Một trong những cấu trúc khó giải thích nhất trong hệ Mặt Trời có thể được sinh ra bởi một cú va chạm của hai mặt trăng băng giá quay quanh Sao Thổ.
Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học The Astrophysical Journal cho rằng trong “quá khứ thiên văn học gần”, hai mặt trăng của Sao Thổ đã va chạm và tạo ra các vành đai đặc trưng xung quanh hành tinh này.
TS Jacob Kegerreis từ Trung tâm Nghiên cứu Ames của NASA hóm hỉnh: “Sẽ rất tuyệt nếu biết liệu khủng long có kính viễn vọng đủ tốt hay không”.
Điều này ngụ ý rằng sự va chạm thảm khốc của hai mặt trăng nói trên có thể xảy ra vào thời đại của loài khủng long, bởi như các tính toán trước đó của NASA, hệ thống vành đai “non trẻ” của Sao Thổ chỉ khoảng vài trăm triệu năm tuổi.
Thời gian đó có thể rất xa xôi so với con người nhưng vẫn là “gần đây” đối với lịch sử thiên văn và tuổi đời của hành tinh – hơn 4,5 tỉ năm tuổi.
Theo tờ New York Times, nghiên cứu mới cho rằng Sao Thổ có thể đã có nhiều mặt trăng hơn con số 145 được xác nhận hiện nay, trong đó một số đã bị hủy diệt bởi các vụ va chạm.
Với kích thước vừa phải, hai mặt trăng băng giá sẽ đủ giải phóng nhiều vật chất lạnh lẽo về phía Sao Thổ.
Nếu lớp băng đó vượt qua và duy trì ở phía sau giới hạn Roche – ranh giới mà lực hấp dẫn thủy triều của một hành tinh có thể làm tan rã các mặt trăng – thì nó có cơ hội biến thành các vành đai.
Mặt trăng Rhea của Sao Thổ cũng có thể là kết quả của vụ va chạm của hai mặt trăng vài trăm triệu năm trước, điều đã khởi động cho chuỗi va chạm liên hoàn – Ảnh: NASA.
Những mảnh vỡ khác có thể đã va chạm vào các mặt trăng khác, làm các “nạn nhân” cũng vỡ ra chút ít, giải phóng thêm vật chất.
Lượng vật chất này có thể làm đầy các vành đai, cũng có thể kết tụ vào nhau để tạo thành các mặt trăng mới.
Điều này có thể giải thích sự non trẻ của Rhea, là mặt trăng lớn thứ 2 của Sao Thổ chỉ sau Titan.
Các quan sát của tàu vũ trụ Cassini của NASA cho thấy Rhea có quỹ đạo tròn và phẳng. Điều này chứng minh nó chỉ mới ra đời gần đây, có thể từ mảnh vỡ của các mặt trăng cũ hơn.
Đó cũng là lý do các nhà khoa học tìm kiếm sự sống trên Titan hay Enceladus – các mặt trăng “già” – chứ không phải Rhea dù nó rất lớn, bởi một thế giới quá “trẻ” sẽ khó lòng đủ thời gian cho các phản ứng sinh ra sự sống kịp hoàn thành.