Giới thiệu khái quát huyện Tiên Du

Giới thiệu khái quát huyện Tiên Du

Giới thiệu khái quát huyện Tiên Du

ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN

1. Điều kiện tự nhiên
1.1. Vị trí địa lý và ranh giới hành chính
          Tiên Du là huyện nằm ở phía Tây Nam tỉnh Bắc Ninh, cách trung tâm tỉnh 5km về phía Nam, cách thủ đô Hà Nội 25km về phía Bắc. Tọa độ địa lý của huyện nằm trong khoảng từ 20005’30’’ đến 21011’00’’ độ vĩ Bắc và từ 105058’15’’ đến 106006’30’’ độ kinh Đông. Diện tích tự nhiên của huyện khi chưa điều chỉnh địa giới là 10.838,94 ha, với 14 đơn vị hành chính gồm: 01 thị trấn (thị trấn Lim) và 13 xã (xã Liên Bão, xã Đại Đồng, xã Phật Tích, xã Hiên Vân, xã Lạc Vệ, xã Nội Duệ, xã Tri Phương, xã Hoàn Sơn, xã Tân Chi, xã Minh Đạo,  xã Cảnh Hưng, xã Việt Đoàn, xã Phú Lâm). Huyện Tiên Du có giáp ranh với các địa phương sau:
          – Phía Bắc giáp thành phố Bắc Ninh và huyện Yên Phong.
          – Phía Nam giáp huyện Thuận Thành.
          – Phía Đông giáp huyện Quế Võ.
          – Phía Tây giáp thị xã Từ Sơn.
          Sau khi có điều chỉnh theo địa giới hành chính mới theo Nghị định 60/2007/NĐ-CP tổng diện tích đất tự nhiên toàn huyện Tiên Du là: 9.568,65 ha, với 14 đơn vị hành chính (2 xã Khắc Niệm và Hạp Lĩnh chuyển về thành phố Bắc Ninh), gồm 01 thị trấn (thị trấn Lim) và 13 xã (xã Liên Bão, xã Đại Đồng, xã Phật Tích, xã Hiên Vân, xã Lạc Vệ, xã Nội Duệ, xã Tri Phương, xã Hoàn Sơn, xã Tân Chi, xã Minh Đạo, xã Cảnh Hưng, xã Việt Đoàn, xã Phú Lâm). Vị trí của huyện cơ bản vẫn giáp ranh với các huyện và thành phố lúc trước khi điều chỉnh địa giới.
          – Trên địa bàn huyện có 3 tuyến quốc lộ 1A, 1B, 38, tỉnh lộ 276, 295 và đường sắt chạy qua nối liền với thành phố Bắc Ninh, thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận, tạo cho huyện có thế mạnh trong việc giao lưu kinh tế, văn hóa và tiêu thụ sản phẩm.
          Tiên Du là một huyện đồng bằng, đất đai màu mỡ, hệ thống thủy lợi tương đối hoàn chỉnh thuận lợi cho việc phát triển thâm canh lúa chất lượng cao. Là huyện có truyền thống cách mạng và văn hóa lâu đời với nhiều di tích lịch sử văn hóa: như chùa Hồng Vân, chùa Bách Môn, chùa Phật Tích… Tiên Du còn là huyện có các làng nghề truyền thống như: Nghề xây dựng ở Nội Duệ, nghề dệt lụa ở thị trấn Lim, nghề làm giấy ở Phú Lâm…
          Với vị trí địa lý như vậy Tiên Du có đủ điều kiện để phát huy tiềm năng đất đai cũng như các nguồn lực khác, tạo điều kiện để phát triển kinh tế – xã hội, hòa nhập với nền kinh tế thị trường, phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp, thương mại – dịch vụ.
1.2. Địa hình, địa chất
1.2.1. Địa hình
          Do nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng nên địa hình Tiên Du tương đối bằng phẳng. Hầu hết diện tích trong huyện đều có độ dốc <30 (trừ một số đồi núi thấp như: đồi Lim, núi Vân Khám, núi Chè, núi Phật Tích, núi Bát Vạn, núi Đông Sơn… có độ cao từ 20-120m, chiếm diện tích nhỏ so với tổng diện tích đất tự nhiên). Địa hình vùng đồng bằng có xu thế nghiêng ra biển theo hướng Tây Bắc – Đông Nam. Độ cao trung bình 2,5 – 6,0m so với mặt nước biển.
          Nhìn chung địa hình của huyện thuận lợi cho phát triển mạng lưới giao thông, thủy lợi, xây dựng cơ sở hạ tầng, mở rộng mạng lưới khu dân cư, các khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và kiến thiết đồng ruộng tạo ra những vùng chuyên canh lúa chất lượng cao, phát triển rau màu và cây công nghiệp ngắn ngày.
1.2.2. Địa chất
          Đặc điểm địa chất huyện Tiên Du tương đối đồng nhất do nằm gọn trong vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng nên Tiên Du mang những nét đặc trưng của cấu trúc địa chất sụt trũng sông Hồng. Mặt khác, do nằm trong miền kiến tạo Đông Bắc nên có những nét mang tính chất của vùng Đông Bắc, bề dày trầm tích đệ tứ chịu ảnh hưởng rõ rệt của cấu trúc mỏng, càng xuống phía Nam cấu trúc địa chất càng dầy hơn phía Bắc.
1.3. Về khí hậu, thủy văn
          Tiên Du nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa: nóng ẩm, mưa nhiều, chịu ảnh hưởng trực tiếp của gió mùa. Thời tiết trong năm chia làm 2 mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, lượng mưa biến động thất thường qua các năm, lượng mưa/tháng từ 125,2mm (tháng 10) đến 283,3mm (tháng 8) và thường phân bố không đồng đều trong năm, vào mùa mưa lượng mưa chiếm khoảng 84,64% tổng lượng mưa cả năm.
          Hàng năm có 2 mùa gió chính: Gió mùa Đông Bắc và gió mùa Đông Nam, gió mùa Đông Bắc từ tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau, gió mùa Đông Nam từ tháng 4 đến tháng 9 mang theo hơi ẩm mưa rào.
          Số giờ nắng trung bình các tháng/năm khoảng 139,32 giờ, số giờ nắng tháng thấp nhất khoảng 46,9 giờ (tháng 2), số giờ nắng cao nhất khoảng 202,8 giờ (tháng 7). Tổng số giờ nắng trong năm khoảng 1.671,9 giờ. Nhiệt độ trung bình tháng dao động từ 23,40C – 29,90C, nhiệt độ phân bố theo mùa, mùa nắng nhiệt độ trung bình >230C, mùa lạnh nhiệt độ trung bình <200C.
          Độ ẩm không khí trung bình/năm khoảng 84%, trong đó tháng có độ ẩm không khí lớn nhất khoảng 88% (tháng 3), tháng có độ ẩm không khí thấp nhất khoảng 70% (tháng 12).
          Nhìn chung Tiên Du có điều kiện khí hậu thuận lợi thích hợp với nhiều loại cây trồng, cho phát triển nền nông nghiệp đa dạng và phong phú. Mùa đông có thể trồng nhiều cây hoa màu ngắn ngày có giá trị kinh tế cao. Tuy nhiên cũng cần phải chú ý đến các hiện tượng bất lợi như nắng, nóng, lạnh, khô hạn và lượng mưa phân bố không đều giữa các mùa… để có kế hoạch chỉ đạo sản xuất cho hợp lý. Yếu tố hạn chế nhất đối với sử dụng đất là do mưa lớn tập trung theo mùa thường làm ngập úng các khu vực thấp trũng gây khó khăn cho việc thâm canh tăng vụ và mở rộng diện tích.
A. Các nguồn tài nguyên:
I. Tài nguyên đất
          Theo kết quả điều tra xây dựng bản đồ đất tỷ lệ 1/25.000 toàn tỉnh, có bổ sung trên bản đồ tỷ lệ 1/10.000 của huyện và sau khi có sự điều chỉnh lại địa giới hành chính thì đất đai huyện Tiên Du bao gồm các loại đất chính được mô tả như sau:
1. Đất phù sa được bồi hàng năm của hệ thống sông Hồng (Phb)
          Có diện tích 330,46 ha chiếm 3,45% tổng diện tích đất tự nhiên, phân bố dọc theo sông Đuống, tập trung tại các xã Cảnh Hưng, Minh Đạo, Tân Chi. Đất được hình thành bởi phù sa của sông Đuống. Tính chất của đất phù sa là được bồi thường xuyên vào những mùa mưa lũ (tháng 7, tháng 8), thành phần cơ giới nhẹ, tầng đất khá dày, khả năng giữ nước, giữ chất dinh dưỡng thấp. Tuy nhiên, do được bồi đắp phù sa hàng năm nên đất vẫn có độ phì khá. Loại đất này thích hợp với việc trồng các loại hoa màu lương thực như: Lúa, ngô, khoai, mía, rau đậu các loại.
2.  Đất phù sa không được bồi của hệ thống sông Hồng (Ph)
          Có diện tích 609,63 ha, chiếm 6,37% tổng diện tích đất tự nhiên, phân bố ở các xã: Đại Đồng, Tri Phương, Minh Đạo, Tân Chi. Đất được hình thành ở địa hình cao hơn so với đất phù sa được bồi hàng năm, thành phần cơ giới từ thịt nhẹ đến thịt trung bình, ít chua, nghèo lân tổng số và lân dễ tiêu, kali tổng số và kali dễ tiêu khá cao, các chất dinh dưỡng khác trung bình. Đây là loại đất có khả năng thâm canh, tăng vụ mở rộng diện tích cây vụ đông.
3.  Đất phù sa gley của hệ thống sông Hồng (Phg)
          Diện tích 3.331,94 ha, chiếm 34,82% tổng diện tích đất tự nhiên. Loại đất này chiếm diện tích lớn nhất, phân bố hầu hết các xã trong huyện, tập trung thành những cánh đồng lớn. Đất được hình thành ở địa hình vàn, vàn thấp trong điều kiện ngập nước, gley yếu đến trung bình. Đất có thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nặng, đất chua, hàm lượng mùn và đạm khá, lân dễ tiêu nghèo. Đây là loại đất đang trồng 2 vụ lúa có năng suất cao, ổn định, cần có biện pháp cải tạo mở rộng diện tích cây vụ đông.
4.  Đất phù sa gley của hệ thống sông Hồng (Phf)
          Diện tích 686,54 ha chiếm 7,17% tổng diện tích đất tự nhiên, phân bố ở các xã: Hoàn Sơn, Liên Bão, Phú Lâm, Việt Đoàn, Lạc Vệ. Đất thường hình thành ở địa hình cao hơn các loại phù sa khác. Do các chất kiềm và kiềm thổ bị rửa trôi, sắt nhôm tích tụ tạo nên các tầng loang lổ đỏ vàng. Đất có thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nhẹ, phản ứng đất chua vừa. Có thể thâm canh tăng vụ trên loại đất này nếu được tưới tiêu chủ động.
5.  Đất phù sa gley của hệ thống sông Thái Bình (Pg)
          Diện tích 762,07 ha chiếm 7,96% tổng diện tích đất tự nhiên, được phân bố tập trung chủ yếu ở xã Phú Lâm. Giống như đất phù sa gley của hệ thống sông Hồng, loại đất này thường ở địa hình thấp. Hiện tại trên loại đất này đang trồng lúa nước 2 vụ ổn định, muốn tăng năng suất cần phải tăng cường bón vôi, lân để cải tạo đất.
6.  Đất phù sa có tầng loang lổ của hệ thống sông Thái Bình (Pf)
          Diện tích 321,61 ha chiếm 3,36% tổng diện tích đất tự nhiên, phân bố tập trung chủ yếu ở xã Phú Lâm. Giống như đất phù sa có tầng loang lổ đỏ vàng của hệ thống sông hồng (Phf), loại đất này thường ở địa hình cao, nhưng quá trình tích tụ sắt nhôm mạnh hơn nên đất có phản ứng chua hơn. Nếu được tưới tiêu chủ động có thể thâm canh tăng vụ trên loại đất này.
7.  Đất phù sa úng nước (Pj)
          Diện tích 354,02 ha chiếm 3,70% tổng diện tích đất tự nhiên, phân bố ở các xã: Phú Lâm, Phật Tích, Nội Duệ. Loại đất này ở địa hình thấp nhất (trũng) thường bị úng nước sau khi mưa. Vì vậy cần phải củng cố hệ thống tiêu nước để trồng ổn định 2 vụ lúa. Những nơi khó tiêu nước nên chuyển sang 1 vụ lúa + 1 vụ cá.
8.  Đất xám bạc màu trên phù sa cổ (B)
          Diện tích 572,40 ha chiếm 5,98% tổng diện tích đất tự nhiên, phân bố chủ yếu ở xã Hoàn Sơn. Đặc điểm chính của loại đất này (đặc biệt ở lớp mặt) là thành phần cơ giới thô, nghèo sét, màu sắc lớp đất mặt thường có màu xám – trắng. Quá trình rửa trôi theo chiều sâu là nguyên nhân chính tạo nên tầng tích tụ sét. Loại đất này có một số ưu điểm như: khả năng thoát nước nhanh, dễ làm đất, thích hợp với nhiều cây có củ và cây ưa cơ giới nhẹ, có độ phì nhiêu thấp, cần có biện pháp cải tạo nâng cao độ phì nhiêu cho đất, đặc biệt là bón phân chuồng để cải tạo kết cấu đất.
9. Đất vàng nhạt trên đá cát (Fp)
          Diện tích 287,09 ha chiếm 3% tổng diện tích đất tự nhiên, phân bố ở các xã: Hoàn Sơn, Phật Tích, Hiên Vân và Thị trấn Lim. Đây là loại đất được hình thành tại chỗ trên những đồi núi độc lập giữa đồng bằng, đất thường có thành phần cơ giới nhẹ, tầng mỏng, lẫn nhiều đá, phản ứng chua. Nên trồng rừng phủ xanh những nơi còn trống trọc để cải thiện môi trường đất.
10.  Đất thung lũng do sản phẩm dốc tụ (D)
          Diện tích 126,18 ha chiếm 1,32% tổng diện tích đất tự nhiên. Khác với loại đất xám bạc màu trên phù sa cổ, đất dốc thường được bồi tụ các sản phẩm từ trên xuống, lớp đất mặt thường có màu xám thẫm, thành phần cơ giới nặng. Tuy nhiên, do quá trình canh tác lúa nước lâu đời, tình trạng ngập nước thường xuyên dẫn tới môi trường bị yếm khí, hình thành tầng đất có màu xám xanh (gley). Để đạt năng suất cao cần cải tạo đất bằng cách cày ải để cải tạo môi trường đất.
          * Đánh giá chung về tài nguyên đất
          + Về lý tính: Đa phần đất có thành phần cơ giới từ thịt trung bình đến thịt nhẹ, có kết cấu viên hạt dung tích hấp thụ cao. Đất có ưu thế trong thâm canh lúa và trồng các loại cây công nghiệp ngắn ngày (đất tơi xốp, làm đất dễ, đất thoát nước tốt).
          + Về hóa tính: Tỷ lệ mùn ở mức trung bình đến khá, đạm tổng số từ khá đến giàu, lân tổng số và lân dễ tiêu nghèo, kali từ nghèo đến trung bình. Độc tố trong đất hầu như chỉ có ở đất gley bao gồm các dạng khí CH4, H2s…
B. Các loại tài nguyên khác
I.  Tài nguyên nước
1. Nguồn nước mặt
          Tiên Du có nguồn nước mặt tương đối dồi dào bao gồm sông Đuống, ngòi Tào Khê, kênh Nam, kênh Trịnh Xá (kênh Nam là kênh tưới chính, kênh Trịnh Xá là Kênh tiêu chính). Sông Đuống cung cấp nguồn nước mặt chủ yếu, đoạn sông Đuống chảy qua phía Nam huyện Tiên Du từ xã Tri Phương đến xã Tân Chi sau đó chảy sang huyện Gia Bình, dài khoảng 10km. Sông Đuống nối liền sông Thái Bình và sông Hồng, có tổng trữ lượng nước khoảng 36,1 tỉ m3 (gấp 3 lần tổng lượng nước của sông Cầu, sông Thương và sông Lục Nam). Mức nước cao nhất tại bến Hồ là 9,64m chênh từ 4 – 5m so với mặt ruộng; mức thấp nhất tại bến Hồ là 0,19m thấp hơn so với mặt ruộng từ 3 – 4m. Sông Đuống có hàm lượng phù sa nhiều, vào mùa mưa trung bình cứ 1m3 nước có khoảng 2,8kg phù sa. Lượng phù sa khá lớn này đã đóng góp vai trò quan trọng trong quá trình hình thành đồng bằng phù sa màu mỡ ven sông của huyện.
          Hệ thống sông ngòi, kênh mương cùng với số lượng ao hồ hiện có tạo điều kiện thuận lợi cung cấp nước ngọt quanh năm cho sản xuất, sinh hoạt cũng như cải tạo đất.
2. Nguồn nước ngầm
          Nguồn nước ngầm tuy chưa được khảo sát tính toán cụ thể nhưng qua thực tế sử dụng của người dân trong huyện cho thấy mực nước ngầm có độ sâu trung bình từ 3 – 7m, chất lượng nước tốt, có thể khai thác phục vụ sinh hoạt và tưới cho các cây trồng tại các vườn gia đình trong mùa khô, góp phần tăng sản phẩm và thu nhập cho nông dân.
II. Tài nguyên khoáng sản
          Tiên Du là một huyện nghèo về khoáng sản, chủ yếu chỉ có đất sét làm gạch được phân bố ở 2 xã Đại Đồng và Tân Chi. Ngoài ra còn có cát tại các xã ven sông với khối lượng ít nhưng vẫn có thể khai thác để phục vụ cho xây dựng.
III. Tài nguyên nhân văn
          Huyện Tiên Du là địa bàn cư trú lâu đời của cộng đồng người Việt, là huyện có bản sắc văn hóa đa dạng, với nhiều lễ hội văn hóa khác nhau, đặc biệt vào ngày 13/01 âm lịch hàng năm lễ Hội Lim được tổ chức trên đồi Lim thuộc thị trấn Lim thu hút rất nhiều du khách thập phương về tham quan. Với tài nguyên nhân văn như trên trong quy hoạch sử dụng đất đai cần chú ý quan tâm đến tập quán, quan hệ làng xóm để bố trí đất ở, đất xây dựng các công trình công cộng sao cho phù hợp, đồng thời cũng phải dành đất cho việc nâng cấp, mở rộng các công trình văn hóa trên địa bàn huyện nhằm khai thác triệt để tiềm năng này góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của huyện. Hiện nay trên địa bàn huyện có 47 di tích lịch sử văn hóa được xếp hạng; 6 nhà văn hóa cấp xã, thị trấn; 65/79 thôn làng có nhà văn hóa; 62 cơ quan được công nhận đạt danh hiệu công sở văn hóa. Ngoài ra trong huyện còn có một số làng nghề truyền thống lâu đời đến nay vẫn giữ vững và từng bước được mở rộng như: xây dựng ở Nội Duệ, sản xuất giấy ở Phú Lâm, chế biến lâm sản ở thị trấn Lim.
IV.  Cảnh quan môi trường
          Cảnh quan môi trường huyện Tiên Du mang những đặc điểm chung của vùng đồng bằng Bắc Bộ với các cánh đồng, hệ thống kênh mương, ao hồ dày đặc. Chính điều đó đã tạo nên một cảnh quan vừa trù phú vừa thơ mộng.
          Do nhu cầu bức xúc đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế nhất là trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập ngày càng tăng sẽ phát sinh thêm nhiều thách thức trong việc bảo vệ môi trường. Hơn nữa trong vài năm gần đây lượng khí thải do các cơ sở sản xuất, các phương tiện giao thông thải ra chứa nhiều độc hại đều xả trực tiếp vào môi trường đã gây ảnh hưởng xấu đến sản xuất nông nghiệp và nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.
          Cùng với tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, qúa trình đô thị hóa trên địa bàn huyện đang diễn ra mạnh, trong thời gian tới nếu không có giải pháp cụ thể và lâu dài sẽ gây ra hậu quả xấu đối với môi trường. Luồng di dân của huyện hiện nay đang hướng vào các khu đô thị mới hình thành và sẽ tiếp tục được đẩy nhanh trong nhiều năm tới khi nhiều thị tứ, thị trấn được quy hoạch. Tình hình này sẽ tạo ra một áp lực lớn đối với vấn đề quản lý giao thông đô thị, quản lý rác thải, cung cấp nước sạch, hệ thống thoát nước và các công trình công cộng khác. Bên cạnh đó mức độ sử dụng hóa chất, phân bón, thuốc trừ sâu… trong sản xuất nông nghiệp vẫn đang có chiều hướng gia tăng gây ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sinh thái và sức khỏe con người.
        
         * Đánh giá chung về điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên
          Từ những nghiên cứu chung về điều kiện tự nhiên tài nguyên thiên nhiên trong phương án điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất huyện Tiên Du có những thuận lợi và khó khăn sau:
          * Thuận lợi:
          + Huyện nằm cách trung tâm tỉnh 5km về phía Nam đặc biệt là cách thủ đô Hà Nội 25km về phía Bắc, giao thông khá thuận lợi để phát triển kinh tế – xã hội.
          + Địa hình tương đối bằng phẳng, khí hậu ôn hòa, nguồn nước phong phú, độ ẩm tương đối cao cho phép phát triển đa dạng hệ thống cây trồng đặc biệt là có thể bố trí gieo trồng nhiều vụ trong năm.
          + Với hệ thống sông ngòi, kênh mương nội đồng, ao hồ và nguồn nước ngầm phong phú đảm bảo cung cấp đủ nước cho sản xuất và sinh hoạt của nhân dân.
* Hạn chế:
          + Lượng mưa phân bố không đều giữa các mùa trong năm làm úng ngập, hạn hán cục bộ vẫn còn xảy ra ở một số vùng đã gây khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, ảnh hưởng đến năng suất cây trồng cũng như hiệu quả lao động đặc biệt là trong việc đảm bảo sản phẩm nông nghiệp.
          + Trong huyện còn có một số vùng trũng thấp ven đê đất bị glây hóa, bị ngập úng thường xuyên nên việc thâm canh tăng vụ gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó do qúa trình canh tác thiếu khoa học dẫn đến đất bị bạc màu, khó canh tác, phần lớn diện tích đất chua, nghèo lân và kali, môi trường đất yếm khí… đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất nông nghiệp.

QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

uyện Tiên Du tỉnh Bắc Ninh, một vùng quê giàu truyền thống văn hiến và cách mạng. Trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và bảo vệ tổ quốc, cùng với cả nước Đảng bộ và nhân dân huyện Tiên Du đã có nhiều đóng góp về sức người, sức của bảo vệ nền độc lập, tự do của tổ quốc hạnh phúc cho nhân dân. Ghi nhận sự đóng góp to lớn ấy Đảng bộ và nhân dân huyện Tiên Du đã được Đảng và nhà nước tuyên dương danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quý khác. Truyền thống cách mạng hào hùng đó đang được Đảng bộ và nhân dân huyện Tiên Du phát huy mạnh mẽ, chủ động hội nhập vươn lên trong công cuộc đổi mới hôm nay.

Dưới ánh sáng Nghị quyết của Đảng, sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ – UBND tỉnh, Đảng bộ và nhân dân huyện Tiên Du đang chung sức chung lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, phát triển. Nắm bắt thời cơ, nhìn rõ những thách thức trong công cuộc đổi mới do Đảng khởi sướng và lãnh đạo. Trong 15 năm qua, vượt qua những khó khăn, thác thức và giành được nhiều kết quả nổi bật trên tất cả các mặt  nông – công – thương – tín, các mục tiêu chủ yếu của từng giai đoạn đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Nằm kề cửa ngõ thủ đô Hà Nội, thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, huyện Tiên Du có hơn 31 nghìn hộ, gần 130 nghìn khẩu, với diện tích canh gần 5.000ha; trong đó có trên 4.000ha canh tác lúa. Để nâng cao đời sống nhân dân, trong những năm gần đây Đảng bộ huyện Tiên Du đã lãnh đạo tập trung chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ và xây dựng, giảm dần tỷ trọng nông – lâm nghiệp. Về nông nghiệp, huyện Tiên Du sản xuất theo phương thức sản xuất hàng hoá, đưa các giống lúa lai, lúa hàng hoá có năng suất và giá trị kinh tế cao vào sản xuất như: Syn6, CNR 36, Q.ưu số 1, BIO 404, nếp 9603…Huyện đã phân vùng quy hoạch, thâm canh các giống lúa, trà lúa theo vùng chuyên canh, hỗ trợ nông dân giống, vật tư, hướng dẫn nông dân kỹ thuật thâm canh lúa, tạo mọi điều kiện thuận lợi để nông dân ứng dụng những tiến bộ – khoa học kỹ thuật vào sản xuất đưa năng xuất lúa năm 2011, đạt 65,94tạ/ha cao nhất từ trước đến nay, tăng 25,34 tạ/ha so với năm 1997.

Đặc biệt năm 2011, UBND huyện đã chỉ đạo mở rộng diện tích lúa lai lên đến 3.209,7ha, chiếm 38,1% diện tích và lúa hàng hoá 2.376 ha, chiếm 28,2%. Mặc dù đất nông nghiệp giảm dần chỉ còn 4.862 ha năm 2011 do quá trình công nghiệp hoá – hiện đại hoá nông nghiệp nông thôn. Tổng sản phẩm nông nghiệp năm 2011 đạt 301 tỷ đồng, tăng 195,5% so với năm 1997, giá trị sản xuất 1ha canh tác đạt trên 80 triệu đồng, tăng 53 triệu đồng so với năm 1997, sản lượng lương thực đạt gần 50 nghìn tấn đã đáp ứng được nhu cầu sản xuất và đời sống của nhân dân trong huyện.

Cùng với cây lúa, các cây mầu có giá trị kinh tế cao như: đậu tương, lạc, ngô, rau xanh các loại cũng được quy hoạch sản xuất theo vùng chuyên canh, tạo ra những sản phảm hàng hoá có giá trị thu nhập kinh tế cao cho mỗi gia đình nông dân. Song song với trồng trọt, chăn nuôi của huyện cũng phát triển mạnh theo hướng công nghiệp, huyện đã chuyển đổi hơn 370ha đồng trũng cấy lúa kém hiệu quả sang phát triển kinh tế trang trại. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được hơn 160 trang trại theo mô hình VAC tập trung ở các xã Phú Lâm, Lạc Vệ, Tân Chi, Liên Bão, Hiên Vân…Bên cạnh đó, huyện cũng đã quy hoạch và phát triển mô hình chăn nuôi công nghiệp ở xa khu dân cư tại xã Cảnh Hưng, Tân Chi và Lạc Vệ với hơn 30ha; duy trì và phát triển các hình thức chăn nuôi phù hợp với thế mạnh của từng địa phương như: Nuôi bò sữa, bò lai sin ở Cảnh Hưng, Tri Phương; lợn hướng lạc ở Tân Chi, Hiên Vân, Cảnh Hưng…ngày càng tăng nhanh. Đàn gia cầm gà, ngan, vịt phát triển mạnh, đến nay toàn huyện có gần 500 nghìn con gia cầm các loại, sản lượng thịt lợn hơi, gia súc, gia cầm xuất chuồng của huyện đạt 10.200 tấn, tăng 2,07% so với năm 1997 và sản lượng thuỷ sản đạt 1.705 tấn tăng gần gấp 2 lần so với năm 1997. Nhiều gia đình đã mạnh dạn đầu tư hàng trăm triệu đồng để mua con giống, cải tạo ao hồ, trồng cây nuôi thả cá, mỗi năm đem lại nguồn thu hàng trăm triệu đồng tiền lãi.

Khai thác thế mạnh của vùng đất núi đồi, những năm gần đây phong trào trồng cây, phủ xanh đất trống đồi núi trọc theo dự án 327, 661 được huyện coi trọng. Đến nay các xã trong huyện đều thực hiện tốt công tác trồng, chăm sóc bảo vệ gần 200ha rừng đặc dụng, rừng phòng hộ tập trung ở các xã Việt Đoàn, Phật Tích, Hiên Vân, Liên Bão, Hoàn Sơn…

Điển hình trong phong trào xây dựng nông thôn mới hôm nay phải kế đến xã Tân Chi, đơn vị được tỉnh, huyện chọn làm điểm về xây dựng nông thôn mới năm 2011. Là địa phương có lợi thế cả về giao thông, địa lý, vị trí tạo điều kiện cho kinh tế – xã hội của địa phương ngày một phát triển. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, những năm gần đây Tân Chi đã đẩy mạnh làm thuỷ lợi nội đồng, hoàn chỉnh các hệ thống kênh mương, tạo vùng sản xuất thâm canh, chuyên canh cho từng khu đồng, xứ đồng. Những năm qua, thực hiện chủ trương của Huyện uỷ Tiên Du, Tân Chi đã chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn theo công nghiệp hoá, hiện đại hoá; tổ chức quy hoạch đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi trên địa bàn như: Trường học, trạm y tế, đường giao thông nông thôn, nhà văn hoá…ngày càng khang trang. Chuyển đổi 11 ha đồng trũng ven đê Sông Đuống thuộc các thôn Văn Trung, Tư Chi, Chi Hồ, Chi Trung để phát triển kinh tế trang trại. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư phát triển nghề mới như: Mây tre đan, kinh doanh dịch vụ và giải quyết việc làm thường xuyên cho 30 lao động tại địa phương.

Thực hiện phương châm “Ly nông, không ly hương”, hiện nay Tân Chi đang là điểm sáng về thu hút các nhà đầu tư vào sản xuất công nghiệp trên địa bàn. Khu công nghiệp Tân Chi hiện có 3 doanh nghiệp đang hoạt động, nhiều doanh nghiệp đang đầu tư, xây dựng, thu hút gần 1.000 lao động phần lớn là con em địa phương với mức thu nhập bình quân từ 2 đến 3,5 triệu đồng/1 người/tháng.

Trên lĩnh vực sản xuất công nghiệp – xây dựng cơ bản của huyện trong 15 năm qua sôi động như một công trường lớn. Nhiều khu công nghiệp tập trung, cụm công nghiệp làng nghề, đa nghề được hình thành phát triển càng tạo cho bộ mặt quê hương thêm khởi sắc. Đó là các khu công nghiệp Tiên Sơn, khu công nghiệp Đại Đồng – Hoàn Sơn và các cụm công nghiệp làng nghề Giấy Phú Lâm, rồi cụm công nghiệp đa nghề Lạc Vệ, Tân Chi…

Các nhà máy mọc lên và đi vào hoạt động đã làm thay đổi diện mạo của vùng quê Tiên Du hôm nay trong giai đoạn công nghiệp hoá – đô thị hoá, lôi cuốn con người vốn cần cù chịu thương, chịu khó nay càng năng động hơn, nhanh nhạy hơn trong cuộc sống hội nhập. Trong những năm qua, dưới sự chỉ đạo của tỉnh, huyện đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan của tỉnh tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp của các nhà đầu tư trong và ngoài nước về đây lập nghiệp. Khu công nghiệm Tiên Sơn với hơn 300ha, khu công nghiệp Đại Đồng – Hoàn Sơn với 280ha thu hút gần 200 dự án vào đầu tư với tổng số vốn trên 3.650 tỷ đồng và hơn 250 triệu USD (đô la Mỹ); trong đó có 177 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm ổn định cho gần 20.000 lao động, có mức thu nhập bình quân từ 2 đến 5 triệu đồng/người/tháng.

Cùng với các khu công nghiệp tập trung, khu công nghiệp đa nghề, các ngành nghề thủ công truyền thống trên địa bàn huyện được khôi phục và phát triển. Tại xã Nội Duệ nghề Dệt lụa đã được khôi phục và duy trì phát triển mạnh. Hiện toàn xã đã thành lập 5 doanh nghiệp chuyên kinh doanh lụa tơ tằm xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Lào, Campuchia….và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động nhàn rỗi, hàng năm giá trị tiểu thủ công nghiệp từ nghề dệt lụa của xã đạt gần 20 tỷ đồng. Ngoài ra các nghề truyền thống như: Nề, mộc, mây tre đan, bép than tổ ong…phát triển mạnh tập trung ở các xã: Lạc Vệ, Liên Bão, Hoàn Sơn, Đại Đồng, Tri Phương, đã tạo lên đa dạng phong phú các ngành nghề trong mỗi gia đình ở các làng quê trong huyện. Góp phần nâng cao thu nhập đời sống trong mỗi gia đình ở nông thôn Tiên Du hôm nay. Điển hình ở các làng nghề truyền thống này là xã Lạc Vệ, những năm gần đây trong điều kiện sản xuất kinh doanh trên thị trường trong nước, thế giới có nhiều khó khăn trong việc tiêu thụ. Vậy mà xã Lạc Vệ vẫn duy trì và phát triển ngành nghề mây tre đan, những sản phẩm như: đĩa, dỏ, túi…có mặt trên khắc thị trường trong nước và xuất khẩu ra cả nước ngoài được bạn bè quốc tế ưu chuộng.

Đi liền với phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, giao thông- xây dựng ngày càng phát triển là tiền đề, đồng thời cũng là thìa khoá để mở cánh cổng giao thương, hội nhập xây dựng phát triển kinh tế trên địa bàn. Thực hiện phương châm “nhà nước và nhân dân cùng làm”, cùng với mạng lưới giao thông quốc lộ, tỉnh lộ. 15 năm qua, huyện Tiên Du đã khởi công xây dựng nhiều công trình, hạng mục do tỉnh và huyện làm chủ đầu tư với tổng kinh phí trên 300 tỷ đồng; trong đó công trình trọng điểm như: đường Đại Đồng – Cống Bựu; đường vòng Núi Lim; đường khu di tích Chùa Phật Tích , đường Nội Duệ – Tri Phương…Ngoài ra, cùng với tỉnh xây dựng mới tỉnh lộ 287, nút giao giữa QL1A với đường 276 tạo điều kiện cho nhân dân đi lại thuận tiện. Đến nay hầu hết đường làng, nối xóm trên địa bàn huyện được nhựa hoá, bê tông hoá.

Các tuyến đê trên địa bàn huyện như: đê Tả Đuống, đê Bối Cảnh Hưng, đê Ngũ huyện Khê được tu bổ nâng cấp, đảm bảo an toàn phục vụ hiệu quả công tác phòng chống lụt bão. Từ năm 1997 đến nay, các xã, thị trấn đã đầu tư trên 52 tỷ đồng xây dựng 49 công trình, hạng mục công trình phục vụ sự nghiệp giáo dục – đào tạo, gần 16 tỷ đồng xây dựng 13 công trình, hạng mục công trình trụ sở làm việc, nhà văn hoá thôn, xóm; trên 23 tỷ đồng xây dựng 29 công trình, hạng mục công trình khác. Huyện cũng đã quy hoạch xong trung tâm và mạng lưới điểm khu dân cư nông thôn tại 14/14 xã, thị trấn tạo thuận lợi cho công tác đầu tư xây dựng trên địa bàn. Hướng đến một nền kinh tế công nghiệp hoá – hiện đại hoá, mạng lưới điện trên địa bàn huyện 15 năm qua được chú trọng, cải tạo, nâng cấp đầu tư xây dựng trạm biến áp, đường dây trung, hạ thế đáp ứng yêu cầu cấp điện ổn định phục vụ cho sản xuất và đời sống của nhân dân. Sản lượng điện tiêu thụ trên địa bàn huyện tăng nhanh từ 20.400 MWh năm 1997 tăng lên 250.000MWh năm 2011.

Trong cơ chế thị trường thời hội nhập kinh tế, quốc tế, những năm qua huyện Tiên Du tiếp tục coi trọng phát triển mạnh thương mại dịch vụ. Tổng mức luân chuyển hàng hoá đến năm 2011 ước đạt 1.959 tỷ đồng, tăng 14,5 lần so với năm 1997. Công tác quản lý thị trường chống buôn lậu, làm hàng giả và kinh doanh trái phép được huyện quan tâm chỉ đạo. Điều đáng nói là trong 3 năm qua, huyện đã tập trung quy hoạch Trung tâm thương mại dịch vụ thu hút các nhà đầu tu xây dựng chợ đầu mối tại Trung Tâm Thị Trấn Lim với quy mô hiện đại đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế thương mại trong thời kỳ hội nhập và phát triển.

Trong giai đoạn đẩy nhanh hội nhập quốc tế hiện nay, hệ thống viễn thông trên địa bàn huyện được đầu tư hiện đại hoá, không ngừng mở rộng nhằm cung cấp các dịch vụ viễn thông, nâng cao chất lượng đảm bảo thông tin, liên lạc thông suốt phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và nhiệm vụ chính trị của địa phương. Tính đến năm 2011, bình quân toàn huyện có 33.088 thuê bao điện thoại, tăng 15,3 lần so với năm 1997, đạt 27 thuê bao/100 dân, không kể điện thoại thuê bao trả trước.

Cùng với thương mại, phát triển du lịch trong những năm qua được huyện quan tâm. Các trung tâm dịch vụ văn hoá lễ hội, văn hoá tâm linh, văn hoá lịch sử cách mạng như: Chùa Lim, Chùa Phật Tích, Lăng Nguyễn Đình Diễn, Đình Tam Tảo…được trùng tu, tôn tạo nâng cấp với nhiều tỷ đồng đảm bảo khang trang đẹp mắt. Đáp ứng nhu cầu thăm quan du lịch của du khách trong và ngoài nước. Những năm gần đây lễ hội Lim, Lễ hội Hoa Mẫu Đơn – Chùa Phật Tích, hội làng Tam Tảo xã Phú Lâm đang là điểm hẹn của du khách thập phương. Hàng năm đã thu hút hàng chục vạn lượt khách trong và ngoài nước về đây thăm quan, nghiên cứu tìm hiểu, chiêm ngưỡng vùng đất Tiên quan họ đằm thắm chữ tình.

Hoạt động hệ thống tín dụng ngân hàng có nhiều chuyển biến tích cực, các chi nhánh ngân hàng Nông nghiệp & PTNT, Ngân hàng chính sách xã hội, các ngân hàng thương mại hoạt động đa dạng phong phú có mặt ở các xã, thị trấn, tiền tệ tín dụng đáp ứng nhu cầu phát triển nền kinh tế xã hội của huyện. Đến nay tổng dư nợ của Ngân hàng Nông nghiệp & PTNT đạt 309,6 tỷ đồng, dư nợ bình quân hàng năm tăng 21,27%; Ngân hàng chính sách xã hội tổng dư nợ 110,6 tỷ đồng. Hoạt động của kho bạc nhà nước, kiểm soát chặt chẽ các khoản thu chi theo luật Ngân sách. Nguồn thu ngân sách của huyện ngày càng tăng, mức tăng trưởng bình quân hàng năm tăng 35,75%. Năm 2011 thu ngân sách trên địa bàn huyện là 322,78 tỷ đồng, vượt 34,1 lần so với năm 1997. Chi ngân sách tăng bình quân hàng năm 16,5%. Công tác quản lý điều hành chi ngân sách công khai, đúng luật phục vụ tốt nhu cầu đầu tư phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương.

Khi nền kinh tế của huyện phát triển tạo tiền đề cho việc đầu tư, nâng cao nhu cầu hưởng thụ phúc lợi xã hội, phát triển văn hoá giáo dục y tế đáp ứng nhu cầu học tập, vui chơi giải trí, văn hoá thể thao, du lịch cũng như chăm sóc bảo vệ sức khoẻ cho nhân dân ngày một tốt hơn.

Chăm lo cho giáo dục là chăm lo cho sự nghiệp phát triển con người. 15 năm qua, sự nghiệp giáo dục của huyện phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng. Tỷ lệ trẻ trong độ tuổi đến nhà trẻ tăng nhanh, số học sinh các bậc học ổn định, chất lượng chuyển biến tích cực ở cả 4 cấp học Mầm Non, Tiểu học, THCS và THPT, tỷ lệ tốt nghiệp THCS và THPT bình quân đạt trên 95%. Giáo dục mũi nhọn được đầu tư nên đã đạt hiệu quả thiết thực, thi học sinh giỏi bậc tiểu học và THCS đứng thứ 3 tỉnh. Trường THCS Tiên Du là nơi đào tạo bồi dưỡng học sinh đi thi các kỳ thi học sinh giỏi của tỉnh, trường THPT Nguyễn Đăng Đạo, trường THPT Tiên Du số 1 mấy năm liền đây tỷ lệ học sinh thi đỗ vào các trường Đại học thuộc tốt đầu của tỉnh. Hàng năm học sinh đỗ vào các trường Đại học, cao đẳng đạt 35% đến 40%. Phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi vững chắc, phổ cập trung học cơ sở đạt kết quả cao, phổ cập THPT đang được triển khai tích cực. Cơ sở vật chất trang thiết bị trường học được đầu tư theo hướng kiên cố hoá, chuẩn hoá và hiện đại hoá. Đến nay tỷ lệ trường học, phòng học kiên cố hoá đạt 89,5%, 41 trường đạt chuẩn quốc gia. Chất lượng đội ngũ giáo viên có bước tiến đáng kể, tỷ lệ giáo viên đạt trên chuẩn cao, bậc mầm non chiếm 68,2%, bậc tiểu học chiếm 78,3%, bậc THCS chiếm 63,7% và THPT chiếm 11,5%. Sự nghiệp giáo dục huyện Tiên Du được đánh giá là một trong những đơn vị nằm trong tốp đầu về chất lượng của ngành giáo dục tỉnh nhà.

Đi liền với sự nghiệp giáo dục đào tạo công tác văn hoá, thông tin cũng được huyện đặc biệt quan tâm. Đến nay, 67 làng trong huyện đều có nhà văn hoá, hệ thống truyền thanh thư viện, tủ sách pháp luật. Việc cưới, việc tang, tân gia, lễ hội được thực hiện theo nếp sống mới. 44/68 làng được công nhận làng văn hoá, tăng 7 làng so với năm 1997, trên 95% số hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá. Sự nghiệp y tế phát triển 14/14 trạm y tế xã, thị trấn trong huyện đều đạt chuẩn y tế quốc gia, các trạm y tế này được xây dựng khang trang, có trang thiết bị y tế, y cụ thuốc men đầy đủ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh và nhu cầu chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân. Công tác dân số gia đình và trẻ em được huyện quan tâm, hàng năm xây dựng kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, gắn liền với kế hoạch phát triển dân số, đưa cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch, kế hoạch hoá gia đình là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu góp phần hạ tỷ lệ phát triển dân số của huyện xuống 0,12%. Các chương trình mục tiêu y tế quốc gia được thực hiện đồng bộ và nghiêm túc, trong đó chương trình tiêm chủng mở rộng, phòng 6 bệnh nguy hiểm ở trẻ em, uống vitamimA cho trẻ em và phụ nữ có thai, tiêm phòng uốn ván được thực hiện tốt. Tỷ lệ suy sinh dưỡng ở trẻ em dưới 5 tuổi giảm xuống còn 12,6% năm 2011. Bệnh viện đa khoa huyện được nâng cấp, đầu tư trang thiết bị kỹ thuật, y cụ hiện đại, đội ngũ y bác sỹ tăng cả về số và chất lượng được đào tạo và đào tạo lại có phẩm chất y đức tốt, trình độ chuyên môn giỏi đảm đương khám chữa nhiều ca bệnh hiểm nghèo đem lại niềm tin cho người bệnh. Các trạm y tế xã, thị trấn đều có đủ bác sỹ có đủ trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ có phẩm chất y đức tốt phục vụ tốt sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ ban đầu cho nhân dân.

Trong thời đại bùng nổ thông tin như hiện nay, công tác văn hoá thông tin, truyền thông ngày càng được coi trọng. Những năm qua, hệ thống phát thanh, truyền thanh từ huyện đến cơ sở đã không ngững đầu tư, phát triển nâng cấp cả về số lượng và chất lượng, đảm bảo người dân nghe được đài 4 cấp. Mạng lưới phát thanh, truyền thanh được thông suốt từ huyện đến cơ sở, toàn huyện có 14 đài truyền thanh cấp xã, thị trấn và 68 đài truyền thanh thôn, xóm đã góp phần nâng cao nhận thức thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới nhân dân.

Các chế độ chính sách xã hội, giải quyết việc làm được huyện quan tâm. Trong 15 năm huyện đã giải quyết chế độ cho gần 10 nghìn người có công, gia đình chính sách và hộ nghèo…đảm bảo đúng chế độ. Toàn huyện đã vận động ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa được hơn 700 triệu đồng, xây dựng được hàng chục ngôi nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách để các gia đình yên tâm trong cuộc sống, càng tin tưởng vào chính sách của nhà nước. Cùng với đó, trong 15 năm huyện đã giải quyết việc làm cho 14.878 lao động, xuất khẩu 2.629 lao động; mở 40 lớp dạy nghề cho 1.202 lao động tạo điều kiện cho lao động nông thôn có việc làm và thu nhập ổn định góp phần hạ tỷ lệ hộ nghèo của huyện đến nay giảm xuống còn 4,46% theo tiêu chí mới.

Công tác quốc phòng, an ninh được các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong huyện quan tâm. Lực lượng quân sự huyện được xây dựng, huấn luyện vững mạnh toàn diện, hàng năm huyện hoàn thành 100% chỉ tiêu giao quân nhập ngũ, khu vực phòng thủ huyện được củng cố xây dựng vững chắc, khả năng sẵn sàng chiến đấu trong mọi tình huống bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng trên quê hương. Công tác an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững, thực hiện tốt nghị quyết 09/CP về chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm ma tuý, mại dâm trên địa bàn; đẩy mạnh phong trào quần chúng bảo vệ, an ninh tổ quốc; tập trung lực lượng đấu tranh phòng chống các loại tội phạm hình sự, trấn áp và xử lý kiên quyết các tụ điểm cờ bạc, ma tuý, mại dâm…bảo vệ an ninh, chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn huyện được giữ vững.

Trong công cuộc đổi mới hôm nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện đời sống của người dân Tiên Du đã đổi thay toàn diện. Đến nay số hộ khá giả trên địa bàn huyện chiếm hơn 40%, số hộ nghèo của toàn huyện chỉ còn 4,46%; 100% số hộ xây nhà gạch, trên 70% số hộ xây nhà kiên cố, cao tầng. Hầu hết các gia đình đều có máy thu hình, ở các vùng nông thôn xa khu trung tâm có khó khăn được nhà nước ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình nước sạch, càng làm cho đời sống, vật chất, tinh thần của nhân dân ngày càng đổi thay. Nhân dân càng phấn khởi tin tưởng vào đường lối, chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước gia sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh./.

 DANH SÁCH CÁC DI TÍCH LỊCH SỬ ĐƯỢC XẾP HẠNG

TT Tên di tích Địa điểm DT đã xếp hạng Số quyết định Ngày, tháng năm
Cấp TW Cấp tỉnh
I Xã Cảnh Hưng
1 1.Đình làng Thượng Thôn Thượng X Số 154/BVH 25/01/1991
2 2.Đình làng Rền Thôn Rền X Số 78/1998/QĐ – UB 2/10/1998
3 3.Chùa làng Rền Thôn Rền X Số 78/1998/QĐ – UB 2/10/1998
4 4.Đình làng Trung Thôn Trung X Số 51/2001/QĐ – BVH 27/12/2001
II Xã Đại Đồng
5 Đền thờ Nguyễn Đương Hồ Thôn Dương Húc X Số 34/BVH 9/1/1990
6 Đình Làng Đại Vi Thôn Đại Vi X Số 74/VH – BT 2/2/1993
7 Đình làng Đại Trung Thôn Đại Trung X Số 111/1998/QĐ – UB 31/12/1998
8 Đình làng Đại Thượng Thôn Đại Thượng X Số 05/1999/QĐ – BVH 12/2/1999
9 Đình,đền, chùa Dương Húc Thôn Dương Húc X 42/QĐ-UBND 18/1/2011
III Xã Hoàn Sơn
10 Chùa Nguyệt Hằng Thôn Núi Đông X Số 140/QĐ – CT 29/1/2003
11 Đền Nguyệt Hằng Thôn Núi Đông X Số 140/QĐ – CT 29/1/2003
IV Xã Lạc Vệ
12 Chùa Phúc Nguyện Thôn Xuân Hội X 1598/QĐ – UBND 9/10/2006
13 Đình làng Xuân Hội Thôn Xuân Hội X 289/QĐ – UBND 28/2/2007
14 Đình làng Nội Viên Thôn Nội Viên X 899/QĐ – UBND 9/7/2008
15 Chùa làng Nội Viên Thôn Nội Viên X 988/QĐ – UBND 29/07/2008
16 Đình Làng Hương Vân Thôn Hương Vân X 1489/ QĐ – UBND 05/10/2009
17 Đình làng An Động Thôn An Động X 1489/ QĐ – UBND 05/10/2009
18 Chùa An Động Thôn An Động X 934/ QĐ – UBND 04/08/2011
V Thị trấn Lim
19 đền Liễu Giáp Thôn Lũng Sơn X Số 34/BVH 9/1/1990
20 Đình Lim (Lũng Giang) Thôn Lũng Giang 2168/QĐ-CT 20/12/1994
21 Đền Bắc Hợp Thôn Duệ Đông X Số 295/BT – QĐ 12/2/1994
22 Chùa Lim Thị trấn Lim X 05/1999/QĐ – BVH 12/2/1999
23 Đình làng Phúc Bình Thôn Duệ Đông X Số 107/QĐ – CT 12/2/2000
24 Đình Phúc Hậu Thôn Lũng Sơn X Số 2170/QĐ – UBND 20/12/2004
25 Đình 3 xã (Lũng Sơn) Thôn Lũng Sơn X 2170/QĐ – UBND 20/12/2004
VI Xã Liên Bão
26 Đền thờ Nguyễn Đăng Đạo. Thôn Hoài Thượng X Số226/VH -QĐ 5/2/1994
27 Đình làng Hoài Thượng Thôn Hoài Thượng X Số: 295/VH – QĐ 12/2/1994
28 Đền thờ Nguyễn Đăng Cảo Hoài Thượng X Số: 295/VH – QĐ 12/2/1994
29 Đình làng Bái Uyên Thôn Bái Uyên X 161/QĐ – UBND 08/2/2002
30 Đình Làng Dọc Thôn Dọc X 1160/QĐ-CT 30/8/2012
31 Đình làng Hoài Trung Thôn Hoài Trung X 1293/QĐ – UBND 9/10/2006
VII Xã Minh Đạo
32 Đình làng Nghĩa Chỉ Thôn Nghĩa Chỉ X 2167/QĐ – UBND 20/12/2004
VIII Xã Nội Duệ
33 Nghè Cổ Lũng Thôn Đình Cả X 74/VH – QĐ 2/2/1993
34 Chùa làng Cổ Lũng NT X 74/VH – QĐ 2/2/1993
35 Lăng Đỗ Nguyên Thụy NT X 74/VH – QĐ 2/2/1993
36 Đền thờ Nguyễn Diễn NT X 921/QĐ – BT 20/7/1994
37 Đình làng Lộ Bao Thôn Lộ Bao X 141/QĐ -CT 29/1/2003
IX Xã Phật Tích
38 Chùa Phật Tích Thôn Phật Tích X 313/VH – VP 28/4/1962
39 Đền thờ Nguyên Phi ỷ Lan Thôn Vĩnh Phú X 161/QĐ – CT 8/12/2002
40 Nhà thờ 4 tiến sĩ họ Nguyễn Thôn Phật Tích X 228/QĐ – CT 10/3/2003
41 Chùa Vĩnh Phú Thôn Vĩnh Phú X 1056/QĐ – UBND 12/8/2008
42 Lăng Quốc hoa công chúa Thôn Cổ Miếu X 1160/QĐ-CT 30/8/2012
43 Đình Phúc Nghiêm Phúc Nghiêm X 63/QĐ- UBND 11/01/2012
X          Xã Phú Lâm
44 Đình Tam Tảo Thôn Tam Tảo X 28/QĐ – BVHTT 28/1/1988
45 Đền Phụ Quốc Thôn Tam Tảo X 28/QĐ – BVHTT 28/1/1988
46    Đình Đông Phù Thôn Đông Phù X 138/QĐ – BVHTT 31/1/1992
47 Đình Giới Tế Thôn Giới Tế X 295/VH -QĐ 12/2/1994
48 Đình Ân Phú Thôn Ân Phú X 07/QĐ – BVHTT 8/3/2005
XI Xã Tân Chi
49 Chùa Giáo Đường Thôn Chi Trung X 164/CT 24/2/1998
50 Chùa Chi Nội Thôn Tư Chi X 127/QĐ – CT 30/1/2004
51 Đình Chi Nội Thôn Tư Chi x 1626/QĐ-CT 21/12/2012
52 Chùa Chi Hồ Thôn Chi Hồ X 1112/QĐ – UBND 16/8/2007
XII Xã Tri Phương
53 Từ đường họ trịnh Thôn Đinh X 1626/QĐ-CT
54 Đình làng Lương Thôn Thôn Lương X 34/ QĐ -BVH 9/01/1990
XIII Xã Việt Đoàn
55 Đình Long Khám Thôn Long Khám X 154/QĐ -BVH 25/1/1991
56 Chùa Bách Môn Thôn Long Khám X 163/QĐ – CT 24/2/1998
57 Đình Đại Tảo Thôn Đại Tảo X 161/QĐ – CT 8/2/2002
58 Chùa Chân Khai Thôn Đông Sơn X 231/QĐ – CT 20/2/2004
 

     


     

Mã QR Code ủng hộ vansudia.net


BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây