Giữ cốt cách thanh lịch của người Tràng An

Hà Nội bao đời nay luôn là trung tâm văn hóa, chính trị của cả nước, có bề dầy lịch sử nên dù trải qua nhiều biến cố, thăng trầm nhưng vẫn giữ được cốt cách, lối sống có nét riêng. Câu nói từ xa xưa vẫn văng vẳng trong người Hà Nội: ‘Chẳng thơm cũng thể hoa nhài/ Dẫu không thanh lịch cũng người Tràng An’.

Su thanh lich cua Phu nu Ha Noi xua toat len tu trang phuc den buoc di min - Giữ cốt cách thanh lịch của người Tràng AnSự thanh lịch của Phu nữ Hà Nội xưa toát lên từ trang phục đến bước đi

Học ăn, học nói…

Thăng Long vốn tích tụ truyền thống văn hóa lâu đời, là nơi hội tụ nhiều danh nhân, kẻ sĩ đất Bắc. Trước năm 1954, Hà Nội có hơn 3 vạn người, sau lần sáp nhập tỉnh Hà Tây giờ đây đã là gần 10 triệu dân. Cùng với biến đổi về mật độ dân số và tốc độ hiện đại hóa đến chóng mặt của một Thủ đô, nó còn đồng nghĩa với nhiều bất cập, mặt trái của xã hội. Trong đó phải kể đến nếp sống sinh hoạt, văn hóa của người Tràng An xưa cũng đang bị mất dần, chủ yếu diễn ra ở lứa tuổi thanh thiếu niên nhưng cũng không loại trừ số người lớn tuổi cũng bị cuốn theo lối sống thực dụng.

Một buổi sáng bên quán cà phê, tôi chứng kiến cảnh mấy chị phụ nữ trung tuổi, ăn mặc lịch sự, son phấn điệu đà, điện thoại xịn cầm tay, nhưng câu chuyện của họ không thể chấp nhận được . Một chị trong nhóm nói to như cãi nhau, hai tay liên tục giơ lên, hạ xuống: “Tao đã bảo mày bán mẹ căn hộ ở khu “Hà Nội 4” toàn dân “da đen” ấy đi. Thêm tiền mua trên này mà ở, vừa trung tâm, lại gần bạn bè, ở cái xóm quê ấy làm gì”. Sau họ còn bình luận gia cảnh riêng tư của những người vắng mặt, nhiều ngôn ngữ chợ búa, tục tĩu văng ra hàng tràng như đang ở nhà mình khiến những người xung quanh rất khó chịu. Một bận khác, tôi và 2 người bạn từ TP.HCM mới ra Hà Nội chơi để thưởng thức cái không khí mùa thu mà họ xa cách đã mấy chục năm. Đang nhâm nhi tách cà phê hàn huyên câu chuyện, một ông khách quen có đến hơn chục năm mới gặp lại nhìn thấy tôi bèn bắt tay vồn vã. Không mời, ông tự động kéo ghế ngồi rồi tuôn ra một loạt câu chuyện thời sự trong nước, nước ngoài. Ông nói như một cái máy, trên tay vẫn khư khư cái tăm vừa ăn sáng kéo ở miệng ra, hua hua trước mặt.

Su thanh lich cua Phu nu Ha Noi xua toat len tu trang phuc den buoc di 2 min - Giữ cốt cách thanh lịch của người Tràng AnSự thanh lịch của Phu nữ Hà Nội xưa toát lên từ trang phục đến bước đi

Dẫu không thanh lịch…

Trên đường phố Hà Nội, đôi khi ta hay bắt gặp những hình ảnh khó coi. Có đôi nam nữ trên chiếc xe máy, anh thì đầu trọc lốc, áo may ô, tay chân xăm trổ vằn vện như tấm bản đồ, chị thì áo ren mỏng tang nhìn thấy toàn cơ thể, váy cũn cỡn ngồi sau ôm chặt bụng người tình, mặt còn rúc vào cổ anh ta như thể xung quanh chẳng còn ai. Không khỏi bắt gặp trên đường phố người qua lại đông đúc, nhiều cô gái trẻ mặc chiếc áo thun thiếu vải ngắn cũn cỡn, khoe chiếc rốn cho bàn dân thiên hạ nhìn. Có vẻ như hở da thịt là mốt của nhiều cô gái thời thượng bây giờ. Một bận đến ngã tư có đèn đỏ, trước mặt tôi là 2 cô gái cưỡi trên 2 chiếc xe máy SH đắt tiền, áo của họ hớt lên gần lưng, quần bò thì trễ đến mông, để lộ ra cả một khoảng trống chẳng đẹp đẽ, cũng không hề ăn nhập với trang phục cùng chiếc xe đắt tiền của họ. Đã vậy, đèn đỏ giao thông mới báo con số 30, cả 2 nàng đã tăng ga…

Những hình ảnh trên của một bộ phận các cô gái trẻ đôi khi còn xuất hiện cả trên sân khấu, trong những chương trình giao lưu văn hóa, văn nghệ. Đơn cử, trong một chương trình truyền hình cách đây đã lâu, có tốp mấy cô gái mặc quần bò, khi ngồi xổm để lồng tiếng trong phim, quay lưng ra khán giả cũng phô bầy cả khoảng lưng và mông để mọi người phải ngán ngẩm, bình luận. Nơi đình chùa, đền thờ chốn tâm linh vào những ngày lễ, Tết, có không ít nam thanh, nữ tú rủ nhau đi lễ bái họ cầu xin “vào cầu, trúng quả”… thanh niên thuốc lá phì phèo, các cô gái áo ngắn, váy cũn cỡn. Họ vào chốn linh thiêng như nơi không người, chuyện trò, bá vai, khoác tay nhau trước con mắt bất bình của phật tử, người đi lễ.

Su thanh lich cua Phu nu Ha Noi xua toat len tu trang phuc den buoc di 3 min - Giữ cốt cách thanh lịch của người Tràng AnSự thanh lịch của Phu nữ Hà Nội xưa toát lên từ trang phục đến bước đi

Giáo dục ngay từ lớp trẻ

Đã đến lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật về nếp sống văn hóa, xã hội đang ngày càng xuống cấp một cách báo động. Nguyên do ngay từ nền giáo dục nhà trường cũng không đặc biệt chú trọng chương trình giáo dục công dân. Có ra chăng nữa thì học sinh được học theo kiểu “cưỡi ngựa xem hoa”, không sâu. Sang tới cấp THPT, hầu hết học sinh chuyển sang học một số chuyên đề pháp luật… thay vì giáo dục đạo đức công dân. Về gia đình hầu hết các bậc cha mẹ bận lao vào kiếm tiền, làm ăn, không loại trừ có người coi đồng tiền trên hết, quên hẳn quan tâm, chăm sóc, dạy dỗ, phép tắc, lối sống con cái hầu như thả nổi. Mặt khác, lớp trẻ giờ đây ít tiếp cận với văn hóa đọc. Thay vì những sách văn học trong nước, nước ngoài có tác dụng nâng cao kiến thức, mở rộng hiểu biết cho bản thân thì họ lại thích loại sách “mì ăn liền” dễ đọc như truyện tranh, sách bạo lực, truyện tình… Ngoài ra còn thú tiêu khiển khác như trò chơi điện tử, game, chat, lướt mạng sống ảo…

Cũng phải thừa nhận lớp trẻ ngày nay thông minh, tiếp thu nhanh, nhưng cũng có hai mặt tốt, xấu. Nếu không có nhận thức, phân biệt được cái tốt, cái xấu, cái có lợi ích hướng thiện thì sẽ bị lôi cuốn, du nhập lối sống, văn hóa của nước ngoài không phù hợp với thuần phong mỹ tục người Việt, sẽ làm biến dạng, méo mó cả thế hệ lớp trẻ ngày nay. Hà Nội được vinh danh là Thành phố hòa bình, đang từng ngày khởi sắc trên nhiều lĩnh vực, trong đó nếp sống văn hóa rất cần cho một Thủ đô văn minh, hiện đại. Là bộ mặt của cả nước, Hà Nội cần có sự quan tâm, tuyên truyền, giáo dục về nếp sống văn hóa trong cộng đồng người dân và lớp trẻ, đó là trách nhiệm của gia đình, nhà trường và xã hội.

DUY NGỌC

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây