn hóa đặc sắc của huyện Sốp Cộp./.