Giới thiệu khái quát huyện Than Uyên

Giới thiệu khái quát huyện Than Uyên

Giới thiệu khái quát huyện Than Uyên

Than Uyên nằm ở phía Đông Nam tỉnh Lai Châu, toạ độ địa lý trong khoảng từ 21 độ 40′ đến 22 độ 08′ vĩ độ Bắc và từ 103 độ 35’ đến 103 độ 53’ kinh độ Đông; nằm cách thành phố Lai Châu 100 km về phía Tây Bắc theo quốc lộ 32.
Vị trí địa lý của huyện như sau: 
– Phía Đông giáp tỉnh Lào Cai (quốc lộ 32 và quốc lộ 279), tỉnh Yên Bái (quốc lộ 32);
– Phía Tây và phía Nam giáp tỉnh Sơn La;
– Phía Bắc giáp huyện Tân Uyên.
Là một trong cửa ngõ của tỉnh đi thành phố Lai Châu và tỉnh Yên Bái (QL 32) và tỉnh Lào Cai (QL 279) nên huyện có lợi thế trong phát triển các hoạt động giao thương, du lịch với các huyện lân cận trong và ngoài tỉnh Lai Châu. 
Nguồn tài nguyên thiên nhiên của huyện Than Uyên không nhiều chủ yếu là tài nguyên đất, nước, rừng, thảm thực vật và tài nguyên khoáng sản nằm rải rác. Bên cạnh đó tài nguyên du lịch cũng khá phong phú về bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử, di sản văn hóa.
tntn - Giới thiệu khái quát huyện Than Uyên
TNTN
1. Tài nguyên đất
Theo kết quả đánh giá tài nguyên đất cho thấy huyện Than Uyên có các loại đất như đất Feralit đỏ vàng, đất mùn trên núi cao, đất phù sa ngòi suối, trong đó:
– Nhóm đất chủ yếu trên địa bàn huyện là đất Feralit đỏ vàng hình thành trên đá sét và đá biến chất (Fs), phân bố ở hầu hết các xã.
– Nhóm đất Feralit đỏ vàng hình thành trên đá Mácma axit  (HFa), loại đất này được hình thành tại chỗ do chế độ canh tác lúa nước từ lâu đời.
– Nhóm đất mùn vàng xám hình thành trên đá Mácma axit tập trung chủ yếu ở khu vực các xã Tà Mung, Ta Gia, Khoen On và một phần ở khu vực vùng núi xã Phúc Than, Mường Than.
– Đất mùn vàng đỏ hình thành trên đá sét và đá biến chất tập trung chủ yếu ở khu vực các xã Khoen On, Ta Gia, Tà Hừa, Mường Kim, Mường Than và Mường Mít.
– Đất vàng xám hình thành trên đá Mácma axit tập trung ở xã Tà Mung và một phần ở xã Mường Cang. 
Những khảo sát, đánh giá về thổ nhưỡng cho thấy, trên địa bàn huyện có diện tích đất khá lớn có thành phần cơ giới nhẹ, ít chua (hàm lượng từ trung bình đến khá) thích hợp cho canh tác lúa nước, cây công nghiệp.
2. Tài nguyên nước
– Về nguồn nước mặt: Trên địa bàn huyện có khoảng 45 khe nước chính cấp nước cho sinh hoạt và sản xuất phân bố đều ở các xã. Toàn huyện có 68 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung phân bố ở các xã, 05 công trình thủy điện (02 công trình có quy mô trung bình là thủy điện Huội Quảng và thủy điện Bản Chát).
– Về tài nguyên nước ngầm: Do đặc điểm địa hình và hoạt động của hiện tượng Karst nên Than Uyên có nguồn nước ngầm nông và trữ lượng nước ngầm không lớn, thường bị tụt thấp vào mùa khô. 
Tài nguyên nước trên địa bàn huyện tạo nhiều lợi thế cho huyện trong việc: Phát triển thủy điện nhỏ và vừa trên mạng lưới sông, suối; xây dựng các công trình thủy lợi phục vụ sản xuất nông nghiệp; phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản, thủy cầm ở các lòng hồ thủy điện (Bản Chát, Huội Quảng). Diện tích mặt nước lòng hồ thủy điện Huội Quảng, Bản Chát có thể nuôi cá lồng khá lớn, khoảng 5.000 ha. 
3. Tài nguyên rừng và thảm thực vật
– Tài nguyên rừng: Năm 2015, Than Uyên có 23.597,17 ha đất lâm nghiệp, chiếm 29,77% diện tích tự nhiên. Trong đó: đất rừng sản xuất là 12.293,92 ha, chiếm 52,10% diện tích đất lâm nghiệp và đất rừng phòng hộ là 11.303,25 ha, chiếm 47,90% diện tích đất lâm nghiệp. 
– Thảm thực vật: Trước đây, rừng ở Than Uyên thuộc loại rừng nhiệt đới với quần thể thực vật rất phong phú. Trong đó có nhiều loại gỗ quý có giá trị kinh tế cao như lát, chò chỉ, nghiến, tấu… Các loại cây đặc sản như thảo quả, cọ khiết (cây cánh kiến), song mây, sa nhân… Tuy nhiên, tình trạng đốt phá rừng làm nương rẫy, khai thác gỗ trong những năm qua đã làm suy kiệt thảm rừng. Hiện nay chủ yếu còn lại là rừng nghèo, rừng đang được khoanh nuôi tái sinh và rừng trồng chưa khép tán, trong khi diện tích rừng trung bình, rừng giàu và các vạt rừng nguyên sinh chỉ còn ít ở những vùng núi cao. Diện tích đất lâm nghiệp có rừng giảm nên quần thể động vật hoang dã có nguy cơ suy giảm.
4. Tài nguyên khoáng sản   
Theo kết quả điều tra địa chất, khoáng sản do Cục địa chất khoáng sản Việt Nam, trên địa bàn huyện có một số loại khoáng sản:
– Khoáng sản than: Trên địa bàn huyện có mỏ than Nậm Than, xã Mường Than có quy mô nhỏ. 
– Khoáng sản vàng: Có các điểm vàng Én Luông xã Mường Than – Bản Lướt – xã Mường Kim, bản Nà Bàn – xã Hua Nà; điểm quặng phóng xạ bản Nà Bàn – xã Hua Nà; mỏ nước nóng bản Mé – xã Mường Cang.
Ngoài ra, trên địa bàn huyện có một lượng đá, cát, sỏi có trữ lượng lớn và có thể khai thác để phục vụ cho nhu cầu sản xuất vật liệu xây dựng.
5. Tài nguyên du lịch và nhân văn
– Than Uyên là huyện khá phong phú về bản sắc văn hóa, truyền thống lịch sử, di sản văn hóa. Huyện có các dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số chiếm trên 87%, bao gồm các dân tộc Thái, Kinh, Mông, Khơ Mú, Dao… Mỗi dân tộc đều có phong tục, lễ hội văn hóa, các điệu múa, các làn điệu hát dân ca đặc sắc riêng và nghệ thuật tạo hình được thể hiện rất độc đáo trên các bộ trang phục đa sắc màu; nghệ thuật kiến trúc trong các ngôi nhà truyền thống; các sản phẩm thủ công như dệt thổ cẩm, đan lát… Đây là tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng trong những năm tới.
– Trên địa bàn huyện có một số di tích văn hóa, lịch sử: Di tích đèo Khau Co; Bản Nà Khương (xã Mường Kim) – một trong những căn cứ du kích thời kỳ chống Pháp, phỉ những năm 1950-1951; Bản Lướt – xã Mường Kim là một địa danh lịch sử của huyện Than Uyên, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên tiền thân của Đảng bộ tỉnh Lai Châu ngày nay; Quần thể thắng cảnh Ta Gia; hồ thuỷ điện Bản Chát. Trong những năm tới khi hạ tầng giao thông hoàn thiện và phát triển đồng bộ, sẽ tạo điều kiện thuận lợi để Than Uyên phát triển du lịch văn hóa, lịch sử và du lịch sinh thái lòng hồ thủy điện.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây