Giới thiệu khái quát huyện U Minh
1.Vùng đất
Huyện U Minh được hình thành trên vùng đất U Minh Hạ, nằm dọc theo tuyến sông Cái Tàu, chạy xuyên qua xóm Cái Tàu – Lâm An và Biện Nhị đến Tiểu Dừa (giáp xã Vân Khánh, huyện An Minh, Tỉnh Kiên Giang). Sông Cái Tàu bắt nguồn từ vùng trũng của Rừng U Minh Hạ có hình cánh cung, ngọn trổ ra biển Tây, còn Vàm Sông tiếp giáp hữu ngạn sông Ông Đốc, đổ nước vào sông này ra biển. Sông Cái Tàu với hệ thống kênh rạch xuyên sâu vào rừng tràm, xẻ thẳng vào ruột rừng chia U Minh Hạ ra từng ô với nhiều tên gọi khác nhau bám chặt vào rừng tràm rộng lớn và hùng vĩ.
Rừng U Minh còn là vùng đất nguyên thuỷ của các loài bò sát, kỳ đà, tắc kè, rùa, cần đước, trúc, trăn, rắn… dưới nước còn có cá sấu, cá bông, cá lóc, cá dày… có nơi đất trũng sâu thành bàu cá, bàu sấu sầm uất… Trên ngọt rừng, sân chim có nhiều loài chim muôn sắc, muôn màu. Động vật lớn như: Cọp, nai, khỉ, heo rừng, lọ nồi, bạc má, chồn… Vùng đất trũng U Minh cũng có những đám cây mốp, bời lời, mật cật, cây mua, bồn bồn, choại, dớn chen chúc nhau sinh sôi nãy nở thành quần thể sinh vật phong phú và đa dạng. Dưới sông có những đám dừa nước dầy đặc che khuất ánh sáng không thể soi thấu mặt đất mà cư dân ngày xưa gọi là đám lá “tối trời” chính những đám lá “tối trời” này cùng với rừng tràm và nhiều loài cây rừng khác hợp thành một địa hình du kích chiến tranh cho cơ quan, công xưởng, nhà in và bộ đội ta hành quân, trú ẩn, phục kích đánh địch…
Trãi qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, vùng đất U Minh từng là nơi căn cứ địa cách mạng, góp phần quan trọng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Năm 1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, sau 30 năm kháng chiến, U Minh bị tàn phá bởi bom đạn, chất độc hoá học và những hậu quả do chiến tranh để lại, nhiều khó khăn, thách thức cũng không kém phần “ác liệt” như trong chiến tranh. Với truyền thống tin tưởng sự lãnh đạo của Đảng và sự đoàn kết nhất trí tự lực tự cường Đảng bộ và nhân dân U Minh từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, kiên trì xây dựng lại quê hương U Minh theo con đường xã hội chủ nghĩa.
2. Con người
Hơn 300 năm trở về trước, vùng rừng hoang cỏ dại này chưa có dấu chân người, dần dần về sau các tộc người Việt từ nhiều nơi tha phương với nguyên nhân khác nhau đến đây sinh cơ lập nghiệp, đến U Minh dựa vào thiên nhiên trù phú để sống; một số người tìm nơi hẻo lánh mai danh, ẩn tích; nhưng cũng có một số người lấy đất U Minh để mưu cầu việc lớn…
Nối tiếp lưu dân người Việt thì có một số bộ phận người Hoa bỏ xứ ra đi (Nhà Minh – Trung Quốc) theo Mạc Cửu. Trong dòng lưu dân thì còn có tộc người Khmer cũng bị hiểm họa nội chiến (nước Chân Lạp) trôi dạt đến U Minh.
Tất cả những người tha phương ấy gặp nhau cùng cảnh ngộ, nên họ dể thông cảm nhau bằng tình thương người xa xứ, hợp nhau chống chọi thiên nhiên, thú dữ và chống áp bức bất công, cùng dừng chân nơi U Minh khai hoang, mở đất, hình thành chòm xóm. Ban đầu người rất thưa thớt, đi khoảng 3 tới 5 cây số mới tìm thấy một xóm vài ba nóc nhà. Việc đi lại rất khó khăn, đường bộ thì chưa có, đi lại phải càn lên cỏ, sậy, đế… để tạo thành đường mòn mà đi, nhưng đất sình lầy, rắn độc và thú dữ không thể đi xa được. Còn đi đường thuỷ thì hầu như ít nhà có xuồng ghe, do vậy việc giao lưu rất hạn chế. Quần thể “nhiều sắc tộc” lúc ban đầu tạo thành vài xóm nhỏ ít nhà đến nhiều nhà, rồi ra đời nhiều xóm, ấp.
HIỆN TRẠNG KINH TẾ – XÃ HỘI HUYỆN U MINH
Tăng trưởng và kinh tế cơ cấu:
Kinh tế của huyện trong những năm qua tiếp tục tăng trưởngkhá toàn diện, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Tỷ trọng nông – ngư – lâm nghiệp giảm dần, từ 61% (vào năm 2010) xuống còn 53% (vào năm 2015); công nghiệp – xây dựng từ 15,5% tăng lên 20%; dịch vụ từ 23,5% tăng lên27%; thu nhập bình quân đầu người từ 750 USD tăng lên 1.300 USD.
Thực trạng phát triển các ngành, lĩnh vực:
Về sản xuất nông – ngư – lâm nghiệp:
Chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông – ngư – lâm nghiệp phù hợp với điều kiện thực tế của huyện và đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững. Mô hình sản xuất luân canh lúa – tôm có hiệu quả thiết thực; nhiều cánh đồng mẫu đang được hình thành và mang lại hiệu quả rất lớn; diện tích lúa trên đất nuôi tôm và năng suất tôm nuôi tăng dần; sản xuất, nuôi trồng ở vùng ngọt hóa mang lại hiệu quả cao. Sản lượng lúa đến năm 2015 ước đạt 137.780 tấn, tăng bình quân hàng năm 1,5%.
Mô hình trồng cây công nghiệp, rau màu và chăn nuôi mang lại hiệu quả khá cao, đặc biệt là một số vùng ở xã Khánh Lâm đã đưa được rau màu và dưa hấu xuống ruộng. Tổng diện tích cây công nghiệp và rau màu các loại trên 5.070 ha. Trong đó, cây dừa 900 ha, cây ăn trái các loại 3.850 ha, cây mía 183ha, rau màu 137,5 ha. Mặc dù trong thời gian qua dịch bệnh trên gia súc, gia cầm liên tiếp xảy ra nhưng do thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và kiểm soát giết mổ nên đàn gia súc, gia cầm tiếp tục duy trì và phát triển đạt 50.150 con gia súc, 321.000 con gia cầm.
Thủy sản tiếp tục phát huy vai trò là ngành kinh tế quan trọng của huyện, sản lượng thủy sản khai thác hàng năm đều đạt, vượt chỉ tiêu; năm 2015 ước đạt 48.000 tấn. Dịch vụ thủy sản và hậu cần nghề cá có bước phát triển khá, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu nuôi trồng, khai thác thủy sản của huyện.
Hoạt động chuyên giao, ứng dụng khoa học – công nghệ vào sản xuất và đời sống từng bước có hiệu quả thiết thực. Các mô hình, dự án thí điểm về ứng dụng khoa học – công nghệ như: nuôi tôm quảng canh cải tiến; sản xuất lúa giống cấp xác nhận; sản xuất lúa theo quy trình 3 giảm 3 tăng; nuôi cá rô, cá sặc rằn; ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý điều hành đạt kết quả khá tốt.
Công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng ngày càng có hiệu quả hơn. Đã trồng mới và trồng sau khai thác 11.800 ha (trong đó có khoảng 3.000 ha cây keo lai); nhiều doanh nghiệp, hộ dân mạnh dạn đầu tư trồng rừng thâm canh gắn với phát triển các nguồn lợi từ rừng, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trước; xây dựng được thương hiệu Mật ong U Minh Hạ, sản lượng khai thác từ 30 đến 50 ngàn lít mật ong trên năm; bước đầu khơi dậy tiềm năng du sinh thái rừng tràm, thu hút khách tham quan du lịch; năm 2014, doanh thu từ khai thác rừng trên 140 tỷ đồng. Tỷ lệ che phủ rừng và cây phân tán chiếm 41%, làm tốt công tác phòng cháy, chữa cháy rừng, nên nhiều năm liền rừng tràm U Minh không xảy ra vụ cháy lớn.
Về phát triển công nghiệp:
Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục phát triển, toàn huyện hiện có 96 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tổng giá trị sản xuất tăng bình quân hàng năm 15,5%, chiếm tỷ trọng 19,77% trong cơ cấu kinh tế.
Về thương mại – dịch vụ:
Thương mại – dịch vụ có bước phát triển nhanh, tăng bình quân 16,5%/năm, các loại hình dịch vụ ngày càng đa dạng, phong phú, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sản xuất và tiêu dùng của Nhân dân.
Mạng lưới thương mại cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng và phục vụ sản xuất cho Nhân dân trong huyện. Dịch vụ vận tải hành khách và hàng hóa tăng mạnh, trong đó khối lượng vận chuyển hành khách đường bộ đã phát triển rất nhanh do hệ thống các tuyến lộ giao thông không ngừng được đầu tư xây dựng và mở rộng.
Dịch vụ viễn thông phát triển nhanh, bảo đảm thông tin liên lạc với chất lượng ngày càng cao và tiện lợi, hiện nay dịch vụ Internet phát triển rất mạnh, đảm bảo phủ sóng rộng khắp trên địa bàn dân cư của huyện.
Về tài chính:
Kinh tế phát triển đã thúc đẩy sản xuất kinh doanh, dịch vụ phát triển, tạo nguồn thu và tăng dần các khoản đóng góp vào ngân sách; thực hiện đúng các loại thuế để động viên sản xuất kinh doanh. Các khoản chi được cân đối đảm bảo đúng luật ngân sách nhà nước, ưu tiên chi đầu tư phát triển.
Tổng thu ngân sách 5 năm (2011 – 2015) được 236 tỷ 791 triệu đồng, đạt 114,4% chỉ tiêu; chi ngân sách 1.142 tỷ 717 triệu đồng, đạt kế hoạch.
Về đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội:
Hạ tầng kinh tế – xã hội của huyện trong những năm trở lại đây đã có bước phát triển khá. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội trong 5 năm đạt 1.832 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu 6,1%. Toàn huyện hiện có 159,5 km đường ô tô, 375 km đường giao thông nông thôn và trên 300 cây cầu bê tông, nối liền các trục giao thông chính từ tỉnh đến huyện và từ huyện đến xã – thị trấn bằng xe ôtô; từ xã đến ấp và liên ấp, khóm bằng xe môtô đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu đi lại của Nhân dân.
Trong 5 năm qua, tranh thủ được các nguồn vốn triển khai xây dựng 105 công trình thủy lợi, với chiều dài 306,8 km, tổng vốn đầu tư 94 tỷ 408 triệu đồng; xây dựng các tuyến bờ kè chống sạt lở đê biển Tây và cửa biển Khánh Hội dài 9,8 km, tổng vốn đầu tư 187,5 tỷ đồng; xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng 4 cống trên tuyến đê biển Tây, vốn đầu tư 150 tỷ đồng; xóa 5 ấp trắng không điện và phát triển lưới điện hạ thế, nâng tỷ lệ hộ sử dụng điện từ 85% năm 2010 lên 95% năm 2015; xây dựng 658 phòng học cơ bản và bán cơ bản. Chợ U Minh, các xã Khánh An, Khánh Hội, Khánh Hòa được cải tạo, nâng cấp, mở rộng đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua bán của Nhân dân.
Cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, môi trường kinh doanh, thương mại được cải thiện thông thoáng hơn, các thành phần kinh tế có bước phát triển khá. Kinh tế tập thể tiếp tục được củng cố và phát triển.
Về xây dựng nông thôn mới:
Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo quyết liệt, tạo được sự chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động và đã đạt được kết quả đáng kể, bình quân các xã trên địa bàn huyện đạt 12/19 tiêu chí và đến cuối năm 2015 xã Khánh An và xã Khánh Hòa đạt chuẩn nông thôn mới.
Phát triển văn hóa – xã hội:
Giáo dục và đào tạo:
Công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục phát triển về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được đầu tư nâng cấp, cơ bản đáp ứng yêu cầu. Đến nay huyện có 22/46 trường học đạt chuẩn quốc gia, chiếm 47,82% (chỉ tiêu 70%); kết quả tốt nghiệp trung học phổ thông và số học sinh trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng hàng năm đều tăng; công tác xã hội hóa giáo dục, hoạt động khuyến học khuyến tài và phong trào xã hội học tập tiếp tục phát triển; duy trì kết quả đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và trung học cơ sở; phổ cập mẫu giáo 5 tuổi đạt 6/8 xã và thị trấn.
Y tế:
Đảng bộ thường xuyên quan tâm chỉ đạo đầu tư về cơ sở vật chất, trang thiết bị và đào tạo đội ngũ thầy thuốc. Đã cơ bản hoàn thành dự án đầu tư xây dựng bệnh viện Đa khoa huyện với quy mô 100 giường bệnh; đến nay có 8/8 trạm y tế xã, thị trấn đạt chuẩn quốc gia về y tế; nâng số giường bệnh từ 10,5 giường năm 2010 lên 12 giường/vạn dân năm 2015; đội ngũ thầy thuốc và cán bộ y tế đáp ứng nhu cầu phục vụ công tác khám, chữa bệnh, bình quân có gần 6 bác sỹ/1 vạn dân. Triển khai thực hiện tốt các chương trình y tế quốc gia; công tác kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh; chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình và trẻ em; giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên còn dưới 1%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 13%.
Văn hóa, thể dục, thể thao:
Các hoạt động văn hoá, thông tin, thể dục thể thao có nhiều chuyển biến tích cực; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh, tỷ lệ gia đình, ấp, khóm đạt chuẩn văn hóa tiếp tục được duy trì. Đến nay toàn huyện có 15.826 gia đình đạt chuẩn văn hóa, chiếm 64,56% và 18 ấp, khóm đạt chuẩn văn hóa.
Việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, các thiết chế văn hóa, thể thao được các ngành các cấp quan tâm, chỉ đạo, góp phần phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao cho huyện. Đến nay huyện đã cơ bản hoàn thành việc đầu tư xây dựng 7/7 trung tâm văn hóa xã, 01 trung tâm huyện.
Công tác giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, và tinh thần của nhân dân, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, đảm bảo an sinh xã hội:
Triển khai thực hiện khá tốt chương trình giảm nghèo, giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội; vận động các loại quỹ trên 56 tỷ đồng, xây dựng và sửa chữa 2.496 căn nhà cho các đối tượng; khoan trên 500 giếng nước sinh hoạt cho người nghèo; giải quyết việc làm cho trên 20.000 lao động (trong đó lao động qua đào tạo chiếm 22%).
Qua hơn 4 năm triển khai thực hiện Quyết đinh số 494-QĐ/TU, ngày 14/4/2009 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Cà Mau về phân công các sở, ban, ngành đoàn thể cấp tỉnh phụ trách xã có đông đồng bào dân tộc Khmer và có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao; huyện U Minh có 7 đơn vị sở, ban, ngành tỉnh phụ trách 7/7 xã. Thực hiện Quyết định số 83-QĐ/HU, ngày 07/9/2010 của Ban Thường vụ Huyện ủy về phân công các cơ quan, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể huyện phụ trách giúp đở các ấp có đông đồng dân tộc Khmer tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo cao; có 44 cơ quan, ban, ngành, đoàn thể huyện được phân công giúp đở 44 ấp. Đồng thời, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện còn ban hành Nghị quyết số 04 về phân công tổ chức cơ sở đảng và đảng viên phụ trách giúp đở hộ nghèo giai đoạn 2010 – 2015. Kết quả là tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm nhanh, từ 21,23% năm 2010 xuống còn 8,26% năm 2015; đặc biệt là không còn hộ gia đình chính sách nghèo. Đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được cải thiện tốt hơn; bảo hiểm y tế toàn dân đạt 88,77%; riêng năm học 2014 – 2015 bảo hiểm y tế cho học sinh đạt 100%.
Thực hiện tốt các chính sách dân tộc, tôn giáo. Bảo đảm sự bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau đối với đồng bào dân tộc và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của đồng bào tôn giáo theo quy định của pháp luật.
Công tác bảo vệ môi trường:
Công tác quản lý và khai thác tài nguyên nước luôn được quan tâm, tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chiếm 90%; chú trọng khai thác và sử dụng hợp lý tài nguyên đất, tài nguyên biển và khoáng sản (than bùn) không để lãng phí; xây dựng một số bãi rác trung chuyển để xử lý rác thải ở các cụm đông dân cư về nhà máy xử lý rác thải Cà Mau và thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh, hạn chế thấp nhất việc gây ô nhiễm môi trường.
Triển khai thực hiện tốt Chương trình hành động của Tỉnh ủy, Huyện ủy về bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng đến năm 2020. Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn mang lại hiệu quả thiết thực. Chủ động phòng, chống lụt bão, giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, hạn chế thấp nhất thiệt hại./.