Giới thiệu khái quát huyện Tân Hưng

Giới thiệu khái quát huyện Tân Hưng

Giới thiệu khái quát huyện Tân Hưng

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN CỦA HUYỆN TÂN HƯNG

1. Vị trí địa lý:

Tân Hưng nằm ở phía Tây Bắc của tỉnh Long An, diện tích tự nhiên: 49.670,8 ha, có 12 đơn vị hành chính (11 xã và 1 thị trấn);

– Phía Bắc giáp nước bạn Campuchia (biên giới dài 15,22 km).

– Phía Nam giáp huyện Tân Thạnh, thị xã Kiến Tường tỉnh Long An.

– Phía Đông giáp huyện Vĩnh Hưng tỉnh Long An.

– Phía Tây giáp tỉnh Đồng Tháp.

2. Đặc điểm tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên:

2.1. Khí hậu- thời tiết:

Khí hậu mang tính chất đặc trưng nhiệt đới gió mùa với nền nhiệt cao đều quanh năm, ánh sáng dồi dào, lượng mưa khá lớn và phân bố theo mùa. Đây là điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là cây lúa, ngô, rau đậu thực phẩm.

2.2. Nguồn nước và chế độ thủy văn:

Nguồn nước mặt: Tân Hưng nằm ở đầu nguồn nước từ phía sông Tiền dẫn vào địa phận của tỉnh Long An; đây chính là điểm thuận lợi so với các huyện phía Nam của tỉnh.

  Nguồn nước ngầm: Nguồn nước ngầm trong khu vực huyện Tân Hưng xuất hiện sâu, nên khi đầu tư các trạm cung cấp nước sạch nông thôn cần vốn rất lớn.

Ngập lũ: Đây là vùng đất ngập nước thuộc lưu vực sông Mekong, hàng năm thể hiện rõ nét chỉ có 2 mùa là mùa khô và mùa lũ lụt, thời gian ngập lụt kéo dài khoảng 4 tháng, thường từ trung tuần tháng 7 đến trung tuần tháng 11 hàng năm.

2.3. Tài nguyên đất:

Toàn huyện có 2 nhóm đất là nhóm đất xám có diện tích 21.502,5 ha (chiếm 43,29% DTTN) và nhóm đất phèn 28.106,6 ha (chiếm 56,59% DTTN).

2.4. Tài nguyên rừng:

Theo số liệu thống kê hiện toàn huyện có hơn 3.000 ha rừng, chủ yếu là rừng tràm, tập trung nhiều ở Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen..

2.5. Tài nguyên khoáng sản:

Khoáng sản đặc trưng là than bùn, sét gạch ngói nguồn gốc hỗn hợp sông – đầm lầy, sông – biển tuổi Holoxen./.

TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA

1. Truyền thống Văn hóa

Huyện Tân Hưng là huyện nằm trong vùng đất Đồng Tháp Mười, từ những ngày đầu khai phá đến đầu thế kỷ XVIII  nơi đây chưa có tên gọi. Từ những năm giữa thế kỷ XVIII trở đi người ta gọi nơi đây là Đồng Tháp Mười, đó là một vùng đất trũng, hoang vu thưa thớt bóng người, khắp nơi là rừng rậm đầm lầy và rừng tràm bạt ngàn, xứ sở của các loài muôn thú; chim, cá, rắn, rùa….Những năm cuối thế kỷ XVIII trở đi bắt đầu biến đổi, nhiều nông dân  nghèo từ khắp nơi di cư về miền đất Nam bộ và dần dần tiến sâu về Đồng Tháp Mười trong đó có Tân Hưng ngày nay.

Trong quá trình chinh phục thiên nhiên để tạo dựng cuộc sống những đức tính vốn có như: cần cù, chịu khó, sáng tạo của những người cùng cảnh ngộ nghèo khó, phiêu bạt, lao động cực nhọc để kiếm sống ngày càng được phát huy, đồng thời làm nẩy nở nhiều đức tính tốt đẹp trong quan hệ sinh hoạt với nhau như:  đoàn kết, chuộng nghĩa tình, sống thủy chung, sẳn sàng chia bùi xẻ ngọt, tối lửa tắc đèn có nhau… Họ có đức tính cần cù lao động, chịu khó với lao động nông nghiệp lúa nước là nghề sản xuất chính, chiếm trên 90 % lao động của nền kinh tế, lao động ngành nghề khác chiếm khoảng 10 %. Về tín ngưỡng, tôn giáo, nhân dân nơi đây đa phần theo truyền thống thờ cúng ông, bà, tổ tiên; toàn huyện chỉ có hơn 1 ngàn tín đồ theo đạo.

2. Di tích

2.1. Di chỉ khảo cổ

Trên địa bàn huyện Tân Hưng có một số gò cao là nơi tập trung nhiều di chỉ khảo cổ học thuộc nền văn hóa Óc Eo và Vương quốc Phù Nam như: Gò Gòn, Gò Bún, Gò Hàng, Gò Chùa, Gò Vĩnh, Gò Rọc Chanh…..Niên đại của nền văn hóa Óc Eo từ thế kỷ II đến TK VII (SCN) và giai đoạn hậu Óc Eo từ TK VII – XI, XII (SCN). Với khoảng 120 di chỉ được phát hiện trên toàn tỉnh Long An thì Tân Hưng đã có 11 di chỉ đa phần là phế tích. Riêng di chỉ Gò Rộc Chanh là nổi bật nhất.

2.1.1. Gò Bún

–  Di chỉ khảo cổ học được phát hiện tại xã Vĩnh Thạnh, huyện Tân Hưn, tỉnh Long An. Gò Bún là một gò cao nằm trong khu vực vùng trũng Đồng Tháp Mười thường xuyên bị ngập nước. Tại đây, các nhà khảo cổ đã tìm thấy 4 chiếc rìu đá tứ giác loại vừa, mài nhẵn, tiết diện hình chữ V cân. Ngoài ra, còn có nhiều mảnh gốm làm bằng đất sét pha cát lẫn tạp chất. Áo gốm màu đỏ có độ nung cao. Di chỉ được công bố năm 1993.

–  Di chỉ khảo cổ học phát hiện năm 1989. Gò Bún còn có tên là Gò Ba Lũng, đây là một gò đất cao ở vùng rìa Đồng Tháp Mười, diện tích 300 m2. Các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật và xác định được ở độ sâu từ 8,80 – 1,4 m có hai nền kiến trúc cổ đã bị huỷ hoại. Hiện vật tìm thấy là gạch và đá sa thạch. Đây là 2 toà kiến trúc cổ mang phong cách kiến trúc thuộc văn hoá khảo cổ học Óc Eo.

2.1.2. Gò Chùa

Di chỉ khảo cổ học được phát hiện tại xã Hưng Điền. Gò chùa là tên gọi chung của một quần thể gồm 10 gò đất cao thấp khác nhau nằm trong vùng trũng Đồng Tháp Mười. Tại đây, người ta đã tìm thấy dấu vết của một công trình kiến trúc cổ đã bị hủy hoại. Hiện vật thu được là các vỉa gạch cổ và những viên gạch có khối vuông 5 x 5,3 cm…

2.1.3. Gò Gòn

Di chỉ khảo cổ học được phát hiện tại xã Hưng Điền B. Các nhà khảo cổ đã tiến hành đào thám sát và tìm thấy ở độ sâu 2 m có một nền gạch vuông. Hiện vật thu được là nhiều viên gạch dày 7 cm. Qua phân tích đã xác định được đây là nền móng của một công trình kiến trúc thuộc văn hoá Óc Eo đã bị hủy hoại.

2.1.4. Gò Tà Mu

Di chỉ khảo cổ học phát hiện tại ấp Tà Mu, xã Thạnh Hưng. Đây là một quần thể gồm các công trình kiến trúc và bàu nước ngọt. Tại đây đã phát hiện các tầng móng của kiến trúc cổ, các diệp thạch được gia công chế tác ở gò Ông Tà và nhiều gạch. Hiện vật được công bố năm 1993.

2.1.5. Gò Hàng

Di chỉ khảo cổ học phát hiện năm 1989 tại xã Vĩnh Đại. Gò Hàng là một gò đất cao khoảng 0,4 – 0,6 m nằm trong vùng trũng Đồng Tháp Mười. Gò đã bị những người tìm vàng đào bới làm các tầng văn hoá bị xáo trộn, chỉ một vài nơi còn nguyên vẹn. Hiện vật tìm thấy nhiều nhất là đồ gốm như: bát, bình, vò, hũ, chân đèn; một số hạt chuỗi bằng đá quý, vàng và trang sức bằng vàng; các loại đồ đồng như tiền, lục lạc, nhẫn, vòng tay. Ngoài ra, người ta còn tìm thấy một sàn nung gốm cổ. Qua phân tích cho thấy, di chỉ thuộc văn hoá khảo cổ học Óc Eo.

2.1.6. Gò Vĩnh

Di chỉ khảo cổ học được phát hiện tại xã Vĩnh Đại. Gò Vĩnh còn có tên là Vĩnh Châu A, là một gò đất quanh năm ngập nước. Tại đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật thuộc văn hoá khảo cổ học Óc Eo như: bát có chân, bình, vò được làm bằng gốm mịn và thô. Có khả năng đây là di chỉ cư trú và xưởng thủ công thuộc văn hoá Óc Eo. Di chỉ được công bố năm 1993.

2.1.7. Gò Rộc Chanh

So với các di chỉ khảo cổ khác trên địa bàn huyện thì Gò Rộc Chanh có nền móng kiến trúc khá rõ nét. Được khai quật vào tháng 03/1986. Gò Rộc Chanh là di chỉ kiến trúc tôn giáo mang những nét đặc trưng cơ bản của Ấn Độ giáo thuộc giai đoạn hậu Óc eo (từ TK VII- XII SCN) và đây là một di tích kiến trúc văn hóa Óc eo đầu tiên được phát hiện và khai quật ở vùng trũng Đồng Tháp Mười.

Gò Rộc Chanh là một Gò đất pha cát hiện tại thuộc địa phận khu phố Rọc Chanh-Thị trấn Tân Hưng, diện tích khoảng 1.500 m2. Trên gò xuất lộ nhiều gạch cổ và nhiều lớp gạch nằm phía dưới. Khi khai quật đã xác định được dấu vết nền và móng của 2 dạng kiến trúc có bình đồ vuông, có tường gạch bao quanh, nền gạch lát phẳng bên ngoài. Khoảng giữa có huyệt sâu được lắp đầy gạch và có chôn một Linga bằng đá cùng vài mảnh vàng, mảnh gốm. Dựa vào những dấu vết còn sót lại thì đây là có sự giao lưu, tiếp biến văn hóa Ấn Độ.

Trải qua bao biến động của thời gian, Gò Rộc Chanh hiện nay đã thay đổi nhiều. Cây cối um tùm che khuất lối đi do ít người lui tới.

Nhận thấy những giá trị của Gò Rộc Chanh trong việc nghiên cứu lịch sử địa phương nói riêng cũng như văn hóa Óc Eo ở Nam bộ nói chung. Cuối năm 2013, UBND huyện Tân Hưng cũng đã đề nghị làm hồ sơ di tích xin UBND tỉnh xếp hạng nơi này là di tích lịch sử-văn hóa cấp tỉnh./.

DI TÍCH – DANH THẮNG

1. Di tích:

1.1. Trận Gò Gòn (02/1960):

Gò Gòn là loại gò cao ở vùng rìa vùng đồng Tháp Mười, nay thuộc ấp Gò Gòn, xã Hưng Thạnh huyện Tân Hưng, tỉnh Long An.

Theo lời kể của người địa phương, trước đây những lớp người đầu tiên đến đây khai hoang lập ấp họ đã thấy trên gò đất cao giữa cánh đồng ngập nước trũng thấp có một cây gòn rất lớn, tàn lá xum xuê, thân cây 3 người ôm không xuể. Vì vậy, người xưa đặt tên cho gò đất này là Gò Gòn và lưu truyền cho đến ngày nay. Địa điểm cây gòn mọc là đỉnh cao nhất của gò và cũng là điểm khảo sát và khai quật khảo cổ của Long An năm 1989.

Tại đây, vào ngày 03/02/1960, quân và dân địa phương đã phối hợp với 2 đơn vị cơ động 402 và 408 Kiến Tường đã phục kích và đánh thiệt hại nặng tiểu đoàn chủ lực Ó đen cùng đại đội Bảo an Quận Tuyên Bình, tiêu diệt 50 tên, làm  bị thương 70 tên, bắt sống 21 tên, thu nhiều phương tiện chiến tranh của địch. Chiến công này đã tô đậm thêm thành tích sống, chiến đấu của đất và người Tân Hưng nói riêng cũng như Long An nói chung, thời kỳ 21 năm đánh Mỹ, diệt Ngụy.

Với những giá trị lịch sử to lớn trên, di tích lịch sử Gò Gòn xứng đáng được Nhà nước quan tâm, bảo vệ, tôn tạo và phát huy trong việc giáo dục truyền thống cách mạng tại địa phương.

1.2. Trận kênh Nguyễn Văn Trỗi (04/1968)

Di tích có tên gọi là ” Khu vực kênh Nguyễn Văn Trỗi”. Kênh đào Nguyễn Văn Trỗi có chiều dài 4,5 km, ngày nay thuộc địa phận ấp Ngã Tư, xã Hưng Điền B, huyện Tân Hưng, tỉnh Long An.

Sở dĩ gọi là kênh Nguyễn Văn Trỗi là vì trong kháng chiến chống Mỹ, việc đặt tên những con kênh mới đào mang tên các anh hùng liệt sĩ có tác dụng giáo dục lòng yêu nước, căm thù giặc ngoại xâm, động viên tinh thần chiến đấu, quyết tâm bảo vệ quê hương đất nước.

Mặt khác, khu vực kênh Nguyễn Văn Trỗi nằm trong hành lang chiến lược hết sức quan trọng trong việc vận chuyển lương thực, vũ khí, quân dụng… từ biên giới xuống chiến trường khu 8. Vì vậy, Mỹ, ngụy đã phong tỏa ngày đêm khu vực này bằng lực lượng biệt kích kết hợp với bảo an và dân vệ trong vùng. Được sự chỉ đạo của quân khu 8, Tiểu đoàn 504 Kiến Tường tổ chức trận đánh tiêu diệt gọn tiểu đoàn biệt kích “Trâu len” vào ngày 20/4/1968, khai thông tuyến hành lang chiến lược, góp phần vào việc bẻ gãy chiến lược ” Chiến tranh cục bộ” của Mỹ ngụy trên địa bàn Kiến Tường và chiến trường Nam bộ.

Di tích lịch sử khu vực  kênh Nguyễn Văn Trỗi phản ánh chiến công của Tiểu đoàn 504 Kiến Tường trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ngụy của quân dân Kiến Tường, để lại những giá trị lịch sử lưu lại cho thế hệ mai sau.​​

2. Danh thắng: Khu bảo tồn Đất ngập nước Láng Sen:

Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen thuộc huyện Tân Hưng tỉnh Long An. Đây là khu bảo tồn có hội tụ đầy đủ các yếu tố về điều kiện tự nhiên, sinh thái đa dạng, cảnh quan phong phú, là khu đặc trưng tiêu biểu của vùng Đồng Tháp Mười, đây được xem là điểm du lịch đầy hứa hẹn, tiềm năng và là khu ngập nước độc đáo và hiếm có.

Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen là một trong 2 khu bảo tồn thiên nhiên với nhiều sinh cảnh đặc trưng còn sót lại của vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười. Động, thực vật trong khu vực Láng Sen có tới 156 loài thực vật hoang dã, hơn 150 loài động vật có xương sống. Do đặc điểm của Láng Sen có nhiều kênh rạch nên nguồn thủy sản khá đa dạng, phong phú như cá lóc, cá bông, cá tra, cá hô…Từ đó, có rất nhiều loài chim đến đây sinh sống. Theo khảo sát của các nhà chuyên môn, hàng năm có đến 122 loài chim, số lượng cá thể lên đến trên 20 ngàn con mỗi năm, trong đó có một số loài quý hiếm như sếu đầu đỏ, giang sen, điên điển, cò nhạn…Hệ thực vật nổi có cấu trúc loài tương đồng với 144 loài, 37 họ, 35 bộ thuộc 6 ngành tảo.

Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen có diện tích 5.030 hecta, bao gồm cả khu bảo tồn sinh thái rừng tràm Đồng Tháp Mười, Lâm trường Vĩnh Lợi và một phần diện tích xã Vĩnh Lợi, Vĩnh Đại. Khu vực Cái He được chọn làm trung tâm vùng lõi của Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, vì đây là nơi các loài thủy sản tự nhiên tập trung sinh sản. Theo các nhà khoa học, Láng Sen với sự đa dạng về sinh cảnh được đánh giá là dấu vết cảnh quan còn lại của vùng đất ngập nước Đồng Tháp Mười ở hạ lưu châu thổ sông Mêkong. Mặc dù nằm trên khu vực trũng nhưng Láng Sen tọa lạc gần với triền phù sa cổ chạy dọc biên giới Việt Nam-Campuchia. Đây là một trong những khu vực điểm của dự án bảo tồn và sử dụng bền vững đa dạng sinh học đất ngập nước lưu vực sông Mêkong. Dự án này nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác giữa 4 nước Lào-Việt Nam-Campuchia và Thái Lan về đa dạng sinh vật đất ngập nước. Chịu sự chi phối bởi tính đa dạng của trầm tích, thổ nhưỡng và hệ thống sông rạch nên Láng Sen mang đầy đủ đặc tính chung của cảnh quan Đồng Tháp Mười như: Cảnh quan thảm thực vật thân gỗ chịu ngập ven sông, bãi lầy ven sông, các lung, láng, sông cỏ. Vùng ngập nước này đã tạo nên vùng sen, súng với hơn 70 hecta. Các hệ sinh thái khá phong phú như quần xã cỏ mồm mốc, quần xã năn ống, đặc biệt là lúa ma, với diện tích trên 30 hecta. Đây là một trong những nguồn gen quý hiếm của Việt Nam hiện đang sinh trưởng và phát triển tại Láng Sen.

Ai đến Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen một lần mới thấy hết sự tĩnh lặng nên thơ của vùng đất ngập nước. Phương tiện duy nhất để đến Láng Sen là những chiếc xuồng máy lướt nhẹ trên dòng kênh trong vắt. Láng Sen sẽ đưa du khách hòa mình cùng thiên nhiên với cánh rừng tràm bạt ngàn, với cánh đồng sen thơm ngát, với đồng cỏ, đồng lúa hoang trải dài. Một Đồng Tháp Mười thu nhỏ trong tầm mắt, không gian hoang sơ, tĩnh lặng. Dạo quanh Láng Sen trong thoang thoảng hương tràm, hương sen để cảm nhận sự bình yên vốn có của một vùng quê. Láng sen là vậy, mộc mạc, chân chất như chính tấm chân tình của những con người Đồng Tháp Mười. Thong dong trên những chiếc xuồng, chiếc võ lãi, đắm mình với thiên nhiên để chiêm ngưỡng vẻ đẹp của khu bảo tồn, để hả hồn theo đàn cò trắng, để ngắm nhìn những tổ dòng dọc đu đưa trên ngọn tràm. Đến với Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen, du khách còn được sống trong không gian của những ngày xưa khi tham gia cắt lúa ma. Mùa nước nổi, Láng Sen còn chào đón du khách với những món đặc sản của miền sông nước như canh chua bông điên điển, bông súng, cá lóc nướng trui cuốn lá sen non…

Láng Sen-điểm du lịch sinh thái lý tưởng, bởi ở đây còn giữ trọn vẹn những nét hoang sơ của một vùng đất ngập nước để du khách có thể hòa mình với thiên nhiên, để chợt nghe lòng thanh thản, nhẹ nhàng.

LỊCH SỬ

Huyện Tân Hưng thuộc tỉnh Long An được thành lập trên cơ sở tách ra từ huyện Vĩnh Hưng theo Nghị định số 27/CP, ngày 24/3/1994 của Chính phủ, bao gồm: 1 thị trấn Tân Hưng trung tâm huyện và 11 xã gồm: 3 xã biên giới giáp nước bạn Campuchia là Hưng Điền, Hưng Điền B, Hưng Hà và 8 xã nội địa là Hưng Thạnh, Thạnh Hưng, Vĩnh Châu A, Vĩnh Châu B, Vĩnh Bửu, Vĩnh Đại, Vĩnh Lợi và Vĩnh Thạnh.

Vùng đất Tân Hưng ngày nay, xưa kia thuộc vùng 8 Kiến Tường, đây là vùng đất đầm lầy và cỏ dại, xen lẫn với đó là những khu rừng tràm bạt ngàn, là nơi trú ngụ của nhiều loài động vật hoang dã như hổ, voi, nai, khỉ, heo rừng, cá sấu, chim, cá, rắn, rùa, cua đinh…Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử vùng đất này có nhiều thay đổi cả về tên gọi và tổ chức hành chính.

Trong những năm kháng chiến chống kẻ thù xâm lược vùng đất này là nơi căn cứ địa cách mạng, là một trong những chiến khu quan trọng nhất, nơi để ông cha ta dừng chân tạm lánh, phục hồi, nuôi dưỡng lực lượng và sẳn sàng chiến đấu, tiêu diệt địch. Nhiều trận đánh lớn ở đây làm cho kẻ thù khiếp sợ và đã đi vào lịch sử cho đến hôm như trận đánh Gò Gòn ở xã Hưng Thạnh hay trận đánh Khu vực kênh Nguyễn Văn Trổi ở xã Hưng Điền B…Qua các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc huyện Tân Hưng đã có hơn 660 người con ưu tú đã hy sinh; có 43 mẹ VNAH, có 2 tập thể và 2 cá nhân được tuyên dương anh hùng LLVTND. Các anh đã tô thêm trang sử vàng của dân tộc, là tấm gương bất khuất cho các thế hệ mai sau noi theo. Từ những chiến công oanh liệt đó đã hình thành nên bộ phim ” Cánh đồng hoang” nổi tiếng ở Việt Nam và đạt giải quốc tế, đạo diễn bộ phim này cũng chính là người con của đất Tân Hưng, cố đạo diễn Hồng Sến, quê ở xã Vĩnh Đại.

Sau khi thống nhất đất nước, nhất là trong những năm 1980 Đảng, Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh khai hoang vùng Đồng tháp mười, trong đó tập trung đẩy mạnh đưa dân về vùng đất này khai hoang, phục hóa, mở rộng kênh mương nội đồng, trong đó đáng kể nhất là hình thành nên kênh Hồng Ngự, chính con kênh này đã tạo nên sức bật của vùng nông nghiệp lúa nước nơi đây. Đây là một trong những chủ trương quan trọng, góp phần cùng với cả nước đưa nước ta từ một nước thiếu lương thực thành một nước xuất khẩu gạo lớn nhất, nhì thế giới.

Lúc đầu khi mới thành lập vùng đất Tân Hưng còn nhiều diện tích hoang hóa, kỹ thuật canh tác lúa còn ở mức độ thấp, từ đó đời sống người dân còn rất nhiều khó khăn. Song với ý chí tự lực, tự cường, sự lãnh đạo, quản lý tập trung của cả hệ thống chính trị, tận dụng tối đa sự giúp đở của trên và nhất là sự khơi dậy tính cần cù lao động, kiên trì bám đất, quyết tâm đổi đời của từng người một đã giúp Tân Hưng vươn lên vượt bật, từng bước sánh vai cùng nhiều địa phương khác.

Hiện nay, huyện Tân Hưng có diện tích tự nhiên 49.670,8 hecta, dân số hơn 52 ngàn nhân khẩu, mật độ dân số trung bình 105 người/km2, là huyện có mật độ dân số thưa của tỉnh Long An. Nhân dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề trồng lúa nước và một số ít chăn nuôi, thủy sản. Hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và thương mại, dịch vụ từng bước phát triển, đáp ứng được nhu cầu sản xuất và tiêu dùng trong nhân dân. Các hoạt động văn hóa, xã hội có nhiều tiến bộ, huyện đã có 4 xã đạt chuẩn văn hóa gồm Vĩnh Thạnh, Vĩnh Đại, Hưng Điền và thị trấn Tân Hưng. Phong trào xây dựng nông thôn mới được phát động rộng khắp, luôn được nhân dân đồng tình hưởng ứng, thế và lực mới luôn được mở rộng và phát huy hiệu quả, làm cho Tân Hưng phát triển ngày càng bền vững hơn./.

     


     

Mã QR Code ủng hộ vansudia.net


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây