Giới thiệu khái quát huyện Tân Thạnh

Giới thiệu khái quát huyện Tân Thạnh

Giới thiệu khái quát huyện Tân Thạnh

Huyện Tân Thạnh có tổng diện tích tự nhiên là: 42.555,26 ha, cách thành phố Tân An 45 km về phía Tây Nam theo quốc lộ 62, có ranh giới hành chính như sau:

– Phí Bắc giáp với huyện Mộc Hóa.

– Phía Đông giáp với huyện Thạnh Hóa.

– Phía Tây giáp với tỉnh Đồng Tháp.

– Phía Nam giáp với tỉnh Tiền Giang.

+ Đơn vị hành chính: Tân Thạnh có 12 xã và 1 thị trấn.

Tên đơn vị hành chính Diện tích

(km2)

Dân số

(người)

Mật độ dân số

(người/km2)

1. Thị trấn Tân Thạnh 7,4 5.620 759
2. Xã Kiến Bình 34,2 4.104 120
3. Xã Nhơn Hòa 31,3 2.413 77
4. Xã Tân Bình 28,4 2.993 105
5. Xã Tân Hòa 48,6 7.699 158
6. xã Nhơn Ninh 37,8 9.543 252
7. Xã Tân Ninh 27,9 7.358 264
8. Xã Tân Thành 27,5 6.547 238
9. Xã Bắc Hòa 32,6 3.953 121
10. Xã Hậu Thạnh Tây 44,0 6.258 142
11. Xã Hậu Thạnh Đông 26,4 7.024 266
12. Xa Nhơn Hòa Lập 36,1 6.345 176
13. Xã Tân Lập 43,4 6.857 158

Tân Thạnh là một trong những huyện vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An, hàng năm bị ảnh hưởng lũ lụt nên khó khăn trong sản xuất nông nghiệp. Trong phân vùng kinh tế của tỉnh Long An, Tân Thạnh thuộc tiểu vùng 3 (gồm Vĩnh Hưng, Tân Hưng, Mộc Hóa và Tân Thạnh). Kinh tế phát triển chủ yếu là Nông–lâm nghiệp, cây trồng chủ lực là cây lúa, sen và tràm.

Xét về vị trí địa lý và quá trình khai thác tài nguyên và phát triển kinh tế xã hội cho thấy lợi thế cơ bản của Tân Thạnh là:

-Tân Thạnh là một huyện thuộc Đồng Tháp Mười, được hưởng lợi nguồn nước ngọt từ sông Tiền qua trục chính là kênh Dương Văn Dương phục vụ cho phát triển sản xuất nông nghiệp và đời sống của nhân dân.

-Thông qua chương trình khai thác vùng Đồng Tháp Mười của Chính phủ nên cơ sở hạ tầng từng bước được cải thiện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân ngày được nâng cao đáng kể. Các công trình công cộng như trạm y tế, trường học ngày càng được nâng cấp về chất lượng phục vụ.

-Tân Thạnh có Quốc lộ 62 chạy qua, Quốc lộ N2 đã đi vào hoạt động, là các trục giao thông vô cùng quan trọng trong việc xây dựng kinh tế kết hợp với củng cố quốc phòng an ninh; mặt khác hệ thống giao thông thủy thuận lợi cho việc vận chuyển và giao lưu hàng hóa với thành phố Tân An và thành phố Hồ Chí Minh.

Ngoài những thuận lợi cơ bản như trên, Tân Thạnh còn có một số hạn chế:

-Bị ảnh hưởng của lũ lụt thường niên, dễ gây rủi ro cho sản xuất, hư hỏng cơ sở hạ tầng hạn chế tốc độ phát triển kinh tế xã hội.

-Đất của Tân Thạnh chủ yếu là đất phèn (đã được cải tạo) ở địa hình trũng có nồng độ các độc tố cao, dễ gây ảnh hưởng xấu cho cây trồng trong điều kiện chưa hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, đồng thời ít có điều kiện để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm để phá thế độc canh của cây lúa.

-Hệ thống giao thông đường bộ còn nhiều hạn chế, nhất là về mùa lũ nên ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt của nhân dân và phát triển kinh tế xã hội của huyện.

Để xây dựng và phát triển kinh tế cần thấy hết các lợi thế để khai thác, đồng thời khắc phục và giảm thiểu ảnh hưởng của các yếu tố hạn chế, tạo động lực phát triển nền kinh tế một cách ổn định và bền vững.

1.1.2. Địa hình, địa mạo

Nhìn chung huyện Tân Thạnh thấp dần từ Đông sang Tây và từ Nam xuống Bắc.

-Độ cao < 1m gồm các xã: Hậu Thạnh Đông, Hậu Thạnh Tây, Bắc Hòa

-Độ cao trung bình từ 1m – 1,6m gồm các xã: Nhơn Hòa Lập, Tân Lập, Tân Thành, Nhơn Hòa, Nhơn Ninh, Tân Ninh.

-Độ cao trên 1,6 m gồm: Thị trấn Tân Thạnh, Tân Hòa, Tân Bình, Kiến Bình.

Huyện Tân Thạnh nói riêng cũng như các huyện khác vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An có địa bàn trũng, hàng năm thường xuyên xảy ra lũ lụt từ tháng 8 đến tháng 11. Do có địa hình như vậy, huyện Tân Thạnh khó khăn trong sản xuất nông nghiệp và xây dựng các công trình phục vụ đời sống, sản xuất của người dân.

Để khắc phục tình trạng này, trong tương lai huyện Tân Thạnh cần xây dựng các đê bao lững để ngăn nước ngập và tránh né lũ, từ đó phát triển sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng thuận lợi hơn.

1.1.3. Khí hậu

Dựa trên báo cáo thời tiết khí hậu của Trạm Khí tượng thủy văn Kiến Bình, huyện Tân Thạnh nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, một năm có hai mùa: mùa mưa và mùa khô; mùa mưa cuối tháng 4 đến cuối tháng 11, mùa khô từ đầu tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Tân Thạnh nằm trong vùng có nền nhiệt độ cao, tổng nhiệt độ lớn, lượng mưa phân bố theo mùa rõ rệt.

a) Nhiệt độ

Không có sự phân hóa đáng kể theo mùa về nhiệt độ. Theo điều tra thống kê, nhiệt độ trung bình qua các năm của huyện Tân Thạnh là: 26,90C, trong đó nhiệt độ trung bình tháng cao nhất trong năm là 29,80c, thấp nhất là 26,10C.

Nhìn chung nhiệt độ ở Tân Thạnh cao và khá ổn định, nhiệt độ trung bình của ngày trong tháng không dưới 260C, chênh lệch nhiệt độ giữa tháng nóng nhất và tháng lạnh nhất chỉ là 3 – 40C.

a) Nắng

Tân Thạnh nằm trong vùng giàu ánh sáng, có số giờ nắng trung bình năm khoảng 2.318 giờ/năm, có đến 5 tháng có số giờ nắng lớn hơn 200 giờ/tháng, bình quân có khoảng 6 – 7 giờ nắng/ngày, số giờ nắng cao nhất có thể đạt tới 10-12giờ/ngày (vào mùa khô) và thấp nhất 4-5 giờ/ngày.

Tháng có giờ nắng nhiều nhất là tháng 1 khoảng 235 giờ, ít nhất là tháng 10, khoảng 128 giờ.

c) Mưa

Tân Thạnh có lượng mưa cả năm là 1.285mm nhưng phân bố không đều trong năm, vào mùa mưa chiếm tới 85,6% tổng lượng mưa cả năm.

Các tháng mùa khô, lượng mưa rất nhỏ, chỉ khoảng 14,4% lượng mưa cả năm. Trong các tháng mùa khô, nếu không có thủy lợi đảm bảo nước tưới thì cây trồng sinh trưởng và phát triển kém, sản xuất nông nghiệp bị hạn chế.

Ngược lại, trong các tháng mùa mưa (tháng 9, 10, 11), nếu không có biện pháp tiêu thoát nước, kết hợp gặp lúc triều cường, đồng ruộng sẽ bị ngập úng, ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng cây trồng.

d) Độ ẩm

Độ ẩm không khí bình quân năm là: 82,4% mùa khô có độ ẩm trung bình là: 80,3%, vào mùa mưa độ ẩm trung bình là 85,2%.

Tháng có độ ẩm trung bình thấp nhất là tháng 1 là 80% và tháng có độ ẩm cao nhất là tháng 6 là 86%.

e) Gió

Tân Thạnh chịu ảnh hưởng 3 mùa gió là: gió Nam và Đông Nam, gió Bắc và gió Đông Bắc, gió Tây và gió Tây Nam.

Gió Bắc-Đông Bắc thường xuất hiện trong mùa khô từ cuối tháng 12 đến đầu tháng 3 năm sau.

Gió Đông và Đông Nam xuất hiện từ tháng 12 đến tháng 4.

Gió Tây và Tây Nam xuất hiện trong mùa mưa từ tháng 5 đến tháng 11.

Tốc độ gió vào các tháng mùa mưa thường lớn hơn vào các tháng mùa khô nhưng độ chênh lệch không nhiều.

1.1.4. Thủy văn

Tân Thạnh cũng như các huyện vùng Đồng Tháp Mười thuộc tỉnh Long An, hàng năm chịu ảnh hưởng lớn của lũ vào các tháng 8 – 12, trong các tháng này lượng mưa lớn lại gặp triều cường dâng cao nên thường có lũ lớn.

Lũ lớn kéo dài từ 2 – 3 tháng và mức độ ảnh hưởng của lũ tương đối lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng lớn khắp huyện, hầu như trong mùa lũ không xã nào trong huyện không bị ngập lũ.

Mạng lưới thủy văn huyện gồm các kênh, mương toàn huyện, trong đó có kênh Dương Văn Dương, Kênh 12 là hai kênh lớn nhất huyện, chảy ngang qua huyện Tân Thạnh sang Đồng Tháp. Hai kênh này, bắt nguồn từ sông Vàm Cỏ Tây, chịu ảnh hưởng chi phối bởi dòng chảy của Vàm Cỏ Tây.

Kênh Dương Văn Dương, Kênh 12 không chỉ đơn thuần là phục vụ tưới tiêu nước sản xuất nông nghiệp mà còn là giao thông đường thủy quan trọng.

Tân Thạnh ở sâu trong nội đồng, xa sông Vàm Cỏ Tây với độ mặn nhỏ hơn 4g/lít nên không gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất nông nghiệp.

Như vậy, để giảm bớt tác hại của phèn, Tân Thạnh cần hoàn chỉnh các công trình thủy lợi, trong đó chú trọng kênh tiêu úng thoát phèn.

Tuy nhiên cũng cần chú ý là mặn thường đi đôi với hạn, nếu thủy lợi không hoàn chỉnh sẽ ảnh hưởng gây chết cây trồng hoặc phải bỏ hóa đất đai.

​1.2. Các nguồn tài nguyên

1.2.1. Tài nguyên đất

Đất đai huyện Tân Thạnh có nguồn gốc từ phù sa châu thổ mang đặc tính thổ nhưỡng và chất lượng đất có độ phì khá cao, đặc biệt là hàm lượng mùn hữu cơ, nhiễm phèn nặng, quá trình khai phá sử dụng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, thích hợp cho việc trồng lúa, cây ăn quả, cây hoa màu và cây công nghiệp.

Tuy nhiên, trong đất có độ chua cao (lượng pH thấp, Ca+, Mg+, nhiều Cl và SO42- ) và nghèo lân (P2O5) làm cho năng suất cây trồng không cao.

Đất đai huyện Tân Thạnh có thể chia làm 2 loại chính như sau:

Nhóm đất phèn: Chiếm 60% diện tích đất tự nhiên của huyện, chiếm 4,5% diện tích phèn của cả tỉnh Long An, phân bố chủ yếu ở phía Tây và phía Bắc huyện Tân Thạnh dọc theo Kênh Dương Văn Dương, tập trung nhiều ở thị trấn Tân Thạnh, xã Kiến Bình, Bắc Hòa, Hậu Thạnh Tây… đất có thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến sét nồng độ độc tố Cl, SO2, Al3+, Fe2+ trong đất cao, mất cân đối nghiêm trọng NPK, thường bị ngập, úng trong mùa mưa.

Đất thích hợp trong việc trồng lúa, muốn thâm canh tăng vụ trên loại đất này trước hết phải có biện pháp cải tạo đất và có hệ thống tưới tiêu riêng biệt kết hợp với các biện pháp ém phèn.

Nhóm đất phù sa ngọt: Chiếm 40% diện tích đất tự nhiên của huyện và bằng khoảng 19% diện tích đất phù sa ngọt của tỉnh Long An phân bố tập trung ở các vùng trung tâm huyện, nơi có độ cao trên 1m như: Hậu Thạnh Đông, Nhơn Hòa Lập, Nhơn Ninh, Tân Ninh, Tân Lập. Đất có thành phần cơ giới là thịt nhẹ, khả năng giữ nước tốt, giữ phân tốt, đất thích hợp trồng cây lúa, cây công nghiệp và cây ăn quả…

1.2.2. Tài nguyên nước

Nguồn nước mặt: rất phong phú gồm: nước trời (nước mưa, nước lũ, triều cường) và hệ thống kênh rạch tự nhiên như: Kênh Dương Văn Dương, Kênh 12, Kênh 7 Thước, Kênh Quận… cung cấp.

Lượng mưa hàng năm tuy lớn, nhưng phân bố không đều trong năm, mùa mưa quá tập trung, cường độ mưa lớn làm dư thừa nước gây tràn bề mặt đất gò làm rửa trôi, xói mòn đất, kết hợp với lũ và đỉnh triều cao gây úng ngập đồng ruộng.

Ngược lại, mùa khô chỉ chiếm khoảng 20% lượng mưa cả năm nên không thể canh tác nhờ nước trời được, phải dựa vào hệ thống thủy lợi sẵn có trên địa bàn huyện. Song chất lượng kém, nước các kênh rạch xuống thấp nên bị nhiễm phèn từ sông Vàm Cỏ Tây. Do vậy, để có nước phục vụ sản xuất nông nghiệp trong mùa khô rất khó khăn.

-Nguồn nước ngầm: đặc điểm nổi bật về nguồn nước ngầm là sâu, giá thành khai thác cao, nên ít được khai thác.

Qua kết quả khảo sát về nguồn nước ngầm ở Long An của Liên đoàn Địa chất cho thấy, nước ngầm ở Tân Thạnh được tàng trữ trong các trầm tích Pleistocen và Mioxen với 4 tầng chứa nước như sau:

+ Tầng A ở độ sâu: 50 – 130 m;

+ Tầng B ở độ sâu: 170 – 200m;

+ Tầng C ở độ sâu: 250 – 300 m;

+ Tầng D ở độ sâu: 400 m.

Trong khu vực huyện Tân Thạnh nước mạch nông xuất hiện ở độ sâu 30 – 40 m, nhưng do ảnh hưởng của phèn nên chất lượng nước không tốt, khả năng sử dụng cho sinh hoạt bị hạn chế. Hơn nữa, tại Tân Thạnh nước ngầm có tổng độ khoáng hóa thấp (1-3g/l) và PH<4 nên việc sử dụng nước ngầm ở độ sâu <40 m để tưới hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt rất hạn chế. Nước ngầm có khả năng khai thác ở độ sâu 260 – 290 m, trữ lượng 400m3 ngày đêm/giếng, lưu lượng nước 5 lít/s và chất lượng tốt.

Nhìn chung lưu lượng nước khá lớn, nhưng khả năng cung cấp đủ nước cho sinh hoạt của người dân và sản xuất công nghiệp rất hạn chế vì nước ngầm ở tầng sâu giá khai thác cao.

Hiện nay, nước sinh hoạt của người dân trong huyện hầu hết dùng nước mưa và nước kênh rạch qua lọc lắng. Nước ngầm do giá thành khai thác cao nên mới có một số điểm tập trung do nhà nước đầu tư, một số xã vùng sâu đã có sự phối hợp tốt với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, xã hội hóa cấp nước cho sinh hoạt.

Nước ngầm là một tài nguyên khan hiếm nên trong quá trình khai thác cần quản lý một cách chặt chẽ, không tự ý khai thác một cách tràn lan làm giảm lưu lượng và gây ô nhiễm nguồn nước.

1.2.3. Tài nguyên rừng

Theo số liệu thống kê đất đai, đến hết năm 2013 huyện Tân Thạnh hiện có 3.890,60ha rừng trồng, được phân bố thành các cụm chủ yếu là cây tràm và một phần là cây bạch đàn, các loại cây này đều được dùng để phục vụ cho sản xuất. Trên thực tế, diện tích đất rừng của huyện có diện tích nhỏ hơn do nhân dân đã khai thác và chuyển sang trồng lúa vì hiệu quả kinh tế mang lại của đất rừng không cao (chủ yếu là rừng tràm). Đây là một vấn đề rất đáng quan tâm của huyện, bởi muốn phát triển kinh tế bền vững thì phải luôn đi đôi với bảo vệ môi trường sinh thái.

1.2.4. Tài nguyên khoáng sản

Theo các tài liệu điều tra hiện có, trong lòng đất huyện Tân Thạnh hiện nay đang phát hiện thấy loại khoáng sản than bùn ở xã Tân Hòa.​

TRUYỀN THỐNG VĂN HÓA

4.1 Nghề truyền thống:

PHỤ NỮ HUYỆN TÂN THẠNH  DUY TRÌ

VÀ PHÁT TRIỂN NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Tân Thạnh là một trong những huyện vùng sâu của vùng Đồng Tháp Mười, tỉnh Long An. Hàng năm, phải chịu ảnh hưởng nặng nề của mùa nước nổi, nhân dân sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp và chăn nuôi nhỏ lẻ, lại phải thường xuyên chịu cảnh “trúng mùa rớt giá” và thời tiết, khí hậu, dịch bệnh, giá cả thị trường không ổn định…nên đời sống nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Nhất là vào mùa nước nổi một số lao động nam làm nghề giăng câu, lưới, một số ít lao động nữ làm nghề đan giỏ nhựa, may gia công, móc len…còn lại đa số là chưa có việc làm ổn định.

Từ thực trạng trên, Ban chấp hành Hội LHPN huyện phối hợp với các ngành chức năng và chỉ đạo các cơ sở Hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động lao động nữ nông thôn tích cực tham gia các lớp đào tạo nghề theo Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của Chính phủ. Bên cạnh việc đào tạo các nghề như: may gia công, đam giỏ nhựa, móc len, kết cườm…các Hội cơ sở còn vận động phụ nữ tái tạo lại các ngành, nghề truyền thống của địa phương như chằm nón lá, đan đệm…được các địa phương trong huyện thực hiện tốt. Nhất là nghề đan đệm hiện nay được chị em duy trì và phát triển. Qua báo cáo của các Hội cơ sở hiện nay toàn huyện có trên 340 hộ duy trì nghề đan đệm.

1 - Giới thiệu khái quát huyện Tân Thạnh

Theo chân chị Nguyễn Thị Đông Hà-chủ tịch Hội LHPN xã Nhơn Hòa lập, chúng tôi đến nhà Chị Nguyễn Thị Bông ở ấp Huỳnh Tịnh xã Nhơn Hòa lập cho biết: Chị làm nghề đan đệm là do truyền thống của gia đình, từ bà ngoại và mẹ để lại, mỗi ngày chị vừa làm công việc của gia đình, vừa đan đệm cũng thu nhập được khoảng 40.000đồng, nếu đan xuyên suốt thì thu nhập cao hơn; còn chị Đinh Thị Nhạn ở khu phố 4-thị trấn Tân Thạnh tâm sự: gia đình chị ở ngoại ô Thị Trấn, ngoài việc sản xuất 2 vụ lúa trong năm, thời gian rảnh rỗi cũng không có việc gì làm nên duy trì lại nghề đan đệm bỏ mối cho các tiệm tạp hóa ngoài chợ và nhận đan cho bà con trong xóm, một tháng thu nhập từ 2 triệu đến 3 triệu đồng (tùy vào số đặt hàng của các tiệm).

Từ hiệu quả trên, có thể khẳng định rằng việc duy trì và phát triển ngành, nghề truyền thống có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần giải quyết vấn đề lao động-việc làm ở nông thôn, giúp lao động nữ tạo thêm thu nhập, nâng cao mức sống, vị thế người phụ nữ trong gia đình, nhất là vào thời gian nông nhàn và mùa nước nổi. Các cấp Hội LHPN trong huyện tiếp tục vận động chị em duy trì và phát triển nghề này mạnh hơn trong những năm tiếp theo.

4.2 Văn hóa ẩm thực

ẨM THỰC

Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An nói chung và huyện Tân Thạnh nói riêng được thiên nhiên ưu đãi vùng đất bạt ngàn cùng với phù sa do những con nước mang về bồi đắp vào những mùa lũ lụt hàng năm với nhiều loài thủy sản nước ngọt, động vật như các loại cá, rắn, lươn, chuột, ếch…. Từ các loại thủy sản trên, nhân dân đã chế biến ra rất nhiều món ăn mang đậm tính sáng tạo trong văn hóa ẩm thực của người dân vùng sông nước.

4.2.1. Món cá lóc nướng trui

Thịt cá lóc có thể chế biến ra nhiều món: canh chua, cá lóc kho tộ, làm món khô để biếu trong những ngày lễ, tết …nhưng ngon hơn vẫn là món cá lóc nướng trui. Đây là món ăn đặc trưng gắn liền với tính dân dã của những người dân miền sông nước. Để thực hiện món cá Lóc nướng trui cũng không cần phải qua các bước phức tạp, sau khi cá được rửa sạch rồi xuyên cá vào một cái cây được vuốt nhọn phần đầu sau đó cấm cá từ miệng tới đuôi .Tiếp theo, cá sẽ được vùi vào những đống rơm khô, hoặc được cắm xuống đất, phủ rơm lên, đốt lửa, cho đến khi tro tàn. Sau khi cá chín, người chế biến sẽ rút cá ra khỏi cây, cạo sạch những phần bị cháy, cạo cả lớp vảy trên thân cá còn lại sẽ là phần thịt cá trắng tinh, thịt cá ăn rất thơm và ngọt. Bạn nên ăn kèm cá Lóc nướng trui với muối ớt, để cảm nhận được những mùi vị khác nhau: vị cay của ớt, vị mặn của muối và vị ngọt của cá Lóc tươi ngon, cộng với  mùi thơm của cá vừa được nướng rơm xong. Bạn có thể dùng cá để cuốn rau sống, báng tráng, hoặc gói cá bằng lá sen non chấm nước mắm me, ăn nghe chát chát, nhưng rất ngon và đậm đà hương vị đặc trưng vùng Đồng Tháp Mười, mỗi cách sẽ đem lại cho bạn những cảm nhận khác nhau.

4.2.2. Các món ngon từ thịt chuột

Huyện Tân Thạnh có hệ sinh thái rừng tràm rậm rạp và những cánh đồng lúa bát ngát đã tạo điều kiện thuận lợi cho các loài động vật bò sát trú ngụ: rắn, lươn, ếch, chuột,…chính những loài động vật tự nhiên đó đã tạo ra những món ngon đặc trưng vùng Tân Thạnh.

Chuột có ở nhiều nơi nhưng ngon nhất vẫn là chuột Đồng Tháp Mười vì mỗi khi mùa nước nổi đến nguồn thức ăn phong phú nên thịt chuột rất mập và mềm. Thịt chuột có thể chế biến thành rất nhiều món: muối sả chiên, xào lá cách, nhân bánh xèo kết hợp với măng, khìa nước dừa, xào rau răm, kho, rô ti, xào lăn, nướng, quay lu, làm khô … Đặc tính của thịt chuột là nhão như các loại thịt thỏ, thịt mèo, thịt dê. Vì vậy để chế biến thịt chuột được ngon là sau khi làm và rửa sạch phải để cho thịt thật ráo, rỏ hết nước, thịt săn rồi mới ướp gia vị và chiên hoặc nấu liền, nếu để lâu quá thịt có thể bị bủng, không dai, không ngon bằng thịt săn, mới làm.

4.2.3. Các món ăn được chế biến từ cá linh

Mùa nước nổi, mùa bông điên điển nở vàng khắp cánh đồng, đó cũng là mùa cá linh về. Thiên nhiên chỉ ban tặng riêng cho vùng ĐBSCL loài cá đặc sản này, mỗi năm chỉ có một mùa duy nhất.

Cá linh ngon không chỉ mùi vị độc đáo, thịt ngọt, mềm thơm mà còn do nguồn gốc xuất xứ đặc biệt của nó. Cá linh sống ở vùng châu thổ sông Mekong, đến mùa nước nổi lại về với vùng Đồng Tháp Mười. Con cá linh đã in sâu trong ký ức của mỗi người dân vùng sông nước Đồng Tháp Mười là nguồn dinh dưỡng gắn liền với nhiều bữa cơm trong gia đình người dân Tân Thạnh mỗi khi mùa nước nổi về. Cá linh đầu mùa còn gọi là cá linh non, con nhỏ nhưng rất mềm và ngọt, nhai luôn cả xương. Cá linh được chế biến thành nhiều món ăn ngon đậm đà hương vị quê hương: lẩu mắm cá linh, canh chua cá linh nấu với bông điển điển, cá linh nhúng giấm, cá linh kho lạt kèm với me non, cá linh chiên bột, …với món cá linh hấp, cá linh chiên giòn cuốn bánh tráng là món ăn được chế biến thật đơn giản nhưng mang lại cho thực khách khẩu vị khó quên: cá linh được mổ lấy ruột bỏ, không cần đánh vẩy, không bỏ đầu và chỉ cần ngâm nước muối cho sạch nhớt. Sau đó, ướp cá với gia vị phù hợp rồi đặt cá vào nồi hấp cách thủy, lửa liu riu đến khi nước vừa cạn, cá chín, đem cá ra dĩa, cuốn bánh tráng, rau sống, chấm với nước mắm tỏi ớt hoặc mắm nêm. Cá linh chiên cuốn với bánh tráng hay lá sen non, chấm mắm me ăn kèm với các loại rau như bông súng, hẹ, các loại rau thiên nhiên khác… Ăn cá linh sau khi chiên sẽ rất dòn có vị rất riêng khiến người ăn thật khó quên. Ngoài ra, món cá linh non nấu me non chấm bông điên điển cũng là món ăn đặc trưng mang đậm sắc thái của người dân Nam bộ.

4.2.4. Chế biến món ngon từ rắn

Vào mùa nước nổi ngoài các loài động vật: cá, ếch, chuột,… rắn cũng xuất hiện ở huyện Tân Thạnh rất nhiều với chủng loại đa dạng: rắn nước, rắn hổ hành, rắn bông súng, rắn trun, rắn ri voi, rắn di cá. Rắn có thể chế biến thành nhiều món ngon: rắn nấu cháo, rắn nướng, rắn xào lăn, dồi rắn,…Người ta thường nấu cháo rắn với đậu xanh ăn có tác dụng bổ, mát.

* Rắn nấu cháo đậu xanh:

Đầu tiên làm sạch thịt rắn sau đó để cho ráo sau đó chặt thành tứng khúc hoặc để nguyên con, khi thịt chín rồi mới chặt nhỏ ra hay xé thịt.

Nấu một nồi nước, bỏ đậu xanh nấu cho mềm. Sau đó cho rắn vào nấu, nêm gia vị cho vừa ăn.

Khi thịt rắn chín, vớt ra, xé nhỏ rồi thả thịt vào lại nồi cháo. Để lửa riu riu để giữ cho nồi cháo có độ nóng vừa phải, khi ăn thì múc ra chén, thêm tiêu, hành, gừng.

Món cháo rắn nấu đậu xanh có mùi thơm của thịt rắn và đậu xanh, cộng thêm vị béo từ mỡ và vị ngọt từ thịt rắn thật tuyệt vời.​

5. Di tích – Danh thắng

DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA QUỐC GIA

5.1 Căn cứ xứ ủy và Ủy ban hành chánh kháng chiến Nam Bộ (1946-1949), xã Nhơn Hòa Lập

Căn cứ Xứ ủy, Ủy ban kháng chiến hành chánh Nam Bộ với tổng diện tích quy hoạch là 164.882 m2, nằm toạ lạc tại xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Là một trong ba căn cứ địa quan trọng nhất của cách mạng miền Nam trong chín năm kháng chiến chống Pháp. Nơi đây ghi dấu quá trình hoạt động cách mạng của các đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, những nhà chính trị và những nhà quân sự nổi tiếng trong lịch sử cách mạng Việt Nam: Tôn Đức Thắng, Lê Duẫn, Ung Văn Khiêm, Phạm Hùng, Phạm Văn Bạch, Phạm Ngọc Thuần, Nguyễn Bình, Huỳnh Tấn Phát, Trần Văn Trà,..

Di tích còn là nơi diễn ra những sự kiện lịch sử trọng đại của cách mạng miền Nam trong những năm đầu kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược, nơi ghi dấu những chiến công oanh liệt của Đảng bộ, quân đội và nhân dân Nam Bộ trong quá trình chống giặc ngoại xâm.

Có nhiều điểm di tích gốc nằm trong một khu vực. Tuy nhiên, các ngành, các cấp chỉ chọn 08 điểm di tích gốc tiêu biểu nhất để khoanh vùng bảo vệ và phát huy, trong đó có 05 điểm nằm gần nhau gồm: Xứ ủy và nơi làm việc của đồng chí Lê Duẩn, Sở Tài chính Nam Bộ, Bộ Tư lệnh Khu 8, Sở Công An Nam bộ, Nơi ở của đồng chí Lê Duẫn; 03 điểm di tích gốc không nằm gần nhau gồm: Văn phòng Ủy ban kháng chiến Hành chánh Nam Bộ, Phòng Bào chế Dược-Sở Y tế Nam Bộ, Nhà in Nam Bộ.

Trước kia trong kháng chiến, các cơ quan Đảng, chính quyền, quân đội…đóng trong nhà dân để hoạt động chủ yếu, các căn nhà xây dựng với quy mô đơn giản, vật liệu nhẹ, dễ di chuyển thì ngày nay địa điểm đó là những ngôi nhà được xây dựng kiên cố hoặc là những mảnh vườn, thửa ruộng của họ.

Hiện nay, các di tích gốc quan trọng này đã thay đổi về kiến trúc và cảnh quan. Tuy nhiên, chứng tích về những ngày tháng đấu tranh ác liệt vẫn còn in đậm trong tâm khảm những người tham gia kháng chiến.

Để kỷ niệm những sự kiện trọng đại xảy ra trong di tích, thời gian qua Huyện ủy-UBND huyện Tân Thạnh, Long An đã phối hợp cùng các ngành Tỉnh, Ban liên lạc truyền thống đã tiến hành xây dựng 04 bia kỷ niệm ở 02 xã: Nhơn Hòa Lập, Hậu Thạnh Đông và UBND Thị trấn Tân Thạnh.

Bia kỷ niệm căn cứ Dương Văn Dương, xây dựng năm 1981, cạnh Tỉnh lộ 837, nằm phía trước nhà Má Tám (Võ Thị Thay). Bia cao 1,8m được đặt trên tam cấp, thân bia vuông mỗi chiều 1,2m, bên ngoài viền đá rửa, trên khắc dòng chữ “Bia truyền thống”.

Bia kỷ niệm Điện ảnh Nam Bộ: xây dựng cách di tích gốc xã Nhơn Ninh khoảng 10km về hướng Tây Nam. Vào năm 1997, được Hội nhiếp ảnh TP.HCM cùng chính quyền địa phương cho xây dựng bia tại Thị trấn Tân Thạnh. Đến năm 2007, bia đã xuống cấp hư hỏng được huyện cải tạo xây dựng sân đa năng Trung tâm Văn hóa-Thể thao.

Bia kỷ niệm Phòng Bào chế-Sở Y tế Nam Bộ (1946-1948) được xây dựng tại UBND xã Nhơn Hòa Lập, cách di tích gốc khoảng 1km về hướng Đông Bia được xây dựng bằng bê tông cốt thép cao 2,3m, được đặt trên tam cấp, mỗi bậc cao 20em, rộng 4m được tô bằng đá mài.

Bia kỷ niệm Đài phát thanh Nam Bộ: được xây dựng 1992 nhằm kỷ niệm sự kiện Đài phát thanh Nam Bộ phát sóng buổi đầu tiên tại bờ kinh Quận, xã Hậu Thạnh Đông, cách di tích gốc khoảng 800m về hướng Bắc. Bia được xây dựng bằng nền xi măng cốt thép. Bia cao 1,9m, dài 1,2m, văn bia được khắc trên mặt cẩm thạch.

Với những giá trị lịch sử to lớn trên, di tích “Căn cứ Xứ ủy, Ủy ban kháng chiến Hành chánh Nam Bộ” (1946-1949) xứng đáng được bảo vệ, phục hồi, tôn tạo nhằm phát huy truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, đồng thời nơi đây sẽ là một trong những điểm du lịch hấp dẫn trong và ngoài nước.

2 - Giới thiệu khái quát huyện Tân Thạnh

Ngày 26/5/2011, UBND tỉnh đã tổ chức hội nghị thông qua quy hoạch chi tiết Khu di tích Căn cứ xứ ủy Nam Kỳ, Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam Bộ do Chủ tịch UBND tỉnh -Dương Quốc Xuân chủ trì. Tham dự hội nghị có Chủ tịch UBMTTQ tỉnh-Võ Lê Tuấn, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan và đại diện lãnh đạo UBND huyện Tân Thạnh.

Đến ngày 03/8/2007, Bộ Văn hoá-Thông tin ban hành Quyết định số 42/2007/QĐ-BVHTT Về việc xếp hạng di tích quốc gia: Căn cứ Xứ ủy và Ủy ban Hành chánh kháng chiến Nam Bộ (1946-1949) xã Nhơn Hòa Lập, huyện Tân Thạnh, Long An.

​DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA CẤP TỈNH

5.2 Di tích lịch sử-văn hóa “Gò Giồng Dung”, xã Hậu Thạnh Tây.

Từ Thành phố Tân An, theo Quốc lộ 62 đi 45 km đến thị trấn Tân Thạnh, theo Tỉnh lộ 837 về hướng tây khoảng 23 km đến UBND xã Hậu Thạnh Tây, tiếp tục  đi khoảng 5 km vào ngã Tư 7 Thướt là đến khu di tích.

“Gò Giồng Dung” nơi đặt Đồn tả, là 1 trong 4 đồn lũy lớn nhất trong phong trào kháng Pháp của ông Thiên Hộ Dương (Võ Duy Dương) trên Đồng Tháp (1864-1866)

3 - Giới thiệu khái quát huyện Tân Thạnh

Thiên hộ Võ Duy Dương

Chiều chiều mây giục gió vần

Cảm thương Thiên Hộ xả thân cứu đời!

Thiên Hộ Dương tên thật Võ Duy Dương (1827-1898) là con trai thứ ba trong một gia đình nông dân ở thôn Cù Lâm Nam, thuộc phủ Tuy Viễn, trấn Bình Định (nay là thôn Nam Tượng, xã  Nhơn Tân, huyện An Nhơn, Bình Định), em ruột của anh hùng chống Pháp Võ Duy Tân, người đã cùng Mai Xuân Thưởng, Võ Trứ kháng chiến chống thực dân Pháp ở Bình Định. Ông rất khỏe mạnh và giỏi võ nghệ, được bà con tôn là Ngũ Linh Dương.

Năm 1857, gặp lúc gia đình, làng xóm lâm vào cảnh đói nghèo vì nạn bóc lột, bao chiếm ruộng đất của bọn quan lại, ông cùng một số bạn bè hưởng ứng chính sách khai hoang của Nguyễn Tri Phương, vượt biển vào Nam để tìm chỗ chiêu dân, khai hoang lập ấp.

Từ năm 1859-1865, ông cùng lực lượng nghĩa quân chiến đấu đánh Pháp gây cho giặc một số thiệt hại đáng kể. Đến năm 1898, ông bị giặc bắt chém tại  Gò Chàm (Bình Định).

Gò Giồng Dung-chứng tích cuộc kháng chiến chống Pháp của Thiên Hộ Dương (Võ Duy Dương). Tại đây, ông đã trực tiếp chỉ huy, đốc xuất bố phòng quyết tử chiến để bảo vệ trung tâm Gò Thấp.

Ngày nay, tuy không còn dấu tích của Đồn tả, nhưng nơi đây mãi mãi đi vào lịch sử gắn liền tên tuổi và sự nghiệp chống giặc giữ nước của Võ Duy Dương với căn cứ kháng chiến Đồng Tháp Mười, một trong những phong trào võ trang kháng Pháp tiêu biểu nhất ở Nam Kỳ nửa cuối thế kỷ 19.

Để tưởng nhớ người anh hùng có công giữ nước, ngày nay nhân dân đã xây dựng đền thờ tưởng niệm, hàng năm có đến hàng chục nghìn người đến kính bái.

Năm 1995, Di tích lịch sử-văn hóa “Gò Giồng Dung” đã được UBND tỉnh Long An đăng ký bảo vệ di tích tại Quyết định số 5167/QĐ.UB ngày 9/10/1995.

5.3 Di tích Lịch sử Đồng 41

Là địa điểm ghi dấu tội ác của đế quốc Mỹ và Chư hầu đã thảm sát 41 đồng bào vô tội ở Tân Hòa ngày 27/6/1967 (Ấp Tây, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An.

*Tên gọi Di tích

Đồng 41 là tên một cánh đồng nhỏ, nằm cạnh Kênh Hai Hạt thuộc ấp Tây, xã Tân Hòa, có chiều ngang ước chừng 300m, chiều dài khoảng 3 km về hướng kênh Nguyễn Văn Tiếp.

Trên cánh đồng này, ngày 27/6/1967 để thỏa mãn sự căm tức đê hèn sau một trận càn thất bại thảm hại lính chư hầu Pắc-Chung-Hi dưới sự chỉ huy của cố vấn Mỹ đã thảm sát dã man 41 đồng bào vô tội của hai xã Tân Hòa và xã Hậu Mỹ (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), đa số là phụ nữ và trẻ em trong đó có cả phụ nữ có thai.

Từ sau sự kiện bi thương ấy, cánh đồng nhỏ mà trước đây chưa hề có tên gọi cụ thể đã đi vào lịch sử với cái tên “Đồng 41” như muôn đời khắc sâu vào tiềm thức và nhắc nhớ cho bao thế hệ nơi đây về tội ác mà đế quốc Mỹ đã gieo rắc trên quê hương Tân Hòa.

*Địa điểm phân bố

“Đồng 41” tọa lạc tại ấp Tây, xã Tân Hòa, huyện Tân Thạnh, nằm về hướng Tây Thành phố Tân An, tỉnh Long An, cách Thành phố Tân An khoảng 50 km.

*Đường đi đến di tích

Theo tuyến đường kênh là thuận tiện nhất, từ thành phố Tân An theo tỉnh lộ 29 đi 45 km là đến thị trấn Tân Thạnh. Từ đây, theo đường Kênh 12 đi khoảng 8 km đến ngã ba Kênh 12, đường nước Tân Hòa, theo đường nước Tân Hòa đi khoảng 4 km là đến UBND xã Tân Hòa, tiếp theo đường này đi khoảng 2 km gặp ngã ba Kênh Cà Nhíp rẽ trái đi tiếp 2 km đến ngã Năm rẽ vào Kênh Hai Hạt, đi khoảng 500 m là đến Đồng 41.

*Sự kiện và nhân vật lịch sử

Trong kháng chiến chống Mỹ, theo chủ trương của cấp trên, Chi bộ xã Tân Hòa do đồng chí Trần Văn Tấn làm Bí thư đã vận động nhân dân quyết tâm bám đất, bám làng sản xuất lương thực nuôi quân chiến đấu nên phong trào đấu tranh phát triển mạnh mẽ, do đó đã làm cho địch hết sức bối rối trong việc thực hiện chính sách bình định ở nơi này.

Năm 1967, sau những lần thất bại trước quân dân ta, địch đã mở một cuộc tập kích vào xã Hậu Mỹ (huyện Cái Bè-tỉnh Tiền Giang) nhằm đánh bại cách mạng ra khỏi vùng nông thôn. Vào ngày 27/6/1967, đế quốc Mỹ và đội quân chư hầu đã thực hiện hành động trả thù lực lượng vũ trang địa phương bằng cách nhắm vào những người dân vô tội. Chúng đã xả súng giết chết  41 người, trong đó có 21 người của xã Tân Hòa, 03 người xã Nhơn Ninh và 17 người xã Hậu Mỹ (huyện Cái Bè- Tiền Giang). Phần lớn người bị giết là phụ nữ và trẻ em, có cả phụ nữ mang thai.

*Khảo tả di tích

Trước đây chưa xảy ra sự kiện thảm sát, cánh đồng này như bao cánh đồng khác không có 1 cái tên gọi cụ thể. Sau sự kiện thảm sát, mọi người hình dung Đồng 41 có bề ngang khoảng 300m, dài khoảng 3km đổ về hướng kênh Nguyễn Văn Tiếp.

Năm 1994, Sở LĐTBXH cùng UBND huyện xây dựng bia căm thù để tưởng niệm những người đã bị thảm sát. Bia có 03 phần: nền bia, thân bia và nhà bia.

*Hiện vật trong di tích

Kỷ vật đến nay hầu như không còn. Tuy vậy, hai người còn sống trong vụ thảm sát là bà Du Thị Đông và ông Nguyễn Văn Tâu là nhân chứng lịch sử sống trong việc tố cáo tội ác của đế quốc Mỹ.

*Gía trị lịch sử và phương án phát huy tác dụng

Di tích là địa điểm ghi dấu vụ thảm sát, bằng chứng hùng hồn mang giá trị tố cáo chiến tranh phi nghĩa, khẳng định ý chí khát vọng tự do và hòa bình của dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước của người nông dân Việt Nam trong thời kỳ chống giặc ngoại xâm.

Hàng năm vào ngày 27/7, địa phương tổ chức kỷ niệm thắp hương và ôn lại truyền thống.

*Căn cứ pháp lý

Ngày 09/10/1995, UBND tỉnh Long An đã ban hành Quyết định số 5167/QĐ-UBND Về việc đăng ký bảo vệ di tích lịch sử “Đồng 41”.

5.4 Di tích lịch sử “Khu vực Kinh Bùi”

4 - Giới thiệu khái quát huyện Tân Thạnh

Là nơi ghi dấu chiến thắng của Tiểu đoàn 309 trong trận đánh ngày 24/6/1953.

*Tên gọi di tích

Kinh Bùi là tên một con kinh cắt ngang kênh Năm Ngàn, thuộc huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An, nối dài giáp huyện Tháp Mười tỉnh Đồng Tháp.

*Địa điểm phân bố và đường đến di tích

Khu vực Kinh Bùi hiện nay tọa lạc tại 02 xã Tân Ninh và Tân Thành, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An. Du khách có thể đến khu di tích bằng 02 đường thủy và bộ:

Đường bộ: Từ Thành phố Tân An (Long An) đi theo Quốc lộ 62 khoảng 45 km đến thị trấn Tân Thạnh, tiếp tục  đi đường tỉnh 837 khoảng 11 km gặp Cầu Bằng Lăng, rồi rẽ trái theo lộ Bằng Lăng khoảng 05 km thì đến khu vực của di tích.

Đường thủy: Từ Thành phố Tân An ngược dòng Vàm Cỏ Tây về phía thượng lưu gặp Vàm kinh Dương Văn Dương ngay thị trấn Thạnh Hóa, rẽ trái theo kinh Dương Văn Dương khoảng 15 km đến thị trấn Tân Thạnh. Tại thị trấn Tân Thạnh tiếp tục đi xuôi trên kinh Cà Nhíp khoảng 05 km tới gặp Ngã 5 đường Năm Ngàn, xuôi theo kinh Năm Ngàn khoảng 19 km là đến khu di tích.

*Sự kiện và nhân vật lịch sử

Tại khu vực này vào ngày 24/6/1953, Tiểu đoàn 309 phối hợp với du kích xã Tân Ninh, Nhơn Ninh bố trí đánh tan trận càn quét của giặc từ Chi khu Mỹ Tho vào Đồng Tháp Mười.

-Kết quả của trận Kinh Bùi ngày 24/6/1953

Trận chiến diễn ra hơn 40 phút là kết thúc, ta tiêu diệt trên 100 tên địch, bắt sống 42 tên (trong đó có đại úy Bền-chỉ huy cánh quân này và thiếu úy Sáu- chỉ huy Commandos Cái Bè), thu trên 100 khẩu súng (12 trung liên) và nhiều quân trang, quân dụng…

Chiến thắng Kinh Bùi làm nức lòng quân dân ta. Thắng trận này Tiểu đoàn 309 vinh dự được tặng thưởng Huân chương huân công hạng 03.

Phát huy chiến thắng Kinh Bùi, Tiểu đoàn 309 liên tục hành quân đánh sâu vào những vùng địch chiếm, tạo nên nhiều chiến thắng lớn mở rộng vùng giải phóng khiến cho tinh thần địch ở các đồn bót thêm hoang mang, sa sút.

-Vài nét về Tiểu đoàn 309

Tiểu đoàn 309 được Bộ Tư lệnh Khu 8 thành lập vào ngày 23/9/1949 bên bờ kinh Hầm Vồ (gần Cầu Ván) thuộc xã Hậu Mỹ, huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang ngày nay). Biên chế của Tiểu đoàn có 04 đại đội: 939, 940, 941 và Tiểu đoàn bộ 942. Quân số của Tiểu đoàn mới thành lập là 672 người. Vũ khí trang bị là những chiến lợi phẩm thu được sau những trận đánh với địch:súng trường, đại liên, trung liên, riêng mã tấu tiểu đội nào cũng có.

Sự ra đời của Tiểu đoàn 309 là chủ trương sáng suốt của Bộ Tư lệnh khu 8. Tiểu đoàn vừa chiến đấu vừa sản xuất để hoàn thành nhiệm vụ, xứng đáng là anh bộ đội cụ Hồ. Trận đánh thắng Kinh Bùi của Tiểu đoàn 309 đã đi vào lịch sử chiến thắng của quân đội ta trong chín năm kháng Pháp.

*Khảo tả di tích

Địa điểm dựng bia là xã Tân Ninh, ngay ngã tư kinh Bằng Lăng dẫn về kinh Bùi. Bia được xây dựng bằng bê tông cốt thép, diện tích xây dựng 4m2 (2m x 2m). Chiều cao bia 2,30m, chân bia có 03 bậc tam cấp, mỗi bậc cao 20 cm được tô bằng đá mài, mặt bia bằng đá cẩm thạch, ngang 0,55m cao 01m.

Hướng ra phía Bắc mặt bia được khắc dòng chữ: Bia kỷ niệm chiến thắng trận Kinh Bùi.

Hướng ra phía Nam, mặt bia được khắc dòng chữ: Ký sử trận chiến thắng Kinh Bùi.

*Hiện vật của di tích

Những hiện vật liên quan đến sự kiện như: chiến lợi phẩm, súng ống, quân trang,… đã thất lạc theo thời gian. Việc lưu truyền trong nhân dân là những câu chuyện kể hay trang sử viết của cán bộ hưu trí tham gia trong trận chiến.

*Gía trị lịch sử

Di tích lịch sử “Khu vực Kinh Bùi” là nơi ghi nhận những đóng góp lớn lao của người dân Đồng Tháp Mười kiên trung với cách mạng, gắn bó sống chết trong kháng chiến. Vì vậy, huyện rất quan tâm bảo vệ, tôn tạo để phát huy giáo dục thế hệ trẻ tại địa phương.

*Căn cứ pháp lý

Năm 1995, Di tích lịch sử “Khu vực Kinh Bùi” đã được UBND tỉnh Long An đăng ký bảo vệ di tích tại Quyết định số 5167/QĐ.UB ngày 9/10/1995.​

LỊCH SỬ

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH ĐƠN VỊ HÀNH CHÍNH HUYỆN TÂN THẠNH

Vào tháng 1/1957, Kiến Tường nhận thêm tỉnh Long An. Đến tháng 2/1975, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hai tỉnh Long An và Kiến Tường hợp nhất thành tỉnh Long An.

Huyện Tân Thạnh được chính thức thành lập ngày 20/10/1980 (tách ra từ huyện Mộc Hóa) gồm 10 xã. Đến ngày 20/10/1989 trên quyết định tách ra thành lập huyện mới Thạnh Hóa, như vậy Tân Thạnh còn 7 xã (Kiến Bình, Nhơn Hòa Lập, Hậu Thạnh, Tân Ninh, Nhơn Ninh, Tân Hòa và Bắc Hòa), tiếp sau đó huyện chia xã Tân Ninh ra làm hai xã, xã mới là Tân Thành, kế tiếp Hậu Thạnh chia làm hai xã: Hậu Thạnh Đông và Hâu Thạnh Tây, Nhơn Hòa Lập cũng tách ra hai xã: Nhơn Hòa Lập và Tân Lập, Tân Hòa chia ra hai xã: Tân Hòa và Tân Bình, sau này lấy một phần đất của xã Nhơn Ninh (phía bắc), cùng một ấp của xã Tân Lập thành xã Nhơn Hòa, lập thêm thị trấn Tân Thạnh và xã Kiến Bình.

Hiện nay, toàn huyện Tân Thạnh gồm 12 xã, một thị trấn, nằm ở trung tâm vùng Đồng Tháp Mười, phía Đông giáp huyện Thạnh Hóa, phía Nam giáp huyện Cái Bè và Cai Lậy tỉnh Tiền Giang, phía Tây giáp huyện Tháp Mười tỉnh Đồng Tháp, Tây nam và Bắc giáp huyện Tân Hưng và Mộc Hóa.

Diện tích tự nhiên 42.555,26 ha, dân số trên 84.167 người hầu hết là người Kinh gồm: dân tại chỗ, dân tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Bình Trị Thiên, đồng bào đi kinh tế mới từ thành phố Hồ Chí Minh, dân các huyện phía Đông Nam của tỉnh Long An lên, Hải Hưng vào, đồng bào Việt Kiều hồi hương từ Cam-pu-chia về sau giải phóng.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây