Giới thiệu khái quát thị xã Bình Minh
Thị xã Bình Minh được thành lập theo Nghị quyết số 89/NQ-CP, ngày 28/12/2012, là một trong 08 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Vĩnh Long, tổng diện tích đất tự nhiên 9.363,29 ha, có 8 đơn vị hành chính trực thuộc cụ thể: có 03 phường: Cái Vồn, Thành Phước, Đông Thuận và 5 xã :Thuận An, Đông Bình, Mỹ Hòa, Đông Thạnh, Đông Thành thuộc thị xã Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long). Dân số năm 2010 là 95.089 người, mật độ dân số bình quân 956 người/km2; có 02 tuyến quốc lộ 1A và quốc lộ 54 đi qua, cách TP Cần Thơ 3km, cách TP Vĩnh Long 30km, cách TP Hồ Chí Minh khoảng 165km và cách sân bay quốc tế Cần Thơ 20km. Bình Minh có vai trò quan trọng là đô thị vệ tinh của TP Cần Thơ, có vị trí giao thông thủy, bộ và hệ thống cảng, đường hàng không thuận lợi trong việc giao lưu, hợp tác phát triển trong thời gian qua và những năm tiếp theo. Ngoài ra, thị xã Bình Minh còn là trung tâm tổng hợp cấp vùng liên huyện, có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội đặc biệt thuận lợi; quốc phòng, an ninh luôn được đảm bảo; quy hoạch và thực trạng kết cấu hạ tầng cơ sở tương đối đồng bộ là tiền đề cho xây dựng và phát triển đô thị.
Thị trấn Cái Vồn, huyện Bình Minh (nay là phường Cái vồn, phường Thành Phước thị xã Bình Minh) được công nhận là đô thị loại IV theo Quyết định số 844/QĐ-BXD ngày 17/9/2010 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng và đã đạt được những tiêu chí cơ bản của cấp quản lý thị xã thuộc tỉnh.
Địa giới hành chính: Phía Đông giáp huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long; Tây giáp huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ; Nam giáp huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ; Bắc giáp huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long.
Bình Minh là đơn vị hành chính cấp huyện thuộc tỉnh Vĩnh Long. Toàn huyện có diện tích tự nhiên trên 9.152 ha với hơn 95 ngàn dân, cư trú trên địa bàn thị trấn Cái Vồn và 5 xã: Thuận An, Mỹ Hòa, Đông Bình, Đông Thạnh và Đông Thành.
Bình Minh là trung tâm tiểu vùng phía nam tỉnh Vĩnh Long, thuộc vùng kinh tế động lực của tỉnh. Bình Minh có 2 quốc lộ đi qua là quốc lộ 1A và quốc lộ 54, lại có lợi thế ven dòng sông Hậu, tuyến đường thủy quốc gia quan trọng nằm trong tiểu vùng Mekong. Bình Minh còn có vị trí địa lý chiến lược, chỉ cách thành phố Cần Thơ 3 km, cách thành phố Vĩnh Long 30 km và cách thành phố Hồ Chí Minh 165 km.
Bình Minh – thị xã bên dòng sông Hậu
Nhờ có thể tận dụng lợi thế hạ tầng như cảng biển, cảng hàng không của Cần Thơ – đô thị loại 1 trực thuộc TW, nên Bình Minh có điều kiện thuận lợi trong giao lưu hợp tác phát triển về kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh. Cùng với cơ sở hạ tầng đô thị đã có của một đô thị loại 4, là tiền đề để huyện Bình Minh xây dựng và phát triển thành thị xã Bình Minh.
Ngay từ năm 2003, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã có nghị quyết 05 về phát triển thị xã Vĩnh Long trở thành thành phố trực thuộc tỉnh và thị trấn Cái Vồn thành thị xã. 4 năm sau đó, vào tháng 7/ 2007, huyện Bình Minh được chia tách thành hai huyện là Bình Minh và Bình Tân. Tháng 9 – 2010, thị trấn Cái Vồn được Bộ xây dựng công nhận là đô thị loại 4. Tại kỳ họp thứ ba vào tháng 12 – 2011, Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Long khóa 8 đã thông qua nghị quyết về việc thành lập thị xã Bình Minh và điều chỉnh địa giới hành chính xã, thị trấn để thành lập các phường thuộc thị xã Bình Minh. Trong năm 2012,UBND tỉnh cũng đã có tờ trình gửi TTCP đề nghị thành lập thị xã Bình Minh và các phường thuộc thị xã Bình Minh.
Từ những cơ sở pháp lý này, bằng các nguồn vốn TW, tỉnh và huyện, trong những năm qua, Bình Minh đã được đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng theo tiêu chuẩn của một thị xã. Theo qui hoạch xây dựng vùng ĐBSCL đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2050 được TTCP phê duyệt thì Bình Minh sẽ là đô thị vệ tinh trong chùm đô thị TP. Cần Thơ. Còn trong tỉnh Vĩnh Long, Bình Minh là đô thị trung tâm của tiểu vùng phía Nam, là trung tâm tổng hợp cấp vùng liên huyện.
Đề án qui hoạch chung xây dựng đô thị Bình Minh giai đoạn 2004 – 2020 đã được UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt là cơ sở để Bình Minh triển khai qui hoạch chi tiết, làm tiền đề cho việc lập các dự án xây dựng đô thị và quản lý đô thị.
Năm 2011, thực hiện nghị quyết 11 của chính phủ về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, nhiều dự án đầu tư công phải cắt giảm. Tuy nhiên, tỉnh Vĩnh Long vẫn tập trung vốn xây dựng cơ bản cho huyện Bình Minh. Trong đó, trung tâm hành chính huyện Bình Minh qui mô 5,4 ha là một công trình hạ tầng đô thị trọng điểm, một cảnh quan kiến trúc đẹp cho thị xã Bình Minh trong tương lai. Công trình qui mô 1 trệt hai lầu với diện tích sàn 10 ngàn mét vuông, giá trị đầu tư 70 tỷ đồng đã được khánh thành và đưa vào sử dụng cuối năm 2011.
Với sự nỗ lực chung của các cấp các ngành trong tỉnh và của huyện, từ năm 2004 đến nay, nhiều nguồn vốn đã được huy động và tập trung cho chương trình phát triển đô thị của Bình Minh . Hàng loạt công trình xây dựng cơ bản đã được triển khai trên địa bàn. Trong đó, tuyến đường mới nối Khu hành chính huyện đến đường Nguyễn Văn Năm dài hơn 1.500 mét là trục giao thông chính và quan trọng của thị xã tương lai. Tuyến đường này có tổng vốn đầu tư 252 tỷ đồng đã được thi công và hoàn thiện giai đoạn 1. Hệ thống hạ tầng xã hội như Bệnh viện đa khoa, trung tâm giáo dục thường xuyên, Trung tâm văn hóa – thể thao, trung tâm thương mại đã và đang được xây dựng.
Nhiều công trình xây dựng cơ bản khác cũng đang được triển khai thi công xây dựng mới và cải tạo nâng cấp. Quốc lộ 1A đoạn qua nội ô thị trấn Cái Vồn đã được mở rộng, các cầu Thành Lợi, Phù Ly, Cái Vồn nhỏ trên tuyến quốc lộ 54 đã thi công hoàn chỉnh đã đưa vào sử dụng. Hệ thống giao thông đường bộ hiện có tổng chiều dài gần 23 km, trong đó các cầu quan trọng đều đã được xây dựng kiên cố, hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Hệ thống các công trình hạ tầng đô thị đã đạt yêu cầu tiêu chuẩn của một thị xã.
Tháng 4 – 2010, cầu Cần Thơ khánh thành và đưa vào sử dụng đã mở ra nhiều cơ hội mới cho Bình Minh, địa phương bờ bắc cầu Cần Thơ. Trong đó, Khu công nghiệp Bình Minh nằm ven sông Hậu, ngay chân cầu Cần Thơ là một điểm đến thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến với tỉnh Vĩnh Long. Với qui mô 132 ha, khu công nghiệp Bình Minh là khu vực sản xuất công nghiệp tập trung qui mô lớn thứ hai của tỉnh sau khu công nghiệp Hòa Phú, huyện Long Hồ. Đặc biệt, với lợi thế nằm ven dòng sông Hậu, gần hệ thống cảng và sân bay quốc tế, lại tiếp giáp với quốc lộ 1A thì đây là khu công nghiệp có nhiều triển vọng trong tương lai, góp phần nâng cao tỷ trọng công nghiệp của huyện Bình Minh và cả tỉnh Vĩnh Long. Hiện nay trong cơ cấu GDP của Bình Minh, công nghiệp chiếm tỷ trọng cao nhất với 39%; thương mại dịch vụ chiếm 37% và nông – ngư nghiệp chỉ còn 24%.
Nằm bên dòng sông Hậu, Bình Minh có ngành nông nghiệp phát triển đa dạng, với nhiều loại cây ăn trái, rau màu từ lâu nổi tiếng khắp vùng, như: bắp nếp Bình Minh, cải xà lách son Thuận An, v.v… Tuy nhiên, nổi tiếng nhất vẫn là bưởi 5 roi Mỹ Hòa. Đây là vùng chuyên canh bưởi 5 roi tập trung lớn nhất tỉnh và cả khu vực ĐBSCL. Từ chỗ tiêu thụ nội địa đến nay bưởi 5 roi Bình Minh đã được nhiều doanh nghiệp làm hàng xuất khẩu sang nhiều nước trên thế giới. Giá trị các sản phẩm trồng trọt trên một đơn vị diện tích hàng năm đều tăng, đạt hơn 86 triệu đồng/ ha, cao hơn 1,2 lần so với bình quân chung toàn tỉnh.
Nuôi trồng thủy sản của huyện Bình Minh mang lại hiệu quả kinh tế cao nhờ phát huy lợi thề của một địa phương bên bờ sông Hậu. Sản lượng thủy sản nuôi trồng và đánh bắt hàng năm đạt gần 3.500 tấn.
Nhờ sản phẩm nông nghiệp phong phú nên Bình Minh còn được biết đến như là địa phương tập trung nhiều cơ sở chế biến nông sản, sản xuất hàng tiểu thủ công nghiệp phát triển. Các làng nghề sản xuất tàu hủ ki, nghề sản xuất nước chấm, tương chao, nhang, v.v… vẫn duy trì phát triển và được nối tiếp nhau qua nhiều thế hệ. Toàn huyện hiện có 756 cơ sở sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, giải quyết việc làm cho gần 3.500 lao động. Giá trị sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp hàng năm mà địa phương này đóng góp vào giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh trên 300 tỷ đồng.
Thương mại dịch vụ cũng là một thế mạnh của huyện Bình Minh. Đây là địa phương tập trung nhiều chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng của tỉnh và chỉ đứng sau thành phố Vĩnh Long. Lĩnh vực thương mại dịch vụ của Bình Minh hiện thu hút hơn 8.700 lao động với gần 5 ngàn cơ sở. Ngoài ra, Bình Minh còn có tổng cộng 6 chợ loại 2, loại 3 góp phần đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ hàng năm đạt gần 1.800 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng hàng năm 25%.
Với chủ trương của TTCP thành lập thị xã Bình Minh và thành lập các phường thuộc thị xã Bình Minh, hiện nay huyện Bình Minh và tỉnh Vĩnh Long đang tập trung dồn sức hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ. Theo đó, thị xã Bình Minh bao gồm 8 đơn vị hành chính. Trong đó có 3 phường, gồm: phường Cái Vồn, phường Thành Phước, phường Đông Thuận và 5 xã, gồm: xã Thuận An, xã Mỹ Hòa, xã Đông Bình, xã Đông Thạnh và xã Đông Thành. 3 phường Cái Vồn, Thành Phước, Đông Thuận được thành lập trên cơ sở thị trấn Cái Vồn và những khu vực có tốc độ đô thị hóa cao của hai xã Thuận An và Đông Bình. Đây là khu vực hạt nhân trung tâm của thị xã Bình Minh.
Khi thị xã Bình Minh được thành lập, định hướng phát triển của thị xã là đưa kinh tế tăng trưởng bình quân 13,5% trong giai đoạn 2011 – 2015 và tăng trưởng 14,5% giai đoạn 2016 – 2020. Cơ cấu kinh tế được xác định là công nghiệp – xây dựng, dịch vụ và nông lâm, thủy sản. Trong đó tỉ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm 42%, dịch vụ chiếm 38% và nông lâm thủy sản còn 20%. Thu ngân sách năm dự kiến đạt hơn 1 ngàn tỷ đồng vào năm 2020.
Thị xã Bình Minh được Chính phủ thông qua sẽ có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo động lực để đẩy nhanh phát triển kinh tế xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng. Thị xã Bình Minh được thành lập còn đáp ứng nguyện vọng của nhân dân và là nguồn động viên đảng bộ, chính quyền và nhân dân địa phương. Qua đó mở ra một vận hội mới để vươn lên, xây dựng Bình Minh ngày càng hiện đại, văn minh, giàu đẹp và là một đô thị mới duyên dáng bên dòng Hậu Giang.
Thị xã Bình Minh: Quá trình xây dựng và phát triển
Mấy trăm năm qua những chặng đường
Từ vùng đất đầm lầy hoang vu, dân cư thưa thớt của những năm đầu thế kỷ XVII, đã hình thành nên điểm họp chợ nhỏ, rồi trở thành điểm “dừng chân” giao thương mua bán của cả vùng Nam sông Hậu. Ban đầu, chỉ là con rạch nhỏ đổ ra vàm sông Hậu.
Con rạch có tên Cái Vồn. Tên phiên dịch sang chữ Hán là Bồn giang (sông Bồn).Cái Vồn có lẽ là từ ghép nửa thuần Việt nửa Khmer, vì người Khmer gọi là Srôk Tà Von, cho nên ghép từ “cái” và “von” lại mà thành Cái Vồn chăng?.
Ngay trong địa danh đã cho thấy, từ xa xưa đây là vùng đất cộng cư của 3 dân tộc anh em: Kinh, Hoa, Khmer cùng sát cánh đoàn kết bên nhau khai phá vùng đất mới ở phương Nam.
Năm 1832, vua Minh Mạng chia Nam kỳ thành 6 tỉnh: Gia Định, Biên Hòa, Định Tường (miền Đông), Vĩnh Long, An Giang, Hà Tiên (miền Tây).
Khi thực dân Pháp chiếm nước ta (1867), thì đến năm 1871, “lục tỉnh” được chia nhỏ thành nhiều tỉnh, nhiều đơn vị hành chính để dễ bề cai trị. Đến 1876, Pháp bỏ hẳn cấp tỉnh mà chia thành 4 khu, dưới khu là hạt. Khu vực Vĩnh Long gồm có 4 hạt là: Vĩnh Long, Bến Tre, Trà Vinh, Sa Đéc.
Năm 1889, Pháp lại bãi bỏ các danh xưng địa hạt mà thay bằng tỉnh và quận; tổng và xã thay bằng thôn, xã, phường, ấp. Cái Vồn lúc này thuộc tổng An Trường, quận Trà Ôn, tỉnh Cần Thơ.
Trước cách mạng tháng Tám năm 1945, một số xã như: Đông Thành, Mỹ Thuận, Mỹ Hòa, Tân Quới, Tân Lược thuộc quận Trà Ôn và quận Ô Môn, tỉnh Cần Thơ.
Đến thời kỳ này, Cái Vồn vẫn còn khá hoang sơ, cây cối, cỏ dại mọc um tùm, nhà cửa ngay ở chợ cũng còn khá xập xệ. Nhưng việc giao thương buôn bán ở bến chợ lại khá nhộn nhịp. Có một số người Hoa có gia đình sinh sống tại đây, nhưng lại qua Nam Vang làm ăn, họ thường về lấy hàng hóa nên neo đậu ghe xuồng dưới sông.
Phần sông Cái Vồn là nơi dừng chân của các ghe hàng đi Sài Gòn, có cả ghe chở cá mắm từ miệt dưới lên đây mua bán, trao đổi.
Đến năm 1957, quận Bình Minh mới chính thức được thành lập. Có điều trùng hợp thú vị, là đúng nửa thế kỷ sau, vào ngày 31/7/2007 Thủ tướng Chính phủ đã ký Nghị định 125/NĐ-CP, về việc điều chỉnh địa giới hành chính huyện Bình Minh.
Sự điều chỉnh về địa lý tự nhiên, là yếu tố tiên quyết, cơ bản để tái cơ cấu lại kinh tế- xã hội theo hướng “công nghiệp- xây dựng, thương mại- dịch vụ và nông nghiệp”, tạo bước phát triển đột phá. Và đúng 5 năm sau, thị xã Bình Minh chính thức được công nhận.
Đến giấc mơ “kết nối”
Không phải ngẫu nhiên, mà đô thị trung tâm của Bình Minh được xây dựng theo trục chính Nam Bắc của Quốc lộ 1A, và hướng mở “mặt tiền” theo các trục đường xương cá về phía Đông. Đó là hướng đón mặt trời lên phía cầu Cần Thơ, là cây cầu dây văng cuối cùng và hiện đại nhất trên quốc lộ 1A nối liền thị trấn Năm Căn tỉnh Cà Mau, đến cột mốc số 0 tỉnh Lạng Sơn. Kết nối Với vùng đất cuối cùng của Tổ quốc gồm 6 tỉnh: An Giang, Kiên Giang, Hậu Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu và TP Cần Thơ với TP Hồ Chí Minh và thủ đô Hà Nội. Đó cũng là tiền đề cho sự phát triển mạnh mẽ của vùng đất còn nhiều khó khăn, chậm trễ trong đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế- xã hội.
Nếu nói một cách hình tượng, cầu Cần Thơ như một đòn bẩy để bật lên vùng đất cuối trời phương Nam, thì Bình Minh sẽ đóng vai trò “điểm tựa” của chiếc đòn bẩy, với tổng thể khu đô thị- công nghiệp- thương mại- dịch vụ phức hợp trong tương lai.
Địa thế đó, giúp cho đô thị Cái Vồn có ý nghĩa như cánh tay nối dài của TP Vĩnh Long. Và đóng vai trò cửa ngõ quan trọng trong giao lưu và phát triển kinh tế ra bên ngoài; đặc biệt là TP Cần Thơ và các tỉnh ở bờ Nam sông Hậu.
Đó không phải là sự bay bổng của trí tưởng tượng, mà là cả một quá trình chuẩn bị lâu dài, nghiêm túc và sự chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, cùng với sự quyết tâm, nỗ lực không mệt mỏi của Đảng bộ và nhân dân thị xã Bình Minh.
Với vị trí địa lý thuận lợi cho việc mở rộng phát triển theo hướng liên kết vùng. Đồng chí Nguyễn Thành Phan- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư- Chủ tịch UBND thị xã Bình Minh nhận định: “Bình Minh hội đủ điều kiện thuận lợi mà ít nơi nào có được.
Đây là lợi thế lớn tạo cho Bình Minh phát triển công nghiệp, thương mại- dịch vụ và nông nghiệp chất lượng cao. Mặt khác, hiện tại và tương lai, Vĩnh Long và Cần Thơ nói chung, Bình Minh- thị trấn Cái Vồn nói riêng, không chỉ đơn thuần là mối quan hệ kinh tế, văn hóa xã hội; mà còn là quan hệ hành chính của các cụm dân cư đô thị và trở thành quan hệ vùng.
Sẽ là đầu mối quan trọng của Vĩnh Long, với các tỉnh thành phía Nam sông Hậu. Trong đó, TP Cần Thơ là đầu mối quan hệ trực tiếp sẽ tác động lớn, để phát triển kéo theo thị xã Bình Minh và các huyện lân cận như: Bình Tân, Trà Ôn, Tam Bình…”.
Giờ đây, đứng trên cầu Cần Thơ từ độ cao 30m, phía dưới là dòng chảy sông Hậu hiền hòa, sẽ nhìn thấy một bức tranh cân xứng giữa hai bờ Nam Bắc. khi từ phía Bình Minh dần hình thành một khu đô thị, được viền quanh bởi màu xanh của sông nước và cây trái đặc sản.
Một đô thị được phát triển có định hướng đột phá, nhưng sẽ không đánh mất đi vẻ hài hòa bền vững của vùng sông nước miệt vườn.
Ngay trong những thời khắc cuối cùng của năm cũ sắp trôi qua, lòng người rộn ràng chào đón cái Tết cổ truyền của dân tộc, Vĩnh Long tổ chức trọng thể lễ công nhận thị xã Bình Minh. Niềm vui lớn sẽ tạo đà cho một năm mới, Bình Minh phát triển một cách mạnh mẽ, với vai trò mới, tầm vóc mới.