Hành trình trở thành Quốc phục của Áo dài Việt Nam – Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà Hải

Hành trình trở thành Quốc phục của Áo dài Việt Nam - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà Hải
Duyên dáng áo dài Việt Nam trên đỉnh Bà Nà Hills (ảnh Đinh Lơ)

Để trở thành Quốc phục như ngày hôm nay, Áo dài đã trải qua một bề dày lịch sử với nhiều mốc thời gian đáng nhớ. Ngày nay, Áo dài được phổ biến đến mọi người dân và là trang phục không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày cũng như dịp lễ Tết, hội hè; trở thành biểu tượng văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Cội nguồn lịch sử của Áo dài

Áo dài là trang phục của người Việt trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, nhiều giai đoạn thời gian mới có diện mạo như ngày hôm nay.

Ngay trên những tranh khắc của Trống đồng Ngọc Lũ cách đây vài nghìn năm đã thấy thấp thoáng bóng dáng của tà áo dài, tranh khắc trang phục của phụ nữ mặc trang phục với hai tà áo xẻ. Nói trang phục với hai tà áo xẻ lại là bóng dáng của áo dài, vì nét đặc trưng mạnh mẽ nhất của áo dài chính là hai tà áo. Cho dù trải qua bao nhiêu ngàn năm với bao nhiêu biến thể, nét duy nhất còn nhận ra được trang phục truyền thống của người Việt không bị lai tạp với các nền văn hóa khác chính là hai tà áo dài. Điều đó chứng tỏ áo dài là một nét văn hóa riêng của người Việt Nam.

Vào những năm 40 – 43 sau Công nguyên, Hai Bà Trưng đã mặc áo dài hai tà giáp vàng, che lọng vàng, cưỡi voi đánh trận. Tuy nhiên, dân gian tôn kính Hai Bà Trưng, tránh mặc áo hai tà mà mặc áo tứ thân với bốn thân áo tượng trưng cho bốn bậc sinh thành (của hai vợ chồng). Vả lại, khi đó kỹ thuật còn thô sơ, vải được dệt thành từng mảnh khổ nhỏ nên phải ghép bốn mảnh lại mới may đủ một áo, gọi quen là áo tứ thân.

H1 min - Hành trình trở thành Quốc phục của Áo dài Việt Nam - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiÁo Tứ thân của người dân miền Bắc cuối thế kỉ XIX (ảnh Tư liệu)

Tác giả Đào Duy Anh trong cuốn “Việt Nam văn hóa sử cương” đã viết: “… Theo sách Sử ký chép thì người Văn Lang xưa, tức là tổ tiên ta, mặc áo gài về bên tả. Sử lại chép rằng ở thế kỷ thứ nhất, Nhâm Diên dạy cho dân quận Cửu Chân dùng kiểu quần áo theo người Tàu. Theo những lời sách đó chép thì ta có thể suy luận rằng trước hồi Bắc thuộc thì dân ta gài áo về tay trái, mà sau bắt chước người Trung Quốc mới mặc áo gài về tay phải”.

Theo sách Trung Quốc Văn hiến thông khảo của Mã Đoan Lâm, ở Giao Chỉ thời xưa, “người có địa vị trong xã hội đều mặc áo dài <…>. Lễ lạt thì mặc thêm áo rộng màu thẫm trùm lên, gồm có bốn vạt, gọi là tứ thân”.

H2 min - Hành trình trở thành Quốc phục của Áo dài Việt Nam - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiÁo Tứ thân thời nay (ảnh Internet)

Cũng theo Văn hiến thông khảo của Mã Đoan Lâm, đối với trang phục nữ giới thời Lý, phụ nữ Đại Việt đều thích mặc áo trực lĩnh màu lục, thụng tay, đều thắt bằng váy đen. Áo trực lĩnh được hiểu là áo giao lĩnh, sở dĩ gọi trực lĩnh (cổ thẳng) chủ yếu nhằm phân biệt với áo viên lĩnh (cổ tròn).

Thời Trần, Toàn thư mô tả trang phục dự tiệc của vua Trần Minh Tông: “Vua mặc áo giao lĩnh màu vàng bằng là, đội mũ, thắt dây thao”. Qua bức tranh Trúc Lâm đại sĩ xuất sơn đồ, chúng ta bắt gặp các loại áo tứ thân, giao lĩnh.

Vào thời nhà Lê, áo giao lĩnh hết sức phổ biến, áp dụng cho cả đàn ông và đàn bà. Trong Tập du ký mới và kỳ thú về vương quốc Đàng Ngoài, Jean Baptise Tavernier mô tả cách ăn mặc người Việt vào năm 1681: “Đó là một cái áo dài đến gót chân, gần giống áo dài của Nhật Bản, đàn ông và đàn bà ăn mặc giống nhau không phân biệt. Áo dài họ mặc được thắt ở khoảng giữa thân bằng một cái thắt lung lụa, đeo đồ vàng, bạc đánh rất đẹp”. Loại áo dài gần giống kimono của người Nhật, được đàn ông và đàn bà Đại Việt thời Lê sử dụng rộng rãi chính là áo giao lĩnh.

Để thuận lợi hơn cho việc đồng áng, áo trực lĩnh đã giản tiện thành áo tứ thân. Với chiếc áo này, người mặc có thể buộc hai tà trước để trông gọn gàng hơn. Thời Hậu Lê – Trịnh, xã hội Đàng Ngoài thịnh hành loại áo tứ thân dùng cho nữ, áo giao lĩnh dùng cho nam và áo tấc. Sử sách ghi như vậy, nhưng thực tế vào năm 1956, khi khai quật ba ngôi mộ ở cánh đồng Bà Chúa (Thanh Hóa), các nhà khảo cổ đã phát hiện thi hài hai phụ nữ thời Lê – Trịnh còn nguyên vẹn, đều mặc áo dài 5 thân may bằng gấm màu cổ đồng.

Ngoài kiểu áo giao lĩnh thì các dạng áo tứ thân, váy đụp, yếm và khố đều là những kiểu trang phục truyền thống, cố cựu đã hiện diện từ thời xa xưa và tiếp tục kế tục đến thời Lê – Trịnh, đầu thời Nguyễn. Các thành ngữ “váy vận, yếm mang” (đối với phụ nữ) và “cởi trần đóng khố” (đối với nam giới) cho thấy trang phục lao động truyền thống của người Việt ta. Theo Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, trước khi diễn ra cuộc cải cách y phục Đàng Trong năm 1744, người Việt tại thành Gia Định “vẫn tuân theo tập tục cũ của Giao Chỉ, người dân xõa tóc đi chân đất, nam nữ đều dùng áo trực lĩnh ngắn tay, áo may khép lại hai bên nách, không có quần, đàn ông dùng một khổ vải quấn quanh eo, đến dưới mông thì lại bó thắt vào vùng rốn, gọi là cái khố, đàn bà có loại váy quay không gấp nếp, đội nón lớn”. Như vậy có thể thấy, trước kia nam giới cởi trần đóng khố, về sau đóng khố, mặc trùm áo giao lĩnh ra bên ngoài.

H3 min - Hành trình trở thành Quốc phục của Áo dài Việt Nam - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiÁo Ngũ thân kiểu Bắc, không cài cúc, mặc với váy và buộc dải thắt lưng (ảnh Tư liệu)

Áo dài ngũ thân Việt Nam ít nhất đã được hình tượng hóa rõ ràng qua pho tượng Ngọc nữ được tạc từ thế kỷ 17, ở chùa Dâu, Thuận Thành, Bắc Ninh. Cái áo dài trên pho tượng này không khác gì áo dài bây giờ.

Trước khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn thủ Thuận Hóa thì hai phủ Tân Bình, Triệu Phong cách ăn mặc theo kiểu Chàm. Từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào Thuận Quảng, người Việt vào đông thêm, nên y phục y theo kiểu họ đã sống ở Bắc.

Theo “Việt sử: Xứ Đàng Trong” của Phan Khoang, thì sau khi hai họ Trịnh – Nguyễn phân tranh (1627), quân sư Đào Duy Từ đã khuyên chúa Nguyễn Phúc Nguyên “bắt dân thay đổi tập tục cho khác hẳn dân Bắc, như bỏ nón thượng, đội nón chóp, bỏ quần màu đen, bận quần màu nâu, đàn bà bỏ áo bốn thân bày yếm mà mặc áo 5 thân gài khuy, bỏ tóc bao mà bối to, bỏ váy để mặc quần”.

Trong tác phẩm Phủ biên tạp lục, tác giả Lê Quý Đôn đã ghi lại sự kiện chúa Nguyễn Phúc Khoát là vị chúa Nguyễn thứ 8 lên ngôi năm Mậu Ngọ (1738) đã thay đổi trang phục của xứ Đàng Trong như sau: “… Nhân người ta truyền câu sấm “Bát thế hoàn trung đô” (Đến đời thứ tám, thì trở về Kinh đô), bèn đổi áo mũ thay phong tục, để cho cả nước mở đầu buổi mới…”.

Năm 1744, quần thần dâng biểu tôn Chúa Nguyễn Phúc Khoát lên ngôi Vương, đã ban hành nhiều chính sách và tiến hành sửa đổi y phục cho toàn xứ Đàng Trong. Sách Đại Nam thực lục do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn có ghi lại sự kiện này: “Giáp Tý, năm thứ 6 (1744), Chúa cho rằng lời sấm có nói: “Tám đời trở lại Trung đô”, bèn đổi y phục, thay phong tục, cùng dân đổi mới; châm chước chế độ các đời, định triều phục văn võ (văn từ chức Quản bộ đến Chiêm hậu, Huấn đạo; võ từ Chưởng dinh đến Cai đội, mũ sức vàng bạc, áo dung mãng bào hoặc gấm đoạn, theo cấp bậc). Thế là văn vật một phen đổi mới”.

H4 min - Hành trình trở thành Quốc phục của Áo dài Việt Nam - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiÁo tấc (hay Áo Ngũ thân tay thụng) – (ảnh Tư liệu)

Trong tác phẩm Dã sử lược biên Đại Việt quốc Nguyễn triều thực lục được biên soạn bởi Nguyễn Văn Nhân và được Lý Văn Phức, Nguyễn Công Trứ biên tập sửa chữa, đã cho biết chiếc áo dài “quần chân áo chít” như sau: Dưới thời Nguyễn Phúc Khoát, Chúa “bắt đầu hạ lệnh chọn nam nữ sĩ thứ trong nước đều mặc áo nhu bào, mặc quần, vấn khăn, tục gọi là quần chân áo chít từ đây”. Sau cải cách của Chúa Nguyễn Phúc Khoát, bộ trang phục áo dài “quần chân áo chít” (quần có 2 ống chân, áo chít hẹp eo và cánh tay- còn được gọi là áo năm thân) đã trở thành hình ảnh thân quen đối với người Đàng Trong.

Trong cuốn 700 năm Thuận Hóa, Phú Xuân, Huế; Nhà nghiên cứu văn hóa Huế Nguyễn Đắc Xuân cho biết: “Chúa (Nguyễn Phúc Khoát) dựa theo áo quần của người Trung Hoa và người Chăm chế ra chiếc áo dài và quần hai ống cho dân xứ Đàng Trong. Lịch sử chiếc Áo dài Việt Nam bắt đầu từ đó”.

Sau cải cách của Chúa Nguyễn Phúc Khoát, trang phục mới của Đàng Trong, trong đó có chiếc áo ngũ thân mới – Áo dài Huế, đã nhanh chóng trở nên phổ biến chỉ trong một thời gian ngắn.

Thời Vua Gia Long, Michel Đức Chaigneau, con trai Thắng Đức hầu Jean Baptiste Chaigneau và bà Hồ Thị Huê, trong tác phẩm Souvenirs de Hue đã mô tả y phục của mẹ mình: “Bà mặc một chiếc áo dài rộng bằng lụa màu trắng, ống tay áo dài thả lửng, khoác lên trên là một chiếc áo lụa khác màu tím; chiếc quần bà mặc rộng ống bằng sa – tanh đen, phủ đến mắt cá chân, gần như để lộ ra đôi bàn chân, bà đội một chiếc khan đóng (khan vắn) màu xanh dương”.

Theo sách Đại Nam thực lục do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn thì đời Vua Gia Long cho rằng “Dân Bắc Hà thì kiểu quần áo không đẹp. Phải nên một phen sửa định mới có thể đồng nhất phong tục. Nhưng sửa đổi phong tục cũng phải dần dần”. Thay đổi trang phục đời Vua Gia Long chưa được toàn diện, mãi đến đời Vua Minh Mạng quy định mới mang tính bắt buộc.

Theo sách Đại Nam thực lục do Quốc Sử Quán triều Nguyễn biên soạn ghi chép việc Vua Minh Mạng bắt dân Quảng Bình đổi lại y phục như sau: “Bính Tuất, năm Minh Mạng thứ 7 (1826), ra lệnh cho dân châu Bố Chính dinh Quảng Bình đổi lối y phục. Vua bảo bộ Lễ rằng: “Địa đồ nhà nước đã thống nhất, lối chữ, cỡ xe đã giống nhau, há lại để chế độ khác nhau! Châu Bố Chính là đất thuộc Kinh Kỳ mà nhân dân ăn mặc vẫn còn khác quá, thế thực không phải là nghĩa cùng tập quán, cùng phong tục. Vậy ra lệnh cho dinh thần Quảng Bình truyền bảo cho dân châu ấy ăn mặc theo thể chế từ sông Gianh trở vào để cho cùng một phong tục, nếu khinh thường không đổi thì xử theo luật vi chê”. Tác phẩm Hoàng Việt Giáp Tý niên biểu cũng ghi nhận sự kiện này.

Từ năm 1828 trở đi, Vua Minh Mạng đã chuẩn hóa lại trang phục trong triều đình cũng như dân thường và quy định thành điển chế về trang phục. Vấn đề này được ghi chép trong sách Đại Nam thực lục: “Mậu Tý, năm Minh Mạng thứ 9 (1828), đổi lối áo quần từ sông Gianh trở ra Bắc. Trước đây, Thanh Nghệ và Bắc Thành tâu rằng: “Sĩ dân các hạt đều muốn nói đổi lối áo quần theo như cách thức của người từ sông Gianh trở về Nam. Triều đình bàn cho rằng: “Cái đạo dạy dân, không nên bắt ép phải giống nhau, mà nhân việc thi thố là cốt cho đều phong tục. Tiên triều châm chước lễ văn, chế định y phục từ sông Gianh trở về Nam, thấm thía đức hóa đã lâu. Thế tổ Cao hoàng đế, buổi đầu thống nhất, từ sông Gianh trở ra Bắc lối y phục chưa rảnh mà sửa đổi bởi vì đổi phong tục tất phải dần dần, cũng là để cho thích hợp với tính tự nhiên mà thôi. Hoàng thượng ta lập nên kỷ cương, phàm phép đo đạc cân lường Nam Bắc đều không khác nhau. Nay sĩ dân Bắc Hà thấy y phục chưa giống nhau mà đều xin thay đổi, thì cho theo sở nguyện cũng không hại gì. Nhưng dân gian giàu nghèo không đều, sợ khó may mặc được ngay, xin gia hạn cho tuần tháng để tiện cho dân”.

Sách Quốc triều chính biên toát yếu cũng ghi lại sự kiện này: “Tháng 10 năm 1828, truyền đổi cách ăn mặc từ sông Gianh trở ra”. Cũng theo sách Quốc sử di biên do Thám hoa Phan Thúc Trực biên soạn ghi lại việc thay đổi trang phục một cách chi tiết hơn: “Tháng 9 (năm 1828 dương lịch), Bắc thành phó tổng trấn Phan Văn Thúy xin đổi kiểu quần áo Bắc thành. Vua y theo… Vì thế, khẩn thiết dụ cho các ngươi nên thông sức cho sĩ dân trong hạt, phàm những cách thức quần áo đều nên theo như kiểu Quảng Bình trở vào Nam, chuẩn định từ cuối mùa xuân năm Minh Mạng thứ 10 (1829) nhất tề thay đổi để tỏ nghĩa tuân theo phép vua. Tháng 10, cho sao lục chiếu ấy bằng giấy vàng đưa khắp toàn hạt: Không cứ nam, nữ, già, trẻ kiểu cách quần áo đều phải sửa đổi lại, hạn 3 tháng, người nghèo thì cho 6 tháng…”.

Tuy vậy, gần 10 năm sau (1837), lúc nhà Vua đã cải tổ hệ thống hành chính theo phương thức trung ương tập quyền, nhưng trang phục mới vẫn chưa thống nhất, theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, nhà Vua phải ra lời dụ mang tính bắt buộc: “Trước kia, cho rằng áo mặc từ sông Gianh trở ra ngoài, vẫn thói tục hủ lậu, đặc biệt xuống dụ cho đổi theo áo mặc như từ Quảng Bình trở vào nam, để tỏ ra cùng một phong tục, lại cho kỳ hạn rộng rãi, để cho thong thả may mặc… mà có kẻ cứ theo tục cũ lỗi thời chưa đổi… Vậy hạn cho trong năm nay, cần phải nhất luật thay đổi cả, và khi sang năm mới, nếu vẫn còn theo thói cũ không đổi, tức thì trị tội nặng”.

H5 min - Hành trình trở thành Quốc phục của Áo dài Việt Nam - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiÁo Ngũ thân thời nay (ảnh Doãn Quang)

Từ đó, bộ trang phục Áo dài Việt Nam sản sinh ở kinh thành Phú Xuân (Huế) đã dần thay thế các dạng trang phục cổ truyền của Đàng Ngoài. Trong một công trình nghiên cứu công phu về lịch sử trang phục Việt Nam qua sách Ngàn năm áo mũ, nhà nghiên cứu Trần Quang Đức cho rằng: “Như vậy, dạng áo cổ đứng cài khuy kết hợp với quần hai ống là trang phục được phổ biến tại vùng Đàng Trong Việt Nam từ năm 1744. Chỉ sau khi nhà Nguyễn thống nhất đất nước, đặc biệt dưới triều Vua Minh Mạng, bộ trang phục này mới từng bước thay thế các dạng trang phục cố cựu của Đàng Ngoài, trở thành trang phục chung cho đàn ông và đàn bà, thường được gọi cái tên ngắn gọn là Áo dài”.

… đến Áo dài hiện đại ngày nay

Do ảnh hưởng sự giao lưu với phương Tây, từ đầu thế kỷ 20, chiếc áo dài cổ truyền được cải tiến dần. Khởi đầu từ những năm 30 từ những sáng kiến của họa sĩ Nguyễn Cát Tường, chiếc áo tứ thân, ngũ thân được cải tiến thành áo dài hai vạt với nhiều kiểu cách phong phú như kiểu eo rộng, chiết eo; kiểu tay raglan (ống tay nối chéo từ cổ tới nách), tay puff (ống tay nối ở vai), tay phồng; kiểu cổ lá sen, cổ thuyền, cổ trái tim… Những kiểu áo dài cách tân thời ấy được gọi là “Áo dài Le Mur”.

H6 min - Hành trình trở thành Quốc phục của Áo dài Việt Nam - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiHọa sĩ Cát Tường và phu nhân (đội mũ trắng) trong mẫu áo dài Lemur (1940)
(ảnh Tư liệu)

Trên báo Phong Hóa, số Xuân (11/2/1934), chủ bút Nhất Linh cho mở một mục mới có tên “Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô” do Nguyễn Cát Tường – một họa sĩ tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương (khóa 1928-1933) phụ trách. Ông đã có nhiều bài viết hướng dẫn việc làm đẹp của chị em, nhưng quan trọng là ông xướng lên cuộc cải cách y phục phụ nữ và đã có một cuộc cải cách táo bạo cho áo dài Việt Nam. Trước tiên, ông phân tích và trình bày những ưu, khuyết điểm của y phục phụ nữ đương thời, sau đó, ông đưa ra những đề nghị đổi mới cho thích hợp với thời tiết, thoải mái khi cử động, rộng rãi cho máu huyết lưu thông và tôn cao vẻ đẹp sang trọng, yêu kiều của người phụ nữ. Những mẫu y phục do ông thiết kế được đặt tên theo bút danh tiếng Pháp của ông: “Áo Lemur”.

Trên tuần báo Phong Hóa số 86, ra ngày 23/2/1934, với tựa đề “Y phục của phụ nữ”, họa sĩ Cát Tường đã đưa ra quan niệm của ông về cải cách áo dài: “Bộ áo các bạn gái rồi đây phải như thế nào? Trước hết, nó phải hợp với khí hậu xứ ta, với thời tiết các mùa, với công việc, với khuôn khổ, với mực thước của thân hình mỗi bạn, sau nữa, nó phải gọn gàng, giản dị, mạnh mẽ và có vẻ mỹ thuật và lịch sự. Nhưng dù thế nào, nó cũng phải có cái tính cách riêng của nước nhà mới được. Các bạn là phụ nữ Việt Nam, vậy áo của các bạn phải có một vẻ riêng để người khác khỏi nhầm các bạn với phụ nữ nước ngoài, như nước Tàu, nước Pháp, nước Nhật Bản chẳng hạn. Các bạn thử để ý nhận xem cái áo hiện thời của các bạn có điều gì bất tiện và thừa không?…

H7.1 min - Hành trình trở thành Quốc phục của Áo dài Việt Nam - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiMột vài mẫu thiết kế của họa sĩ Cát Tường đăng trên báo Phong Hóa

Trời sinh ra người, vốn sẵn dành cho các hình dáng riêng, chỗ nở chỗ thắt hợp với đủ phương diện mỹ thuật chứ chẳng phải là trơn tuột như cái hộp kẹo sìu hay ống bột Nestle. Bởi vậy áo mặc phải ăn với người, phải có đường lối văn minh thì vẻ đẹp ấy mới có thể để lộ ra ngoài được. Sau nữa kiểu mẫu phải tùy theo từng người mà thêm bớt. Ví dụ như áo người gầy phải nhiều nếp chếp (xếp ly) thêm mà áo người mập mạp phải cho lẵn thì trông mới mất vẻ khẳng khiu hay sồ sề. Muốn các bạn hiểu được những sự sửa sang hay thêm bớt đó thì từ kỳ sau, tôi sẽ lần lượt phô bầy những kiểu mẫu tôi đã nghĩ được…”.

Phong Hóa số 87, hoạ sĩ Cát Tường chỉ dẫn các bà, các cô nên mặc áo quần rộng rãi để hoạt động và hô hấp được thoải mái dễ chịu. Việc đầu tiên ông sửa lại cái tay áo qua vẽ mẫu bốn tay áo dài.

Tới Phong Hóa số 87, ông chê cái cổ áo bắt chước Tàu (Mãn Thanh): “Bỏ cổ áo cao đi, đừng theo Tàu nữa!”. Bỏ chiếc cổ áo cũ, để cổ được mở rộng, có thể thay thế bằng nhiều kiểu cổ tân kỳ khác như cổ bẻ, cổ viền, cổ đính đăng ten hình bánh bẻ (feston), cổ trái tim… 

H7.2 min - Hành trình trở thành Quốc phục của Áo dài Việt Nam - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiMột vài mẫu thiết kế của họa sĩ Cát Tường đăng trên báo Phong Hóa 

Trên báo Phong Hóa số 89, hoạ sĩ Cát Tường viết: “Nói ra sợ không ai tin, điều quan trọng nhất của y phục phụ nữ là chiếc quần!”. Họa sĩ đề nghị thay đổi cái quần với cạp mới, và ống quần mẫu mới: Cạp quần buộc xéo một bên (có thể cài khuy bấm thêm) hoặc cạp quần mở ở giữa, cài khuy như quần đàn ông. Ống quần: từ cạp tới đầu gối thu hẹp lại cho vừa với thân hình, từ gối xuống đến chân lại rộng dần ra để tăng thêm vẻ nhẹ nhàng khi đi đứng.

Nhưng đặc sắc nhất là mẫu áo dài Lemur được xuất hiện lần đầu tiên trên báo Phong Hóa số 90 (ra ngày 23/3/1934). Ở mẫu đầu tiên này, áo dài có tà trước và tà sau, eo được thu nhỏ để sát vào bụng nên người mặc nổi rõ phần ngực, dáng điệu kín đáo mà mềm mại, nữ tính. Điểm chia hai tà áo trước sau, cũng trễ dưới eo độ 8cm. Điều khác biệt nhất là eo áo được nhấn nhẹ: hơi sát vào bụng; áo này, khi mặc lên hơi sát vào bụng nên trông như ngực nở ra.

Đáng nói hơn, các mẫu áo dài Lemur còn được sáng tạo để dùng cho từng mùa trong năm và thời điểm trong ngày hoặc theo từng dáng người “béo và lùn”, “cao và gầy”,… Các “phụ kiện” đi kèm áo dài như khăn quàng, yếm, bao tay, giày, dép, guốc, mũ,… cũng được Nguyễn Cát Tường chăm chút thiết kế, cải cách. Qua từng kỳ báo, ông chỉ dẫn cho các chị em về cách ăn mặc hợp mốt, thuận lợi cho sinh hoạt hằng ngày.

H7.3 min - Hành trình trở thành Quốc phục của Áo dài Việt Nam - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà Hải H7.4 min - Hành trình trở thành Quốc phục của Áo dài Việt Nam - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà Hải

Một vài mẫu thiết kế của họa sĩ Cát Tường đăng trên báo Phong Hóa 

Năm 1935, sau khi hiện tượng áo dài Lemur đã lan rộng ra nhiều tỉnh thành, Nguyễn Cát Tường thực hiện chuyến đi xuyên Việt để cổ vũ cho phong trào mặc áo tân thời. Tại Huế, ông có cơ hội thiết kế nhiều bộ áo dài Lemur cho hoàng hậu Nam Phương. Ngày 9/7/1937, ông khai trương hiệu may áo dài Lemur của riêng mình, được quảng cáo là “hiệu may y phục phụ nữ tân thời to nhất Bắc Kỳ” ở số 16, phố Lê Lợi. Đây cũng là thời điểm các sản phẩm liên quan của thương hiệu Lemur như áo len, áo tắm, áo lót, mũ,… được bán rộng rãi và rất đắt hàng.

Áo dài Lemur bắt đầu tại Hà Nội từ năm 1934, đã tạo ra một phong trào đổi mới quy mô sâu rộng nhất từ xưa đến nay. Tới năm 2013 tại Tokyo, Nguyễn Cát Tường được nước Nhật vinh danh trong cuốn Đại Tự điển Danh nhân Thế giới là một họa sĩ và nhà thiết kế tân tiến lớn.

Áo dài Lemur của hoạ sĩ Cát Tường thịnh hành đến khoảng những năm 1943. Sau này, các thiết kế áo dài hầu như được lấy cảm hứng cách tân từ áo dài Lemur.

Đặc biệt là áo dài Lê Phổ, do họa sĩ Lê Phổ thiết kế kết hợp từ áo tứ thân và biến thể của áo dài Lemur. Lê Phổ đã thu gọn kích thước áo dài để ôm khít thân hình người phụ nữ, đẩy cầu vai, kéo dài tà áo chạm đất và đem đến nhiều màu sắc mới mẻ.

Lê Phổ đã bỏ hết những ảnh hưởng phương Tây và thay thế bằng những chi tiết từ áo tứ thân. Từ thời điểm này đến những năm 1950, phong cách áo dài Việt Nam đã trở nên vô cùng nổi tiếng.

H8 min - Hành trình trở thành Quốc phục của Áo dài Việt Nam - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiTrần Lệ Xuân với mẫu áo dài Trần Lệ Xuân (ảnh LIFE)

Đến năm 1958, tà áo dài chứng kiến một cuộc đột phá khác, với sự ra đời của áo dài Trần Lệ Xuân. Áo có phần cổ thuyền, thường được tạo điểm nhấn với các loại cài áo sang trọng.

Tiếp sau đó là áo dài Raglan còn gọi là áo dài giắc-lăng, xuất hiện vào năm 1960 do nhà may Dung ở Đakao, Sài Gòn sáng tạo ra. Điểm khác biệt lớn nhất của áo dài Raglan là áo ôm khít cơ thể hơn, cách nối tay từ cổ chéo xuống một góc 45 độ giúp người mặc thoải mái linh hoạt. Hai tà nối với nhau bằng hàng nút bấm bên hông. Đây chính là kiểu áo dài góp phần định hình phong cách cho áo dài Việt Nam sau này.

H9 min - Hành trình trở thành Quốc phục của Áo dài Việt Nam - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiTrình diễn áo dài trong Lễ hội Festival Huế

Áo dài Việt Nam qua các thời kỳ có sự biến đổi với nhiều kiểu dáng, chất liệu từ hiện đại đến phá cách. Áo dài còn được biến chuyển thành áo cưới, áo cách tân… Nhưng dù thế nào thì chiếc áo dài truyền thống của người phụ nữ Việt vẫn giữ được nét uyển chuyển, gợi cảm, kín đáo mà không trang phục nào mang lại được.

H10 min - Hành trình trở thành Quốc phục của Áo dài Việt Nam - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiÁo dài Việt Nam tại Lễ hội Áo dài TP. Hồ Chí Minh năm 2022

Theo nhịp sống hiện đại, áo dài truyền thống được các nhà thiết kế sáng tạo ra nhiều mẫu mã, kiểu dáng đem đến cho người phụ nữ Việt nhiều sự chọn lựa. Ngày nay, chúng ta có thể bắt gặp tà áo dài đầy màu sắc với nhiều kiểu dáng mới lạ, độc đáo trong công sở, nơi tâm linh hay ngoài phố phường.

H11 min - Hành trình trở thành Quốc phục của Áo dài Việt Nam - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiVẻ đẹp phụ nữ Việt với duyên dáng tà áo dài (ảnh Đinh Lơ)

Áo dài là quốc phục của nước Việt Nam, là niềm tự hào của dân tộc Việt. Dù thời gian có đổi thay, những mẫu trang phục ngày càng đa dạng và hiện đại nhưng trên khắp nẻo đường ở đất nước bình yên này, tà áo dài vẫn nhẹ nhàng tung bay mang theo nét đẹp, nét duyên dáng của người phụ nữ Việt Nam.

H13 min - Hành trình trở thành Quốc phục của Áo dài Việt Nam - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiĐa dạng áo dài nam và nữ với vẻ đẹp quyến rũ (ảnh Đinh Lơ)

Có thể nói, Áo dài truyền thống là một bộ trang phục đại diện cho cả một nền văn hóa, trở thành biểu tượng của nền văn hóa Việt Nam như nhà thơ Văn Tiến Lê đã từng ca ngợi:

“Đơn sơ hai mảnh tuyệt vời
Thân sau vạt trước thành lời nước non”

H14 min - Hành trình trở thành Quốc phục của Áo dài Việt Nam - Thạc sĩ, Nhà báo Phan Thanh Đà HảiHoa khôi miền Trung Đoàn Hồng Trang trong bộ sưu tập Áo dài Sắc hoa đất Việt của NTK Tommy Nguyễn (ảnh Nguyễn Tài)

Phan Thanh Đà Hải

     


     

BÌNH LUẬN

Vui lòng nhập bình luận của bạn
Vui lòng nhập tên của bạn ở đây