Giới thiệu khái quát huyện Tri Tôn
Vị trí địa lý
Tri Tôn là huyện nằm về hướng Tây Nam tỉnh An Giang với diện tích tự nhiên khoảng 60.039,74 ha (lớn nhất tỉnh An Giang và chiếm gần 17% diện tích toàn tỉnh) gồm 2 thị trấn Tri Tôn, Ba Chúc và 13 xã. Trong đó thị trấn Tri Tôn là trung tâm huyện lỵ, cách không xa các đô thị lớn và cửa khẩu trong khu vực (TP. Long Xuyên, TX. Châu Đốc, cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên, Thị xã du lịch – cửa khẩu quốc tế Hà Tiên, TP. Rạch Giá),…
So với nhiều huyện, thị xã trong tỉnh An Giang, Tri Tôn có vị trí địa lý khá thuận lợi khi phía Bắc và Đông Bắc Tri Tôn giáp huyện Tịnh Biên (tỉnh An Giang) và nước bạn Campuchia. Phía Đông giáp huyện Châu Thành và Thoại Sơn (tỉnh An Giang). Phía Tây và Tây Nam giáp huyện Kiên Lương, Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang).
Song song đó, hệ thống đường bộ gồm các tuyến QL N1 (nối QL91 tại Tịnh Biên qua Tri Tôn đến QL80 tại Hà Tiên); Tỉnh lộ 941 (nối Tri Tôn với QL91 tại Châu Thành); Tỉnh lộ 943 (nối Tri Tôn qua Thoại Sơn đến QL91 tại TP.Long Xuyên); Tỉnh lộ 948 (nối Tri Tôn qua Tịnh Biên đến QL91); Tỉnh lộ 955B (nối Tri Tôn – Ba Chúc – đến QL N1) và mạng lưới đường thủy chính bao gồm: Kênh Tri Tôn (nối Sông Hậu tại Châu Phú qua Tri Tôn đến Kênh Rạch Giá-Hà Tiên tại Hòn Đất); Kênh Vĩnh Tế (nối Sông Hậu tại TX. Châu Đốc qua Tri Tôn, Kiên Lương đến Kênh Rạch Giá – Hà Tiên tại TX. Hà Tiên); Kênh Mạc Cần Dưng (nối Sông Hậu tại Châu Thành đến Tri Tôn), nối tiếp Kênh Tri Tôn – Vàm Rầy đến Kênh Rạch Giá – Hà Tiên tại Hòn Đất); Kênh 10 – Châu Phú (nối Sông Hậu tại Châu Phú qua Tri Tôn đến Kênh Rạch Giá – Hà Tiên tại Hòn Đất cùng tuyến biên giới quốc gia Việt Nam – Campuchia dài khoảng 15km (gần cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên) không chỉ giúp việc đi lại được thuận tiện, đảm bảo giao lưu giữa huyện và các nơi khác trong khu vực mà rất thuận tiện để trao đổi hàng hóa với nước bạn Cămpuchia và khu vực, phát triển thương mại vùng biên, đặc biệt là các mặt hàng nông – lâm sản, thực phẩm. Đồng thời có vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn an ninh quốc phòng, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội và phát triển kinh tế cả nước.
Điều kiện tự nhiên – xã hội
Tri Tôn là huyện miền núi, có 17,2 km đường biên giới với Campuchia. Diện tích tự nhiên khoảng 60.039,74 ha, trong đó đất nông nghiệp chiếm 74,48%, đất lâm nghiệp chiếm khoảng 8,89%, còn lại là đất ở và đất chuyên dùng. Địa hình đa dạng, vừa có đồi núi, vừa có đồng bằng với nhiều kênh mương lớn nhỏ ngang dọc.
Trên địa bàn huyện có các ngọn núi sau:
– Núi Nam Quy cao 213 m, chu vi 8.875 m, thuộc cụm núi Cấm, ở xã Châu Lăng.
– Núi Tà Lọt cao 69 m, chu vi 870 m, thuộc cụm núi Cấm, ở xã Châu Lăng.
– Núi Dài còn gọi là Ngọa Long Sơn, cao 554 m, chu vi 21.625 m, thuộc cụm núi Dài, ở xã Lê Trì.
– Núi Tượng còn gọi là Liên Hoa Sơn, cao 145 m, chu vi 3.825 m, thuộc cụm núi Dài, ở thị trấn Ba Chúc
– Núi Sà Lon, cao 102 m, chu vi 2.325 m, thuộc cụm núi Dài, ở xã Lương Phi.
– Núi Nước còn gọi là Thủy Đài Sơn, cao 54 m, thuộc cụm núi Dài, ở thị trấn Ba Chúc
– Núi Cô Tô, còn gọi là Phụng Hoàng Sơn, cao 614 m, chu vi 14.375 m, thuộc cụm núi Cô Tô, xã Cô Tô.
– Núi Tà Pạ, cao 102 m, chu vi 10.225 m, thuộc cụm núi Cô Tô, xã An Tức, thường gọi là đồi.
Nguồn nước ở Tri Tôn chủ yếu là nước giếng và nước máy. Hiện trên địa bàn huyện Tri Tôn có trên 400 giếng khoan và hơn 3.000 giếng đào phục vụ nước sinh hoạt hằng ngày của người dân. Năm 2006, Xí nghiệp Điện – Nước huyện Tri Tôn đã đầu tư hơn 1 tỷ đồng xây dựng trạm tăng áp cùng với 6 km đường ống dẫn nước, nối liền từ trung tâm thị trấn Tri Tôn đến 2 xã Núi Tô và An Tức. Hệ thống này đảm bảo cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 500 hộ đồng bào dân tộc Khmer đang sinh sống tại các phum, sóc ở ven chân đồi Tà Pạ.
Lịch sử văn hóa
LỊCH SỬ VÀ HUYỀN THOẠI ĐỒI TỨC DỤP (Tri Tôn, An Giang)
Dãy núi Cô Tô (còn gọi Phụng Hoàng Sơn) thuộc vùng Bảy Núi có một ngọn đồi nổi tiếng, bom đạn giặc Mỹ muốn san phẳng trong chiến tranh, nay trở thành khu du lịch. Đó là đồi Tức Dụp.
Khu du lịch Tức Dụp từ hơn mười năm qua đã trở thành địa chỉ hấp dẫn du khách thập phương. Đến đây, du khách sẽ ngỡ ngàng trước cảnh thiên nhiên “sơn kỳ thủy tú”, với một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 300m, nhưng có địa hình hiểm trở với nhiều tảng đá dựng cheo leo, tạo thành những lò ảng (hang trên núi).
Chuyện kể rằng, ngày xưa, thuở sơ khai của trời đất, các tiên nữ thường dừng chân trên đỉnh Cô Tô, dạo chơi, tắm giặt và đùa nghịch. Một hôm, các nàng chơi trò đứng trên đỉnh Cô Tô ném đá xuống chân núi. Ðá rơi chồng chất lên nhau thành ngọn đồi con. Dòng suối tắm đổ xuống chảy luồn lách qua ngọn đồi đá tiên ấy. Từ đó, bên chân núi Cô Tô của vùng Thất Sơn hùng vĩ có suối và đồi tạo nét phong phú, thơ mộng. Một ngày nọ, những người đi khai hoang mở đất đến đây, gặp mùa nắng hạn, đêm nằm họ không ngủ được, khát cháy ruột gan. Bỗng giữa đêm khuya, người ta nghe tiếng nước róc rách, phát hiện ra giữa quả đồi khô hạn có dòng suối mát chảy qua. Từ đó ngọn đồi này có tên gọi Tức Dụp (nước đêm) và ngọn đồi trở thành nơi linh thiêng. Vào các ngày lễ, sư sãi và già làng mang lễ vật đến cúng thánh thần, trời đất rồi rước nước suối về phum sóc. Tức Dụp, nước của Trời, Phật, nước mát lành từ trong khe đá bốn mùa không ngừng chảy, đem lại nguồn sống cho con người kể cả những mùa khô nắng hạn khô đồng.
Nhìn “cỏ cây chen đá, lá chen hoa” nơi đây như những tổ ong thiên tạo khổng lồ thông nhau bởi muôn vàn ngõ ngách và kẹt đá. Những hang đá tạo địa hình hiểm trở, có giá trị về quân sự, như những trận địa tuyệt vời mà thiên nhiên ban tặng cho con người. Trong những thập niên từ 40 – 70 của thế kỹ 20, đồi Tức Dụp nằm giữa vùng căn cứ kháng chiến suốt hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Năm 1968, trong suốt 128 ngày đêm, quân đội Mỹ, Ngụy Sài Gòn – địch với một lực lượng hùng hậu gồm bộ binh Mỹ, Ngụy và chư hầu, máy bay, xe tăng, pháo binh, vũ khí tối tân nhưng chúng vẫn không thể đánh thắng được ý chí chiến đấu kiên cường của quân và dân Tri Tôn anh hùng, đành cam chịu thất bại cay đắng. Tính riêng sự mất mát, chi phí về phương tiện chiến đấu, bom đạn Mỹ đã chi vào ngọn đồi này hơn 2 triệu USD nên Tức Dụp có thêm tên gọi mới: “Đồi hai triệu đô la”. Cố vấn Mỹ và lính Mỹ, Ngụy trong thời gian đó hậm hực gọi là đồi “Tức Chết”.
Tức Dụp đã được Bộ Văn hóa,Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử kháng chiến và trở thành điểm du lịch sinh thái lý tưởng. Đến Tức Dụp, du khách có thể tham quan những địa danh nằm trong quần thể di tích lịch sử đã được ghi nhận, gìn giữ, tôn tạo như: Hang C6 (có hội trường C6 với sức chứa hơn 150 người), hang Quân y, hang Thanh Niên, Hội trường Tỉnh ủy, hang của Ban Chỉ huy quân sự, hang của Ban Tuyên huấn, Hội Phụ nữ, Dân y và hang Tiên Nữ. Mỗi hang có một vẻ độc đáo với những khối đá đan xen muôn hình vạn trạng.
Hiện nay, Công ty du lịch An Giang hoàn thành xong tượng đài mới, phù hợp với qui mô khu di tích, đưa vào phục vụ trò chơi tàu lượn trên không, phát triển chăn nuôi chuồng đà điểu lên đến 30 con, xây dựng hàng rào khu di tích hơn 700 mét với kinh phí 400 triệu đồng. Ngoài ra, Công ty cũng đang tập trung xúc tiến chỉnh trang lại cơ sở hạ tầng, như: Đường du ngoạn, nhà nghỉ, nhà hàng, quầy hàng lưu niệm, cống thoát nước, lắp đèn màu đường vào các địa danh lịch sử, bảo tàng sinh động của những chứng tích một thời chiến tranh đã đi qua. Trong vài năm tới, nơi đây sẽ trở thành một khu du lịch trọng điểm của vùng biên giới tây nam Tổ quốc.
Kinh tế – Xã hội
Đầu năm nay, lần đầu tiên lãnh đạo Huyện ủy, UBND huyện Tri Tôn tổ chức buổi tọa đàm với các doanh nghiệp nhằm thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn trên vùng đất còn nhiều tiềm năng này. Thiện chí mời gọi đầu tư của huyện miền núi Tri Tôn đã được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao. Người ta có thể cảm nhận được không khí thân tình, gần gũi giữa chính quyền và những người hoạt động kinh doanh – những cái bắt tay hứa hẹn tương lai phát triển mới, ở nơi tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh.
Theo Chủ tịch UBND huyện Tri Tôn Phan Văn Sương, trên địa bàn huyện hiện có 4.900 doanh nghiệp, hộ, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ, góp phần giải quyết việc làm trên 9.500 lao động. Trong đó, có 106 doanh nghiệp hoạt động với tổng vốn đầu tư 409 tỷ đồng. Bằng nhiều chính sách ưu đãi, kêu gọi đầu tư, vừa có thêm 4 doanh nghiệp được cấp phép đầu tư trên địa bàn huyện Tri Tôn, với tổng vốn 220 tỷ đồng, giải quyết việc làm hơn 150 lao động. Có nhiều dự án quan trọng đang được triển khai như: Xây dựng kho chứa, hệ thống xay xát, chế biến gạo quy mô lớn ở xã Lương An Trà; nhà máy sản xuất đường thốt nốt (do doanh nghiệp Hồng Kông đầu tư); trồng và bao tiêu các loại đậu ở vùng đất núi của nhà đầu tư Ấn Độ…
Ông Phan Văn Sương, Chủ tịch huyện cho biết thêm là phấn đấu đến năm 2015, huyện Tri Tôn sẽ phát triển được 250 doanh nghiệp, gấp gần 2,5 lần so với hiện nay. Để đạt được mục tiêu này, Tri Tôn sẽ tiếp tục tạo môi trường thông thoáng thu hút đầu tư. Đồng thời, đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính, xóa bỏ phiền hà, minh bạch hóa các quyết định về chính sách, trợ giúp thông tin đối với doanh nghiệp, công khai quy hoạch phát triển xây dựng, tạo cơ hội bình đẳng cho các doanh nghiệp đến với Tri Tôn… Bên cạnh đó, huyện sẽ tăng cường giới thiệu, quảng bá những tiềm năng, lợi thế, lĩnh vực khuyến khích đầu tư như: Xây dựng nhà máy xay xát, kho trữ lúa gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu trên địa bàn các xã: Vĩnh Gia, Lạc Quới, Lương An Trà, Tân Tuyến, Tà Đảnh, Vĩnh Phước…; xây dựng nhà máy chế biến gỗ từ diện tích rừng hơn 4.000 héc-ta đang trong thời kỳ khai thác; sản xuất và tiêu thụ phân bón hữu cơ sinh học từ than bùn, khai thác và sản xuất các sản phẩm từ cao lanh (đất sét) với trữ lượng dồi dào… Huyện cũng mời gọi doanh nghiệp đầu tư trung tâm thương mại tại xã biên giới Vĩnh Gia, nơi đã được Chính phủ quy hoạch xây dựng cửa khẩu phụ, đồng thời tuyến đường nhựa kết nối giữa xã Vĩnh Gia (Tri Tôn) với xã Tà Ô (quận Kirivong, tỉnh Takeo, Campuchia) đã được xây dựng hoàn chỉnh. Song song đó là đầu tư mở rộng khu thương mại huyện Tri Tôn về hướng đông theo dự án đã được duyệt với quy mô trên 23 héc-ta; mời gọi xây dựng chợ trung tâm ở các xã trên địa bàn huyện. Đồng thời, Tri Tôn cũng mời gọi đầu tư vào các khu du lịch như: Soài So, Tà Pạ, Ô Tà Sóc, núi Tượng, núi Nước, nhà mồ Ba Chúc… Trong đó, khuyến khích phát triển du lịch gắn kết với ngành nghề truyền thống, du lịch sinh thái kết hợp tâm linh, di tích lịch sử, lễ hội…
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư An Giang Nguyễn Ngọc Em cho rằng, Tri Tôn giữ vị trí trọng điểm trong vùng Tứ giác Long Xuyên, có lợi thế lớn khi nằm trong “tam giác” kinh tế và du lịch gồm: Long Xuyên – Châu Đốc, Tịnh Biên – Tri Tôn và Thoại Sơn. Đồng thời, với vị trí nằm giữa trung tâm của 3 mũi nhọn là Kampot (Campuchia), Hà Tiên (Kiên Giang) và huyện Tịnh Biên, Tri Tôn cũng có tiềm năng phát triển mạnh kinh tế biên giới. Hiện tại, hệ thống hạ tầng giao thông và lưới điện trên địa bàn Tri Tôn đã được đầu tư về cơ bản. Trong tương lai gần, khi các tuyến Tỉnh lộ 941 nối từ Châu Thành, Tỉnh lộ 948 từ Tịnh Biên, Tỉnh lộ 943 từ Thoại Sơn được nâng cấp hoàn chỉnh, cùng với tuyến Tri Tôn – Vàm Rầy (Kiên Giang) được đầu tư mở rộng, mọi cửa ngõ đến với Tri Tôn đều thông suốt, tạo điều kiện rất thuận lợi để huyện thu hút đầu tư. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Ngọc Em, để công tác mời gọi đầu tư đạt hiệu quả cao, UBND huyện Tri Tôn nên nghiên cứu thành lập bộ phận xúc tiến đầu tư, hỗ trợ thông tin cho doanh nghiệp. Đồng thời, huyện phải tìm cách “tạo ra sự kiện, khuếch trương sự kiện và gắn kết sự kiện” nhằm quảng bá tiềm năng, lợi thế và gây chú ý cho các nhà đầu tư, tạo thiện cảm để họ tìm đến với Tri Tôn…