Giới thiệu khái quát huyện Thường Xuân

huyện Thường Xuân - Tỉnh Thanh Hóa

Giới thiệu khái quát huyện Thường Xuân

            1. Điều kiện tự nhiên – Tài nguyên thiên nhiên:

– Vị trí địa lý: Thường Xuân là một huyện miền núi, nằm ở phía Tây của tỉnh Thanh Hóa. Cách thành phố Thanh Hóa 54 km về phía Tây. Phía Bắc giáp huyện Lang Chánh, Ngọc Lặc. Phía Tây giáp huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An và 17 km đường biên giới giáp huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn của nước CHDCND Lào. Phía Đông giáp huyện Thọ Xuân, Triệu Sơn. Phía Nam giáp huyện Như Xuân và Như Thanh.

– Địa hình: Toàn huyện thấp dần từ Tây Bắc và Tây xuống Đông và Nam. Có nhiều dãy núi như Chòm Vịn xã Bát Mọt cao 1.442 m so với mặt nước biển. Địa hình bị chia cắt bởi các sông: Sông Khao, sông Chu, sông Đặt, sông Đằn. Có nhiều đồi bát úp, đất nông nghiệp nhỏ lẻ. Các xã vùng cao chủ yếu là ruộng bậc thang không chủ động tưới tiêu, bị rửa trôi mạnh. Có thể chia địa hình làm 3 vùng như sau:

+ Vùng cao gồm 4 xã: Bát Mọt, Yên Nhân, Xuân Chinh, Xuân Lẹ, có độ cao trung bình từ 500-700m.

+ Vùng giữa gồm 9 xã: Lương Sơn, Tân Thành, Xuân Thắng, Xuân Lộc, Vạn Xuân, Luận Khê, Xuân Cẩm, Luận Thành, Xuân Cao, có độ cao trung bình từ 150-200m.

+ Vùng thấp gồm 3 xã và 1 thị trấn: Ngọc Phụng, Thọ Thanh, Xuân Dương và Thị trấn Thường Xuân, có độ cao trung bình từ 50-150m.

– Khí hậu thủy văn: Tổng nhiệt độ năm 8.000 – 8.6000C, nhiệt độ không khí trung bình 22 – 240C, tối cao nhiệt độ 37 – 400C, tối thấp nhiệt độ 1 – 30C; lượng mưa trung bình năm 1600-2000 mm, phân bố không đều, tập trung 60-80% vào mùa mưa; số ngày mưa trong năm 150-160 ngày; độ ẩm không khí tương đối, trung bình năm 85-86%; Gió mùa Đông Bắc từ tháng 10 đến tháng 4 năm sau, gió Tây Nam khô, nóng từ tháng 4 đến tháng 7, có ảnh hưởng từ tháng 8 – 9; khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều thích hợp cho thực vật sinh trưởng và phát triển.

Sông Đặt, Sông Đằn có tổng chiều dài gần 100 km; có diện tích lưu vực khoảng 55 nghìn ha; tổng lượng dòng chảy lớn khoảng 1.276.488 x 106 m3. Thuỷ văn phân bố không đều, tập trung vào mùa mưa nên thường gây ra lũ quét, sạt lở, xói mòn nghiêm trọng nếu không có độ che phủ.

            – Đất đai: Tổng diện tích tự nhiên: 110.717,35 (ha), trong đó:

            + Diện tích đất nông nghiệp:          99.685,48 (ha);

            + Diện tích đất phi nông nghiệp:      9.551,83 (ha);

            + Diện tích đất chưa sử dụng:           1.480,04 (ha).

                        (Số liệu thống kê đất đai đến 01/01/2016).

Toàn huyện có 3 nhóm đá mẹ chính với 9 loại đá mẹ khác nhau: Nhóm đá Mắc ma a xít và trung tính (đá Gnanit, foophiarit, Riolit, phân bố ở Bát Mọt, Xuân Lẹ, Xuân Chinh, Yên Nhân, Xuân Thắng, Tân Thành, Xuân Cao, Thọ Thanh); Nhóm đá biến chất (đá mẹ Gnai ở xã Xuân Lẹ, Xuân Chinh); Nhóm đá trầm tích (đá vôi, sa thạch, phiến thạch sét, sa phiến thạch, đá cát, phân bố ở các xã Luận Khê, Luận Thành, Tân Thành, Vạn Xuân, Xuân Cẩm, Xuân Cao, Xuân Chinh, Xuân Lộc, Xuân Thắng, Xuân Lẹ, Yên Nhân, Bát Mọt, Lương Sơn, Thọ Thanh).

Đất gồm các loại nhóm chính sau:

– Đất Feralit màu vàng, nâu vàng phát triển trên đá Mắcma axít.

– Đất Feralit màu vàng phát triển trên đá trầm tích, biến chất.

– Đất Feralit màu vàng  phát triển trên đá vôi.

– Đất Feralit mùn phát triển trên núi cao.

– Đất Feralit phát triển do trồng lúa.

2. Tình hình dân sinh, kinh tế, xã hội:

– Dân sinh: Toàn huyện có 16 xã, 01 thị trấn với 140 thôn, bản, khu phố; 21.066 hộ với 90.126 nhân khẩu, số người trong độ tuổi có khả năng lao động là 48.850 người. Gồm các dân tộc là Thái, Kinh, Mường: Dân tộc Thái chiếm 55% dân số; Dân tộc Kinh chiếm 41% dân số; Dân tộc Mường chiếm 3,2% dân số, còn lại các dân tộc khác có tỷ lệ dưới 1%; Tốc độ tăng dân số 8.2‰ (Số liệu đến 31/12/2016). Dân cư phân bố không đều, tập trung phần lớn ở vùng giữa và vùng thấp; mật độ dân số bình quân là 77 người/km2, trong đó mật độ cao nhất là ở Thị trấn Thường Xuân 1845 người/km2, mật độ dân số trung bình ở vùng nông thôn là 45 người/km2.

– Kinh tế: là huyện miền núi đặc biệt khó khăn, nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất lâm – nông nghiệp. Cơ cấu kinh tế của huyện đã có sự chuyển dịch theo hướng phù hợp với định hướng cơ cấu kinh tế chung của tỉnh và cả nước song vẫn ở mức thấp so với mức tăng trưởng của tỉnh và đang từng bước chuyển dịch theo hướng giảm Nông, lâm nghiệp, tăng Công nghiệp, xây dựng – Dịch vụ, thương mại. Mức tăng trưởng kinh tế năm 2016 đạt 15,6%; Cơ cấu các ngành kinh tế lâm – nông nghiệp và thuỷ sản chiếm 31,3%, công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – xây dựng chiếm 39,2%, Thương mại và dịch vụ chiếm 29,5%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn năm 2016 đạt 82,3 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người 19,7 triệu đồng/người/năm, tăng 1,4 triệu đồng so với năm 2015. Tổng giá trị sản xuất nông – lâm – thủy sản đạt 969,7 tỷ đồng, tăng 9,6% so với năm 2015; Tổng giá trị sản suất công nghiệp – xây dựng đạt 1.209,9 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm 2015; các ngành dịch vụ đạt 913,9 tỷ đồng, tăng 30,4% so với năm 2015. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của đại bộ phận nhân dân cơ bản ổn định, tiếp tục được cải thiện.

– Văn hóa xã hội: Đến năm 2016, công tác xây dựng cơ sở vật chất trường học tiếp tục được quan tâm, tỷ lệ kiên cố hóa trường lớp học toàn huyện đạt 63,5%; Phổ cập Giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, trẻ em đến trường đạt 98%, hoàn thành mục tiêu phổ cập THCS; có 22 trường học đạt chuẩn Quốc gia, đạt 34,4%, nhiều trung tâm học tập cộng đồng hoạt động có hiệu quả; Thực hiện tốt phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”,đã khai trương 140 thôn, bản có nếp sống văn hóa; có 88 thôn, bản được công nhận đơn vị văn hóa cấp huyện; hơn 70% số hộ gia đình là gia đình văn hóa. Có 4 trạm tiếp phát lại sóng truyền hình, tỷ lệ dân số được xem truyền hình đạt98%; trang thiết bị của các trạm thu phát lại sóng truyền hình ngày càng được đầu tư, nâng cấp; Tỷ lệ phủ sóng đài phát thanh đạt 100%. Ngành y tế đã chủ động trong triển khai thực hiện kế hoạch chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân; xây dựng, triển khai kế hoạch về phòng, chống dịch bệnh. Trung tâm y tế và Trung tâm Dân số – KHHGĐ đã triển khai thực hiện tốt về chương trình tiêm chủng mở rộng, kế hoạch truyền thông dân số, chăm sóc sức khoẻ sinh sản và kế hoạch hoá gia đình đến nhân dân các thôn bản trong huyện; đến hết năm 2016 có 9/17 xã, thị trấn được công nhận xã đạt tiêu chí Quốc gia về Y tế giai đoạn 2. Nhiều chương trình xóa đói, giảm nghèo được quan tâm, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 39% năm 2011 xuống còn còn 20,9% hộ nghèo và 17,6% hộ cận nghèo năm 2016 (theo theo tiêu chí đa chiều).

– Lao động: Tổng số người trong độ tuổi lao động là 48.850 người, chiếm 54,2%; trong đó: Lao động nông nghiệp 27.680 người, chiếm 56,7%;  Lao động chưa qua đào tạo chiếm 70%; Lao động ở nông thôn 44.180 người, chiếm 90,4%. Là huyện có dân số trẻ, số người trong độ tuổi lao động lớn, tập trung ở lĩnh vực sản xuất nông nghiệp là chính, đa phần là lao động ở nông thôn; lao động nông nghiệp thời vụ. Công tác đào tạo nghề từng bước được quan tâm, đã mở nhiều lớp chuyển giao khoa học, kỹ thuật, học nghề, từng bước đáp ứng nhu cầu về nguồn nhân lực; hàng năm xây dựng kế hoạch và tổ chức đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Giải quyết lao động đi làm việc tại các khu chế xuất, khu công nghiệp, các doanh nghiệp trong và ngoài nước, đặc biệt là xuất khẩu lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài.

– Kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội: Một số chương trình trọng điểm được tích cực triển khai như: Chương trình 135, 134, 159, WB, ReII, Chương trình30a…. đầu tư chủ yếu vào giao thông, thủy lợi, nước sạch. Hiện nay đã có trạm phát sóng di động (BTS) vùng lòng Hồ Cửa Đặt và các vùng lân cận; Hệ thống giao thông một vài năm trở lại đấy phát triển khá, nhiều tuyến đường giao thông liên thôn, xã đã được đầu tư mới, đồng bộ. Đường ô tô có 230 km, bao gồm Đường Hồ Chí Minh đi qua huyện dài gần 13 km; Quốc lộ 47 kéo dài (tỉnh lộ 507/519 cũ) đi Cửa khẩu Khẹo – Tà Lấu giữa huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa và huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn (Lào) dài 70 km; tuyến đường Bái Thượng – Cửa Đặt dài 12 km; đường liên xã 35 km; tuy nhiên giao thông liên xã và liên thôn còn kém phát triển, gặp nhiều khó khăn đi lại vào mùa mưa. Thuỷ lợi có trên 70 công trình gồm 5 trạm bơm, 25 hồ chưa lớn nhỏ, 24 đập đá xây và 04 đập đá xếp. Mạng lưới điện gồm có 97 trạm biến áp (85 trạm hạ thế, 12 trạm trung thế), 158 km đường dây cáp cao thế, 98 km đường dây, hiện 100% số xã, thị trấn có điện lưới quốc gia.

Lịch sử Thường Xuân và các đơn vị hành chính trực thuộc

         Thường Xuân là huyện miền núi nằm ở phía Tây tỉnh Thanh Hoá, được thành lập năm 1837 (năm Minh Mạng thứ XVIII) với tên gọi Châu Thường, sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đổi tên là huyện Thường Xuân. Huyện có chung 17 km đường biên giới với huyện Sầm Tớ, tỉnh Hủa Phăn, nước Cộng hoà Dân chủ nhân dân Lào.
          Vùng đất cổ Thường Xuân từ ngàn xưa được 3 dân tộc Thái, Mường, Kinh cùng đoàn kết gắn bó với nhau trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam, xây dựng nên bề dày truyền thống văn hoá son sắc, thuỷ chung, thương người – vì nghĩa và tình yêu quê hương đất nước. Những truyền thống tốt đẹp ấy kết thành vùng đất “Thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, vùng đất đã từng được các bậc quân vương chọn làm hậu cứ, chiêu tập hiền tài để kháng chiến chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nền độc lập tự do của dân tộc.
          Năm 2012, huyện Thường Xuân tròn 175 năm (1837 – 2012). Với truyền thống văn hoá, truyền thống lịch sử vẻ vang của ông cha trên vùng đất đã từng chịu nhiều gian khó nhưng rất đỗi hào hùng – truyền thống tốt đẹp của nhân dân các dân tộc Thường Xuân. Một vùng “địa linh” của núi rừng quê Thanh anh hùng bất khuất; sẽ là điểm đến hấp dẫn du khách ở khu Bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên kỳ thú và công trình thuỷ lợi – thuỷ điện Cửa Đạt – công trình trọng điểm Quốc gia đã hoàn thành. Nhiều di tích văn hoá hấp dẫn khác như: Lũng Nhai – nơi diễn ra hội thề của 18 tướng lĩnh cùng Bình Định Vương Lê Lợi quyết tâm chống giặc Minh thế kỷ XV, Đền Cầm Bá Thước, Đền Mẫu chúa Thượng ngàn… và quần thể khu di tích cách mạng trên đất Thường Xuân.
           Thường Xuân là một vùng đất cổ, đã qua quá trình hình thành và phát triển hàng ngàn năm lịch sử.
           Thời thuộc Hán là vùng đất huyện Vô Biên, một phần ít thuộc huyện Cư Phong của quận Cửu Chân, một quận lớn thời kỳ đó.
           Thời Tam Quốc đến nhà Tuỳ thuộc huyện Di Phong
 Thời Đường thuộc đất của huyện Trường Lâm
 Thời Đinh, Lê, Lý vẫn giữ như thời Đường
 Thời Trần, Hồ và thời thuộc Minh gồm 2 phần thuộc các huyện:
– Phần lớn thuộc huyện Nga Lạc (châu Thanh Hoá)
– Một phần ít thuộc huyện Nông Cống (châu Cửu Chân).
 Thời Lê vẫn thuộc đất của huyện Nga Lạc và huyện Nông Cống.
 Thời Nguyễn và Minh Mệnh thứ 16 (1835) nhập huyện Thọ Xuân cũ (gồm 2 tổng Mậu Lộc và Quân Nhân) vốn là đất của huyện Thường Xuân lệ vào châu Lang Chánh. Huyện Thọ Xuân cũ (miền núi) mất tên (huyện Thọ Xuân cũ không phải là huyện Thọ Xuân bây giờ, lúc đó gọi là huyện Lôi Dương).
 Năm Minh Mệnh thứ 18 (1837), châu Thường Xuân (còn gọi là Châu Thường) ra đời.
 Năm Tự Đức thư 3 (1850), bỏ Tri châu do Phủ Thọ Xuân kiêm lý. Thường Xuân lúc này gồm 23 xã, chia làm 4 tổng:
– Tổng Nhân Sơn gồm 4 xã: Bát Mọt, Yên Nhân, Sơn Cao (sau đổi là Xuân Khao), Nhân Trầm (gồm nữa xã Xuân Mỹ và nữa xã Xuân Khao) nằm ở phía Tây của huyện.
– Tổng Trịnh Vạn có 4 xã: Trịnh Vạn (nay là Vạn Xuân), Lệ Khê (nay là Xuân Chinh và Xuân Lẹ), Mậu Lộc, Thắng Lộc (gồm xã Xuân Lộc, Thắng Lộc).
– Tổng Luận Khê có 7 xã: Chu Hoành, Kỳ Pha, Trung Lập (nay là xã Tân Thành), Ngọc Trà, Yên Mỹ, Khê Hạ, La Lũ (nay là xã Luận Khê).
– Tổng Quân Nhân gồm 4 xã: Ban Vân, Quân Nhân, Ban Công, Lâm Lư (4 xã này đã cắt về huyện Như Xuân năm 1949).
 Đến thời Đồng Khánh (1886 – 1888), châu Thường Xuân vẫn do phủ Thọ Xuân kiêm lý, nhưng về địa danh hành chính có một vài thay đổi nhỏ:
Cả châu Thường Xuân có 4 tổng 26 xã:
– Tổng Quân Nhân gồm 7 xã: Quân Nhân, Hương Cà, Bàn Cống, Phong Huân, Lâm Lư, Tri Giới và Ban Văn.
– Tổng Trịnh Vạn gồm 4 xã: Trịnh Vạn, Mậu Lộc, Lệ Khê, Thọ Thắng.
– Tổng Luận Khê gồm 7 xã: Kỳ Ban, Trung Lập, La Lũ, Chu Hoành, Khê Hạ, Yên Mỹ và Ngọc Trà.
– Tổng Như Lăng gồm 8 xã: Quỳ Thanh (trước là sách Hoa Quỳ, đầu thời Thiệu Trị do kiêng huý chữ Hoa nên đổi thành xã Quỳ Thanh), Tú Thịnh, An Cư, Bát Dân, Hữu Lễ, Cứ Đức, Thượng Cốc và Bát Vân.
 Sau cách mạng tháng Tám 1945, châu Thường Xuân đổi thành huyện Thường Xuân và giữ nguyên cho đến hôm nay.
 Đến trước năm 2005, Thường Xuân có 19 xã, 1 thị trấn. Sau 2005, để xây dựng công trình thuỷ lợi – thuỷ điện Cửa Đạt, đã di dời 3 xã: Xuân Mỹ, Xuân Khao, Xuân Liên và thôn Thắm xã Vạn Xuân đưa nhân dân đi định cư tại các vùng kinh tế mới ở trong và ngoài tỉnh.
 Hiện nay, Thường Xuân có 16 xã, 1 thị trấn (gồm 141 thôn cũ, mới chia tách):
– Thị trấn Thường Xuân (có tên từ năm 1988), gồm các thôn cũ là: Ngọc Lâm, Đồng Tâm, Đồng Lực, Quyết Thắng, Tân Long; nay lần lượt gọi là các Khu phố 1, Khu phố 2, Khu phố 3, Khu phố 4, Khu phố 5 và thôn Tân Long.
– Xã Bát Mọt (còn gọi là Bắt Mọt hay Bất Một, có tên từ thời Lê), gồm các tên hành chính (trước đây là bản): Hón, Ruộng, Khẹo, Chiềng, Cạn (Mót), Phống, Dưn, Đục, Vịn.
– Xã Luận Thành (được thành lập năm 1983), gồm các thôn (xưa là làng, bản): Xuân Minh, Liên Thành và Thống Nhất (xưa là Khê Hạ), Tiến Hưng và Tiến Hưng 2 (xưa là bản Chượng), Sơn Cao (bản Poọng), Cao Tiến (bản Khoán), Thành Thắng (bản Than).
– Xã Luận Khê (tên gọi có từ thời Nguyễn), gồm các thôn (xưa là làng, bản): Hún (bản Hôn), Tràng Cát, Buồng, Chiềng, Mơ, Yên Mỹ (bản Mọt), An Nhân (gộp 2 bản An và Nhân), Thắm, Ngọc Trà (bản Muồng), Kha (bản Cả), Sông Đằn và Cửa Dụ (mới lập).
– Xã Lương Sơn (tên gọi có sau năm 1945), xưa gồm 17 bản làng, nay sát nhập thành các thôn hành chính là: Ngọc Thượng, Minh Quang, Trung Thành, Lương Thiện, Lương Thịnh, Ngọc Sơn.
– Xã Ngọc Phụng (tên gọi có sau năm 1945), gồm các thôn (xưa là các làng): Quyết Thắng, và Xuân Thành (làng Mé), Hưng Long (làng Ván), Xuân Liên (làng Tôm), Xuân Lập, Xuân Thắng, Hoà Lâm, Phú Vinh.
– Xã Tân Thành (tên gọi có từ sau năm 1945), gồm các thôn (trước là bản): Thành Nàng (bản Nàng), Thành Lai (bản Lai), Thành Lãm (bản Lãm), Thành Lập (bản Lập), Thành Giỏ (bản Giỏ), Thành Hạ (bản Hạ), Thành Đon (bản Đon), Thành Lấm (bản Lấm), Thành Lợi (làng mới lập sau năm 1960, đồng bào huyện Thiệu Hoá lên định cư).
– Xã Thọ Thanh (có tên từ sau năm 1945), gồm các thôn (trước là làng): Thanh Trung, Thanh Trung 2, Thanh Trung 3 (gồm làng Vực và làng Hạ cũ), Đông Xuân (làng Đông), Hồng Kỳ (làng Hồ), Thanh Cao (làng Đìn), Thanh Long (xưa là làng chài), Thanh Xuân và Thanh Sơn (tách từ Thanh Trung cũ).
– Xã Vạn Xuân (thành lập năm 1963): gồm các thôn (xưa là bản): Công Thương (bản Tột), Bù Đồn, Lùm Nưa (gộp 2 bản Lùm và bản Nưa), Cang Khèn (gộp 2 bản Cỏ Pạo và bản Cảng), Ná Mén, Ná Cộng, Nhồng, Hanh Cáu (gộp 2 bản Hang va bản Cáu), Khằm, Quạn và thôn Thác Làng (mới lập).
– Xã Xuân Cao (tên gọi có từ sau năm 1945), trước Cách mạng tháng Tám 1945 có các làng: Thé, Lù, Kha, Rạch; Nay gồm các thôn hành chính: Xuân Minh 1, và Xuân Minh 2, Xuân Thắng 1 và Xuân Thắng 2, Trung Thành, Nam Cao, Trung Tiến, Thành Công, Quyết Tiến.
– Xã Xuân Cẩm (tên gọi có từ sau năm 1945), gồm các thôn (xưa là bản): Thanh Xuân (bản Mạ), Tiến Sơn 1 và Tiến Sơn 2 (bản Đòn), Trung Chính (bản Gắm), Xuân Quang (bản Quan), Xuân Minh (bản Láu).
– Xã Xuân Chinh (thành lập năm 1963), gồm các thôn (xưa là bản): Cụt Ạc (gộp 2 bản Cụt và bản Ạc), Tú Tạo, Chinh, Thông, Hành, Xeo, Giang.
– Xã Xuân Dương (tên gọi có sau năm 1945), gồm các thôn (xưa là bản): Thống Nhất 1, Thống Nhất 2, Thống Nhất 3 (làng Hún), Xuân Thịnh (làng Thịnh), Vụ Bản (làng Vò), Tân Lập (làng Suội), Tiến Long.
– Xã Xuân Lẹ (thành lập năm 1963), gồm các thôn (xưa là bản): Liên Sơn (gộp 2 bản Bèn và Tùm Cũ), Đuông Bai (gộp 2 bản Đuông và bản Bai), Xuân Sơn (gộp 2 bản Cả và bản Soi), Xuân Ngù (bản Ngù), bản Tạn, Bọng Nàng (gộp 2 bản Bọng và bản Nàng), Lẹ Tà (gộp 2 bản Lẹ và bản Ná Tà), Cọc Chẽ (hay Cộc Chẽ, gộp 2 bản Coọc và bản Chẽ), Dài.
– Xã Xuân Lộc (thành lập năm 1983), gồm các thôn (xua là bản): Chiềng, Cộc, Vành, Quẻ, Pà-Cầu.
– Xã Xuân Thắng (thành lập năm 1983), gồm các thôn (xưa là bản): Xương, Tú, Xem, Đót, Tân Thắng, Dín, Én, Tân Thọ.
– Xã Yên Nhân (tên gọi có từ thời Nguyễn), gồm 6 thôn (xưa là bản): Khoong, Mỵ, Chiềng, Na Nghịu, Lửa, Mỏ.
 

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây