Giới thiệu khái quát huyện Thới Lai

Giới thiệu khái quát huyện Thới Lai

Giới thiệu khái quát huyện Thới Lai

Huyện Thới Lai là huyện ngoại thành nằm về phía Tây của thành phố Cần Thơ, thành phố loại I trực thuộc Trung ương và là thành phố trung tâm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Địa giới hành chính huyện Thới Lai: 

Đông giáp huyện Phong Điền, quận Ô Môn; Tây giáp huyện Cờ Đỏ, thành phố Cần Thơ và tỉnh Kiên Giang; Nam giáp huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang, tỉnh Kiên Giang; Bắc giáp huyện Cờ Đỏ, quận Ô Môn.

Huyện có diện tích tự nhiên 25.580,56 ha, dân số 29.375 hộ 122.815 khẩu (trong đó có 4.402 khẩu là đồng bào dân tộc thiểu số (đồng bào dân tộc Khmer chiếm đa số là 4.158 khẩu).
Huyện Thới Lai có 13 đơn vị hành chính trực thuộc gồm: thị trấn Thới Lai, và các xã Thới Thạnh, Tân Thạnh, Trường Thành, Trường Thắng, Định Môn, Thới Tân, Xuân Thắng, Đông Bình, Đông Thuận, Trường Xuân, Trường Xuân A, Trường Xuân B.

Truyền thống cách mạng

Huyện Thới Lai là một trong những nơi không chỉ có tiềm năng lớn về kinh tế, mà còn có vị trí chiến lược quân sự quan trọng; được coi là một trong những vùng trọng điểm của phong trào cách mạng địa phương. Quá trình đấu tranh cách mạng đã chứng minh cho thấy, Đảng bộ và nhân dân nơi đây luôn nêu cao lòng yêu nước, căm thù giặc, tuyệt đối trung thành với Đảng, với sự nghiệp cách mạng đã vượt qua mọi khó khăn gian khổ để hoàn thành sứ mệnh lịch sử mà Đảng và nhân dân giao phó.

Qua hai cuộc kháng chiến và công cuộc xây dựng, bảo vệ tổ quốc huyện được thành phố Cần Thơ công nhận theo Quyết định số 1248/QĐ-UBND ngày 18 tháng 5 năm 2011, xếp hạng Di tích lịch sử – văn hóa “Địa điểm chiến thắng Ông Đưa năm 1960”.

Kinh tế xã hội

            Huyện Thới Lai là vùng đất có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển sản xuất nông nghiệp với 23.279,04 ha đất sản xuất cây hàng năm, trong đó tập trung nhiều nhất là trồng lúa là 20.345,16 ha.

Năm 2014: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân 11,12%; thu nhập bình quân đầu người 26.510.000 đồng/người/năm, tăng 3.432.000 triệu đồng/người/năm so với năm 2013. Giá trị thương mại – dịch vụ thực hiện được 3.656,87 tỷ đồng đạt 127,01% kế hoạch, tổng giá trị công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp 2.713,83 tỷ đồng đạt 135,15% kế hoạch, giải quyết việc làm cho trên 6.566 lao động, tỷ lệ sử dụng điện đạt 99,6% số hộ; tỷ lệ sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 81% số hộ; trong sản xuất nông nghiệp với nhiều biện pháp tổng hợp hỗ trợ cho nông dân sản xuất lúa, màu, nuôi trồng thủy sản đạt được nhiều thành quả đáng kể, sản xuất lúa áp dụng “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm” và nhiều biện pháp kỹ thuật khác nên sản lượng lúa đạt 357.047,84 tấn, tăng 3.739 tấn so với năm 2013, đạt 107,26% kế hoạch. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” huyện đã thi công hoàn thành 29 km/20 km đường giao thông nông thôn 2 mét đạt 145% kế hoạch; 20,3 km đường giao thông 4 mét theo tiêu chí nông thôn mới đạt 203% kế hoạch. Thu-chi ngân sách trên tinh thần tiết kiệm đúng luật, năm 2014 do ảnh hưởng của chính sách thuế miễn giảm thuế giá trị gia tăng các mặt hàng gạo, tấm, cám nên tổng thu ngân sách của huyện là 56,939 tỷ đồng đạt 64,93% kế hoạch (do ảnh hưởng việc thực hiện chính sách mới về thuế giá trị gia tăng, số mất nguồn thu năm 2014 là 42,157 tỷ, số còn lại phải thu 45,543 tỷ. Tổng thu so với nguồn phải thu thực tế của huyện 56,939 tỷ/45,543 tỷ đạt 125,02%; tổng chi ngân sách 397,469 tỷ đồng đạt 83,29% kế hoạch.

Văn hóa xã hội

Hệ thống trường, lớp được nâng cấp xây dựng mới theo hướng kiên cố hóa đạt chuẩn nông thôn mới; chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt năm sau cao hơn năm trước; tỷ lệ học sinh tốt nghiệp các cấp đạt trên 99%, số học sinh thi đỗ vào các trường đại học, cao đẳng tăng cao; huy động học sinh trong độ tuổi ra lớp trên 98% kế hoạch, được thành phố công nhận 2 trường đạt chuẩn quốc gia. Chăm sóc sức khỏe nhân dân được chú trọng, đặc biệt là gia đình chính sách, hộ nghèo và các đối tượng bảo trợ xã hội; các Chương trình mục tiêu quốc gia về y tế thực hiện tốt, các loại dịch bệnh được hạn chế số người mắc bệnh giảm so với năm 2013; phong trào văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao diễn ra rộng khắp tạo được không khí vui tươi phấn khởi trong nhân dân; phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa đạt nhiều thành quả đáng kể: Ra mắt 1 ấp văn hóa và được thành phố công nhận xã văn hóa Trường Xuân; đặc biệt, năm 2014 đã được thành phố công nhận xã Trường Xuân đạt tiêu chí quốc gia về Nông thôn mới.

Công tác đền ơn đáp nghĩa được chú trọng, quan tâm chăm sóc gia đình chính sách, người có công với cách mạng, các đối tượng bảo trợ xã hội…Trong năm đã xây dựng 206 căn nhà tình nghĩa; chi trợ cấp thường xuyên cho các đối tượng chính sách, người cao tuổi, đối tượng bảo trợ xã hội…tổng số tiền là 37,19 tỷ đồng. Cho vay giải quyết việc làm 98 dự án với tổng số tiền 1,7 tỷ đồng. Tỷ lệ giảm nghèo 1,30%. Giới thiệu 6.566 lao động đi làm việc trong và ngoài thành phố.

Thực hiện tốt công tác cải cách hành chính của huyện, giải quyết tốt việc tiếp nhận và trả kết quả góp phần tạo sự tin tưởng vào đường lối đổi mới của Đảng và Nhà nước; mọi thủ tục hành chính đều được niêm yết công khai rỗ ràng, áp dụng quy trình ISO:9001:2008 để xử lý hồ sơ, trình tự thủ tục và thời gian đảm bảo đúng quy định.

Công tác quốc phòng quân sự địa phương được đảm bảo, tình hình an ninh chính trị ổn định giữ vững; đưa quân, huấn luyện đạt 100% kế hoạch, xây dựng lực lượng dân quân tự vệ đạt 1,3% dân số. Tình hình trật tự an toàn xã hội ổn định, phạm pháp hình sự giảm, tỷ lệ phá án 100%, các tệ nạn xã hội được đẩy lùi.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây