Hải Nguyên, nỗi niềm lịch sử (1920 – 2014) – Tiến sĩ Huỳnh Văn Hoa

Hải Nguyên, nỗi niềm lịch sử (1920 - 2014) - Tiến sĩ Huỳnh Văn Hoa
Nhà thơ Hải Nguyên

HẢI NGUYÊN, NỖI NIỀM LỊCH SỬ
(1920 – 2014)

Nhà thơ Hải Nguyên, tên thật Trần Như Cảnh, sinh ngày 06-03-1920 tại Minh An, thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam và mất ngày 21-1-2014 tại thành phố Đà Nẵng, thọ 95 tuổi..

Từ 1945 đến 1954, dạy học tại các trường tiểu học, trung học tại Quảng Nam. Sau 1954, dạy trung học Nguyễn Du, Đồng Khánh (Huế), rồi Đại học Văn khoa – Đại học Huế.

Tốt nghiệp cử nhân văn chương. Giảng viên Khoa Tiếng Pháp, Đại học sư phạm Huế từ cuối thập niên 60. Về hưu (1-6-1986), sống tại Đà Nẵng.

Tác phẩm đã xuất bản: Đi tìm lịch sử, thơ, 1963

Trong Những nhà thơ hôm nay, NXB Nhà văn Việt Nam, Sài Gòn, 1967, Nguyễn Đình Tuyến tuyển chọn, giới thiệu 36 nhà thơ của miền Nam như Cung Trầm Tưởng, Nguyên Sa, Phạm Công Thiện, Cao Thị Vạn Giả, Diên Nghị, Thế Phong, Quách Thoại, Hoài Khanh, Nhã Ca, Nguyễn Đình Toàn, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Viên Linh, Trần Tuấn Kiệt, … Xứ Quảng có hai nhà thơ được tuyển chọn, đó là Bùi Giáng và Hải Nguyên.

Thơ Hải Nguyên ít được phổ biến. Sinh thời, khi giảng dạy môn Tiếng Pháp tại Đại học sư phạm Huế, sinh viên cũng như giới văn nghệ ít biết về ông. Ông sống lặng lẽ, không có gia đình riêng, không tham gia các sinh hoạt nghệ thuật. Tiếng thơ ông chìm khuất trong bộn bề cuộc sống. Tuy vậy, có thể thấy, Hải Nguyên đến với thơ bằng cả tấm lòng.

Thơ Hải Nguyên phảng phất những nỗi niềm của lịch sử, những tiếng vọng của quá khứ:

Hào hoa con mắt mỏi mòn
Theo giòng lịch sử lăn tròn bánh xe
(Điên)

Lịch sử như bánh xe lăn tròn qua bao năm tháng. qua các vương triều, qua bao cuộc đời, tráng chí và bi kịch:

Chí lớn không thành: răng bấm môi

Đi tìm lịch sử, như tên tác phẩm, có lý giải được những nỗi niềm, những hoài nghi, những băn khoăn, cả bất lực và hy vọng:

đuổi bóng ngày mai, bắt ngày mai
ngày mai nhìn lại, lạ hình hài
dài thương chân tướng, ngờ thân thế
một điểm người thôi: tối nghĩa hoài …

Thơ Hải Nguyên, trước hết, về hình thức, đó là thơ nhiều thể loại, có thơ tự do, thơ năm chữ, thơ lục bát. Nhiều câu thơ chỉ một, hai, ba âm tiết đến 7, 8 và có khi đến vài chục. Tính chất hiện đại thể hiện rõ trong sử dụng ngôn thơ ca. Câu thơ ngắn, dài không quan trọng, cái chủ yếu là diễn dạt, chuyển tải nội dung. Paul Valéry từng nêu suy nghĩ: Chúng ta hãy làm cho chúng ta phong phú hơn bằng những cái chúng ta khác nhau. Cái phong phú là những chỗ khác nhau.

Hải Nguyên yêu mến vô cùng Paul Valéry (1871-1945), một nhà thơ, một triết gia, một nhà mỹ học của văn chương Pháp, một đại diện tiêu biểu của chủ nghĩa tượng trưng trong thế kỷ XX. Có lẽ vì thế, trong thơ Hải Nguyên có không ít những hình ảnh thơ mang dấu vết, sự tương đồng với nhà thơ Pháp vĩ đại này. Đọc những Nghĩa trang trên biển (Le cimetière marin), Cánh rừng thân (Le bois amical), Gửi rạng đông (A l’aurore), Thần tiên (Le sylphe), Những bước chân (Les pas), Len lỏi (Insinuant) dễ thấy sự tương quan của ảnh hưởng này.

Những mẫu đời nho nhỏ, bài thơ viết về một đứa trẻ mười ba tuổi, tươi như một hoa sói, chết vội đêm qua, chết trong cảnh trời mưa gió nặng. Cái chết gợi nhớ gót giày / bóng nón / học đường / tiếng giảng bài lanh lảnh / dăm bảy tiếng cười / một bàn tay trao nhau / rảo bước bên nhau / trên sân / trên đường / những bóng cây râm mát … Trái tim nhà thơ run lên khi viết những dòng đẫm nước mắt về một da thịt / băng trinh / dưới mồ / đêm nay có lạnh / một tiếng chim kêu / run rúc trên cành phố phường / có nhớ / vĩnh viễn / đôi môi khép kín / đôi mắt / có bao giờ gặp lại / nghe ngày / nghe đêm / nghe bốn bể / âm u / hiu quạnh.

Hình ảnh đứa trẻ mười ba tuổi về trời hiện lên như thiên thần:

ôi
tuổi mười ba
xanh tươi
trắng mịn
tươi như một hoa sói
những hình ảnh đã xa
một cuộc đời
không bao giờ trở lại

Đếm bước, bài thơ có 9 câu: tôi đi đếm bước / chiều nay giữa phố không người / tôi đi đếm bước / đêm nay nếu sao lại sáng trăng lại lên / trông tìm chờ đợi / tôi đi đếm bước / hình ảnh cuộc đời / ngàn sau ngàn trước / có chăng mấy hội tình cờ. Đếm bước diễn tả bước đi của thời gian, từ chiều sang đêm. Phố thì không người. Sao lại sáng. Trăng lại lên. Con người cô đơn đếm bước. Ngàn sau ngàn trước, chỉ một mình. Sao giống Trần Tử Ngang trong Đăng U Châu đài ca. Bài thơ u hoài, cô đơn, trống vắng.

Cây đèn điện góc phố vắng, bài thơ tiêu biểu cho lối viết vật hóa đối tượng cảm xúc, giống các nhà văn hiện sinh:

Nó đổ ánh sáng xuống đường / đêm đêm chờ đợi / nắng cũng như mưa / không đêm nào quên / không đêm nào ngững… / cây – đèn – điện góc đường / chủ nhật thứ hai thứ ba thứ tư thứ năm thứ sáu thứ bảy / đêm đêm nào / cung sáng rực như đêm nào / … ánh sáng cứ đổ xuống / nhưng / thiếu / một chứng nhân / một con người đi đêm qua đây / để thấy / để hưởng / cây đèn điện / tự / cảm thấy / thừa / trong cuộc sống / không phải thừa / chỉ vì / không – người – qua – góc – đường – phố – vắng / cây đèn đường / dần dần / đi vào ý nghĩa cuộc đời / thiên đường của ta chính là kẻ khác.

Cây đèn đường vẫn đứng đó. Ánh sáng cứ đổ xuống / thiếu một chứng nhân, cảm thấy thừa. Do là, không ai quan tâm về sự tồn tại đó, nó không đi vào ý nghĩa cuộc đời. Hóa ra, cuối cùng, Hải Nguyên muốn mượn câu nói của J.P. Sartre (sinh 21 tháng 6, 1905 / mất 15 tháng 4, 1980 tại, Paris, Pháp): Địa ngục chính là kẻ khác (L’enfer, c’est les autres). Không, thiên đường của ta không / chẳng bao giờ là kẻ khác.

Bài thơ dài, có tên Định nghĩa nói khá rõ con người và thơ ca Hải Nguyên. Con người gắn bó với hoàn cảnh. Hoàn cảnh chi phối con người. Con người là của hoàn cảnh. Hoàn cảnh không đứng trên con người:

quả địa cầu cứ xoay mãi không mỏi
hoàn cảnh với con người
con người với hoàn cảnh
con người của hoàn cảnh
hoàn cảnh con người
con người hoàn cảnh
có bao giờ chia chia cắt …
quá khứ
hiện tại
tương lai
con người
không thời gian
không biên giới
con người
xa lạ
muôn đời
từng phút
từng giây
từng ti nguyên tử
trong nghi ngờ
cố đi tìm lịch sử
bỗng dựng nên
những vũ trụ bao la

Hải Nguyên, con người cô độc, luôn đi tìm: tìm quê hương, tìm quán trọ, tìm con người, cuối cùng, cả “quá khứ / hiện tại / tương lai /  không thời gian / không biên giới / cố đi tìm lịch sử / bỗng dựng nên / những vũ trụ bao la” (Định nghĩa).

Bài thơ ngắn, có tên Không đề, chỉ 5 câu, 34 từ, mô tả những cảnh đối lập, đối lập giữa sức sống và cái tàn lụi, dối lập giữa mầm sống (tiếng hát) và cái chết (hình hài vào lòng đất). Hải Nguyên đã gặp Nguyễn Gia Thiều trong tư duy siêu hình, Cuối cùng, tất cả không có gì tồn tại, “những mảnh hình hài vào lòng đất”:

một con chim hót trên cành
một con chim khô dưới gốc
những tiếng hát vào cuộc đời
những mảnh hình hài vào lòng đất
hiểu làm sao tất cả những gì chúng ta đã mất

William Faulkner (25/9/1897 – 6/7/1962, Giải Nobel Văn học 1949)  cho rằng, nỗi đau của con người song hành với thời gian. Ông nói: “Con người là tổng số những nỗi bất hạnh của hắn. Người ta có thể nghĩ rằng nỗi bất hạnh một ngày kia sẽ kết liễu bằng cách mòn mỏi đi, nhưng lúc đó chính thời gian lại trở thành nỗi bất hạnh của ta.” (Nguyễn Hữu Hiệu, Con đường sáng tạo, NXB Trẻ, 2003, trang 137, tái bản lần thứ nhất). Xét ở góc độ nhân sinh, Hải Nguyên cũng gần gũi với W. Faulkner trong định nghĩa về cuộc đời, về thơ, về nỗi niềm lịch sử.

Đà Nẵng, ngày 2-8-2020

HUỲNH VĂN HOA

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây