Giới thiệu khái quát huyện Yên Lập
ĐIỀU KIỆN TỰ NHIÊN
1. Vị trí địa lý
Yên Lập là huyện miền núi ở phía Tây Bắc của tỉnh Phú Thọ, cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 70 km, có toạ độ địa lý từ 21o13’ đến 21o33’ vĩ độ Bắc và từ 104o52’ đến 105o10’ kinh độ Đông. Tổng diện tích tự nhiên là 43783,62 ha, với 17 đơn vị hành chính (16 xã và 01 thị trấn ). Địa giới hành chính giáp các tỉnh, huyện: Phía Đông giáp huyện Cẩm Khê và huyện Tam Nông (Phú Thọ), phía Tây giáp huyện Văn Chấn (Yên Bái), phía Nam giáp huyện Thanh Sơn, Tân Sơn (Phú Thọ) và phía Bắc giáp huyện Hạ Hoà (Phú Thọ).
Trên địa bàn huyện có 55 km đường quốc lộ70B đi qua; 06 tuyến đường tỉnh lộ là các tuyến đường ĐT313, ĐT313B, ĐT321, ĐT321B, ĐT313D và ĐT321C, toàn bộ các tuyến đường tỉnhlộ trên địa bàn huyện Yên Lập có chiều dài là 54 km.
2. Địa hình
Yên Lập là huyện miền núi, địa hình đa dạng và phức tạp, có nhiều dãy núi cao, độ dốc lớn, hệ thống suối, khe, ngòi hẹp và dốc lại phân bố không đều làm cho địa hình bị phân cách mạnh. Địa bàn huyện có thể phân thành 3 tiểu vùng chính.
Tiểu vùng 1: các xã vùng hạ huyện (vùng thấp): Là vùng địa hình núi thấp, đồi cao gồm các xã Minh Hoà, Đồng Lạc, Ngọc Đồng, Ngọc Lập, Phúc Khánh phù hợp cho phát triển các loại cây công nghiệp lâu năm (chè) và cây nguyên liệu giấy, đồng thời sản xuất chế biến vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, do địa hình phân cách nên việc phát triển hệ thống thuỷ lợi gặp nhiều khó khăn.
Tiểu vùng 2: Các xã vùng Trung huyện (vùng giữa) gồm các xã Xuân Viên, Xuân Thuỷ, Hưng Long, Đồng Thịnh, Thương Long, Thị trấn Yên Lập. Đây là vùng thung lũng được tạo bởi hai sườn núi cao phía đông và tây huyện, đất được hình thành do bồi tụ trong qúa trình phong hoá có thành phần cơ giới chủ yếu là đất thịt trung bình và thịt nặng, phù hợp cho phát triển sản xuất cây lương thực (lúa, ngô) theo hướng chuyên canh và thâm canh cao, phát triển những giống lúa chất lượng cao; đồng thời phát triển công nghiệp chế biến nông sản và dịch vụ.
Tiểu vùng 3: Các xã vùng Thượng huyện, gồm các xã Mỹ Lung, Mỹ Lương, Lương Sơn, Xuân An, Nga Hoàng và Trung Sơn. Đây là vùng địa hình bị phân cách mạnh, một số khu vực đồi núi có độ dốc cao trên 25°, về mùa mưa thường xảy ra lũ quét, về mùa khô lại hay bị hạn. Trong tiểu vùng có một số khoáng sản và một vài điểm danh lam thắng cảnh và di tích lịch sử. Do vậy tiểu vùng này phù hợp với phát triển lâm nghiệp với các loại cây lấy gỗ và cây đặc sản có giá trị kinh tế cao; phát triển cây ăn quả, cây công nghiệp; phát triển dịch vụ du lịch và có thể khai thác quặng sắt ở xã Lương Sơn, Xuân An.
3. Khí hậu, thuỷ văn và sông ngòi
Yên Lập nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, nhiệt độ trung bình năm vào khoảng 22,5°C, cao nhất 39°C và thấp nhất 4-5°C. Có hai mùa chính: Mùa đông lạnh và khô hạn, kéo dài từ tháng 11 đến tháng 2 năm sau với nhiệt độ trung bình 14,2°-18°; mùa hè nóng và mưa nhiều, kéo dài từ tháng 6 đến tháng 9 với nhiệt độ trung bình 28-30°C. Lượng mưa trung bình năm là 1.570 mm. Độ ẩm trung bình trong năm là 86-89%, cao nhất lên đến 90% vào tháng 7.8 và thấp nhất xuống đến 62% thường vào tháng 12 hàng năm.
Chế độ thuỷ văn phụ thuộc vào cấu tạo địa hình. Mực nước trong các suối, khe, ngòi, hồ chưá nước trong địa bàn huyện lên xuống thất thường, đột ngột phụ thuộc vào các trận mưa lớn trong mùa mưa. Mực nước tại các suối hàng năm là +25,45m, mực nước lũ lịch sử từng đạt đến +56,62 m. Hàng năm thường xảy ra lũ ống gây ngập lụt cục bộ, có thể kéo dài đến 2 ngày tuỳ thuộc vào từng trận mưa lớn.
Trên địa bàn Huyện không có sông chảy qua, chủ yếu có các suối nhỏ đổ ra ngòi (Ngòi Lao, Ngòi Giành). Ngòi Lao bắt nguồn từ Mũi Kim (tỉnh Yên Bái) chảy qua địa phận các xã Mỹ Lung, Mỹ Lương. Ngòi Giành bắt nguồn từ Nghĩa Tâm (tỉnh Yên Bái) chảy qua địa phận các xã Trung Sơn, Xuân An, Xuân Viên, Lương Sơn, sang xã Phượng Vĩ (huyện Cẩm Khê) rồi đổ ra sông Thao.
Nhìn chung, chế độ khí hậu và thuỷ văn trên địa bàn tương đối khắc nghiệt, gây không ít khó khăn cho sản xuất nông nghiệp và cho đời sống của người dân trong Huyện.
4. Các nguồn tài nguyên thiên nhiên
4.1. Quỹ đất đai
Tổng diện tích tự nhiên của Yên lập là 43.746,5 ha, chiếm 12,41% diện tích tự nhiên của tỉnh Phú Thọ. Trong tổng diện tích đất tự nhiên đất nông nghiệp là 39.288,26ha chiếm 89,62%. Trong tổng diện tích đất nông nghiệp, đất sản xuất nông nghiệp là 11.189,42ha chiếm 25,52%; đất lâm nghiệp là 27.086,41ha 61,79% và đất nuôi trồng thuỷ sản là 1.010,04ha chiếm 2,30%. Trong diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đất trồng cây hàng năm là 5.073,10ha, chỉ chiếm 11,57%. Đất phi nông nghiệp của Huyện có 4.348,81ha, chiếm 9,92% diện tích đất tự nhiên, trong đó đất ở là 783,32ha chiếm 1,79%; đất chuyên dùng là 2067,32 ha, đất quốc phòng an ninh là 1196,47ha và đất dùng vào mục đích công cộng 777.19 ha. Đất chưa sử dụng của huyện có diện tích là 200,55 ha chiếm 0,46 % tổng diện tích tự nhiên. Với quỹ đất như trên, huyện Yên Lập có nhiều thuận lợi trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là cây lâm nghiệp và cây công nghiệp lâu năm.
4.2. Tài nguyên khoáng sản, nước
Theo số liệu điều tra về địa chất và báo cáo thuyết minh dự án khảo sát đo đạc xác định khu vực quản lý khai thác và bảo vệ khoáng sản trên địa bàn huyện thì Yên Lập có tổng số 18 điểm mỏ và điểm quặng nằm rải rác ở các xã trong huyện, trong đó có 9 mỏ đá (ở xã Phúc Khánh, Ngọc Lập, Mỹ Lung, Mỹ Lương, Trung sơn); 2 mỏ than bùn (ở Thị trấn Yên Lập và xã Nga Hoàng); 3 mỏ quặng sắt (ở Lương Sơn, Xuân Thuỷ và Thị trấn Yên Lập); 3 mỏ chì kẽm (ở Đồng Thịnh, Phúc Khánh); 1 mỏ chì bạc (ở Thượng Long). Các mỏ khoáng sản trên địa bàn huyện hầu hết chưa được điều tra, khảo sát, đánh giá chính xác trữ lượng và chất lượng. Qua thăm dò ước tính trữ lượng và chất lượng các mỏ này đều ở mức trung bình và nhỏ, tuy nhiên đây sẽ là nguồn tài nguyên quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế của huyện.
Nguồn tài nguyên nước huyện Yên Lập không lớn kể cả nước mặt và nước ngầm, nguồn nước ít bị ô nhiễm, nguồn nước ngầm có chất lượng tốt cho sinh hoạt và phục vụ sản xuất .
5. Kết cấu hạ tầng
Cấp điện, nước:đã có 17/17 xã, thị trấn trong huyện có điện lưới quốc gia, 5/17 xã được đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước sinh hoạt.
Giao thông vận tải: Trên địa bàn huyện có 55 km đường quốc lộ70B đi qua; 06 tuyến đường tỉnh lộ là các tuyến đường ĐT313, ĐT313B, ĐT321, ĐT321B, ĐT313D và ĐT321C, toàn bộ các tuyến đường tỉnh lộ trên địa bàn huyện Yên Lập có chiều dài là 54 km. Ngoài ra làm mới và nâng cấp nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã và các công trình phúc lợi khác… làm cho bộ mặt nông thôn Yên Lập có nhiều biến đổi. Giao thông nông thôn được cải thiện một bước, 100% số xã trong huyện có đường ô tô.
Thông tin liên lạc: Đạt tỷ lệ 30 máy điện thoại/ 100 dân. Huyện có 1 bưu điện huyện, 1 bưu cục khu vực, 15 điểm bưu điện văn hoá xã.
ĐỜI SỐNG KINH TẾ
– Trong truyền thống, các dân tộc huyện Yên Lập canh tác chủ yếu ở các ruộng nước thung lũng hay những doi đất nhỏ hẹp dưới chân các dãy núi, ven các đồi gò thấp với hệ thống mương phai rất đặc trưng. Lúa nước là cây lương thực chính. Đời sống kinh tế của người Yên Lập ngày xưa cũng rất khó khăn, thấp kém bởi với phương tiện, công cụ sản xuất lạc hậu, lối làm ăn manh mún, tự túc tự cấp. Bên cạnh làm lúa nước, người Yên Lập còn làm nương rẫy để gieo lúa cạn và trồng các thứ hoa màu khác góp phần nâng cao đời sống kinh tế.
– Về vị trí định canh, định cư: người Yên Lập Phú Thọ cư trú tập trung ở vùng thung lũng chân núi, nơi có độ cao không lớn. Đặc điểm nổi bật trong phân bố dân cư của người Yên Lập Phú Thọ là tính tập trung, cư dân Mường chiếm tới trên 90% dân số cả xã. Sự xen kẽ giữa người Mường và người Việt trong các địa phương này cũng diễn ra theo nhiều cấp độ khác nhau, những xã gần huyện thì người Mường và người Việt sống xen kẽ nhưng thành từng làng hoặc chòm xóm riêng biệt, ở những nơi vùng sâu, vùng xa thì mức độ xen kẽ ngay trong cùng một làng nhưng tỷ lệ người Việt rất ít, có những nơi như xã Trung Sơn, tỷ lệ người Việt cư trú là dưới 100 người.
– Về tính đặc thù trong sản xuất kinh tế: Người Yên Lập sống định canh, định cư nên trong sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là canh tác lúa nước, sản xuất nhỏ theo kiểu tự túc, tự cấp; ngoài việc cấy lúa nước họ còn phát nương trồng lúa. Sau năm 1999, với dự án 135 hỗ trợ phát triển kinh tế cho các xã miền núi đặc biệt khó khăn, đã tạo ra những bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp của đồng bào nhờ đó mà mức sống và thu nhập của người dân được cải thiện. Cơ chế thị trường đã tác động rất lớn đến tập quán canh tác và chăn nuôi của Nhân dân việc trao đổi, mua bán hàng hoá diễn ra phong phú và nhộn nhịp không khác gì các chợ miền xuôi; đây là điều kiện thuận lợi để người dân thoát dần ra khỏi tập quán canh tác cũ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào.
Nghề thủ công truyền thống chủ yếu là nghề mộc, đan lát, dệt vải. Trước đây, gia đình nào cũng có khung cửi, họ tự trồng bông, trồng dâu, nuôi tằm và dệt vải; người phụ nữ làm ra những vuông vải cho mình, cho những người trong gia đình và làm của hồi môn đem đến nhà chồng. Sự khéo léo thể hiện trong những vuông vải trở thành một trong những tiêu chuẩn về giá trị của người phụ nữ. Mặc dù rất khéo léo nhưng nghề mộc chỉ dừng lại ở phạm vi tương trợ, giúp nhau dựng nhà, làm khung cửi, làm đuống, cối giã gạo hoặc phục vụ cho sản xuất vui chơi chứ không chuyên mộc, không làm hàng hoá; việc đóng các đồ gia dụng, làm gạch, xây nhà… chỉ phổ biến trong thời gian gần đây.
Chính những nét đặc thù trong hoàn cảnh sống và kinh tế đã góp phần làm nên những giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể độc đáo của Yên Lập.
ĐỜI SỐNG VĂN HÓA, TINH THẦN
Cộng đồng dân tộc ở Yên Lập đã trải qua các thời kỳ lịch sử, đấu tranh vật lộn với thiên nhiên, chống chọi với thú dữ để sinh tồn từ thế hệ này đến thế hệ khác, có truyền thống đoàn kết một lòng chống giặc ngoại xâm bảo vệ quê hương, làng bản.
Đồng bào Yên Lập còn lưu giữ một số phong tục tập quán, văn hóa dân gian truyền thống mang đặc trưng dân tộc mình như thích ăn các món đồ như xôi đồ, rau, cá đồ; các món thịt thính, cơm lam. Cơm, rau đồ chín được dỡ ra dá tãi đều cho khỏi nát trước khi ăn. Món xôi đồ được nhuộm bằng các lá màu đỏ, tím, xanh, vàng; Rượu men lá Trung Sơn nổi tiếng bởi cách chế biến và hương vị đậm đà của men được đem ra mời khách quý và uống trong các cuộc vui tập thể.
Hoạt động văn hoá, văn nghệ được đồng bào coi trọng và ưa thích, nhất là hát Xéc bùa (có nơi gọi Xắc bùa). Hát giang, hát ví là loại dân ca ca ngợi lao động và các nét đẹp phong tục dân tộc. Hò đu là hình thức hát giao du tâm sự tình yêu. Bên cạnh đó, còn có các thể loại hát khác như hát ru, hát đồng dao… Có những trò chơi được tổ chức chu đáo, công phu như: thi bắn nỏ, đánh đu, chơi còn… Các trò chơi của lứa tuổi thiếu niên nhi đồng được tổ chức linh hoạt ở mọi nơi, mọi lúc với những điều kiện chơi đơn giản, tiện lợi như trò đánh ô, đánh chắt, đánh cù quay. Đặc biệt, các tiết mục múa dân gian thường được tổ chức trong các dịp lễ tết, hội hè, cầu mưa, mừng nhà mới với mục đích cầu cho mưa thuận, giã hoà, mùa màng tươi tốt, nhà nhà yên vui, hạnh phúc.
TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ
Là huyện miền núi phía Tây của tỉnh, Yên Lập có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực phòng thủ quốc phòng, an ninh, huyện có 5 xã thuộc khu vực ATK. Trong quá trình lịch sử, các thế hệ nhân dân huyện Yên Lập luôn phát huy tinh thần đoàn kết, đấu tranh anh dũng của vùng đất giàu truyền thống cách mạng.
Ngay trong những năm đầu của thời kỳ vận động thành lập chính quyền cách mạng, mặc dù ở địa phương chưa thành lập được tổ chức Đảng, nhưng thông qua các hoạt động của Mặt trận Việt Minh và các cán bộ của chi bộ Cát Trù – Thạch Đê, nhân dân huyện Yên Lập đã tích cực tham gia xây dựng các cơ sở cách mạng, tiêu biểu là chiến khu Lòng Chảo – Minh Hòa, một trong ba chiến khu kháng Nhật của tỉnh.
Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, vào cuối tháng 9 năm 1945, đồng chí Nguyễn Đan Thành được Tỉnh ủy Phú Thọ phân công theo dõi và chuẩn bị thành lập các chi bộ Đảng ở huyện Yên Lập. Sau một thời gian thử thách, giác ngộ, tuyên truyền về Đảng, 6 quần chúng ưu tú đã được kết nạp Đảng. Trên cơ sở số đảng viên mới kết nạp, ngày 20-4-1947 chi bộ Hưng Long được thành lập, đồng chí Nguyễn Đan Thành được bầu làm Bí thư. Ngay sau khi được thành lập, chi bộ đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ nhất (tháng 1-1947) về công tác xây dựng Đảng; phân công đảng viên về các xã trong huyện gây dựng phong trào, tổ chức thành lập các chi bộ Đảng. Đến cuối năm 1948, huyện Yên Lập đã thành lập được 11 chi bộ với 233 đảng viên. Trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng mới, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên địa bàn huyện Yên Lập, Tỉnh ủy Phú Thọ quyết định thành lập Đảng bộ lâm thời huyện Yên Lập. Ngày 19 tháng 7 năm 1948, tại nhà ông Lê Văn Nguyên (Xóm Xấu, xã Xuân Thủy), Đại hội Đảng bộ huyện Yên Lập lần thứ nhất được triệu tập. Đây là mốc son lịch sử, đánh dấu bước phát triển mới cả về lượng và chất của phong trào cách mạng ở huyện vùng cao này.
Ngay sau khi được thành lập, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân đoàn kết một lòng, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, cùng nhân dân cả nước quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng. Nhân dân huyện Yên Lập hăng hái thi đua lao động sản xuất, vừa xây dựng hậu phương, vừa dũng cảm chiến đấu chống giặc càn quét bảo vệ quê hương, đồng thời tích cực chi viện sức người, sức của cho kháng chiến, góp phần cùng với quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.
Năm 1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, phát huy những thành tựu đã đạt được của thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân trong huyện chiến đấu và chiến thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, hoàn thành kế hoạch những năm đầu xây dựng Chủ nghĩa xã hội; chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam. Hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm của nhân dân Yên Lập được gửi ra tiền tuyến; hàng ngàn cán bộ, đảng viên và nam nữ thanh niên vào bộ đội, đi thanh niên xung phong, tham gia dân công hỏa tuyến, chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở khắp các chiến trường, cùng quân và dân cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trải qua các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, Yên Lập có 421 thương, bệnh binh và 652 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập dân tộc.
Bước vào những ngày đầu của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, trước bộn bề những thử thách: Tập quán canh tác lạc hậu, chủ yếu mang tính tự cung tự cấp, đời sống nhân dân khó khăn; hạ tầng kinh tế – xã hội yếu kém; địa hình phức tạp, giao thông không thuận tiện, đội ngũ cán bộ còn thiếu nhiều về số lượng, hạn chế về chất lượng… Với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, đổi mới, phát triển, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa rất quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Những năm qua kinh tế của huyện phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 10% trở lên. Năm 2012 giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 510,6 tỷ đồng; giá trị tăng thêm ngành công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp – xây dựng cơ bản đạt 119,8 tỷ đồng; ngành thương mại – dịch vụ đạt 208 tỷ đồng; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 30,25 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 8 triệu đồng/ người/ năm; bình quân lương thực đầu người đạt 436,6 kg; giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp đạt trên 60 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tiến bộ, giá trị và hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích đều tăng cao; sản xuất hàng hóa đã và đang thay thế tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp; sự gắn kết giữa sản xuất, chế biến với vùng nguyên liệu ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Một số sản phẩm có thế mạnh: Chè, cây lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản … được quan tâm phát triển; hình thành được vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Người dân Yên Lập đã có những chuyển biến mạnh mẽ về thay đổi tư duy sản xuất, được tạo điều kiện vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc ngay trên mảnh đất quê hương.
Nếu 15 năm về trước toàn huyện chỉ có chưa đến 1km đường nhựa, 1 trạm biến áp ở khu vực trung tâm; trên 70% số lớp học là tranh tre tạm bợ, trạm y tế xuống cấp; mương đập không đủ nước cho sản xuất thì đến nay 100% tuyến đường giao thông đến trung tâm các xã, thị trấn được nhựa hóa; 100% các xã, thị trấn có điện lưới quốc gia, các nhà trường, lớp học cơ bản được xây dựng kiên cố. Năm 2003, huyện Yên Lập đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; năm 2012 được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đến nay, toàn huyện có 23/59 trường đạt chuẩn quốc gia (trong đó có 04 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2) góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Huyện ủy về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn huyện; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; Trung tâm y tế huyện và bệnh viện Đa khoa được đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại, đạo đức nghề nghiệp và chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Hệ thống các thiết chế văn hóa ở cơ sở được đầu tư theo hướng xã hội hóa, góp phần tăng nhanh số người được hưởng thụ văn hóa; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực và ngày càng đi vào chiều sâu. Những năm gần đây tỷ lệ hộ gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa đạt từ 84,5 – 90%. Các di tích, di sản văn hóa như khu di tích lịch sử – văn hóa Chiến khu cách mạng Lòng Chảo Minh Hòa; đình Phục Cổ (Minh Hòa); di tích lịch sử – văn hóa căn cứ Tôn Sơn – Mộ Xuân, xã Xuân An; cây di sản ở Xuân An và Minh Hòa …) được trùng tu, tôn tạo và phát huy hiệu quả, các lễ hội văn hóa truyền thống được chú trọng, khôi phục và phát triển. Các chính sách xã hội được quan tâm thực hiện và đạt kết quả tốt, nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực như: Phong trào đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, chăm lo gia đình chính sách, người khuyết tật,… Chương trình xóa đói giảm nghèo đạt kết quả rất đáng khích lệ góp phần giảm nhanh và vững chắc số hộ nghèo, tăng nhanh số hộ khá và hộ giàu. Cấp ủy đảng, chính quyền luôn coi trọng lãnh đạo công tác phát triển kinh tế với thế trận an ninh quốc phòng vững chắc. Thường xuyên giáo dục nâng cao ý thức cảnh giác chống âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; phong trào vì an ninh tổ quốc được đẩy mạnh góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh xã hội.
Cùng với những thành tựu về kinh tế – xã hội, công tác xây dựng Đảng, chính quyền và củng cố hệ thống chính trị đạt được những kết quả quan trọng. Từ 3 chi bộ hạt giống đầu tiên với số lượng chưa đến 20 đảng viên, đến nay, Đảng bộ huyện Yên Lập đã có 43 chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc với 4.116 đảng viên; 222/223 khu dân cư đã thành lập chi bộ; tỷ lệ cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh hàng năm đều đạt trên 60%, không có tổ chức cơ sở Đảng yếu kém; tỷ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành nhiệm vụ trở lên đạt trên 99%. Bộ máy chính quyền không ngừng được được củng cố, sắp xếp theo hướng khoa học gọn nhẹ, hiện tại 100% các đồng chí lãnh đạo, quản lý cấp huyện có trình độ đại học và trên đại học. Công tác dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể được củng cố, kiện toàn đổi mới, toàn Đảng bộ tích cực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, không ngừng xây dựng đảng bộ vững mạnh xứng tầm lãnh đạo các phong trào cách mạng của huyện thực hiện nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng mới.
Với những thành tích đã đạt được trong 65 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ và nhân dân huyện Yên Lập vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Hơn 10 nghìn lượt người được tặng Huân, Huy chương; 13 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; 3 cá nhân được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; 4 xã, thị trấn được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Yên Lập vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và Huân chương Lao động hạng Ba trong thời kỳ đổi mới vào năm 2011.
Tự hào với truyền thống vẻ vang luôn song hành với ý thức trách nhiệm lớn lao. Phát huy truyền thống đoàn kết, tiếp bước các thế hệ đi trước, Đảng bộ huyện Yên Lập quyết tâm lãnh đạo nhân dân phấn đấu xây dựng quê hương Yên Lập ngày càng giàu đẹp, sánh vai cùng các huyện bạn trên con đường xây dựng Chủ nghĩa xã hội, xứng đáng với truyền thống lịch sử của Đảng bộ và niềm tin của nhân dân.