Giới thiệu khái quát huyện Vân Canh

Giới thiệu khái quát huyện Vân Canh

Giới thiệu khái quát huyện Vân Canh

Vân Canh là một huyện miền núi, nằm ở phía tây nam của tỉnh Bình Định, cách thành phố Quy Nhơn khoảng 30 km, dựa lưng vào những khối đá núi kết tinh đồ sộ của cao nguyên Gia Lai – KonTum.

Với diện tích đất tự nhiên 79.797 ha, Vân Canh hiện có 6 xã và 1 thị trấn; trong đó có 3 xã đặc biệt khó khăn là Canh Hòa, Canh Hiệp, Canh Liên và 2 xã nghèo của tỉnh là Canh Hiển và Canh Thuận.

Vân Canh có vị trí địa lý đặc biệt thuận lợi. Nam giáp huyện Đồng Xuân (Phú Yên), bắc giáp hai huyện An Nhơn và Tây Sơn, tây giáp huyện Kông Chơro (Gia Lai), và phía đông là huyện Tuy Phước và thành phố Quy Nhơn. Do vậy, Vân Canh cùng với Vĩnh Thạnh, tựa như một hành lang lớn giữa bắc Tây Nguyên và duyên hải Nam Trung Bộ án ngữ đèo An Khê.

Vân Canh cách không xa Quốc lộ 1A, gần ga Diêu Trì. Từ Vân Canh, xuống Cảng Quy Nhơn, hoặc ngược lên đường 19, đến vùng đất Tây Nguyên đều rất thuận tiện. Đặc biệt, từ thị trấn Diêu Trì (huyện Tuy Phước) lên Vân Canh có thể đi thẳng tới tỉnh Phú Yên. Hàng hóa từ Vân Canh ra Bắc, vào Nam, hay ngược lên Tây Nguyên đều thuận lợi và ngược lại.

Sông Hà Thanh dài 48km, cùng với các ngọn núi: hòn Ông, hòn Bà, hòn Chuông, hòn Nắm… và các con suối nhỏ chảy quanh co, vừa tạo cho Vân Canh cảnh quan đẹp, có nét hùng vĩ và thơ mộng riêng; đồng thời, cũng chia khu vực này thành ba thung lũng nhỏ: nằm giữa có sông Hà Thanh là vùng đất cày trong tâm niệm của đồng bào Chăm H’roi; phía đông có suối Đá Lót, Đá Lộc xã Canh Giao nhiều dầu rái; phía tây là vùng An Tượng với sông An Trường, suối Khe Cành, suối Lao… Các làng canh tác dọc theo các thung lũng với các vùng: vùng ruộng nước ở An Tượng, đất rừng nà thổ ở vùng đất cày và vùng rừng dầu rái ở vùng Canh Giao.

Đặc biệt, núi Ông và núi Bà với độ cao hơn 1.000m không chỉ là góp vào cảnh quan Vân Canh một vóc dáng hùng vĩ, nên thơ mà thật sự đã đi vào tâm thức đồng bào với một kho chuyện kể thấm đẫm triết lý và đan xen lịch sử, huyền thoại.

Trong công cuộc đổi mới, Vân Canh có những chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế – xã hội. Nền kinh tế của huyện tiếp tục tăng trưởng và phát triển; sản xuất nông nghiệp được mùa; công nghiệp, thương mại – dịch vụ tiếp tục có bước tăng trưởng khá; các hoạt động trên lĩnh vực văn hoá xã hội tiếp tục có tiến bộ; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung chỉ đạo; quốc phòng, an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được tăng cường. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện. Hệ thống quản lý hành chính nhà nước từng bước được xây dựng vững mạnh, đáp ứng tốt các nhu cầu của tổ chức và nhân dân.

Danh Thắng 

SUỐI MỘT

Cách ga Vân Canh chừng hơn 3km, nằm dưới chân núi Hòn Bà thuộc địa phận làng Đăkđâm – Thị trấn Vân Canh là Suối Một, thuộc hạ lưu Suối Phường, nơi có nhiều cảnh đẹp đang thu hút khách thập phương đến tham quan.

Thiên nhiên kiến tạo bởi đá, nước và cây rừng làm nên vẻ đẹp tự nhiên cho Suối Một. Không ít người chú ý đến nơi này thường đến đây thư giãn, nghỉ ngơi. Cho đến nay suối Một vẫn nguyên hình, nguyên dạng cảnh thiên nhiên, chưa hề có sự tôn tạo từ bàn tay con người, vì thế nó là nguồn cảm hứng cho những ai thích về nguồn, gần gũi với thiên nhiên hoang dã. Đến với Suối Một, ngồi bên dòng nước róc rách chảy, thả hồn theo muôn điệu chim ca hoà với tiếng suối reo thành một bản giao hưởng tràn đầy không gian, bạn sẽ cảm nhận được nét đẹp phóng khoáng, thi vị và đầy hấp dẫn của miền rừng Vân Canh. Lần theo những bậc đá xếp chìm, xếp nổi, bất ngờ mở ra trước mắt bạn những hồ nước rộng 30 – 40m2, phía trên là những thác nước dựng đứng tung bọt trắng xoá, có sẵn những cầu tuột và vách đá phẳng nghiêng xuôi về hồ… đủ cho cuộc tắm mát đầy thoả thích. Suốt cuộc hành trình trên dòng suối mát, bạn còn bắt gặp nhiều hang đá tạo bỡi những tảng đá lớn với thế chênh vênh nhô ra từ sườn núi, những “cối đá” tự nhiên, lõm tròn đều tạo bởi nước xoáy đổ trên mặt đá thời gian, nhiều loài tầm gửi lướt thướt buông mình lả lơi đùa với gió, hàng chục loài phong lan rừng lơ lửng đu bám trên thân cây, vách đá đua nhau khoe những sắc màu thanh nhã…

Ngược lên là Suối Hai, Suối Ba, … nối nhau, có nhiều vẻ đẹp riêng không kém phần hấp dẫn, ngại nỗi đường lên không tiện lắm.

Suối Một đã có từ lâu đời, nhưng mới thu hút khách về được những năm gần đây, vào dịp hè hay lễ tết, Suối Một càng thêm nhộn nhịp đông vui hơn.

Chỉ một ngày nghỉ thôi, về với miền núi Vân Canh , đi chơi Suối Một, thưởng thức hương vị rượu cần cùng nguồn đặc sản chim xanh, chim ngói thì cũng thú vị lắm đấy.

ĐỒI ĐÁ HUÊ

Đá Huê là một khu đồi nằm độc lập ở Làng Hòn Mẻ xã Canh thuận, cạnh bên Quốc lộ  19C, cách lề đường 10m, cách đường sắt Bắc – Nam 20m, ngọn đồi có chiều dài khoảng 50m, chiều rộng 30m, cao 63m so với mực nước biển, với diện tích 1.500m2. Trên đồi đá hoa cương nằm chồng chất lên nhau, trên đỉnh là mỏm đá trắng ngã vàng sọc xen lẫn với cây rừng tự nhiên. Mặt phía Tây giáp với đường Quốc lộ là những tản đá bao quanh che chắn, chiều cao của lớp đá này khoảng 10m, phía đông là những triền đồi chạy giáp với sông Hà Thanh.

Cách Đồi Đá Huê về phía Nam 1km là nơi diễn ra trận đánh đoàn tàu quân sự của địch năm 1961 của lực lượng vũ trang huyện và bộ đội chủ lực. Trận đánh này bộ phận chỉ huy đóng tại phía Tây – Nam Đồi Đá Huê. Đúng 16 giờ ngày 06/10/1961 ta xuất quân, chỉ đánh tại phía Tây – Nam Đồi Đá Huê, còn lực lượng chủ công bố trí phía Tây đường sắt. Một bộ phận chặn đánh quân tiếp viện từ Vân Canh vào, cách Đồi Đá Huê 1km. Lực lượng chủ lực của ta được bố trí ở phía Tây đường sắt dùng dây giật đường ray lật đổ đoàn tàu của địch lúc 23 giờ 30 phút, Bộ đội ta nổ súng nhanh chóng chiếm lĩnh đoàn tàu quân sự gồm 23 toa chở vũ khí, phương tiện chiến tranh và binh lính từ Sài Gòn ra tăng viện chiến trường Quân khu V. Sau 3 giờ chiến đấu ta tiêu diệt 117 tên, bắt 10 tên, phá hủy 01 đầu máy, 03 toa tàu cùng nhiều quân trang, quân dụng. Ngay hôm sau (07/10) địch cho 1 tiểu đoàn gồm 300 tên có phi cơ yểm trợ, chúng càng quét các xã Canh Sơn (Canh Thuận), Canh Lãnh, Canh Thành (Canh Hòa) tàn phá tài sản và hoa màu của nhân dân suốt 3 ngày liền mới rút quân.

Chiến thắng Đá Huê thể hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng vũ trang huyện Vân Canh và bộ đội chủ lực tỉnh nhằm tiêu diệt một lực lượng lớn, gây cho địch hoang mang, dao động. Chiến thắng Đá Huê góp phần làm thất bại “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ. Nhưng với bản chất phản động, bọn Mỹ Diệm vẫn ráo riết tiếp tục thực hiện kế hoạch “ấp chiến lược” nhằm dồn dân lập ấp, chia cắt nhân dân với cách mạng.

Ngày 27/01/1973 Hiệp định Pari ký kết, chấm dứt hoàn thoàn sự hiện diện của quân đội Mỹ và chư hầu tại miền Nam Việt Nam. Nhưng bọn xâm lược vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” sử dụng chính quyền tay sai Nguyễn Văn Thiệu tìm mọi cách phá hoại Hiệp định Pari ngay từ khi ký kết.

Tại Vân Canh chúng tăng cường quân đội và bộ máy kèm kẹp, tiếp tục mở nhiều đợt càn quét, giành dân lấn đất. Chiến thắng Đá Huê năm 1973 thể hiện lòng quyết tâm đánh địch của quân và nhân dân Vân Canh dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Mặt trận dân tộc giải phóng và chính phủ cách mạng lâm thời Công hòa miền Nam Việt Nam, buộc địch phải rút về tử thủ tại chi khu quận lỵ, chấp hành mệnh lệnh tổng tiến công, tông khởi nghĩa giải phóng toàn tỉnh ngày 31/3/1975, huyện Vân Canh cũng đồng loạt giải phóng khỏi ách thống trị, đàn áp của Mỹ ngụy.

Trải qua 21 năm chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân huyện Vân Canh đã vượt qua sự gian khổ đầy hy sinh, thách thức trong từng chặn đường lịch sử, đồng lòng, quyết tâm đánh đuổi Mỹ ngụy tiến lên giành thắng lợi cuối cùng.

Đồi Đá Huê đã minh chứng nhiều chiến công oai hùng của các dân tộc huyện Vân Canh trong suốt chặn đường kháng chiến chống Mỹ cứu nước từ những năm 1954-1975. Một di tích đặc biệt chất chứa toàn những tình cảm thân thương của các đồng chí tiền bối vì Đảng vì dân, bất chấp sự hy sinh gian khổ, quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để giành độc lập, tự do cho dân tộc. Chúng ta thế hệ hôm nay những người có trách nhiệm với tiền nhân cần phải gìn giữ, bảo vệ di tích này thể hiện lòng biết ơn sâu sắc những anh hùng liệt sĩ đã xả thân vì nước, đồng thời góp phần bảo vệ vững chắc và tăng cường công tác giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, luôn đoàn kết yêu thương con người và cuộc sống, xây dựng thành công tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, làm cho quê hương, đất nước ta ngày càng giàu đẹp như sinh thời Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã từng mong muốn.

Đồi Đá Huê được UBND tỉnh Bình Định xếp hạng di tích lịch sử vào ngày 09/11/2012 theo quyết định số 619/QĐ-UBND về việc xếp hạng di tích cấp tỉnh: Di tích lịch sử Đồi Đá Huê, thuộc xã Canh Thuận, huyện Vân Canh, tỉnh Bình Định.

Đây là niềm tự hào lớn lao của Đảng bộ, chính quyền, dân và quân huyện nhà về truyền thống đấu tranh kiên cường anh dũng trong sự nghiệp bảo vệ tổ quốc, giành lấy độc lập, tự do cho quê hương, đất nước, đồng thời là niềm vinh dự cao quý, được UBND tỉnh công nhận, xếp hạng di tích góp phần thiết thực có hiệu quả trong việc giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau./.

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây